Đọc truyện Thám Tử Kỳ Duyên – Chương 35
Chương 35
—
– Tôi có thể ngồi đây chứ?
Trong ánh đèn nhập nhoạng, hình dung người phụ nữ hiện ra trước mắt tôi. Dáng người cô ấy thanh tao, hơi gầy nhưng nhìn rất quyến rũ. Cô ấy, mặc váy hoa sẫm màu, khoác bên ngoài chiếc áo len xanh mỏng mảnh, càng tôn lên cái vóc dáng mình hạt sương mai của cô. Trên cổ người phụ nữ ấy quàng một chiếc khăn gió ấm màu cỏ úa. Cô đi đôi guốc không cao lắm!
Tôi gật đầu mỉm cười chào cô ấy, ngồi xít ra một bên để chỗ cho cô ấy ngồi.
– Cám ơn cô!
Nói rồi, cô ấy ngồi xuống bên cạnh tôi, lúc này, tôi quan sát được rõ hơn khuôn mặt cô, đầu tiên phải kể đến mái tóc dài ngang vai, bồng bềnh như áng mây trôi, tôi ngửi được mùi hương hoa cúc trên tóc cô ấy. Cô ấy có khuôn mặt trái xoan kiều diễm, ngũ quan cân đối hài hòa; đôi mắt của cô ấy làm người ta phải chú ý, vì đôi mắt ấy cứ long lanh, mơ hồ, mặc dù ánh sáng không đủ soi tỏ từng chi tiết trên khuôn mặt đẹp ấy, nhưng, cũng đủ cho tôi thấy một cái nốt ruồi điểm dưới mi mắt trái của cô, mắt cô ấy như vừa mới khóc xong.
Sóng mũi cao, cánh mũi nhỏ xinh, và ánh mắt tôi dừng lại ở đôi môi cô, đôi môi mảnh dẻ phớt hồng.
Thần sắc cô ấy nhìn tổng thể mang nét u buồn của mùa thu, nét hiu quạnh của mùa đông lạnh lẽo.
Mắt cô ấy đang tập trung hướng về Văn Phú, trông cánh nhìn của cô ai cũng có thể đoán được, cô và người huấn luyện viên karate kia, có quan hệ trên mức bạn bè bình thường.
Một tiếng rưỡi cực hình với tôi cuối cùng cũng kết thúc. Theo hiệu lệnh của Văn Phú, tôi trở lại hàng đứng cạnh Khôi Nguyên. Chào tổ xong, Văn Phú cho lớp nghỉ trong tràng pháo tay để củng cố tinh thần.
Chúng tôi đến chỗ treo đồ và dụng cụ. Khôi Nguyên cố tình nấn ná không về, hình như anh ấy muốn đợi Văn Phú.
Người phụ nữ lúc nãy. Cô ấy nhẹ nhàng tiến lại chỗ Văn Phú. Tôi rất tò mò muốn xem quan hệ của họ có đúng như tôi phán đoán hay không. Và hình như tôi đã sai rồi, vì tôi thấy được cử chỉ không vui của Văn Phú khi nhìn thấy người phụ nữ đó. Ánh mắt anh ta có những tia mệt mỏi, nặng nề.
Hai người họ đi vòng ra sau sân tập để nói chuyện. Khôi Nguyên liền bám theo họ, tôi cũng đi theo Khôi Nguyên. Chúng tôi núp sau bức tường để nghe họ nói chuyện với nhau.
– Chẳng phải anh đã nói rõ với em rồi sao? Chúng ta không hợp nhau, chia tay, em đã gật đầu đồng ý, giờ còn đến tìm anh là sao hả?
Người phụ nữ đó không giữ được bình tĩnh nữa, cô ấy nói như kẻ tuyệt vọng:
– Nhưng em, em không làm được. Em đã cố để xóa đi hình bóng của anh, nhưng không thể, không thể… anh làm ơn đi mà… đừng đối xử với em bất công như vậy.
– Lại than vãn, than vãn… đến bao giờ em mới hết than vãn đây? Em làm người khác mệt mỏi vì em đấy. Em muốn anh nhắc lại cho em biết sao? Được. Nghe cho rõ đây, chúng ta cơ bản có duyên nhưng không có phận. Em giống như bộ võ phục vậy, nhưng đáng tiếc anh mặc không vừa. Bây giờ thì đã hiểu chưa hả?
– Anh có thể nói ra những lời tàn nhẫn như vậy được sao, anh xé nát trái tim em rồi đó anh không thương cảm chút nào sao? Phải rồi… ngay từ đầu anh đã xem em là một kẻ qua đường. Em thì khác, vì yêu anh mà em chấp nhận làm kẻ thứ ba. Nhưng, chính anh, anh làm em tin rằng anh cũng yêu em. Đêm hôm đó em đã cạn chén tình say với anh rồi, em đã dâng lên cho anh tất cả, anh còn chưa vừa lòng ư?
– Đó là do em tự nguyện, sao lại trách anh. Hơn nữa, đêm đó anh say quá! Chứ tỉnh táo thì anh không làm cái chuyện đó đâu. Cơ bản là em không hấp dẫn anh, anh nói rất nhiều lần rồi…
“Bốp” – Hình như Văn Phú vừa mới bị ăn tát.
– Đồ tồi! Bây giờ anh muốn phủi bỏ trách nhiệm.
– Trách nhiệm? Em hãy thôi ngu ngốc đi! Hãy nghĩ lại thử coi. Sống với một người mà không bao giờ yêu mình, em hạnh phúc lắm ư? Như thế là tự chuốc lấy đau khổ cho cả hai đấy. Thấy khổ mà còn lao đầu vào có còn tỉnh táo không hả?
– Hừ, anh nói thì hay lắm! Thế tại sao anh lại đâm đầu vào một kẻ không bao giờ yêu anh. Hả? Anh nói đi!
– Em…
– Anh không trả lời được sao? Vì cô ta đã chết hay là vì anh thấy nhột nên m…
“Bốp” – Nguy rồi, lần này hình như Văn Phú vừa tát người phụ nữ đáng thương ấy.
– A, đồ vũ phu kia, anh đánh tôi vì cô ta sao?
– Tôi sẽ giết cô, nếu cô còn dám nhắc đến Kiều Oanh trước mặt tôi. – Văn Phú rít lên.
– Hơ hơ… hơ hơ hơ… giết tôi? Vậy giết đi, tôi cũng chả muốn sống nữa. Anh là một kẻ đáng thương, anh có khác gì tôi đâu. Anh yêu một kẻ không bao giờ yêu anh, cô ta là hoa đã có chủ. Anh ta đẹp trai hơn anh, giàu có hơn anh, và điều quan trọng là cô ta yêu anh ta chứ không có chút tình cảm nào với anh, cô ta chỉ xem anh là tên tài xế, là túi xả muộn phiền của cô ta những lúc cô ta cần thôi. Anh có biết vì sao cô ta chết không… đó là vì cô ta yêu người kia giống như anh yêu cô ta vậy, cô ta bị đá và cô ta tự sát… còn anh, anh không có cái gan đó như cô ta. Anh yêu cô ta lắm mà, thế sao anh không chết theo cô ta đi… hay là anh sợ hả? Anh chỉ có thể đánh tôi thôi sao? Một kẻ hèn hạ như anh mà có bản lĩnh đứng lớp dạy võ đấy! Hơ hơ… thật nực cười.
– Cô nói thêm một tiếng nữa xem! – Văn Phú nghiến răng. Người phụ nữ đó hình như đã biết sợ, cô ta không nói gì nữa. Văn Phú vô tình đẩy người phụ nữ đáng thương kia té xuống nền nhà, rồi bước đi vô tình, bỏ mặc người phụ nữ ngồi khóc nức nở.
(…)
– Đồ khốn! Chúng ta phải làm gì đó chứ Khôi Nguyên.
– Làm cái gì kia chứ. Lúc này, cô ấy cần yên tĩnh, chúng ta đi thôi!
Vừa bước đi tôi vừa làu bàu:
– Loại đàn ông đáng ghét. Đồ điên! Đồ vô trách nhiệm…
– Này, cô đang nói tôi đó hả?
– Còn ai ngoài thằng cha đó nữa. Cô ta cũng thật là, loại đàn ông đó có gì mà cô ta mê mẩn vậy nhỉ?
– Còn có gì nữa, quá rõ rồi. Đẹp trai, giàu có cộng thêm thói trăng hoa, vô tình, phụ bạc. Đủ bộ quá rồi còn gì.
– Hừ, tôi vẫn còn tức quá. Chỉ muốn đấm cho chả một cái.
– Với sức của cô sao?
– Sao lúc nãy anh không giúp cô ấy.
– Làm sao mà ngăn cản kịp, hơn nữa, chúng ta đang tìm cách tiếp cận anh ta để điều tra. Cuộc nói chuyện vừa rồi giữa anh ta và người phụ nữ đó, đã phần nào chứng tỏ cho giả thiết của tôi về cái chết của Kiều Oanh. Bây giờ thì cô đã thấy tôi nói có lý chưa nào?
– Còn sớm để kết luận lắm!
– Người phụ nữ đó biết về người đàn ông bí ẩn đã hẹn hò với Kiều Oanh. Lát nữa, cô hãy tìm cách bắt chuyện làm quen, xin số điện thoại của cô ta nhé! Có thể thông qua cô ta mà chúng ta tìm được manh mối về người đàn ông đó đấy.
– Được rồi. Anh đi trước đi. Để việc này cho tôi.
– Cô làm được không đấy?
– Sở trường của tôi mà. Anh cứ đi trước đi.
– Vậy tôi đi trước nhé! Chúc cô thành công.
Chẳng mấy khó khăn, tôi đã làm quen và xin được số điện thoại của Lệ Quyên – người phụ nữ vừa mới bị đối xử tệ bạc. Có lẽ, phụ nữ với phụ nữ dễ đồng cảm hơn nên cô ấy rất cởi mở với tôi. Tôi đã chân thành an ủi và động viên Lệ Quyên.
—
Thay đồ xong, chúng tôi chưa về đồi trà vội. Khôi Nguyên biết tôi ưa ăn vặt nên ảnh đưa tôi đi khu phố đi bộ chơi, sau đó sẽ ghé vào một quán sữa đậu nành ở đường Tăng Bạch Hổ.
Khu phố đi bộ đông đúc người từ nhiều phương đổ về, thành phần chủ yếu là khách du lịch và dân bản xứ. Những con người mang trên mình đủ các loại trang phục khác nhau, từ những thứ tồi tàn rách rưới nhất đến những thứ xa hoa lộng lẫy nhất. Một đám người vây quanh một xe kẹo bông gòn, đám khác ngồi xít lại bên những bếp than hồng đang nước các loại bánh tránh mỡ hành với phô mai, khô bò… Những cái bánh tráng nóng giòn thơm phức quyện vào lưỡi vị mặn ngọt được đặt trên những cái đĩa nhựa, khi cái bánh tráng đang còn bốc hơi nóng hổi, người ta sẽ dùng kéo cắt rụm nó ra thành từng miếng giống như ăn pizza. Tương đen và tương đỏ xịt chung một chén rồi trộn đều với nhau. Khi ăn, người ta sẽ chấm miếng bánh tráng giòn tan vào những cái chén tương. Ở những gian hàng ăn uống, người ta sẽ liên tục ngửi được mùi bắp nướng thơm thơm, mùi bắp rang bơ… Những xiêng thịt bò cuốn lá lốt xèo xèo trên bếp than đỏ hỏn. Những đại lý bán hàng tạp hóa, bán đồng hồ, bán dụng cụ thể dục thể thao, bán linh kiện điện tử… những cửa hàng đó vẫn thắp đèn sáng trưng đón chào du khách đến thành phố tham quan, mua sắm. “Mua dô… mua dô… 50 ngàn… 50 ngàn… 50 ngàn… mua dô” “Bà con cô bác gần xa… hàng đẹp… đẹp mà còn rẻ nữa… mua ba cái tặng một cái… tính tiền ba cái…lại đây coi đi bà con cô bác ơi…” Đồ xôn trải bạc nằm chất đống bên lề đường. “Tuýt… tuýt… tuýt…” tiếng còi báo động của lực lượng an ninh, đội giữ gìn trật tự phường 1 đang làm việc, họ đang ra sức bắt giữ xe cộ phạm luật, và những người bán hàng đang lấn chiếm lòng lề đường… Khu phố vào giờ đi bộ ngăn cấm các loại phương tiện giao thông lưu hành, trừ những người buôn bán họ chỉ được dắt xe đi bộ chứ không được ngồi lên chạy… tôi thấy một người thanh niên, hình như chưa biết luật nên chạy xe máy vào trong khu phố, một người mặc đồ dân quân chạy đến vừa thổi còi, vừa lấy dùi cui quất vào lưng người thanh niên đó… xảy ra tranh cãi… ít phút sao một xe cơ động đến hốt người thanh niên và chiếc xe của anh ta lên, áp giải về đồn. Tiếng cười, tiếng nói râm rang không khí hội hè. Những mặt người với đủ các trạng thái, buồn, vui, hờn giận… Tiếng guitar, tiếng gõ thùng, tiếng hát của mấy bạn trẻ ngồi xếp lại thành hình vòng tròn ở ngay giữa trung tâm khu phố đi bộ. Họ đang ca những bài hát thịnh hành của giới trẻ, những thể loại dance rất sôi động. Ánh đèn rực rỡ muôn màu xung quanh chúng tôi.
Đi dạo phố chán rồi, Khôi Nguyên mới dẫn tôi đi uống sữa đậu nành. Quán sữa có rất nhiều người, họ ngồi tràn ra con đường chật hẹp. Những cái bàn nhựa và những chiếc ghế nhựa xếp từng chồng lên nhau. Người phục vụ sửa soạn cho chúng tôi một bàn tươm tất. Chúng tôi gọi hai ly sữa xanh phụng – sữa đậu xanh trộn với đậu phụng. Và một dĩa bánh gồm có: bánh da lợn, bánh su, bánh tiêu… Chúng tôi vừa uống sữa nóng, vừa ăn bánh… nói chuyện vui vẻ với nhau. Khôi Nguyên nói mấy câu hài hước khiến tôi cười muốn vỡ cả bụng luôn. (Khôi Nguyên uống sữa nhưng không bỏ đường. Anh ấy cũng không ăn bánh. Tất cả đồ ngọt là dành cho tôi.)
Những tiếng nói, tiếng cười của mọi người xung quanh im hẳn lại, khi một nhóm thanh niên mới trông qua nhân dạng là biết một lũ không ra gì. Đứa thì đầu xanh, đầu đỏ. Đứa thì mặt mày láo ngáo, có đứa vừa đi vừa cơn cơn như muốn thách thức, muốn gây sự với người khác.
Chúng hộ tống một gã nhìn rất công tử bảnh bao, đầu tóc chải chuốt, xịt keo bóng loáng, kẹp nách hai bên gã công tử đó là hai cô gái ăn mặc rất phản cảm, hở han.
Chúng đến đạp bàn đạp ghế, thái độ coi pháp luật và mọi người chẳng ra gì. Ngang tàng, hóng hách, và làm ra vẻ cha chú người khác.
– Chủ quán, mau dọn một bàn vời đầy đủ các thứ ra đây! – Một thằng trong bọn nói quát mắng người ta.
Ông chủ ra hiệu cho người phục vụ đến sắp xếp cho bọn chúng. Bọn mất dạy đó có cả thảy 10 tên, tên cầm đầu – tức là gã công tử – thái độ rất láo xược, bắt chéo chân ngồi ghế chủ tọa, hai cô gái theo hầu nó người thì dùng thìa đút sữa cho nó uống, người thì đút thuốc cho hút, thỉnh thoảng lại mớm cho nó một mẫu bánh vào mồm.
Ngồi sau lưng nó là một đôi trai gái – nhìn cách ăn mặc chắc là khách du lịch. Cô gái nhìn có vẻ rất xinh nên bọn chúng để ý, “thằng anh đại” ra mắt cho mấy thằng kia biết, nó chuẩn bị chơi một trò rất thú vị… liền đó nó luồn tay ra sau nhéo vào mông cô gái.
– Á…
Cô gái giật mình đứng phắt dậy. Cả bọn cười hí hố. Cô gái tức quá chửi nó:
– Đồ biến thái!
“Hố hố hố…” – Cả bọn lại cười tiếp. Cô gái bị chúng làm nhục đứng lên, cùng người bạn trai của mình bỏ đi.
Có một bà lão ăn xin đang ngồi la lết bên kia đường, thằng công tử nghĩ ra một trò chơi mới. Nó lấy một cái bánh su trên đĩa, thả xuống đất, sau đó nâng đôi chân ngà ngọc đi giày hàng hiệu lên, dẫm bẹp cái bánh… nó lượm cái bánh lên ném thẳng vào cái nón lá của bà lão đang chìa ra xin xỏ. Rồi cả bọn tiếp tục cười hí hố.
Mọi người xung quanh ai cũng hận bọn chúng đến tận xương tủy, nhưng không dám làm gì, vì bọn chúng rất đông và mất dạy.
Có thằng bé ăn xin đi từ đâu lại, nó đi xin bàn này đến bàn khác; thằng bé ốm o, mặt mày len luốt, ước chừng 10 tuổi. Thằng bé này hình như không nằm trong đội thám tử nhí của Khôi Nguyên, có lẽ nó đi ăn xin là theo lệnh của bọn đại ca. Nó đi qua các bàn rồi lần đến bàn của thằng công tử.
– Chú ơi! Chú ơi! – Nó chìa tay ra.
– Cút đi thằng nhóc! – Thằng công tử trừng mắt.
Thằng bé sợ quá quay mặt bỏ đi, vô tình quẹt chân vào cái bàn làm ly sữa của thằng công tử nghiêng đổ, sữa chảy dính vào cái quần hàng hiệu của nó, khiến nó lồng lộn lên:
– Má, mày!
Nó liền đứng lên túm lấy cổ áo của thằng bé, tát liên tục mấy cái vào mồm thằng bé, khiến thằng bé chảy cả máu miệng.
– Hu… hu… hu… – Thằng bé khóc la thảm thiết.
Thằng công tử chưa hả dạ, nó bóp sau gáy của thằng bé ăn xin, nhấn cổ nó xuống bàn, rồi lấy chân đạp lên.
– Mày dám làm bẩn đồ của ông hả thằng chó. – Nó nghiến răng, nghiến lợi.
– Chú tha cho cháu… tha cho cháu…- Thằng bé van xin, máu miệng nó nhỏ từng giọt lên bàn.
Khôi Nguyên đứng phắt dậy, tiến lại chỗ thằng công tử. Không nói năng gì, ảnh nắm lấy cổ áo nó quất cho một đấm như búa tạ vào mặt nó, cú đấm khiến cho thằng công tử té bật ngửa ra sau, nằm giật giật như con cá mắc cạn.
Mấy thằng kia đứng lên ùa vào tấn công ảnh. Một thằng đạp vào lưng ảnh, bị ảnh chụp được chân, liền đó ảnh đạp thẳng chân vào khớp gối chân trụ của nó, khiến nó rú lên một tiếng lăn ra quằn quại.
Bọn nó vây lại ôm lấy anh ấy, nhưng anh ấy nhanh nhẹn luồn tránh, không để cho bọn nó ôm được. Mọi người nép sang hết một bên quan sát cuộc ẩu đả. Một trận chiến không mấy khó khăn với Khôi Nguyên khi đối mặt với bọn ruồi bu đó.
Một thằng liều mạng lao vào ăn ngay một đạp gữa mặt bật ngửa ra sau với khuôn mặt đầy máu me.
Hai thằng chồm lại từ phía sau lưng, dính liền hai cùi chỏ răng môi lẩn lộn, ôm miệng môi máu nằm sóng soài ra đường.
Mấy thằng còn lại thấy tình hình có vẻ không ổn cho lắm(!) Nên bỏ mặc bọn kia nằm lại, lo tìm đường thoát thân. Mọi người vỗ tay ầm ầm, hết lời khen ngợi Khôi Nguyên.
“Hú… hú… hú” – Tiếng còi xe của lực lượng cơ động vang lên. Chiếc xe dừng lại, một nhóm dân quân nhảy xuống xe, trên tay cầm dùi cui sấn tới Khôi Nguyên…