Đọc truyện Thằng Quỷ Nhỏ – Chương 16
Nga đến nhà Quỳnh một cách bất ngờ.
Chính Ngoạn dẫn Nga đi. Trước nay, Nga chẳng biết Quỳnh ở đâu. Thỉnh thoảng trên đường đi học về, Nga bắt gặp Quỳnh đi bộ trên lề đường, cùng chiều với Nga. Những lúc đó, chẳng bao giờ Nga dám dừng lại. Nó cứ bặm môi phóng vụt xe qua.
Dường như Quỳnh chỉ đi chung đường với Nga một quãng ngắn đó thôi. – những khúc rẽ, không bao giờ Nga nhìn thấy Quỳnh, dù là thấp thoáng. Có lẽ Quỳnh quẹo ngả khác.
Nga cứ tưởng Quỳnh ở đâu xa lắm. Hóa ra nhà Quỳnh chỉ cách nhà Nga chừng năm, sáu trăm thước. Ngoạn dẫn Nga đi vòng vèo chừng ba cua đường là tới nơi.
Nhà Quỳnh ở cuối một con hẻm rải đá. Sau nhà là một con lạch nhỏ, rau muống bò kín mặt nước. Nhà Quỳnh nhỏ, vách ván, mái tôn. Khi Nga tới, mẹ Quỳnh đang ngồi bán thuốc trước nhà.
Ngoạn nói nhỏ bên tai Nga:
– Mẹ anh Quỳnh đó!
Nga bước lại, rụt rè:
– Chào bác ạ.
Mẹ Quỳnh nhìn Nga bằng ánh mắt ngạc nhiên:
– Cháu tìm ai hả cháu ?
– Dạ, cháu tìm anh Quỳnh. Cháu là bạn cùng lớp với ảnh.
Mẹ Quỳnh thoáng lộ vẻ sửng sốt. Có lẽ trước nay không có người bạn gái nào đặt chân đến nhà Quỳnh. Nga đoán vậy. Nhưng vẻ sửng sốt kia kịp biến mất trên gương mặt mẹ Quỳnh, thay vào đó là sự niềm nở:
– €, cháu vào nhà chơi. Quỳnh ở trong nhà đó cháu.
Ngoạn đứng bên cạnh, khoe:
– Chị cháu đó bác.
Mẹ Quỳnh vui vẻ:
– Vậy hả ? Vậy thì cháu dẫn chị vào nhà chơi đi!
Nga bắt gặp Quỳnh đang ngồi hí hoáy làm gì đó bên chiếc bàn dài đặt cạnh cửa sổ mở ra lạch rau muống. Anh xoay lưng ra ngoài nên không trông thấy chị em Nga.
Ngồi kế bên Quỳnh là hai thằng nhóc trạc tuổi Ngoạn. Chúng cũng đang tẩn mẩn đục đẽo thứ gì đó.
Nga còn đang ngần ngừ, chưa biết có nên lên tiếng gọi Quỳnh không, thì Ngoạn đã bô bô:
– Anh Quỳnh! Chị Nga tới thăm anh nè!
Quỳnh giật mình. Anh quay lại và mặt thoáng vẻ sững sờ khi trông thấy Nga. Dù có nằm mơ, Quỳnh cũng không dám nghĩ sẽ có một ngày Nga đến thăm anh. Vậy mà, bây giờ Nga đang đứng ngay trước mặt anh với nụ cười bẽn lẽn trên môi. Quỳnh nghe tim mình đập thình thịch trong ngực. Nó đập mạnh đến nỗi Quỳnh tưởng như Nga có thể nghe rõ từng tiếng vang của nó. Ý nghĩ đó khiến mũi Quỳnh đỏ ửng. Anh cố trấn tĩnh bằng cách kéo ghế mời Nga ngồi:
– Nga ngồi chơi đi!
Hai thằng nhóc thấy có người lạ tới, cũng hiếu kỳ quay mặt lại. Bốn cặp mắt đen láy tò mò quan sát Nga. Một đứa liếc Ngoạn, ngạc nhiên hỏi:
– Chị mày hả ?
– Ừ, chị tao đó!
Ngoạn đáp với vẻ hãnh diện. Vừa nói, nó vừa sà lại chỗ mấy đứa bạn.
Quỳnh ngồi xuống trước mặt Nga. Anh có vẻ lúng túng với cách ăn mặc xốc xếch của mình. Đặt hai tay lên đầu gối để che chỗ vá, Quỳnh nhìn Nga, thấp thỏm hỏi:
– Nga đến chơi hay có chuyện gì không ?
Nga mỉm cười:
– Nga đến chơi thôi…
– Sao Nga lại biết nhà tôi…
Đang nói, sực nhớ Ngoạn là em Nga, Quỳnh khẽ “à” một tiếng rồi im bặt.
Nga cười:
– Thằng Ngoạn đến đây chơi hoài mà anh giấu Nga hén!
Quỳnh bối rối:
– Giấu gì đâu!
– Vậy mà không giấu ?
– Đó là tôi chưa kịp nói với Nga thôi.
– Không những anh không nói mà ngược lại anh còn bắt người ta nói.
Quỳnh trố mắt:
– Người ta nào ?
– Thằng Ngoạn đó. Anh dụ nó nói lung tung. Anh “điều tra” nó về chuyện băng nhạc, về mấy cuốn sách…
Đang nói, chợt thấy mặt Quỳnh đỏ rần, trán rịn mồ hôi, Nga xì tốp ngay. Nga tính giỡn chơi, nào ngờ Quỳnh tưởng Nga tới đây để “hoạch hoẹ” Quỳnh, anh hoảng kinh.
Nga liền lảng sang chuyện khác. Nó đưa mắt nhìn về phía chiếc bàn, hỏi:
– Anh đang làm gì vậy ?
Quỳnh tằng hắng:
– €, tôi đang khâu lại cái túi xách…
– Túi xách của anh hả ?
– Không. Đây là cái túi của đứa bé hàng xóm. Nó nhờ.
Nga chỉ hai đứa nhỏ ngồi kế bên Ngoạn:
– Còn hai đứa kia…
Quỳnh cười:
– Chúng đang tập làm thợ mộc.
– Cháu anh hả ?
– Không. Đây là những đứa trẻ ở cạnh nhà. Tụi nó thường qua đây chơi.
Nga đảo mắt nhìn quanh nhà, thắc mắc:
– Vậy chứ anh đóng sách chỗ nào đâu ?
Quỳnh giật thót. Từ nãy đến giờ anh quên béng mất câu chuyện trước đây anh đã “bịa” ra với Nga và Hạnh. Bây giờ, Nga hỏi đột ngột khiến Quỳnh chết cứng. Anh tưởng như trái tim mình sắp vọt ra khỏi lồng ngực.
– Đóng sá…á…ách hả…ả… ?
Quỳnh ấp úng hỏi lại, đầu loay hoay tìm lối thoát.
Thấy Quỳnh cứ cà lăm hoài, Nga ngạc nhiên:
– Thì đóng sách chứ sao! Anh đóng sách chỗ nào ?
– Không, không! Tôi đâu có đóng sách… ở nhà. Tôi đóng sách ở chỗ khác…
– Chỗ khác ?
Quỳnh nuốt nước bọt:
– Ừ. Tôi đóng ở một… cửa hiệu riêng.
Quỳnh nói dối mà bụng cứ thon thót. Rủi Nga hỏi cửa hiệu của anh nằm ở chỗ nào, chắc Quỳnh hết đường tránh.
May thay, lúc ấy có một con bé chạy vào. Nó ôm con búp bê trên tay, chạy ùa lại chỗ Quỳnh, miệng kêu ầm ĩ:
– Anh Quỳnh ơi anh Quỳnh!
Quỳnh quay lại:
– Gì vậy em ?
Con bé chìa con búp bê ra:
– Con Ti Ti của em gãy cổ rồi. Anh gắn lại giùm em đi!
Quỳnh xoa đầu con bé:
– Em làm gì đến nỗi con Ti Ti phải gãy cổ lận ?
– Em có làm gì đâu! – Con bé tròn xoe mắt, phân trần – Em nằm trên võng ru cho Ti Ti ngủ. Con Ti-nô ngồi rình ở dưới. Nó thấy em cưng Ti Ti nó tức lắm. Thế là nó đợi cho em sẩy tay làm rơi Ti Ti xuống đất, nó nhảy lại ngoạm lấy ngay cổ Ti Ti. Cổ Ti Ti thế là đứt lìa ra.
– Thôi được rồi! Để anh gắn lại cho! Em đừng lo.
Quỳnh trấn an con bé. Vừa nói anh vừa nhìn Nga.
Nga mỉm cười:
– Anh cứ đi “làm việc” đi! Nga ngồi đây chơi!
Được Nga “cho phép”, Quỳnh đứng dậy. Anh rót một ly nước đặt trước mặt Nga:
– Nga uống nước chờ tôi chút xíu nghen!
Rồi Quỳnh cầm lấy con búp bê đi lại đằng bàn. Con bé tò tò theo sau. Quỳnh ngồi vào bàn. Anh vớ lấy hộp keo dán và bắt đầu thoa vào cổ con búp bê. Con bé “thân chủ” ngồi xuống bên cạnh, tay tì vào cằm, mê mẩn nhìn anh làm.
Quỳnh chưa “chữa trị” xong con búp bê, lại thêm một thằng bé chạy xộc vô, nách cặp đôi giày trượt patin, miệng la bài hãi:
– Chết em rồi, anh Quỳnh ơi!
Có lẽ quá quen với những tình huống tương tự, Quỳnh vẫn ngồi im. Anh hỏi mà không ngoảnh cổ lại, tay vẫn loay hoay với con búp bê:
– Gì đó em ?
Thằng bé lớn tuổi hơn con nhỏ kia. Nó trạc tuổi Ngoạn. Nghe Quỳnh hỏi, nó vừa thở hổn hển vừa đáp:
– Đôi giày patin của em hỏng rồi. Các bánh xe chẳng hiểu sao lại không chịu quay. Khi nãy, em té một cú trời giáng, suýt chút nữa bể đôi “gáo dừa”.
– Em chờ anh một chút. Anh sắp xong rồi đây.
Chỉ đợi có vậy, thằng bé hí hửng đặt đôi giày trượt lên bàn. Rồi nó quay lại nhập bọn với tụi “thợ mộc”. Nó ngồi xuống cạnh Ngoạn, miệng bô bô:
– Tụi mày đóng cái gì vậy ?
– Đóng hộp đựng viết! – Một đứa nói.
Thằng bé ngồi ngắm nghía tụi kia một hồi, rồi buột miệng nói:
– Cho tao đóng với!
– Thôi đi! Hôm qua mày đã đóng suốt một ngày rồi. Bữa nay tới phiên tụi tao.
Thằng bé phân bua:
– Nhưng hôm qua tao có đóng được cái quái gì đâu! Lại còn nện búa vô tay đau điếng!
– Kệ mày!
Biết không thể năn nỉ được nữa, thằng bé lò dò bước lại chỗ Quỳnh. Đúng lúc đó, Quỳnh cũng vừa gắn xong con búp bê. Anh đưa con búp bê cho con bé, ân cần dặn:
– Bây giờ keo còn ướt, em đừng nên đụng đến nó. Hai ngày sau mới lấy ra chơi được, nhớ chưa ?
Con bé gật đầu. Nó nâng con búp bê bằng hai tay và hớn hở quay ra.
Quỳnh định quay lại ngồi nói chuyện với Nga nhưng thằng bé đã níu tay anh:
– Anh coi giùm đôi giày của em đi! Em đi trượt ngay bây giờ!
Quỳnh lúng túng chưa biết quyết định như thế nào, Nga đã lên tiếng:
– Anh sửa giùm cho thằng bé đi!
Thế là Quỳnh lại quay lại chiếc bàn cạnh cửa sổ. Lần này thì anh vớ lấy chiếc kềm, lay lay, vặn vặn.
Nga ngồi yên trên ghế, lặng lẽ quan sát Quỳnh. Lúc ở nhà, bên cạnh những đứa bé, Quỳnh chẳng giống một chút nào với hình ảnh của anh trong lớp. Anh như trở thành một con người khác. Trông anh nhanh nhẹn, cởi mở và tự tin hơn. Nga có cảm giác khi ở trong khung cảnh quen thuộc của mình, Quỳnh đã trút bỏ vẻ lúng túng, rụt rè thường nhật một cách d- dàng như người ta cởi bỏ một chiếc áo.
Rõ ràng những đứa trẻ rất yêu mến Quỳnh. Chúng không bao giờ chọc ghẹo Quỳnh như cảnh Nga thường thấy ở trường. Chúng đáp lại tình yêu dịu dàng của anh bằng sự trân trọng và lòng tin cậy chân thành. Đối với chúng, căn nhà nhỏ bé của anh hẳn rất ấm cúng và thân thuộc.
Ngay cả Ngoạn cũng vậy. Vừa bước vào nhà, nó đã quên phắt mất Nga. Nó chúi mũi vào mấy thứ đồ gỗ, cưa cưa đục đục và chết chìm luôn trong trò chơi với hai đứa bạn, bỏ mặc Nga ngồi một mình.
Nga đang ngồi nghĩ vẩn vơ thì Quỳnh bước lại. Anh đã sửa xong chiếc giày trượt cho thằng bé và nó đang phóng vù ra khỏi nhà với đôi giày trên tay, mặt mày rạng rỡ như sắp đi dự hội.
– Xin lỗi Nga nghen!
Quỳnh vừa ngồi xuống ghế vừa nói.
– Lỗi gì đâu! – Nga chớp mắt, và hỏi – Bạn anh đấy hả ?
– Đâu ?
– Những đứa trẻ ấy!
Quỳnh chợt hiểu ra. Anh cười:
– Ừ, bạn hằng ngày của tôi đấy. Tụi nó rất d- thương.
Nga bâng khuâng hỏi:
– Anh không có bạn lớn hơn à ? Bạn cùng tuổi ấy!
Quỳnh gãi cằm:
– Bạn lớn hơn à ? Thiếu gì! Tôi có tới bốn chục người bạn lận!
Nga tưởng thật:
– – đâu nhiều vậy ?
– Lớp mình đấy.
Nga khịt mũi:
– Lớp mình thì nói làm gì!
– Sao lại không nói! Như Nga chẳng hạn. Nga chẳng phải bạn tôi là gì!
Nga vuốt tóc:
– Nhưng mà những người khác có ai đến đây không ?
Giọng Quỳnh chợt chùng xuống:
– Không. €, gần đây thì có Luận.
– Luận ? – Nga tròn xoe mắt, nó tưởng Quỳnh nói lộn.
Nhưng Quỳnh gật đầu:
– Ừ.
Nga vẫn chưa hết kinh ngạc:
– Luận đến đây làm gì ?
– Thì đến… chơi.
– Luận mà đến chơi với anh ?
– Ừ.
– Nó không trêu anh chứ ?
Quỳnh cười:
– Luận chán trò đó rồi. Bây giờ, ngay cả ở lớp, Luận cũng đâu có trêu tôi nữa.
Nga sực nhớ ra, bèn gật gù:
– Ừ hén! Hèn gì mấy hôm nay Nga thấy nó hiền khô. Nhưng mà Nga ghét thằng đó.
– Tại vì nó hay chọc Nga chứ gì ?
Nga “hứ” một tiếng:
– Nó chỉ chọc Nga trước đây thôi. Từ khi Nga làm mặt dữ, nó hoảng hồn, thôi luôn. Nó quay sang chọc anh.
– Nhưng bây giờ nó cũng “thôi” tôi luôn rồi.
Nga cười khúc khích:
– Vì vậy nên Nga bớt ghét nó hơn. Còn ghét, nhưng ghét sơ sơ.
Quỳnh cũng cười xòa. Tự nhiên Nga thấy Quỳnh thật d- mến. Hai vành tai quái dị và cái mũi đỏ của anh không còn khiến Nga thấy kỳ cục nữa. Trong một thoáng, Nga cảm thấy chúng bình thường như đã là con người thì ai cũng vậy.
Nói chuyện với Quỳnh một hồi, Nga đứng dậy định kêu Ngoạn ra về thì mẹ Quỳnh khệ nệ bưng lên một mâm chè, đon đả mời:
– – lại ăn chè đã cháu!
Hóa ra từ nãy đến giờ, mẹ Quỳnh lui cui nấu chè dưới bếp. Bà đặt mâm xuống trước mặt vị khách đặc biệt, niềm nở:
– Chè đậu xanh bác nấu, cháu ăn thử có ngon không ?
Nga chẳng biết nói gì. Nó dạ lí nhí trong miệng.
Trong khi đó, Quỳnh quay lại phía mấy đứa nhỏ:
– Lại ăn chè, các em!
Ngoạn ngoảnh lại. Bấy giờ nó mới sực nhớ đến Nga.