Đọc truyện Thâm Cung – Chương 751
Năm xưa hậu cung của Tiên đế có trên dưới sáu mươi phi tần, chưa kể đến những giai nhân bất hạnh không có phúc hưởng hoàng ân.
Trong số đó lại chỉ có khoảng hai mươi người từng được coi là sủng phi.
Con số này nói nhiều không nhiều, nói ít không ít.
Có người may mắn được sủng ái vài năm, lại có người chỉ chóng vánh mươi ngày đã rơi vào quên lãng.
Hậu cung giai nhân nhiều như hoa trong vườn ngự uyển, đợt này tàn, đợt khác lại nở.
Tiên đế có thể nuông chiều Trang phi, dung túng An chiêu nghi, nhưng người mà ngài thực lòng tín nhiệm thì trước sau chỉ có thái hậu mà thôi.
Tiên đế đối với thái hậu có phải chân tình hay không, chẳng ai dám chắc.
Thế nhưng Tiên đế xem trọng bà ra sao, trong cung không ai là không tỏ tường.
Khi xưa mỗi dịp sinh nhật bà, Tiên đế đều sai người đi khắp thiên hạ tìm về những gánh hát xuất sắc nhất, lại tự mình đốc thúc bọn họ tập dượt.
Vất vả thế nào ngài cũng không ngại, chỉ mong đổi lấy một nụ cười của hồng nhan tri kỉ.
Đến một năm nọ, thái hậu xem hát nhiều đã chán, Tiên đế không muốn bà mất hứng bèn lệnh cho lục cung phải tự mình chuẩn bị tiết mục giúp vui trong thọ yến của bà.
Từ đó thành lệ, cứ đến sinh nhật thái hậu, mỗi cung phải chọn ra một tiết mục do chính phi tần trong cung đó biểu diễn.
Bất luận là ca múa hay đánh đàn, ngâm thơ, chỉ cần khiến thái hậu ưng ý thì cả cung liền được trọng thưởng.
Lệ ấy kéo dài tận sáu, bảy năm, mãi đến lúc Tiên đế băng hà mới bỏ.
Chuyện cũ đã qua lâu, ấy thế mà chẳng hiểu sao hôm nay lại có người nhắc tới.
Mà kẻ mồm miệng xúi quẩy đó, không ai khác ngoài Triệu Lam Kiều.
– Năm trước hậu cung xảy ra vài việc không may, Lão Phật Gia cũng thường xuyên đau ốm.
Muội cho rằng chúng ta nên nhân dịp thọ yến người mà tạo chút không khí vui tươi, vừa là chúc thọ Lão Phật Gia, vừa là cầu phúc cho hậu cung.
Các vị tỷ muội nghĩ sao?
Triệu Lam Kiều chân thành kiến nghị xong, mắt nhung lúng liếng nhìn quanh một lượt chờ đợi.
Ta biết tâm tư Triệu Lam Kiều chẳng hề đơn giản.
Nàng ta nhắc lại chuyện này, e rằng không chỉ là vui miệng.
Nhưng những nữ tử kia vừa nghe đến cơ hội phô diễn tài sắc trước mặt hoàng đế thì lập tức hớn hở ra mặt.
Dương Ngọc Huệ sợ hoàng hậu không chấp thuận, vội vàng nói:
– Có thể tận lực vì Lão Phật Gia, chúng thần thiếp đương nhiên là đồng ý.
Quỳnh Tử Yên vì đụng độ Phong Thể Minh mà bị giáng xuống quý tần, ân sủng phai nhạt, oai phong cũng chẳng còn.
Bấy lâu nay nàng ta sợ bị chế giễu nên luôn cẩn thận giữ miệng, nhưng lúc này vừa đánh hơi thấy thời cơ phục sủng đã không nhịn nổi mà cất tiếng:
– Đức phi nương nương suy nghĩ thực thấu đáo! Tâm ý của nương nương, Lão Phật Gia mà biết được nhất định sẽ rất vui!
Hoàng hậu im lặng lắng nghe mọi người bàn tán chán chê rồi mới quay sang hỏi ta:
– Hiền phi thấy thế nào?
Ta giật mình, kính cẩn đáp lời:
– Mọi việc xin theo ý hoàng hậu nương nương ạ.
Hoàng hậu gật đầu, dịu dàng đáp:
– Nếu đã vậy, các muội bắt đầu chuẩn bị đi.
Cứ theo lệ cũ mà làm, mỗi cung chọn ra một tiết mục rồi luyện tập thật tốt để biểu diễn.
Tiết mục nào được Lão Phật Gia vừa ý nhất, thưởng ngàn lượng hoàng kim.
Đại điện vì câu nói này của hoàng hậu mà sôi động hẳn lên.
Thái hậu có vừa ý hay không chỉ là việc thứ yếu, quan trọng là người ngự ở ngôi cao cửu ngũ kia kìa.
Do sức khỏe hoàng đế không tốt nên đợt tuyển tú mùa xuân năm nay bị hoãn lại.
Thế nhưng khai chi tán diệp cho hoàng tộc là chuyện hệ trọng, tiến hành tuyển tú chỉ là việc sớm muộn mà thôi.
Chúng phi đều hiểu rõ thời gian của mình không còn nhiều, đợi đến khi hậu cung lại ngập tràn những đóa hoa tươi mới, hoàng đế khó mà nhớ đến người cũ.
Vì vậy, đề nghị của Triệu Lam Kiều vừa hay chính là thời cơ ngàn năm có một cho bọn họ.
Ai ai cũng hoan hỉ, ánh mắt sáng rực quyết tâm, chỉ có ta là lo lắng không yên.
Tuy nói rằng mỗi cung một tiết mục nhưng theo lệ cũ thì người biểu diễn thường là cung chủ.
Cầm nghệ của Minh Du nức tiếng kinh thành, Triệu Lam Kiều từng dùng thư pháp chinh phục trái tim hoàng đế, còn những người khác đều được học qua cầm kỳ thi họa từ nhỏ.
Nhìn lại bản thân, ta có tài cán gì để giúp vui cho thái hậu đây? Không thể dùng đến ngón đàn kinh thiên động địa kia được.
Thái hậu nghe xong chỉ tổ tổn thọ thôi.
Nhưng chẳng lẽ lại đem món khinh công ăn trộm ra biểu diễn, trong chớp mắt bay đến Ngự thiện phòng chôm chỉa một mâm thức ăn về dâng lên thái hậu?
Ta vốn đã tin rằng buổi sáng hôm nay không thể tồi tệ hơn được nữa.
Ai dè đúng lúc ấy, bên Nội thị giám lại cho người tới tuyên chỉ sắc phong Tô Nhược thành chính ngũ phẩm sung hoa, ban thưởng theo quy định.
Tin này chẳng khác nào sét đánh ngang tai chúng phi.
Nghe xong thánh chỉ, ai nấy đều sững sờ.
Một nữ tử được hoàng đế tiện tay nhặt bên đường về, xuất thân thấp kém, dung mạo cũng chẳng có gì nổi bật, ấy thế mà vừa nhập cung đã được phong làm lục phẩm uyển nghi, thêm một lần sủng hạnh lại thăng thêm ba bậc.
Ngay cả hoàng hậu dù ngoài mặt vẫn tươi cười nhưng ánh mắt đã trầm xuống mấy phần.
Ân sủng như thế đúng là khó gặp, khiến người ta không thể không nghi ngờ mục đích đằng sau.
Tuy nhiên có hoàng hậu ở đây, đám phi tử không dám cuồng ngôn loạn ngữ như trước, chỉ có thể gượng cười nói vài lời chúc mừng sáo rỗng.
Riêng Liễu Yến Yến giận đến tái mặt, mắt sắc như dao chằm chằm nhìn ta không rời.
Thừa lúc không ai để ý, nàng ta liền nghiêng đầu ghé sát vào ta, nghiến răng nghiến lợi:
– Không ngờ ngươi lại vô dụng như thế! Hoàng thượng đã đến chỗ ngươi, thế mà có mỗi việc giữ chân hoàng thượng cũng không làm được.
Người như ngươi dựa vào cái gì để làm hiền phi?!
Thực ra hoàng đế mới nghỉ lại chỗ Tô Nhược một đêm.
Liễu Yến Yến vốn cho rằng chẳng có gì to tát nên vừa rồi mới cao hứng trêu chọc ta.
Ngờ đâu một đêm ngắn ngủi ấy đã mang về cho Tô Nhược một chức sung hoa, Liễu Yến Yến đương nhiên chẳng cười nổi nữa.
Một đám nữ tử ghen tuông ngồi cùng một chỗ khiến bầu không khí ủ dột hẳn đi, chút hứng khởi ban nãy đã bay biến hết.
Hoàng hậu hẳn cũng thấy mệt mỏi nên chỉ dặn dò thêm vài câu đã cho mọi người giải tán.
Liễu Yến Yến ném cho ta một cái lườm sắc lẻm rồi mới ngúng nguẩy trở về.
Ta cảm thấy diễn trò như vậy cũng đủ rồi, bèn vội vã lau mồ hôi lạnh rồi nhanh chóng rời đi.
Vừa bước chân ra khỏi đại điện, ta chợt nghe một giọng nói trong trẻo vang lên sau lưng:
– Hiền phi nương nương, xin dừng bước…!
Ngoảnh đầu nhìn lại, thì ra là Minh Du.
Nàng chậm rãi bước đến trước mặt ta, nở nụ cười điềm đạm:
– Hình như nương nương đánh rơi khăn tay này.
Nói rồi nàng từ tốn đưa chiếc khăn lụa cho ta, cử chỉ lễ phép không chút sơ hở.
– Đa tạ Minh phi.
Ban nãy ta đi vội quá nên bất cẩn đánh rơi, may mà có muội muội.
Ta mỉm cười nhận lại khăn tay.
Minh Du khẽ gật đầu, không nói thêm gì.
Bất luận hậu cung có sôi sục thế nào, kẻ nào đắc sủng, người nào vong mạng, nét mặt của Minh Du vẫn luôn bình thản như vậy.
Dường như chẳng có điều gì nằm ngoài dự tính của nàng, càng không có thứ gì khiến nàng phải nao núng.
Sự ung dung tự tại ấy làm ta vừa ngưỡng mộ lại vừa ghen tị.
Một làn gió ấm áp khẽ lùa qua mái tóc đen mượt của Minh Du, mang theo hương lam thụy liên thoang thoảng khiến lòng người thư thái.
(1) Ta lướt mắt nhìn gương mặt bình lặng kia một lần nữa, lòng hiếu kì chợt dâng lên.
Sóng to gió lớn đang chờ phía trước, không biết nàng sẽ đối phó thế nào?
Cáo từ Minh Du xong, ta sải bước đi về phía kiệu đang chờ sẵn, không ngờ lại gặp Triệu Lam Kiều dừng kiệu bên đường.
Nàng nhếch môi cười, giễu cợt nhìn chiếc khăn trong tay ta:
– Chiếc khăn tay này trông cũng không tệ.
Đồ tốt như vậy, đáng lẽ nương nương nên giữ gìn cẩn thận một chút, đừng để rơi vào tay kẻ khác.
Có những thứ một khi đã rời khỏi tay mình thì không dễ lấy lại đâu.
Ta chẳng dư hơi đi đôi co với nàng, chỉ lẳng lặng lên kiệu về thẳng Cẩm Tước cung.
Từ lúc biết Bạch Diệu Hoa thường xuyên bị Tô Nhược khó dễ, ta đã kiếm cớ gọi nàng sang chơi mỗi buổi sáng.
Sớm nay không thấy nàng tới, ta nghĩ có thể nàng ngủ dậy trễ nên cũng không cho người sang gọi.
Thế mà vừa trở về đã gặp nàng ngồi đợi sẵn trong phòng, bên cạnh còn có một cái hộp gỗ nhỏ.
– Tỷ tỷ, có chuyện này tỷ cần phải biết.
Vừa trông thấy ta bước qua ngưỡng cửa, Bạch Diệu Hoa đã lên tiếng.
Nhìn sắc mặt nàng có chút nghiêm trọng, ta hiểu ngay chuyện nàng muốn nói nhiều phần có liên quan đến việc tối qua.
– Sao thế?
Ta cởi áo khoác ngoài rồi bước đến ngồi cạnh Bạch Diệu Hoa.
Ngọc Nga biết ý, lập tức lui ra ngoài khép cửa.
Bạch Diệu Hoa nhìn quanh một lượt rồi mới nhẹ nhàng mở hộp gỗ, lấy ra một cái lò hương chạm hình hoa lan xinh xắn đưa cho ta:
– Tỷ xem, đây rốt cuộc là cái gì?
Ta đã lờ mờ đoán được nội tình, liền đón lấy lò hương mở ra xem.
Bên trong chỉ còn một ít hương chưa cháy hết, mới ngửi qua thì khá giống loại hương thông thường được phát cho lục cung, nhưng vẫn phảng phất chút mùi kì lạ.
Ta cắn môi nghĩ ngợi…!Nhất định đã gặp qua ở đâu đó, chỉ là nhất thời ta chưa thể nghĩ ra.
Bạch Diệu Hoa lẳng lặng bốc một nhúm vụn hương thả vào ngọn đèn nhỏ bên sạp gỗ.
Ngọn đèn lách tách vài tiếng vui tai, rồi một hương thơm nồng ấm chầm chậm lan tỏa khắp phòng.
Sống lưng ta chợt gai lên.
Ta rốt cuộc cũng nhớ ra.
Mùi hương này có mấy phần giống với An Liễm hương của Tương Huyền đưa đến khi trước.
Trong An Liễm hương có chứa một phần nhỏ an thần dược, còn lại là hương liệu chế từ hoa cỏ.
Nhưng hương trong lò này đến chín phần đều là an thần dược, trâu bò ngửi phải còn lăn ra ngủ nữa là con người.
Ta đặt lò hương trở vào hộp gỗ, ngước nhìn Bạch Diệu Hoa:
– Thứ này muội lấy ở đâu?
Bạch Diệu Hoa khẽ cười:
– Sáng nay muội thấy Ngọc Lăng sai một tiểu thái giám đem thứ này đi vứt.
Muội hiếu kì nên mới bảo Tư Dao đi theo lén nhặt về.
Ta siết chặt nắm tay, giọng nói cũng lạnh đi:
– Không ngờ nàng ta lại chán sống đến mức này.
Bàn tay mềm mại của Bạch Diệu Hoa khẽ phủ lên tay ta, nàng thấp giọng nói:
– Nàng ta đã chán sống như thế, chi bằng tỷ tỷ thành toàn cho nàng ta một lần?
Ta thở dài, nặng nhọc đáp:
– Nếu đơn giản như thế, tỷ đã chẳng để nàng ta tác quái đến tận bây giờ.
Bạch Diệu Hoa ngây người nhìn ta, trong thoáng chốc ánh mắt trở nên ngỡ ngàng.
Nàng cúi đầu, bật cười khô khốc:
– Thì ra là thế.
Muội ngốc quá phải không? Trò vặt vãnh này sao có thể qua mắt hoàng thượng chứ? Nàng ta đắc ý như vậy, chẳng qua vì hoàng thượng cho nàng ta được đắc ý mà thôi.
Ta lật tay lại, dịu dàng nắm lấy tay nàng:
– Muội đừng nghĩ nhiều.
Người như Tô thị cũng chẳng đắc ý được bao lâu.
Bạch Diệu Hoa khẽ gật đầu:
– Bất quá chỉ là một quân cờ khác thôi.
Ở chốn này, có ai không phải một quân cờ kia chứ?
Trên môi Bạch Diệu Hoa thoáng hiện một nụ cười mơ hồ.
Ta bỗng nhớ đến đóa phong quỳ lụa hôm trước, bèn nghiêm túc nói với nàng:
– Bây giờ tuy hoàng thượng xem trọng Tô thị nhưng muội cũng không cần vì nàng ta mà chịu ấm ức.
Bạch Diệu Hoa liếc nhìn lò hương trong hộp, nụ cười trên môi lạnh đi:
– Tô thị ức hiếp muội thế nào, muội đều cho qua được.
Nhưng lần này nàng ta dám giở trò trên đầu tỷ, muội tuyệt đối không tha thứ.
Chẳng đợi ta kịp đáp lời, Bạch Diệu Hoa đã lạnh lùng nói tiếp:
– Chút việc nhỏ nhặt này, tỷ không cần bận tâm.
Muội sẽ không làm hỏng việc của hoàng thượng đâu.
Rất hiếm khi ta thấy Bạch Diệu Hoa sắc bén như thế, những lời khuyên can chưa kịp nói ra đều bị nuốt trở vào.
Bạch Diệu Hoa là người biết cân nhắc nặng nhẹ, ta nghĩ mình không cần quá lo âu.
______________
Chú thích:
(1) Lam thụy liên: Hoa súng xanh, một loài hoa có nguồn gốc từ Ai Cập nhưng cũng được trồng ở Tiểu lục địa Ấn Độ và Thái Lan.
Hoa có đường kính 10-15 cm, cánh màu xanh tím hơi phớt vàng ở gần nhị, có hương thơm dễ chịu nên được dùng để sản xuất nước hoa từ thời cổ đại.
Hoa súng xanh có nhiều ý nghĩa khác nhau: theo quan niệm của người Ai Cập thì nó biểu trưng cho sự tái sinh và tài hùng biện, còn theo quan niệm đạo Phật thì hoa súng xanh là biểu tượng của tri thức.