Thám Tử Sài Gòn

Chương 28: Lời nhắn ở hiện trường - Chương thử trí 3


Đọc truyện Thám Tử Sài Gòn – Chương 28: Lời nhắn ở hiện trường – Chương thử trí 3

Buổi lấy lời khai các nghi phạm tạm thời dừng lại. Đại uý Lương trong suốt quá trình hỏi cung không hề tham gia vào, chỉ ngồi chăm chú quan sát nhất cử nhất động của các nghi phạm, cho nên công việc chủ tọa và thư ký đều do điều tra viên Kỳ Nhân đảm nhiệm. Các công việc như thế từ khi chưa trở thành điều tra viên, thiếu uý Kỳ Nhân đều làm rất tốt. Cho nên hiện tại khi đã là một điều tra viên cấp thành phố, Kỳ Nhân cũng không gặp khó khăn gì.

– Cậu làm tốt lắm. – Đại uý Lương nói với Kỳ Nhân

Nghe qua thì cứ nghĩ rằng đó là một lời khen, nhưng thật ra thì có thể hiểu câu nói đó thế này “Cậu đã làm rất tốt những công việc mà trước nay cậu thường hay làm. Và đó cũng chỉ là những việc vặt vãnh mà tất cả các thành viên khác đều từng làm qua.”

Nói tóm lại, giống như khen một học sinh trung học vì giải được một bài toán tiểu học. Là một câu xã giao thừa thãi.

– Cậu hãy tổng kết lại những nghi can không có bằng chứng ngoại phạm xem. – Đại uý Lương yêu cầu Kỳ Nhân.

– Vâng thưa sếp. Vào thời điểm nạn nhân chết, tức là khoảng từ sau 6 giờ 30 đến trước 7 giờ chúng ta có 3 người không có chứng cứ ngoại phạm là người con trai lớn Lê Thanh Hoàn, em trai nạn nhân Lê Thanh Nam và cháu trai Lê Phước Viên. Còn về nghi can có khả năng để lại dấu dép theo như lời kể của người quản gia thì chỉ có duy nhất người con trai lớn thưa sếp. Nhưng cũng có thể đó là lời khai man do tay quản gia tự tung ra để làm lệch hướng điều tra.

– Vậy theo cậu trong vụ này ai là hung thủ?


– Thưa sếp, theo suy đoán của em có lẽ người con trai lớn chính là kẻ ra tay sát hại bố mình. Còn tay quản gia chính là đồng phạm đã giúp hung thủ xoá lời trăn trối của nạn nhân.

– Cậu bị ngốc à? Chẳng phải ông ta khai rằng nhìn thấy hàng dấu dép có ra mà không có vào sao? Chỉ có duy nhất người con trai lớn là làm được điều đó. Vậy lời khai của ổng không phải là lời khai của đồng phạm mà là lời khai tố cáo đấy. Làm sao mà cậu lại nghĩ rằng họ là đồng phạm của nhau được?

– Vậy có khả năng ông ta cho lời khai giả để buộc tội cậu chủ của mình?

– Cũng chưa chắc, vì trùng hợp là người con trai lớn ở một mình trong phòng nên không có bằng chứng ngoại phạm. Nếu trong khoảng thời gian trước đến sau khi cơn mưa tạnh, cậu ta đi gặp ai đó thì lời khai của người quản gia sẽ trở nên vô giá trị, nghĩa là ông ta sẽ trở thành nghi phạm hàng đầu vì đã cho lời khai giả.

– Hay vì ông ta biết rõ thói quen của người con trai lớn là luôn ở một mình vào sáng thứ bảy?

– Cho dù cậu ta thật sự có thói quen đó cũng không thể chắc rằng cậu ta ngủ suốt trong phòng. Việc cậu ta gọi video cho một ai khác cũng sẽ trở thành bằng chứng ngoại phạm.

– Vậy nghĩa là lời khai của người quản gia là thật? Nhưng nếu thế thì người con trai lớn chính là kẻ đã tạo ra hàng dấu dép. Vậy thì sẽ có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một là người con trai lớn chính là hung thủ, sau khi gây án xong anh ta ở lại hiện trường đến khi cơn mưa tạnh, điều này chắc chắn không thể xảy ra vì quá mạo hiểm. Vậy chỉ có thể là anh ta đã rời khỏi hiện trường trước đó rồi lại quay lại hiện trường và rời đi sau khi cơn mưa tạnh. Nhưng mà vì sao lại làm vậy? Là vì anh ta muốn xoá lời trăn trối của nạn nhân ư? Làm sao anh ta biết rằng nạn nhân sẽ để lại lời trăn trối? Rõ ràng là không thể biết được, cho nên anh ta không thể là hung thủ. – Điều tra viên Kỳ Nhân đưa ra những suy luận của mình trước người thượng cấp.

– Như thế có nghĩa là anh ta thuộc trường hợp thứ hai, một nhân chứng vô tình đến hiện trường. Nhưng tại sao khi nhìn thấy bố mình bị giết mà anh ta lại không báo cảnh sát? Tức là anh ta cũng không phải là nhân chứng. Vậy thì ai là người đã tạo ra hàng dấu dép đó? Suy nghĩ kiểu gì cũng dẫn tới kết luận rằng lời khai của người quản gia là giả. – Đại uý Lương thắc mắc.

– Nhưng ông ta không thể là hung thủ, ông ta có bằng chứng ngoại phạm. Nghĩa là… ông ta là đồng phạm của hung thủ.

– Vậy ai mới là hung thủ?


– Em vẫn nghĩ đó là người con trai lớn. Vì nếu cần đồng phạm có lẽ hai bố con người em đã thông đồng với nhau, như vậy sẽ đảm bảo hơn là đặt lòng tin vào người ngoài.

– Tức là lại trở lại suy luận bạn nãy, người con trai lớn là hung thủ còn người quản gia là đồng phạm? Rắc rối nhỉ? Nhưng cậu ta đâu có động cơ giết người?

– Làm sao chúng ta có thể biết được những thù oán bên trong của hung thủ hả sếp? Biết đâu do ngày nhỏ cậu ta thường bị bố của mình bạo hành nên sinh lòng thù hận. Nhưng cậu ta vẫn nhẫn nhịn chờ đến ngày hôm nay, khi đã nắm được toàn bộ tài sản của gia đình thì mới ra tay giết bố của mình.

– Cậu tưởng tượng hay nhỉ? Vậy còn dòng chữ trăn trối bên cạnh nạn nhân, tổ phân tích có giải mã được dòng chữ đó không?

– Bên tổ phân tích nói rằng dòng chữ bị xoá không thể giải mã hoàn toàn được. Chỉ có thể tạm phỏng đoán rằng đây là một từ gồm khoảng 4 đến 5 chữ cái, và chữ cái cuối cùng là một chữ có đuôi dài, có thể là “g” hoặc “y”.

– Tận cùng là “g” hoặc “y”? Vậy là chữ gì nhỉ? Trong số các nghi phạm có ai có tên tận cùng là “g” hoặc “y” sao?

– Không có ai có tên mà tận cùng là “g” hoặc “y” cả thưa sếp. Cả họ và chữ lót của các nghi phạm cũng đều không.

– Nếu người con lớn là hung thủ, vậy dòng chữ đó thật ra là viết về điều gì?


– Em không biết thưa sếp!

– Tất nhiên là tôi biết cậu không biết.

“Tôi là đang tự hỏi mình.” Đại uý Lương có lẽ muốn nói như vậy.

– Được rồi hôm nay tạm dừng lại tại đây, thứ hai chúng ta sẽ lấy lời khai của các nghi phạm một lần nữa. Cậu hãy về suy nghĩ thêm xem “dòng chữ đó là gì?”!

Đại uý Lương nhìn “cánh tay phải đắc lực” của mình vài giây rồi nói tiếp.

– Cho tôi thấy lại khả năng thất thường của cậu đi!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.