Đọc truyện Thâm Cung – Chương 107
Lời tố cáo của Xuân Hạnh chẳng khác nào tia chớp rạch ngang nền trời, khiến cho tất thảy đều chao đảo.
Kiếp nạn đang ở trên đầu hoàng hậu, chẳng rõ thế nào lại bay đến chỗ Liễu Yến Yến rồi.
Liễu Yến Yến giật bắn mình, bật dậy hét lớn:
– Ngươi đừng ngậm máu phun người!
Xuân Hạnh chẳng hề sợ hãi, chỉ thản nhiên ngẩng đầu đáp:
– Nô tỳ chỉ nói sự thật.
Thục phi nương nương, người đừng tưởng có thể qua cầu rút ván dễ dàng như thế!
Liễu Yến Yến giận đến nỗi mặt mũi đỏ gay, đang định mắng tiếp thì hoàng đế đã lên tiếng trước:
– Xuân Hạnh, ban nãy ngươi nói những việc ngươi làm đều là bất đắc dĩ.
Nhưng trẫm thực không hiểu… Hoàng hậu coi trọng ngươi vô cùng.
Ở trong cung, ngươi tuy là cung nữ nhưng oai phong chẳng kém gì ai.
Sao thục phi lại có thể ép ngươi làm chuyện xấu?
Ánh mắt hoàng đế nhìn xoáy vào Xuân Hạnh, như thể muốn thấu suốt tâm can nàng ta.
Quả nhiên, Xuân Hạnh liền cụp mắt xuống.
Nàng ta lộ vẻ đắn đo, hai vai run lên, thổn thức từng tiếng một:
– Nô tỳ… nô tỳ… cũng là vì hoàng thượng…
Xuân Hạnh càng nói càng khiến người ta kinh ngạc.
Triệu Lam Kiều cười hờ hững:
– Tiện nhân này sợ tội ăn nói hồ đồ rồi! Lại còn dám lôi cả hoàng thượng vào đây?
Lúc này, sắc mặt hoàng hậu dường như đã hồng hào trở lại.
Nàng thở dài, than:
– Xuân Hạnh hầu hạ thần thiếp đã mười mấy năm ròng, nay lại làm ra chuyện phản phúc này… E là nàng ta cũng có nỗi khổ tâm.
Xin hoàng thượng nể mặt thần thiếp, cho phép nàng ta kể rõ ngọn nguồn…
Hoàng đế bực dọc thở hắt ra, phẩy tay áo ra chiều chấp thuận.
Xuân Hạnh thấy thế, bèn nghẹn ngào nói tiếp:
– Nô tỳ… nô tỳ từ lâu đã ngưỡng mộ hoàng thượng, luôn mong có một ngày được nâng khăn sửa túi cho người…
Một lời này của Xuân Hạnh khiến cho cả đại điện chết lặng.
Ngay cả hoàng đế cũng phải ngạc nhiên nhướn mày.
Chẳng hiểu Xuân Hạnh lấy đâu ra dũng khí, bất ngờ ngẩng đầu nhìn hoàng đế.
Gương mặt nàng ta chi chít vết đòn thâm tím, chẳng còn nhìn ra nét thanh tú ngày nào, chỉ có đôi mắt là vẫn còn chút sinh khí, dõi về phía hoàng đế chứa chan tình cảm:
– Nô tỳ xuất thân hèn kém, nào dám mong được như các vị tiểu chủ ở đây… Nô tỳ vốn chỉ muốn lặng lẽ ở bên cạnh hoàng thượng, chẳng màng đến danh phận, địa vị chi cả.
Thế mà… đã bao lần nô tỳ thỉnh cầu hoàng hậu nương nương tác thành, người đều gạt đi, lúc thì nói rằng dung mạo nô tỳ tầm thường, lúc lại chê tuổi tác nô tỳ quá lớn, không xứng với hoàng thượng… Nô tỳ vì thế mà sinh tâm bất mãn…
Hoàng hậu nghe xong, kinh hãi thốt lên:
– Xuân Hạnh! Ngươi…
Nhưng cuối cùng, nàng lại bỏ lửng câu nói, chỉ buông một tiếng thở dài chua xót.
Xuân Hạnh ủ dột nói tiếp:
– Cũng tại nô tỳ ngu dốt… Không hiểu sao thục phi nương nương lại biết việc này, bèn xúi giục nô tỳ hạ độc vào cao dưỡng da của Minh phi, nhất tiễn hạ song điêu… Thục phi hứa sau khi thành đại sự sẽ tiến cử nô tỳ với hoàng thượng… Chẳng ngờ… chẳng ngờ chuyện bại lộ, thục phi lại phủi tay bỏ mặc nô tỳ chịu chết…
Đến đây, Liễu Yến Yến không nhịn nổi nữa.
Nàng ta đỏ mặt tía tai quát:
– Hoang đường! Bản cung không hề sai khiến ngươi làm gì cả!
Hoàng đế khẽ quay sang nhìn Liễu Yến Yến nhưng không nói gì, cũng không rõ hắn có tin lời Xuân Hạnh không.
Triệu Lam Kiều chăm chú quan sát hoàng đế hồi lâu rồi liếc Xuân Hạnh cười khẩy:
– Ngươi vừa nói ngươi bất mãn hoàng hậu nương nương, muốn hại người để báo thù kia mà? Sao bây giờ lại dễ dàng khai ra chân tướng như thế? Đằng nào ngươi cũng chẳng thoát nổi tội, nếu hận hoàng hậu, cứ đổ riệt cho người không phải tốt hơn sao?
Xuân Hạnh ngẩn ngơ, ngập ngừng đáp:
– Thực ra nô tỳ vẫn nhớ ân nghĩa bao năm của hoàng hậu nương nương, trong lòng luôn dằn vặt không yên.
Thế nhưng tình cảm làm mờ lí trí… nô tỳ vẫn nuôi hi vọng thục phi sẽ giữ lời, nô tỳ sẽ được ở bên hoàng thượng… Mãi đến lúc phát hiện ra độc trong cao dưỡng da, hoàng thượng hỏi ai là người chịu trách nhiệm… Hoàng hậu nương nương chắc chắn đã nghi ngờ nô tỳ nhưng vẫn không đành lòng nói tên nô tỳ ra, kết cục phải chịu sự trách mắng của hoàng thượng… Đến lúc ấy nô tỳ mới hiểu hoàng hậu đối tốt với nô tỳ như thế nào… Nếu nô tỳ còn cố giá họa cho người thì chẳng khác nào loài cầm thú…
Xuân Hạnh nói chưa dứt câu, mắt đã nhòa lệ.
Ánh mắt nàng ta nhìn hoàng hậu lúc này đau đớn xiết bao.
Nét bình thản cố hữu trên gương mặt nàng đã bắt đầu dao động.
Suy cho cùng, Xuân Hạnh đã đi theo hoàng hậu từ nhỏ, tình cảm chẳng khác nào tỷ muội.
Phải chứng kiến bộ dạng Xuân Hạnh thế này, hoàng hậu nhất định rất đau lòng.
Nàng mím chặt môi, nước mắt cũng lặng lẽ lăn dài:
– Nha đầu ngốc! Bản cung không muốn ngươi trở thành phi tần của hoàng thượng đâu phải vì ghét bỏ ngươi… Bản cung chỉ lo ngươi vụng về, hầu hạ không tốt sẽ tự mình hại mình… Không ngờ ngươi lại…
Hoàng hậu chưa nói dứt câu đã đứng phắt dậy, gạt nước mắt đến trước mặt hoàng đế khấu đầu:
– Đều do thần thiếp vô tâm! Thần thiếp không hiểu được tâm tư của Xuân Hạnh nên mới dẫn đến kết cục ngày hôm nay, lại hại cả long tự… Thần thiếp thực không còn mặt mũi nào đối diện với tổ tông nữa…
Hoàng đế lắc đầu, ra hiệu cho Lý Thọ đỡ hoàng hậu đứng dậy:
– Lòng dạ kẻ hạ nhân, sao nàng có thể thấu hết được?
Hoàng đế không tự mình đỡ hoàng hậu, chứng tỏ hắn vẫn chưa hoàn toàn nguôi giận với nàng.
Nhưng có lời này của hắn, ai nấy đều hiểu hoàng hậu đã thoát nạn rồi.
Mọi ánh mắt đồng loạt dời về phía Liễu Yến Yến.
Dù hoàng đế đã tỏ ý không trách cứ hoàng hậu, nhưng chuyện long tự bị hãm hại chừng nào chưa có hồi kết thì hoàng cung không thể yên bình.
Thế nên, hoàng hậu vừa yên vị đã lập tức lau nước mắt, trầm giọng hỏi Liễu Yến Yến:
– Thục phi, chuyện đã đến nước này, ngươi còn gì để nói?
Liễu Yến Yến sợ hãi lắc đầu nguầy nguậy, chóp mũi đã lấm tấm mồ hôi:
– Không phải, thần thiếp không hề làm chuyện đại nghịch bất đạo như vậy! Tiện nhân này vu oan cho thần thiếp!
Liễu Yến Yến là loại người hữu dũng vô mưu.
Thời khắc quan trọng như vậy, nàng ta cũng chẳng biết phải phản biện thế nào.
Hoàng đế đương nhiên không bỏ rơi Liễu Yến Yến, mặt hắn sa sầm, lạnh lùng hỏi:
– Xuân Hạnh, ngươi có bằng cớ gì không?
Không ai ngờ, Xuân Hạnh lại bật cười:
– Bằng cớ ư?… Bây giờ nghĩ lại, có lẽ ngay từ đầu thục phi đã có ý định vứt bỏ nô tỳ rồi… những việc cần sai khiến đều gọi nô tỳ đến nói trực tiếp, chẳng hề có thư từ gì cả, muốn có bằng cớ cũng thực là khó…
Không có bằng cớ? Vậy chẳng phải sẽ lại rơi vào ngõ cụt như cái lần Tư An tố tội hoàng hậu khi trước đó sao? Chúng phi không khỏi thất vọng.
Liễu Yến Yến là ai chứ? Hoàng đế coi trọng nàng ta như vậy, chỉ nói suông mà có thể hạ bệ nàng ta sao?
Ánh mắt hoàng đế lộ rõ sự mất kiên nhẫn.
Hắn giận dữ nói:
– Nếu đã không có bằng cớ thì đừng nói thêm nữa.
Ngươi đã vu oan hoàng hậu, giờ lại muốn vu oan cả thục phi à? Lại nói, ngươi chỉ là một tỳ nữ, thục phi muốn sai bảo ngươi mà lại phải trực tiếp gặp mặt sao?
Lửa giận của hoàng đế khiến Xuân Hạnh sợ run, nhưng nàng ta vẫn cứng cỏi đáp:
– Nô tỳ hầu hạ bên hoàng hậu nhiều năm như vậy, vàng ngọc đều không thiếu, đương nhiên sẽ không bao giờ vì tiền tài mà phản bội hoàng hậu.
Điều duy nhất có thể khiến nô tỳ yếu lòng… chỉ có mỗi hoàng thượng mà thôi… Chuyện nâng đỡ nô tỳ thành phi tử đâu phải chuyện nhỏ.
Nếu chỉ nghe qua miệng cung nữ của thục phi, nô tỳ tất nhiên không tin.
Thế nên thục phi mới phải trực tiếp gặp mặt nô tỳ…
Bất chợt, ánh mắt Xuân Hạnh sáng lên, như loài thú bị dồn vào đường cùng, đang chuẩn bị liều mạng ra một nhát vuốt sau cùng:
– Nếu nô tỳ có thể chứng minh được thục phi đã từng gọi nô tỳ đến tẩm cung thì sao? Như vậy cũng đủ để chứng minh nô tỳ không nói dối phải không?
Hoàng đế hơi khựng lại, dường như có phần bất ngờ cùng lo lắng, nhưng rất nhanh chóng đã lạnh nhạt gật đầu:
– Nói nghe thử xem.
Xuân Hạnh khẽ vén lại mái tóc rối bù, quỳ thẳng lưng, trịnh trọng thưa:
– Để tai mắt bên ngoài, thục phi chỉ triệu kiến nô tỳ vào đêm khuya, những hôm nô tỳ không phải hầu hoàng hậu nương nương ngủ… Có một đêm, nô tỳ đến sau khi thục phi đã rửa mặt, xõa tóc chuẩn bị nghỉ ngơi.
Lúc ấy, thục phi ngồi ở bàn trang điểm, quay lưng về phía nô tỳ.
Nô tỳ vốn không thể nhìn rõ dung mạo của thục phi… Nhưng ông trời xui khiến, trên bàn vừa khéo có một chiếc gương soi nhỏ… có lẽ do thục phi sơ suất không để ý… Nô tỳ nhìn vào đó mới trông thấy, nơi quai hàm bên trái của thục phi có một vết bớt màu xanh rất xấu xí…
Xuân Hạnh nói lâu như vậy, cuối cùng cũng đánh trúng trọng tâm.
Người trong điện đều không giấu nổi kinh ngạc.
Liễu Yến Yến xinh đẹp tuyệt thế, da dẻ trắng mịn không tì vết, đến cả khuỷu tay cũng nõn nà, làm sao lại có bớt trên mặt? Chúng ta không hẹn mà cùng nhìn chằm chằm về phía Liễu Yến Yến.
Có vài người còn dụi mắt để nhìn cho kĩ.
Gương mặt nàng ta từng đường nét đều thanh tú hài hòa, càng nhìn càng thấy đẹp, rõ ràng đâu có vết bớt nào?
Chúng phi thấp thỏm nhìn nhau, ai cũng thắc mắc nhưng chẳng dám nhiều lời vào thời khắc dầu sôi lửa bỏng này.
Chỉ có Triệu Lam Kiều là che miệng cười khúc khích.
Nàng ta là con nhà võ tướng, lá gan xem chừng cũng lớn hơn hẳn các thiên kim thông thường.
Đương lúc hoàng hậu như hổ đói rình mồi, hoàng đế nộ khí xung thiên, Liễu Yến Yến oán hận ngùn ngụt, thế mà Triệu Lam Kiều vẫn dám buông một câu mỉa mai:
– Thần thiếp trông thế nào cũng thấy thục phi xinh đẹp như hoa như nguyệt.
Không biết phải dùng đến loại phấn thượng hạng nào mới che được vết bớt xấu xí kia nhỉ?
Hoàng hậu nghe Triệu Lam Kiều nói, phượng nhan thoáng một nụ cười.
Nàng cất giọng khoan thai:
– Thục phi à.
Chuyện này chẳng những liên quan đến sự trong sạch của bản cung và muội mà còn dính líu đến hoàng tự của Tống triều, không thể cứ dây dưa mãi được.
Người đâu, mang nước đến đây!
Có lệnh của hoàng hậu, chỉ trong chớp mắt, cung nữ đã mang đến một chậu nước lớn đặt trước mặt Liễu Yến Yến.
Ý cười trên môi hoàng hậu càng thêm sâu:
– Muội muội.
Chúng ta chỉ cần nhìn rõ trên mặt muội rốt cuộc có cái bớt nào hay không, như vậy chẳng phải tất thảy đều minh bạch hay sao?
Liễu Yến Yến trông thấy chậu nước, sắc mặt lập tức tái nhợt.
Nàng ta khiếp hãi lùi lại một bước:
– Hoàng hậu nương nương! Thiếp dẫu sao cũng là nhất phẩm thục phi… Làm như thế thì còn ra thể thống gì nữa?
Từ khi Xuân Hạnh nhắc đến cái bớt kia, Liễu Yến Yến như bị sét giáng xuống đầu, mồ hôi tuôn như suối.
Mà dáng vẻ kinh hãi ấy càng khiến cho hoàng hậu hài lòng.
Nàng tỏ ra áy náy:
– Nếu thục phi cứ cố chấp như vậy, để đòi lại công bằng cho cái thai trong bụng Minh phi, bản cung đành phải để muội chịu thiệt thòi vậy…
Hoàng hậu nói xong, cung nữ thân cận của nàng là Xuân Linh nhanh chóng bước đến, trịnh trọng khấu đầu tạ tội cùng Liễu Yến Yến rồi xắn tay áo lên cao.
Đến mức này, ngay cả ta cũng phải thót tim.
Chẳng lẽ Xuân Linh dám ấn đầu Liễu Yến Yến vào chậu nước thật sao?
Liễu Yến Yến sợ quá, vừa khóc vừa vùng chạy đến ôm chặt lấy chân hoàng đế:
– Hoàng thượng! Người nhất định phải tin thần thiếp! Người không thể để bọn họ làm nhục thiếp như vậy!
Sự lạnh lùng của hoàng đế bỗng như mềm đi, trong mắt hắn phảng phất một nỗi thương xót.
Quả nhiên, hoàng đế không đành lòng để Liễu Yến Yến chịu nhục.
Hắn đặt một tay lên đôi vai run rẩy của nàng ta, nói rất khẽ:
– Hoàng hậu không cần ép nàng ấy rửa mặt…
Liễu Yến Yến cứ ngỡ hoàng đế bênh vực mình, mặt mũi vừa tươi tỉnh một chút lại nghe hoàng đế chầm chậm nói tiếp:
– Trẫm có thể làm chứng… vết bớt đó là có thật.
Giọng nói lạnh đến gai người của hắn khiến tất cả chúng ta đều chấn động.
Liễu Yến Yến như hóa đá:
– Hoàng thượng… hoàng thượng biết sao?
Hoàng đế cúi nhìn nàng ta bằng ánh mắt buồn bã, pha lẫn một chút không đành lòng:
– Nàng chưa bao giờ xuất hiện trước mặt trẫm mà không có phấn son.
Mỗi ngày, khi nàng rửa mặt đều đuổi hết người hầu ra ngoài, chỉ giữ lại mỗi một nha hoàn hồi môn.
Nàng cứ thần bí như thế, trẫm sao lại không tò mò? Mấy năm trước, trong đêm sinh thần của nàng, trẫm đã chuốc say nàng rồi dùng khăn ướt lau sạch lớp phấn trên mặt nàng, mới biết nàng có một vết bớt như vậy.
Trẫm không hề cảm thấy vết bớt đó có gì xấu xí, nhưng nàng đã muốn giấu, trẫm đành giả vờ không biết.
Sau đó, trẫm đã sai cung nữ ngự tiền giúp nàng trang điểm trở lại, còn lệnh cho bọn họ không được nói ra ngoài…
Liễu Yến Yến sững sờ nhìn hoàng đế.
Nàng ta sợ đến nhũn cả người, phải ngồi bệt xuống sàn nhưng tay vẫn cố nắm lấy tà áo hoàng đế không buông:
– Cho dù thiếp thực sự có vết bớt đó… cũng đâu thể chứng minh thiếp sai khiến ả tiện tỳ kia hại Minh phi… Hoàng thượng tin thiếp đi… Thiếp tuyệt đối không hại con của người đâu…
Hoàng hậu chán ghét cắt ngang:
– Chuyện thục phi có vết bớt trên mặt vẫn luôn bị giấu kín, hậu cung chẳng ai hay biết.
Đến như bản cung đây cũng mới được nghe lần đầu.
Nếu không phải ngươi triệu kiến Xuân Hạnh như lời nàng ta nói, nàng ta làm sao biết được?
Xưa nay, Liễu Yến Yến đắc sủng ngang ngược, không xem ai ra gì.
Người trong điện chẳng có ai chưa từng bị nàng ta hiếp đáp.
Thời cơ tốt đẹp này, bọn họ tất nhiên không nỡ bỏ qua.
Lần trước Quỳnh Tử Yên gây sự với Phong Thể Minh rồi bị Liễu Yến Yến giáng chức, trong lòng vẫn ôm hận không nguôi.
Lúc này nàng ta đương nhiên là kẻ nhanh miệng nhất:
– Thực là đáng sợ! Thần thiếp vốn cứ nghĩ thục phi và Minh phi là chỗ tỷ muội thân thiết, không ngờ từ khi Minh phi mang thai, thục phi lại tìm đủ mọi cách khó dễ…
Dương Ngọc Huệ cũng nhanh nhảu tham gia:
– Phải đấy! Khi trước thục phi xô ngã Minh phi, khiến nàng bị động thai… Thiếp cứ nghĩ thục phi chỉ vô tình lỡ tay mà thôi… Ai ngờ, đến giờ mới rõ, thục phi đúng là đã có ác tâm từ trước…
Hôm nọ, Tiệp Tuyết bị kích động nên đã mạo phạm tôn nghiêm của hoàng hậu.
Hoàng hậu bỏ qua không phạt nàng nhưng chưa chắc đã không để bụng.
Nếu nàng còn tái phạm, e sau này phải gánh họa.
Thế nên, nay thấy Tiệp Tuyết ngồi một chỗ mím môi căm giận, ta liền đoán được Minh Du ắt hẳn đã căn dặn nàng phải giữ mồm giữ miệng.
Chỉ tiếc là có hai kẻ kia thêm dầu vào lửa, Tiệp Tuyết lại không dằn nổi cơn giận.
Nàng ta giương đôi mắt ầng ậng nước nhìn hoàng đế, giọng vừa bi ai vừa căm phẫn:
– Hoàng thượng, đứa con của hoàng thượng và tỷ tỷ không thể chết oan uổng như thế! Người không thể cứ dung túng cho thục phi mãi được! Nàng ta đã hại chết cốt nhục của người!
Nước mắt Tiệp Tuyết cứ lặng lẽ rơi xuống từng giọt, từng giọt thánh thót.
Vẻ bàng hoàng đau xót trên mặt nàng khiến người ta tưởng như đứa trẻ mất đi là con ruột của nàng.
Hoàng đế ái ngại nhìn Tiệp Tuyết, rồi lại nhìn xuống Liễu Yến Yến đang khiếp hãi ngồi trơ như tượng dưới chân.
Nét mặt hắn chợt u ám, khiến cho bầu không khí trong điện cũng trở nên tĩnh lặng chết chóc.
Một lúc lâu sau, hắn mới thở dài mỏi mệt:
– Thục phi Liễu thị lòng dạ nhỏ nhen, mưu hại hoàng tự, tội lớn khó tha… Nay phế chức thục phi, giáng xuống tòng tam phẩm quý tần, dời khỏi chính điện Mẫu Đơn cung.
Không có lệnh của trẫm, từ nay về sau không được ra khỏi phòng nửa bước.
Hoàng đế nói rồi, lạnh lùng dứt tà áo khỏi tay Liễu Yến Yến, thẳng một đường rời khỏi Triêu Lan cung.
Liễu Yến Yến như người mất hồn, ngơ ngác nhìn theo bóng lưng cao lớn của hoàng đế.
Ta mơ hồ trông thấy khóe môi nàng ta mấp máy rất khẽ:
– Hoàng thượng… người không tin tưởng Yến Yến nữa rồi sao…
Một nỗi bi thương vô hình như bao trùm lên thân hình mềm yếu của Liễu Yến Yến.
Ta cứ ngỡ Liễu Yến Yến sẽ vĩnh viễn chết lặng ở đó.
Nhưng không, nàng ta đột ngột đứng phắt dậy, run run chỉnh trang lại y phục rồi vươn một tay ra, khàn giọng gọi:
– Bích Duyên.
Bích Duyên, tỳ nữ thân cận của Liễu Yến Yến cũng đã khóc đến nỗi mặt mũi sưng húp, nhưng nghe chủ nhân gọi vẫn lật đật chạy ra đỡ lấy tay nàng ta.
Liễu Yến Yến vịn vào Bích Duyên, phẩy tay áo quay đi.
Tuy nhịp bước của nàng ta hơi lảo đảo nhưng tấm lưng thon thả vẫn thẳng tắp, đầu cứ thế ngẩng cao ngạo nghễ rời đi.
Nhìn Liễu Yến Yến như vậy, bao căm hờn trong lòng ta từ những ngày tháng mới gả đến đây, bị nàng ta chèn ép đủ điều chợt mềm đi thành một nỗi xót thương.
Nghe nói Liễu Yến Yến xuất thân cao quý, vừa tiến cung đã được phong tam phẩm quý tần, oai phong không ai bì kịp.
Mấy năm độc sủng hậu cung, phong quang vô hạn, chẳng ngờ phút chốc đã hóa thành bóng trăng đáy nước.
Nàng ta thân mang trọng tội, chớp mắt đã quay trở về xuất phát điểm ban đầu.
Liễu Yến Yến bại trong tay hoàng hậu.
Chúng phi hả hê được ít ngày thì lại bị cuốn đi trong không khí hối hả của những ngày giáp tết.
Năm hết tết đến, lục cung đều có trăm công ngàn việc.
Chẳng còn ai rảnh rỗi chê cười Liễu Yến Yến nữa.
Mọi người đều bận rộn chuẩn bị đón tết.
Thời tiết này, ngay cả Phong Thể Minh cũng lười không quậy phá, kẻ sợ lạnh như hoàng đế càng không dám bước chân khỏi cửa.
Mà dạo gần đây, thế cục trong triều cũng bị vụ giáng chức Liễu Yến Yến làm ảnh hưởng không ít.
Hoàng đế bận rộn, tâm trạng lại không vui nên cũng chẳng triệu ai đến điện Cát Tường.
Vì vậy, chúng ta chẳng cần chưng diện làm đỏm.
Sự vụ trong cung đã có Ngọc Thủy và Ngọc Nga giải quyết ổn thỏa, ta có quấn mền ngủ nướng cả ngày cũng không sao.
Những hôm tuyết rơi dày, ta và Bạch Diệu Hoa thường ở cùng một chỗ sưởi ấm.
Hôm nay cũng là một ngày bình lặng như thế.
Bạch Diệu Hoa ngồi thu lu ở góc sạp, chăm chú đọc một quyển sách bàn về họa kỹ.
Thỉnh thoảng, nàng lại giơ một ngón tay thanh tú lên khua khoắng trong không trung như đang vẽ thử.
Ta thì lười biếng nằm dài bên cạnh, đếm vân gỗ trên xà nhà giết thời gian.
– Tỷ tỷ… – Bạch Diệu Hoa bỗng đưa tay lay nhẹ vai ta.
Bàn tay nàng hơi lạnh, làm ta giật mình:
– Có việc gì sao?
Bạch Diệu Hoa trù trừ nhìn ta:
– Chuyện này muội nghĩ mãi không thông, trong lòng thực khó chịu… Đọc sách cũng chẳng tập trung được.
Ta kéo chăn phủ lên tay nàng, khẽ hỏi:
– Là chuyện của Liễu Yến Yến sao?
Bạch Diệu Hoa gật đầu, cũng đáp bằng giọng rất khẽ:
– Muội cho rằng Liễu Yến Yến không phải loại người này… Vả lại, nhìn thái độ của hoàng thượng, có lẽ người cũng không tin nàng ta là hung thủ, xử tội nàng ta cũng là bất đắc dĩ thôi…
Ta trầm giọng:
– Sao muội lại nghĩ vậy?
Bạch Diệu Hoa hơi ngại ngần:
– Muội không dám trộm đoán thánh ý… Nhưng hôm đó, hoàng thượng phạt Liễu Yến Yến không được ra khỏi phòng, muội cảm thấy như vậy đối với nàng ta thực ra là chuyện tốt.
Trải qua một trận thê lương như vậy, nếu không bị cấm túc thì mỗi ngày nàng ta đều phải đi thỉnh an hoàng hậu, thể nào chẳng bị kẻ khác chế giễu? Liễu Yến Yến tâm cao khí ngạo như vậy thì làm sao chịu nổi? Có lời ấy của hoàng thượng, nàng ta không phải ra ngoài chịu nhục, kẻ khác cũng không đến khó dễ nàng ta được.
Sau khi hoàng tự mất đi, hoàng thượng giận dữ vô cùng.
Nếu nàng ta đúng là kẻ hại chết cốt nhục của hoàng thượng, hoàng thượng sẽ không che chở cho nàng ta đâu.
Ta mỉm cười, thầm tán thưởng sự nhanh nhạy của Bạch Diệu Hoa.
Nàng trông thấy ta cười, không rõ có hiểu ý ta hay không, nhưng vẫn nói tiếp:
– Muội cũng nghĩ chuyện này không liên quan đến hoàng hậu.
Đứa trẻ trong bụng Minh Du, hoàng hậu cứ để nó ra đời chẳng phải tốt hơn biết bao nhiêu? Là gái thì thôi, nhược bằng là trai, hoàng hậu từ từ nghĩ cách giết mẹ đoạt con là được, năm dài tháng rộng, sợ gì thiếu cơ hội? Xuân Hạnh đáng thương kia, nhất định cũng chỉ là một con tốt thí cho hoàng hậu mà thôi… Nếu không phải hoàng hậu, cũng không phải Liễu Yến Yến thì còn ai đây? Đức phi chăng? Nhưng muội không thể nghĩ ra đức phi làm thế nào hạ độc vào cao dưỡng da kia được.
Bạch Diệu Hoa thực sự rất thông minh.
Án này nàng nghĩ không ra, chẳng qua là do không nắm được mấu chốt vấn đề.
Những ngày qua, ta cứ trăn trở chẳng biết có nên nói với Bạch Diệu Hoa hay không.
Ta luôn tin tưởng nàng, chỉ là chuyện xấu thì càng ít người nhúng tay vào càng tốt, giấu giếm nàng chẳng qua vì sợ liên lụy đến nàng mà thôi.
Thực không ngờ Bạch Diệu Hoa lại vì chuyện này mà canh cánh trong lòng.
Giờ đây, tuy kết cục không như mong đợi nhưng tựu chung cũng đã được giải quyết êm đẹp, ta nghĩ hẳn đã đến lúc cho nàng biết rồi.
Nghĩ vậy, ta bèn ngoảnh đầu nhìn nàng, chậm rãi nói:
– Trong bụng của Minh Du vốn không có cái thai nào cả..