Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 12: Cậu chủ nhỏ phải lòng cô bé người làm
Trên đời này, những chuyện được coi là kỳ lạ thường liên quan đến ma quỷ hoặc thánh thần. Nhưng đôi khi, nó lại không thuộc về cả hai thứ ấy.
Những ngày qua trong nhà họ Triệu đã xảy ra một chuyện vô cùng kỳ quặc. Đó là Tưởng, cậu Ba nghịch ngợm lắm trò nổi tiếng ham chơi hơn ham học, cứ sau mỗi lần dùng cơm xong lại vào thư phòng đọc sách. Đấy vẫn chưa hết, thậm chí đêm đến cậu còn chong đèn bên bàn học vào tận giờ Hợi.
Ban đầu bọn người làm nghĩ, cậu Tưởng lén lút làm gì đó mờ ám nên mượn cớ đọc sách trong phòng thôi. Thế nhưng tiếp theo, sáng nào ra cũng trông dáng vẻ cậu mệt mỏi, miệng lẩm bẩm đọc bài như niệm chú thì bấy giờ họ mới tin. Làm bộ làm tịch giỏi lắm cũng chỉ được mấy ngày, ấy vậy cậu chủ học đến thân sơ thất sở(9) thế này thì không tin cũng không được. Họ đoán, hẳn cậu Ba ghét việc chơi bời lêu lỏng rồi, giờ lại thích bắt chước cậu Hai dùi mài kinh sử chờ khoa thi.
Sáng nay vẫn như mọi lần, Tưởng cùng anh trai và Tằm lên xe ngựa đi học. Chiếc xe chạy lọc cọc trên con đường bờ ruộng, cậu hướng mắt nhìn ra ngoài. Dạo này mùa lũ về rồi, nước sông dâng cao lênh láng, lấp liếm dưới con đê. Nhiều ngày qua, cứ mãi vùi mặt vô sách đọc bài như điên dại, Tưởng thấy khổ sở. Vốn quen chạy nhảy chơi bời, nay phải học những chữ Nôm rối rắm kia thì quả là cực hình.
Tưởng đâu thích văn chương, chẳng qua học chăm thế là để một người để ý thôi. Dẫu Tằm có khen ngợi và ra điều thích thế, tuy nhiên cậu vẫn có đôi chút khó chịu. Và cậu chẳng rõ từ bao giờ, mình lại mang cái cảm xúc kỳ quặc ấy.
Tằm và Liêm vẫn giống như tri kỷ, lúc nào cũng có những thứ để bàn luận thật vui vẻ. Điều khiến Tưởng bận tâm chính là sự hiện diện của Liêm. Cậu không thể ngờ là đến một lúc nào đó, mình lại bắt đầu khó chịu mỗi khi anh trai xuất hiện. Trong khi chuyện này chẳng bao giờ xảy ra suốt mười mấy năm qua. Việc Liêm tồn tại, đối với cậu, vẫn là điều vốn dĩ thôi vậy vì sao giờ đây nó lại khác xưa?
Tưởng quan sát bầu trời buổi sớm trong lành, có đàn cò trắng đậu xuống cánh đồng xa, và bên tai nghe cuộc đàm đạo văn thơ đầy thú vị giữa Tằm và Liêm. Sự thật, không phải cậu ghét Liêm mà chỉ là không thích anh trai ở gần Tằm. Chỉ cần thấy hai người họ đi cạnh nhau thì cảm giác trong cậu lại khác đi.
***
Lần đầu tiên, Tưởng luyện võ với một tâm trạng bất định. Đến nỗi, cậu không hề nghe lúc thầy Lư hô thay đổi tư thế để rồi hậu quả là bị lãnh một phát gậy của sư huynh đứng phía trên. Lực mạnh, cậu ôm đầu kêu một tiếng. Thầy Lư trông thế liền bảo các học trò dừng lại nghỉ ngơi, nửa canh giờ sau tập tiếp. Tưởng thấy thầy vẫy tay gọi mình, đành cất gậy rồi đi theo vào nhà.
Tìm hộp thuốc xong, thầy Lư bảo Tưởng ngồi xuống ghế. Vừa bôi thuốc, thầy vừa nhẹ nhàng hỏi, “lòng cậu có gì bận tâm hay sao mà lại thất thần thế?”. Tưởng đảo mắt nghĩ ngợi, có nên nói ra không. Liệu thầy sẽ hiểu tâm tư đang rối bời này khi mà chính Tưởng cũng còn chưa rõ bản thân đang nghĩ gì.
“Người bên ngoài luôn sáng mắt hơn kẻ trong cuộc.”
Câu nhắc ý nhị của thầy Lư như gỡ rối cho Tưởng. Một lúc sau, cậu nói:
“Thưa thầy, có một điều mà mãi trò vẫn không hanh thông được.”
“Cậu cứ nói đi, ta sẽ nghe.”
“Trò không biết vì sao dạo gần đây, trong đầu mình cứ xuất hiện hình ảnh một người, làm gì cũng nhớ đến người ấy.” Tưởng đặt tay lên ngực, “Và mỗi lần gặp mặt thì tim đập rất nhanh, vừa hồi hộp vừa xao xuyến. Lần nào thấy người ấy đi với ai khác, trò đều khó chịu. Có phải trò mắc bệnh lạ hay là bị bỏ bùa không ạ?”
Trước câu hỏi kỳ lạ đó, thầy Lư ngạc nhiên chốc lát rồi chậm rãi hỏi lại:
“Người ấy mà cậu nói đến, phải chăng là một cô bé?”
“Sao thầy biết ạ?”
“Vì chỉ có là cô bé thì cậu mới như thế.”
“Vậy… đó là bệnh gì thế thầy?”
Thầy Lư nhìn gương mặt tò mò ngây thơ của Tưởng, liền mỉm cười bảo:
“Là tương tư, thưa cậu.”
Tưởng nhíu mày. Tương tư? Hình như cậu đã đọc hai từ này ở trong một bài thơ, nhưng vẫn chưa hiểu lắm. Biết nên thầy Lư chậm rãi giải thích ngắn gọn: tức là sự luyến thương của một chàng trai dành cho một cô gái. Nghiêng đầu tròn xoe mắt, có vẻ cậu đã bắt đầu hiểu ra.
“Không thể có chuyện đó được!” Tưởng phản bác tức thì, “Vốn dĩ trò rất ghét nhỏ ấy. Làm sao luyến thương được chứ?”
“Tình cảm là thứ rất khó nói. Duyên phận cũng là một trong những điều như thế. Trước lạ sau quen, trước ghét sau thương, vẫn là lẽ thường ở đời. Nhà Phật cũng dạy, có hiểu mới thương. Biết đâu sau một thời gian dài chung sống, cậu hiểu được cô bé ấy rồi mới phát sinh sự luyến thương.”
Tưởng chớp mắt, mấy ngày qua đọc bao nhiêu sách vở vậy mà giờ mới biết cái chuyện “trước ghét sau thương”, một thời gian dài chung sống lại có thể khiến người ta thay đổi cảm giác dành cho nhau. Lý nào, cậu thương nhớ Tằm? Tưởng nhắm mắt, lắc đầu liên tục khi nghĩ đến sự thật đó. Chợt, cậu thấy thầy Lư chỉ ngón tay vào tim mình sau đó cất giọng nhẹ như gió:
“Lời giải nghĩa đó cậu chưa thể thấu hiểu tường tận được. Nhưng mà tâm này thì đã nói rõ hết rồi. Tim đập như trống, xao xuyến, nhung nhớ, hờn giận vô cớ, thậm chí cả sợ hãi… đều vì cô bé ấy mà có. Thế là thương, vậy thôi.”
Tưởng bất động nhìn thầy.
Những lời lẽ của thầy Lư gần như quấn lấy tâm trí Tưởng trên đường về nhà. Cậu tự hỏi, có nên tin lời của một thầy giáo suốt ngày chỉ biết vung đao múa kiếm? Nhưng sách ghi rằng, người càng lớn tuổi tức là từng trải, hiển nhiên sẽ đúng đắn. Tưởng lại nhớ đến Tằm. Cậu đặt tay lên ngực áo, chuyện này khéo còn khó gấp vạn lần việc chong đèn đọc sách canh khuya.
Có tiếng xe ngựa chạy đến. Tưởng quay lại. Đúng lúc từ trong xe, Quyên nhảy phóc xuống. Cậu ngán ngẩm. Người gì cứ như oan hồn, bám mãi chẳng chịu buông. Lúc Quyên vừa bước đến trước mặt mình, cậu đã lên tiếng ngay:
“Ta phải về nhà ăn cơm, không rảnh rỗi đi chơi đâu.”
“Ta không rủ ngươi đi chơi.” Quyên buồn rầu, “ta sẽ rời khỏi xã Thổ.”
Tưởng khá bất ngờ khi nghe Quyên báo mình đang trên đường trở về nhà. Quan tri huyện Đỗ Phần đã coi xong tình hình đê điều vài ngày trước nên bây giờ sẽ rời khỏi đây. Dĩ nhiên con gái ông phải đi cùng.
***
Trông trời bắt đầu kéo mây đen mà Tưởng vẫn chưa về, Tằm lo lắng. Đoán cậu rời khỏi võ quán lại đi chơi bời ở đâu đó quên mất giờ dùng cơm, nhỏ nén tiếng thở dài. Mùa lũ, trời hay mưa lắm, chẳng may cậu bị mắc mưa thì khổ.
Liêm từ trong nhà bước ra, bắt gặp Tằm đứng dưới gốc cây mới mau chóng đi đến. Vừa thấy Tằm nhìn mình, cậu liền hỏi:
“Em đứng đây làm gì?”
“Em chờ cậu Tưởng ạ. Gần đến giờ dùng cơm, trời lại sắp mưa mà cậu ấy chưa về. Em lo cậu ấy mải vui mà quên giờ về.”
“Tính Tưởng ham chơi, em có quản cũng không được đâu. Đừng lo, khi nào đói thì nó sẽ tự về nhà, tuổi lớn rồi đâu còn nhỏ nữa.”
Tằm gật đầu. Liêm bước lại gần, đứng bên cạnh Tằm và dựa lưng vào thân cây. Trời tắt nắng kéo theo mây đen giăng đầy, gió thổi ào ào. Những cành cây tung giần giật, lá rơi xào xạt xuống đất. Đứng đây ngắm nhìn dãy nhà cùng không gian xung quanh vắng vẻ, bỗng chốc thấy lòng bình yên. Liêm nhắm mắt lại, nghe âm thanh gió thổi lá bay. Dáng vẻ thư thái đó khiến Tằm không sao rời mắt được.
Từ lúc Liêm đứng gần bên là Tằm đã thấy bồi hồi rồi. Giống Tưởng, tim Tằm cũng có đôi chút đập mạnh khi ở cùng người đó. Nhưng cảm giác của nhỏ nhẹ nhàng hơn. Với Tằm, Liêm vừa thanh tao vừa giản dị, vừa xa vừa gần, tựa hồ như trăng dưới giếng, cứ ngỡ chạm vào được rồi nhưng hóa ra chỉ là ảo ảnh. Thật kỳ lạ vì Tằm luôn cảm giác Liêm quá xa vời trong khi cậu vẫn rất gần gũi thân thiện.
“Dạo này, em và Tưởng có vẻ thân với nhau.” Liêm chợt nhiên mở mắt.
“Không đâu ạ, em với cậu Tưởng chẳng có gì cả…”
“Em nghĩ gì thế? Cả hai thân nhau là chuyện vui mà.”
Trông đôi mắt dịu dàng ấy, Tằm bồi hồi hỏi khẽ:
“Cậu Liêm sẽ vui nếu như Tằm thân thiết với cậu Tưởng hơn sao?”
“Tất nhiên rồi, em hỏi gì lạ vậy.”
Cơn gió lạnh thổi qua. Bất giác, Tằm rùng mình.
Câu đáp lời tự nhiên ấy bỗng dưng làm lòng Tằm có đôi chút trống rỗng, dù không hiểu tại sao. Chẳng nói gì nữa, Tằm chỉ mỉm cười rồi chuyển ánh mắt câm lặng về nơi khác. Giờ có lẽ, Tằm đã hiểu vì sao Liêm gần gũi nhưng hóa ra lại xa cách. Đó là sự lãnh đạm. Vì lãnh đạm nên đối với ai cũng xa vợi.