Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 35: Vợ hay chồng, ai sẽ gặp nạn?
Hôm nay trời còn tờ mờ sớm, Tưởng đã thức dậy, vận quần áo chỉnh tề để đi huyện theo hoạch định trước đó. Chuẩn bị hành trang xong, Tưởng nhìn vợ và ân cần dặn dò hãy giữ gìn sức khỏe chờ ngày mình trở về. Tằm gật đầu rồi ôm chồng.
Tưởng và mọi người cùng bước ra cửa. Bên ngoài đã có chiếc xe ngựa chờ sẵn. Gần đó, Quyên đang đứng chán chường vì cứ nghe lời dặn dò tỉ mỉ của Kiên. Vì còn việc phải ở lại xã Thổ nên cậu không đi cùng được, thế nên chẳng mấy an tâm. Đến lúc bực bội quá, Quyên liền leo tuốt lên xe ngựa.
Nghe các mẹ dặn dò xong, Tưởng đưa mắt sang vợ lần nữa. Tằm cũng nhìn cậu, mỉm cười gật đầu hàm ý bảo hãy yên tâm lên đường. Ngày trước lên tận kinh thành ở suốt mấy năm lại chẳng mảy may lo lắng gì nay chỉ đi huyện tầm mươi ngày mà lòng thấp thỏm thế này, hẳn do Tằm đang mang thai nên Tưởng mới bồn chồn. Có tiếng Kiên cất lên bên cạnh đầy thúc giục, bấy giờ Tưởng mới chịu quay lưng.
Tên phu xe quất mạnh roi, con ngựa bước lọc cọc trên đường đất vắng vẻ. Tằm cứ dõi mắt theo chiếc xe ngựa hòa vào sương sớm còn chưa tan, khẽ đưa tay vẫy chào. Cái nhìn bỗng dưng đầy khắc khoải, người đi chỉ vừa cất bước mà kẻ ở lại đã thấy ngóng trông, vì lòng Tằm bất giác không yên. Dường như có một linh cảm xấu vừa dấy lên.
Dẫu đã đi xa lắm rồi mà Tưởng vẫn chưa chịu buông rèm cửa xe xuống, mãi nhìn đăm đăm về phía nhà họ Triệu. Tự dưng Quyên cất giọng lãnh đạm, “ở đây có trông mỏi con mắt cũng chẳng còn thấy người đâu! Xa nhau có mươi ngày mà đã khổ sở như thế sao?”. Biết Quyên đang khó chịu, Tưởng đành lẳng lặng buông rèm cửa.
***
Liêm đến gặp thầy Vãn, cốt muốn được học tiếp chờ khoa thi gần kề. Nhác thấy cậu học trò cũ, thầy Vãn tỏ ra ngạc nhiên, cũng mấy tháng rồi mới gặp lại kể từ sau khi cậu bỏ nhà đi cùng Ái. Chào hỏi nhau dăm ba câu, Liêm ngập ngừng hỏi ý thầy cho mình được học lại. Lẽ dĩ nhiên ông đồng ý thôi.
Thầy Vãn bảo Liêm vào nhà, vừa hay có một bằng hữu lâu năm đến gặp nên ông muốn giới thiệu cho cậu. Vừa đi vào trong, Liêm đã thấy một người đàn ông tầm lục tuần, dáng vẻ nho nhã nghiêm trang, nét mặt phúc hậu và sáng ngời kỳ lạ. Cậu ngầm đoán, hẳn đây không phải người tầm thường.
“Đây là thầy lang Phiệc, bạn tri kỷ của thầy mấy chục năm rồi. Ông ấy sống tận trên núi, thi thoảng mới xuống đây thăm thầy.” Thầy Vãn nhìn qua bằng hữu già, “còn đây là Triệu Liêm, con trai trưởng của xã trưởng. Thông minh sáng dạ và rất có chí tiến thủ, cậu ấy là học trò mà tôi ưng ý nhất.”
Liêm cúi chào lấy lễ. Thầy lang Phiệc cũng chào lại rồi quan sát Liêm từ trên xuống dưới với vẻ nửa hài lòng nửa thú vị. Cậu Hai nhà họ Triệu luôn gây ấn tượng với người khác bởi bề ngoài tri thức, nhã nhặn nhưng đối với thầy lang này, cậu còn mang một điều gì đó rất đặc biệt. Thứ ánh sáng dìu dịu thanh tao thật kỳ lạ. Để rồi ông đưa tay vuốt chòm râu bạc, kiểu khá trầm tư.
Thầy Vãn vừa rót trà vừa nói thêm cho Liêm biết về thầy lang Phiệc. Ông là thầy lang giỏi nhưng lại lui về miền sơn cước hành nghề cứu người nghèo. Vì vậy ít người ở xã này biết đến y thuật cao thâm của ông. Chẳng những thế, thầy lang Phiệc còn có duyên với Phật, tuy không khoác áo tu hành nhưng ngày ngày đều đọc kinh nghiên cứu Phật pháp. Những lẽ vô thường ở đời, ông đều biết qua hết.
“Được gặp một người cao quý như thầy lang Phiệc quả là vinh dự, Liêm thấy mình thật hèn mọn.” Liêm kính cẩn.
“Cậu Liêm đừng nói thế, tôi chẳng qua có chút tài mọn thôi, không dám nhận là người cao quý gì.” Ông cười hỏi, “chẳng hay vì sao đang học mà cậu lại nghỉ?”
Thầy Vãn kín đáo nhìn Liêm, chuyện cậu bỏ đi cùng cô đào cả xã này đều biết. Nghĩ mình vừa hỏi một câu không nên, thầy lang Phiệc liền bảo Liêm không muốn trả lời cũng chẳng sao. Vốn luôn điềm tĩnh nên Liêm đáp ý nhị rằng:
“Chỉ là do việc cưới vợ không được thuận ý thôi…”
“Vậy ra cậu Liêm đã lập gia thất rồi à?”
“Bây giờ mọi chuyện đã ổn nên có thể xem là thế. Tôi cũng sắp có con rồi.”
Thầy lang Phiệc im lặng, lại tỏ ra suy tư. Hiển nhiên thầy Vãn tinh ý nhận ra, lòng thắc mắc không biết bằng hữu già có ý gì với cậu học trò của mình. Trò chuyện thêm một lúc, Liêm xin phép sang thư phòng đọc sách. Chỉ chờ có thế, thầy Vãn liền hỏi về biểu hiện khác thường ban nãy. Thầy lang Phiệc từ tốn nói:
“Tôi hơi ngạc nhiên khi cậu Liêm đã có vợ con.”
“Nam nhân tuổi này mà lập gia thất thì có gì lạ chứ?”
Nhớ lại cảnh vừa rồi mới gặp Liêm, thầy lang Phiệc hạ giọng thật trầm:
“Tôi nhận ra cậu Liêm có một vầng sáng rất thoát tục nhẹ nhàng, xem chừng là người có căn duyên với cửa Phật đấy.”
Đến lượt thầy Vãn ngạc nhiên, thật thế ư? Thầy lang Phiệc gật đầu, bản thân nhìn người thì không bao giờ lầm. Cậu chủ trẻ đó ắt hẳn sẽ phải tìm đến con đường Phật pháp, chỉ là sớm hay muộn thôi. Có thể bây giờ Liêm còn mối dây duyên nợ với một số người nhưng rồi cũng nhanh cắt đứt, rời bỏ phàm tục mà tu hành. Rồi ông chợt buông một câu, si mê thì cũng có ngày tỉnh ngộ!
***
Đúng ba ngày sau, Tưởng và Quyên lên tới huyện. Xe ngựa đưa hai người đến trước cửa Đỗ phủ thì dừng lại. Tưởng phải vào gặp Đỗ tri huyện chào một tiếng rồi mới tìm nhà trọ nghỉ ngơi. Cả hai vừa đi vào trong là đám người làm chạy ù ra thưa, ông chờ cô Quyên và cậu Tưởng lâu rồi. Họ liền cất bước.
Khi ấy ở nhà họ Triệu, Ni lại mang thuốc lên cho hai mợ uống. Để tránh nghi ngờ, Ni để Ngãi nấu thuốc rồi lén bỏ thuốc vào chén của Tằm trong lúc đi từ nhà bếp đến phòng chính. Vẫn như mọi lần, trước khi cầm chén thuốc đưa lên miệng là Ái kín đáo nhìn Tằm uống cạn phần thuốc kia. Đã một tuần qua, Tằm không hề biết mình đã uống những chén thuốc đang giết dần đứa con chưa thành hình ở trong bụng. Tằm đâu ngờ được có một kẻ lại ra tay tàn ác đến thế, vì quyền lực mà sẵn sàng ra tay với một đứa trẻ còn trong trứng nước.
Đặt chén thuốc đã uống cạn xuống bàn, Tằm đưa mắt nhìn ra bên ngoài bầu trời tắt nắng. Nghĩ, hẳn bây giờ Tưởng đã đến nơi, mong rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng sao cái cảm giác bất an này là gì nhỉ, đã mấy ngày qua rồi và cứ như thể là một điềm báo trước. Đang nghĩ ngợi miên man thì chợt Tằm thấy bầu trời đang tắt nắng chuyển qua tối sầm báo hiệu sắp có mưa lớn. Gió thổi cuộn.
Sấm sét bất ngờ đánh dữ dội, đến nỗi ai nấy đều giật mình. Tằm nhắm mắt lại, đưa tay lên bịt tai. Lát sau Tằm vừa hạ tay xuống thì đột nhiên chiếc vòng cẩm ngọc chẳng rõ thế nào lại nứt ra, rơi nhanh xuống nền gạch trước cái nhìn đứng yên của cô…
Khi đó ở Đỗ phủ, Tưởng nói chuyện xong liền nghe Đỗ tri huyện bảo hãy ở lại đây nghỉ ngơi không cần phải tìm nhà trọ. Toan từ chối nhưng thấy nét mặt ông kiên quyết như vậy, cậu đành nghe theo, bảo mình ra ngoài xe ngựa lấy hành trang.
Vừa bước ra đến cửa, Tưởng bỗng nghe có âm thanh huyên náo trong sân phủ, một đám lính đang vật lộn với một người nào đó. Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng khi Tưởng thình lình thấy kẻ đó đẩy ngã những tên lính, tay cầm lăm lăm thanh đao và la hét điên cuồng đồng thời lao đến chỗ mình.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Tưởng như bị hóa đá bởi chưa định hình được điều gì nên cứ đứng yên tại chỗ. Nhưng cũng trong khoảnh khắc rất nhanh tiếp theo, một bóng dáng nhỏ nhắn đã lao đến che chắn cho Tưởng. Để rồi khi kịp nhận ra đấy là Quyên thì cũng là lúc cậu nghe tiếng “xoẹt”. Bóng dáng cô chủ ấy ngã xuống, còn kẻ điên loạn kia thì ngay tức khắc bị đám lính lao vào tóm gọn. Mọi thứ đều hỗn loạn. Đám lính nói đây là một trong những phạm nhân chuẩn bị áp giải lên kinh thành.
“Quyên! Trời ơi, con gái của ta!” Đỗ tri huyện hốt hoảng đỡ lấy con.
Bấy giờ Tưởng mới sực tỉnh nhìn xuống, Quyên đang ngất lịm với một bên vai đầm đìa máu do bị mũi đao đâm vào. Tức thì cậu cũng nhanh chóng đỡ lấy cô, miệng gọi thất thanh. Đỗ tri huyện hét lên, đi gọi thầy lang mau!
Quay trở lại nhà họ Triệu, Tằm vẫn đứng lặng yên nhìn hai mảnh vòng cẩm ngọc nằm bên dưới. Tại sao vô duyên vô cớ vòng lại nứt? Người xưa hay nói, đồ vật tự nhiên vỡ nứt tức là báo điềm dữ. Chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì với Tưởng? Bắt đầu hoang mang, Tằm từ từ ngồi xuống và chậm rãi cầm hai mảnh vòng lên.
“Là điềm báo… Chắc chắn Tưởng đã gặp chuyện…”
Bà Tư liền đến bên con dâu trấn an, chiếc vòng ấy cũ rồi nên bị nứt thôi. Tằm chưa kịp nhìn mẹ là chợt nhiên bụng đau nhói. Nghiến răng, Tằm ôm bụng, mặt tái xanh và mồ hôi đầm đìa. Bụng đau! Rất đau! Quặn thắt cả người. Chỉ vừa kêu khẽ một tiếng là Tằm đã ngất đi trong tay bà Tư khiến bà và những người khác hốt hoảng.
Trong cơn mê man cùng cái đau dữ dội ấy, Tằm thấy Tưởng xuất hiện mỉm cười sau đó biến mất, tiếp theo là hình dáng một đứa bé mới sinh đang nhắm mắt.
Chiếc vòng cẩm ngọc nứt vỡ là điềm báo. Nhưng người gặp nạn có phải là Tưởng? Hay là…? Đối diện, Ái khẽ nhếch mép cười khi nhìn Tằm chìm vào cõi mê.