Thần Điêu Đại Hiệp

Chương 21: Một Sự Hiểu Lầm Ngàn Trùng Cách Biệt


Bạn đang đọc Thần Điêu Đại Hiệp – Chương 21: Một Sự Hiểu Lầm Ngàn Trùng Cách Biệt

So với mấy năm về trước, thuật khinh công của Dương-Qua đã tăng tiến phi thường. Chẳng bao lâu đã vượt qua hết một thung lũng, thoáng nhìn đàng xa, dưới bóng trăng rõ ràng bóng trắng dịu dàng uyển chuyển của Tiểu-long-Nữ đang lẹ làng đấu với một người lạ mặt chẳng rõ là ai, từ đâu đến. Nghệ thuật của nàng có vẻ kỳ ảo nhẹ nhàng như vờn hoa, nhưng nội lực thì còn kém sút nhiều người lạ mặt. Đối phương tung những đường chuyền cước hùng hậu, chắc nịch, chưởng lực cao cường như muốn áp đảo nàng.
Dương-Qua kinh hãi phi thân đến gần, miệng la lớn:
– Cô nương, đã có tôi đến đây.
Đến cạnh hai người nó định thần nhìn kỹ tướng mạo người kia, bên má đầy lông mọc lởm chởm, da nhăn, sắc diện kỳ quái, rõ ràng là Âu-dương-Phong, cha nuôi của nó từ thuở nào. Âu-dương-Phong đứng nghiêm một chỗ vững như bàn thạch, hùng dũng như trái núi, chưởng lực tung ra cực kỳ mãnh liệt. Tiểu-long-Nữ luôn luôn uốn mình né vòng quanh không dám công nhiên đối chiến.
Dương-Qua vội la lớn:
– Xin ngừng tay lại, cùng là người trong nhà cả đấy mà!
Tiểu-long-Nữ ngạc nhiên tự nghĩ:
– Lão già quái gở mặt đầy lông như thế nầy sao gọi là người nhà được nhỉ?
Tâm trí bất thường bị lũng đoạn, nàng phát chưởng lực không đều nữa. Âu-dương-Phong thừa dịp hạ tay trái xuống bụng tung ra một chưởng mạnh vô song. Một luồng gió tạt ngang qua mặt nàng. Dương-Qua phi thân lại gần, thoáng qua chưởng lực thấy rõ sức sư phụ còn kém thua nghĩa phụ xa lắm, nếu để trận đấu kéo dài Tiểu-long-Nữ thế nào cũng bị nội thương nặng.
Lập tức nó chuyển nội lực ra đầu 5 ngón tay, xuất chưởng quét nhẹ qua bụng dưới của Âu-dương-Phong, đúng theo ngón “Thủ huy ngủ huyền” vừa học được trong Cửu âm chân kinh. Mặc dầu nó luyện chưa thuần thục lắm nhưng vì sử dụng đúng quy tắc cho nên ảnh hưởng vô biên. Tác dụng của chưởng lực đã làm cho Âu-dương-Phong mệt nhoài như muốn rã rời tay chân.
Tiểu-long-Nữ thấy thế địch suy yếu, do thế công chớp nhoáng của Dương-Qua, liền tức thời khỏi thế công mạnh hơn. Chỉ nháy mắt Âu-dương-Phong xuất phát chưởng lực yếu ớt, toàn thân như không còn đủ sức đề phòng vệ chưởng lực của đối phương, như người bị trọng thương.
Dương-Qua lấy tay bắt lấy tay sư phụ ngăn không cho chưởng lực phát xuất nữa, nó đứng giữa hai người, cười và nói:
– Xin hai vị đình chiến, hai vị đều là thân thích với tôi cả.
Âu-dương-Phong chưa nhận ra nó, chỉ thấy võ nghệ của nó cao cường lạ lùng, không dám coi thường. Tuy vậy ông giận dữ nói:
– Mày là ai? Sao lại bảo là người thân thích?
Dương-Qua đã biết ông ta nhiều khi phát khùng, hoặc có thể ông ta quên chăng, nên nói lớn:
– Nghĩa phụ ơi! con đây! con của cha đây mà!
Mấy tiếng ấy có tác dụng khích động tình cảm làm Âu-dương-Phong ngơ ngác, lấy tay nắm tay nó dắt ra chỗ có ánh trăng để nhận diện. Ông đã nhận ra được đứa con nuôi mà từ bấy lâu nay ông đã mất công tìm kiếm khắp nơi chưa thấy. Bây giờ nó cao lớn hơn, võ nghệ giỏi giang hơn, vì thế mà lúc đầu ông không nhận ra được.
Âu-dương-Phong thấy tình cảm Dương-Qua đối với mình chẳng hề mảy may dời đổi liền ôm lấy nó nức nở nói:
– Con ơi! Ta khổ công biết bao mới tìm được con.
Rồi hai người ngồi ôm lấy nhau mà khóc.
Tiểu-long-Nữ từ tấm bé đến nay được đào luyện thành ra con người lạnh nhạt với hết mọi sự đời, thấy tính tình Dương-Qua, cho rằng trên đời này chỉ có nó là nhiệt tâm như lửa, nay lại thấy cả Âu-dương-Phong cũng thế nốt. Nàng rùng mình khi nghĩ đến truyện hạ sơn, lẳng lặng ngồi yên ở cạnh đó, sầu tư mặc tưởng.
Năm xưa, Âu-dương-Phong cùng với Dương-Qua chia tay tại Giang-Nam nơi đàn miếu Lăng-hồ-Chấn, để đi đến Đại Chung cho Kha-trấn-ác một bài học mà rồi chẳng nên trò trống gì. Ông tìm vận phép nội công thần diệu để sửa trị nội thương, 7 ngày 7 đêm thì vết thương bình phục. Nhưng toàn thân bị Kha-trấn-ác đánh nhừ tử nên khó mà lấy lại sức được y như cũ. Ông khai một hồi chuông rồi đến dưỡng bệnh tại một lữ điếm trong 20 ngày, được bình phục như cũ. Ông lại lên đường. Trước khi đi ông dặn Dương-Qua bất cứ sự thế có đổi theo thế nào cũng phải báo cho ông biết nơi cư trú của nó.
Một tháng sau, tấm thân nhỏ bé của nó giữa trời rộng đất dài, chẳng còn biết tung tích ở đâu để mà nhắn tin nữa. Sau Âu-dương-Phong, dò la thì được biết nó đã ở Đào-hoa-Đảo. Ông bẩm tính là người cương nghị, coi mọi việc khó khăn ở đời như không, bèn kiếm một con thuyền nhỏ, bơi ra Đào-hoa-Đảo, chọn lúc đêm tối mới dám ghé bến tại một nơi núi rừng ra đến biển. Ông cũng thừa hiểu, tại đảo Đào-Hoa Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung không có thù nghịch gì với ông, nhưng chỉ ngán một mình Hoàng-dược-Sư thôi (ông không hay tin Hoàng-dược-Sư đã rời Đào-Hoa-Đảo). Tuy đảm lược của ông càng lớn tuổi càng to, song một người địch sao nổi được cả ba tay cao thủ. Bởi vậy ban ngày ông ẩn nấp ở một chỗ hoang tịch trong đảo. Ban đêm ông mới lần mò đi khắp đó đây để tìm Dương-Qua.
Cứ như thế, đã hai năm trời, ban ngày ông không ra khỏi động một bước, thực là vạn phần thận trọng. Vì thế không ai biết rõ được tung tích ông. Một buổi tối kia, lén nghe thấy anh em Vũ tu Văn chuyện trò với nhau, ông biết được Quách-Tỉnh đã mang Dương-Qua đi gởi sang Toàn-chân môn phái học tập võ nghệ. Âu-Dương-Phong nghe tin mừng rỡ khôn xiết, lập tức chèo thuyền lớn rời đảo Đào Hoa, hướng về phía Trùng-Dương-Cung để dò la tin tức. Đến nơi, ông không hay biết gì về những chuyện náo loạn đã xảy ra giữa Dương-Qua và Toàn Chân phái. Việc đó đã làm cho môn phái này bị mang tiếng, nên trên giáo phái không ai hé môi nói lấy nửa lời. Lúc thì Dương-Qua tiến nhập Hoạt-tử-Nhân mộ đài. Âu-dương-Phong đã dùng thiên phương bách kế để dò la mà tuyệt vô âm tín.
Trong khoảng mấy năm trời, ông đã lê gót vòng quanh dãy núi Chung-nam-Sơn không biết mấy vòng, vượt qua hàng trăm dặm đường mà đành thở dài và bặt tăm chim cá. Nào có ngờ đâu lúc giờ chính là lúc Dương-Qua đang ở sâu dưới đất, nơi mộ đài để luyện tập võ nghệ. Buổi tối hôm ấy, may thay trời xui đất khiến Âu-dương-Phong đi ngang qua bên hông một hang núi, bỗng thấy xiêm y trắng của một thiếu nữ, ngồi bó gối dưới ánh trăng mà thở dài. Ông liền tiến lại, như điên như dại hỏi nàng rằng:
– Này! Con ta nó ở chốn nào? Cô có biết hay không?
Tiểu-long-Nữ đang lúc lòng rầu rĩ, thấy gã điên dại kia, chỉ liếc nhìn một cái rồi quay lưng đi như không thèm đếm xỉa đến cho thêm bận.
Âu-dương-Phong xông về phía trước nắm lấy vai nàng, quát rằng:
– Con ta đâu nào?
Tiểu-long-Nữ qua cái nắm vai, biết rằng lão này công lực mạnh mẽ phi thường, võ nghệ cao cường như chưa từng thấy, những tay cao thủ bên Toàn Chân phái còn thua xa. Nàng không khỏi không kinh sợ. Sau nàng lấy tay dùng miếng gỡ ra được. Âu-dương-Phong từ trước tới nay phàm đã xử dụng ngón nắm giữ này khó có đối thủ gỡ được, nay lại bị miếng gỡ thực là nhẹ nhàng êm ái của nàng nên chẳng cần biết nàng là ai vội nắm tay trái nàng. Thực chẳng có nguyên do gì to tát cho cam, hai người bỗng dưng chiến đấu với nhau.
Dương-Qua Âu-dương-Phong mấy năm chẳng gặp nhau nào ngờ đâu có ngày gặp gỡ này. Âu-dương-Phong thần trí nửa tỉnh nửa ngờ, như mở mắt còn ngờ chiêm bao. Những chuyện quá khứ dường như đã chìm đi trong lòng ông, không còn nhớ rõ nữa. Nghe lời Dương-Qua thuật lại truyện xa xưa, ông cũng chỉ mang máng là thế. Chỉ biết là mấy năm trời nay nó học võ nghệ Tiểu-long-Nữ. Ông đã cao niên, mà tâm tính chẳng khác nào đứa trẻ thơ. Ông nói:
– Cô ta võ nghệ sao bằng ta được, tại sao con lại theo học cô ta làm gì, thôi để rồi ta dạy cho con.
Tiểu-long-Nữ nghe rõ câu nói của ông, nàng vốn tính lãnh đạm đã quen nên, chỉ mỉm cười, đứng tránh ra một bên.
Dương-Qua cảm thấy dưỡng phụ mình chẳng có ý tứ chút nào, nói lái đi:
– Thưa cha! Sư phụ đối với con rất tốt.
Âu-dương-Phong bỗng nhiên đố kỵ, nói lớn:
– ừ! cô ta tốt, còn ta không tốt sao?
Dương-Qua cười mơn nói:
– Cha tốt lắm chớ! Trên đời nầy chỉ có cha và sư phụ là tốt thôi.
Âu-dương-Phong ăn nói nhiều khi lẩm cẩm, nhưng Dương-Qua thầm biết rằng, qua mấy năm đi tìm nó, ông đã trải qua thiên nan vạn khổ, thất vọng nên sinh lẩm cẩm vậy.
Ông nắm chặt lấy tay nó hu hu khóc như một người khùng. Khóc miết một hồi, ông nói:
– Võ nghệ con học được chẳng phải là tầm thường, rất tiếc là còn thiếu mất hai đại kỳ công trên thế gian này.
Dương-Qua ngẩn người ra hỏi lại:
– Thế là những cái gì đó, cha?
Âu-dương-Phong chau mày trợn mắt, nói lớn:
– Cái người dạy võ con mà không cho con biết hai đại kỳ công ấy thì dại gì bái họ là sư phụ, họ còn được đáng mặt gì?
Dương-Qua thấy ông chợt vui, chợt giận, trong lòng không hề phiền trách mà lại còn sinh ra lo buồn. Nó nghĩ thầm:
– Cha ta bệnh hoạn đã xâm nhập, chẳng còn biết đến bao giờ mới khỏi được.
Âu-dương-Phong lớn tiếng cười khà khà:
– Thôi, để cha dạy hai đại kỳ công ấy. Một là Hàm-mô-công, hai là Cửu-âm chân-kinh. Lúc con còn nhỏ, ta đã dạy con những ngón nhập môn, bây giờ con thử biểu diễn lại cha coi chơi xem sao.
Dương-Qua từ khi nhập mộ đài đến nay cũng đã lâu rồi, không hề luyện lại võ thuật kỳ quái kia. Nay nghe thấy Âu-dương-Phong nhắc tới, nó vui vẻ diễn lại. Hồi nó ở Đào-Hoa Đảo thì đã luyện thuần thục rồi. Ngày nay thêm vào với sức nội công mới luyện được thâm hậu hơn, chẳng khác nào hổ thêm vây cánh, giàn hoa có thêm viền gấm.
Âu-dương-Phong nhìn thấy thế, mừng rỡ lắm:
– Kỳ diệu! kỳ diệu đa! ta dốc hết những ngón điệu dụng của ta ra để truyền cho con, nghe!
Rồi ông lấy ngón tay vẻ xuống đất những hình đồ, nói thao thao bất tuyệt, như không bao giờ dứt, chẳng cần biết Dương-Qua có kịp nghe, kịp nhớ không?
Dương-Qua nghe ông nói được ít câu, lòng đã thấy kinh sợ, thấy mỗi câu mỗi tiếng nói của ông là bao hàm diệu nghĩa vô cùng. Nhưng làm sao mà nghe đến đâu nhớ hết ngay đến đó được. Tuy nhiên nhờ trí thông minh đặc biệt nó cũng ghi nhớ được ít nhiều.
Âu-dương-Phong nói được một hồi, bỗng nhiên vỗ tay nói:
– Chết chưa! A! Không được! Không thể nói để cho ả kia nghe trộm được.
Đoạn ông vòng qua gốc cây hoa, tiến đến gần phía Tiểu-long-Nữ, nói:
– Này, cô ả! Tôi đang truyền cho con tôi võ thuật cô đừng có nghe lén, nghe!
Tiểu-long-Nữ đáp:
– Võ thuật của ông đã có gì là kỳ diệu, ai nghe lén làm chi cho tốn công.
Âu-dương-Phong nghiêng đầu tiếp:
– Thế thì cô nên tránh xa nữa, có hơn không.
Tiểu-long-Nữ tựa người vào gốc một cây cười nhạt nói:

– Ta nghe làm chi những cái lầm lỡ sơ sót của ông, ta muốn đi muốn ở, tùy ý ta…!
Âu-dương-Phong đùng đùng nổi giận, râu tóc lông mày dựng ngược cả lên trông gớm chiếc, đưa tay ra toan đánh thẳng về phía má Tiểu-long-Nữ. Nàng cứ như không trông thấy, để ý mà vẫn cứ như không để ý tới. Còn cách mặt Tiểu-long-Nữ chừng một gang tay, ông lại rút tay lại khi thoáng nghĩ tới nàng là sư phụ của con mình, đánh nàng bị thương ở mày ở mặt thì còn ra sao. Vả lại dường như từ nãy đến giờ nàng có điều gì không vừa ý thì phải. Ông nói:
– Thôi cũng được! Cha con ta đi xa, thử xem cô có nghe lén không đã.
Tiểu-long-Nữ nghĩ bụng:
– Người nầy võ nghệ tuy cao, nhưng thực là cực kỳ vô lại. Khi nghe thấy ông nói nàng quay mặt đi không đáp lời.
Bỗng nhiên nàng thấy hơi nhoi nhói ở phía sau lưng. Chính Âu-dương-Phong trong lúc chộp vai nàng đã lấy ngón tay điểm huyệt bối tâm phía sau lưng rất lanh lẹn, khiến nàng không ngờ được để liệu bề vận khí đề phòng. Đến khi mình biết rằng đã bị đòn điểm huyệt thì phía trên người chuyển động đã thấy ngượng. Âu-dương-Phong nhận thấy thế lại đến bồi thêm cho một ngón điểm vào giữa lưng nàng. Rồi cười khà khà ông nói:
Đừng buồn nghe! cô ả! ráng đợi ta truyền cho con ta ít ngón võ thuật, rồi ta sẽ lại ngay để giải huyệt cho.
Rồi ông lại cười khà khà mà đi.
Dương-Qua lẩm nhẩm cho nhớ những điều mà cha nuôi nó đã dạy về Ham mô công và Cửu âm chân kinh. Nó thấy không giống với Trùng Dương di thiên khắc trên nóc gian nhà đá trong cổ mộ đài, có nhiều chỗ lại còn khác hẳn, có khi phản lại nữa. Nó mãi nghĩ tới nghĩ lui, nên không hay, biết gì việc sư phụ nó bị điểm huyệt.
Âu-dương-Phong trở lại đến gần bên nó, dắt tay nó đi và bảo:
– Cha con ta đi tới đằng kia, đừng để cho sư phụ con nghe thấy.
Dương-Qua thừa biết tính Tiểu-long-Nữ vốn ưa cô tịch, chẳng bao giờ thèm nghe trộm làm chi. Giả thử có nói ngay trước mặt nàng, có khi nàng cũng chẳng thèm nghe tới.
Thấy cha nuôi nó tính tình thất thường, thôi thì nó cũng chiều cho xong chuyện, khỏi phải tranh biện làm chi cho mất công. Nghĩ vậy Dương-Qua theo cha đi đến chỗ khác.
Tiểu-long-Nữ nằm mềm rủ ra ở trên đất, vừa buồn, vừa vui nghĩ đến võ nghệ của mình luyện tập kể cũng đã tình thâm nhưng chỉ vì ít có kinh nghiệm chiến đấu với địch nhân, nên đã bị Lý-mạc-Thu điểm huyệt trộm, rồi còn bị lão râu xồm quái đản kia đánh lén. Nàng bèn vận dụng Cửu-âm thần công, tự giải lấy huyệt đạo. Nàng lấy hơi dồn xuống huyệt đạo để công phá mấy lần liên tiếp, nhưng không thấy huyệt đạo chuyển động chút nào, lại còn thấy mỗi lần dồn hơi xuống lại còn đau hơn lên. Lòng nàng không khỏi lo ngại.
ấy là bởi thủ pháp của Âu-dương-Phong nghịch hành với Cửu âm chân kinh, nàng lại dùng thường pháp để thông huyệt đạo, nên càng thông càng tắc thêm. Thử mấy lần, nàng thấy chỗ huyệt bị điểm đau hơn lên, không còn dám thử nữa.
Nàng nghĩ bụng: Thôi đành đợi lão kia truyền võ nghệ cho con xong xuôi, đương nhiên sẽ đến giải. Vứt bỏ mọi sự ngoài, lòng không còn bận đến việc gì nữa, nàng ngẩng đầu ngắm trăng sao trên trời, đem hòa hồn vào đấy, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Một lúc lâu, mắt nàng có một vật gì che không còn trông thấy gì nữa. Đối với nàng thì giữa đêm tối cũng trông thấy các vật chẳng khác gì ban ngày. Thì ra có người lấy vải buộc che kín mất mắt. Tiểu-long-Nữ, trong lúc đang lo ngại thì bỗng có người đến xốc rồi vác nàng trên hai vai. Lúc đầu người ấy phải xốc mạnh, nàng nằm trên vai họ một lát, người kia lại phải xốc nữa. Tiểu-long-Nữ chưa hết lo ngại, toan há mồm để la lên, nhưng lại thấy mồm mình gần mồm người kia, và trán nàng gần sát với mặt họ. Thoạt đầu nàng cứ tưởng đó chính là Âu-dương-Phong toan giở trò cường bạo, nhưng sau cảm thấy má người này có vẻ trơn tru, còn Âu-dương-Phong đầu mặt râu ria lông lá tất phải rậm rạp. Cảm thấy như thế, không những nàng khoan khoái, hết kinh sợ mà còn thấy tình dục từ đâu tràn tới, nàng nghĩ thầm phải chăng đấy là Dương-Qua muốn giỡn với nàng chăng? Nàng nghĩ bụng: Thực là oan trái! Nhưng vì thân thể bị điểm huyệt không còn cử động được, lòng nàng vừa sợ vừa xấu hổ.
Về phía Âu-dương-Phong vui mừng vô hạn khi thấy Dương-Qua thông minh kỳ lạ, những khẩu quyết truyền thụ cho nó, chỉ giảng qua loa, là nó đã lãnh hội được ngay. Bởi thế, càng nói ông càng thấy hào hứng, nói một hơi cho đến sáng rõ, nói cho đến hết hai đại kỳ công.
Dương-Qua đã thầm nhớ hết cả, bèn phát biểu ý kiến:
– Thưa cha! con đã học qua Cửa âm chân kinh rồi, đem so với lời cha dạy thấy khác nhau xa.
Âu-dương-Phong đáp:
– Nói láo! ngoài điều ta dạy, còn cái trò gì gọi là cửu âm chân kinh nữa.
Dương-Qua nói:
– Tỷ như thuật luyện gân luyện cốt, bảo rằng tam bộ là khí huyết nghịch hành, sung thiên tru huyệt. Sư phụ thì lại dạy rằng: ý thủ đơn điền, thông chương môn huyệt.
Âu-dương-Phong lắc đầu lia lịa:
– Không phải, không phải! Trông ta làm thư coi đây.
Nói xong Âu-dương-Phong vận dụng mấy đường về “Cửu âm chân kinh” làm cho Dương-Qua nhìn mà mắt hoa lên.
Dương-Qua lẩm bẩm: “Không biết thầy ta dạy phải, hay cha nuôi ta dạy đúng. Phép luyện “Cửu âm chân kinh” của Quách-Tỉnh ta cũng đã được coi mà không giống thế này.
Đương mãi mê ngắm nhìn dưỡng phụ vận dụng võ thuật, Dương-Qua thấy Âu-dương-Phong xửng lại, hai mắt đờ ra, trông thực gớm ghiếc.
– Cha ơi cha! cha ơi!
Dương-Qua gọi lên mấy tiếng mà không thấy Âu-dương-Phong nói năng hay nhúc nhích. Dương-Qua kêu lên:
– Bệnh phong ma của cha nuôi tôi lại tái phát rồi đây!
Đang kinh dị như vậy, Dương-Qua thoáng thấy có một bóng đen lướt qua dưới hàng cây trước mặt. Tinh mắt nhìn theo rõ là người đó mặc áo Hạnh hoàng chính là một đạo sĩ.
Dương-Qua nghĩ thầm: “ở nơi âm u rừng núi này làm gì có người đến, xem dáng điệu vội vàng lén lút của bóng đen chắc là quân bất lương định giở ngón gì bất hảo đây”.
Nghi ngờ như vậy, Dương-Qua đuổi theo
Thuật phi hành của bóng đen cũng không được tuyệt diệu cho lắm, nên không mấy chốc Dương-Qua đuổi kịp nhìn đằng sau cũng nhận ra đó là một đạo sĩ vội hét:
– Ai kia, ai chạy kia đến đây làm gì mà lén lút như vậy. Đứng lại đấy đã.
Mặc cho Dương-Qua gọi giật giọng, đạo sĩ vẫn dùng khinh công chạy như tên bay.
Dương-Qua cũng dùng khinh công lao mình lẹ như chớp vượt lên chặn đầu.
Khi ngoảnh lại nhìn thì ra chẳng phải ai xa lạ. Đó là đạo sĩ Doãn-chí-Bình một tay đệ tử của Toàn-Chân giáo phái.
Doãn-chí-Bình bị chặn lối, lúng túng hốt hoảng, vừa thẹn thùng vừa sợ sệt nên nói không ra hơi.
Dương-Qua ôn tồn hỏi:
– Đạo sĩ có việc chi mà hoảng hốt như vậy! Trước đây tôi được đạo sĩ tha không đuổi ở Trùng-dương cung. Nay không có việc gì thì cứ thong thả mà về can chi lại trốn tránh như thế.
Dương-Qua không đuổi theo nữa, bỏ trở về chốn cũ.
Vừa về đến nơi thì một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra; dưới giàn hoa trong rừng rậm thấy hai chân Tiểu-long-Nữ thò ra, một chân co một chân duỗi, mà người thì hình như ngủ say mê mệt.
Dương-Qua chạy lại kêu:
– Cô nương, cô nương!
Không thấy Tiểu-long-Nữ trả lời.
Dương-Qua thầm nghĩ:
– Tên đạo sĩ nầy chẳng biết vì đâu lại có ý thầm lén sợ sệt. Hay nó đã hại ngầm cô nương ta chăng?
Gọi mãi mấy bận mà không một lời đáp lại .
Dương Qua lo quá , vội vẹt hoa banh lá ra tìm thử thấy Tiểu long Nữ nằm lồ lộ trên một tấm vải màu xanh . Mặt nàng cũng có một băng xanh bịp kín đôi mắt , toàn thân cứng đờ không cử động .
Dương Qua lật đật đến mở băng vải ra nhìn thấy Tiểu long Nữ mắt trông lờ đờ như không còn tinh thần , môi má lợt lạt , hình như mới trải qua một cơn giận dữ , như vừa phẫn nộ , vừa thẹn thùng xấu hổ quá mức .
Nhìn qua đôi mắt lim dim của nàng , Dương Qua khẽ hỏi :
– Ai đã bịt mắt cô nương như thế này ?
Tiểu long Nữ lặng thinh , mắt đăm đăm nhìn chàng , như oán hờn như giận dữ . Toàn thân nàng mềm lả như cành liễu rủ , không thể cử động được , có lẽ bị kẻ nào điểm huyệt rồi .
Dương Qua lanh trí đoán ra nguyên nhân nên vội vàng đem phương pháp giải huyệt của Âu Dương Phong đã dạy để giải huyệt đạo cho nàng . Tiểu long Nữ lần dần phục hồi sức lực , cử động được tay chân , từ từ ngượng dậy nhưng mệt quá dựa vào lưng Dương Qua . áp lưng vào ngực Dương Qua , nàng cảm thấy một luồng sinh khí ấm áp như sưởi toàn thân với nhiều cảm giác đê mê kỳ lạ .
Nàng thấy rùng mình khi được Dương Qua choàng tay ôm chặt lại dịu dàng hỏi :
– Có phải dưỡng phụ tôi đã điểm huyệt cô nương , bịt mắt lại để thi hành thủ đoạn đê hèn phải không ?
Tiểu long Nữ thấy cơn tức chận họng , toàn thân run rẩy , rùng mình mấy cái rồi đáp :
– Mi đã làm xằng còn kiếm cớ đổ cho người khác , thật không biết xấu hổ .
Thấy nàng có thái độ hoàn toàn khác biệt so với thường ngày , Dương Qua hết sức ngạc nhiên , vừa lo âu vừa đau đớn , chẳng biết đáp sao chỉ ấp úng :
– ủa , tôi … tôi đã làm gì mà … mà cô nương lại mắng … như thế
Tiểu long Nữ càng tức giận hơn , quát lớn :

– Thôi , bây giờ mi cũng gọi ta bằng cô nương nữa sao ?
Dương Qua càng lạnh lùng thêm , vội nói :
– Nếu không gọi là cô nương thì xưng hô cách nào cho vừa ý ? Thôi gọi sư phụ được không ?
Tiểu long Nữ cười lạt rồi bĩu môi nói :
– Đã lỡ làm bậy thì có gan nhận , việc gì còn phải giả vờ gọi cô nương với sư phụ nữa , không ngượng sao ?
Dương Qua càng kinh dị quá sức , há hốc mồm phân trần thêm :
– Cô nương dạy điều chi , tôi hoàn toàn chẳng hiểu gì hết .
Tiểu long Nữ giận quá tái mặt . Trong lúc quá bực tức , nàng đưa tay vén cả xiêm y , phơi bày trước mắt ngẩn ngơ của Dương Qua , như đoá hải đường vừa bị bướm ong vùi dập còn ướt dẫm sương mai , ẩn hiện giữa làn da nõn nà trắng như ngà , trong như ngọc .
Nàng lật cườn tay thấy chấm hồng điểm ” thủ cung sa ” đã bay mất , để chứng minh vừa trải qua một cơn dập liễu vùi hoa mà ai là thủ phạm ?
Nàng buồn buồn nhìn Dương Qua bào :
– Mi thấy chưa ? Còn chối cãi gì nữa không ? Đã lỡ lầm thì cứ nhận lỗi , che đậy quanh co nữa làm chi ?
Dương Qua bàng hoàng ngơ ngác trố mắt nhìn nàng ấp úng nói :
– Tôi hoàn toàn chẳng hiểu cô nương muốn dạy gì ?
Tiểu long Nữ giận quá , trợn mắt nhìn chàng , nghiêm giọng bảo :
– Từ nay mi đừng gọi ta là cô nương nữa . Nghe chưa !
Nàng đưa mắt nhìn theo sự thay đổi trên nét mặt ngơ ngẩn của Dương Qua , vừa e ngại , vừa sượng sùng nên chưa dám mạnh dạn lộ liễu thật lòng mình với những điều thầm kín còn ấp ủ , chỉ nói nho nhỏ với giọng run run :
– Theo tục lệ muôn đời của phái Cổ Mộ , chỉ xử nữ truyền lại cho xử nữ mà thôi . Nhưng vừa rồi , chính nơi đây chỉ còn có hai ta , nếu trừ mi ra thì không còn có kẻ nào khác đã mân mê từ vai xuống bụng và … và … đã xâm phạm đến cái thầm kín của đời ta …
Dương Qua ngơ ngác hỏi :
– Nãy giờ , tôi đây có làm gì đụng chạm đến cô nương mà nói như vậy nhỉ ?
Tiểu-long-Nữ đỏ mặt nói:
– Sao cứ gọi cô nương mãi thế! Gọi cách khác xem nào!
Rồi nàng nói tiếp:
– Trước đây đã nguyện suốt đời ở trong Cổ-mộ, nhưng bây giờ ta đã đổi ý. Bất kỳ Dương-Qua đi đâu ta sẽ cùng theo như hình với bóng.
Dương-Qua hớn hở nói:
– ồ, nếu được như lời cô nương nói, thật quý hóa vô cùng.
Tiểu-long-Nữ tủi quá nói rằng:
– Dương-Qua, mi chẳng có chút chân tình nào cùng ta cả. Sao cứ gọi cô nương mãi như vậy được.
Dương-Qua ngẩn người làm thinh không biết nói gì cho ra lẽ.
Thấy chàng không trả lời, nàng đau đớn quá, ngập ngừng hỏi qua giọng nói run run vì cảm động:
– Dương-Qua mi thấy ta là người như thế nào?
Dương-Qua thật tình đáp ngay:
– Cô là sư phụ, đã thương yêu truyền dạy võ nghệ cho tôi, nên tôi nguyện suốt đời tôn thờ, kính mến, yếu quý cô hơn tất cả mọi người trên trần thế.
Tiểu-long-Nữ chịu không được nên hỏi thẳng:
– Thế chàng có thể xem ta như một người vợ được không?
Câu hỏi quá đột ngột mà xưa nay Dương-Qua chưa bao giờ dám nghĩ đến, đã khiến cho chàng cuống quít, phân vân chẳng biết nói sao, cứ ấp a ấp úng mãi rồi nói nhỏ:
– Tôi đâu dám. Cô là sư phụ đáng yêu, đáng quý của tôi. Lúc nào tôi vẫn xem cô là bậc trên trước.
Tiểu-long-Nữ bàng hoàng cả người, uất quá, toàn thân run lên bần bật, hé miệng, trợn mắt rồi hộc luôn mấy bún máu tươi.
Dương-Qua sợ quá, chân tay cuống cuồng chẳng biết làm sao hơn chỉ gọi lớn:
– Trời ơi, Cô nương! Sao vậy cô nương ơi!
Tiểu-long-Nữ thấy Dương-Qua vẫn xưng hô như vậy, lòng tràn trề oán khí, trợn trừng đôi mắt nhìn rồi đưa tay đập vào thiêu linh cái hắn rất mạnh.
Thấy Dương-Qua cứ ngó mình trân trối, nàng thấy nỗi buồn tiêu tan và nhường chỗ cho cả một niềm tủi hận tiếc thương rồi thở dài than thở:
– Thế là hết! Từ nay đừng nghĩ đến sự gặp nhau nữa nhé! Vĩnh biệt.
Dứt lời, nàng khoát áo vào mình phi thân xuống núi.
Dương-Qua vội gọi thật lớn:
– Cô nương bỏ tôi sao? Đi đâu xin cho tôi được theo cùng, cô nương ơi!
Tiểu-long-Nữ nhìn lại trầm giọng quát:
– Nếu mi còn tìm ta nữa sẽ mất mạng ngay.
Dương-Qua thấy nàng tỏ lời quá quyết liệt, lo sợ quá, nhưng chẳng dám nói lại lời nào. Nhìn tà áo phất phơ loang loáng như cánh bướm lìa rừng, nhỏ dần và khuất dạng sau mấy rặng cây xanh, Dương-Qua đau đớn quá, ngồi xệp xuống đất bụm mặt khóc ròng.
Khóc đã rồi, Dương-Qua ngồi suy nghiệm, tư vấn lương tâm thấy chưa làm một điều gì thất lễ hay không hài lòng sư phụ. Không hiểu vì sao bỗng dưng nàng lại có sự thay đổi tánh tình một cách đột ngột và vô lý. Từ chỗ thương yêu quyến luyến, lời lẽ êm dịu lại trở thành oán hờn như uất ức hằn học mình. Chàng nghĩ bụng:
– Vì sao nàng nhận là vợ mình? Vì sao lại không bằng lòng gọi cô nương? Thật quả khó hiểu, ly kỳ. Chắc cũng có một duyên cớ nào nhưng nàng chưa nói thật. Chỉ trong nửa ngày mà hình như xảy ra một cơn bão tố trong tâm hồn nàng và cả một sự xáo trộn phũ phàng cho sự sống chung của hai đứa. Biết đâu do dưỡng phụ mình gây nên việc này.
Dương-Qua quả quyết đi tới Âu-dương-Phong để hỏi cho ra sự việc. Chạy đến chỗ cũ thấy ông đang đứng trầm ngâm bất động, mắt trừng nhìn mãi chỗ hư vô không hề chớp. Chẳng cần quan điểm đến thái độ lạ kỳ ấy, nó hỏi lớn:
– Cha đã có làm gì động đến sư phụ con chăng?
Âu-dương-Phong nói:
– Cửu âm chân kinh, cửu âm chân kinh!
Thấy ông không đáp lại lời mình, hỏi nữa:
– Tại sao cha đi điểm huyệt sư phụ con, để người phát điên, rối loạn tinh thần lên như vậy hở cha?
Âu-dương-Phong vẫn nói bâng quơ:
– Nói tóm lại hễ “nghịch xung thiên trụ” thì tất nhiên phải thuận thông huyệt “khiên tĩnh” hay sao?
Thấy ông cứ vơ vơ vẩn vẩn như người mất trí, chẳng ăn nhập vào đâu hết, Dương-Qua càng hỏi gắt:
– Cha có nghe con hỏi không? Con muốn rõ cha đã làm gì đến sư phụ con, cha trả lời đi, tại sao cứ nói những chuyện gì đâu nghe lạ lùng như vậy?
Ông quắc mắt hỏi lại:

– ủa, sư phụ con là đứa nào? Ta là ai? Âu-dương-Phong là ai nhỉ?
Thấy ông đã trở lại cái tánh khùng khùng mất trí, nhưng chàng cũng không nản chí, tuy lo sợ nhưng kiên tâm hỏi thêm:
– Trời ơi, cha tôi lại mất trí loạn thần rồi! Thôi cha hãy tìm chỗ nghỉ ngơi hay vào miếu ca hát cho đỡ buồn đi cha!
Âu-dương-Phong ngơ ngác không đáp. Thình lình xoay mình cậm đầu xuống đất, chân ngược lên trời, chống hai tay đi vùn vụt về phía chân núi tận đằng xa, miệng thét:
– A ha, Âu-dương-Phong, mi trốn đâu rồi! Ta là ai đây?
Thế rồi toàn thân ông rung chuyển, thân hình cứ đảo ngược, di chuyển mãi không ngừng.
Dương-Qua vội chạy theo đón lại, nhưng bị ông cho một đá vào bụng đội ngược ra sau, loạng choạng đứng không vững phải té nằm dài. Nhưng chàng vội tung mình đứng dậy đuổi theo. Mới cách nhau có vài chục bước mà ông lao người đi mau quá không bao lâu đã mất dạng. Dương-Qua đứng lại, đưa mắt nhìn quanh. Tư bề núi rừng vắng lặng, thầm kín thâm u mà trong lòng chàng trống trải cô đơn cũng đang nổi cơn sóng gió.
Chợt nhớ lại, chàng gọi rối rít:
– Cô nương ơi, cha ơi! Trời ơi!
Nó nói vọng ra xa, dội thêm trong rừng thắm, chẳng có ai đáp lại. Chàng cứ gọi mãi, gọi một cách thiết tha, tuyệt vọng, như tiếng từ-qui gọi bạn.
Rừng vẫn thâm u, gió không ngừng thổi. Đâu đây vừa nổi lên mấy tiếng chim reo ríu rít.
Bao năm qua, chung sống cùng Tiểu-long-Nữ, chưa bao giờ xa nhau nửa phút, tình thân mật yêu thương nhau thật chí thiết. Ngày nay bất ngờ nàng dứt áo ra đi khiến Dương-Qua thấy cõi lòng như tan nát, gan ruột tơi bời.
Giữa cảnh rừng núi thâm u, hai người hủ hỉ sống cùng nhau, hôm nay đột nhiên chỉ còn một thân một bóng, rồi sống làm sao đây?
Có một nỗi buồn thấm thía, một niềm chua cay xâm chiếm tâm hồn, càng nghĩ càng xót xa.
Bình sinh vốn người nhiều tình cảm nay phải chịu đựng cảnh này: Dương-Qua đau đớn quá muốn đập đầu lên đá chết đi cho mát thân rảnh trí, nhưng một chập sau, chàng hy vọng muốn tiếp tục sống, sống cho đến khi gặp lại nàng.
Chàng suy nghĩ:
– Cô nương đột nhiên giận ta vứt áo ra đi không ngó lại. Nhưng biết đâu một ngày nào nàng sẽ quay về tìm mình. Tình thầy trò khăn khít bao năm rồi, há dễ vì một phút giận hờn không căn cứ mà nỡ lòng cắt đứt mãi sao?
Trong chuyện này chính dưỡng phụ mình đã làm điều bất nhã chứ mình đã có gì thất lễ đâu. Thế nào với thời gian, sự thật không thể nào nàng lánh xa mình vĩnh viễn được.
Một chiều ảm đạm, Dương-Qua chợt thức giấc tỉnh dậy. Tư bề vắng lặng quạnh hiu, ngoài tiếng gió rừng rào rạt, trùng dế tỉ tê như điệu nhạc buồn, chàng có cảm giác như Tiểu-long-Nữ đã về và lẩn quẩn đâu đây nên vùng gọi lớn.
– Cô ơi, cô nương ơi!
Tuy mình chạy ngang tìm dọc, nhưng bóng nàng đâu có thấy!
Có những đêm thao thức hoài không ngủ được, chàng chạy thẳng trên núi cao, phóng tầm mắt tìm bốn phương cố tìm hình ảnh của nàng đã mất. Nhưng trời cao đất rộng, rừng núi bao la, mây ngàn, sương lạnh che phủ khắp nơi, bóng hồng đâu thấy, ngẩn ngơ một chặp chỉ còn lại một bóng mình với cõi lòng giá lạnh.
Bao nhiêu ý nghĩ lại quay cuồng, niềm nhớ nhung tràn ngập không thể nào kềm hãm nổi. Chàng tự nghĩ:
– Nếu nàng chẳng về thì ta đi tìm nàng vậy. Dầu nơi góc bể chân trời ta cũng phải tìm cho được. Vì dầu gặp nhau, nàng chưa hết giận có ra tay đánh, giết cũng cam lòng. Sống mãi nơi đây rồi cũng chết mòn vì thương nhớ.
Đã nhất định, Dương-Qua thu xếp một ít quần áo và đồ dùng của Tiểu-long-Nữ còn lưu lại bỏ vào một túi nhỏ mang vào vai, bon bon chạy xuống núi.
Trên đường đi, bất kỳ gặp ai chàng cũng hỏi thăm có thấy một nữ lang mặt mày xinh đẹp, mặc quần áo trắng có qua lối này không? Nhưng ai ai cũng ngơ ngẩn, lắc đầu bảo không gặp. Hỏi hoài nhưng không người nào biết, chàng thấy sốt ruột và buồn không thể nào tả. Sau cùng hết còn giữ lễ độ và để cau có nóng tính.
Có kẻ thấy chàng là một thanh niên tuấn tú, đi tìm hỏi một nữ lang xinh đẹp như trên thì có bụng nghi ngờ đoán chắc giữa hai người cũng có điều gì liên hệ ám muội chi đây nên chất vấn lại.
Chàng nổi nóng đáp:
– Ta hỏi thì nói, thấy thì chỉ, không thấy thì thôi, tại sao tò mò hỏi lôi thôi, như vậy.
Người kia bị gắt đang muốn cãi lại. Vừa lúc ấy một ông lão vừa tới vội đưa tay nắm áo người nọ kéo đi không che cãi lẫy. Ông bảo Dương-Qua vừa đưa tay trỏ về hướng đông:
– Lão có thấy từ chiều qua, một nữ lang vô cùng xinh đẹp, hình dáng mảnh mai, so với chú em vô cùng xứng cặp. Nàng đi mau về hướng ấy.
Dương-Qua mừng lắm, chắp tay cúi đầu bái tạ lão trượng rồi thoăn thoắt đuổi theo về hướng đó.
Chàng vừa bước đi thì hai người bỗng nói xầm xì rồi phá lên cười sằng sặc. Thì ra họ thấy chàng vô lễ đã chỉ bậy chàng cho bõ ghét.
Nhưng chàng vô tình đâu có biết. Chân cứ bước đón, lòng hân hoan tràn trề hy vọng, cắm đầu cắm cổ đi hoài. Một chập sau đến một ngã ba, chàng phân vân chẳng biết nên chọn con đường nào cho đúng, dừng chân lại suy nghĩ:
– Cô nương ta tánh ưa cảnh thâm u tịch mịch, chắc tìm một nơi hoang vắng ít người. Vậy nên chọn con đường nhỏ có lẽ đúng.
Chàng trở qua con đường ghồ ghề, đi mãi. Nhưng qua một khúc quanh co con đường bỗng rộng ra dần rồi đến một đại lộ nữa, chàng chẳng do dự cứ lặng lẽ đi hoài.
Đi suốt một ngày rưỡi không có một hột cơm vào bụng chàng thấy đói quá.
Trời đã xế qua ruột cồn cào chịu không xuể, chàng đưa mắt nhìn đằng trước thấy có một thị trấn đông đảo, nhà cửa san sát nói lô nhô như bát úp, vội rảo bước đi tới, vào một quán cơm gọi một bữa cơm xoàng.
Người tiểu nhi dọn lên một bữa ăn thông thường. Cầm đũa vừa ăn vài miếng, Dương-Qua ngậm ngùi không nuốt nổi, nghẹn ngào suy nghĩ:
– Ta phải đi theo thật gấp mới mong gặp được cô nương. Dầu tối hay sáng cũng phải đi gấp, ăn uống rềnh rang như thế này làm sao theo kịp được. Nếu lỡ dịp này, biết đời nào gặp nàng nữa.
Nghĩ đến đây chàng bỏ đũa.
Tiểu nhi thấy vậy chạy lại dồn dã hỏi:
– Chắc cơm rang thanh đạm cậu ăn không ngon, nếu cậu cần để em dọn nhiều món khác cho vừa bụng nhé. Tiệm này món nào cũng có.
Dương-Qua khoát thay lắc đầu đáp:
– Ta đâu có thiết đến món ăn ngon dở. Ta cần hỏi nhà ngươi có thấy một nữ lang áo trắng thật đẹp đã đi ngang qua đây không?
Tiểu nhi suy nghĩ một lát hỏi lại:
– à, à, có một nữ lang đẹp, áo quần trắng! Có lẽ nàng để tang phải không?
Dương-Qua thấy hắn hỏi vẩn vơ hơi khó chịu, nhưng cũng kiên nhẫn hỏi thêm:
– Nếu có, nàng đi về hướng nào? Ngươi có thấy không?
Tiểu nhi đáp:
– Có ạ, tôi có thấy người con gái đẹp, nhưng chẳng nhớ mặc áo gì.
Dương-Qua mừng quá hỏi gấp:
– Nàng đi hướng nào, nói mau!
Tiểu nhi ấp úng nói:
– Dạ có, nàng đi đã nửa ngày rồi. Nhưng… nhưng, nàng chẳng đẹp đâu.
Rồi hắn hạ giọng nói nhỏ:
– Tôi… à quên. Cậu cứ đi theo ngay, may ra gặp.
Dương-Qua bực mình nhưng thấy hắn nói vậy cũng có chút hy vọng:
– Đi theo rồi, biết nàng nơi đâu mà tìm cho ra?
Thấy giọng chàng run run vì cảm động, tiểu nhị lại hỏi:
– à quên, cậu biết nàng ấy có thạo võ nghệ không?
Dương-Qua đáp:
– Cô ấy biết võ chứ.
Tiểu Nhị nói:
– Thế thì cậu đừng tìm cô ấy nữa, nguy hiểm lắm cậu ạ.
Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
– ủa, tại sao lại nguy hiểm?
Tiểu Nhị lại hỏi nữa:
– Vậy giữa hai người liên hệ quen biết cùng nhau như thế nào?
Dương-Qua thấy hắn cứ hỏi lằng nhằng mãi đã bực mình, nhưng cũng cố kiên tâm đáp:
– Cô ấy là chị tôi. Tôi cần tìm gặp cô ấy gấp.
Thấy chàng đáp như vậy hắn bỗng đổi sắc mặt, lắc đầu, đáp:
– Không, không phải đâu. Tôi biết rồi mà.
Dương-Qua nổi nóng không dằn được nữa, đứng phắt dậy, thộp ngực hắn đưa lên hỏng đất quát lớn:

– Vì sao mày vớ vẩn quanh co mãi như vậy? Có nói thật không.
Tên Tiểu-Nhị sợ quá vội đáp rối rít:
– Dạ có, xin cậu đừng nóng.
Dương-Qua nắm áo hắn hỏi:
– Có như thế nào, phải nói rõ.
Tiểu-Nhị van nài:
– Xin cậu buông tôi ra. Tôi sợ quá nghẹn lời nói chẳng được.
Dương-Qua thấy nếu cứ dùng võ lực hắn hoảng hốt nói năng bậy bạ chẳng ích gì nên buông tay ra.
Tiểu Nhị đưa tay vuốt ngực, tằng hắng một tiếng, xoa tay nói:
– Sở dĩ tôi nói như vậy vì nàng có vẻ ít tuổi hơn mà gọi bằng chị không phải. Nhưng có một sự đáng để ý là nàng cũng nóng nảy như cậu. Mới bất hài một chút đã giở võ ra liền.
Dương-Qua mừng rỡ hỏi:
– Nàng giở võ với mi như thế nào?
Tiểu-nhị le lưỡi đáp:
– Nàng không giở võ với tôi nhưng với nhiều người khác. Xem bộ mảnh mai như vậy mà mới trổ nghề đã làm người ta bị thương liền. Cậu cứ nhìn đây thì rõ.
Rồi hắn đưa tay chỉ góc bàn bên cạnh thấy có vết dao kiếm chém phải.
Dương-Qua hỏi thêm:
– Rồi sao nữa.
Tên Tiểu-nhị có vẻ tự đắc nói:
– Thật đáng sợ! Cô ấy mà dữ như beo. Đã vậy mà còn xẻo luôn tai của người đạo nhân nữa chứ.
Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
– ủa, đạo nhân nào người ra sao?
Tiểu-nhị ấp úng:
– Lão ấy…
Tiểu-nhị bỗng tái mặt, ngó quanh quất rồi quay mình chạy mất.
Dương-Qua bực mình ngồi suy nghĩ rồi cầm đũa ấn lại. Chàng ăn gấp, và đưa mắt nhìn phía bàn bên vừa thấy hai đạo sĩ trẻ trạc độ 26, 27 tuổi cùng nhau bước vào tiệm.
Dương-Qua nhìn họ ngồi bên cạnh, quần áo sạch sẽ, một người dáng điệu thanh tao, có đôi mày xếch, bén như lưỡi kiếm. Cả hai đòi rượu và rau.
Tiểu-nhị đon đả đến hầu tiếp. Tiểu-nhị nhìn Dương-Qua rồi ra dấu ngụ ý bảo không nên ngó vì hai người này không phải thuộc hạng tốt đâu.
Nhưng chàng vẫn lờ đi, chẳng thèm quan tâm đến, rồi cúi xuống ăn lại và lắng tai nghe chúng nói chuyện, may ra được tin tức của cô nương mình chăng.
Suốt mấy ngày đường chưa được tắm rửa, áo quần Dương-Qua đóng đầy cát bụi, mặt mày lem luốc bẩn thỉu cho nên bọn kia chẳng thèm để ý. Họ bô bô nói chuyện dường như nơi đây chẳng có người nào lạ nữa.
Chàng cố ăn thật chậm lâu hết để có dịp nghe ngóng thêm. Ăn cơm xong chàng lấy bát múc nước uống, cứ ngồi nhấm từng ngụm nhỏ, trệu đi trệu lại như ăn cơm.
Người đạo sĩ mày xếch lên tiếng trước:
– Này Bì đệ, em bảo Hàn Trại chủ và Trần lão đã nhất định đến trong buổi chiều này phải chăng?
Người kia hả miệng lập bập mãi một chập lâu mới nói được thành tiếng:
– Họ là đôi bạn tri-kỷ, đối với Triệu sư-thúc của mình thêm tình khắn khít, thề sống chết có nhau, cho nên đã hẹn tất nhiên phải giữ đúng chứ.
Nghe ba chữ “Triệu sư-thúc” Dương-Qua thấy chột dạ, không phải vụ này có đúng là Triệu-chí-Kính, sư phụ của mình xưa kia không. Nếu hai tên này là đệ tử ở Trùng-Dương cung tất nhiên sẽ nhận diện mình được ngay. Nhưng nhìn kỹ thì hai người này hoàn toàn xa lạ, chưa gặp bao giờ.
Đạo sĩ mắt xếch nói:
– Họ đuổi kịp bọn mình không.
Gã kia đáp:
– Cơ sư-huynh hay lo sợ viễn vông vô ích quá. Nàng là đàn bà, tài nữ đã bao nhiêu hơi mà sợ lắm vậy?
Đạo sĩ họ Cơ vội nói:
– Thôi, uống rượu đã, đừng bàn đến chuyện này nữa.
Uống xong họ gọi Tiểu-nhị bảo dọn một căn phòng trên lầu để nghĩ nữa.
Nghe qua câu chuyện của hai đạo sĩ, Dương-Qua đoán bọn họ đã từng nhúng tay vào cuộc đánh nhau với Tiểu-long-Nữ. Biết đâu nàng đã gặp Triệu-chí-Kính. Hắn nhờ hai người họ Trần và họ Hàn nào đó giúp sức chiến đấu đây chăng. Thế nào hai tên nầy cũng hùa theo Triệu-sư-thúc của chúng để đánh cô nương mình rồi. Vì vậy nên càng nhìn thấy chàng càng ghét cay đắng, muốn đứng lên gây chuyện cho chúng một mẻ nên thân nhưng suy nghĩ lại cố dằn tâm lặng tiếng.
Chờ hai đạo sĩ vào phòng, Dương-Qua bảo Tiểu-Nhị sắp đặt một phòng kế bên để ở và nghe ngóng.
Sắp đặt dầu đèn xong xuôi, Tiểu-Nhị rỉ tai chàng dặn nhỏ:
– Cậu đề phòng đấy nhé. Chị cậu đã xẻo tay một đứa rồi.
Thế nào bọn chúng cũng tìm cách báo thù không tha.
Dương-Qua ngạc nhiên nói:
– Chị ta hiền lành ít oi lắm, cớ sao lại cắt tai bọn họ, thật khó tin lắm?
Tiểu-Nhị đáp:
– Chị cậu có lẽ hiền với riêng cậu chớ đâu có hiền với người khác. Khi nàng vào quán ăn cơm, chỉ nhìn thấy tên đạo-sĩ trân trối nhìn mình, nàng đã nổi nóng tuốt kiếm ra gây sự.
Hắn nói mãi, từ chuyện này sang chuyện nọ, nhưng lúc ấy phòng bên tắt đèn tối om. Chàng khoát tay ra lệnh bảo hắn đừng nói nữa và nghĩ bụng:
– Có lẽ bọn này đã mê mệt sắc đẹp của nàng nên nhìn trân trối đến nỗi bị nàng trị cho một mẻ.
Chờ Tiểu-Nhị ra khỏi phòng, Dương-Qua tắt đèn, quyết thức suốt đêm nay để nhập định theo bí quyết của Âu-dương-Phong đã dạy và lắng nghe những điều bàn tán ở phòng bên cạnh.
Thời gian lặng lẽ qua, đêm vắng lặng càng khuya càng u tịch. Thình lình có tiếng chân người lao vút lên bờ tường rồi cửa sổ phòng bên vụt mở. Đạo-sĩ họ Cơ lên tiếng hỏi nhỏ:
– Trần, Hàn tiên-sinh đó phải không?
Có tiếng đáp lại:
– Vâng.
Cơ-đạo-nhân nói:
– Xin mời vào trong.
Đèn sáng lên, cửa phòng mở tung. Dương-Qua định thần chú ý theo dõi câu chuyện giữa bốn người lạ mặt.
Thoạt tiên cô đạo sĩ nói:
– Hai đệ tử là Cơ-Thanh-Hư và Bì-Thanh-Huyền, hân hạnh yết kiến Hàn trại chủ và Trần-Lão quyền sư nơi đây.
Dương-Qua suy nghĩ:
– Theo lời hai người này thì họ tuy không phải đệ tử Trùng-dương-Cung mà ta đã từng gặp, tuy nhiên nếu có lót chữ “Thanh thì cũng là người trong giáo phái Toàn-chân chứ không xa lạ.
Cô đạo sĩ giọng khàn khàn đáp:
– Hôm nay chúng ta đến tiếp viện cho Triệu Sư-thúc các anh đây. Chúng ta phải cấp tốc đi mau mới kịp tới vào giờ này. Bọn ấy hung tợn lắm sao?
Cơ-Thanh-Hư chậm rãi đáp:
– Nói ra thêm tủi nhục, tiện môn có hai đệ-tử cùng bị thương vì hắn cả.
Người có giọng khàn khàn nói:
– Con bé này có võ công quá sức lợi hại.
Cơ-Thanh-Hư tiếp lời:
– Theo Triệu Sư-thúc nói thì hắn là đệ tử của Cổ-Mộ phái, nên tuy tuổi trẻ nhưng bản lĩnh rất cao cường không nên xem thường mà nguy lắm đấy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.