Thâm Cung

Chương 36


Đọc truyện Thâm Cung – Chương 36

Việc ta đi náo loạn Ngự Thư phòng chẳng những không bị phạt mà lại còn được ân sủng đặc biệt chẳng mấy chốc đã lan ra khắp hoàng cung. Để yên lòng chúng phi, Hoàng Hậu mở phượng khẩu phạt ta chép hai mươi lần Nữ Huấn. Ta nghe vậy mà lấy làm vui mừng, thật không uổng công lúc đó đội nắng đi tìm Hoàng Hậu khóc lóc. Chuyện lớn như vậy mà chỉ phải chép phạt, ngay cả bổng lộc cũng không trừ chút nào dĩ nhiên có nhiều người không phục, nhưng không phục thì cũng chẳng làm gì được. Ví như Dương Quý cơ, dù trong lòng bức bối thế nào thì cũng chỉ dám lén lút nói ra nói vào sau lưng. Hoặc như Tĩnh Tu dung, mỗi lần nhìn thấy ta, hai mắt đều bắn ra sát khí kinh người, nhưng nàng ta mới được khẩu dụ sắc phong, ấn tín cùng thánh chỉ vẫn chưa cầm được trong tay mà chỗ dựa là Triệu Đức phi vẫn còn bị cấm túc nên chẳng có gan mở miệng nói đúng sai.

Cả Thái Hậu cũng không để ta đợi quá lâu. Ngay sau khi ta vừa lĩnh phạt hai mươi lần Nữ Huấn thì Khâm cô cô liền tới nơi truyền lời của Thái Hậu:

“Khởi bẩm Hòa phi nương nương, Lão Phật gia xem xong kinh Phật của nương nương chép lần trước thì rất hài lòng, muốn nhờ nương nương chép hộ ba mươi bản kinh Hồng Danh này. Thời gian không gấp, nương nương thong thả.”

Phượng ý truyền xong, Khâm cô cô lập tức cáo lui không để cho ta có cơ hội thăm dò chút gì. Ta cầm quyển kinh mẫu mà Khâm cô cô để lại lên xem thử, vừa lật vài trang lòng đã rét run lên. Hồng Danh là kinh sám hối.

Dù Khâm cô cô nói thời gian không gấp nhưng đã thấy ý tứ của Thái Hậu rõ ràng như vậy, ta làm sao còn dám thong thả. Cả Hoàng Hậu lẫn Thái Hậu đều không thể chậm trễ, cuối cùng ta chỉ biết cắm cúi chép phạt cả ngày. Từ sáng sớm tinh mơ, ngoại trừ lúc ăn uống tắm rửa và hai canh giờ ngủ mỗi đêm còn lại đều dành thời gian chép phạt. Ta vốn thuận tay trái nên tay phải yếu hơn nhiều, chữ càng viết càng xấu, còn cổ tay thì mỏi nhừ đến nỗi cầm ly trà cũng run run.

Ngọc Thủy vừa bóp tay cho ta vừa xót xa nói:

“Cứ thế này thì chủ nhân làm sao chịu nổi… hay để nô tỳ đi mời Lâm đại nhân…”

Ta nghe xong vội gạt đi:

“Không thể được. Lão Phật gia vừa có ý để ta chép kinh Phật, ta lại đi mời thái y đến khám cổ tay thì còn ra thể thống gì?”

Tạ Thu Dung có tài giả mạo nét chữ, bèn tỏ ý muốn chép hộ ta một ít, ta cũng từ chối để tránh phiền phức về sau.

Tuy rằng phi tần ai nấy đều sỉ vả ta mặt dày không biết xấu hổ nhưng cũng lại không ít người học tập ta, bắt đầu thêu túi thơm đem tặng Hoàng Đế. Trước kia đã có lệ này, nhưng Hoàng Đế nhận mà không dùng bao giờ. Trên người hắn chỉ đeo túi thơm do chính tay Thượng cung đại nhân làm nên dần dà chúng phi cũng nản lòng. Thế nhưng bây giờ, hắn lại chịu đeo cái túi thơm vụng về của ta mà đi nghênh ngang khắp nơi, mấy ngày vẫn chưa đổi cái khác, khiến cho toàn thể hậu cung ngộ được chân lý: Hoàng Đế của bọn họ chỉ ưng ý những hình thêu kì quái. Thành thử người người đều bận rộn may vá thêu thùa, tính ra cũng vất vả không kém gì ta.

Mấy ngày này, vì chủ nhân Cẩm Tước cung phải sáng tối chép phạt, bên ngoài lại có nhiều lời lẽ không hay nên không khí trong cung khá là u ám. Tin tốt lành duy nhất tới từ lá thư nhà của Tạ Thu Dung.

Nghe nói vị Doãn công tử kia vào một ngày đẹp trời bị người ta bắt gặp đang trêu đùa góa phụ trong một con hẻm phía nam kinh thành. Tin tức này khiến dân chúng hết sức hoang mang, thiên hạ nửa tin nửa ngờ. Bởi vì Doãn công tử kia trong mắt dân chúng luôn là quân tử đường đường chính chính, sao có thể đi trêu ghẹo nữ nhân, lại còn là góa phụ? Nhưng bọn họ chẳng phải nghi ngờ quá lâu bởi vì một ngày đẹp trời khác, thanh lâu nức tiếng kinh thành Cửu Hương lầu bỗng nhiên bị cháy. Giữa thanh thiên bạch nhật, ngọn lửa quái ác không biết từ đâu bốc lên bao trùm toàn bộ tây các – nơi Cửu Hương lầu dành riêng cho khách quý hạng nhất. Giữa lúc dân chúng tụ tập bên ngoài giúp chữa lửa, một nam nhân từ lầu cao tây các, xuyên qua lửa đỏ rừng rực nhảy xuống một cách oai dũng. Dân chúng nhận ra ngay đấy chính là Doãn công tử, chỉ là không hiểu nổi vì sao công tử vốn có tiếng đoan chính lại nhảy ra từ lầu xanh trong tình trạng thân không mảnh vải như thế. Đương lúc Doãn gia còn đang đau đầu tìm cách cứu vớt danh tiếng của công tử nhà bọn họ thì một buổi sáng tinh mơ, trong khắp mọi ngõ ngách kinh thành bỗng nhiên xuất hiện vô số cáo thị kể tội Doãn Hi, tờ nào tờ nấy dài như tấu sớ, dân chúng đọc đến đâu liền như được giác ngộ đến đấy. Hóa ra Doãn công tử lại là người như thế! Hoàng thành yên ắng lâu nay bỗng nhiên bùng lên một phen tiếu thoại, một người nói cho mười người, mười người nói thành trăm người, trăm người nói khắp cho muôn họ. Doãn gia cực chẳng đã phải đi cậy nhờ đến cả Triệu gia, nhưng Triệu gia đang phiền lòng việc Triệu Đức phi gặp họa trong cung nên chẳng có tâm trí giúp đỡ nhiều, thành ra tiếng xấu của Doãn công tử cứ đồn đi mãi, không sao dập tắt được. Tạ Ngự sử nghe tin này lấy làm kinh hãi, vội vàng sai người chở sính lễ đi trả không sót thứ gì. Ngay cả nhà hôn thê tương lai còn bỏ của chạy lấy người như thế, thanh danh của Doãn công tử phút chốc chẳng còn gì.

“Thật không ngờ dì ta lại lợi hại như vậy!”

Tạ Thu Dung cầm lá thư của Lữ phu nhân đọc đi đọc lại mấy lần, lần nào cũng cười đến nắc nẻ.

Hành sự không chút kiêng dè, lại gọn gàng sạch sẽ thật khiến người ta tâm phục khẩu phục.

Ta nói: “Kể ra thì Lữ phu nhân cũng hơi mạnh tay, may mà Doãn Hi biết chút võ công nếu không thì đã cháy đen trong Cửu Hương lầu rồi.”

“Chắc hẳn dì đã tính toán cả rồi. Đáng đời tên khốn kiếp đó! Để xem sau này còn có tiểu thư nhà nào dám gả vào Doãn gia.”


Tạ Thu Dung đắc ý mắng một hơi, lưu luyến đọc lại thư thêm một lần nữa rồi mới châm lửa đốt.

Nhìn lá thư báo tin thắng lợi nằm trong chậu đồng đang từ từ cháy thành tro, ta bần thần nghĩ đến một điểm khác:

“Dung nhi, Doãn Hi coi như xong rồi. Sau này ngươi có dự tính gì chưa?”

Tạ Chính Minh vốn chỉ muốn tìm một mối hôn sự có lợi cho ông ta, cho dù không phải là Doãn Hi thì cũng sẽ có người khác, chưa biết chừng còn tệ hại hơn. Lữ phu nhân xử lý được một Doãn Hi, nhưng cũng không thể giúp Tạ Thu Dung cả đời.

Tạ Thu Dung không hề ngạc nhiên khi nghe ta hỏi, nàng bình thản mỉm cười:

“Chuyện này ta cũng đã nghĩ qua… Ta chẳng thể ở Cẩm Tước cung này mãi mãi, cũng không thể cứ dựa dẫm vào dì. Cho nên ta đã quyết định sẽ vào Thượng Cung cục. Trở thành nữ quan rồi, ngoại trừ Hoàng Thượng ra, không ai có thể quyết định hôn sự của ta nữa.”

Lời này của nàng ngược lại khiến cho ta kinh ngạc:

“Muốn vào Thượng Cung cục phải trải qua một quá trình rèn luyện rất dài, cung nữ nhập cung làm việc ít nhất ba năm mới được tuyển vào. Ngươi làm thế nào vào được?”

Tạ Thu Dung thong thả đáp:

“Thượng nghi của Ti Chế phòng vừa qua đời tháng trước, một số nữ quan hầu hạ Thượng nghi không cẩn thận cũng bị giáng tội. Lại thêm qua chuyện vừa rồi của Đức phi, rất nhiều cung nữ bị trả lại Ti Thiết phòng, những nữ quan từng dạy dỗ bọn họ đều bị liên lụy. Cả Ti Chế phòng và Ti Thiết phòng đều bị thiếu thốn nhân lực trầm trọng. Thượng Cung đại nhân đã thỉnh ý Hoàng Thượng, xin được mở một kì thi đặc biệt để tuyển chọn người tài, bù đắp cho Ti Chế phòng và Ti Thiết phòng. Tất cả nữ tử đều có quyền tham dự, chỉ cần vượt qua tuyển chọn thì sẽ được thu vào làm việc. Hôm qua ta đã đến Thượng Cung cục ghi danh rồi.”

Tạ Chính Minh vốn muốn đào tạo Tạ Thu Dung trở thành một nữ tử thập toàn thập mỹ để lấy lòng đế vương, vậy nên nàng không chỉ có kiến thức uyên thâm mà ngay cả thêu thùa, may vá, nấu ăn đều tinh thông. Kì thi này đúng là cơ hội trời cho, tin rằng Tạ Thu Dung sẽ lọt qua vòng tuyển chọn mà không gặp khó khăn gì. Chỉ là… làm nữ quan ở cục Thượng Cung không giống cung nữ bình thường, phải đến hơn ba mươi tuổi mới được xuất cung. Nếu như làm việc tốt, vừa ý các vị chủ nhân thì không biết còn bị giữ lại đến khi nào. Như vậy tuổi xuân còn gì nữa?

Ta cầm tay Tạ Thu Dung, nghiêm túc nói:

“Ngươi đã nghĩ kĩ chưa? Lẽ nào không muốn gả đi nữa sao?”

Tạ Thu Dung cũng khẽ nắm lấy tay ta đáp lại. Nụ cười trên khóe môi nàng chợt trở nên buồn bã:

“Ta đã hết cách rồi, Nguyệt nhi à. Dựa vào thân phận của ta và dã tâm của phụ thân ta… Ta thật sự không thể có một mối hôn sự tốt. Ngày trước, còn có mẫu thân, ta còn phải cố gắng làm phụ thân vui lòng. Bây giờ, mẫu thân đi rồi, ta hà tất lại để phụ thân lợi dụng nữa? Phụ thân luôn cho rằng thứ nữ như ta chỉ đáng làm đá lót đường cho ông, vậy thì ta sẽ cho ông thấy Thu Dung này cũng có thể một mình làm nên đại sự. Nguyệt nhi, ngươi là bằng hữu duy nhất của ta, ta không ngại nói cho ngươi biết, ta sẽ không làm nữ quan cả đời. Mười năm, hai mươi năm, thậm chí nhiều hơn nữa, một ngày nào đó, ta sẽ trở thành Thượng Cung đại nhân.”

Đôi mắt huyền của Tạ Thu Dung sáng rực quyết tâm. Ta biết nàng không nói đùa.

Ta thở dài, lẳng lặng nhìn Tạ Thu Dung một hồi mới cất lời:


“Dung nhi, con đường đó sẽ rất gian nan. Thượng Cung cục chẳng phải nơi yên bình. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến ngươi mất mạng.”

Tạ Thu Dung nhoẻn cười, vô tư đáp:

“Ta không sợ. Ở trong cung, thỉnh thoảng ta có thể gặp ngươi, hơn nữa biết đâu còn có thể giúp đỡ ngươi. Nếu có một ngày ta trở thành Thượng Cung đại nhân rồi, ta sẽ che chở cho ngươi.”

Lời lẽ của Tạ Thu Dung quá mức chân thành, chân thành đến độ ngây thơ, mà lại khiến ta rơi lệ.

Ta đưa tay gạt đi mấy giọt nước mắt đang lăn dài trên má, nửa đùa nửa thật nói:

“Đến lúc ngươi thành Thượng Cung đại nhân rồi, chẳng biết ta có còn sống hay không.”

Tạ Thu Dung lấy khăn tay đưa cho ta, trịnh trọng đáp:

“Nhất định là còn. Cả ta và ngươi, chúng ta nhất định sẽ sống thọ trăm năm. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Hậu cung này một ngày nào đó sẽ là thiên hạ của chúng ta.”

***

Vất vả suốt ba ngày liền đã chép xong cả Nữ Huấn lẫn kinh Hồng Danh, ta thật sự cảm thấy mình rất phi thường. Phía Hoàng Hậu, ta giao Nữ Huấn cho Ngọc Thủy mang nộp, còn bản thân thì cùng Ngọc Nga đưa kinh Hồng Danh đi Thuận Ninh cung.

Lần thứ hai bước chân vào Thuận Ninh cung vẫn là một loại tâm trạng lo lắng bất an quấn lấy ta. Trong đầu ta không ngừng tưởng tượng ra đủ loại tình huống có thể xảy ra, đồng thời trù tính biện pháp đối phó.

Người đón chúng ta vào là Khâm cô cô. Nàng lúc nào cũng mang một vẻ mặt bình thản, không nóng không lạnh, đủ cung kính nhưng chẳng có chút bợ đỡ hèn mọn nào khiến người ta chẳng thể nào đoán được gì. Nữ tử này ngày xưa cũng từng có lúc là một tiểu cung nữ. Bao năm thăng trầm chìm nổi, rốt cuộc đã trải qua những chuyện như thế nào mới có thể tôi luyện được khí chất như vậy? Ta thầm nghĩ, nếu bên cạnh mình mà có một người như thế thì tốt biết bao nhiêu.

Mải nghĩ ngợi, ta không nhận ra mình đã dừng chân trước Phật đường của Thuận Ninh cung từ lúc nào.

“Lão Phật gia đang tụng kinh, nếu nương nương không ngại thì có thể cùng ngồi nghe kinh.”

Khâm cô cô lễ phép làm động tác mời. Ta gật đầu đáp lại nàng một tiếng rồi nâng váy chậm rãi bước vào trong.

Phật đường không rộng lắm, khi ta vén màn đi sâu vào bên trong liền phát hiện nơi gọi là Phật đường này vốn chỉ là một căn phòng nho nhỏ, chính giữa bày một bàn thờ có hai tầng, tầng cao đặt tượng Quan Âm ngồi trên đài sen, bên dưới là vài cái bài vị không tên, chẳng biết thuộc về ai.


Thái Hậu ngự giữa Phật đường phía trước bàn thờ. Bà không quỳ mà ngồi duỗi chân trên một tấm bồ đoàn rất dày. Nghe nói bà có bệnh khớp kinh niên, đầu gối từ lâu đã không thể co lại được nữa. Từng làn khói xám mỏng manh tỏa ra từ chiếc lư hương trên bàn thờ như quấn lấy bóng lưng Thái Hậu, làm ta bất giác cảm thấy bà mới cô độc làm sao.

“Bởi vì không sở đắc, mới là Bồ Tát, gọi đủ là Bồ Đề Tát Đõa, nương nơi trí Bát Nhã để xét soi, mới đạt qua bên ngàn giác kia. Vì nương nơi Bát Nhã để quán chiếu, nên tâm không quái ngại; bởi tâm chẳng ngần ngại, nên chẳng có e sợ, xa lìa các điều điên đảo mộng tưởng, rốt ráo quả Niết Bàn…”

Giọng Thái Hậu hơi khàn, đều đều vang lên, mang theo phong vị xa xăm hư ảo. Ta nhận ra bà đang tụng kinh Hồng Danh sám hối.

Đảo mắt nhìn quanh, ta nhận ra ngoại trừ tấm bồ đoàn mà Thái Hậu đang ngồi thì mặt đất hoàn toàn trống trải, Khâm cô cô cũng đã rời đi tự bao giờ. Ta chợt hiểu ra ý tứ của Thái Hậu, bèn tiến lại phía sau bà, lặng lẽ điều chỉnh váy áo rồi quỳ xuống.

Ta từng nghe nói Thuận Ninh cung ngày xưa vốn là nơi ở của Phượng Triều Hoàng Hậu thời Thái Tổ. Phượng Triều tính rất sợ nóng, Tống Thái Tổ đã vì bà mà xây nên Thuận Ninh cung này, bốn bề đều làm từ loại cẩm thạch đặc biệt, chống nóng vô cùng tốt. Ngay cả sàn nhà cũng được làm từ một khối cẩm thạch hoàn chỉnh, cho nên dù đang là mùa hạ ta vẫn có thể cảm nhận được từng cơn lạnh buốt xuyên qua da thịt, truyền thẳng vào khớp gối của mình. Ban nãy khi quỳ xuống, ta đã cố tình lựa thế xếp váy thành mấy lớp ngay chỗ đầu gối tiếp xúc với sàn nhà để ngăn bớt cái lạnh, thế nhưng y phục mùa hè khá mỏng thành ra cũng chẳng chống đỡ được bao nhiêu.

Phía trước mặt ta, Thái Hậu vẫn tụng kinh đều đều, một lần, hai lần, lại ba lần kinh… Đến lúc đầu óc ta trở nên mông lung, không nhớ nổi đã đọc đến lần kinh thứ mấy thì Thái Hậu đột nhiên đứng dậy, như hơi ngạc nhiên:

“Hòa phi đấy à?”

Ta giật mình, vội vàng cúi lạy:

“Thần thiếp Hòa phi bái kiến Lão Phật gia!”

Thái Hậu ừm một tiếng, vẫy tay bảo ta đứng dậy. Khâm cô cô nghe tiếng Thái Hậu nói, liền vội vàng đi vào đỡ lấy bà, cùng trở về Uyển các nghỉ ngơi. Ta thấy vậy cũng phải nhịn đau, tập tễnh đi theo.

Uyển các là nơi nghỉ của Thái Hậu, ta chẳng dám nhìn ngó lung tung, chỉ có cảm giác nơi này bày biện hết sức giản dị. Khâm cô cô đỡ Thái Hậu ngồi lên chiếc ghế quý phi bên cửa sổ, sau đó lui xuống pha trà. Trong phòng chỉ còn lại mình ta và Thái Hậu. Ta không biết nên nói gì, cũng không biết bà sẽ nói gì với mình, nên chỉ biết cúi đầu đứng một bên.

Thái Hậu chợt nói:

“Ai gia nhờ Hòa phi chép hộ mấy bản kinh Hồng Danh, không ngờ Hòa phi lại chép nhanh như thế.”

Ta vội đáp:

“Bẩm, Lão Phật gia không chê thần thiếp chữ nghĩa tệ hại đã là phước phần của thần thiếp, thần thiếp chỉ biết cố gắng hết mình.”

Thái Hậu nhẹ nhàng trở mình, nở nụ cười:

“Vậy Hòa phi có biết vì sao ai gia lại bảo ngươi chép kinh Hồng Danh không?”

Hai bên thái dương đã bắt đầu đổ mồ hôi lạnh, ta hít sâu một hơi, lễ phép đáp:

“Thần thiếp ngu muội, mong Lão Phật gia chỉ dạy.”


Thái Hậu điềm đạm mỉm cười, nhưng trong ánh mắt chẳng có lấy một tia vui vẻ, bà cất giọng:

“Ngày Tiên Đế còn tại thế, trong hậu cung có một vị Chiêu nghi họ An. Nàng ta rất được Tiên Đế sủng ái, từng có lúc quấn quýt bên cạnh Tiên Đế như hình với bóng. Tiên Đế đi đâu cũng mang nàng ta theo, thậm chí cả khi vào Ngự Thư phòng duyệt tấu chương cũng để nàng ta ở bên châm trà mài mực.”

Nói đến đây, Thái Hậu dừng lại, ngẩng đầu nhìn ta. Mồ hôi bên thái dương của ta vã ra càng lúc càng nhiều, nhưng ta nào dám đưa tay lau, chỉ cúi đầu ra vẻ lắng nghe. Thái Hậu thấy vậy, bèn nói tiếp:

“Ngày ấy An thị còn trẻ, có rất nhiều hành động nông nổi. Tiên Đế nhân từ chẳng trách tội nàng ta. Nhưng An thị ỷ sủng sinh kiêu, càng ngày càng trở nên quá đáng, đến cả chuyện triều chính cũng dám xen vào làm liên lụy nhiều người, cuối cùng chọc giận Tiên Đế. Ai gia nhớ ngày An thị bị lôi đi xử trảm cũng là một ngày cuối hạ như thế này… Thực đáng tiếc, An thị đó cũng là một nữ nhân thông minh, chỉ là quá mức kiêu ngạo mà quên đi bổn phận, cuối cùng rước họa diệt thân. Cứ mỗi năm đến độ này, ai gia lại nhớ đến An thị cho nên mới thay nàng ta tụng mấy lần kinh sám hối, hi vọng có thể giúp nàng ta giảm bớt tội lỗi, sớm phần siêu độ.”

Ánh mắt Thái Hậu đột ngột trở nên sắc bén, hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài hiền hậu thường ngày. Tấm áo xám mộc mạc trên người bà cũng vì vậy mà trở nên lạc lõng. Giây phút ấy ta lập tức hiểu được, “Lão Phật gia” thật ra cũng chỉ là một danh xưng mà thôi.

“Tấm lòng của Lão Phật gia thật hiếm có, thần thiếp vạn phần kính phục.”

Ta mở miệng đáp một câu khách sáo.

Thái Hậu vẫn chăm chú nhìn, ánh mắt bà như một lưỡi dao sắc lẻm phe phẩy trên da mặt ta, như thể chỉ cần ta sơ sẩy một chút lập tức sẽ bị lưỡi dao kia đâm ngập vào da thịt. Thuận Ninh cung mát rượi thế mà thân thể ta không ngừng đổ mồ hôi, đến cả lưng áo cũng ướt đẫm, dính chặt vào da thịt, mang đến một cảm giác lạnh lẽo nhớp nháp.

“Ài… có đáng gì đâu. Ai gia già rồi, người già thường muốn làm việc gì đó có ý nghĩa một chút. Đáng tiếc… thân thể không còn khỏe mạnh, nên lực bất tòng tâm, chẳng làm được gì nhiều.”

Thái Hậu thở dài một tiếng, đưa tay tự bóp đầu gối mình một cái. Ta thấy vậy, nhanh chóng quỳ xuống chân bà, nói:

“Nếu Lão Phật gia không chê thần thiếp tay chân vụng về, xin để thần thiếp giúp người xoa bóp một chút…”

Thái Hậu ừ khẽ một tiếng. Ta liền ngoan ngoãn xắn tay áo xoa bóp cho bà. Đầu gối bà gầy guộc một cách kì quái. Dựa vào độ biến dạng của các khớp xương, ta biết bệnh khớp của bà thật sự không nhẹ.

Vừa mới quỳ xong lại phải tiếp tục quỳ, nếu đầu gối ta mà biết nói thì hẳn nó sẽ đang kêu gào thảm thiết. Trong ba ngày liên tục chép mấy mươi bản kinh văn, cổ tay ta đã mỏi nhừ, bây giờ lại phải dùng lực xoa bóp nên cơn đau càng thêm thê thảm. Thế nhưng lúc này, ta làm gì có quyền than thở, việc ta nên làm chính là cố nhịn đau mà xoa bóp cho Thái Hậu thật cẩn thận.

Bầu không khí tĩnh lặng đến nặng nề ấy chỉ kết thúc khi Khâm cô cô mang trà vào. Thái Hậu nhận trà Khâm cô cô dâng nên, nhẹ nhàng nhấp một ngụm rồi mỉm cười với ta:

“Đây là trà Long Tỉnh mới tiến cung năm nay. Ai gia thấy mùi vị rất vừa miệng, Hòa phi cũng thử xem sao.”

“Tạ ơn Lão Phật gia.”

Khâm cô cô kéo một chiếc ghế nhỏ đến đặt ở bên chân Thái Hậu. Ta nhận trà xong, bèn tạ ơn thêm lần nữa rồi mới ngồi xuống. Cổ tay ta đau đến mức cầm ly trà cũng run rẩy, thành ra chỉ có một ly trà nhỏ mà ta phải kính cẩn cầm bằng cả hai tay.

Suốt từ lúc đó cho đến lúc ta ra về, Thái Hậu không hề đả động gì đến việc ta náo loạn Ngự Thư phòng, cũng không nhắc tới vị Chiêu nghi An thị kia nữa. Toàn bộ thời gian bà chỉ hỏi han những chuyện sinh hoạt thông thường trong Cẩm Tước cung, giống như quan tâm con cháu trong nhà.

Ta nhìn Khâm cô cô ở một bên bóp chân cho Thái Hậu, lại nhớ tới cơn đau ở đầu gối của mình, chợt hiểu ra nữ nhân trong hậu cung rất nhiều người bị bệnh khớp có lẽ vì quỳ gối là một trong những hình phạt phổ biến nhất.

Huệ Từ Thái Hậu có được một ngày phượng lâm thiên hạ như thế này, chắc chắn cũng đã nếm đủ đau thương tủi nhục. Đến bây giờ, dù cho vinh quang vô hạn nhưng một thân bệnh tật, quanh năm bị đau đớn dằn vặt, chuyện cũ như bóng ma ám ảnh, như vậy thực sự vui vẻ sao?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.