Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 15: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (14)
Ký ức của tôi hơi mơ hồ về thời gian tiếp theo cuộc điều trần về cái chết của bà Franklin. Tất nhiên tôi không quên buổi lễ tang, có rất đông người ở Styles đến dự. Ở cổng nghĩa trang, một bà già mắt kem nhèm đến gặp tôi, chẳng rào trước đón sau gì, nói:
– Tôi nhớ ra ông rồi.
– Vâng… có thể, tôi lúng túng.
Bà nói tiếp:
– Lâu quá rồi nhỉ? Đấy là hồi vụ án mạng đầu tiên xảy ra trên đất này. Hồi đó tôi đã bảo: “Rồi còn xảy ra nữa”. Cái bà Ingelthorp ấy, chính lão chồng đã giết.
Bà liếc mắt tinh quái:
– Lần này chắc cũng vậy thôi.
– Bà bảo sao? Tôi gắt lại. Bà không biết tòa đã phán quyết chết do tự tử sao?
– Tòa cũng có khi sai chứ!
Bà đưa khuỷu tay hích tôi:
– Là bác sĩ muốn khử ai thì quá dễ.
Tôi giận dữ nhìn bà, bà quay mặt đi, song vẫn tiếp:
– Dù sao cũng lạ là việc này lặp lại lần thứ hai. Và ông lại có mặt.
Tôi chợt nghĩ: hay là bà này nghi tôi là thủ phạm của cả hai vụ. Kỳ thay, ở một làng nhỏ thế này, người ta cũng nghĩ ra lắm chuyện! Mà bà già thực ra không hoàn toàn sai, vì tôi, tôi biết chắc là bà Franklin bị giết, chứ không tự tử.
Như đã nói, tôi nhớ không rõ những ngày sau đó. Trước hết, sức khỏe Poirot sút đi trông thấy. Một hôm, cutiss đếm tìm tôi, mặt không còn lỳ như mọi ngày, báo tin ông chủ vừa lên cơn đau nặng, và nói:
– Con nghĩ cần mời thầy thuốc.
Tôi lập tức chạy lên phòng ông, song ông kiên quyết phản đối mới thầy thuốc. Tôi thấy điều đó hơi lạ vì xưa nay Poirot rất quan tâm đến sức khỏe, thường cố tránh ngồi nơi gió lùa, quàng khăn cổ cẩn thận, không để chân bị ướt, hơi mệt là đi nằm và lấy nhiệt độ. Và tôi biết, dù hơi khó ở, ông đều hỏi ý kiến thầy thuốc.
Bây giờ ốm thực, ông lại làm trái lại. Nhưng có thể vì trước đó, ông chỉ mắc những chứng không nghiêm trọng. Giờ đây, ông sợ phải đứng trước sự thật hiển nhiên, nên ngại không đối mặt với thầy thuốc. Ông nói:
– Thầy thuốc ấy à, tôi đã khám rồi! Không phải một, mà nhiều thầy. Có hai ông thầy khuyên tôi đi nghỉ ở Ai Cập, rút cục bệnh lại nặng thêm.
Ông kể tên một bác sĩ nổi tiếng khác, chuyên về tim mạch.
– Ông ấy bảo sao? – Tôi hỏi ngay.
– Đã làm mọi thứ để làm – Poirot bình thản đáp. Đã cho thuốc. Nay có gọi thêm thầy thuốc nữa là vô ích. Bộ máy đã rão rồi, anh thấy không. Tiếc rằng không giống cái ôtô, chỉ thay động cơ là chạy được.
– Nhưng cũng phải làm cái gì chứ. Curtiss…
– Curtiss làm sao?
– Hắn nói rất lo cho ông. Hình như ông vừa lên cơn.
– Ồ! Chuyện vặt ấy mà.
– Ông thật sự không muốn khám lại?
– Đã nói rồi, vô ích.
Poirot nói giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm trọng. Lòng tôi se lại. Ông mỉm cười, nói tiếp:
– Cái vụ chúng ta đang theo đuổi, sẽ là vụ cuối cùng của tôi. Và cũng là vụ lý thú nhất, vì hunh thủ rất đặc biệt. Hắn có tài kỳ lạ, muốn hay không muốn, tôi phải khâm phục. Đến lúc này, hắn đã hành động khôn khéo đến mức Hercule Poirot này phải chịu thua. Hắn đã ra một đòn mà tôi không tìm ra cách đỡ…
– Nếu ông còn sức khỏe như ngày xưa…
Tôi nói câu ấy nhằm mục đích an ủi, song hóa ra là hớ.
– Đã bao nhiêu lần tôi nói với anh rằng sức mạnh cơ bắp không cần thiết? Để vạch mặt một hung thủ, cái chính là phải suy nghĩ, bắt các tế bào xám là việc.
– Ồ.. tất nhiên rồi. Việc ấy thì ông làm được. Rất tốt là đằng khác.
– Rất tốt? Tuyệt diệu nữa chứ! Chân tôi liệt, tim tôi thỉnh thoảng lên cơn, nhưng óc tôi vẫn hoạt động hoàn hảo.
– Thế thì tốt quá rồi.
Tuy nhiên, khi đi xuống nhà, tôi nghĩ: lần này thì bộ óc hoàn hảo của Poirot không theo kịp diễn biến sự việc nữa rồi. Trước hết là bà Luttrell sắp chết, rồi đến bà Franklin chết thật. Và chúng tôi đã làm gì để truy bắt thủ phạm? Hầu như không làm ggì.
Phần 2
Hôm sau, Poirot nói với tôi:
– Hôm qua, anh khuyên tôi nên khám bác sĩ.
– Đúng, như vậy tôi sẽ yên tâm hơn.
– Vậy thì anh vừa lòng nhé: tôi đồng ý. Tôi sẽ gặp bác sĩ Franklin.
– Franklin? Tôi ngạc nhiên nhắc lại.
– Ông ấy là bác sĩ, phải không nào?
– Đành thế, nhưng ông ấy chỉ chuyên nghiên cứu koa học.
– Tôi biết. Và chắc ông không giỏi về khám đa khoa. Nhưng dù sao cũng là bác sĩ. Và có thể ông cũng không kém đồng nghiệp là bao.
Tôi không hoàn toàn hài lòng. Tôi không nghi ngờ tài năng của Franklin, song ông ấy có bao giờ chú ý đến các bệnh thông thường. Dù sao Poirot cũng đã nhượng bộ và nhờ ông khám, do không có bác sĩ quen nào ở gần. Franklin tới ngay và còn nói nếu Poirot cần sự điều trị dài ngày, ông sẽ giới thiệu tới một chuyên gia khác.
Franklin ở khá lâu trong phòng Poirot. Khi ông ra, tôi kéo ông vào phòng mình, đóng cửa lại.
– Thế nào? Tôi hỏi dồn.
– Ông ấy là một người xuất sắc.
Tôi khoát tay:
– Điều đó, tôi biết rồi. Nhưng sức khỏe?
Franklin tỏ vẻ ngạc nhiên, dường như đó là vấn đề không quan trọng.
– Ồ! Sức khỏe thì không tốt lắm.
Đúng là một kiểu nói chung chung, vô thưởng vô phạt. Thế mà Judith, con gái tôi thường bảo ông là một sinh viên xuất sắc hồi học y.
– Tình trạng ông ấy thế nào? Tôi hỏi gặng.
Ông đăm đăm nhìn tôi một lát.
– Ông muốn biết à?
– Dĩ nhiên.
– Nhiều bệnh nhân không muốn biết rõ về bệnh tình, chỉ cần an ủi, động viện họ, để họ còn có hy vọng. Và nhờ đó có khi lui bệnh một cách kỳ lạ, bất ngờ. Tiếc thay, trường hợp ông Poirot không như vậy.
– Ông muốn nói…
Tôi thấy lòng thắt lại. Franklin khẽ gật đầu:
– Phải, không cứu chữa được. Tất nhiên, tôi nói vậy, vì đã được ông ấy cho phép.
– Vậy là… ông ấy đã biết.
– Biết. Ông ấy có thể suy sụp bất cứ lúc nào… Tất nhiên ta không thể nói thời gian chính xác.
Ngừng một lát, ông thong thả tiếp:
– Theo tôi hiểu, ông ấy không hoàn thành được… cái gì đó. Ông có biết là việc gì không?
– Có, tôi có biết.
Franklin nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò.
– Ông ấy muốn nhất định phải hoàn thành việc đã định.
Không hiểu ông bác sĩ này có biết việc gì không, nhưng ông đã nói tiếp.
– Tôi hy vọng ông ấy sẽ làm được. Có cảm giác đối với ông việc này rất quan trọng. Ông ấy có đầu óc khoa học lắm.
– Ta có thể làm gì không? Có cách chữa trị nào…
Ông thong thả lắc đầu:
– Không. Ông ấy có sẵn những ống thuốc trợ tim rất tốt để uống khi nào lên cơn. Ngoài ra, không còn cách nào khác.
Sau vài giây lưỡng lự, ông hỏi một câu rất lạ:
– Ông ấy rất tôn trọng tính mệnh con người, có phải không?
– Vâng, có như vậy.
Biết bao lần tôi đã nghe Poirot tuyên bố: “Tôi phản đối giết người”.
– Đó là sự khác nhau giữa chúng tôi. Tôi không có được sự tôn trọng như thế.
Tôi nhìn ông, không nói. Ông nghiêng đầu, mỉm cười.
– Phải không nào? Đằng nào cũng chết, thì chết sớm một chút hay muộn có nghĩa gì? Chẳng khác gì nhau.
– Nếu ông nghĩ vậy, tại sao ông lại chọn nghề chữa bệnh? Tôi hỏi, có ý bất bình.
– Y học không có nghĩ chỉ làm chậm cái chết. Hơn thế nhiều, nó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Một người khỏe chết đi, điều đó không quan trọng lắm; một thằng tồi, một thằng đểu chết đi, lại là điều tốt. Nhưng nếu ta tìm ta cách biến thằng đểu thành người bình thường – ví dụ bằng cách chỉnh lại hoạt động của các hạch – đó mới là điều có tầm quan trọng lớn.
Tôi nhìn ông bác sĩ với sự hứng thú đặc biệt. Nếu tôi bị bệnh cúm, chắc chẳng dám nhờ đến ông, vì chưa chắc ông đã chữa được. Song sự thành tâm và ý nghĩ táo bạo của ông, ta phải ngã mũ chào. Từ khi vợ chết, tôi nhận thấy ông có chút thay đổi. Ông có buồn phiền hay không, không thếy ông để lộ ra. Ngược lại, ông có vẻ sinh động hơn, ít lơ đãng hơn.
Bỗng dưng, ông đưa ra nhận xét.
– Judith và ông, hai người khác nhau quá, phải không?
– Vâng, có thể.
– Cô ấy có giống mẹ không?
Tôi suy nghĩ và lắc đầu:
– Không thật giống. Vợ tôi luôn vui tươi, , thoải mái, gặp chuyện không hay vẫn vui. Cô ấy muốn tôi cũng như thế, nhưng tôi không làm được.
– Ông thuộc loại ông bố cao đạo, phải không? Ấy là Judith nói vậy. Cô ấy không mấy khi cười, rất nghiêm túc và ham làm việc quá. Một phần cũng tại tôi.
– Việc của ông chắc thú vị lắm – tôi nói.
– Thú vị với vài người thôi. Người khác cho là nhàm chán. Có khi họ nói đúng.
Ông hất đầu ra phía sau, nhô vai lên, trở lại con người thật của ông: mạnh mẽ, đầy nghị lực.
– Nhưng bây giờ cơ hội của tôi đã đến. Văn phòng bộ trưởng vừa cho biết chức vụ vẫn để trống, nó sẽ thuộc về tôi nếu tôi muốn. Mười ngày nữa tôi sẽ đi.
– Đi châu Phi?
– Phải.
– Vội thế ư?
Thú thật, tôi cảm thấy bất ưng.
– Ông bảo sao? Ồ, chắc ông nghĩ tới Barbara vừa mất. Ôi chao, việc gì phải giấu giếm rằng bà ấy mất đi làm tôi nhẹ mình? Tôi không có thì giờ để giữ thái độ phải phép theo lệ tục. Tôi yêu Barbara – lúc đó là một thiếu nữ rất xinh đẹp – tôi lấy cô, rồi chỉ sau một năm là hết yêu. Có lẽ tôi làm cô ấy thất vọng, vì cô tưởng có thể gây ảnh hưởng với tôi, nhưng không được. Tôi công nhận mình là một thằng tồi, ích kỷ, bao giờ cũng chỉ làm theo ý mình.
– Nhưng vừa rồi ông từ chối nhận chức vụ ở châu Phi là vì bà.
– Phải, nhưng đó là vì lý do tài chính. Tôi đã giữ cho cuộc sống của Barbara phong lưu như trước khi lấy chồng, nay nếu tôi đi, bà ấy sẽ gặp khó khăn.
Ông nở một nụ cười như trẻ con:
– Nhưng nay mọi việc lại xoay sang chiều thuận lợi lạ lùng.
Tôi thực sự công phẫn. Đằng rằng không phải đàn ông nào chết vợ cũng đau khổ. Nhưng như Franklin thì quá trâng tráo.
Ông vẫn nhìn tôi, nhưng không mảy may bận tâm đến thái độ bất đồng vủa tôi.
– Phải nhìn thẳng vào sự thật, ông nói tiếp. Như vậy đỡ mất thì giờ vì những lời rào đón vô bổ.
Tôi sẵng giọng:
– Vợ ông tự tử, ông không lấy thế làm buồn?
Ông ra vẻ trầm tư:
– Tôi không nghĩ bà ấy tự tử. Giả thuyết ấy là vô lý.
– Vậy thì là cái gì?
– Tôi không biết. Và có lẽ tôi cũng không muốn biết. Hiểu không?
Mắt ông ánh lên nhửng nét rắn chắc, lạnh lùng:
– Không, tôi không muốn biết. Tôi không quan tâm.
Phần 3
Tôi không nhớ chính xác lúc nào thì tôi nhận ra là Norton có vẻ bận tâm, tư lự. Sau cuộc điều trần và tang lễ, anh ta cứ lầm lì không nói đi lang thang, trán nhăn, mắt cắm xuống đất. Anh ta có thói quen đưa tay lùa lên mái tóc làm tóc dựng đứng, trông buồn cười. Cử chỉ vô thức đó lặp đi lặp lại chứng tỏ nội tâm có gì xao xuyến. Khi có người hỏi, anh đáp hờ hững. Tôi liền đánh bạo hỏi có phải anh nhận được tin buồn, thì anh lắc đầu. Tuy nhiên, lát sau, có vẻ như anh tìm cách vòng vo để hỏi ý kiến tôi về điều anh đang khúc mắc. Anh lúng búng – bao giờ cũng thế mỗi khi anh định nói chuyện nghiêm chỉnh – kể một chuyện rối rắm liên quan đến vấn đề đạo đức.
– Bảo cái này là tốt, cái kia là xấu, hình như dễ lắm, có phải không? Ấy vậy mà có trường hợp lại không thế. Ví dụ, tình cờ ta thấy một cái gì không liên quan đến ta, mà ta cũng chẳng rút ra lợi lộc gì, nhưng cái đó lại cực kỳ quan trọng. Ông hiểu tôi nói gì.
– Thú thực, không hiểu lắm.
Anh ta cau mày, đưa tay lên tóc.
– Khó giả thích thật. Giả thử, ông đọc được cái gì trong một bức thư riêng – nghĩa là thư gửi cho người khác mà ông vô tình mở ra. Ông bắt đầu đọc, vì tưởng là thư gửi mình và trước khi biết mình nhầm, thì đã biết được một điều lẽ ra ông không được biết. Việc ấy có thể xảy ra, có phải không?
– Phải.
– Vậy trường hợp ấy, làm thế nào?
– Ờ…
Tôi suy nghĩ một lát, rồi nói:
-… Có lẽ nên gặp chủ bức thư ấy, và xin lỗi đã mở nhầm.
Norton thở một hơi dài.
– Đâu có đơn giản như vậy. Vì chẳng hạn, anh đã đọc một chi tiết… bất tiện.
– Anh muốn nói, bất tiện với người kia? Thì ta phải làm như chưa đọc tí gì, vì đã kịp thời nhận ra không phải thư của mình.
– Phải, có lẽ thế – Norton đáp sau một lát im lặng.
Nhưng anh ta có vẻ chưa thỏa mãn với giải pháp ấy:
– Tôi vẫn muốn suy nghĩ xem nên phải làm gì – anh đăm chiêu nói tiếp.
Tôi khẳng định không còn cách nào khác, nhưng anh ta vẫn tư lự:
– Tôi còn thấy một điều này nữa. Giả thử điều ta vừa vô ý đọc được lại cũng rất quan trọng với một người thứ ba.
Tôi bắt đầu sốt ruột:
– Quả thực, anh Norton, tôi không hiểu anh định đi tới đâu. Ta không được đọc thư riêng của người khác, có thế thôi…
– Tất nhiên là không nên rồi. Tôi có ý kiến gì về vấn đề đó đâu. Vả lại, thực ra đây không phải bức thư. Tôi chỉ lấy ví dụ để ông hiểu thôi. Tất nhiên, bất cứ cái gì ta có thể đọc, thấy hoặc nghe, ta phải giữ kín cho mình. Trừ khi…
– Trừ khi… làm sao?
– Trừ khi là một điều mà ta có nghĩa vụ phải nói ra.
Tôi lại bắt đầu chú ý. Norton tiếp:
– Giả thử ông nhìn thấy điều gì qua lỗ khóa.
Tôi bỗng nghĩ đến Poirot.
– Tất nhiên, về nguyên tắc, đây là tôi nói ông có lý do chính đáng nhìn qua lỗ khóa: ví dụ khóa bị hóc… Tóm lại ông không có ý định nhìn cái ông đã nhìn.
Tôi chợt nhớ cái hôm Norton giương ống nhòm để quan sát con chim gõ kiến. Tôi nhớ anh ta tỏ ra lúng túng, ngượng nghịu, rồi cố tình ngăn không cho tôi nhìn cái anh ta đã nhìn. Lúc đó, tôi đã kết luận ngay là cái anh ta nhìn thấy ít nhiều có liên quan đến tôi: nói toạc ra, tôi cho là anh đã nhìn thấy Judith và Allerton. Nhưng nhỡ tôi lầm? Nhỡ đó là cái gì hoàn toàn khác? Hôm đó tôi bị ám ảnh bởi chuyện đó nên không thể nghĩ ra là cái gì khác.
– Có phải là cái gì anh nhìn thấy qua ống nhòm? – Tôi hỏi thẳng. Norton vừa ngạc nhiên vừa hoan hỉ:
– Sao… ông đoán được?
– Hôm đó chúng ta đứng trên mô đất cùng Cole, phải không nào?
– Phải.
– Và anh không muốn để tôi nhìn.
– Không. Không phải… tôi muốn nói là… Không ai được biết điều đó.
– Rốt cục là cái gì?
Norton sa sầm nét mặt:
– Tất cả vấn đề là ở đó. Tôi có được phép nói ra không? Vì… vì… cứ như là do thám ấy. Tôi đã nhìn thấy một cái mà bình thường ra, tôi sẽ không nhìn. Mà tôi có định nhìn đâu, tôi nhìn con chim gõ kiến cơ mà. Nhưng rồi, lại nhìn… nhìn thấy.
Tôi tò mò muốn chết, sốt ruột muốn biết đó là cái gì, song tôi tôn trọng sự đắn đo của Norton.
– Có phải điều gì quan trọng lắm không? Tôi hỏi
– Tôi không biết. Có thể lắm.
– Có liên quan đến cái chết của bà Frankiln không?
Norton giật nẩy mình:
– ông cũng hỏi tôi thế ư…
– Thế thì tôi đoán đúng.
– Hờ… không hoàn toàn liên quan. Nhưng việc ấy có thể làm nổi lên một cách nhìn mới với vài sự việc. Và như thế có nghĩ là… Ồ! Nhưng kệ thây tất cả! Song thực sự tôi không biết nên thế nào.
Rõ ràng Norton vẫn không muốn cho tôi biết anh ta đã nhìn thấy gì. Tôi thông cảm, vì ở địa vị tôi, có lẽ tôi cũng cư xử như vậy. Thật phiền khi ta có những thông tin lượm được bằng một cách mà người khác sẽ cho là không lịch sự.
Bỗng tôi nảy ra một ý:
– Hay anh thử hỏi ý kiến Poirot xem?
– Poirot? Norton hỏi lại, vẻ ngạc nhiên.
– Phải. Cứ xin ông ta một lời khuyên.
Sau một lát, Norton nói:
– Có lẽ ông nói phải. Tất nhiên, ông ấy là người nước ngoài…
– Ông ấy sẽ giữ kín cho anh. Nhưng dĩ nhiên, anh nhất thiết không cứ phải nghe theo lời khuyên của ông ấy.
– Được. Có lẽ tôi nên đi gặp ông ấy.
Phần 4
Tôi ngạc nhiên vì phản ứng của Poirot. Ông hỏi dồn:
– Anh Hastings, anh bảo gì?
Poirot để rơi miếng bánh sắp đưa lên miệng, ghé sát vào tôi:
– Nói lại tôi nghe!
Tôi làm theo. Ông đăm chiêu, kết luận:
– Thế là hôm đó, anh ta đã thấy điều gì qua ống nhòm. Một cái gì mà anh ta không muốn cho anh biết?
Ông níu cánh tay tôi:
– Anh ta không nói lại với bất kỳ ai chứ?
– Chắc là không.
– Hastings, anh hãy cẩn thận. Điều quan trọng là anh không được nói với ai. Nếu không, hậu quả sẽ rất nguy hiểm.
– Hậu quả… nguy hiểm?
– Đúng như tôi đã nói.
Khuôn mặt Poirot trở nên cực kỳ nghiêm trọng:
– Anh hãy thu xếp cho anh ta gặp tôi tối nay. Một cuộc gặp có tính bạn bè. Đừng để cho ai nghĩ là anh ta có lý do đặc biệt gì phải gặp tôi. Hastings này, hôm ấy cùng với anh còn ai nữa?
– Cô Cole.
– Cô ấy có nhận ra điều gì hơi lạ trong thái độ của Norton?
Tôi cố nhớ lại:
– Không biết. Có thể lắm. Hay để tôi hỏi cô xem…
– Không hỏi gì cả. Tuyệt đối không.