Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 6: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (5)
Poirot có thói quen ngủ sớm. Tôi liền để ông nghỉ và xuống dưới nhà, song cũng dừng lại một lát nói chuyện với Curtiss.
Anh hầu này nom vẻ lỳ, không nhanh nhẹn, song tận tụy và đáng tin cậy. Anh ta vào làm với Poirot từ khi ông ở Ai Cập về. Anh nói với tôi rằng sức khỏe ông chủ nói chung tốt, có điều yếu tim và thỉnh thoảng lên cơn đáng ngại. Giống như một động cơ yếu dần. Tôi biết về đại thể, Poirot đã có một sự nghiệp đáng nể. Dù sao, tôi buồn thấy ông bạn già nay phải cố gắng lắm để cầm cự. Đã yếu rồi lại bị tật, nay ông vẫn không ngừng theo đuổi cái nghiệp mà ông từng tỏ ra xuất sắc một cách kỳ diệu.
Tôi đi xuống mà lòng se lại. Thật khó hình dung đời tôi sẽ ra sao nếu Poirot ra đi.
Trong phòng khách, mọi người vừa chơi hết một ván, tôi được gọi vào chơi tiếp. Có lẽ cũng nên thư giãn một chút, tôi nhận lời. Boyd Carrington rút lui, tôi thế chỗ ông ta, cùng đánh với Norton và vợ chồng đại tá Luttrell. Bà Luttrell hỏi:
– Nào ông Norton, bây giờ tôi với ông về một phe nhé?
Norton cười, nhưng bảo là nên rút thăm thì hơn. Bà Luttrell đành phải nghe, nhưng có vẻ không vừa ý. Thế là Norton và tôi cùng một bên, đối lại với ông bà Luttrell. Bà đại tá không giấu được vẻ bực bõ, cau mặt, cắn môi, mất đi vẻ tươi tắn. Chẳng bao lâu, tôi hiểu lý do sự thay đổi đó.
Về sau, nhiều lần tôi ở bên phía đại tá Luttrell và tôi thấy ông chơi không đến nỗi tồi. Ông đánh thận trọng, nhưng thỉnh thoảng lại đãng trí, đi sai nước. Và khi ông về phe với vợ, lại càng hay sai, khiến bà cáu kỉnh, và do đó ông càng phạm sai lầm. Bà đại tá chơi rất thạo, người cùng phe vất vả lắm mới theo kịp. Bà khôn khéo lợi dụng khai thác mọi nước đi, đôi khi phớt lờ cả luật chơi nếu đối phương không để ý, nhưng nếu có lợi cho bà thì bà lại bắt nẹt người khác. Bà cũng liếc nhìn trộm bài của đối phương. Nói cách khác, bà rất cay cú giành phần thắng.
Và tôi nhớ rằng Poirot nói rằng bà ta có giọng lưỡi độc ác. Lúc chơi bài, bà không còn giữ mồm giữ miệng như thường lệ. Chồng đi sai nước nào là bà nói không ra gì. Tôi phát ngượng, và thấy nhẹ hẳn người khi ván bài kết thúc. Norton và tôi xin rút lui, lấy cớ đã quá khuya. Lúc đi ra, anh bạn tôi mới nói điều mình suy nghĩ:
– Tôi điên tiết thấy ông chồng bị miệt thị quá đáng. Mà ông ta cứ ngoan ngoãn chịu. Chẳng còn gì là tư thế cựu đại tá.
– Suỵt! Tôi khẽ ngăn.
Norton nói hơi to, tôi sợ ông Luttrell nghe thấy.
– Thật ngán ngẩm! Norton nói tiếp.
– Rồi có ngày ông ấy sẽ phản ứng.
Norton lắc đầu.
– Không đâu. Thành thói quen mất rồi. “Phải, Daisy, ừ, Daisy, tôi xin lỗi”, cứ vừa giật râu với luôn mồm nói thế.
Tôi gật đầu, nghĩ Norton nói phải. Ra tới sảnh, chúng tôi dừng lại. Cách cửa bên mở, gió lạnh ùa vào phòng.
– Ta có nên đóng cửa không nhỉ?
Norton ngần ngừ:
– Tôi… tôi không biết. Sợ rằng… mọi người chưa về hết.
Một thoáng nghi ngờ vụt trong óc:
– Còn ai ở bên ngoài?
– Con gái ông. Và… Allerton.
Anh ta nói câu ấy một cách bình thường, song do vừa trao đổi với Poirot xong, nên tôi cảm thấy không yên lòng.
Judith… và Allerton. Không được, con gái tôi thông minh, tỉnh táo, sao lại có thể thân thiết với một con người như thế. Nó phải sớm tỉnh ra chứ.
Về tới phòng, trong lúc thay quần áo, ý nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi mãi.
Lên giường rồi, tôi vẫn trằn trọc không ngủ. Đêm khuya, cả nghĩ mọi thứ đều trở thành to chuyện, tôi càng lo. Ôi, nếu người vợ yêu quý của tôi còn sống! Tôi luôn tin tưởng vào sự đánh giá của nàng! Nàng bao giờ cũng khôn ngoan, hiểu biết các con. Mất nàng, tôi trở nên bất lực, hoang manh. Giờ đây tôi một mình phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và hạnh phúc của chúng. Liệu tôi có làm được không? Nhỡ Judith phạm sai lầm và đau khổ…
Lòng ngổn ngang trăm mối, tôi nhỏm dậy, bật đèn. Thao thức thế này mãi không được, phải cố ngủ. Tôi vào buồng tắm, nhìn trên giá, thấy một ống thuốc átpirin. Không, cần thứ thuốc mạnh hơn. Chắc bên Poirot có thuốc ngủ. Tôi mở cửa, băng qua hành lang, rồi đứng ngập ngừng trước cửa phòng ông. Chẳng lẽ đánh thức ông bạn già đang say giấc chỉ để xin một viên thuốc! Tôi đang do dự thì nghe có tiếng chân trong hành lang. Đèn không sáng lắm, nên chỉ khi người này đến gần, tôi mới nhìn rõ mặt. Tôi đứng ngây người và cau mặt, vì người đó cười vẻ mãn nguyện, trông rất ghét.
– Chào ông Hastings! Chưa ngủ ư? Người đó ngạc nhiên kêu.
– Không ngủ được – tôi đáp trống không.
– À ra thế. Vào chỗ tôi, tôi cho ông cái này.
Tôi theo anh ta vào phòng, ngay cạnh buồng tôi. Tôi nói:
– Ông ngủ muộn nhỉ?
– Tôi không bao giờ ngủ sớm. Nhất là khi có cái để giải trí. Những tối đẹp như thế này, không nên bỏ phí.
Nói rồi, anh ta cười. Cái cười tôi thấy đáng ghét như lúc nãy.
Tôi theo anh ta vào phòng tắm. Hắn mở tủ, lấy ra một ống thuốc.
– Đây, ông cần uống cái này, sẽ ngủ sau như khúc gỗ. Một thứ thuốc an thần tuyệt vời.
Giọng nói say mê của hắn khiến tôi chột dạ. Người này dùng cả các loại ma túy.
– Có nguy hiểm không? – Tôi hỏi.
– Dùng nhiều mới ngại. Thứ thuốc ngủ này, hơi quá liều có thể nguy hại.
Hắn lại cười, môi nhếch lên một cách đáng ghét.
– Tơi tưởng thuốc loại này cần phải có đơn mới mua được.
– Về nguyên tắc, đúng vậy, nhưng tôi có cách.
Tôi biết mình hay phản ứng một cách thiếu suy nghĩ, song không thể kìm được sự bột phát.
– Tôi đoán ông có quen biết Etherington.
Hóa ra tôi đã bắt đúng thóp. Đôi mắt hắn gườm gườm, cảnh giác. Tuy nhiên, hắn đáp vẻ nhẹ nhàng, vô tư:
– Có! Tôi có quen. Tội nghiệp hắn!
Thấy tôi không nói gì, hắn tiếp:
– Đúng là hắn ta nghiện nặng. Lẽ ra phải biết ngừng đúng lúc, đằng này không. Vụ án thật thảm hại. Cô vợ có số may, tranh thủ được sự thông cảm của tòa.
Hắn đưa tôi hai viên thuốc, ra vẻ thản nhiên hỏi:
– Ông cũng biết Etherington à?
Tôi nói sự thật:
– Không.
Không biết nói gì hơn nữa, một lát sau hắn mới tiếp:
– Thằng cha cũng buồn cười! Không dễ chịu lắm nhưng thỉnh thoảng đối xử cũng tốt.
Tôi cảm ơn về mấy viên thuốc, đi về phòng. Lúc trở về giường nằm, tôi băn khoăn không biết mình có hớ hênh chăng. Vì bây giờ tôi biết chắc cái tên X ghê gớm nọ chính là Allerton. Và tôi đã chót để lộ cho hắn biết là tôi đang nghi ngờ điều gì.