Đọc truyện Thám Tử Sài Gòn – Chương 25: Lời nhắn ở hiện trường – Chương mở đầu
Trong các thể loại vụ án ở các tiểu thuyết trinh thám, không thể thiếu các vụ án mà ở hiện trường sót lại những lời nhắn từ người chết. Có rất nhiều độc giả rất thích suy đoán từ những lời nhắn để tìm ra hung thủ, theo họ việc giải đáp những bí ẩn của những mật mã kiểu này cũng là một thách thức đầy thú vị.
Mình đã suy nghĩ rất nhiều vì rất mong muốn đem đến cho các bạn đọc một vụ về chủ đề này. Hy vọng vụ án lần này sẽ mang đến cho mọi người một góc nhìn mới lạ hơn về các vụ án có lời nhắn ở hiện trường.
——————
Gần 8 giờ 30 phút sáng thứ bảy, phòng cảnh sát hình sự thành phố nhận được tin báo về một vụ án mạng tại một dinh thự thuộc địa phận quận 12. 30 phút sau, đại úy – phó trưởng phòng cảnh sát hình sự thành phố – Hàn Lương cùng các thuộc cấp của mình có mặt, không thể không nhắc đến là thiếu uý Kỳ Nhân, chức danh điều tra viên, cánh tay phải đắc lực nhất hiện tại của đại uý Lương. Gần đây thiếu uý Kỳ Nhân liên tục phát biểu ra những lập luận sắc bén giúp phòng cảnh sát hình sự thành phố giải quyết thành công nhiều vụ án hóc búa. Chỉ trong một thời gian ngắn đã được cất nhắc từ nhân viên thu thập hiện trường lên chức danh điều tra viên. Vụ án lần này hy vọng với sự có mặt của điều tra viên Kỳ Nhân sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Hiện trường vụ án là căn hộ một phòng ngủ nằm biệt lập về phía đông trong khuôn viên dinh thự của dòng họ Lê Thanh, mà người trực tiếp nắm quyền sở hữu là ông Lê Thanh Kiếm – nguyên giám đốc công ty Thanh Hoà chuyên sản xuất và kinh doanh về các mặt hàng gia dụng. Cụ ông cao lớn này tuy đã nhường ghế giám đốc công ty cho con trai lớn của mình cách đây 3 tháng nhưng trên thực tế cổ phần công ty cùng các tài sản liên quan vẫn do ông đứng tên sở hữu. Ở độ tuổi 65 ông Kiếm vẫn còn rất minh mẫn và phong độ. Mái tóc bạc được nhuộm đen láy, làn da căng cứng nhờ tiêm botox, áo sơ mi màu kem và quần màu be đặt may riêng, tuy nhiên đó chỉ là vẻ bề ngoài, bởi thực chất ông đang chống chọi với căn bệnh ung thư gan giai đoạn 2.
Ông Kiếm cũng chính là nạn nhân của vụ án lần này. Ông chết trong tư thế nằm sấp, tay phải co ngang đầu, ngón tay trỏ bàn tay phải dính máu.
– Bị đánh vào đầu à? – Đại uý Lương.
– Vâng thưa sếp, đó là nguyên nhân gây tử vong. – Điều tra viên Kỳ Nhân trả lời.
– Không có dấu hiệu ẩu đả nhỉ? – Tiếp tục là một câu hỏi tu từ từ đại uý Lương.
– Vâng thưa sếp, nạn nhân bị đánh bất ngờ vào sau đầu bằng gậy đánh golf khi đang ở trước lối đi ra cửa khoảng 3m, nạn nhân ngã sấp về hướng vào trong căn hộ, cú đánh rất mạnh gây chấn thương não phải. Hung khí được bỏ lại tại hiện trường. Theo như kết quả giám định từ pháp y thì thời điểm nạn nhân tử vong là khoảng hơn 2 tiếng trước, từ 6 giờ 30 đến trước 7 giờ sáng. Căn hộ của nạn nhân nằm trong khuôn viên dinh thự được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống camera an ninh và chuông báo động, mới lắp đặt cách đây một tuần nên hoạt động rất tốt. Nhưng trước thời điểm nạn nhân tử vong không hề có thông báo về việc có sự xâm nhập của người lạ. Cho nên có thể nói hung thủ của vụ án chỉ có thể là những người thân của nạn nhân đang có mặt trong khuôn viên dinh thự. Hiện trường không có dấu hiệu ẩu đả, xáo trộn càng chứng tỏ không phải do trộm cắp từ bên ngoài gây ra.
– Chẳng phải ông ta cũng chẳng còn sống được bao lâu sao? – Liên tục đặt ra những câu hỏi tu từ, không rõ ý định của đại uý Lương là gì?
– Vâng thưa sếp, đó chính là điều mâu thuẫn trong vụ án lần này. Những người thân trong gia đình nạn nhân đều biết rằng ông ta vốn cũng không thể sống được lâu, cho dù là có mâu thuẫn hà cớ gây nên án mạng không cần thiết?
Việc trả lời những điều mà ai cũng nắm được vốn chẳng thể hiện được tí năng lực nào cả. Phải chăng Kỳ Nhân không thể phân biệt giữa câu hỏi thường và câu hỏi tu từ?
– Không lẽ cái chết đột ngột của nạn nhân có thể khiến ai đó được lợi ích gì? – May quá, đây chính xác là câu hỏi mà mọi người đều quan tâm.
– Hãy tiến hành lấy lời khai nhé sếp! Chúng ta có thể sẽ tìm ra động cơ thật sự của các nghi can thông qua thẩm vấn. – Kỳ Nhân đề nghị. Là một đề nghị quá sức dĩ nhiên