Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)

Chương 43: Kế sách thông minh của vợ hiền


Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 43: Kế sách thông minh của vợ hiền


Việc đào giếng cũng đã thực thi được hai ngày. Vào ngày thứ ba, Tưởng bắt đầu phân phát lương thực. Hạn hán, số đất ruộng của nhà họ Triệu không thu hoạch được nhiều, cậu phải sai người vào kho lấy ra hơn phân nửa số lương thực dữ trự vài tháng trước ra trả công cho nhóm dân làm phu đào. Sáng đó, người người kéo đến xếp hàng trước cửa nhà họ Triệu rất đông.Tưởng vừa đứng quan sát vừa chỉ thị người dân. Còn phát gạo có Tằm, Ái, Ngãi, Hỷ với vài người làm. Dù gì chẳng thể ôm mãi đau buồn nên các bà cũng đỡ đần một tay. Phần để giúp con trai đang trong vai trò xã trưởng, phần còn lại là các bà không nỡ để mặc mọi người đói khát. Lão Sâm tuy chẳng thích gì nhưng trên cương vị phó xã trưởng nên đành vờ giúp Tưởng.Ngoài ra còn có một vài bá hộ đem lương thực đến nộp theo yêu cầu của xã trưởng. Đúng là phần lớn ở đây các bá hộ, cường hào đều chống đối cái lệnh này nhưng cũng có một số ít vẫn nghe theo Tưởng. Dẫu vậy số ít ấy vẫn không đủ so với lượng lớn các bá hộ chống đối kia.Thập Quý đứng ung dung, tay phe phẩy quạt giấy, bên cạnh có thêm vài chục bá hộ khác. Họ không đồng ý việc góp lương thực nhưng cứ thích đến đây xem vui. Nhìn người dân đói khổ chờ đón những bao lương thực, họ chẳng mảy may động lòng.Quan sát tình hình đã ổn, bấy giờ Tưởng mới bước đến chỗ các bá hộ đang đứng khoan thai, hỏi họ đến bao giờ mới trưng nộp lương thực. Những người khác khẽ đưa mắt nhìn nhau, không muốn phải lên tiếng riêng có Thập Quý là tỏ vẻ để tâm lời xã trưởng, mà trả lời:
“Chúng tôi đã nói rõ rồi còn gì? Việc trưng thu lương thực này không hợp lẽ.”
“Không hợp lẽ ở chỗ nào? Người dân đang đói, chả nhẽ bỏ mặc?”
“Chúng tôi đâu bảo ngài bỏ mặc con dân, mà như ngài biết đấy, hạn hán thì cả xã Thổ đều rơi vào khó khăn đâu riêng gì ai. Bá hộ chúng tôi cũng đâu sung sướng, ruộng đất không trồng trọt được thì đào đâu ra lương thực. Giờ chỉ còn một ít trong kho phải giữ cho cả nhà ăn, đưa hết cho ngài thế là chết đói mất.”
Tưởng nhận ra nét mặt hả hê lẫn khoái chí của các bá hộ, cường hào khi nghe lời ứng đáp quá tài tình của Thập Quý. Trông hắn cứ như nhà biện luận giỏi tài ăn nói. Nhìn dáng vẻ kính cẩn nhưng đầy ngạo mạn ấy, Tưởng chậm rãi bảo:

“Đừng nghĩ ta không rõ các vị đã làm gì. Bốc lột người làm thuê trên đất mình, trả tiền nhân công bèo bọt, trước đó còn thu mua một lượng lớn số thóc gạo để chờ thời điểm hạn hán này mà bán ra với giá cắt cổ. Các vị làm giàu trên xương máu của người dân. Số lương thực phải trưng thu, so với số đang tích trữ, chẳng đáng bao nhiêu.”
Chất giọng Tưởng rành rọt, khiến ai nấy bắt đầu chột dạ tuy nhiên vẫn giữ dáng vẻ bình thường. Xã trưởng biết thì đã sao, tích trữ lương thực đâu phải phạm pháp. Thập Quý tỏ ra đăm chiêu:
“Tóm lại, chúng tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, mong ngài hiểu cho.”
“Ta nhất định sẽ bắt các vị trưng nộp lương thực.”
“Thế thì ngài hãy bước qua xác ta trước đã.” Quý nhìn bằng đôi mắt sắc bén, “hoặc không thì đến lúc nào đấy ta đành mời tri huyện Xuyên về nói chuyện với ngài.”
Tưởng biết ngay tên cường hào này đang ngầm đe dọa mình. Hắn mang uy quyền của quan tri huyện ra phủ chụp trước. Lúc Quý quay lưng bỏ đi thì một cách mau chóng, Tưởng đặt tay lên vai hắn, siết chặt. Trừng mắt, hắn phản xạ nhanh như cắt là uyển chuyển xoay vai để thoát khỏi sự kìm giữ từ đối phương. Tưởng chợt nhận ra, tên đó cũng biết chút võ thuật.Thấy Tưởng giương mắt nhìn chằm chằm, Thập Quý làm bộ làm tịch cười trừ rồi sắc mặt chuyển qua lạnh tanh không chút kiêng nể khi xoay lưng cất bước. Dõi theo bóng dáng hắn xong, Tưởng đảo con ngươi xuống bàn tay mình.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tưởng và Thập Quý đã được Tằm quan sát nãy giờ. Vừa phát lương thực, Tằm vừa nghĩ ngợi và hiểu rằng, vẻ như chồng mình đang phải đối diện với một kẻ đáng gờm đây.Ngoài Tằm, kẻ thứ hai quan sát màn đấu đá kịch tính đó với tâm trạng thích thú là lão Sâm. Xem ra tuồng càng lúc càng hay, cần theo dõi diễn biến tiếp theo thế nào.Ái xin phép các mẹ trở về phòng với lý do hơi mệt, nhưng thực ra là muốn đi xem Liêm đang làm gì mà không ra giúp mọi người một tay. Hạn lớn, nhà họ Triệu làm công quả phân phát gạo cho người dân, vừa thêm công đức vừa có tiếng thơm. Dĩ nhiên ai chẳng biết người có công lớn nhất ở đây là Tưởng, xã trưởng mới nhậm chức.Tuy mang danh nghĩa phát gạo trả công cho dân về việc đào giếng nhưng ai nấy đều cảm phục trước tấm lòng của Tưởng. Xã trưởng là người đầu tiên thực hiện chuyện trưng thu lương thực thử hỏi làm sao cậu không được khen ngợi. Chính lúc này mới là cơ hội tốt để lấy lòng người, ấy vậy mà Liêm cứ nhốt mình trong phòng đau xót trước cái chết của Triệu xã trưởng mà chẳng ra mặt đỡ đần em trai.
Đi được mươi bước, Ái bắt gặp Ni từ nhà dưới đi lên. Biết con hầu vừa mang cơm cho Liêm nên Ái gọi đến hỏi tình hình thế nào. Ni thưa, mình đem cơm vào phòng là thấy cậu Liêm ngồi bên bàn sách đọc rất chăm chú mấy quyển Phật pháp. Ni hỏi cậu không ra phát lương thực cùng mọi người sao? Liêm bảo, giờ bản thân chỉ muốn yên tĩnh hối lỗi với cha, đồng thời nghiền ngẫm lời dạy của Phật để tâm hồn thanh tịnh.
Ái nghe xong thì giận đến mím môi. Cái gì mà hối lỗi? Còn nghiền ngẫm lời Phật dạy để tìm sự thanh tịnh nữa! Cô nàng quá chán nản, chẳng rõ chồng đang nghĩ cái gì trong đầu. Càng lúc, nỗi lo lắng càng lớn dần trong lòng Ái, khéo sẽ dẫn đến sự bất lợi không lường trước được.***Vừa về đến nhà là lão Sâm nhận ra tên người làm của Thập Quý đứng chờ trước cổng. Nhác thấy lão, hắn nhanh nhẹn chạy đến thưa chủ nhân sai mình đến đưa cho phó xã trưởng một thứ. Lão hỏi hắn là gì. Đưa mắt nhìn quanh, tên người làm khéo léo luồng vào tay lão Sâm một bì thư màu vàng khá cộm. Xong xuôi, hắn cúi chào bỏ về.
Lão Sâm cũng thuộc dạng khôn ngoan, khoan vội mở bì thư mà ung dung bước vào nhà, đóng cửa lại. Bảo tên hầu mang trà lên rồi bấy giờ còn lại một mình trong phòng mới chậm rãi lôi nó ra xem. Vừa thấy thứ ở trong thư là lão thoáng ngạc nhiên, lát sau mới khẽ nhếch mép cười. Là những tờ giấy bạc còn nguyên mới, kèm theo bức thư vỏn vẹn một dòng: Trưa mai tôi hẹn ngài ở Thanh Mai lâu, không gặp không về.Giữ chức phó xã trưởng mấy chục năm trời, biết bao nhiêu người lui tới nhà lão Sâm tặng quà, nói lời a dua xu nịnh. Lý nào lão không hiểu dụng ý của tên cường hào này. Hắn định bắt tay với phó xã trưởng bằng cách hối lộ đây mà. Cũng khéo lắm! Hắn cả gan làm vậy, tức là biết khá rõ về mối mâu thuẫn giữa lão với Tưởng nên dò la thử lão có muốn hợp tác cùng lật đổ tên xã trưởng đáng ghét kia. Nhét mấy tờ bạc vào túi áo, lão vuốt râu cười khỉnh.***Ngồi yên suốt một canh giờ, Tưởng vẫn giữ nguyên tư thế trầm tư. Cậu đang tìm biện pháp buộc những bá hộ kia phải trưng thu lương thực. Cậu hiểu rõ thế lực của bá hộ ở xã Thổ vì vậy không muốn đối địch với họ nên việc cần làm là khiến họ tự nguyện nộp lương thực mà không qua sự cưỡng ép nào. Điều ấy thật chẳng dễ dàng!
Cửa thư phòng mở, Tưởng thấy Tằm đi vào, liền hỏi vợ vào đây có chuyện gì. Tằm đến bên cạnh, nhẹ nhàng vuốt vai áo Tưởng, nói nửa điềm nhiên nửa như trách:

“Mình đấy, vết thương vừa lành là lại lao vào giải quyết công việc rồi.”
“Xã Thổ đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, làm sao ta không lo được.””Ý em là mình đừng quá sức, kẻo lại ảnh hưởng đến sức khỏe.”
Vỗ nhẹ tay Tằm, Tưởng cười bảo, biết rồi! Ngồi xuống phía đối diện, Tằm hỏi chồng đang nghĩ về chuyện trưng thu lương thực phải không? Thấy Tưởng gật đầu thì Tằm nói tiếp, nghe rất hiểu biết:
“Thế lực của bá hộ không phải dạng vừa. Đặc biệt là cường hào Thập Quý.”
“Ta biết, nhưng không thể để mặc như vậy.” Tưởng nghiêm túc, “họ tích trữ lương thực rồi bán giá cắt cổ chẳng khác gì rút đi xương máu người dân. Gạo trong kho đầy rẫy, nộp ra có một phần mà họ cũng không chịu, quá tham lam ích kỷ.”
“Thế mình định làm gì?”
“Bằng mọi cách, ta sẽ lấy đủ số lương thực mà họ cần trưng thu, cho dù có phải đối địch với tất cả hay dùng đến vũ lực.”

Ngồi hết một canh giờ, cứ ngỡ Tưởng tìm ra cách gì hay ho nào ngờ lại nghĩ đến chuyện dùng vũ lực uy hiếp các bá hộ, không khỏi làm Tằm thấy buồn cười. Tằm nghĩ chồng định ra tay cướp đấy ư? Tuy không hợp lẽ nhưng đúng là giống với tính hiếu thắng của Tưởng lắm.”Mình à, dùng cương chẳng xong thì ta dùng nhu.”
Tưởng nhìn vợ, khẽ nhíu mày chưa rõ “kế sách nhu” ở đây là gì? Tằm khẽ cười:
“Đôi khi lùi một bước lại là tiến mười bước. Thay vì làm khó, bắt ép các bá hộ thì ta hãy khuyến khích họ, bằng cách cho họ nhận được cái lợi nếu trưng thu lương thực.”
“Ý mình là…”
“Giúp họ lấy công chuộc tội. Các bá hộ, cường hào này dĩ nhiên cũng đã vài lần phạm tội, có những tội vẫn đang được chờ thụ lý và lưu trong các văn kiện mà cha từng giữ. Nếu đem cái này ra làm giá trao đổi thì em nghĩ, họ sẽ đồng ý thôi.”
Mắt Tưởng chợt sáng bừng. Lời gợi ý này chẳng tầm thường chút nào. Đúng rồi, đem tội của những bá hộ ra rồi để họ tự xóa tội của mình bằng việc trưng thu lương thực. Đeo vào cổ họ cái gông, nhưng đồng thời cũng cho họ chìa khóa tự mở gông. Tuy không chắc toàn thắng nhưng cách này khả năng thành công khá cao. Phải thử mới biết! Tưởng khều nhẹ chiếc cằm xinh của vợ, khen: “Mình thông minh lắm”.Nghe khen, Tằm điềm nhiên phủi nhẹ vạt áo của chồng, mỉm cười.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.