Đọc truyện Thâm Cung – Chương 45
Thời gian cứ nhàn nhạt trôi qua.
Chừng đâu mười hôm sau, Linh Lung các truyền ra tin Quách Ngữ đột ngột phát bệnh lạ, toàn thân nổi mụn nhọt. Ban đầu chỉ có vài nốt lưa thưa, về sau càng lúc mụn càng dày, chỉ trong vài ngài đã lan khắp mặt mũi. Quách Ngữ kinh hoàng, thái y cũng tái mặt. Thế nhưng chuyện này là do Hoàng Hậu sắp đặt, Thái y viện đương nhiên không dám khám ra bệnh gì, chỉ mập mờ nói do thời tiết thay đổi rồi kê vài thang thuốc thanh nhiệt tiêu độc thường thường. Quách Ngữ uống thuốc mãi không khỏi bệnh, bộ dạng nghe đâu vô cùng thảm hại. Cuộc sống ở Hậu cung vì thế mà có thêm vài chuyện náo nhiệt. Ban đầu nghe nói Quách Ngữ nổi mụn nhọt toàn thân, mấy nữ tử ở đây ai nấy đều hào hứng hẳn lên. Cả Liễu Yến Yến lẫn đám người Dương Quý cơ, Quỳnh Thục nghi, Giang tần đều lần lượt kiếm cớ đến Linh Lung các thăm hỏi, cốt yếu là để xem Quách Ngữ đã thảm đến mức nào. Chuyện mà đám phi tử tán dóc mỗi buổi sáng chuyển từ gấm vóc lụa là, trang sức, son phấn sang việc hôm nay Quách Uyển nghi đã nổi thêm mấy cái mụn. Còn có người cá cược xem ngày mai Quách Uyển nghi lại nổi thêm mấy cái mụn. Từ ngày Quách Ngữ đổ bệnh, Hoàng Đế không còn lui tới Linh Lung các nữa. Lý Thọ có đưa đồ sang thăm bệnh một lần nhưng cũng chỉ là làm cho có hình thức thôi. Bởi vậy tâm tình của Liễu Yến Yến cực kì tốt, mỗi ngày đến thỉnh an đều ăn vận xinh đẹp, cười tươi như ngàn hoa nở rộ, thậm chí còn có lần nói đùa với cả ta, khiến ta không khỏi nổi da gà.
Hậu cung vui vẻ, Hoàng Hậu đẹp lòng, thiên hạ thái bình.
Cho đến hơn một tháng sau, cảnh thái bình thịnh thế đó đột nhiên chấm dứt. Sự việc bắt nguồn từ một ngày nắng ấm áp, Dương Quý cơ và Giang Tần vui vẻ khoác tay nhau đi đến Linh Lung các xem trò vui, vậy mà lúc trở ra, mặt mũi cả hai người đều xám ngoét không còn giọt máu. Từ trong cung bắt đầu lan truyền tin đồn Quách Uyển nghi bị quả báo cho nên mụn nhọt trên người chẳng những càng ngày càng dày đặc mà còn khoét sâu đến tận xương, da thịt máu mủ lẫn lộn, không còn hình dạng con người nữa. Sự vui vẻ ban đầu khi Quách Ngữ mới đổ bệnh dần dần tiêu tán, Hậu cung chìm trong hoảng loạn. Người chưa biết thì khăng khăng đòi tới xem tận mắt, kẻ thấy tận mắt rồi thì sợ đến ngã bệnh. Dần dần, có người bắt đầu liên kết chuyện Quách Ngữ bị bệnh lạ với chuyện ta bị người thả rắn độc lên giường, thế là sinh ra vài lời đồn kì bí, lại bới lên cả những chuyện cũ. Lời đồn thì nhiều nhưng nội dung đại khái cũng chỉ có một: Quách Uyển nghi khi còn là Thường tại từng đắc tội Hòa phi, bị Hòa phi trách phạt nên đem lòng oán hận. Đến khi đắc sủng, Quách Uyển nghi bèn đem chuyện cũ dèm pha bên tai Vạn tuế gia, chẳng ngờ Hòa phi thủ đoạn cao siêu, Quách Uyển nghi không những không báo được thù lại còn bị phạt. Thù cũ thù mới chồng chất, Quách Uyển nghi trong lúc nóng giận, nghĩ ra hạ sách thả rắn độc hòng hại chết Hòa phi. Đáng tiếc Hòa phi lại cao tay hơn. Kết cục Quách Uyển nghi thua đến thảm hại, dở sống dở chết.
Câu chuyện ân oán tình thù này càng đồn đại càng trở nên li kì, mang tầm cỡ thâm cung bí sử. Trước tình thế này mà Hoàng Hậu vẫn bình chân như vại, chỉ lệnh đóng cửa Linh Lung các để Quách Ngữ tĩnh dưỡng. Còn ta dù bề ngoài ung dung như không có chuyện gì nhưng trong lòng từ lâu đã chẳng được yên.
Thực ra ta không sợ những tin đồn nhảm nhí này. Ở trong cung chẳng có mấy người thực sự tin, bọn họ cũng chỉ là kiếm chút chuyện nói cho vui miệng mà thôi. Mỗi ngày thêm vài lời đả kích, ta cứ cười cười làm như không hiểu là được. Chuyện khiến ta lo lắng là bệnh tình của Quách Ngữ. Về lí mà nói, ta đã giảm lượng độc chính lại, cùng lắm cũng chỉ nổi mụn nhọt ngoài da vài tháng là khỏi, sao có thể trở nên thê thảm như vậy? Chẳng lẽ vì Quách Ngữ từng mấy thứ thuốc độc hại để thay đổi diện mạo nên cơ thể yếu hơn người thường? Hay là còn nguyên do nào khác? Nghi vấn này cứ luẩn quẩn trong đầu ta, nhưng vì ta đã bỏ sót một chi tiết cho nên nghĩ mãi cũng không thông.
Phải đến lúc Linh Lung các truyền ra tin Uyển nghi Quách thị qua đời, ta mới ngộ ra mảnh ghép mình vẫn luôn bỏ sót.
Tin này truyền ra đúng lúc chư phi đang dự lễ thỉnh an ở Triêu Lan cung.
Quách Ngữ không qua khỏi vốn là điều đã được đoán trước nên không mấy ai ngạc nhiên, hầu hết chỉ nói vài câu thương cảm xã giao hờ hững.
Triệu Lam Kiều lại mất thêm một quân cờ nhưng cũng chẳng tỏ vẻ gì, chỉ nhìn ta cười ẩn ý:
“Bình thường Quách thị luôn có hiềm khích với tỷ tỷ. Bây giờ nàng ta chết rồi, tỷ tỷ lại được ngủ ngon, chẳng phải lo trong chăn có thứ gì kì quái.”
Cái chết của Quách Ngữ khiến ta hơi dao động, có điều chút dao động đó chẳng đủ làm ta mất bình tĩnh. Ta cụp mắt nhìn chung trà trên tay, thản nhiên cười:
“Trước kia thần thiếp chỉ có duyên gặp Quách Uyển nghi một lần, từ đó về sau vẫn chưa từng tái kiến, sao có thể có hiềm khích gì? Cẩm Tước cung nhiều cây cối, khó tránh có vài con vật nhỏ lạc vào.”
“Ồ, nếu thế mấy lời đồn kia đều là nhảm nhí rồi.”
“Đức phi nương nương sáng suốt, đúng là nhảm nhí cả.”
“Dù sao thì tỷ tỷ cũng nên cẩn thận. Cẩm Tước cung nhiều cây cối, không chừng sẽ lại có vài con vật khác đi lạc đấy.”
“Nương nương dạy phải, thần thiếp xin ghi nhớ trong lòng.”
Mặc kệ Triệu Lam Kiều nói xiên nói xỏ thế nào, ta vẫn cứ trưng ra dáng vẻ bánh gạo dẻo quẹo, bóp không bể, đè không nát. Triệu Lam Kiều đấm bị bông một hồi, xem chừng đã mất hứng liền hừ lạnh một tiếng, không thèm đả động đến nữa.
Lễ thỉnh an kết thúc, Hoàng Hậu giữ ta ở lại. Chuyện như vậy vẫn thường xảy ra nên chẳng ai lấy làm lạ. Chỉ có Trịnh Vân Anh quanh quẩn một hồi thấy Hoàng Hậu không đả động đến mình đành tiu ngỉu ra về. Mấy chuyện dơ bẩn thế này Hoàng Hậu tất nhiên không đành lòng để Trịnh Vân Anh nghe đến.
Đợi người khác đi cả rồi, Hoàng Hậu mới rời ghế phượng, bước đến đặt tay lên vai ta, dịu giọng hỏi:
“Nguyệt nhi, muội không có chuyện gì muốn hỏi ta sao?”
Ta ngẩng đầu nhìn Hoàng Hậu, khẽ mỉm cười:
“Quyết định của tỷ tỷ, muội không có gì thắc mắc.”
Đôi mắt đen láy như hắc cẩm thạch của Hoàng Hậu thăm thẳm xoáy vào ta, một hồi sau nàng mới cất tiếng thở dài:
“Ta biết, lòng dạ muội lương thiện, cho nên những việc không lương thiện, ta đã thay muội làm rồi. Cái chết của Quách thị không phải do muội, muội không cần nặng lòng.”
Nhìn thấy ta vẫn cúi đầu lặng yên, Hoàng Hậu lại dịu dàng khuyên giải:
“Muội có thể trách ta, ta bằng lòng để muội trách, chỉ cần muội đừng để trong lòng. Lúc này, giữa hai người chúng ta không thể có khúc mắc được.”
Bàn tay của Hoàng Hậu rất đẹp, từng ngón đều trắng nõn nà, thon dài mảnh dẻ, vậy mà để trên vai ta lại có cảm giác nặng như thái sơn đè xuống.
Phải, nút thắt mà ta bỏ sót lâu nay chính là Hoàng Hậu. Người như nàng ấy làm sao có thể hoàn toàn tin tưởng ta? Đơn thuốc ta đưa cho nàng, nhất định nàng đã sai thái y nghiên cứu trước, sau đó lại tăng đủ liều lượng độc lên. Vậy mà khi đó ta chẳng nghĩ được điều này. Ta đã quá tham lam, muốn giải quyết phiền phức nhưng cũng muốn chừa cho Quách Ngữ một con đường sống, lại còn muốn bảo vệ Lâm Giang, kéo Hoàng Hậu xuống nước.
Kết cục bây giờ cũng không tệ, phiền phức không còn, Lâm Giang không bị liên quan, Hoàng Hậu phải tự mình lội xuống vũng nước dơ này, cớ sao ta lại không vui nổi?
Nhưng Hoàng Hậu nói cũng không sai. Lúc này ta và nàng không thể có bất cứ khúc mắc nào. Khi trước Hoàng Hậu tỏ ý muốn diệt Quách Ngữ, vậy mà ta lại đưa cho nàng một đơn thuốc chỉ có tác dụng khiến người ta nổi mụn vài tháng. Hành động này của ta phần nào đã là chống đối Hoàng Hậu rồi. Nàng không trách ta đã may mắn. Nếu ta cứ không lên tiếng, Hoàng Hậu nhất định nghĩ ta oán giận, bất mãn nàng. Vì vậy dù chẳng muốn, ta vẫn phải mở miệng nói:
“Muội hiểu nỗi khổ tâm của tỷ, sao có thể trách tỷ. Chỉ là lúc đó, muội nghĩ Quách thị không đáng chết cho nên mới nhẹ tay… Thực ra muội không có ý chống đối tỷ đâu.”
Hoàng Hậu nở nụ cười ấm áp, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh ta:
“Muội đã hiểu khổ tâm của ta, ta dĩ nhiên cũng hiểu thành ý của muội. Nhưng mà cái chết của Quách thị thực ra không oan uổng đâu.”
Ta mơ hồ đưa mắt nhìn nàng:
“Tỷ tỷ…”
Hoàng Hậu cười nhẹ một tiếng:
“Có chuyện này muội cũng nên biết. Du Thường tại đêm qua đã chết rồi.”
“Cái gì?”
Ta giật bắn người, suýt chút đánh đổ chung trà trên bàn. Du thị tuy bị Quách Ngữ đánh cho một trận liệt giường nhưng chẳng phải đã được Hoàng Hậu cho thuốc chữa trị rồi sao? Về sau cũng không nghe nói Quách Ngữ tìm nàng gây sự nữa, sức khỏe đáng lẽ phải chuyển biến tốt rồi, sao tự nhiên lại chết?
Hoàng Hậu đỡ chung trà bị ta làm rung rinh, đặt qua một bên, nói tiếp:
“Ta cũng cảm thấy kì lạ nên đã cho Xuân Linh đi Sương đình điều tra ngay trong đêm qua. Kết cục phát hiện trong thuốc bôi trị thương của Du Thường tại có trộn bột ớt. Vết thương chưa lành lại bị bôi thêm bột ớt vào đau đớn đến mức nào kia chứ? Du thị hẳn là chịu không nổi mà lăn lộn, làm rách vết thương ra. Bọn nô tỳ lại cứ lấy thứ thuốc ấy bôi thêm vào, cuối cùng vết thương rách toác, làm độc lở loét đáng sợ. Du thị chết cũng đau đớn không thua kém gì Quách thị đâu.”
Ta nghe mà sững sờ, sống lưng chợt lạnh đi.
“Quách thị vì sao phải làm vậy? Du thị vốn đã không còn tích sự gì…”
Hoàng Hậu mỉm cười lạnh lùng:
“Du thị chẳng còn tích sự gì, ai lại muốn hại nàng ta? E là chỉ có kẻ lòng dạ hẹp hòi như Quách thị mà thôi. Quách thị đối với Du thị tàn độc như thế, hằng ngày còn bắt Liên thị đến hầu như cung nữ hạ đẳng, lại thả rắn độc muốn hại chết muội, muội còn nghĩ ả không đáng chết sao?”
“Cũng là muội suy nghĩ không chu toàn, không nhìn thấy được con người nàng ta.”
“Vậy nên muội không có gì phải áy náy. Đi đến bước này cũng là do ả tự tạo nghiệp thôi.”
Ta ngoan ngoãn gật đầu với Hoàng Hậu, khóe môi khẽ cong lên thành một nụ cười mờ nhạt.
Quách Ngữ tạo nghiệp. Vậy chẳng lẽ việc ta làm không phải cũng là tạo nghiệp sao?
***
Quách Ngữ được an táng ngay sau đó, truy phong làm Uyển dung, chôn trong lăng phi tần. Du thị chưa từng được sủng hạnh, không thể truy phong nhưng Hoàng Hậu vẫn rộng lượng an táng nàng ta theo lễ chế Quý nhân. Ở trên triều, Hoàng Đế cũng thăng chức cho huynh trưởng hai người bọn họ. Mọi chuyện tạm xem là ổn thỏa. Chuyện náo nhiệt ở Hậu cung luôn không ít, cái chết của một Uyển nghi mới đắc sủng và một Thường tại vô danh cũng chẳng làm chỗ này chấn động được bao lâu. Những việc náo nhiệt khác lại bắt đầu chiếm chỗ.
Tháng tám năm Quang Nhật thứ sáu, Hoàng cung tất bật chuẩn bị yến tiệc trung thu.
Trung thu vốn dĩ là dịp gia đình đoàn viên, thế nhưng Hoàng Đế lại sinh ra đúng vào đêm trung thu. Thế nên gia yến trung thu hóa thành quốc yến mừng thọ Hoàng Đế. Bởi vì là quốc yến cho nên không chỉ Hậu cung mà triều thần cũng sẽ vào cung tham dự. Ngày hôm ấy, tất cả các vị đại thần trong triều và cả sứ thần các nước lân cận đều có mặt nên đương nhiên không thể có sai sót gì. Hoàng Hậu vì việc này mà bận đến tối mặt, cả ngày lo đôn đốc Ti Lễ phòng. May mà ta không rành lễ nghĩa nên mấy việc này Hoàng Hậu muốn nhờ cậy ta cũng chẳng được. Hoàng Hậu bận rộn không có thời gian tán gẫu, lễ thỉnh an mỗi ngày cũng chỉ đến chào cho có mà thôi. Ta tuy chẳng phải làm gì nhưng cũng không được rảnh rỗi. Mỗi ngày ta đều phải chăm chỉ thêu túi thơm cho Hoàng Đế, chẳng biết đã làm hỏng bao nhiêu cái, đến tận hôm nay đã là mười bốn ta mới thêu xong một cái hoàn chỉnh. Theo ý Hoàng Đế, trên mặt túi ta thêu hình một đôi phiến vĩ tước chao lượn trên cành cây. Đôi chim này Ngọc Thủy vẽ mẫu cho ta vốn rất đẹp, nhưng vì mũi thêu của ta quá thô kệch nên khi thêu xong liền có cảm tưởng hai con phiến vỹ tước này như bị béo phì, thân mình tròn vo, chẳng còn thấy sự thanh nhã của nét vẽ đâu nữa. Chẳng qua là thời gian gấp gáp, cứ mấy ngày Hoàng Đế lại cho Lý Thọ đến đưa bánh này nước nọ, thực chất là để đốc thúc không cho ta lười biếng, thế nên ta đành tạm hài lòng với đôi phiến vĩ tước béo ú này mà thôi.
Mãi đến buổi chiều ngày mười bốn, lễ phục của ta mới được đưa đến. Ta nghĩ Ti Chế phòng mấy ngày này cũng bận rộn nên không nói gì. Trước nay ta đều không thích khó dễ kẻ khác, những việc nhỏ có thể bỏ qua ta đều bỏ qua. Chỉ đáng tiếc sự khoan dung đó lại bị người ta lợi dụng để giở trò.
Lễ phục phi tần nhất phẩm của ta là hai lớp váy dài bằng gấm màu xanh ngọc, bên ngoài có áo khoác đuôi khổng tước bằng sa mỏng. Trên thân váy thêu họa tiết hoa và mây cách điệu, uốn lượn tinh tế, vừa nhìn vào đã thấy hài lòng. Chính vì quá yêu thích những hình thêu tỉ mỉ trên áo, ta mới ngồi xem cẩn thận từng chi tiết, mà cũng nhờ xem xét cẩn thận, ta mới phát hiện ra hình thêu viền trên tay áo của ta thực ra là phượng hoàng chín đuôi.
Phát hiện này làm lòng ta lạnh đi, thậm chí không dám tin vào mắt mình, ta phải gọi Ngọc Thủy:
“Ngọc Thủy, ngươi lại đây xem. Cái này rốt cuộc là hình gì?”
Khi ấy, Ngọc Thủy đang sắp xếp trang sức và đồ dùng sẵn sàng cho triêu hội sáng ngày mai, nghe ta gọi bèn tiến đến cúi đầu nhìn vào phần tay áo ta đang cầm. Quả nhiên, Ngọc Thủy ở trong cung đã lâu, chỉ vừa nhìn qua đã tái mặt:
“Chủ nhân, đây là phượng hoàng chín đuôi! Thứ này người tuyệt đối không thể mặc!”
Phượng hoàng chín đuôi là loại họa tiết chỉ có chính cung Hoàng Hậu mới được sử dụng.
Ta cắn chặt răng, cố kiềm chế mong muốn xé nát chiếc váy trong tay, gằn giọng:
“Xem ra Ti Chế phòng không thích ta rồi.”
Ngọc Thủy thấy sắc mặt ta không tốt, liền giành lấy bộ lễ phục, hẳn là sợ ta trong lúc nóng giận không nhịn được mà xé đi. Nàng dè dặt nhìn ta:
“Lễ phục của phi tần nhất phẩm đều do nữ quan Chưởng sự tự tay làm, sau đó trình lên Ti trưởng xem lại. Thật không ngờ bọn họ dám làm ra chuyện này… Nhưng lúc tiếp nhận lễ phục, Ngọc Nga chẳng phải đã kiểm tra rồi sao? Lẽ nào…”
Ta mím môi, lặng lẽ lắc đầu:
“Không phải Ngọc Nga cố ý đâu.”
Nói rồi chỉ vào hoa văn phượng hoàng chín đuôi trên tay áo mà nói tiếp:
“Ngươi nhìn đi, dải hoa văn cách điệu này thêu bằng chỉ sẫm màu, mới nhìn vào rất giống khổng tước. Nếu không xem kĩ phần mào và phần đuôi thì không thể nhận ra sự khác biệt. Ngọc Nga vào cung chưa lâu, lại chưa từng tiếp xúc với lễ phục nên khó mà phân biệt được. Đừng nghĩ oan cho nàng.”
Khổng tước và phượng hoàng vốn rất giống nhau nhưng về ý nghĩa lại khác một trời một vực. Cũng nhờ ta lớn lên trong Hậu cung, từ nhỏ đã nhìn quen mắt mới có thể nhận ra.
Ngọc Thủy còn chưa kịp đáp lại, đã nghe ngoài cửa có tiếng rơi vỡ loảng xoảng. Ngọc Nga sắc mặt tái nhợt, đang đứng ngây người nơi ngưỡng cửa, kỷ trà lăn lóc dưới chân nàng, có lẽ đã nghe thấy mọi chuyện.
“Vào đây, bản cung không trách ngươi đâu.” Ta thở dài, vẫy gọi Ngọc Nga.
Ngọc Nga nghe ta nói vậy liền òa khóc, chạy đến quỳ sụp dưới chân ta, dập đầu lia lịa:
“Nô tỳ đáng chết! Đều tại nô tỳ ngu dốt! Nô tỳ hại chủ nhân rồi!”
Ta tặc lưỡi một tiếng, cúi người đưa tay chặn ngang trán Ngọc Nga, không cho nàng lạy nữa:
“Bản cung biết ngươi không cố ý. Đừng như thế nữa, giờ chúng ta hãy nghĩ cách giải quyết việc này đã.”
Ngọc Thủy e dè nói khẽ:
“Hay chúng ta trả lại Ti Lễ phòng, bắt bọn họ chịu trách nhiệm?”
Ta lắc đầu, gạt đi:
“Không được. Lúc chiều nhận đồ đã không có ý kiến gì, bây giờ sao nói được nữa? Cho dù ép bọn họ nhận về, họ đã có ý hại ta, lẽ nào lại tình nguyện sửa giúp ta? Bất luận là lỗi của ai, chỉ cần đến sáng ngày mai mà ta không có lễ phục mặc dự triêu hội thì đều trở thành lỗi của ta cả.”
Ngọc Nga lau nước mắt, sụt sịt hỏi:
“Chủ nhân, hay chúng ta… đến báo cho Hoàng Hậu nương nương, nhờ Hoàng Hậu nương nương trợ giúp?”
Ta suy nghĩ một chút, cuối cùng vẫn lắc đầu:
“Hoàng Hậu nương nương bận như thế, không có thời gian giải quyết chuyện này cho ta đâu.”
Ngọc Thủy lại nói:
“Hay chủ nhân giả ốm, tránh qua lúc này là được?”
“Sáng nay vẫn mạnh khỏe, sao qua một đêm mà ốm đến mức đó được? Vả lại đây còn là thọ yến của Hoàng Thượng, không thể không đi.”
Bấy giờ, trên mặt Ngọc Nga và Ngọc Thủy đều ngập tràn lo âu. Lòng ta cũng rối như tơ vò. Kẻ lần này ra tay với ta thực quá cao minh. Cứ nghĩ Hoàng Hậu đã nắm Thượng Cung cục trong lòng bàn tay, thật không ngờ Ti Chế phòng đã bị kẻ khác khống chế từ trước. Hậu cung này đúng là biến hóa phi thường.
Bất chợt trong đầu lóe lên một ý nghĩ, ta ngẩng đầu nhìn Ngọc Thủy mỉm cười:
“Theo quy chế thì phi tần nhất phẩm đã có thể dùng hoa văn phượng hoàng rồi, đúng không?”
Ngọc Thủy lập tức hiểu ý ta, reo lên:
“Đúng rồi! Chỉ cần không phải chín đuôi là được!”
Ngọc Nga cũng vui mừng nói:
“Phải đấy, chúng ta tháo bớt đuôi của mấy con phượng hoàng này đi, sau đó thêu chồng thứ khác lên…”
Nói đến đây, sự hào hứng của Ngọc Nga đột nhiên chuyển thành lo lắng:
“Nhưng… Tay của nô tỳ đã không còn như xưa… Tháo chỉ thì không thành vấn đề, nhưng thêu… e là không được… Một mình Ngọc Thủy sợ không thể sửa kịp trong đêm nay…”
Lời Ngọc Nga cũng có phần đúng. Tay áo này rộng đến nửa thước, mỗi bên cũng viền đến cả trăm con phượng hoàng nhỏ xíu. Việc này không những đòi hỏi kĩ thuật thêu phải tinh xảo tương ứng với người đã thêu bộ lễ phục này mà còn phải thật cẩn thận không được sai sót. Một mình Ngọc Thủy không có cách nào làm kịp.
Ta nhắm mắt, cân nhắc một hồi rồi nói:
“Đi mời Tạ tiểu thư đến cho ta.”
Ngày Tạ Thu Dung tiến thân Thượng Cung cục, ta đã dặn dò nàng nếu gặp rắc rối gì nhất định phải báo cho ta biết. Không ngờ người gặp rắc rối trước lại là ta.
Ngọc Thủy rành rẽ đường đi trong cung, ta để nàng đi đường tắt mời Tạ Thu Dung đến để không bị chú ý. Sự việc gấp rút, Tạ Thu Dung vừa nghe Ngọc Thủy nói ta gặp chuyện liền thay y phục cung nữ, khoác áo choàng cắm đầu đi một mạch đến Cẩm Tước cung.
Hai người bọn ta lâu ngày mới gặp mặt, nhưng thời gian hàn huyên cũng chẳng có. Tạ Thu Dung nghe ta nói xong, chỉ ngồi nghỉ một chút cho đỡ mệt, nói một câu: “Nguyệt nhi yên tâm” rồi liền bắt tay vào sửa áo cho ta.
Đêm hôm ấy, phòng nghỉ của ta thắp đèn sáng rực, bốn người cùng ngồi dưới đèn. Ta và Ngọc Nga cầm kéo nhỏ tháo của mỗi con phượng hoàng một cái đuôi. Ngọc Thủy và Tạ Thu Dung thêu vào chỗ cái đuôi vừa bị tháo một cụm mây cong cong che đi phần vải bị tháo chỉ nham nhở. Nói thì dễ nhưng làm thì vô cùng gian khổ. Hình thêu rất nhỏ, khi dùng kéo cắt chỉ phải cực kì tập trung, chỉ sơ sẩy một chút sẽ cắt phạm vào vải làm hỏng cả bộ lễ phục. Việc cắt chỉ đã khó như vậy, công đoạn thêu chèn lên trên dĩ nhiên là khó khăn gấp bội. Ngọc Thủy và Tạ Thu Dung đều là những tú nương tay nghề cực cao nhưng chỉ mới thêu được nửa tay áo, lưng đều đã mướt mồ hôi. Chúng ta vốn thân thiết nhau, bình thường mỗi lúc ở cạnh nhau đều sẽ nói chuyện luôn miệng. Thế nhưng lúc này, ai nấy đều căng thẳng tột bậc, chẳng người nào nói nổi một lời. Từng canh giờ trôi qua như những tảng đá đè nặng lên trái tim ta.
Thoáng chốc, bầu trời phía đông ngoài cửa sổ đã hửng sáng.