Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)

Chương 1: Ấu thơ


Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 1: Ấu thơ

Tóc em vừa chấm bờ vai,

Bẻ hoa dưới ánh ban mai trước nhà.

Chàng từ cưỡi ngựa trúc qua,

Nghịch đùa tung quả mơ hoa quanh giường(1).

===========================================

Trang 1: Đây là Tằm  

Đầu thế kỷ XIX, năm Nhâm Tuất (1802), sau khi thống nhất Đàng Trong Đàng Ngoài và đánh bại triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long. Đặt quốc hiệu Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Đây là thời kỳ đầu mở ra vương triều nhà Nguyễn và kéo dài một thế kỷ sau đó…

Câu chuyện bắt đầu vào năm Quý Hợi (1803), một năm sau khi vua Gia Long lên ngôi, xã Thổ ở phương Nam khi đó có xã trưởng Triệu Am thương dân như con, được người người mến mộ. Ông có ba người vợ hiền lương thục đức, ngặt nỗi gần đến tứ tuần Trời mới cho ông hai đứa con trai là Liêm và Tưởng. Khi cả hai hơn mười tuổi thì Triệu gia có thêm một người.

Buổi chiều hôm ấy buông sớm. Mặt trời thả mình xuống phía sau lũy tre già. Ánh dương tàn dần ở cuối chân trời, hoàng hôn lấp liếm lên những đám mây lãng đãng trôi. Vài đôi cánh nhạn bay chấp chới về tổ sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi. Người dân cũng kéo trâu trở về. Thời khắc này, mọi việc đồng áng đều kết thúc. Thỉ thoảng đã có bóng dáng tuần đinh(2) đi qua.


Trên cánh đồng dọc triền đê, đám trẻ đang nô đùa. Đứa nào cũng để đầu ba chỏm, gương mặt lấm lem bùn đất. Trong đó có hai bé trai nhìn khác hẳn. Từ mái tóc búi tó nhỏ xíu đến y phục chúng vận trên người, cho thấy là con nhà quyền thế.

Liêm đứng nhìn lũ trẻ chơi, dáng vẻ ra điều thong thả. Ngay từ nhỏ, cậu đã mang gương mặt thanh tú, dáng đi nho nhã, giọng nói nhẹ nhàng. Người ta dễ dàng đoán được về sau, cậu sẽ dùi mài kinh sử, biết đâu còn đậu Giám sinh(3) và ra làm quan. Khi đã cầm sách trên tay là Liêm chong đèn đọc miệt mài đến tận canh khuya.

Triệu Tưởng nhỏ hơn Liêm một tuổi. Trời sinh cậu có phúc tướng, mặt mày xán lạn, lại rất láu lỉnh lắm trò. Mà khổ nỗi, học văn chương tệ quá. Không phải do ngu si vì bởi cái mặt thông minh thế kia, mà vì cậu ba nhà họ Triệu lười biếng. Tưởng chẳng có chút hứng thú gì với thơ văn, lại ghét nhất cái chuyện canh khuya ngồi bên bàn sách đọc bài như điên dại. Bù lại, cậu thích nghịch ngợm chạy nhảy.

Cứ mỗi lần chơi đùa với đám trẻ là y như rằng, Liêm sẽ thua và Tưởng luôn là người cứu anh. Tưởng đã phải nhảy qua lưng của thằng tóc ba chỏm cả chục lần. Chín lần đầu thì ngon lành, đến lần thứ mười thì Tưởng bỗng hụt tay ngã chúi mặt xuống đất do thình lình nghe tiếng gọi thất thanh trên triền đê:

“Cậu Liêm ơi! Cậu Tưởng ơi!”

Liêm đỡ em trai đứng dậy. Chiếc áo lụa đắt tiền dính bùn đất đen xì, Tưởng bặm môi, điên tiết quá! Thằng ôn dịch nào dám phá đám cú nhảy điệu nghệ của cậu Ba này vậy? Vừa lúc, tên người làm chạy hối hả xuống dốc đê xói lở, đến chỗ Liêm và Tưởng:

“Thưa hai cậu, các bà cho gọi hai cậu. Ông về nhà rồi ạ.”

“Hóa ra cha đi lên huyện hôm nay đã về.” Liêm vui mừng nói với em trai. Tưởng phủi quần áo, thế ra lại ngỡ chuyện gì gấp gáp, đây có phải lần đầu tiên cha đi xa nhà rồi trở về đâu. Có vậy mà tên người làm đáng kiếp này dám phá mất cuộc vui của cậu.


Trông thái độ dửng dưng của Tưởng, Liêm bảo với tên người làm là mình sẽ về cùng. Ấy vậy, hắn lắc đầu nhất quyết phải đưa cả hai cậu chủ về, vì chuyện rất quan trọng. Tưởng hậm hực trước vẻ úp mở của hắn, mới gặng hỏi: Rốt cuộc là chuyện gì? Nghĩ chuyện này trước sau gì hai cậu cũng biết, với các bà đâu có dặn dò phải giữ bí mật nên hắn đáp luôn:

“Dạ là vì ông có mang về một…”

“Lại sách vở và đồ chơi mới chứ gì?” Tưởng thở hắt.

“Không phải ạ, lần này ông mang về một cô em gái cho hai cậu.”

Câu báo tin từ tên người làm giống hệt tiếng sấm giữa ban trưa, khiến hai anh em nhà họ Triệu lập tức nhìn nhau kinh ngạc. Em gái ư?

***

Nghe đâu Triệu gia khá giả, có của ăn của để, Triệu Am lại là xã trưởng một vùng, trông coi quản giáo người dân. Bấy giờ đến đây, Tằm mới tin là thật. Đứa bé gái mười tuổi ngơ ngác nhìn ngôi nhà to lớn mình đang ngồi.

Bốn cây cột nhà làm bằng gỗ trầm, cao như cột chống trời sừng sững, trên đó có khắc mấy dòng thơ chữ Nho rối nùi khó hiểu. Các thanh xà ngang nâng đỡ mái nhà lợp bằng ngói cũng chạm khắc hình con rồng uốn lượn. Ở giữa phòng lớn là bàn thờ trang nghiêm. Hai bên là hai cái đôn cao, trên đặt chậu hoa gốm tinh xảo.


Trong khi Tằm mải quan sát bằng đôi mắt thích thú thì đối diện, ba người phụ nữ vận quần là áo lụa cũng đang nhìn chăm chú. Đó là ba bà vợ của Triệu xã trưởng. Bà Hai sang tuổi tứ tuần, không sinh được con. Bà Ba trẻ hơn mười tuổi, mắt phượng mày ngài, mẹ Liêm. Cuối cùng là bà Tư, tuổi chỉ có hai sáu mùa xuân, xinh đẹp thùy mị, mẹ Tưởng. Ba bà trông phúc hậu, cao quý trong áo dài ngũ thân(4) và đầu búi vấn khăn.

Lúc Triệu xã trưởng trở về, ba bà ngạc nhiên thấy một bé gái nắm tay ông đi vào. Cũng chỉ nghe ông bảo là con gái một vị ân nhân, chứ đâu biết ngọn nguồn thế nào. Mà lạ thay, vừa nhìn mặt Tằm thì ba bà thích ngay. Tằm có gương mặt trái xoan, mắt to, mũi nhỏ, môi thanh. Trông thông minh. Là con nhà lễ giáo vì vừa gặp các bà, Tằm khoanh tay cúi chào.

Bên ngoài trời nhá nhem tối, chim kêu quang quáng bay về tổ, ngay cửa sân xuất hiện ba bóng người. Liêm, Tưởng với tên người làm đi qua cái sân gạch. Hai cậu chủ nhỏ bước vào nhà, đồng thanh chào cha. Triệu xã trưởng ừ hử một tiếng, dặn dò chúng chớ có chơi bời trễ nải thế nữa.

Ông đứng dậy, đẩy nhẹ Tằm lên phía trước, đối diện với hai con trai. Tằm ra điều khép nép, mái đầu với hai bím tóc ngắn cúi thấp. Hai anh em cùng nghĩ, đây là đứa em gái cha mang về? Liêm trông Tằm thật nhỏ nhắn hiền lành, riêng Tưởng lại nhìn Tằm với vẻ không thuận mắt. Chiếc áo yếm và quần đen nhàu nhĩ như thể nhỏ nghèo khổ lắm. Vốn là cậu ấm từ lúc mới lọt lòng, cậu không ưa những đứa nhà nghèo thế này.

“Ta muốn báo với mọi người một chuyện. Đây là con gái vị ân nhân năm xưa của ta, tên Tằm. Vài ngày trước lên huyện, ta tiện đường sang thăm hỏi thì được biết ông ấy và vợ mắc bệnh nặng, đều qua đời. Họ không ai thân thích, để lại đứa con gái nên ta quyết định mang về nuôi dưỡng. Từ giờ, Tưởng và Liêm, hai con hãy xem Tằm như em gái.”

Triệu xã trưởng nhìn Tằm, nói vài lời an ủi và hứa sẽ nuôi dưỡng tử tế. Tằm lễ phép cúi đầu đội ơn, thưa với ông sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Ba bà cũng khuyên nhủ Tằm hãy yên tâm sống ở đây. Đến lượt hai cậu chủ nhỏ, Tằm rụt rè:

“Mong hai cậu sẽ chỉ dẫn Tằm nhiều hơn.”

“Đừng lo, cha đã muốn chúng ta làm anh em còn gì. Anh tên Liêm, còn đây là Tưởng.” Liêm hòa nhã, “Anh mười ba tuổi, Tưởng mười hai tuổi.”

Cứ ngỡ cậu chủ nhà họ Triệu vô cùng xa cách, kênh kiệu nào ngờ lại chan hòa thân tình như thế, khiến Tằm vừa ngạc nhiên vừa cảm mến. Dáng điệu nhã nhặn nhẹ nhàng của Liêm đã gây ấn tượng với cô bé ngay lần đầu gặp mặt này.

Nhưng với Tưởng thì lại khác. Nụ cười trên môi Tằm vụt tắt khi bắt gặp đôi mắt khinh ghét của Tưởng. Chẳng hề giấu giếm, mặt cậu hằn rõ sự khó chịu. Cứ như thể, sự xuất hiện của Tằm ngay tại đây là điều gì đó không nên.


Tên người làm chạy lên báo cơm đã chuẩn bị xong. Các bà và Triệu xã trưởng rời khỏi phòng lớn. Liêm bảo em trai đi tắm thôi. Tưởng nhìn Tằm một lúc rồi xoay lưng. Vô tình miếng ngọc cẩm thạch rớt xuống đất. Tằm liền nhặt lên và gọi họ.

Liêm quay lại, nhận ra món đồ của em trai, mới đưa tay ra đón lấy. Tằm chưa kịp đặt miếng ngọc vào tay Liêm thì bất ngờ, Tưởng hất mạnh tay Tằm lên cao. Miếng ngọc trơn tuột, vụt khỏi tay Tằm rơi xuống đất vỡ làm hai. Liêm ngạc nhiên. Còn Tằm xoa xoa bàn tay vừa bị đánh, tròn xoe mắt nhìn Tưởng.

“Ngươi được cha ta mang về nhưng không có nghĩa là trở thành người của Triệu gia, càng không phải là em gái của ta gì cả! Chớ có tùy tiện chạm vào đồ của ta lần nữa! Thứ gì ở trong tay ngươi, ta đều đập vỡ hết!”

Tưởng dõng dạc, như thể chính thức lập ra bức rào cản ngăn cấm Tằm đến gần mình. Đôi mắt căm ghét đó giúp Tằm mau chóng hiểu rằng, có một người không hề chào đón mình bước chân vào ngôi nhà giàu sang này. Và đây sẽ là điều khó khăn nhất Tằm phải đối mặt trong khoảng thời gian về sau.

————————————

Chú thích:

(1) Trích trong Trường can hành của Lý Bạch.

(2) Trông coi trật tự ở xã hoặc làng.

(3) Học trò của Quốc Tự Giám.

(4) Cũng may như áo dài tứ thân, nhưng vạt áo bên phải ở phía trước chỉ may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái may bằng hai thân vải, vạt thứ năm (vạt con) làm áo trong kín đáo. Áo có cổ đứng và cài nút sang bên phải như áo dài ngày nay. (nguồn Ellewiki)


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.