Thần Điêu Đại Hiệp

Chương 18: Khi Đoạn Long Thạch Đã Rơi


Bạn đang đọc Thần Điêu Đại Hiệp – Chương 18: Khi Đoạn Long Thạch Đã Rơi

Dương-Qua đã biết rõ đường đi nước bước trong Cổ-Mộ, cần phải tránh những cạm bẫy nguy hiểm khắp nơi mới bảo toàn tánh mạng. Tuy nhiên hắn vẫn giả vờ không hề hay biết bảo sao làm vậy, dùng rìu chặt bậy lung tung theo lời của Hồng-lăng-Ba.
Còn độ hơn một dặm nữa đến Cổ-Mộ dài, bỗng Dương-Qua sực nhớ đến Tiểu-long-Nữ hiện giờ chẳng rõ ra sao. Lòng nó xót xa băn khoăn nóng nảy muốn tìm cách trở về gặp sư phụ ngay, dầu phải hiểm nguy đến sanh mạng cũng không cần.
Nghĩ thế, hắn làm bộ mệt lả, đi chậm lại, nhường Hồng-lăng-Ba đi trước, thỉnh thoảng hắn lại ngồi xuống không đi nữa, khiến nàng phải quay lại dắt đi vì ngại đêm tối hắn lạc mất.
– Mau lên thằng ngốc ơi. Bộ tướng vật trâu cũng ngã mà làm như người biết gân rồi. Sao mà tệ quá vậy? Hãy đi mau lên xem nào.
Dương-Qua chẳng thèm nói gì, ngồi bẹp xuống bên đường, một chập sau lắc đầu nói:
– Thôi, tôi chịu rồi! Không dám đi tới nữa đâu, sợ ma lắm.
Hồng-lăng-Ba đang nóng lòng tìm đường vào Cổ-Mộ, thấy chú khùng trở chứng nói bạt mạng e ngại nó bỏ đi thật, còn một mình bơ vơ biết đâu mà mò, cho nên nàng lật đật đến cạnh nó ôn tồn hỏi:
– Sao, mày sợ thứ gì? Ma à?
– Dạ tôi sợ ma lắm cô ơi.
– Ma ở đâu, mày đã gặp bao giờ chưa?
Dương-Qua mở mắt tròn xoe nhìn một chập đoán chừng đạo cô tức lời hắn, mới chậm rãi nói:
– Thưa cô, có một lần tôi lùa dê vào đây, đi lạc đường vào ngôi mộ…
Hồng-lăng-Ba mừng lắm vội hỏi:
– Thế bây giờ em còn nhớ đường đi vào không?
Dương-Qua giả bộ không nghe, nên tiếp tục kể:
– Tôi mệt quá nằm dựa bên mộ, ngủ thiếp một chập, khi chợt tỉnh thấy trời đã tối mò, tư bề vắng vẻ, bỗng có tiếng gà trong xóm xa vọng đến, chắc vào khoảng canh ba…
Đạo cô nóng ruột hỏi thêm, ngắt lời nói:
– Thế bây giờ em còn nhớ đường đi chứ?
Dương-Qua tin chắc nàng hết nghi ngờ về tánh sợ ma của mình nên hỏi thêm một câu:
– Thế tiên cô có sợ ma không?
Nàng cười đáp:
– Ta không bao giờ sợ ma. Ma lại phải sợ ta là khác nữa.
Hắn giả bộ ngớ ngẩn, ngạc nhiên và hỏi tiếp:
– Tại sao cô không sợ ma. Cô có phép sao?
Nàng vung thanh kiếm lên một vòng và nói:
– Ta đã có thanh kiếm này, ma cũng phải sợ. Gặp nó ta chỉ cho một nhát đứt hai.
Dương-Qua làm ra bộ tin tưởng, gật đầu nói:
– Thế thì được rồi. Nhưng tôi chỉ sợ cô nương nói dối.
Nàng trợn mắt, nạt:
– Đừng nói bậy, đã là đạo cô ta không hề nói dối bao giờ.
Dương-Qua cãi lại:
– Cô nương chẳng biết đó chứ. Trên đời hiếm gì đạo cô nói dối như cuội, ví dụ như…
Đang nóng lòng vào Cổ-Mộ, thấy nó cứ lè nhè kể lể, Hồng-lăng-Ba bực tức nạt lớn:
– Thằng khùng, đừng nói bá láp. Mày láo và hỗn xược lắm đấy. Ta nói dối mày để làm gì mới được chứ?
Dương-Qua vẫn cúi đầu nhìn xuống đất nói thêm:
– Xin cô cứ nghe tôi kể tiếp. Khi tôi chợt tỉnh giấc, bỗng thấy một con ma mặc toàn áo trắng bay lả lướt trên bụi cây, giống như đạo cô, chập chờn khi ẩn khi hiện khi xa khi gần, tôi sợ quá vội vùng lên chạy trốn thì…
Hồng-lăng-Ba mừng quá, nàng tin rằng chú bé này đã vô tình khám phá được ngôi cổ mộ, nơi trú ẩn của Tiểu-long-Nữ và bóng trắng lả lướt ấy nhất định là Tiểu-long-Nữ rồi.
Nàng giục nó đi mau. Dương-Qua vẫn tiếp tục nói:
– Để tôi kể tiếp cho xong đã, cô cần hiểu rõ oai lực của con ma này, rồi mới giết được nó chứ.
Nàng gật đầu bảo:
– ừ, thì cứ kể đi.
Nó vừa kể chậm chậm vừa suy nghĩ:
“Nàng nầy tuy lớn tuổi hơn mình, nhưng so bề sức vóc chưa chắc ta kém nàng. Mình cố tìm cách lung lạc nàng để sau còn tiện bề thao túng chứ”.
Nghĩ xong, hắn tiếp tục kể:
– Trời ơi! Tôi khiếp sợ quá cắm đầu chạy bạt mạng, không kể trời đất, đến nỗi nhào vào một tảng đá bên đường, vỡ trán chảy máu ướt mặt, mãi đến ngày nay vẫn còn một cái sẹo lớn đây này, cô sờ xem thì biết.
Vừa nói xong, hắn nắm lấy tay của Hồng-lăng-Ba kéo về phía mình.
Từ lúc theo Lý-mạc-Thu học võ nghệ, Hồng-lăng-Ba đã từng đi phiêu bạt giang hồ, chạm trán biết bao nhiêu đối thủ hung ác, nhưng đến nay nàng vẫn còn là một thiếu nữ đang tân, tình xuân phơi phới, chưa nếm mùi đời, chưa bao giờ đụng chạm với nam nhi. Những khi phải đối phó với kẻ thù hay ác thú, từng đứng trước tử thần, nàng chưa hề thấy lòng xao xuyến hay sợ hãi. Hiện nay, vừa chạm bàn tay của một người con trai, Hồng-lăng-Ba cảm thấy bủn rủn cả người, một luồng nhiệt khí rần rật, đôi má đỏ bừng và mất cả sự bình tĩnh. Tim nàng đập từng hồi rối loạn, hơi thở dường như đứt quãng, muốn rụt tay lại, nhưng không tự chủ được, để phó cho Dương-Qua mặc ý lôi kéo.
Sử đụng chạm bất ngờ này đã làm mờ cả lý trí, tựa hồ như mới nhắp phải ly rượu nóng hay hút một điếu thuộc phiện.
Dương-Qua dùng hai tay ấp chặp bàn tay của Hồng-lăng-Ba đưa qua đưa lại trên trán mình và nói:
– Đấy, cô xem, cái sẹo to chưa?
Nàng khẽ bảo:
– Thôi, em đưa ta đi chứ.
Hắn vẫn không thả tay nàng, đứng dậy kéo nàng đi sát bên mình, dò dẫm trong đêm tối, và cứ xoa mãi để chỉ vết sẹo vô hình. Bất giác Hồng-lăng-Ba cười ngặt nghẽo, miệng reo lên:
– Thằng ranh con, thằng ranh con.
Một lúc sau chẳng rõ có sờ thấy cái sẹo hay không, nhưng dần dần chợt trở lại thực tế với một cảm giác mới đối với Dương-Qua, khẽ bảo nó:
– Thôi, em đưa ta đi nhé.
Dương-Qua không đáp lời, vẫn lặng thinh siết chặt bàn tay ấm áp của đạo cô, dìu nàng đi trong tối yên lặng đến rợn người.
Nó bỗng nhớ lại ngày nào trong Cổ-Mộ đài đã từng cùng sư phụ Tiểu-long-Nữ dắt tay cùng đi và trò chuyện, nhưng sự đụng chạm hai lần hoàn toàn khác nhau. Bàn tay của Tiểu-long-Nữ mát lạnh như băng, bàn tay của Hồng-lăng-Ba thấy ấm áp và nắm lấy như chạm phải luồng điện, người cảm thấy âm ỉ như lên cơn sốt.
Mặc dù lương tri phân tách được hai cảm xúc này, nhưng Dương-Qua vẫn không quên chủ đích của mình dự định. Vừa đi tới nó vừa lấy bàn tay ấm áp của đạo cô, vừa siết mạnh, vừa xoe nhè nhẹ như muốn gây lại cảm giác đặc biệt vừa có lúc ban đầu.
Giá là một thanh niên nào khác, kéo dài sự đụng chạm này thì Hồng-lăng-Ba đã nổi nóng, rút kiếm kết liễu ngay tính mạng, nhưng đối với Dương-Qua trong lúc hình như có một cảm xúc đặc biệt khác thường đã gây được sự rung cảm, thích thú, nên nàng chỉ để yên, mỉm cười, không rụt tay lại.
Nàng tự nghĩ:
– Có lẽ người thiếu niên này không phải khùng điên hay rồ dại như mình đã tưởng.
Rồi nàng cứ để yên trong tâm trạng ấy, lòng lâng lâng suy nghĩ như muốn kéo dài thời gian nhấp ly rượu men tình, chẳng để ý gì đến sự vật chung quanh, mặc cho Dương-Qua tự ý dìu đi trên con đường vào Cổ-Mộ. Dương-Qua muốn dùng ảnh hưởng xúc động sinh lý để khiến nàng không quan tâm đến những bí mật của Cô-Mộ đài.
Khi đến Cổ-Mộ rồi, Dương-Qua mới thả tay nàng ra, ngồi bẹp xuống đất thở hổn hển như quá nhọc mệt. Lúc bấy giờ Hồng-lăng-Ba mới trở lại trạng thái bình thường. Nàng tưởng nó quá khổ nhọc vì đoạn đường dài đã qua, nên ân cần hỏi:

– Em mệt lắm sao?
Dương-Qua đáp:
– Tôi không mệt bao nhiêu, nhưng…
– Nhưng… tôi sợ ma lắm.
Nói xong nó bỗng ôm choàng lấy thân hình đạo cô, làm cho nàng bủn rủn cả tay chân. Nhưng hắn lại buông ra ngay và nói:
– ồ, chưa vào đến mộ mà cô đã sợ phát run cả người rồi! Như thế làm sao chống cự được với ma. Thôi, tôi chả dám tin mà theo cô nữa đâu. Thôi để tôi về cho rồi. Theo cô, cô sẽ để ma hút hồn tôi.
Phần e thẹn vì bị Dương-Qua bắt gặp cảm giác run cảm của mình, phần bực tức vì gán tiếng sợ ma, nên Hồng-lăng-Ba nổi nóng rút thanh kiếm ra hét:
– Ranh con, đừng nói bậy, hãy xem đây này.
Nói xong, nàng múa kiếm một vòng tiếng xé gió vun vút, để trấn tĩnh tinh thần Dương-Qua và để che đậy nhược điểm của mình.
Thấy đã đánh lạc hướng được đạo cô. Dương-Qua đứng dậy nói:
– Vâng, xin cô cứ theo tôi.
Nói xong, nó nắm tay nàng trèo lên cổng đá, hí hoáy một chốc làm cửa đá mở toang, rồi kéo nàng chạy bừa vào phía trong. Lúc bấy giờ nó không đi nữa mà chạy bừa. Hồng-lăng-Ba không còn nhận định được phương hướng nào nữa, cứ bước càn theo Dương-Qua, quanh co, khúc khuỷu, khi qua trái, lúc quẹo mặt, hết biết đâu là đâu.
Nhớ lại trước kia có lần sư phụ Lý-mạc-Thu có kể cho biết đường Cổ-Mộ đài rất bí hiểm, sa cơ một tý mất mạng ngay. Thế mà kỳ này thằng ngốc kéo mình chạy bay vẫn không đụng chạm hề hấn gì hết. Rồi nàng tự nghĩ:
– Hay sư phụ ngại mình mò về đây để tìm pho “ngọc-nữ tâm-kinh” nên bịa ra như vậy gạt mình chăng?
Một chập sao cả hai đã đến trung tâm Mộ-đài, trước bức tường đá, ngăn che phòng Tiểu-long-Nữ.
Dương-Qua lại gần khẽ gõ cộp cộp mấy tiếng vào vách đá theo đúng mật hiệu giữa hai thầy trò. Chờ một khắc, không thấy trả lời, tứ bề vẫn yên lặng, tấm cửa không di chuyển, nó kinh hãi rụng rời, mồ hôi tuôn ướt áo, đinh ninh Tiểu-long-Nữ đã nguy đến tánh mạng rồi chăng?
Tuy vậy, nó vẫn còn giữ bề ngoài thản nhiên, lẩm bẩm nói:
– Lúc trước tôi thấy bóng ma từ nơi này đi ra. Có lẽ bây giờ nó sợ oai của cô nên biến mất không dám xuất lộ chăng?
Hồng-lăng-Ba an ủi:
– Không phải ma đâu, đó là người, và chính là sư thúc của ta đấy. Cứ tông cửa mà vào đi.
Dương-Qua làm bộ mừng rỡ nói:
– Nếu quả là người thì tôi không sợ nữa.
Rồi nó gọi lớn:
– Cô nương ơi, cô nương ơi!
Bỗng có tiếng nói nho nhỏ từ trong vọng ra:
– Cứ đẩy cửa mà vào.
Cánh cửa đá vừa nhích ra, Hồng-lăng-Ba đã lanh chân phóng vào trước, đánh lửa thắp nến.
ánh đèn vừa lòe lên, nhìn thấy thân hình một thiếu nữ toàn thân mặc đồ trắng, nằm im lìm trên phản đá, đôi mắt nhắm thiêm thiếp nửa tỉnh nửa mê.
Hồng-lăng-Ba đặt kiếm xuống đất, lớn tiếng thưa:
– Đệ tử Hồng-lăng-Ba xin yết kiến sư thúc.
Dương-Qua không ngờ sự việc xảy ra như vậy. Nó đinh ninh bước vào trước, tìm cách đem sư phụ đi nơi khác, rồi thừa đêm tối lẩn tránh, sau sẽ liệu định. Không dè Hồng-lăng-Ba bám sát bên mình và xông vào trước. Bây giờ đã lỡ, biết xử sự làm sao cho ổn. Nhìn sư phụ nằm mê man trên giường, không biết sống chết ra sao, nay lại bị tên đạo cô này khuấy rầy nữa, thật là nan giải. Rồi không biết tính sao, Dương-Qua chỉ bụm mặt khóc thảm thiết.
Hồng-lăng-Ba quay lại nhìn nó:
– Mày làm gì lạ thế? ranh con.
– Tôi sợ lắm.
Bỗng một giọng yếu ớt trả lời nó:
– Ta đã thành ma đâu mà mi sợ.
Hồng-lăng-Ba nhìn lại thấy quả là một trang tuyệt sắc giai nhân. Mấy lúc này nàng tự hào mình có nhan sắc kiều diễm, nhạn sa cá lặn, trên gầm trời chưa dễ có mấy ai, thế mà ngày nay nàng phải ngẩn người trước dung nhan tuyệt trần của Tiểu-long-Nữ. Chả biết nói gì hơn là lặng yên để chiêm ngưỡng, càng nhìn càng đẹp, càng ngắm càng đắm say. Quả thật danh bất hư truyền, hảo hán bốn phương đã tranh nhau tỉ thí để hi vọng chiếm nàng, tưởng không phải điều quá đáng.
Thấy đạo cô lặng người nhìn mình như ngây như dại, Tiểu-long-Nữ hỏi:
– Ngươi là ai, muốn gì?
Hồng-lăng-Ba chấp tay thưa:
– Kính bẩm sư thúc, đệ tử Hồng-lăng-Ba xin bái kiến sư thúc.
Tiểu-long-Nữ hỏi:
– Ngươi là đệ tử của Lý-mạc-Thu à! Sư phụ ngươi đâu rồi?
Hồng-lăng-Ba thưa:
– Sư phụ đệ tử sai đệ tử đến đây trước để vấn an sư thúc. Sư phụ đệ tử sẽ xin tới sau.
Tiểu-long-Nữ đưa bàn tay trắng bạch như giấy, khoát nhẹ mấy cái bảo:
– Thôi, ngươi hãy đi đi, ở đây là chỗ tôn nghiêm, hãy dang ra đừng đến nữa và bảo sư phụ ngươi cũng không nên bước chân vào nữa.
Hồng-lăng-Ba đưa mắt nhìn kỹ, thấy sắc mặt Tiểu-long-Nữ nhợt nhạt như không có sinh khí, hơi thở hổn hển từng hồi, chắc nàng đang bị nội thương, không có sức lực bao nhiêu, nên trong lòng không ngại, nàng chẳng quan tâm đến câu nói của Tiểu-long-Nữ và hỏi tiếp:
– Còn Tôn bà đâu rồi?
– Đã chết hai năm nay rồi, thôi ngươi mau rời khỏi chốn này.
Hồng-lăng-Ba thầm nghĩ, đây là dịp may hiếm có, nếu không thừa lúc nầy chiếm Cổ-Mộ đài thì biết chừng nào mới có dịp tốt hơn.
Nhìn thấy trạng thái sức khỏe của Tiểu-long-Nữ, nàng e sư thúc chết gấp, biết hỏi ai tìm ra “Ngọc-nữ tâm-kinh”, nên vội hỏi:
– Thưa sư thúc, đệ tử nhận lệnh sư phụ đến đây xin sư thúc cho mượn bộ “Ngọc-nữ tâm-kinh”, nên vội hỏi:
– Thưa sư thúc, đệ tử nhận lệnh sư phụ đến đây xin sư thúc cho mượn bộ “ngọc-nữ tâm-kinh”. Đệ tử sẽ nhận trách nhiệm chữa lành vết thương cho sư thúc.
Tiểu-long-Nữ được tu luyện từ tấm bé, gạt bỏ được cả thất tình lục đục, trong lòng khi nào cũng có những tư tưởng thanh cao thoát trần. Nay vừa nghe đạo cô, thốt những lời trái tai quá đáng bỗng nổi cơn tức, uất khí tràn lên đùng đùng không chế ngự nổi, trắng đôi mắt ngất lịm trên giường.
Hồng-lặng-Ba vội điểm vào nhân trung huyệt nàng mới tỉnh lại nhưng vẫn còn tức giận quát lớn:
– Thầy trò bay lúc nào cũng nuôi một ý tưởng xằng bậy. Mày hãy gọi sư phụ đến đây gặp ta, có chuyện cần nói.
Bỗng Hồng-lăng-Ba cười nhạt, không nói năng gì, suy nghĩ một chập, rút ra một dãy gấm, lấy hai mũi ngân châm giơ lên sáng lóng lánh rồi nói:
– Chắc sư thúc cũng thừa rõ sự lợi hại của độc trâm này? Nếu giờ phút này sư thúc còn tiếc rẻ bộ kinh, thì đừng trách đệ tử sao nhẫn tâm vô lễ.
Trước kia bản thân mình đã từng nếm mùi độc trâm này của Lý-mạc-Thu, ngày nay vừa nhìn thấy, Dương-Qua đã rùng mình lo sợ cho số phận của Tiểu-long-Nữ.
Cố nhiên Tiểu-long-Nữ cũng biết rõ trâm này quá sức độc, chỉ bị châm một tý vào da, sức độc cũng có thể khiến cho kẻ xấu số trở thành bán sanh bán tử, toàn thân sẽ bị xốn xang như muôn ngàn mũi kim chích trong huyết quản. Độc này có phần ác nghiệt ghê gớm hơn nọc ong trắng nữa. Nhưng Tiểu-long-Nữ chỉ điềm nhiên nhìn Hồng-lăng-Ba không nói một tiếng.
Hồng-lăng-Ba cầm trâm từ từ bước đến sát cạnh giường của Tiểu-long-Nữ.
Dương-Qua thấy tình thế quá cấp bách, vùng kêu thất thanh:
– Cô ơi có ma, có ma, tôi sợ quá!

Vừa la, nó vừa nhoài người ôm choàng lấy Hồng-lăng-Ba và lanh tay điểm luôn vào hai yếu huyệt “kiên trì” và “tiểu yêu” khiến nàng bủn rủn tay chân, ngã gục xuống đất như một cái xác không hồn.
Dương-Qua chưa chắc ý, còn sợ nàng tự giải được, nên tiến tới điểm luôn vào huyệt “cù cốt”, xong đâu đấy hắn mới thở một hơi thoát nạn và chắp tay thưa cùng Tiểu-long-Nữ:
– Thưa cô nương, đạo cô này đã vô lễ làm điều phạm thượng xin cô nương cho phép tôi dùng độc trâm này để kết liễu tánh mạng nó cho rồi.
Vừa thưa xong, hắn cúi xuống nhặt mũi độc trâm lên.
Tuy bị điểm vào các yếu huyệt, toàn thân không cử động được, nhưng Hồng-lăng-Ba vẫn còn tỉnh táo, nghe và hiểu mọi việc. Nàng hoảng sợ muốn quỳ lạy van xin tha tội, nhưng khổ nỗi toàn thân bất động, môi nói chẳng nên lời, chỉ còn cặp mắt nhìn với vẻ van lơn muôn phần bi thiết. Mặt hoa trước kia kiêu hãnh bao nhiêu, bây giờ càng ủ dột bấy nhiêu.
Dương-Qua đắc ý cười lớn.
Tiểu-long-Nữ khễ bảo:
– Hãy ra đóng kín cửa ngõ lại đã, cần phải đề phòng sư tỷ ta đến cứu hắn đấy.
Dương-Qua vâng lời, vừa quay mặt ra nhìn thấy một bóng người đạo cô đứng sững tại cửa từ khi nào rồi. Nhìn qua ánh nến bập bùng, hắn nhận thấy chính con người năm xưa đã từng bị hắn xúi chim hồng mổ thủng mắt. Quả thật đạo cô là Xích-Luyện tiên tử Lý-mạc-Thu.
Nguyên trước đây Lý-mạc-Thu đã hiểu ý định của Hồng-lăng-Ba lúc nào cũng muốn tìm cách xâm nhập Cổ-Mộ đài để chiếm đoạt “Ngọc-nữ Tâm-kinh”, nên luôn luôn để ý theo dõi. Tuy là phái học trò đi sát hại thù nhân tận Trường-an, nhưng Lý-mạc-Thu có dụng tâm để theo dõi xem hắn có dở ý định này ra không hòng đối phó, tránh hậu họa về sau. Vì lẽ ấy nên Lý-mạc-Thu luôn luôn bí mật bám sát Hồng-lăng-Ba như bóng với hình. Khi thấy Hồng-lăng-Ba hướng về Cổ-Mộ đài, thì nàng đã biết rõ sự việc, nhất là khi đã gặp Dương-Qua, rồi cùng hắn xuyên qua các nẻo đột nhập Cổ-Mộ đài, thì không còn nghi ngờ gì nữa.
Khi mới gặp, nàng không để ý đến Dương-Qua, nhưng sau khi nhìn kỹ mới thấy đây là đứa trẻ năm xưa, ngày nay đã trở thành một thiếu niên mặt mày đĩnh ngộ tuấn tú. Nhớ lại cái hận bị hư một mắt, Lý-mạc-Thu đùng đùng nổi giận, bao nhiêu căm hờn dồn lên nhỡn tuyền, và sắc diện nàng trở nên vô cùng hiểm ác.
Vừa trông thấy Lý-mạc-Thu, Tiểu-long-Nữ cố chống tay từ từ ngồi dậy nói:
– Xin chào sư tỷ…
Vừa chào dứt lời, máu tươi trào ra miệng, nàng ngã vật xuống.
Lý-mạc-Thu không đáp, hầm hầm chỉ tay vào Dương-Qua hỏi Tiểu-long-Nữ:
– Thằng này là ai? Theo huấn luyện của tiên sư, nơi này không bao giờ chứa chấp đàn ông, cớ sao hắn vào được và cô đem hắn vào để làm gì?
Tiểu-long-Nữ không trả lời, chỉ ho một tràng dài và máu tiếp tục trào ra miệng.
Dương-Qua vội vàng chạy lại đỡ nàng ngồi dậy cho máu bớt ra và tiếp lời với Lý-mạc-Thu:
– Tôi là đồ đệ của cô nương chứ có gì mà hỏi?
Lý-mạc-Thu cười gằn nói:
– à, thế ra mi không phải ngốc tử họ Sồ sao? Thật khéo ngụy trang, khéo che đậy nhỉ?
Vừa dứt lời, Lý-mạc-Thu rút cây phất trần đánh luôn ba cái liên tiếp. Nói là ba cái, nhưng vì bản lãnh của nàng quá cao siêu, ba cái đánh tung ra liên tiếp, nhanh như chớp giật, không thể phân biệt là bao nhiêu. Với tài nghệ tuyệt luân trong việc sử dụng phất trần ba cái đánh này có thể hạ sát trong nháy mắt nhiều cao thủ trong võ lâm, và từ trước đến nay chưa mấy ai tránh nổi.
Nhưng Dương-Qua mặc dầu chưa học được đến mức siêu việt như Lý-mạc-Thu, nhưng hắn đã học và đoán biết trước được thế “Tâm yểu đầu lâm” này, nên tránh né được dễ dàng.
Lý-mạc-Thu quá ngạc nhiên, vội định thần nhìn lại xem có phải là thằng bé ngày xưa chăng. Nàng không thể tin được rằng trong một khoảng thời gian quá ngắn, mà nó đã luyện tập bản lãnh khá cao cường, và nhìn trong lối tránh né có quy củ, rõ ràng hắn đã trở thành một đệ tử tinh thông của phái Cổ-Mộ rồi.
Suy nghĩ, rồi nàng dừng tay nhìn Tiểu-long-Nữ hỏi:
– Sư muội nuôi thằng bé con này để làm gì thế?
Tiểu-long-Nữ không dám đáp lớn, e động ngực máu sẽ trào ra nữa, nàng chỉ nhìn Dương-Qua khẽ bảo:
– Qua nhi! ngươi hãy làm lễ ra mắt sư bá mi đi.
Dương-Qua trố mắt nhìn Lý-mạc-Thu và hỏi lại:
– Hắn là sư bá tôi đấy à?
Tiểu-long-Nữ bảo nho nhỏ:
– Mi lại gần ta bảo cái này.
Dương-Qua vâng lời đến bên cạnh giường, kề tai xuống gần miệng nàng.
Tiểu-long-Nữ nói nho nhỏ vừa đủ nó nghe:
– Phía bên trái chiếc giường đá có một phiến đá nhỏ đó là chốt để điều khiển máy móc. Mi lên giường làm lễ ra mắt sư bá, rồi thừa cơ xoay cái nút ấy, thì tự nhiên cả cái giường này sẽ tuột xuống hầm sau. Như thế chúng ta sẽ thoát nạn, rồi sau hay.
Lý-mạc-Thu đoán Tiểu-long-Nữ đang trối trăn điều gì, nhưng nàng ỷ y một người đang hấp hối không còn bao nhiêu khí lực, một người là con nít chưa có bản lĩnh, nên khinh thường không thèm đề phòng hay ngăn cản.
Dương-Qua nghe nói mừng quá, lật đật trèo lên giường, quỳ xuống, hai tay chắp lạy Lý-mạc-Thu, miệng nói:
– Đệ tử xin chào sư bá.
Vừa nói, hắn vừa lẹ tay đẩy mạnh vào nút đá.
Cả chiếc giường đá từ từ vụt xuống sâu, đồng thời một phiến đá thật to từ trên cao rơi ầm xuống, ngăn cách chỗ thầy trò Lý-mạc-Thu và Tiểu-long-Nữ.
Trong khi chiếc giường bị tuột xuống, Tiểu-long-Nữ bị ngột hơi máu ra lênh láng, Dương-Qua cũng vì vô ý để tay chạm phải phiến đá, rách một đường, máu tuôn rất nhiều.
Khi máy ngưng chuyển động, Dương-Qua có cảm giác như chiếc giường rơi vào một phòng kín, bày trí đàng hoàng. Hắn vội bước xuống giường lấy đá quẹt lửa thắp nến soi tìm gặp Tiểu-long-Nữ nằm yên bất động, máu trào ướt cả người và cánh tay của hắn cũng đầy máu đỏ.
Không nghĩ gì đến bản thân mình, Dương-Qua chỉ sợ cho sư phụ, lật đật chạy đến hỏi nho nhỏ:
– Thưa cô nương, cô nương thấy trong người ra sao?
Trên nét mặt trắng bạch như sáp, nở một nụ cười hy vọng, Tiểu-long-Nữ nói khẽ:
– Thế là ta thoát khỏi tay độc thủ của chúng nó rồi.
Tuy nàng nói được nhưng Dương-Qua nhìn thấy máu vẫn rướm chảy bên mép, nên lo lắng vội nói:
– Thưa cô nương, nên nằm định tâm dưỡng bệnh, không nên khinh động, để máu ra mãi e nguy đến tánh mạng.
Tiểu-long-Nữ cố gắng nói:
– Ta cảm thấy mệt quá rồi, không còn sức lực để vận nội công chữa bệnh nữa. Nhưng nếu cả chúng ta đều mạnh khỏe, cũng chưa chắc chống cự nổi với thầy trò Lý-mạc-Thu đâu.
Dương-Qua nghe nói vừa buồn rầu, vừa chán nản, lòng nghi vớ vẩn bâng khuâng.
Tiểu-long-Nữ hỏi thêm:
– Mi xem chừng bệnh ta ra sao?
Dương-Qua nói:
– Cô nương để tôi thử truyền máu cho, may ra cứu vãn được.
Nói xong, nó xăn tay áo lên, lấy vạt áo lau thật sạch. Đoạn dùng dao trích một vết vào cổ tay của Tiểu-long-Nữ và áp hai vết thương vào nhau. Nhưng máu của hắn vẫn chảy ra ngoài lênh láng.
Tiểu-long-Nữ thở dài nói:
– Tiếc mi chỉ đủ sức vận động máu chạy trong cơ thể mi, chứ làm sao cung cấp cho một cơ thể khác nữa được. Thôi đừng tiếp tục vô ích, chỉ làm mất nhiều máu, có hại cho sức khỏe của mi mà thôi.
Dương-Qua cúi đầu suy nghĩ một chập bỗng reo lớn:
– Tôi nhớ rồi, bây giờ tôi làm được rồi!
Nó bỗng nhớ lại bài học của nghĩa phụ Âu-dương-Phong đã dạy khi truyền cho nó lối tập đi ngược thân. Nghĩa phụ nó có giảng rằng:

– Người đời cho lối đi ngược người của ta không đúng quy tắc vũ lâm, nên ít ai dùng đến. Nhưng biết đâu đúng, biết đâu sai? Miễn đi được đến mục đích mong muốn, đâu có cần đến phương pháp hay hoặc dở, phàm khi ta chồng ngược người để đi thì khí huyết lưu hành mãnh liệt gấp năm mười lần lúc bình thường.
Nghĩ xong, Dương-Qua quả quyết làm ngay. Hắn đảo ngược thân hình, lấy đầu làm điểm tựa, chân đứng thẳng lên trời, một tay nắm lấy cổ tay Tiểu-long-Nữ áp chặt vào vết thương của mình. Hắn hô hấp mạnh, vận dụng công lực giúp máu chạy mạnh. Bốn mắt hồi hộp nhìn nhau, chờ đợi kết quả. Bỗng đôi bên cảm thấy huyết quản hòa hợp, đôi tim cùng theo một nhịp, má Tiểu-long-Nữ đượm sinh khí, ửng đỏ dần dần, nước da lúc đầu trắng như sáp, đã qua màu san hô, đôi môi bớt tái, mắt sáng dần. Dương-Qua quên cả mệt nhọc, lòng mừng hớn hở. Hắn sung sướng quá hỏi nho nhỏ:
– Sao, cô nương thấy có khỏe được tí nào không?
Tiểu-long-Nữ mỉm cười gật đầu không đáp.
Trên phiến đá, đĩa dầu đã cạn, ngọn đèn lụn dần rồi tắt ngấm, căn phòng đã lặng chìm trong âm u yên lặng. Cả hai nín thở nghe tim cùng đập. Tiểu-long-Nữ đã luyện từ tấm bé đến mức diệt được lục dục thất tình, có đủ sức chống trả với niềm mừng vui cảm động của giờ phút này chăng?
Phần Dương-Qua, hắn không mong gì hơn lo cứu mạng sư phụ. Khi nhìn thấy kết quả, hắn mừng quá, lặng thinh không dám nói thêm gì nữa.
Bỗng Tiểu-long-Nữ bảo lớn:
– Thôi, chúng ta qua phòng Tôn Bà, ta có chuyện cần bàn cùng mi.
Dương-Qua hỏi:
– Cô nương không thấy mệt sao?
Nàng lắc đầu:
– Khá lắm rồi, không sao đâu.
Nói xong nàng đến cạnh tấm vách xoay một nút nhỏ, bỗng tấm vách từ từ nứt ra, chừa một cửa nhỏ, trước mắt có một đường dài thăm thẳm từ trước đến nay Dương-Qua không hề hay biết.
Tiểu-long-Nữ đưa tay dắt nó ra, cùng bước trên con đường ấy, không mấy chốc đã đến phòng Tôn Bà.
Vào phòng, Tiểu-long-Nữ đốt đèn, thu nhặt tất cả quần áo, của Dương-Qua bỏ vào một túi nhỏ; nhét thêm vào hai tấm lụa dệt vàng của nàng.
Dương-Qua chẳng hiểu thế nào, vội hỏi:
– Cô nương làm gì vậy?
Nàng vẫn lặng thinh không nói, đi lấy hai bình ngọc phong tương (chất tinh túy của mật ong trắng) bỏ luôn vào túi.
Dương-Qua kinh ngạc quá hỏi:
– Sao, cô nương muốn rời khỏi nơi này sao?
Tiểu-long-Nữ nhìn hắn và đáp:
– Mi quả thật có lòng tốt đối với ta, ta rất hài lòng và có lời khen mi, vậy mi có thể rời ngôi mộ này để tìm nơi khác dung thân.
Dương-Qua giật mình, hỏi:
– ủa, còn cô nương ở lại sao?
Tiểu-long-Nữ đáp:
– Ta đã phát thệ chung thân vĩnh viễn nơi đây. Sống ở Cổ-Mộ thác ở Cổ-Mộ, không hề đi nơi khác.
Thấy Tiểu-long-Nữ nói với vẻ mặt trang trọng nghiêm chỉnh, Dương-Qua đoán nàng đã quyết định một điều quan hệ, nên chẳng dám nói suy nghĩ một chập, nó chậm rãi đáp:
– Nếu cô nương không rời Cổ-Mộ, thì tôi cũng nguyện ở lại bên cạnh cô nương, ngõ hầu giúp đỡ cô nương được phần nào.
Tiểu-long-Nữ nói:
– Hiện nay thầy trò Lý-mạc-Thu muốn dùng võ lực bức sách ta chiếm đoạt “Ngọc-nữ tâm-kinh”. So võ nghệ thì ta còn thua sút không thể dấu để bảo vệ kinh được. Chắc mi cũng nhận thấy chứ?
Dương-Qua đáp:
– Thưa vâng.
Tiểu-long-Nữ nói tiếp:
– Lương thực hiện nay chỉ còn chi dùng nhiều lắm là vài mươi hôm? Nếu kể cả mật ong trắng nữa cũng chỉ cầm thực thêm mười hôm nữa là cùng. Sau đó mình biết giải quyết làm sao?
Dương-Qua cúi đầu suy nghĩ rồi nói:
– Vậy chúng mình cứ xông ra đánh bừa để mở đường trốn đi. Tuy không thắng được họ, chứ cũng có thể thoát thân chứ.
Tiểu-long-Nữ lắc đầu đáp:
– Không thể tính liều như thế được, Lý-mạc-Thu sư bá là tay võ nghệ cao cường, nhiều mưu lắm kế, khó lòng mà trốn thoát, nếu chạy ra khỏi nơi đây, y cũng có thể đuổi theo để bắt lại, chừng đó phải mất mạng cả hai không?
Dương-Qua lại hỏi thêm:
– Như thế một mình tôi làm sao chạy thoát được?
Tiểu-long-Nữ đáp:
– Ta sẽ đấu sức một với Lý-mạc-Thu, dẫn y đi sâu vào Mộ đài, để mi thừa cơ tẩu thoát.
Dương-Qua còn đang do dự, nàng nói tiếp:
– Khi ra khỏi cửa mộ, hãy nhìn bên tay trái, phía dưới chân cửa có một tảng đá lớn nằm án ngữ. Mi dùng nội lực đẩy mạnh tảng đá ấy qua một bên, tự nhiên sẽ làm mất thăng bằng, khiến một tảng đá nặng hàng vạn cân ở trên cửa sẽ lăn xuống cắt đứt đường ra vào Cổ-Mộ.
Những ai ở bên trong sẽ vĩnh viễn không lối thoát ra ngoài nữa.
Dương-Qua hỏi:
– Ngoài cửa này ra, cô nương có biết lối liên lạc nào bí mật khác chăng?
Nàng lắc đầu đáp:
– Không có lối thoát nào nữa. Ngày xưa khi xây dựng Cổ-Mộ đài, Vương-trùng-Dương đã tiên liệu kẻ thù không đội trời chung của mình là Kim-Chúa. Thế nào cũng tìm cách đến vây đánh. Nếu gặp quân địch quá đông, không kháng cự nổi, người sẽ dùng cơ quan bí mật này để bế tắc lối ra vào và tuẫn tiết trong Cổ-Mộ, đó là ý bất khuất của người.
Nhưng suốt mười năm liền, mặc dầu Kim-Chúa nhiều lần sai quân đến bắt, cả thảy đều bị Vương-trùng-Dương phá tan hoặc bắt nhốt trong các phòng đó.
Thời gian sau, Kim-Chúa chết, người kế vị không lưu ý đến việc này, nên không bao giờ phái quân đến nữa, thành thử tảng đá vạn cân vẫn còn mãi không được sử dụng tới.
Khi giao Hoạt-tử-Nhân Mộ-đài lại cho Lâm-triều-Anh tổ sư, Vương-trùng-Dương có kể chi tiết cho Bà nghe, do đó sư bà mới biết và truyền lại.
Dương-Qua liền thức nói qua dòng lệ:
– Thưa cô nương, dù sống hay chết, tôi muốn ở mãi bên cạnh cô nương mà thôi.
Tiểu-long-Nữ an ủi:
– Theo ta làm gì nữa, có ích lợi chi đâu. Mi đã từng kể cho ta nghe bên kia có lắm cái đẹp, thú, kỳ lạ, hãy ra mà tận hưởng lấy. Ta đã truyền cho ngươi “ngọc-nữ tâm-kinh” cứ theo đó mà đào luyện thêm, chắc chắn sẽ khuất phục hết các cao thủ của Toàn-Chân phái, như thế chẳng thích hơn sao? Đã oai phong, sung sướng, được ngươi nể sợ, hưởng hết thú vui trên đời không hơn ở lại chết trong chốn này?
Dương-Qua nước mắt ràn rụa, khóc tức tưởi, tiến tới níu lấy vai áo Tiểu-long-Nữ, vừa khóc, vừa van lơn:
– Cô nương, trên đời này chỉ có cô nương là người thương yêu tôi, đối xử rất tốt cùng tôi mà thôi. Nếu không còn cô nương thì vạn sự trên đời này có nghĩa lý gì nữa đâu.
Tiểu-long-Nữ được luyện tập từ bé, dẹp bỏ được mọi tình dục, cảm xúc, lòng như nguội lạnh, nhưng trước tấm lòng chí thiết, chí tình của người đệ tử trung thành, nàng cũng cảm thấy con tim xao xuyến, hai giòng lệ từ từ lăn trên má. Khi cảm thấy lành lạnh trên mặt, Tiểu-long-Nữ thất kinh nhớ lại lời dặn của sư phụ trước giờ lâm chung:
– Mức kết quả của công phu luyện tập tựu trung nhờ vào sự thành công trong việc đoạn tình, tuyệt dục, không để ngoại cảnh chi phối lòng mình. Nếu còn để bị mềm yếu vì cảm tình, thì chẳng những bao nhiêu công phu sẽ tiêu tan mà còn có hại đến mạng sống là khác. Con phải ráng khắc cốt ghi tâm lời này, nhớ cho kỹ, con nhé!
Nhớ đến đây, Tiểu-long-Nữ như người chợt tỉnh, vội vàng vận dụng nghị lực xua đuổi hết cảm giác vừa rồi và vung tay đánh mạnh một quyền vào người Dương-Qua, nghiêm nghị bảo:
– Mi phải tuyệt đối tuân theo lời ta bảo, nhất thiết không được sai. Tại sao mi dám cưỡng lại lệnh thầy trong lúc này hử?
Dương-Qua bỗng thấy sư phụ trở nên nghiêm khắc lạnh lùng quá, chẳng dám nói nữa, chỉ cúi đầu lặng yên, lòng nó xao xuyến bồi hồi khôn tả.
Tiểu-long-Nữ trao thêm đôi giải lụa trắng, cột chặt túi vào lưng nó như người ta thắt yên ngựa, tay phải tuốt kiếm, tay trái dắt nó đi lại dần dần một bức tường, nghiêm nghị bảo:
– Khi được lệnh xuất môn, mi phải tuyệt đối thi hành ngay, lúc ra đến cửa phải xô tảng đá để vận động cơ quan đóng kín Cổ-Mộ đài như đã dặn. Lý-mạc-Thu sư bá muôn phần hiểm ác, nếu mi chậm trễ làm hỏng kế hoạch của ta thì nguy hiểm lắm, nghe chưa?
Dương-Qua miễn cưỡng cúi đầu vâng dạ, ruột rối như tơ. Tiểu-long-Nữ dặn thêm:
– Nếu mi không làm theo lời ta bảo, mai sau ta chết cũng còn oán hận mi đời đời.
Nói xong nàng nắm tay Dương-Qua dắt ra khỏi mộ. Biết bao nhiêu lần thầy trò đã nắm tay nhau, nhưng trong những lần trước, mỗi lần nắm tay Tiểu-long-Nữ thấy lạnh như băng tuyết, trái lại lần này nó cảm thấy bàn tay Tiểu-long-Nữ siết chặt tay nó và hình như có một luồng nhiệt khí chuyển qua người, sưởi ấm cả cõi lòng và nó thấy toàn thân như rung chuyển. Bỗng chốc nó thấy nhiệt độ trong người thay đổi bất thường, lúc ấm, lúc lạnh, chẳng hiểu vì sao?
Hai người cùng bước đến trước một tảng đá rồi dừng lại. Tiểu-long-Nữ khẽ dặn:
– Thầy trò Lý-mạc-Thu đang đứng phía sau kia, ta sẽ khiêu chiến cùng Lý-mạc-Thu và dụ nó đi xa dần, mi chắc phải đấu cùng Hồng-lăng-Ba, nên sử dụng Ngọc-phong-sa để chống cự với nó nhé.
Ngọc-phong-sa là một vũ khí hết sức đặc biệt, vô cùng lợi hại của phái Cổ-Mộ. Lâm-triều-Anh sở dĩ nổi tiếng là nhờ hai môn khí giới kỳ lạ: Băng-phách-ngân và Ngọc-phong-sa.
Ngọc-phong-sa là một loại kim tiêu hình lục giác đã được tôi luyện bằng nọc độc của giống ong trắng, nó tuy bé nhỏ nhưng nhờ nặng, nên có thể phóng đi rất xa và mạnh. Tầm tấn công của nó rất bao la. Tuy nhiên vì chất độc của nó rất lợi hại nên Lâm-triều-Anh chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt cần thiết mà thôi. Khi đã cao siêu, bản lĩnh đã đạt đến mức thượng thăng, bà không mấy khi sử dụng đến nữa vì xem nó như là loại ám khí.
Sở dĩ biết được bản chất, Lý-mạc-Thu ác độc, nên sư phụ Tiểu-long-Nữ chỉ dạy nàng Băng-phách-ngân châm, mà không truyền thụ Ngọc-phong-sa.
Trong lúc tâm thần rối loạn, ý chí bất định, Dương-Qua nghe lời dặn như gió thoảng qua, tự nhiên gật đầu vâng dạ, chưa nghĩ đến việc thi hành sẽ ra sao.

Dặn vừa dứt lời Tiểu-long-Nữ vận dụng thần khí, nạt lớn một tiếng, dơ chân đạp tảng đá văng đi nơi khác, rồi vung tay vung hai giải lụa trắng đột nhiên tấn công thầy trò Lý-mạc-Thu và Hồng-lăng-Ba.
Lúc bấy giờ Lý-mạc-Thu đang vận công khai giải yếu huyệt cho Hồng-lăng-Ba vừa xong, căn dặn cách thức đề phòng và đưa mắt quan sát địa thế dự định dùng lực phá cửa đi ra. Không ngờ Tiểu-long-Nữ xuyên qua ngõ kín tấn công bất thình lình, khiến nàng vội vã múa phất trần thống trả mãnh liệt. Giải lụa bạch và phất trần là những vũ khí mềm dịu nhu chuyển, múa tít lên, quyện chặt lẫn nhau trông rất đẹp mắt. Mới nhìn vào thì thấy nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cả hai đối thủ đã phí vào đó biết bao nhiêu công phu nội lực.
Càng nhìn thấy sự mềm dịu thướt tha và lợi hại của giải lụa bao nhiêu, Lý-mạc-Thu càng nghĩ càng căm giận sư phụ đã bất công vì thành kiến đối với mình, không truyền thụ cho những thế võ độc đáo huyền ảo như vậy.
Riêng Hồng-lăng-Ba, từ xưa đến nay vẫn tự kiêu tự đại, trên đời, ngoài sư phụ chẳng biết nể vì ai, nay bị Dương-Qua dùng kế giả điên, giả dại, gạt gẫm, điểm huyệt, nên trong lòng hậm hực vô cùng.
Vừa thấy hắn nàng gầm lên một tiếng, vung kiếm chém liền, nàng vừa xông tới vừa nghiến răng bảo:
– à thằng oắt con ranh mãnh, phen nầy cho mi nếm tài ta.
Nàng vung kiếm, tận lực chém xả vào mình Dương-Qua không chút nhân nhượng. Dương-Qua cũng muốn diễu cợt thêm mấy câu chọc giận, nhưng nhận thấy Hồng-lăng-Ba quá hung hăng, cố tình hạ sát mình, hơn nữa vì cõi lòng đang đau xót sắp phải xa lìa sư phụ thân yêu, nên nó chẳng còn bụng dạ nào tấn công, chỉ tránh né cầm chừng mà thôi.
Thấy vậy Hồng-lăng-Ba, tưởng hắn không có tài nghệ bao nhiêu, thầm nghĩ vì mình sơ ý để bị điểm nhằm yếu huyệt đến nỗi bủn rủn cả người nên lòng càng bực tức và ân hận.
Phía Lý-mạc-Thu và Tiểu-long-Nữ làn lụa bạch và bóng phất trần xoắn lại nhau, phút chốc đã trên mười hiệp bắt phân thắng bại.
Đột nhiên Lý-mạc-Thu hét lớn:
– Sư muội hãy mở mắt xem bản lĩnh của ta này.
Nói rồi nàng chuyển thế bất ngờ đảo ngược cây phất trần chặt mạnh giải lụa bạch đứt làm đôi, kể ra dùng một cây phất trần mà cắt đứt được nhung lụa, quả khí lực thần công của nàng đã thuộc hạng siêu đẳng mới làm nổi.
Nhưng Tiểu-long-Nữ vẫn điềm nhiên không chút bấn loạn và trả lời:
– Khá đấy sư tỳ cũng còn xứng đáng một đệ tử hữu hạn của phái Cổ-Mộ đài..
Nói xong, nàng dùng hai tay múa tít nhung lụa còn lại, một đầu cuốn chặt vào cán, một đầu bao quyện đầu phất trần, rồi chuyển lực xoay ngược một vòng, hai nhung lụa đã bứt gãy cây phất trần làm hai khúc.
Sự phản ứng quá mãnh liệt và bất ngờ, Lý-mạc-Thu không kịp giữ vũ khí, phải buông tay cho hai đoạn phất trần rơi xuống đất, rồi múa chưởng xông vào tấn công luôn.
Tất cả sự bực tức tập trung vào hai cánh tay chưởng lực tỏa ra hết sức mãnh liệt , chấn động cả không khi như một luông cuồng phong . Tiểu Long Nữ tự lưọng sức mình không thể thắng được nên múa giải lụa chóng đối cầm chừng và thối lui dần vào phía trong.
Lý mạc Thu thấy vậy bỏ bụng mừng thầm , nàng đâu có biết sự rút lui này đsã có dự định tính toán từ trước .
Dần dần Tiểu Long Nữ lùi sát vách tường , hai chân dậm vào một phiến đá để làm điềm tựa , đưa mắt nhìn đằng xa , thấy Dương Qua đang uể oải đánh cầm chừng với hồng Lăng Ba , nàng gọi lớn :
– Qua nhi , hãu đi cho mau .
Vừa quát , nàng tuing chân đạp mạnh vào phiến đá , tức thì vách đá tự nứt ra một đường vừa một người chui lọt .
Tiểu Long Nữ gia tăng nội lực quyết tâm cầm chân Lý mạc Thu để Dương Qua có đủ thời giờ chạy thoats nhưng thấy nó vẫn uể oải đấu cầm chừng với Hồng lăng Ba , nàng giận quá thét lên :
– Qua nhi , người không tuân lệnh ta sao .
tiếng thét vang lên như xé màn không khí âm u của Cổ Mộ đài , dư âm vong jalị trong mấy từng vách đá .
vì quá bịn rịn nên dương Qua không muón đi ngay , đưa mắt nhìn sư phụ lần chót , cõi lòng tan nát , tâm tư giao động , đường kiếm bấn loạn suýt chốc nữa đã bị Hồng Lăng Ba thích vào hông .
Hắn vộ vàng tập trung ý chí chống đỡ , nhìn thấy tiểu long nữ đang bậm môi đánh cầm chân Lý mạc Thui nên miễn cưỡng lui dần vào ngách đá .
Tiểu Long Nữ đưa mắt nhìn theo , cảm thấy thần trí nhẹ nhàng phơi phới , dường như chính nàng thoát nạn . Khi bóng Dương Qua vừa qua khỏi khe đá , nàng cảm động quá thở phảo một cái . Tâm tư xúc động , nội lực suy giảm bất ngờ , quyền thế rối loạn . Trông thấy , Lý mạc Thu rất ngạc nhiên tuy nhiên nàng không bỏ qua cơ hội gia tăng tấn công tới tấp và điểm trúng huyệt ” hồi tông ” khiến Tiểu long Nữ loạng choạng ngã lứn ra đất , miệng trào máu tươi . Nhìn thấy sư phụ lâm nguy , Dương Qua không còn kể gì nữa , vôtị thét lớn:
– Không được hại sư phụ ta , không được hại cô nương ta.
Hắn bất chấp hiểm nguy , tung mình phóngt hẳng vào giữa hai người , ôm choàng lấy Lý mạc Thu .
Đang thắng thế bỗng bị Dương Qua ôm chầm lấy mình , bất chấp luật lệ nguyên tài võ công , Lý mạc Thu cảm thấy nàng bàng hoàng , cả người toàn thân rung động bởi một cảm giác kỳ lạ.
Dương Qua ranh mãnh siết chặt vào nửa thân người và cọ xát vào vật sinh lý của Lý mạc Thu . nàng đỏ bừng đôi má , không biết cách nào đối phó cũng như trước kia cũng gặp trường hợp này , nàng đã để tâm trí xao xuyến đến nỗi bị chim hồng tấn công phá huỷ một mắt . Suốt bao nhiêu nắm lưu lạc giang hồ , Lý mạc Thu chưa có dịp nào bị kích thích đồng tình , lần này sự đụng chạm với Dương Qua cũng mnhư lần trước ở Giang Nam , nàng cảm thấy một cảm giác vừa mới lạ vừa thích thú , không còn tự chủ được nữa .
Sự thay đổi đột ngột này là một dịp hiếm có để tiểu Long Nữ giải nguy. Nàng tung người ngồi dậy , nhìn thấy Lý mạc Thu bị Dương Qua ôm choàng cả thân hình mà không phản ứng chống cự thì ngạc nhieen. Bỗng Hồng lăng Ba vung kiếm chém mạnh vào người Dương Qua và Lý mạc Thu khiến cả hai người lăn long lóc ra xa tránh khỏi luòng kiếm của Hồng Lăng Ba. Hồng lăng Ba chém hụt mất trớn té nhủi về phía bên kia.
Tiểu Long Nữ hét lớn:
– Dương Qua , chạy mau , chạy mau !
Dương-Qua vẫn không rời thân hình Lý-mạc-Thu, miệng đáp:
– Cô nương thoát đi. Tôi đã ôm chặt được sư bá rồi, cô nương thừa dịp thoát thân thì hơn.
Lý-mạc-Thu bỗng chợt tỉnh trí, nhận định tình hình quá nguy hiểm, thấy mình đang ở vào thế bị địch tấn công hai phía, cần phải vận công đối phó thoát khỏi đôi tay của Dương-Qua. Nhưng lạ quá, thân rạo rực, mềm nhũn, như mất cả sinh lực giữa hai cánh tay của chàng thanh niên này, không còn đủ sức điều khiển cử động của mình nữa.
Tiểu-long-Nữ hết sức ngạc nhiên vì một người bản lĩnh cao cương như sư tỷ, tại sao lại bất lực trước Dương-Qua?
Nàng đang suy nghĩ bỗng thấy Hồng-lăng-Ba múa kiếm tấn công Dương-Qua theo một thế khác. Nàng nổi nóng tự nghĩ:
– Con ranh này quả vô lễ, phải cho hắn nếm thử một đòn mới được.
Nói xong, nàng tung quyền lanh như chớp đánh vào hai cổ tay của Hồng-lăng-Ba, khiến hai lưỡi kiếm chạm mạnh vào nhau rang rảng, lửa xẹt tứ tung. Hồng-lăng-Ba cảm thấy hai tay tê liệt, vội vàng thối lui năm bước.
Làn lửa xẹt rọi sáng trong chốc lát, Lý-mạc-Thu đang nằm gọn trong lòng Dương-Qua bỗng thấy đôi mắt Tiểu-long-Nữ quắc lên một cách dị thường nhìn mình.
Nàng cảm thấy e thẹn vì cái nhìn nghi ngờ xoi bới ấy, nên vội dùng cùi chỏ thúc mạnh vào hông Dương-Qua thét lớn:
– Thằng ranh con tiểu tử, muốn chết hay sao?
Nói xong, nàng phi thân tung mình đứng lên và tấn công ngay vào Tiểu-long-Nữ.
Tự thấy mình chưa hết bệnh, không đủ sức cự đương với người sư tỷ đang hằn học vì căm hờn. Tiểu-long-Nữ thét lớn vào mặt Dương-Qua:
– Qua nhin, mi nhất định không tuân lệnh ta phải không?
Dương-Qua khẩn khoản đáp:
– Thưa cô nương, lúc nào tôi cũng tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cô nương. Nhưng lần này xin cô nương cho phép tôi trái lệnh vì tôi tha thiết muốn cùng sống chết bên cạnh cô nương mà thôi.
Nghe qua những lời nói quá ư chí thiết, Tiểu-long-Nữ cảm thấy lòng rung động bồi hồi, rồi chẳng kể đến chưởng lực như vũ bão của Lý-mạc-Thu đang ào ạt tấn công mình, phóng tới như điện xẹt đưa tay ôm ngay mình Dương-Qua rồi phi thân chạy mất.
Lý-mạc-Thu tung mình đuổi theo, miệng gọi:
– Đừng chạy, hãy dừng lại ngay.
Tiểu-long-Nữ quay mình phóng lại một mũi Ngọc-phong-sa, Lý-mạc-Thu thấy một lằn xẹt đều có thoảng mùi mật ong thơm phức thì thất kinh. Tuy chưa biết loại vũ khí này, nhưng trước đây có nghe sư phụ thường nói Ngọc-phong-sa mỗi lúc bay đi có thoát ra mùi mật ong thoáng ngửi mùi này nàng đã đoán ra sư muội dùng loại vũ khí lợi hại đó để đối phó, cho nên nàng vội vàng nhảy xuống để tránh, rồi kéo luôn Hồng-lăng-Ba phóng mình về phía sau chạy trốn.
Tức thì xung quanh có tiếng chuyển động ầm ầm, rung động cả một vùng, Tiểu-long-Nữ đã vận chuyển máy móc trong Mộ-Đài, di chuyển những tảng đá cực kỳ to lớn để che chỗ ẩn nấp.
Hai người cùng theo một đường bí mật đó ra khỏi mộ đài. Dương-Qua sung sướng quá, chạy lăng xăng theo Tiểu-long-Nữ và thưa với Tiểu-long-Nữ:
– Xin cô nương cho phép tôi vận chuyển khối đá khổng lồ môn Cổ-Mộ để chôn sống thầy trò nữ đạo cô này cho rồi.
Vừa nói xong, hắn loay hoay tìm chốt, nhưng Tiểu-long-Nữ khoác tay bảo:
– Khoan, hãy chờ ta vào trong trước đã.
Dương-Qua kinh hãi trố mắt nhìn nàng, ấp úng hỏi:
– Cô nương bảo sao?
Tiểu-long-Nữ điềm nhiên giải thích:
– Khi sư phụ truyền ngôi mộ này cho ta, người đã căn dặn sống chết phải vĩnh viễn ở đây không bao giờ được bỏ đi hay truyền lại cho người khác.
Dương-Qua nói:
– Nhưng ta đã lấp ngõ rồi. Họ ở trong ấy sẽ chết nay mai có gì đáng quan tâm đâu mà cô nương e ngại.
Tiểu-long-Nữ đáp:
– Ta phải trở vào, sống chết ở trong mộ theo lời của sư phụ, không phải như mi được.
Nói rồi nàng buồn rầu nhìn ngay mặt Dương-Qua.
Dương-Qua đau đớn nắm hai tay sư phụ chậm rãi tha thiết nói:
– Thưa cô nương, lời nói của cô nương quả chí lý.
Nói rồi nó buồn rầu nhìn nàng mãi. Tay trong tay, nàng cảm thấy sóng lòng dào dạt, cố nén sự rung cảm của con tim trong giây phút trước giờ biệt ly.
Nhưng nàng bỗng cố gắng nén ngăn tình cảm, rút vội tay ra, chạy vụt vào Cổ-Mộ và hét lớn:
– Mi hãy hạ đá lấp kín lối vào! Mau lên, hạ gấp đi, đừng do dự nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.