Thần Điêu Đại Hiệp

Chương 16: Thiên La Địa Võng: Thế Nhập Môn Của Phái Cổ-mộ


Bạn đang đọc Thần Điêu Đại Hiệp – Chương 16: Thiên La Địa Võng: Thế Nhập Môn Của Phái Cổ-mộ

Tiểu-long-Nữ dẫn Dương-Qua đến một căn phòng nhỏ xây toàn bằng đá. Mở cửa bước vào trong thấy phòng vừa chật vừa thấp, phải đi cẩn thận để khỏi va chạm. Nóc nhà cũng toàn bằng đá. Dương-Qua đi theo, lòng hồi hộp nghĩ chắc phòng này thế nào cũng có nhốt một tên Đạo sĩ của phái Toàn-Chân. Một chập sau nhìn không thấy gì hết, Dương-Qua hỏi:
– Thưa cô nương, người Đạo sĩ nhốt chỗ nào rồi?
– Tại sao lại hỏi như vậy, làm gì có Đạo sĩ!
– Thế không phải cô đã bắt Đạo sĩ đem về đây để luyện võ cho tôi sao?
Tiểu-long-Nữ mỉm cười chỉ vào trong và nói:
– Ta nào có bắt Đạo sĩ, mà chỉ tìm thứ này cho ngươi thôi, tý nữa sẽ thấy.
Nói xong, nàng bước thêm vài bước rồi cúi lom khom lấy một cái túi vải đặt tại góc phòng, hí hoáy mở nút. Bỗng có tiếng vỗ cánh, ba con chim sẻ vụt bay ra.
Dương-Qua vừa ngạc nhiên vừa thích thú nhưng chưa dám hỏi, tự nghĩ:
– Chẳng lẽ nào cô nương xuất mộ đài để bắt chim sẻ ư?
Tiểu-long-Nữ bảo Dương-Qua tìm cách bắt lại ba con chim sẻ ấy cho nàng, nhưng không được làm chúng bị thương tích lũy rụng lông.
Tưởng dễ ăn, Dương-Qua vội đáp:
– Vâng tôi sẽ bắt được liền!
Nhưng sự thật đâu phải dễ. Chim sẻ vừa nhỏ vừa lanh lẹ, bay nhảy lung tung từ đông sang tây, từ cao xuống thấp. Dương-Qua chụp mãi mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hồng hộc vẫn không chụp được con nào, phải đứng thẫn thờ nhìn theo, mặt có vẻ bẽn lẽn.
Tiểu-long-Nữ mỉm cười bảo nếu không bắt được, nàng sẽ dạy phương pháp. Lúc đầu nàng dạy lối đứng trên cao nhảy xuống để chụp.
Có tánh thông minh sẵn, Dương-Qua dư hiểu nàng lợi dụng lối bắt chim sẻ để luyện võ cho mình, nên nó chăm chú nghe và để ý bắt chước làm theo y như lời dạy.
Nói thì dễ, nhưng đưa ra làm thật quả là khó. Tuy nhiên sau khi chỉ bảo kỹ, nàng dặn thêm phải bền chí và cố gắng tập thành thuộc rồi bỏ đi ra ngoài ngay.
Suốt ngày hôm ấy, Dương-Qua mệt nhoài người không bắt được con nào. Chiều đến cơm nước xong, Dương-Qua lại lên giường lạnh luyện nội công và ngủ.
Suốt ngày hôm sau và ba bốn hôm nữa vẫn chưa bắt được con nào hết. Nó đổi cách nhảy, lối rình và chụp nhưng không kết quả, lòng vừa buồn vừa chán nhưng vẫn cố gắng tiếp tục.
Mãi đến ngày thứ năm nó mới vồ được một con. Nó hân hoan cầm con sẻ đến trình với Tiểu-long-Nữ, nhưng nàng chỉ lạnh lùng bảo:
– Một con thì được tích sự gì đâu? Phải bắt cho được ba con.
Dương-Qua nghĩ hễ bắt một con rồi thì ba con bắt chẳng khó gì. Nhưng suốt hai ngày sau vẫn không bắt được con nào nữa.
Thấy ba con sẻ đã đói và mệt nhiều nên Tiểu-long-Nữ đem gạo vào cho chúng ăn rồi thả bay mất. Đoạn nàng tìm bắt ba con khác vào thả trong phòng cho Dương-Qua tập nữa.
Mãi đến ngày thứ tám, Dương-Qua mới bắt được cả ba con sẻ. Thấy nó bắt đã thuần thục, nàng bảo:
– Thôi được rồi! Bây giờ đi theo ta tới Trùng-Dương cung.
Dương-Qua ngạc nhiên quá, vội hỏi:
– Theo cô, đến đó để làm gì?
Nàng không trả lời, chỉ rảo bước đi ra, nó vội vàng chạy theo.
Sau mấy ngày luyện tập trên giường hàn ngọc và bắt sẻ, Dương-Qua thấy đã tiến bộ nhiều. Bước đi nhẹ nhàng thoăn thoắt, mạnh và chắc chắn hơn trước.
Đến gần Trùng-Dương-cung, Tiểu-long-Nữ lớn tiếng gọi:
– Triệu-chí-Kính đâu, ra đây mau!
Tiếng nói lanh lảnh vọng đi rất xa và rõ mồn một. Một chập sau cửa Trùng-Dương-cung mở rộng, có mười đạo sĩ đi ra. Hai người đi đâu dìu Triệu-chí-Kính đi chầm chậm, bước từng bước một, vẻ mặt bơ phờ mệt nhọc, mắt thâm quầng, da mét xanh, chân run lẩy bẩy.
Vừa trông thấy hai người đến gần các đạo sĩ đã rút kiếm hờm sẵn, nét mặt hầm hầm.
Tiểu-long-Nữ rút bọc lấy một bình nhỏ bằng sứ đưa cho Dương-Qua bảo lớn:
– Mi đưa bình này cho Triệu-chí-Kính, đấy là mật ong trắng, dùng làm thuốc chữa nọc độc đấy.
Nhìn thấy mặt Triệu-chí-Kính, Dương-Qua cảm thấy oán hận tràn trề, máu nóng xông lên, chỉ muốn túm lấy đánh cho đã giận. Nhưng không dám làm phật ý cô nương trước mặt người lạ, nó lẳng lặng tiếp lấy bình mật, nhanh nhẹn đem giao cho Triệu-chí-Kính.
Tất cả các người của Trùng-Dương-cung đoán chắc Tiểu-long-Nữ đến đánh để phục hận và trả thù cho Tôn bà, nhưng không ngờ nàng lại đem mật đến để cứu Triệu-chí-Kính, cho nên ngạc nhiên đứng ngẩn người không biết nói năng làm sao.
Đặt bình mật trước mặt Triệu-chí-Kính xong, Dương-Qua liếc nhìn y với cặp mắt khinh bỉ rồi lầm lũi chạy trở lại.
Vừa nhìn thấy Dương-Qua, Tỉnh-Quang giận sôi không dằn nổi, ở trong đám đông bước ra quát lớn:
– Thằng nhắt con, đã đến trước cửa thầy, tại sao còn bỏ chạy?
Nói xong hắn nhảy xổ theo Dương-Qua cố đánh cho được để trả mối thù trước kia bị Dương-Qua dùng “Hàm mô công” đánh gần chết, may nhờ Mã-Ngọc cứu thoát.
Tiểu-long-Nữ khẽ dặn:
– Hôm nay ngươi không được ra tay đánh đập đấy nhé!
Dương-Qua đang chạy bỗng nghe tiếng chân phía sau và thoáng một luồng gió lộng như có bàn tay chộp trên lưng.
Nhờ bao nhiêu ngày luyện công trên giường hàn thạch và tập bắt sẻ là những phương pháp tối điệu riêng biệt của phái Cổ Mộ đài, Dương-Qua đã thấy tiến bộ nhiều và chủ động được ý muốn, cử chỉ mình. Nó bình tĩnh ngồi sụp xuống, đưa tay khẽ đẩy một bên, Tỉnh-Quang đang hăm hở chạy đến, bất ngờ lại bị nó đẩy ngang một cái mất thăng bằng, té lăng đùn như trời giáng.
Khi lóp ngóp đứng dậy được thì thấy Dương-Qua đã đến bên cạnh Tiểu-long-Nữ rồi. Tỉnh-Quang tức cành hông, la hét om sòm, toan chạy đến đánh nữa, nhưng bỗng một đạo sĩ xông đến khóa cánh tay hắn lôi về hàng cũ. Tỉnh-Quang cảm thấy cánh tay tê buốt, toàn thân cứng đờ không cưỡng nổi, phải riu ríu bước đi và ngó lại thấy đó là sư thúc Doãn-chí-Bình.
Doãn-chí-Bình mắng thêm mấy câu rồi đuổi hắn ra phía sau đám đông.
Doãn-chí-Bình lễ phép bước tới nói:
– Đa tạ cô nương đã có lòng tốt đem thuốc cho chữa bệnh.
Nói xong cúi đầu làm lễ.
Tiểu-long-Nữ không đáp lễ chỉ nắm tay Dương-Qua bảo:
– Thôi, chúng ta về!
Doãn-chí-Bình nói thêm:
– Dương-Qua là đệ tử của phái Toàn-Chân, cô nương định chiếm bắt nó hay sao?
Nàng lạnh lùng đáp:

– Tôi không thích nhiều lời.
Nói xong nàng kéo Dương-Qua thoăn thoắt trở về Cổ Mộ đài. Tất cả các đạo sĩ chỉ biết ngẩn người nhìn theo cho đến khi hai người đi khuất vào rặng cây rừng đàng xa.
Về đến Cổ Mộ đài Tiểu-long-Nữ bảo Dương-Qua:
– Võ công của mi có mòi tiến bộ hơn trước chút ít, nhưng lối đánh tên đạo sĩ mập té như thế chưa phải cách chút nào.
Dương-Qua lễ phép thưa:
– Thưa cô nương, tên đạo sĩ ấy đã từng đánh tôi bị thương nặng, tiếc rằng cô nương đã ra lệnh nên hôm nay tôi chưa được cơ hội đánh trả thù cho hả dạ. Nhưng thưa cô nương, vì sao tôi không được đánh hắn?
Tiểu-long-Nữ bắt đầu đáp:
– Không phải là mi không được đánh hắn, nhưng ta thấy võ nghệ mi còn non kém, chưa muốn cho thi thố trước mặt người. Lối đánh ngã sấp không phải cách. Cần đánh cho hắn ngã ngửa mới được.
Dương-Qua mừng rỡ hỏi ngay:
– Thưa cô nương, làm sao đánh được như thế, cô nương dạy tôi nhé!
Tiểu-long-Nữ bảo Dương-Qua giả làm lão đạo sĩ mập còn mình giả làm Dương-Qua. Nàng vừa nói chuyện vừa chầm chậm đi tới.
Dương-Qua thích chí tiến tới toan chụp lấy Tiểu-long-Nữ. Nhưng Tiểu-long-Nữ hình như nhìn thấy phía sau cho nên hễ nó đuổi mau thì nàng bước mau, nó đuổi chậm thì nàng bước chậm lúc nào khoảng cách giữa hai người cũng độ một thước.
Dương-Qua vừa cười vừa nói lớn:
– Tôi bắt cô nương đây nè
Nói xong nó lạc mình về phía trước, hai tay ôm choàng ngang eo ếch nàng. Tiểu-long-Nữ vẫn điềm nhiên không tránh né, chờ khi tay Dương-Qua đến gần sát, nàng dùng vai hất vào hàm nó. Dương-Qua bị một sức mạnh đẩy mạnh về phía sau loạng choạng mất thăng bằng. Nàng tiếp luôn dùng tay đánh vào hai tay nó để nó khỏi băm vào lôi nàng ngã theo.
Cả đầu và lưng ngã về sau, hai tay không chống đỡ được. Dương-Qua bị ngã bật xuống, toàn thân ê ẩm.
Tiểu-long-Nữ cầm tay mặt của nó kéo đứng dậy.
Dương-Qua mừng rỡ nói rối rít:
– Cô nương tài tình quá, lối đánh thật tuyệt diệu.
– Mi cố tập bắt sẻ cho thuần thục, tự nhiên sẽ biết những thế đánh hay ho như vừa rồi.
– Tôi đã tập bắt được rồi cơ mà.
Nàng mỉm cười nói:
– ồ, thế đã ra gì mà gọi là bắt được rồi! Nếu vậy, hóa ra võ thuật của phái ta dễ dàng quá sao?
Dương-Qua không dám nói nhiều, chỉ đứng lặng yên. Thấy nó im lặng tỏ vẻ phục thiện, nàng đưa tay bảo:
– Thôi, đi theo ta.
Dương-Qua ngoan ngoãn bước theo. Hai người đi đến một căn phòng đá khác. Phòng này rộng hơn phòng trước, có nhốt sẵn sáu con chim sẻ. Phòng lớn, sẻ lại nhiều hơn, bắt được chúng không phải dễ. Nhưng nhờ được Tiểu-long-Nữ chỉ cách bắt có qui củ và truyền thụ thuật khinh công nên sau chín ngày tập luyện, Dương-Qua đã bắt được trọn sáu con sẻ.
Cứ như thế tiếp tục, những phòng sau càng rộng hơn, số chim lại tăng thêm nữa, cuối cùng đến nhà đại sảnh, số chim sẻ tăng đến 81 con.
Ngày bắt sẻ, đêm nằm luyện công trên hàn thạch, sắc diện của Dương-Qua có mòi hưng vượng thêm, da mặt hồng hào, sức lực tăng tiến rõ rệt. Ba tháng sau nó đã bắt luôn một lúc cả 81 con sẻ.
Thấy nó tập luyện tiến bộ nhiều, Tiểu-long-Nữ mừng rỡ lắm. Một ngày kia nàng bảo:
– Hôm nay chúng ta xuất mộ tìm bắt nữa.
Suốt ba tháng liền cầm chân trong Mộ đài, nay được đi ra ngoài thật không có gì đáng mừng hơn nữa, nên Dương-Qua cuống quít vâng dạ luôn mồm.
Tiểu-long-Nữ bảo:
– Có gì mà cuống quít như thế! Lối tập luyện này không thể vội vàng hấp tấp được. Phải làm thế nào cho cả 81 con sẻ không bay thoát được.
Nói xong nàng bắt cả 81 con nhốt vào một cái túi xách đi ra khỏi Mộ đài.
Lúc này đã bước qua thượng tuần tháng ba, khí trời mát mẻ, cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc đầy nhựa sống. Hoa rừng nở khắp nơi, bướm lượn từng đoàn, phơi màu sắc rực rỡ tưng bừng.
Nhìn cảnh vật ngày cuối xuân, ngửi mùi hoa rừng ngào ngạt, Dương-Qua cảm thấy cõi lòng rạo rực như một luồng sinh khí mới chạy khắp huyết quản, tâm hồn thơ thới hân hoan.
Tiểu-long-Nữ tháo dây cột túi vải cho bầy sẻ cất cánh tung bay. Nàng lấy tay gạn giúp chúng bay ra từng đàn theo thứ lớp khỏi xô đẩy nhau. Vừa được tự do, 81 con sẻ mặc tình vỗ cánh bay tứ hướng.
Nhưng nàng vận khí chuyển nơi tay, dang rộng hai tay một vòng lưới bủa. Lạ thay, cả 81 con sẻ hình như bị một lực gì bao phủ không thoát đi xa được, chỉ quanh quẩn quanh nàng chừng non một thước.
Đoạn nàng vung tay xoay múa một hồi, chưởng lực từ ngón tay chuyển đi chia thành 81 luồng điện lực cho 81 con chim, hút chúng lại gần, không con nào chạy thoát. Nàng túm từng con bỏ vào túi.
Dương-Qua trân trối nhìn, lòng lạ lùng say mê vừa nể vừa kinh ngạc.
Nó muốn hỏi, nhưng bỗng nghĩ bụng “cô nương đã dạy ta luyện công tập võ, ta cần chú tâm theo dõi để ghi lòng tạc dạ từng cử chỉ, từng điệu bộ để thấm nhuần mà tập luyện.
Nó chăm chú ngưng thần theo dõi từ lối vận chuyển xuất động nội công từ động tác một, thật là phân minh rành mạch vô cùng linh động, kỳ diệu.
Nhờ khiếu thông minh thiên phú, nó hiểu rõ rành và ghi nhớ nằm lòng để sau tập lại.
Giữ chúng một chập, nàng thu hồi dưỡng lực, phóng tay cho chúng được tự do như mở trói, 81 con chim sẻ được tự do vỗ cánh tung trời bay bổng.
Nhưng nàng múa hai vạt áo, gây thành sức gió, hút cả ầy chim sẻ cách rơi xuống đất, chim kêu chíp chíp rối rít. Mãi một chập sau chúng mới bay trở lại được.
Dương-Qua vô cùng thán phục bản lĩnh cực kỳ siêu việt và lối tập luyện kỳ lạ của nàng, kéo vạt áo Tiểu-long-Nữ và nói:
– Cô nương, tôi thấy bác Quách-Tỉnh còn kém cô nương xa, vì bác ấy không có lối luyện công này.
Nàng mỉm cười nhìn thẳng vào mắt nó ôn tồn nói:
– Lối xuất nội công này gọi là “Thiên la địa võng thế”, một bài nhập môn của phía Cổ-mộ đài của chúng ta đó. Mi cố sức mà luyện tập cho được nhé.
Nàng tuần tự chỉ vẽ cho nó từng cách tập, biết từng đường xuất nhân điện lực tích tụ ở đơn điền ra ngón tay, cả thảy 10 đường, mỗi đường có một động tác khác nhau.
Sau đó, liên tiếp mười ngày trọn, Dương-Qua lần lượt học hết một bài thế “Thiên la địa võng”.
Tiểu-long-Nữ khi thấy Dương-Qua tập luyện đã thuần thục, nàng đưa ra một con sẻ và tập cho Dương-Qua biết cách dùng điện lực kìm chế không cho nó bay thoát, nàng dạy cách điện dụng đúng phép, chuyển ra đầu ngón tay để cho chim không bay, không nhúc nhích được. Lúc đầu Dương-Qua giữ được một giây, nhưng vì yếu sức, sơ hở, chim sẻ thừa cơ đã bay mất. Tiểu-long-Nữ dùng phép xuất nội công ra bắt trở lại.
Ngày ngày lần lượt trôi qua, việc tập luyện vẫn được tiếp tục. Dương-Qua luyện nội công đến lối vận dụng ra ngoài thành chưởng lực, không kể sớm tối, ngày đêm, gió mưa, nóng rét.
Qua hạ sang xuân, thấm thoắt Dương-Qua đã lớn như thổi. Từ một chú bé nay đã thành một thiếu niên, thân hình vạm vỡ, tiếng nói sang sảng, gương mặt đẹp thanh tú, không còn giống ngày nào trong Cổ Mộ đài.

Nhờ sự tập luyện đúng cách, sức khỏe dồi dào, lối đi đứng vững vàng, da đỏ hồng hào, hơn nữa một phần nhờ thiên tư đĩnh ngộ và Tiểu-long-Nữ tận tình dạy bảo nên bản lĩnh tăng tiến rất mau.
Cuối thu, dượt tập thuần thục các thế “Thiên la địa võng”, chưởng pháp của Dương-Qua trở nên thâm hậu vững vàng, phát xuất mau lẹ, có thể sử dụng kìm chế được 81 con chim sẻ, mặc dầu đôi lúc sơ hở vẫn còn để một vài con bay thoát.
Một buổi sáng, Tiểu-long-Nữ bảo Dương-Qua:
– Đến nay chưởng lực và nội công của mi đã tiến bộ nhiều. So với nhiều người trong giới võ lâm, chưa chắc mấy ai đối địch nổi. Bây giờ mi hãy tìm tên đạo sĩ mập ngày nọ khiêu khích hắn đấu một trận xem thử sức lực ra sao.
Nghe nói, Dương-Qua như cởi mở tấm lòng, tự thấy như lớn hơn trước nhiều. Nó hân hoan hỏi:
– Thưa cô nương, có phải cô nương muốn tôi đấu với tên Triệu-chí-Kính hay không?
Vốn biết rõ Triệu-chí-Kính là một cao thủ có hạng, thuộc hàng đệ tam đệ tứ của Toàn-Chân phái, đã từng nổi tiếng trên giang hồ, so với hắn tài nghệ của Dương-Qua còn thua kém xa, nên nàng lặng yên không trả lời.
Thấy Tiểu-long-Nữ làm thinh không đáp, Dương-Qua biết ý vội hỏi:
– Thưa cô nương, tôi chắc chưa đủ sức đấu với hắn. Thôi tôi cố gắng luyện tập ít năm nữa chẳng muộn gì. Chừng nào võ nghệ vượt được hắn sẽ tính sau. Thưa cô nương võ nghệ của phái Cổ Mộ đài tài hơn hẳn bên Toàn-Chân nhiều phải không?
Tiểu-long-Nữ đưa mắt nhìn tấm đá gắn trên nóc nhà có khắc chữ và nói:
– Lời nói tiên tri khắc trên đá này cho biết ta và mi có thể tin nhau được. Trước đây ta có đấu với lão đạo sĩ họ Khưu bên Toàn-Chân thì quả võ nghệ ta còn kém hắn. Nhưng như thế đâu phải là phái ta thua môn phái Toàn-Chân. Chẳng qua vì ta chưa luyện được đến chỗ tuyệt diệu của võ thuật Cổ-Mộ đài. Nghe Tiểu-long-Nữ bảo Khưu-xứ-Cơ hơn nàng; Dương-Qua không được hài lòng vội hỏi tiếp:
– Thưa cô nương chỗ tuyệt diệu ấy là gì cô đã bắt đầu tập chưa và đã đến mức nào rồi?
– Bây giờ mi đã nhận ta là thầy trước bàn thờ Tổ sư phu nhân thì ta cũng có thể kể cho mi nghe một ít lai lịch về người. Tổ sư vốn họ Lâm tên gọi Triều-Anh đã nổi danh trên võ lâm nên cách bảy mươi năm về trước giới giang hồ đã có câu:
Nam Lâm Bắc Vương
Bà lại hơn ông
Nam-Lâm tức là tổ sư phu nhân của ta quê ở Quảng-Tây, Bắc-Vương là Vương-trùng-Dương quê ở Sơn-Đông.
Trong thời bấy giờ hai vị là người giỏi nhất trong hạng võ nghệ cao cường, khó mà phân biệt ai hơn ai kém. Sau này vì phải lo khởi nghĩa đánh giặc Kim nên Vương-trùng-Dương phải gác việc tập luyện để lo việc nước. Trong lúc đó tổ sư phu nhân vẫn tiếp tục trau dồi bản lĩnh. Như thế đương nhiên phải vượt hẳn Vương-trùng-Dương một bực, nghĩa là bà đã thắng ông.
Sau này vì thất bại trong việc lớn, Vương-trùng-Dương phẫn chí lui về trong Cổ Mộ này để trau dồi lại võ nghệ.
Khi ấy tổ sư phu nhân lại xuất bước giang hồ làm việc nghĩa và có dụng ý chờ đợi Vương-trùng-Dương hạ sơn lần nữa. Một thời gian dài trôi qua hai người không hề gặp nhau. Sau đó không hiểu vì một lẽ gì bất hòa cả hai đánh cá với nhau và đấu võ. Vương-trùng-Dương thua nên nhường Cổ-Mộ đài cho phu nhân. Ta sẽ đưa mi đi coi để thấy các di tích của hai vị tiền bối ấy.
Tất cả các nơi trong Cổ-Mộ đài đều kiến trúc bằng đá. Không hiểu các vị đã dùng cách nào xây dựng nên.
Ngay sau đó, Tiểu-long-Nữ dẫn Dương-Qua đến một căn nhà kiến trúc thật lạ lùng. Bên ngoài hẹp, bên trong rộng hình như cái thang, phía đông có một khoảnh hình bán nguyệt và phía tây một khoảnh hình tam giác.
Thấy lạ lùng quá, Dương-Qua hỏi:
– Thưa cô nương, tại đây kiến trúc sao kỳ lạ thế này?
Tiểu-long-Nữ đáp:
– Chính đây là nơi Vương-trùng-Dương dùng để luyện võ. Phía trước hẹp để xuất chưởng lực tập trung, phía sau rộng để sử dụng quyền thuật, bên khoảnh tròn để sử dụng bát xà mâu. Dương-Qua chạy tung tăng khắp nơi nhìn kỹ và nhận thấy đây quả là một cung đài vừa sâu vừa cao. Nhưng Tiểu-long-Nữ đưa tay trở lên trên mà bảo rằng:
– Nơi đây thể hiện tất cả những cái tinh túy ảo diệu nhất của võ nghệ mà Vương-trùng-Dương đã ghi chép.
Nhìn theo ngón tay của Tiểu-long-Nữ, Dương-Qua nhận thấy có khắc sâu vào đá những nét ngòng ngoèo như chữ bùa hay hình chữ cổ tự, chỗ sâu chỗ cạn, nét nào cũng rõ ràng tinh xảo, diễn tả sự linh động của sự kỳ diệu tinh vi.
Bước qua một bên, Tiểu-long-Nữ khép một cánh cung thì thấy một cánh cửa đá từ từ mở rộng. Nàng đốt một cây đèn cầy soi đường và nắm tay Dương-Qua dắt vào.
ở đây cũng có một căn phòng nữa bằng phòng bên kia, xây toàn bằng đá, phía trước rộng, phía Tây tròn và phía Đông hình ba góc.
Nhìn kỹ trên nóc đá, Dương-Qua cũng trông thấy những nét chữ và dấu hiệu khắc sâu diễn tả những phù chú và có nơi chạm hình người.
Tiểu-long-Nữ nói:
– Chốn này thì chép lại tất cả những linh diệu kỳ ảo của vũ thuật của tổ sư phu nhân.
Xưa kia Tổ sư phu nhân chiếm lại tòa Cổ-Mộ của Vương-trùng-Dương không phải vì tài nghệ mà nhờ xảo kế. Thật ra bản lãnh của người so với Vương-trùng-Dương vẫn còn thua sút. Nhưng suốt bao nhiêu năm sống ẩn dật tại đây, người đã khổ tâm nghiên cứu tất cả những tinh diệu đã học phối hợp với võ nghệ của Vương-trùng-Dương rồi sáng chế ra được một pho võ công hết sức tinh vi. Tất cả nhưng thế độc đáo của người đều có ghi khắc vào đây để lưu hậu thế.
Nghe nàng kể, Dương-Qua vừa mừng vừa kỳ lạ, nên khi Tiểu-long-Nữ dứt lời nói đã nói ngay:
– Thưa cô nương, như vậy thật là lạ lùng đáng phục thật. Bọn Khưu-xứ-Cơ, Xích-đại-Thông và bọn bên phái Toàn-Chân dẫu có tài giỏi bất quá cũng như Vương-trùng-Dương là cùng. Pho võ công này tổ sư phu nhân đã dùng cả võ thuật của hai người chế biến thêm ra thì quả đã đều một mức cao diệu hơn rồi. Nếu cô nương luyện xong các ngón này, chắc chắn sẽ thắng được bọn họ dễ dàng như bỡn.
Tiểu-long-Nữ nói:
– Đúng đấy, nhưng chỉ tiếc ta không có người phụ giúp.
Dương-Qua đáp ngay:
– Tôi xin lãnh phần ấy.
Tiểu-long-Nữ điềm tĩnh nhìn nó rồi bảo:
– Mi không làm được việc ấy đâu.
Dương-Qua cụt hứng và bẽn lẽn đỏ mặt làm thinh nhìn nơi khác.
Tiểu-long-Nữ giải thích thêm:
– Môn võ thuật nầy Tổ sư phu nhân đặt tên là “Ngọc-Nữ Tâm-Kinh”. Luyện môn nầy cần phải có hai người để hòa hợp công lực và phù trợ lẫn nhau mới có kết quả. Xưa kia Tổ sư phu nhân đã có dạy cho ta với một người nữa gần đến mức thành công.
Dương-Qua bỗng nghĩ được một cách để chữa thẹn và để tâng bốc Tiểu-long-Nữ:
– Tôi là học trò của cô, chắc có thể luyện với cô được chứ?
Tiểu-long-Nữ trầm ngâm một chập đoạn đáp nho nhỏ:
– Cũng được, để ta thử xem đã. Bây giờ mi cần luyện cho biết tất cả các môn võ công của môn phái cho thành thuộc để gây của một nền tảng căn bản vững chắc, sau đó mới học đến các ngón võ Toàn-Chân phái. Khi ta nhận thấy có đủ điều kiện sẽ cho luyện “Ngọc-nữ Tâm-kinh”.
Từ đó trở đi, ngày ngày Tiểu-long-Nữ truyền thụ cho Dương-Qua tất cả các môn quyền thuật, chưởng thuật, cách sử dụng đủ loại binh khí, ám khí của Cổ Mộ đài.
Một năm trôi qua, nàng tận tình dạy bảo từ lý thuyết đến thực hành. Thời gian tuy ngắn, nhưng nhờ đêm đêm Dương-Qua luyện nội công trên giường hàn thạch, mức tiến bộ nhanh chóng lạ thường, hơn nữa vốn nhờ bản chất thông minh lanh lợi, nghe ít hiểu nhiều, nên bản lãnh cũng có thể ngang với người thường khổ luyện năm bảy năm.
Võ nghệ của phái Cổ-Mộ đài đã bốn đời truyền thụ, từ người sáng lập cho đến các đệ tử nối tiếp đều là đàn bà, cho nên bản chất nặng về phụ nữ, mềm yếu linh động, ẻo lả, tuy đẹp mắt nhưng thiếu tính chất sâu sắc, cường dũng. Dương-Qua bình sinh phù táo, khinh động nên rất hợp với môn pháp này.

Thời gian qua, Tiểu-long-Nữ ngày càng lớn thêm, càng đẹp, mỹ miều. Nhan sắc nàng càng lộng lẫy, duyên dáng, từ thân mình tuyệt mỹ do công phu khổ luyện, đến nước da trắng mịn như tuyết khuôn mặt sáng rỡ, đôi mắt đen láy, đẹp vô ngần.
Năm ấy, Dương-Qua cũng được 16 tuổi, nó đã thành một thiếu niên đẹp trai, thân hình cân đối, bề cao đã bằng sư phụ rồi? Tuy nhiên Tiểu-long-Nữ xem nó như con nít, nên không e ngại gì về vấn đề nam nữ gần nhau.
Hai thầy trò chung sống với nhau, ngày càng thắm thiết. Tiểu-long-Nữ thương mến tánh ngoan ngoãn, khéo léo và siêng năng của Dương-Qua. Đối với sư phụ, Dương-Qua luôn luôn tỏ lòng kính mến, trọng vọng không bao giờ làm trái ý thầy.
Dương-Qua còn khéo léo tìm hiểu tánh ý của thầy để chiều chuộng. Gặp việc gì Tiểu-long-Nữ không bằng lòng thì dù có muốn hết sức nó cũng không dám nói ra lời, lắm khi còn tìm lời biện bác bào chữa bênh vực quan niệm của nàng nữa.
Vốn có bản chất lãnh đạm từ ngày tấm bé, Tiểu-long-Nữ lúc nào cũng có vẻ lạnh lùng, ít khi để ý hay bàn cãi nhiều. Mỗi khi nghe Dương-Qua bàn luận nàng thường làm thinh. Đã từng quen với tánh ý ấy rồi, nên Dương-Qua không còn nhận thấy nữa, vì vậy nên trong sự giao thiệp hàng ngày không hề có sự bất mãn hay phiền lòng.
Một ngày kia Tiểu-long-Nữ bảo Dương-Qua:
– Đến nay mi đã học hết môn võ của phái Cổ Mộ đài, mai đây ta sẽ luyện cho mi các môn võ của phái Toàn-Chân.
Qua nhiều ngày sau, Tiểu-long-Nữ cứ dựa theo các dấu hiệu chỉ dẫn trên phiến đá để giảng dạy cho Dương-Qua. Nhưng phù chú văn tự, hình vẽ kỳ lạ đều do Vương-trùng-Dương dùng mũi kiếm khắc sâu vào đá trên xà nhà.
Lâm triều Anh và Vương-trùng-Dương vốn là hai bạn chí thân đã từng am thạo vũ thuật bản lãnh của nhau.
Võ thuật của Vương-trùng-Dương đã cao siêu rồi. Lâm-triều-Anh còn dùng nó để biến chế thêm nữa, cao siêu hơn, và thích hợp với bản chất của phụ nữ hơn. Triều-Anh tự luyện thật tinh thục, truyền lại cho A-Hoàn. A-Hoàn truyền lại cho Tiểu-long-Nữ và ngày nay Tiểu-long-Nữ truyền đến Dương-Qua.
Trong mấy ngày đầu, Dương-Qua tập thấy tiến bộ lạ thường, bởi vì nó có căn bản sẵn, khi nghe nói đã lãnh hội được ngay. Nhưng từ mười ngày sau nó không thấy tiến nữa mà càng tập càng lùi là khác. Càng luyện nó càng cảm thấy toàn thân rung động, tay chân hình như bị giảm bớt năng lực.
Sự thay đổi kỳ lạ đột ngột này làm cho Tiểu-long-Nữ hết sức ngạc nhiên. Nàng suy nghĩ, cố tìm ra nguyên nhân vì sao có hiện tượng này.
Dương-Qua thì buồn vô cùng nhưng không dám hé môi.
Sau một thời gian suy nghiệm, Tiểu-long-Nữ đã tìm ra nguyên nhân của sự trở ngại này nên nàng bảo Dương-Qua:
– Thôi đừng buồn phiền làm gì nữa. Ta đã hiểu nguyên nhân này rồi. Bây giờ ta cứ đi tìm cho được một tên đạo sĩ bên phái Toàn-Chân rồi buộc hắn phải truyền dạy cho mi những khẩu quyết nhập môn của phái này, như thế là vừa xong chứ có khó gì đâu. Thôi chúng ta đi ngay bây giờ thì vừa.
Lời nói của Tiểu-long-Nữ làm cho Dương-Qua bỗng sực nhớ lại những khẩu quyết do Triệu-chí-Kính đã buộc nó học thuộc lòng:
“Phải sử dụng cân lực dần dần”, ở đoạn giữa lại có nói:
“Sức mạnh không phải do đâu đưa đến mà chỉ do tứ nội tại con người phát sanh ra.
“Vận dụng tâm lực mà để tâm rung động, thì chẳng khác nào thu vào tay này mà dùng tay khác vứt đi, lực lượng tự nhiên xuất mà không biết nữa. Như nước triều chảy, như sấm rung động, là những điểm thuyết yếu. Như đi thuyền trên sóng, phải chầm chậm vậy.
Thêm đoạn sau có nói:
“Phép luyện căn cứ ở quẻ Dịch. Dịch là biến động, thay đổi mãi mãi. Thay đổi có thể dùng sang lực bên trong phù trợ bên ngoài cho nên gân có thể cứng rắn như sắt vậy”.
Tiểu-long-Nữ nghiêng tai chú ý nghe đọc, suy nghĩ một chập và nói:
– Thôi được rồi! Trước kia tiên sư có dạy ta tập luyện được nửa chừng rồi bỏ dở, nguyên nhân cũng vì thiếu căn bản nhập môn. Khi học đến đoạn giữa của môn phái Toàn-Chân bỗng dừng lại không tiến được nữa. Rất tiếc lúc đó phu nhân đã qua đời nhưng không thể hỏi han tập thêm tới nơi tới chốn. Phàm không học được từ đầu khẩu quyết chân truyền của một môn phái không làm sao đoạt được đến mức thành công mỹ mãn. Tiên sư vốn giàu lòng tự ái, người nhất định bác bỏ ý kiến của ta muốn yêu cầu cho qua bên Trùng-Dương cung học các khẩu quyết nhập môn của phái này. Ngày nay mi học cũng khá nhiều nhưng vẫn chưa đầy đủ để luyện tập.
Dương-Qua cố nhớ lại hết tất cả khẩu quyết do Triệu-chí-Kính đã truyền dạy và đọc cho nàng nghe thêm. Những khẩu quyết này nó học như vẹt chứ chưa bao giờ được thực hành luyện tập.
Nhưng đối với Tiểu-long-Nữ nhờ có bản lãnh, nên sau một hồi suy nghĩ nàng đã quán thông được ý lý, phối hợp đối chiếu với lý thuyết đã được Tần-nam-Cầm đã dạy, tức cũng là pháp huyền môn mà Mã-Ngọc đã chân truyền cho người khác.
Nghiên cứu hai sự hiểu biết này trong vòng mấy tháng, Tiểu-long-Nữ và Dương-Qua đã thấu triệt được tất cả những gì do Vương-trùng-Dương đã ghi khắc trên nền đá kia.
Một ngày kia, sau khi hai người đang tập luyện kiếm thuật trong căn nhà đá, Tiểu-long-Nữ bỗng dừng kiếm, buồn rầu nói với Dương-Qua:
– Mấy lúc này ta mắc phải một khuyết điểm lớn là tự phụ, xem thường võ thuật của phái Toàn-Chân. Ngày nay phái này đã nổi danh đệ nhất thiên hạ, lại một chân truyền chính cống, đáng kể là đệ nhất võ lâm. Thật ra bấy giờ ta mới nhận thấy võ thuật Toàn-Chân thật kỳ ảo, biến hóa vô cùng, càng luyện càng thấy tinh vi huyền diệu.
Mặc dầu ta đã tìm hiểu được các căn bệnh kỳ yếu, nhưng về mặt tập luyện thực hành làm sao cho tay chân theo kịp sự hiểu biết của óc não, hễ tâm động thì tay cứng, sức lực tự nhiên phát ra, chẳng biết còn phải bao nhiêu năm tháng nữa mới thành công được.
Vốn còn non như con nghé đâu biết sợ oai cọp, Dương-Qua đáp:
– Thưa cô nương, võ thuật Toàn-Chân tuy cao siêu, nhưng Tổ sư phu nhân đã nghiên cứu kỹ, biến chế hết những cái tinh túy, tìm cách khắc chế nó rồi, ta chỉ theo đó mà luyện tập cũng như bước theo một kẻ dẫn đường, chắc chắn một thời gian ngắn cũng đoạn kết quả mong muốn. Như thế dù võ thuật Toàn-Chân có cao cũng không vượt nổi võ thuật của Tổ sư ta.
Tiểu-long-Nữ nói:
– Kể từ ngày mai ta cần luyện lại “Ngọc-nữ Tâm-knh” đi thôi.
Ngày hôm sau, hai người đưa nhau đến gian phòng đá thứ hai, theo các dấu hiệu phù chú ghi khắc sẵn để tự luyện.
Môn pháp này có phần dễ dàng hơn pháp môn Toàn-Chân phái nhiều. Sở dĩ trước kia Lâm-triều-Anh sáng chế môn nầy để khắc phục võ thuật Toàn-Chân của Vương-trùng-Dương, căn cứ vào pháp môn của mình, biến đổi thêm phần tinh diệu nữa, cho nên cả hai có căn bản hiểu rõ võ thuật của đôi bên rồi, nên học rất dễ.
Sau một thời gian học hết các khẩu quyết, thực hành xong “Ngọc-nữ Tâm-kinh” pháp môn đến mức có thể sử dụng phát huy ngoại công được rồi, hai người cùng nhau đấu dượt. Có khi Dương-Qua dùng kiếm pháp Toàn-Chân đấu với Tiểu-long-Nữ sử dụng Ngọc-nữ kiếm pháp. Cũng có khi Tiểu-long-Nữ dùng kiếm pháp Toàn-Chân khắc chế Ngọc-nữ kiếm pháp do Dương-Qua sử dụng. Nhưng bất cứ trong trường hợp nào Ngọc-nữ kiếm pháp vẫn thấy trội hơn và có thể khắc phục rất hiệu quả từng thế một của võ thuật Toàn-Chân phái, mặc dầu được người sử dụng linh hoạt tài tình đến đâu cũng vậy. Ngoại công tập xong, tiếp đến luyện nội công. Môn nội công của Toàn-Chân cũng đã huyền diệu không lường. Muốn sáng chế ra một môn khác biệt nữa đâu phải chuyện dễ. Tuy nhiên với một ý chí mạnh mẽ muốn tiến bộ vượt bực hơn người, Lâm-triều-Anh đã vận dụng tất cả học lực, kinh nghiệm sẵn có, đồng thời sử dụng lối luyện công trên giường hàn thạch, nên đã khai ra một môn mới riêng biệt. Phép luyện công trên giường hàn thạch của bà tuy rất khó nhọc đòi hỏi cả một sự quyết tâm, chịu đựng kiên trì, nhưng lúc đã có theo học được thì mức tiến bộ thực phi thường. Khổ luyện trong một thời gian, nhưng kết quả vượt hẳn bên Toàn-Chân phái.
Sau khi nhìn một đoạn chữ khắc trên nóc nhà, Tiểu-long-Nữ bỗng thở dài rồi lặng thinh chỉ lắc đầu không nói gì nữa. Liên tiếp mấy ngày sau nàng cũng chỉ giữ một thái độ yên lặng và sau cùng vẫn lắc đầu rồi thở dài mấy cái.
Dương-Qua e ngại hỏi:
– Thưa cô nương, đoạn này khó tập lắm sao?
Tiểu-long-Nữ nhìn Dương-Qua một chập rồi điềm nhiên nói:
– Trước kia nghe sư phụ dạy ta phép “Ngọc-nữ Tâm-kinh” này phải có hai người cùng luyện tập một lúc. Ta những tưởng có thể cùng tập với mi nhưng đến nay mới biết không thể được.
Dương-Qua hết sức kinh ngạc vội hỏi:
– Tại sao vậy hở cô nương?
Tiểu-long-Nữ ngập ngừng một chập rồi nói:
– Nếu mi là gái thì mới được.
Dương-Qua ngẩn ngơ một chập rồi hỏi liến thoắng:
– Sao lại có việc phân biệt nam và nữ như thế? Hễ có đủ sức lực và có ý chí thì trai hay gái cũng có thể tập luyện được chứ.
Tiểu-long-Nữ lắc đầu không đáp, một chập sau mới nói:
– Không thể khác giống được. Mi cứ nhìn trên những nóc nhà thì tức khắc hiểu.
Dương-Qua nhìn theo tay nàng chỉ, thấy trên mặt đá có những hình người khắc bằng mũi kiếm, cả thảy chừng mười người, mỗi người một kiểu, toàn là đàn bà lõa thể không mặc y phục. Bấy giờ Dương-Qua mới hiểu:
– Thưa cô trong lúc luyện nội công “Ngọc nữ Tâm kinh” không thể mặc y phục phải không?
Tiểu-long-Nữ đáp đúng như thế và lời ghi chú cũng có dạy rõ như sau:
Khi luyện nội công sức nóng trong người bốc ra cần phải để cho nó tản thoát hết đi. Vì vậy lúc tập phải tìm nơi khoáng đãng, không có người và không mặc quần áo. Nếu không, nhiệt khí uất tích sẽ nhiễm vào trong, nếu ít thì lâm trọng bệnh, nếu nhiều thì có thể chết”.
Dương-Qua thản nhiên nói:
– Như thế thì ta không mặc quần áo tập luyện chứ sao. Tiểu-long-Nữ mắc cỡ đỏ mặt, nói:
– Khi tập luyện phải truyền khí lực cho nhau, ta với mi nam nữ cách biệt, nếu không mặc quần áo ở trước mặt nhau thì còn ra thể thống gì nữa.
Phàm trai mười sáu gái mười ba là đến tuổi dậy thì, cần phải giữ gìn khi tiếp xúc giao thiệp. Dương-Qua đã mười sáu tuổi rồi nhưng bản chất hồn nhiên, nó chưa hề biết gì về tình ái và chưa để ý đến vấn đề nam nữ. Thấy sư phụ nó đẹp đẽ tuyệt vời nó càng thấy vui mừng thích thú. Nó cũng nhận nếu nữ sư phụ và nó cùng lõa thể trong lúc tập luyện thì có sự bất tiện, nhưng vì lẽ cũng không hề để ý và chưa biết giải thích ra sao.
Về phần Tiểu-long-Nữ tuy đã hai mươi hai tuổi đầu nhưng từ bé đến giờ sống trong Cổ Mộ đài, cuộc đời riêng biệt không hề tiếp xúc với người ngoài nên đối với Dương-Qua càng ngây ngô hơn nữa. Ngoài ra vì cần phải tu tâm khổ luyện nên vấn đề tình dục và nam nữ càng không hề có một ý thức gì. Hai thầy trò tuy là nam nữ thanh niên chung sống với nhau tại chốn hoang vu vắng vẻ, sớm hôm gặp gỡ nhưng rất tự nhiên và lúc nào cũng đối xử với nhau không hề có ý thức gì vượt ngoài vòng lễ nghi. Hôm nay khi đề cập tới việc lõa thân để tập luyện nội công, họ cảm thấy có điều gì chướng và khó chịu. Nhưng chỉ có thể thôi chớ không hề có ý nghĩ gì khác.
Tiểu-long-Nữ nói:
– Ta cần phải đào luyện môn nội công tinh thục hơn nữa. Nếu luyện thành thục cũng đủ sức đánh bại những tay cự phách nhất của phái Toàn-Chân. Vì vậy tưởng không cần luyện môn nội công này nữa.
Biết sư phụ không muốn tiếp tục luyện “Ngọc-nữ Tâm-kinh” nữa, nên Dương-Qua cũng thuận theo không hề đòi hỏi.
Một ngày kia sau khi tập luyện xong, Dương-Qua xuất Mộ săn bắn ít thú rừng về làm lương thực. Vừa bắn được một con nai rồi nó bỗng gặp một con thỏ lông đỏ, đầu đen, rất tinh khôn và nhảy mau lẹ. Lúc bấy giờ thuật khinh thân đã tiến một bực nhưng vẫn chưa lanh bằng thỏ. Nhưng vì tuổi trẻ nhiền anh hùng tính, Dương-Qua tự nhiên nảy ý nghĩ muốn đuổi bắt thỏ cho kỳ được, không dùng đến ám khí để sát hại. Nghĩ xong, nó vận dụng khinh thân đuổi thỏ chạy khắp rừng cố làm cho đuối sức rồi sẽ bắt. Cuộc đuổi bắt tiếp tục thỏ trước người sau, càng lâu càng đi xa. Khi đến gần chóp núi, con thỏ chạy ngoặc vào một cái miếu mọc đầy hoa hồng, rồi biệt tích tìm không ra. Dương-Qua chắc lưỡi thầm tiếc con thỏ đẹp đã uổng công trình quần đuổi nửa ngày ngày để sẩy mất.

Dương-Qua đứng ngẩn ngơ nhớ nhung chú thỏ và đưa mắt nhìn thấy cái miếu bề dài độ mười trượng, mùi hương bay lên ngào ngạt khắp xung quanh hoa hồng mọc bao phủ từng lớp, hết lớp này đến lớp khác, những cánh hoa vừa thơm vừa đẹp, mơn mởn nằm trên thảm lá xanh tươi, chẳng khác nào một nhà kết hoa, càng trông càng tuyệt vời.
Dương-Qua thích quá lại gần quan sát, đưa tay ngắt một mớ hoa hồng, định mang về tặng Tiểu-long-Nữ.
Nhưng khi về khoe với Tiểu-long-Nữ, nàng thản nhiên bảo:
– Ta không ưa hoa, mi giữ lấy mà chơi.
Dương-Qua tiu nghỉu một chập nhưng bỗng sực nhớ một điều, vội nói:
– Tôi không có chủ định hái hoa về cho cô nương, nhưng muốn điềm chỉ cho một chỗ rất thích hợp để luyện nội công Ngọc-nữ Tâm-kinh. Nơi miếu này hoàn toàn hoang vu vắng vẻ, hoa hồng bao phủ tứ bề, ở cách nhau vài thước không trông thấy. Dù phải lõa thể theo điều kiện bắt buộc cũng tiện không ai trông thấy. Khi nàng luyện tập tôi sẽ ở đàng cuối miếu canh phòng cho nàng, cũng như nàng sẽ coi chừng hộ khi tôi luyện tập.
Phàm phép luyện nội công lúc nào cũng phải lặng lòng không gợn một chút lo nghĩ xao xuyến, tâm tư hết sức bình thản để dốc vào sự tập nội tâm, gạt bỏ tất cả những gì thuộc ngoại cảnh, không được để ý đến điều mắt thấy tai nghe.
Khi đang tập luyện, nếu có ai phá rối, hay địch tấn công thì hết sức nguy hiểm, đã làm hỏng mất cả phép nội công mà còn có thể mất mạng như chơi. Vì vậy lúc tập cần có người canh giữ, đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.
Xưa kia Hoàng-Dung tập nội công bị tả công khí xâm nhập, Quách-Tỉnh đứng canh phòng, trời đang mưa lớn, mẹ của Dương-Qua là Tần-nam-Cầm, lúc còn là gái tân phải cắm dù che mưa, không dám đưa vào nhà dụt vì tránh giật mình trong lúc tham thiền nhập định dễ gây nguy hại đến mạng sống của nàng.
Lúc tham thiền nhập định luyện công chẳng những phải có bản lĩnh cao mà còn phải có chí cương quyết giữ được tâm thần khỏi rung động và kỵ nhất là những sự náo động bất ngờ có thể xảy đến. Vì vậy nên yếu tố vắng vẻ của nơi luyện tập và cần người canh giữ cần thiết lắm.
Nghe Dương-Qua nói đến miếu nầy, Tiểu-long-Nữ nhận thấy có lẽ được, muốn quan sát lại.
Nàng liền xuất Mộ Đài, phi thân lên ngọn cây cao nhất đưa mắt nhìn vào hướng ấy, trông thấy tòa cổ miếu nằm khuất trong rặng hoa hồng tứ bề vắng lặng, tĩnh mịch, ngoài tiếng suối reo, gió thổi, chim kêu, không thấy một điều gì có thể làm xao động, thật là một nơi hết sức thuận lợi cho công cuộc luyện công.
Nàng nói với Dương-Qua:
– Ta rất đồng ý với mi. Vậy chiều nay, chúng ta cùng tới đó để luyện tập.
Nàng đã học thuộc lòng từ lâu tất cả khẩu quyết “Ngọc-nữ âm-kinh” nay đọc mấy câu cho Dương-Qua nhớ.
Vào khoảng canh hai, hai thầy trò đưa nhau đến miếu ấy tìm chỗ sân bằng phẳng kín đáo nhất để tập. Rừng khuya lặng lẽ, mọi vật lắng trong màn sương, cả tòa miếu chìm trong rặng hoa hồng mùi thơm ngào ngạt. Cả hai người ngồi cách nhau một đoạn, có thể nói chuyện được, nhưng không nhìn thấy nhau, cởi hết y phục để bắt đầu luyện tập.
Dương-Qua cố ý đánh dấu hướng ngồi của sư phụ đề phòng lúc bất trắc có thể vận nội công hỗ trợ lẫn nhau. Họ ngồi cách nhau độ hơn một sải tay.
Kể từ hôm ấy trở đi, cứ đêm đêm họ đưa nhau vào đấy tập luyện, ban ngày về Cổ-Mộ để nghỉ sức dưỡng thân.
Lúc bấy giờ đang giữa mùa hè, khí hậu oi bức, nên tập về đêm mát mẻ dễ chịu hơn.
Thời gian thấm thoát đã hơn hai tháng, Tiểu-long-Nữ đã luyện đến phần thứ bảy của chín đoạn phép Ngọc-nữ tâm-kinh.
Trong quy tài tập luyện số lẻ là “âm tiến”, số chẵn là “dương thoái”. Khi đó Dương-Qua cũng luyện đến phần thứ sáu.
Tối hôm ấy trời mát trăng song, giữa miếu hồng, hai người đang ngồi luyện tập, nhiệt khí trong người bốc ra ngùn ngụt, hòa lẫn mùi hoa thơm ngào ngạt. Trăng sáng vằng vặt vừa đứng đỉnh đầu, hai người sắp hoàn thành đoạn 6 và đoạn 7 của Ngọc-nữ tâm-kinh, thì bỗng đàng xa có tiếng chân bước dồn dập khua lá động xào xạt hướng về miếu hồng. Hai người vừa đi vừa nói chuyện lớn tiếng, làm náo động cả cảnh rừng đêm lặng lẽ. Họ vừa nói vừa đi, bước chân càng lúc càng gần.
Khi ấy Dương-Qua sắp hoàn thành đoạn chót của buổi tập, còn Tiểu-long-Nữ mới bước qua giai đoạn vận khí vào, tức là phần quan trọng nhất. Nàng đang tập trung hết tư tưởng vào việc tập luyện nên không nghe biết sự gì bên ngoài nữa.
Khi nghe có tiếng nói, Dương-Qua thất kinh vội vàng xả hết trọc khí ở đan điền thật hết để hoàn tất buổi tập, thì tiếng chân bước càng gần thêm, giọng người nói nghe rõ mồn một.
Dương-Qua lắng nghe đó là Triệu-chí-Kính và Doãn-chí-Bình đang cãi cọ lẫn nhau.
Triệu-chí-Kính nói:
– Thôi sư đệ chối cãi làm chi nữa, để ta trình lại Khưu-sư-bá xét định.
Doãn-chí-Bình giận dữ đáp:
– Anh cứ buộc tôi làm gì. Tôi thừa hiểu rồi, trong hàng ngũ các đệ tam đại, đệ tứ đại sau này, anh tưởng tôi không thể đoạt được hàng trưởng giáo chăng?
Triệu-chí-Kính cười mãi nói:
– Anh không giữ được quy tài, phạm giới cấm thì làm sao có đủ tư cách để thành người đứng đắn của các đại đệ tử nhóm này được.
– Tôi đã làm gì mà gọi là phạm giới cấm?
Triệu-chí-Kính nổi nóng quát lớn:
– Thôi đừng già mồm ngụy biện nữa. Ngươi há biết hết bổn giới trong luật của môn phái rồi sao? Ngươi đã phạm vào luật giới dâm nghe chưa?
Dương-Qua núp trong đám hoa hồng, vội ngẩng đầu lên dòm thấy hai người đang ngồi đối diện nhau. Dưới ánh trăng, sắc mặt của Doãn-chí-Bình tái mét, mắt trợn ngược, môi run run, hình như không kìm chế được nỗi bực tức.
Hắn cố dằn lòng hỏi tiếp:
– Ta phạm giới dâm chỗ nào?
Nói xong, hắn đưa tay nắm chuôi kiếm.
Triệu-chí-Kính liếc qua một cái và nói tiếp:
-Từ ngày gặp Tiểu-long-Nữ cô nương bên Hoạt-tử-Nhân Mộ-Đài, thì anh đã xiêu hồn thất phách, không lúc nào là không mơ tưởng đến hình bóng người đẹp. Đứng đâu cũng mơ tưởng được ôm ấp nàng vào lòng, nói với nàng những câu tình tứ nồng nàn. Như thế anh gọi là xứng đáng một kẻ chân tu, làm sao đủ tư cách điều khiển cả một hàng đại đệ tử được?
Đối với kẻ tu hành, hành động ấy không phải phạm giới dâm sao?
Dương-Qua lúc nào cũng tôn sùng sư phụ xem như một đấng thiêng liêng. Khi nghe Triệu-chí-Kính nói những lời ấy thì bực tức vô cùng. Tuy chưa hiểu rõ ý của các danh từ, nhưng suy nghiệm cũng đoán biết đó là những lời không chính đáng.
Vừa lúc đó nghe Doãn-chí-Bình dằn giọng hỏi lại:
– Thôi đừng ăn nói hồ đồ nữa? Anh có bằng chứng gì để nhận xét và quả quyết được như thế?
Triệu-chí-Kính cười nhạt nói:
– Tôi làm sao nhìn thấy lòng anh được. Sở dĩ tôi quả quyết như vậy là gì những bằng cớ. Khi mơ tưởng đến Tiểu-long-Nữ, anh đã viết tên nàng trên giấy, trong lúc ngủ mê anh đã gọi tên nàng. Đây có phải bút tích của anh không?
Nói xong hắn thò tay vào túi rút ra một mảnh giấy đưa trước mặt Doãn-chí-Bình vừa nói tiếp:
– Tôi sẽ trình giấy nầy lên Khưu-sư thúc, người phụ trách dạy dỗ anh và đồng thời cũng trình lên Mã-Ngọc sư bá để hai vị nhận xét việc làm của anh.
Không chị nổi nữa, Doãn-chí-Bình rút kiếm đâm vào người Triệu-chí-Kính.
Triệu-chí-Kính nghiêng người tránh khỏi đường kiếm, rồi cười ha hả:
– Anh tưởng anh giết tôi để phi tang, vì tôi không còn sống để phát giác tội lỗi của anh phải không? Đâu có dễ dàng như vậy.
Nói xong hắn bỏ mảnh giấy vào túi, lùi ra sau hai bước tránh luôn hai đường kiếm của Doãn-chí-Bình vừa phóng ra như gió.
Qua đường kiếm thứ tư, Triệu-chí-Kính cũng vung kiếm đấu lại. Dưới ánh trăng sáng như ban ngày, hai làn kiếm loang loáng, nhấp nháy như sao sa. Hai đạo hữu của Toàn-Chân phải kịch chiến cùng nhau trên sân hồng hoa miếu.
Vốn là hai cự phách của phái Toàn-Chân, thuộc hàng đệ tam đại đệ tử, một người đứng đầu nhóm đệ tử của Khưu-xứ-Cơ, một người đứng đầu nhóm đệ tử của Vương-xứ-Nhất, cho nên cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt.
Doãn-chí-Bình nghiến răng, mím môi đưa toàn lực đổ vào làn kiếm, liều chết chiến đấu. Triệu-chí-Kính bất đắc dĩ mới ra tay tự vệ, nhưng thỉnh thoảng thốt ra những lời khiêu khích chọc giận, làm Doãn-chí-Bình mất bình tĩnh, do đó đường kiếm bị giảm bớt phần hiệu lực.
Núp trong bụi hoa hồng, Dương-Qua chú mục theo dõi, hai tay cự phách của phái võ Toàn-Chân quyết đấu, từ bước tiến, thoái, đến các thế né, đỡ, đường kiếm biến hóa phi thường, ảo điệu vô cùng tận. Tuy không được thâm hậu, nhưng nó nhận thấy sự chỉ dạy của Tiểu-long-Nữ rất đúng phép.
Cả hai người quay cuồng xoắn với nhau giữa làn kiếm lấp lánh không ngừng. Doãn-chí-Bình càng tăng gia sức tấn công, còn Triệu-chí-Kính vẫn bình thản né đỡ và một chập sau cười nhạt nói rằng:
– Chúng ta đã hiểu nhau quá nhiều, các thế võ cùng giống nhau, đầu dánh nhau suốt đêm cũng không ích gì đâu. Anh nên bỏ ý định hạ sát tôi thì hơn.
Nói xong hắn cười ha hả. Doãn-chí-Bình càng bực tức gia tăng sức tấn công. Nhưng ngọn nào cũng bị hắn chặn được hoặc tránh né rất dễ dàng.
Hai người càng đấu càng xê dịch đến gần phía Tiểu-long-Nữ. Dương-Qua thất kinh hét lớn:
– Coi chừng! Hai tên đạo sĩ kia, nếu bây đến gần làm kinh động đến cô nương ta, sẽ mất mạng ngay, nghe chưa!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.