Thằng Quỷ Nhỏ

Chương 4


Đọc truyện Thằng Quỷ Nhỏ – Chương 4

Sau sự kiện tai ác đó, cả Nga lẫn Quỳnh không ai dám nhìn mặt ai. Cả hai đều ngượng ngùng, xấu hổ.
  Trước đây, giữa hai người, chỉ có Quỳnh là chết nhát. Bây giờ cả Nga cũng rụt rè. Chính nó cũng tự động ngồi xích về phía Hạnh. Xích thật sát. Đến nỗi Hạnh phải lên tiếng:
  – Nga ngồi xê ra chút đi! Nga ngồi sát rạt, đụng cùi chỏ làm sao Hạnh viết!
  Nghe Hạnh nói vậy, Nga bẽn lẽn ngồi lùi ra. Nhưng nó chỉ ngồi lùi ra một chút xíu thôi. Chỉ đủ để một con kiến bò qua.
  Suốt một tuần “lạnh lùng” như vậy, Nga thấy buồn làm sao. Nó chẳng thèm giận Luận nữa. Luận thì chẳng nói làm gì, cái đồ quỷ sứ ấy! Bây giờ, Nga chỉ tức Quỳnh. Càng nghĩ càng tức. Con trai gì mà khờ khạo giữa thanh niên bạch nhật để người ta gắn cái “đuôi” to tổ bố mà không biết. Lại còn bị lừa lên đứng trên bảng, phơi cả buổi cái hàng chữ quái ác kia ra trước… bàn dân thiên hạ, thật chẳng giống ai.
  H- cứ nghĩ đến chuyện đó, Nga lại tức, lại buồn và lại nép sát vào người Hạnh. Chỉ có Luận là vui. Thấy Nga và Quỳnh không dám nhìn mặt nhau, nó khoái trá ra mặt. Nó đã nghĩ sẵn một số câu độc địa để châm chọc Nga và Quỳnh, nhưng thấy cả hai nhẫn nhục đầu hàng, nó chưa có dịp nào để “xổ” ra.
  Khải là người thứ hai “thủ lợi” trong chuyện này. Khải đã “để ý” Nga ngay từ khi Nga mới về. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần nhìn Nga, bắt gặp ánh mắt long lanh của Nga, Khải bỗng thấy lòng mình man mác như vừa có một làn gió thổi qua.
Đối với Khải, Nga không giống như những bạn gái khác trong lớp. Nga đằm thắm hơn và kín đáo hơn. Mặc dù vào học đã lâu, Nga ít tham gia vào các trò chơi ồn ào và tinh nghịch của các bạn. Nga thường ngồi lặng lẽ ở cuối lớp, nhìn ngắm và nghĩ ngợi vẩn vơ như đang ngồi giữa một đồng cỏ mênh mông và tĩnh lặng. Lần nào nhìn trộm Nga, Khải cũng đều bắt gặp hình ảnh mơ màng đó.
Ngay cả cách xưng hô, Nga cũng khác các bạn. Nga kêu Khải bằng “anh” chứ không kêu tên hoặc “mày mày tao tao” như lũ thằng Luận. Cách xưng hô ấy khiến Khải nghĩ ngợi nhiều. Dĩ nhiên, một phần do Khải lớn tuổi hơn Nga, nhưng phần khác Khải nhìn thấy trong cách xưng hô của Nga một tâm hồn bé bỏng, hồn nhiên và có chút gì đó rụt rè bỡ ngỡ.
  Nhưng không phải chỉ có Khải được Nga kêu bằng “anh”. Thằng quỷ nhỏ cũng được hưởng “đặc ân” đó. Đa số bạn bè trong lớp đều gọi Quỳnh là “thằng quỷ”, thế mà thằng quỷ lại được Nga kêu bằng tiếng “anh” trìu mến, ngang với Khải, bảo Khải không tức sao được! Càng tức hơn nữa là khi lần trước ghé chơi nhà Nga, h- Khải nói đụng đến Quỳnh tiếng nào, lập tức Nga bênh Quỳnh chằm chặp. Đến nỗi rốt cuộc Khải đành phải rút lui mà chẳng nói với Nga được câu nào ra hồn.
  Sau lần đó, Khải không ghé thăm Nga nữa, dù hai nhà ở kế bên nhau. Gặp Nga ngoài đường, Khải cũng chỉ hỏi thăm qua quít, rồi thôi. Nói chung là anh ngại, mặc dù anh không hiểu anh ngại điều gì. Kể cả khi Luận chọc ghẹo Nga và Quỳnh, Khải đã ra tay can thiệp và bắt gặp ánh mắt cảm kích của Nga. Nhưng ngay cả lần đó, Khải cũng chẳng biết phải nói gì với Nga ngoài tia nhìn bâng khuâng sâu thẳm. Sự có mặt của Quỳnh bên cạnh Nga luôn luôn làm Khải bối rối và do dự.
  Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi. Sau sự kiện “cái đuôi”, Nga và Quỳnh xem ra có vẻ xa lánh nhau. Thằng Luận quỷ quái kia hóa ra cũng có lúc được việc! Khải thầm nhủ và anh quyết định sẽ sang chơi nhà Nga. Lưu Bị đi cầu Khổng Minh ba lần còn chưa nản, lẽ nào mình mới tới nhà Nga có một lần đã vội vã rút lui!
  Nghĩ sao làm vậy, sáng chủ nhật tuần đó, Khải gồng mình bước sang nhà Nga. Anh cố đi những bước chân mạnh mẽ nhưng khi đứng trước cổng nhà Nga, trái tim anh bỗng đập lộn tùng phèo.
Người ra mở cổng là thằng Ngoạn, em Nga. Ngoạn mười hai tuổi, năm nay học lớp bảy. Nó nhìn Khải bằng ánh mắt tò mò:
  – Anh là anh Khải phải không ?
  Khải ngạc nhiên:
  – Sao em biết ?
  Khải hỏi mà bụng sướng rơn. Anh chắc mẩm là ở nhà Nga thường nhắc đến mình. Nhưng thằng Ngoạn làm Khải cụt hứng. Nó đáp, giọng thản nhiên:
  – Anh ở kế bên ai mà không biết!
  Ngoạn là một thằng nhóc láu lỉnh. Không đợi Khải lên tiếng, nó bộp chộp hỏi trước:

– Anh tìm chị Nga phải không ?
  Câu hỏi thẳng thừng của Ngoạn khiến Khải đâm ra lúng túng. Anh gật đầu, ngượng nghịu:
  – Ừ. Chị Nga có nhà không em ?
Ngoạn lắc đầu:
– Chị Nga đi chợ rồi. Chỉ có chị Ngàn ở nhà. Anh vào chơi không ?
  Khải tấn thối lưỡng nan. Vào cũng dở mà không vào cũng kẹt. Anh đã cẩn thận chọn ngày chủ nhật, vậy mà Nga vẫn cứ vắng nhà. Chợ với búa, chán ơi là chán! Sao Nga không để chị Ngàn đi chợ mà giành đi chi vậy không biết! Cứ làm như là đi dự hội ấy! Trong khi Khải còn đang phân vân chưa biết tính sao, Ngoạn lại lên tiếng. Nó nói, mặt cứ tươi hơn hớn:
  – Hay là anh vào nhà đợi chị Nga đi! Chỉ cũng sắp về rồi!
  Không còn cách nào khác, Khải đành đi theo Ngoạn.
Chị Ngàn ngồi ở phòng khách. Thấy Khải vào, chị cười:
– Em tìm Nga phải không ?
  Khải nuốt nước bọt:
  – Dạ.
  – Em ngồi chơi đi! Nga đi lâu rồi, chắc cũng sắp về tới!
  Khải ngồi xuống ghế. Trong một lúc, anh loay hoay với hai bàn tay của mình. Tự nhiên anh thấy chúng thừa thãi làm sao và anh cảm thấy bối rối không biết đặt chúng vào đâu.
  Thấy Khải lúng túng, chị Ngàn tìm cách bắt chuyện. Cách ăn nói cỡi mở của chị chẳng mấy chốc đã giúp Khải lấy lại bình tĩnh. Dần dần Khải cảm thấy tự nhiên hơn và trong khi chờ đợi, anh có thể trò chuyện với chị Ngàn một cách thoải mái như với một người bạn lớn.
Nhưng trong khi trò chuyện với người bạn lớn đó, Khải vẫn không quên thỉnh thoảng đảo mắt dòm ra cửa ngóng… người bạn nhỏ. Người bạn nhỏ đi lâu thật lâu, làm như cái chợ nằm đâu trên sao Hỏa ấy. Khải vừa chép miệng vừa nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến lửa.
  Vẻ sốt ruột của Khải khiến chị Ngàn tức cười. Nhưng chị không dám cười, sợ Khải xấu hổ. Chị đang định lên tiếng trấn an Khải thì Nga về tới.
Nga đi xăm xăm vào nhà. Tới cửa, Nga chợt khựng lại khi trông thấy Khải:
  – Ủa, anh tới chơi hả ?
  – Ừ.

  Khải đáp, mắt sáng lên.
  – Anh tới lâu chưa ?
  – Tới nãy giờ.
  Nga không biết “nãy giờ” là bao lâu nhưng nó không hỏi. Không hiểu sao Nga không ưa Khải. Xét cho cùng, Khải là một chàng trai khá hoàn hảo. Khải cao lớn, đẹp trai, học giỏi. – lớp, Khải là một học sinh tiên tiến và gương mẫu. Khải lớn hơn các bạn cùng lớp khoảng hai, ba tuổi, vì vậy trông anh chững chạc còn hơn cả Hạnh.
  Nga biết Khải “để ý” đến mình, nhưng điều đó không làm Nga vui thích. Mỗi lần bắt gặp ánh mắt của Khải, Nga cảm thấy lòng mình dâng lên một nỗi hồi hộp xen lẫn sợ hãi. Những lúc như vậy, Nga vội vã quay mặt đi chỗ khác.
  Giữa Khải và Quỳnh, Nga cảm thấy Quỳnh gần gũi thân thuộc với mình hơn. Nga không biết tại sao mình lại có cảm giác đó. Có lẽ Nga tìm thấy ở Quỳnh một tình cảm kín đáo nhưng chân thành. Khải lịch sự nhưng kiểu cách. Có phải vì vậy mà mình không thoải mái khi chạm mặt với anh ta ? Đôi lúc Nga tự hỏi nhưng rồi nó chẳng khẳng định được điều gì.
  Lần này cũng vậy, gặp Khải ngồi ở phòng khách, Nga chào hỏi qua loa vài câu rồi xách giỏ đồ chợ đi thẳng xuống bếp rồi ngồi lì luôn ở đó. Nga biết xử sự như vậy là không hay nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải ngồi trò chuyện dùng dằng với Khải, Nga chẳng thích thú chút nào.
  Nga ngồi lặt rau một lát thì Ngoạn chạy xuống kêu:
  – Chị Ngàn kêu chị kìa!
  – Kệ chỉ! Tao bận lặt rau! – Nga đáp nhấm nhẳng.
Ngoạn liếc Nga:
  – Nhưng chị lên nói chuyện với anh Khải chứ ? Ảnh đợi chị từ sáng đến giờ!
  Nga cốc nhẹ lên đầu em:
  – Mày đừng có lắm chuyện! Anh Khải là bạn chị Ngàn chứ đâu phải bạn tao!
  Ngoạn trố mắt:
  – Ảnh là bạn chị chứ sao là bạn chị Ngàn! Ảnh học cùng lớp với chị mà!
  – Học cùng lớp với tao nhưng là bạn của chị Ngàn. Không tin, mày hỏi chị Ngàn coi!
  Thằng Ngoạn chạy lên một lát thì chị Ngàn đi xuống. Chị dòm Nga lom lom:

– Em làm sao vậy ?
Nga mím môi:
  – Em chẳng làm sao cả.
  Chị Ngàn ngần ngừ một thoáng rồi hỏi:
– Em không ưa Khải hả ?
  Nga không đáp. Chị Ngàn lại nói:
– Ưa hay không ưa thì cũng lên tiếp chuyện Khải chứ. Khải là bạn em mà.
  – Chị tiếp dùm em đi!
  Chị Ngàn nhăn mặt:
  – Con nhỏ này nói lạ! Bạn mà tiếp giùm!
Rồi chị nắm lấy cánh tay Nga, giục:
Cực chẳng đã, Nga phải buông con dao xuống và uể oải đứng dậy đi lên nhà trên.
Nhưng Khải đã không còn ngồi ở phòng khách. Nga dòm Ngoạn:
  – Anh Khải đâu rồi ?
– Ảnh về rồi. Ngồi một mình chán quá, ảnh về.
  Nga trừng mắt:
  – Sao lại ngồi một mình ? Có mày ở đây nữa chi!
  Ngoạn chép miệng:
  – Em thì ăn nhằm gì! Ảnh muốn nói chuyện với chị kìa! Còn em mới nói chuyện với ảnh có một câu, ảnh đòi về liền…
  Nga giật mình:
  – Mày nói gì vậy ?
Ngoạn khịt mũi:
  – Em rủ ảnh chơi đá dế.

  – Trời đất! – Nga bật kêu lên – Mày làm như ảnh là bạn mày không bằng!
– Chứ em biết nói chuyện gì bây giờ! – Ngoạn vò đầu – Ảnh là bạn chị chứ đâu phải bạn em!
  Nga nhanh tay chộp lấy vành tai Ngoạn:
  – Bạn ai, nói lại đi ?
  Ngoạn rụt cổ, vội vàng đáp:
  – Bạn chị Ngàn.
  Nga cười khúc khích và buông em ra.
  Sau vụ đó, chị Ngàn “giũa” Nga tơi bời. Sau khi trách một thôi một hồi, chị kết luận:
– Không có ai bất lịch sự như em!
  Nga vùng vằng:
– Kệ em.
  Chị Nhàn nhăn mặt:
  – Em chỉ bướng. Kệ sao được mà kệ.
  Thấy chị Ngàn có vẻ giận dỗi, Nga ngồi im không đáp. Từ trước đến nay, Nga ít khi cãi lại chị Ngàn. Chị vừa là chị, vừa là bạn Nga. Từ khi mẹ mất, chị còn là mẹ. Khi dời nhà về đây, ba thường xuyên đi công tác vắng, chị Ngàn phải chăm sóc và lo lắng cho Nga và Ngoạn. Mỗi ngày sau khi đi làm về, chị phải bận rộn với bao nhiêu là chuyện trong nhà. Nga và Ngoạn giúp đỡ chị chẳng được mấy tí, mặc dù ba chị em lúc nào cũng xúm xít bên nhau.
  Nga rất quý chị Ngàn. Chẳng bao giờ Nga muốn làm trái ý chị. Mỗi lần thấy chị giận, Nga không dám nói đi nói lại nửa câu. Lần này cũng vậy, Nga chỉ dám ấm ức thầm trong bụng. Nga chẳng tức chị Ngàn, mà tức… Khải. Tự dưng dẫn xác tới nhà người ta chi vậy không biết. Nga biết chị Ngàn có thiện cảm với Khải. Chị mến Khải vì Khải tỏ ra l- phép và hiền lành. Khải lại thường hay đồng ý với chị về nhiều vấn đề. Chị cũng biết Nga không thích Khải, mặc dù chị chẳng rõ lý do. Nhưng theo chị, dù thích hay không, Nga cũng không nên đối xử với Khải như vừa rồi. Nó ác ác làm sao ấy. Chị nói thẳng với Nga điều đó. Nga đáp:
– Chứ em biết làm sao!
Chị Ngàn nhún vai:
– Đừng xạo! Em biết, nhưng mà em chẳng muốn làm đó thôi!
Nga thở dài:
– Thôi, được rồi! Lần sau, Khải qua, em sẽ…
Chị Ngàn không đợi Nga nói hết câu. Chị nhìn ra sân nắng, bâng khuâng nói:
– Biết Khải có qua chơi nữa không. Em làm kiểu đó, ma cũng chạy nữa là người!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.