Thám Tử Sài Gòn

Chương 16: Snack, trà đá, thuốc lá - Chương thử trí 3


Đọc truyện Thám Tử Sài Gòn – Chương 16: Snack, trà đá, thuốc lá – Chương thử trí 3

Cũng giống như những thành phố dịch vụ khác. Sài Gòn cũng có các khu đặc trưng bày bán, kinh doanh từng loại mặt hàng chuyên biệt, để người Sài Gòn muốn mua gì đều biết mà tìm đến. Kinh doanh tập trung kiểu như vậy vừa tiện cho người mua về thời gian tìm kiếm, giá cả cạnh tranh, mặt hàng đa dạng lại vừa giúp người bán thu hút khách hàng, tiết kiệm chi phí quảng cáo, tạo được tổ liên hiệp hỗ trợ nhau. Có thể kể đến như đường cây cảnh Thành Thái, đường quần áo Nguyễn Trãi, đường linh kiện điện tử Nhật Tảo, đường sách Nguyễn Văn Bình… hay đường karaoke Sư Vạn Hạnh.

Lúc này, ngay tại một cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke ở con đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 vừa xảy ra một vụ mưu sát tinh vi được ngụy tạo như một án mạng tự tử thông thường.

Thông qua một số quan sát ban đầu tôi đã nhanh chóng đi đến kết luận về bản chất thật sự của vụ án. Vâng đây chính xác là một vụ mưu sát bằng độc dược, hoàn toàn không phải là tự tử như phía cảnh sát nhận định. Tuy nhiên về cách thức gây án và hung thủ là ai trong số các nghi can thì tôi vẫn chưa thể chắc chắn. Tôi cần thêm một số thông tin để tiếp tục phát triển suy luận. Đặc biệt quan trọng là những thông tin về diễn biến trước thời điểm nạn nhân tử vong mà trong khi lấy lời khai các nhân chứng sẽ trình bày.

Đối với những vụ án đầu độc có thể nói những thông tin về cách thức sinh hoạt của nạn nhân và những người xung quanh chính là yếu tố then chốt để tìm ra thủ pháp gây án của hung thủ.

Phía cảnh sát đã cho triệu tập lần lượt từng nghi phạm để lấy lời khai. Căn phòng được sử dụng cho việc này chính là phòng trống số 107 ở đối diện phòng xảy ra án mạng. Thứ tự vào phòng lần lượt là cô gái mặc váy, chàng trai và cô gái mặc quần jeans còn lại. Trong khi chờ đến lượt khai cung thì họ cùng tôi ngồi chờ ở đoạn hành lang phân cách 2 căn phòng.

Vì không phải là người của phía cảnh sát, nên tôi không được phép tham gia vào công tác lấy lời khai các nghi phạm. Điều này khiến tôi khá lo lắng, khi nghĩ rằng đội cảnh sát gà mờ sẽ bỏ sót những vấn đề quan trọng. Tôi không có nhiều lòng tin vào năng lực của phía đội cảnh sát hình sự thành phố, đặc biệt khi trong thành phần tổ lấy lời khai có một cảnh sát viên bộp chộp như Kỳ Nhân.

Đó là mặt tiêu cực của vấn đề. Còn mặt tích cực, Kỳ Nhân đã đánh tiếng là sẽ thuật lại chi tiết nội dung cuộc lấy lời khai cho tôi.

– Sư phụ! Để đệ tử thuật lại lời khai của 3 nghi can cho sư phụ nghe nhé. – Kỳ Nhân sau khi rời khỏi phòng phỏng vấn, mất hơn 1 tiếng sau mới được thư thả tiến lại nói nhỏ với tôi. Bấy giờ tôi vẫn đang ngồi bên ngoài hành lang, cùng phía và cách với nhóm các nghi can một khoảng.

Mặc dù việc cậu ta gọi tôi là “sư phụ” khiến tôi rất không thoải mái nhưng thôi cứ để cậu ta kể lại diễn biến cuộc lấy lời khai của các nghi can trước đã.

– Người thứ nhất là cô gái mặc váy, cô này tên là Cao Huyền Thương, 23 tuổi, đang học chương trình thạc sĩ tại đại học luật. Cô này cho biết vào lúc 1 giờ 30 chiều cô này cùng 2 người kia hẹn nhau đến karaoke tại quán. Phòng là do cô này đặt trước. Sau đó khoảng 10 phút thì nạn nhân đến. Mọi người ca hát ăn uống bình thường như mọi lần thì đột nhiên nạn nhân té ngã xuống sàn, cả 3 người cùng đến lay nạn nhân dậy nhưng không thấy phản ứng. Sau đó cô này mở cửa phòng ra ngoài tìm người giúp đỡ thì gặp chúng ta. Mọi chuyện sau đó thì như sư phụ đã biết.


Dựa theo bí học trong nghề thám tử. Đối với một án mạng đầu độc, lưu ý thứ nhất, những thông tin về các loại đồ ăn thức uống mà nạn nhân dùng qua trước khi chết mới chính là những thông tin quan trọng.

– Cô ấy có khai báo gì về những thứ mà nạn nhân và các người khác ăn uống không? – Tôi hỏi.

– Cũng không có gì đặc biệt, khi đến phòng thì 3 người kia có kêu một bình trà đá. Sau đó, cũng như những lần đi karaoke trước, cô này có lấy ra một gói snack to hiệu Oshi mực nướng trong giỏ của mình ra cho cả 3 cùng ăn. Khi nạn nhân đến thì gói snack vẫn còn và nạn nhân cùng mọi người có chuyền nhau ăn như bình thường. Riêng nạn nhân thì trước khi chết có hút một điếu thuốc xin từ người bạn nam.

– Vậy trên điếu thuốc nạn nhân hút có phản ứng với kali xyanua không?

– Không có, tổ giám định đã xác nhận cả gói thuốc của người nam kia cũng không. Người nam đó tên là Trần Văn Hưng, 23 tuổi, đang học thạc sĩ ở đại học bách khoa. Anh này nói rằng có mời nạn nhân hút thuốc, nhưng điếu thuốc là do nạn nhân tự rút ra từ trong bao. Quẹt lửa của người này cũng không tìm thấy chất kali xyanua.

Lưu ý thứ hai, trong một vụ án mạng bằng thủ pháp đầu độc mà độc dược được tìm thấy trên tay của nạn nhân, thì ngoài đồ ăn, các vật dụng mà nạn nhân từng sử dụng qua cũng cần phải được lưu tâm kiểm tra.

– Vậy còn micro và chỗ ngồi của nạn nhân? – Tôi hỏi.

– Xung quanh chỗ nạn nhân ngồi đã kiểm tra sơ qua nhưng cũng không tìm thấy dấu hiệu của chất độc, cả micro và dây điện đều không có.

– Vậy còn màn hình vi tính chọn bài hát? Đã kiểm tra kĩ chưa?

– Cũng không có dấu hiệu của chất độc. Vả lại nạn nhân không có tiếp xúc với màn hình vi tính, tức là không chọn bài hát nào cả. Duy chỉ có nạn nhân được cô gái mặc quần jeans chọn cho một bài song ca, sau đó nạn nhân có ngồi tại chỗ hát cùng, nhưng hát chưa hết bài thì nạn nhân đã tử vong. Tuy nhiên lúc đó cả hai người ngồi cách xa nhau, và không có xảy ra tiếp xúc hay trao đổi micro gì cả. Cô gái này tên là Lê Thị Huyền, 23 tuổi, đang học thạc sĩ tại trường đại học mở. Về việc kiểm tra kĩ chỗ ngồi sẽ mất khá nhiều thời gian, bên tổ giám định đang tổ chức kiểm tra lại một lần nữa.


– Nạn nhân có uống trà đá cùng mọi người không? Trên ly trà của nạn nhân có chất độc không?

– Cũng không có, chỉ có một ly dùng để mọi người uống chung với nhau. Nói tóm lại ngoài đáy gói snack đã ăn hết và các đầu ngón tay trái của nạn nhân thì không tìm thấy chất độc ở đâu khác cả. – Kỳ Nhân chốt lại.

Thêm một lưu ý cuối cùng khi điều tra các vụ án mạng liên quan đến đầu độc mà trong một nhóm nhiều người cùng sinh hoạt giống nhau nhưng chỉ có số ít trúng độc, đó là cần tìm hiểu kỹ về những thói quen đặc trưng của nạn nhân. Các thói quen càng dị biệt càng có nhiều khả năng bị hung thủ lợi dụng để thực hiện hành vi hạ độc.

– Nạn nhân là người thuận tay trái sao? – Tôi hỏi.

– Có lẽ không phải, các nghi phạm nói rằng thấy nạn nhân hút thuốc bằng tay phải. Nhưng điều này cũng không thể khẳng định được rằng nạn nhân là người thuận tay phải. Đệ tử cũng là người thuận tay phải nhưng đệ tử vẫn thường hút thuốc bằng tay trái mà.

– Vậy còn hiện trường? Có tìm thấy gì khả nghi không?

– Tổ giám định cho biết trên lọ thủy tinh đựng chất độc không có bất kì dấu vân tay nào kể cả là của nạn nhân, nên có lẽ đúng như sư phụ nghĩ nạn nhân là bị mưu sát. Lọ thủy tinh có thể đã được hung thủ bỏ vào túi quần nạn nhân từ trước. Ngoài ra có phát hiện những vụn hồ dán đã khô rơi rớt ở khu vực các nghi can ngồi nhưng không biết là có liên quan đến vụ án hay không? Căn phòng cũng không được sạch sẽ cho lắm, nên những dấu vết như vậy rất khó để kết luận có phải là chứng cứ?

Đây là một vụ mưu sát rất tinh vi. Chất độc được tìm thấy trong gói snack nhưng trước đó tất cả mọi người cũng đều ăn chung mà chẳng có ai bị trúng độc. Có nghĩa là chất độc không phải được bỏ vào trong gói bánh rồi dính vào tay nạn nhân, mà là do nạn nhân cầm phải vật gì có chất độc rồi bốc bánh ăn khiến chất độc bị dính vào gói bánh? Nhưng hung thủ rốt cuộc đã dùng cách gì để bôi chất độc vào tay nạn nhân? Đây chính là điều khiến tôi băn khoăn nhất.

– Sư phụ đã biết hung thủ là ai chưa? – Kỳ Nhân giọng điệu vô cùng tò mò hỏi tôi.


Tôi chỉ im lặng thay cho câu trả lời “Vẫn chưa.”.

– Sư phụ đã biết ai là hung thủ chưa vậy? Vẫn chưa sao? Vụ này quả nhiên phiền phức.

Đúng là phiền phức, cậu ta cứ lải nhãi như thế thì làm sao tôi có thể tịnh tâm mà suy nghĩ giải án được? Mà vì sao tôi lại phải suy nghĩ cách giải quyết vụ án này cơ chứ? Chẳng liên quan gì đến tôi. Đây là việc của cảnh sát mà. Tìm ra hung thủ là việc của đội cảnh sát hình sự thành phố, là việc của đại uý Lương và Kỳ Nhân.

Không được! Không thể là việc của Kỳ Nhân được! Nếu mà để cậu ấy giải quyết e là sẽ lại có người phải chịu oan sai. Thôi chịu khó bình tĩnh suy nghĩ thêm một chút, cho dù không ai yêu cầu, nhưng giải án chính là việc làm yêu thích của một thám tử.

Cứ nghĩ đơn giản, “Làm việc mình thích, thích việc mình làm”. Mình là thám tử tự do đẹp trai, thông minh, tốt bụng, không cần chấp nhất cái tên cảnh sát to cơ, ngáo ngơ này làm gì. Vụ này phức tạp như vậy, đến mùa quít cái tên Kỳ Nhân cũng chẳng giải ra.

Bây giờ chỉ cần yên tĩnh ngồi suy nghĩ chắc chắn là sẽ nghĩ ra thôi. Tôi cam đoan như vậy.

– Anh cảnh sát! Có phải Điền tự tử không? – Cô gái mặc váy ngồi cách tôi một khoảng 2 ghế bước lại hỏi Kỳ Nhân. Hay lắm, tôi còn chưa thể tĩnh tâm được đúng 2 giây.

– Về việc này chúng tôi sẽ có thông báo sau. – Kỳ Nhân trả lời cô gái.

Có lẽ đây là motif quen thuộc của các vụ án, đoạn mà các nghi can đối thoại với nhau, nhằm mục đích gì thì chưa rõ?

– Bà cũng nghĩ là Điền tự tử hả? – Cô gái mặc quần jeans cũng bước đến và nói thêm vào. – Từ ngày Minh chết Điền sa sút lắm, có khi nào vì vậy mà…

– Minh là ai vậy? – Tôi hỏi.


– Minh là bạn gái của Điền, cũng là chị họ của Thương, Minh mất cách đây 3 tháng. Từ ngày Minh mất Điền cứ như người mất hồn, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Ngày trước nhóm 5 người chúng tôi thường hay họp mặt ăn uống ca hát, nhưng sau cái chết của Minh khó khăn lắm mới hẹn được Điền cùng đi.

– Từ ngày chị Minh mất anh Điền bê tha lắm, ngày trước thì hiền khô, có bao giờ biết nhậu nhẹt hút thuốc đâu. Tự nhiên lại tập tành bia bọt thuốc lá, lần nào uống xong cũng nôn ói mặt xanh mặt vàng, là do ông bày cho ảnh phải không Hưng? – Cô gái mặc váy hỏi chàng trai bạn mình.

– Không phải! Là tự cậu ta cứ rủ tôi đi nhậu chứ bộ! Tự cậu ta tập hút chứ làm sao tôi ép cậu ta được. – Chàng trai cuống cuồng giải thích.

Ồ vâng, mục đích của cuộc đối thoại này rõ ràng không gì khác hơn chính là về động cơ của hung thủ. Không cần nói thì các tay thám tử nghiệp dư hay những người đọc truyện trinh thám cũng đều nhìn ra cái chết của nạn nhân chắc hẳn là liên quan đến cô bạn gái quá cố tên Minh. Chắc lại là một vụ trả thù, motif động cơ cũ nhèm mà luôn phổ biến.

Nói tóm lại là cũng chẳng giúp được gì thêm cho việc tìm ra thủ pháp gây án. Những thông tin không có nhiều hữu ích.

– Quả là những thông tin hữu ích. – Kỳ Nhân đột nhiên la lớn. Cái mặt cứ như Archimedes lúc vừa trần truồng chạy khắp phố vừa kêu “Eureka!” vậy. –

– Này sư phụ, đã biết ai là hung thủ chưa? – Kỳ Nhân hỏi tôi.

– Vẫn chưa. – Tôi buộc trả lời câu hỏi lần thứ ba của cậu ta bằng một giọng khó chịu.

– Hahaha. – Kỳ Nhân cười lớn. – Còn đệ tử thì đã biết rồi! Nếu đệ tử phá được vụ án này thì sư phụ phải nhận đệ tử làm đệ tự đó nha.

– Cậu biết ai là hung thủ? – Tôi không tin vào năng lực của cậu ấy chút nào nhưng việc nghe một người như cậu ta bảo rằng đã phá được án, trong khi tôi vẫn chưa nghĩ ra được điều gì khiến tôi cảm thấy có một chút tự ái. – Làm sao cậu biết được?

– Bởi vì đệ tử và nạn nhân có cùng một thói quen.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.