Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 37: Quyên giấu bức thư khẩn của Tưởng
Tằm bàng hoàng đến nỗi đã liên tục lắc đầu, không thể có chuyện ấy! Con của cô sẽ không chết! Trước sự kích động của Tằm, ba bà liền giữ lấy người con dâu.
“Bình tĩnh, Tằm! Con còn yếu lắm!” Bà Hai khuyên ngăn.
Thế nhưng Tằm đã vùng dậy lao xuống giường, hét lên trong nước mắt rằng: “Con sẽ đi tìm con! Nhất định sẽ tìm được con trở về!”. Đi chưa được mấy bước thì đôi chân víu vào nhau, Tằm ngã xuống đất. Ba bà hốt hoảng chạy đến đỡ con dâu.
Khi đó ở bên ngoài, Liêm đang nói chuyện với Kiên về tình hình của Tằm thì bỗng nghe âm thanh huyên náo ở trong phòng liền nhanh chóng chạy vào. Trước, Kiên hay tin Tằm bị sẩy thai nên vội vội vàng vàng đến nhà họ Triệu hỏi thăm thế nào. Vừa hay lại gặp anh trai Tưởng, thế là cậu được nghe Liêm thuật lại sự việc.
Vừa mở cửa ra, Liêm và Kiên sửng sốt thấy cảnh Tằm ngồi dưới đất, nức nở gọi con trong khi ba bà vất vả khuyên ngăn. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, Kiên toan bước đến an ủi thì Liêm nhanh chân hơn, đến gần và nắm lấy vai Tằm, rành rọt:
“Tằm! Em hãy bình tĩnh! Đứa bé mất rồi, em phải mạnh mẽ…”
Tằm lắc đầu liên tục, dường như không còn kiểm soát được bản thân nữa, giương đôi mắt đầm đìa nước nhìn Liêm, cổ họng nghẹn ứ:
“Con mất rồi em phải làm sao đây? Em không muốn! Không muốn!”
Thấy Tằm vùng vẫy kịch liệt, Liêm chỉ còn cách ôm chầm lấy em dâu. Trước sự ngạc nhiên của các mẹ và vợ, cậu siết chặt cơ thể đang run mạnh của Tằm. Cố nén những tiếng khóc tức tưởi, những giọt nước mắt tang thương và nỗi đau rã rời đang giày vò Tằm vào trong lòng mình, Liêm nhắm mắt chịu đựng mọi lời than trách.
Được một cơ thể to lớn bất ngờ ôm lấy, cả sự ấm áp cũng giống với Tưởng, nỗi đau của Tằm như mảnh đất khô cằn được cơn mưa tươi mát xoa dịu. Mặt áp chặt vào người Liêm, âm thanh nức nở bị đè nén không thể phát ra, giọng Tằm kêu ư ư và cả thân hình đang gồng lên chịu đựng dần dần dịu lại. Đôi mắt đầm đìa lệ, cô đưa tay bíu chặt lấy tay áo Liêm. Một bàn tay dịu dàng đặt lên lưng Tằm, xoa nhẹ. Là bà Tư, bà bảo Liêm đưa Tằm trở lại giường.
Quan sát dáng vẻ khổ đau của Tằm, Kiên không khỏi buồn bã. Tằm là một cô gái đặc biệt đối với cậu, nên trước tình cảnh này chẳng đặng kìm lòng được. Để rồi cậu nhủ thầm, giá như có Tưởng ở đây thì tốt biết mấy.
Trái ngược với Kiên, Ái chẳng những không thương xót mà còn nhìn Tằm đầy căm ghét. Nhất là trước cảnh Liêm tỏ ra an ủi em dâu quá mức.
***
Bắt gặp Tưởng đang ngồi thừ, Đỗ tri huyện dọ ý hỏi. Cậu lắc đầu bảo không sao nhưng kỳ thực lòng cứ bồn chồn chẳng yên. Không hiểu nguyên nhân gì mà lại mang tâm trạng lo lắng như vậy, Tưởng cảm giác như có ai đó đang gọi mình.
Tưởng lại nghe Đỗ tri huyện nói về chuyện ngày mai sẽ đến gặp Trịnh tri phủ. Hẳn cũng phải mất đôi ba ngày. Rồi ông tỏ ý cảm ơn cậu đã chăm sóc cho Quyên. Tưởng bảo đấy là trách nhiệm của mình, và hứa sẽ ở lại đây chờ đến lúc cô bình phục. Trong khi ông uống trà thì cậu đưa mắt ra ngoài cửa sổ. Trăng giữa tháng tròn vành vạnh chẳng xua đi nỗi canh cánh bủa vây.
***
Quyên nằm trên giường, thi thoảng trở mình vì buồn chán. Vết thương không nặng nên qua ba ngày đã đỡ hơn. Sáng sớm nay Tưởng và Đỗ tri huyện đều đi gặp tri phủ, chỉ mỗi mình ở nhà nên cô đâm ra chán chường. Nằm mãi muốn phát ốm, cô muốn đi dạo cho khuây khỏa. Quyên liền bảo con bé hầu dìu mình ra vườn.
Chậm rãi ngồi xuống ghế đá, Quyên ngửa mặt hít thở bầu không khí trong lành, tai nghe tiếng chim ríu rít quả chẳng còn gì tuyệt bằng. Mà nói đi cũng phải nói lại, dẫu vài ngày qua nằm buồn chán trên giường nhưng Quyên vẫn rất sung sướng vì có Tưởng chăm sóc. Nghĩ vậy, cô chấp nhận nằm thêm nhiều ngày nữa cũng không sao.
Quyên bỗng nghe tiếng gọi lớn, cùng lúc bóng dáng tên người làm chạy vào phủ nhà. Thấy cô chủ đang ngồi, hắn liền bước đến cúi chào và thở hổn hển. Quyên hỏi hắn có chuyện gì gấp gáp mà la lớn như thế. Hắn thưa rằng:
“Dạ, tôi là người đưa thư khẩn, chẳng hay có cậu Tưởng ở nhà không ạ?”
“Thư khẩn cho Tưởng? Của ai? Là việc gì?”
“Của nhà họ Triệu thưa cô. Còn là việc gì thì tôi không rõ.”
Nhà họ Triệu tại sao lại biên thư khẩn cho Tưởng? Chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì sao? Quyên ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo tên nọ đưa bức thư cho mình. Thấy hắn lưỡng lự cô tức giận đập tay xuống bàn. Hắn giật mình nói, người nhà họ Triệu yêu cầu phải đưa tận tay cậu Tưởng vì chuyện vô cùng quan trọng!
Bản thân rất muốn biết đấy là chuyện gì nên Quyên đành nhẹ giọng:
“Ta hiểu nhưng Tưởng đã cùng cha ta lên gặp tri phủ sáng nay. Ngươi cứ đưa cho ta, khi nào Tưởng về ta sẽ đưa lại cho.”
Không muốn phải chọc giận Quyên lần nữa vả lại hiện tại Tưởng không có ở đây nên sau cùng hắn đưa bức thư ra và xin cô hãy giao tận tay cậu. Lúc hắn rời đi, Quyên nhìn lại lá thư trên tay. Biết là không thể xen vào chuyện nhà của người khác nhưng vì nó liên quan đến Tưởng nên cô rất tò mò. Nhanh chóng, cô mở bức thư.
Dòng chữ nắn nót của thằng Ngãi hiện ra, giọng văn nghe sốt sắng lắm và chỉ đề cập là mợ Tằm xảy ra chuyện nên cậu Tưởng hãy mau về nhà.
Hóa ra là về Tằm. Chẳng rõ chuyện gì mà quan trọng đến vậy, nhất quyết ép Tưởng phải về nhà. Trong thư viết khá mơ hồ khiến Quyên bực bội. Dẫu là chuyện gì thì đâu thể quan trọng bằng việc đi gặp quan tri phủ, cô hạ bức thư xuống và tự nhủ. Thư đã đọc xong, bây giờ đến lượt Quyên nghĩ có nên đưa nó cho Tưởng.
Tằm gặp chuyện ắt hẳn Tưởng sẽ quay về nhà ngay, dĩ nhiên sẽ bỏ Quyên ở lại đây. Đó chính là điều cô không muốn nhất. Vì Tưởng, Quyên chấp nhận lãnh lấy nhát đao và nhờ thế cả hai mới có cơ hội ở gần bên nhau. Nay cậu bỏ đi há chẳng khác nào thành công cốc. Nhìn xuống bức thư lần nữa, cái tên Tằm hiển hiện trong đáy mắt cô. Tại sao lúc nào cũng là Tằm…?
Tằm xảy ra chuyện chắc tệ lắm cũng chỉ ngã bệnh, mà biết đâu tên người làm nói quá lên rồi để Tưởng lỡ mất chuyện công có phải phí sức không. Chưa kể, Quyên còn bị thương lý nào để Tưởng bỏ về nhà chỉ vì quá chiều vợ? Sau cùng, cô gấp lá thứ lại quyết định không đưa cho cậu. Quyên làm vậy phần vì chuyện công, phần khác là muốn Tưởng chăm sóc cho mình lâu thêm chút. Có thể hơi ích kỷ nhưng cô khao khát một lần thôi, cậu sẽ toàn tâm toàn ý vì mình.
***
Liêm đến gặp thầy Vãn, tình cờ thấy thầy lang Phiệc ngồi đọc sách. Nhác thấy cậu, ông mỉm cười bảo hãy ngồi xuống trò chuyện. Vừa rót trà ông vừa nói thầy Vãn ra chợ phiên chốc lát sẽ về. Lễ phép đón lấy tách trà, Liêm uống mà đầu óc cứ thả trôi ở tận đâu. Nhận ra vẻ ưu phiền của đối phương, thầy lang Phiệc hỏi thăm. Nhớ đến Tằm, Liêm từ tốn kể hết mọi chuyện.
“Đời người ai cũng phải trải qua những đau buồn, bất hạnh và tai kiếp. Chuyện mất mát vốn là lẽ thường và ít ai ngộ ra cái điều tự nhiên ấy nên cứ mang mãi nỗi đau không dứt.” Thầy lang Phiệc vuốt râu hạ giọng.
“Con người đâu dễ dàng giác ngộ, nhất là khi rơi vào bể khổ.” Liêm bảo.
“Chuyện trên đời đều phải có chữ duyên. Duyên nhiều thì thành nợ. Đứa bé mất đi, tức là đã cắt đứt mối duyên với mợ Tằm. Nếu đã hết duyên nợ, dù cầu khẩn hay níu kéo cũng vô vọng. Cái gì đến thì vui vẻ giữ lấy, rồi khi nó đi cứ thanh thản buông tay. Con người mà ngộ được điều này ắt sẽ sống vui thôi.”
Chuyện của Tằm khiến Liêm nửa lo nửa buồn, nay nghe thầy lang Phiệc giảng đạo, lòng cũng có đôi chút nhẹ đi. Giá mà Tằm hiểu ra như thế thì chắc sẽ thanh thản hơn. Cậu nhìn ông hỏi, phải chăng vì ông sống gần hết đời người nên mới thấu hiểu tường tận mọi lẽ thường? Thầy lang Phiệc gấp cuốn sách lại, cười:
“Một phần là vậy, phần khác là do nhiều năm tôi nghiên cứu Phật pháp nên giống như được khai sáng, tâm tĩnh như không, nhìn vạn vật đều hiểu căn nguyên.”
Liêm chuyển ánh nhìn xuống cuốn sách Phật đạo dưới tay ông, bất giác ngẫm nghĩ những đạo lý trong đó thật là kỳ diệu. Quan sát dáng vẻ tò mò của Liêm, thầy lang già nở nụ cười kín đáo xong đẩy nhẹ cuốn sách về phía trước. Nếu có nhã hứng thì cậu cứ đọc qua, biết đâu sẽ lĩnh hội ra nhiều điều không ngờ đến.
“Ai rồi cũng phải trở về với cát bụi. Giả sử người ta hiểu được thì ắt hẳn sẽ thấy rằng, chẳng có chuyện gì là quá to tát.”
Ông buông một câu nhẹ tênh khi nhìn lũ chim nhảy nhót trên cành cây. Nhìn ông chốc lát, Liêm nhẹ nhàng cầm cuốn sách lên.
***
Hai ngày qua, Tằm nhốt mình trong phòng chẳng chịu ra ngoài, cứ nằm suốt trên giường nghĩ về đứa con vắng số. Càng nghĩ, Tằm càng trách mình đã dễ dàng để con ra đi như thế, nước mắt rơi ướt đẫm gối nằm trong đêm khuya.
Tằm khóc đến lúc mệt lả thì chìm vào giấc ngủ chòng chềnh, vẫn chẳng yên lòng. Thậm chí Tằm còn gặp ác mộng, thấy cảnh con chết trong bụng mình liền giật mình tỉnh giấc rồi đưa tay sờ nhẹ lên bụng mà khóc tiếp. Lúc đầu Tằm mong chờ và thương yêu bao nhiêu, giờ con mất thì tim đau siết bấy nhiêu.
Tằm nghĩ đến Tưởng. Chắc Tưởng chẳng ngờ được, đêm trước lúc lên đường lại là lần cuối cùng cậu được thủ thỉ với con. Tưởng đã hạnh phúc biết bao khi sắp làm cha, chẳng những vậy còn gọi đùa con bằng từ Bảo Bối. Nếu hay tin con mất chắc cậu sẽ đau khổ lắm. Cứ nghĩ đến nước mắt của chồng thì Tằm thêm ân hận cắn rứt vì mình đã không bảo vệ được con.