Đọc truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Chương 3131:
Các vị đồng học, xin chào mọi người!Trong Cảm Ứng Thiên, câu thứ 22: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ.
Kính già, thương trẻ).Ở trong đoạn này, phần chú giải có trích dẫn một đoạn trong Kinh Hoa Nghiêm:BỐN NGUYỆN TRONG KINH HOA NGHIÊM:- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, cụ túc trí huệ, vĩnh bảo thọ mạng, vô hữu chung tận”.- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc tu hành, ly lão tử pháp, nhất thiết tai độc, bất hại kỳ mạng”.- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc thành tựu, vô bệnh não thân, thọ mạng tự tại, năng tùy nguyện trụ”.- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, đắc bất lão bất bệnh, thường trụ mạng căn, dũng mãnh tinh tấn, nhập Phật trí huệ”.Bốn nguyện này là điều mà tất cả chúng sanh thế gian chúng ta đều niệm niệm mong cầu.
Có thể cầu được không? Đương nhiên có thể cầu được, vì nếu không cầu được thì Phật nhất định không nói những lời này.
Nếu Phật nói ra những đạo lý mà chúng ta không hiểu, nói ra phương pháp mà chúng ta không làm được thì cách nói này của Phật là không khế cơ, còn gọi là lời nói rỗi hơi, làm sao có thể tương ưng với ngũ ngữ như trong Kinh Kim Cang đã nói.
Từ đó cho thấy, từng câu từng chữ trong Kinh luận đều là cái mà năng lực chúng ta có thể lý giải, có thể thực hiện, đây mới được xem là lời dạy chân thật.Nguyện thứ nhất, “Nguyện nhất thiết chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, cụ túc trí tuệ, vĩnh bảo thọ mạng, vô hữu chung tận”.Trong nguyện này, điểm quan trọng nhất chính là “Phát tâm Bồ-đề”, hay nói cách khác, bốn loại nguyện vọng đều là lấy tâm Bồ-đề làm căn bản.
Nếu không phát tâm Bồ-đề thì chúng ta muốn vãng sanh về Thế giới Cực Lạc cũng không thể đi được.
Kinh Vô Lượng Thọ vì chúng ta khai thị rõ ràng, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều kiện quan trọng nhất là phải “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”.
Niệm Phật đường của chúng ta ngày nay niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, không phải bảy ngày hay bảy mươi ngày, mà là trường kỳ.
Đây là chúng ta đã làm được “nhất hướng chuyên niệm” rồi, nhưng nếu không phát tâm Bồ-đề thì vẫn không thể vãng sanh, cho dù một ngày niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, thậm chí niệm cả đời cũng không thể vãng sanh.
Chúng ta không thể trách Phật, Phật đã nói rất rõ ràng, đã nói tám chữ, nhưng bạn chỉ mới làm được bốn chữ.
Bốn chữ này làm viên mãn đi nữa cũng chỉ được 50 điểm, vẫn chưa đạt tiêu chuẩn.
Qua đó có thể thấy, phát tâm Bồ-đề là quan trọng.Tâm Bồ-đề là gì? Là tâm giác ngộ chân chánh.
Giác ngộ điều gì vậy? Giác ngộ chân tướng vũ trụ nhân sanh minh bạch, rõ ràng.
Chân tướng hình dáng ra sao? Trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng”.
Đây là chân tướng mà chư Phật Bồ-tát nhìn thấy.
Nói rõ hơn một chút là tất cả mọi hiện tượng đều là nghiệp nhân quả báo, thiện nhân – thiện quả, ác nhân – ác báo, nhân quả tương tục, kéo dài không dứt.
Đây là chân tướng sự thật.
Sâu thêm một tầng, Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều cùng chung một thể mạng sống”.
Đây là nói đến tầng sâu hơn, đều là nói chân tướng sự thật.
Hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì gọi là tâm Bồ-đề.
Sau khi hiểu rõ rồi, điều quan trọng nhất là giúp mình cầu giải thoát, làm sao thoát khỏi lục đạo luân hồi, làm sao thoát khỏi thập pháp giới, giống như chư Phật Bồ-tát, sống trong Pháp Giới Nhất Chân bình đẳng.
Đây mới là giác ngộ chân chánh, mới là Bồ-đề chân thật.
Không những phải giúp bản thân mà còn phải giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn.Các vị nên biết, người giác ngộ ở trong thế gian này tương đối vất vả, không như các bạn tưởng tượng là người giác ngộ nhất định rất tự tại, rất vui sướng, sự thật hoàn toàn ngược lại với điều này.
Người giác ngộ chịu đựng hết tất cả oan uổng, chịu đựng hết tất cả sự lăng nhục, chịu đựng hết tất cả sự giày vò.
Những oan uổng, lăng nhục, giày vò này từ đâu mà đến? Là từ bên chúng sanh bất giác đưa qua, cho nên bạn phải chịu đựng được.
Không những ở trong Phật pháp, mà ở trong pháp thế gian cũng như vậy.
“Người tốt thì bị người ta bắt nạt, người tốt thì bị kẻ xấu ức hiếp”, lời này chẳng phải thường nghe nói sao? Người tốt ứng xử thế nào vậy? Người tốt vẫn là làm người tốt, người tốt tình nguyện bị ức hiếp, vả lại không oán giận chút nào cả, đó mới gọi là người tốt.
Người tốt là người sáng suốt, chung sống với những người không sáng suốt này, người tốt còn phải giúp đỡ họ quay đầu, giúp đỡ họ giác ngộ, còn phải chịu đựng sự giày vò của họ, chịu đựng sự đổ oan của họ.
Nếu không phải người giác ngộ chân chánh thì không thể làm được.
Chỉ có người giác ngộ thật sự thì tâm địa chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đại từ đại bi đều bộc lộ ra trong đời sống.
Người mê hoặc điên đảo không thể nhìn ra được.
Ai có thể nhìn ra được vậy? Phật Bồ-tát nhìn ra được.
Phật Bồ-tát an ủi họ, Phật Bồ-tát âm thầm hộ trì họ, tự hành hóa tha, vì tất cả chúng sanh tiêu tai miễn nạn.
Chúng ta phát tâm muốn làm người tốt, người tốt rất vất vả.“Cụ túc trí huệ”, đây là sự thật.
Người phát tâm Bồ-đề thì trí huệ mới hiện tiền.
Chúng ta muốn phát tâm Bồ-đề nhưng không thể phát ra được là do nguyên nhân gì? Nghiệp chướng làm chướng ngại.
Nghiệp là gì? Nghiệp là tạo tác, tất cả tư duy bất thiện, tạo tác bất thiện, đó gọi là nghiệp.
Nghiệp đã chướng ngại tâm Bồ-đề của chúng ta, cho nên tâm Bồ-đề không thể hiện tiền.
Đạo lý là ở chỗ này.
Chúng ta tạo tất cả nghiệp thiện, được hay không? Nghiệp thiện cũng làm chướng ngại tâm Bồ-đề.
Lời này phải giảng thế nào? Cái thiện này của bạn không phải chân thiện, cái thiện này của bạn là thiện của thiện ác.
Thiện của thiện ác chẳng giúp ích được gì cả.
Thiện của thiện ác chỉ có thể được phước báo hữu lậu trong tam giới, không thể khai trí huệ.
Cho nên Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, ở trong đây không xen tạp phân biệt, chấp trước thì gọi là chân thiện.
Phân biệt cái ý của mình, chấp trước cái lợi hại của mình.
Hay nói cách khác, phải đem tự tư tự lợi, kiến giải, chủ trương, thành kiến của mình thảy đều buông xả, đoạn ác tu thiện như vậy là tâm Bồ-đề.
Tu hành như vậy mới khai trí huệ, “cụ túc trí huệ”.
Trí huệ hiện tiền mới “vĩnh bảo thọ mạng”.Quí vị phải biết, không những là người, mà mỗi một chúng sanh đều là thọ vô lượng.
Mọi người không nên cho rằng Thế giới Tây Phương Cực Lạc mới là thọ vô lượng, chúng ta ở đây thì không có.
Nếu như chúng ta ở đây không có thọ vô lượng thì lời Phật nói trong Kinh là không thông, là tự mâu thuẫn nhau rồi.
Phật pháp là pháp bình đẳng.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thọ vô lượng, còn ở đây đoản mạng, vậy là không bình đẳng rồi, đâu thể gọi là Phật pháp được? Cho nên chúng ta với A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là như nhau, người nào cũng là thọ vô lượng, chỉ do chúng ta mê hoặc điên đảo, không biết mình có tâm Bồ-đề, không biết mình có vô lượng trí huệ, vô lượng thọ mạng, cho nên mới gọi là “kẻ đáng thương xót”.
Vô lượng trí huệ, vô lượng thọ mạng do tu mà có phải không? Không phải, là tự tánh vốn đầy đủ.
Vấn đề hiện nay ở chỗ nào vậy? Bạn không thể giác ngộ, vấn đề là ở chỗ này.
Vừa giác ngộ, vừa quay đầu, bạn liền có được ngay thôi.Ngày nay có biết bao nhiêu người, kể cả người Mỹ ở trong đó, hôm kia có vị đồng tu nọ đưa cho tôi xem một tin tức, nhà tiên tri của nước Mỹ đang giải thích tai nạn thế giới, tôi nhìn thấy có không ít người đang nghe, có thể thấy mọi người đều vô cùng quan tâm.
Tai nạn lớn của toàn thế giới sắp đến rồi, có người nào mà không sợ hãi? Đây rốt cuộc là sự tình như thế nào? Thế gian có rất nhiều người thông minh, mọi lúc mọi nơi chúng ta đều có thể gặp được.
Họ ở trong định nhìn thấy, ở trong mộng nhìn thấy, ở trong quá trình tu học nhìn thấy, cũng có người ở trong môi trường sống nhìn thấy, nhưng đều là biết được nó như vậy mà không biết tại sao nó như vậy, cho nên lo lắng, sợ hãi, không thể giải quyết vấn đề.
Chỉ riêng Phật pháp hiểu rõ, nhất là Phật pháp Đại Thừa, cho nên gọi Phật pháp là “bảo”.
Chúng tôi thể nghiệm càng ngày càng sâu sắc, thật sự là “bảo”, chỉ có “bảo” mới có thể giải quyết vấn đề.
Những tai nạn này chỉ là việc vụn vặt tầm thường, là chuyện nhỏ.
Nhà Phật nói “đại tam tai”, đó là tai nạn lớn đích thực; nước, lửa, gió là tam tai, có thể phá tan trời Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, đó mới là tai nạn lớn.
Tai nạn lớn đó ở trong Phật pháp cũng không có gì đáng kể, chúng ta hiểu rồi thì sẽ không bị tai nạn, thật sự là thọ vô lượng.
Người chưa hiểu, họ phải tiếp nhận tai nạn này.
Như là có sinh tử, thọ mạng có dài ngắn, những huyễn tướng này, tóm lại không thể lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Cho nên lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chính là chỗ mà Đại Sư Vĩnh Gia trong “Chứng Đạo Ca” đã nói: “Sau khi giác ngộ rồi thì không cả đại thiên”.Phật pháp, nhất là Phật pháp Đại Thừa, từ đầu đến cuối không có gì khác, chính là dạy chúng ta giác ngộ.
Phật pháp dạy học có ba mục tiêu.
Một là chuyển mê thành ngộ, đây là hàng đầu, mục tiêu chủ yếu.
Chỉ cần mục tiêu này đạt được thì có thể nói hai mục tiêu trước và sau tự nhiên đã hoàn thành, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành Thánh, không thành vấn đề gì cả.
Mấu chốt là ở chuyển mê thành ngộ.
Điều này ở trong nhà Phật thường hay nói là “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”.
Muôn ngàn lời nói, muôn ngàn Kinh luận, tóm lại không lìa khỏi nguyên tắc này.
Cho nên, phát tâm Bồ-đề là vô cùng quan trọng.
Tâm Bồ-đề thật sự hiện tiền thì thọ vô lượng liền đạt được.
Tại sao vậy? Chắc chắn vãng sanh, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh.
Nếu bạn không phát tâm Bồ-đề, cho dù một ngày niệm 24 giờ, niệm cả đời cũng không thể vãng sanh.
Bạn phát tâm Bồ-đề thì một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh.
Ý nghĩa của từng câu từng chữ ở trong Kinh đều phải hiểu cho rõ ràng, phải hiểu cho sáng tỏ.Nguyện thứ hai: “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc tu hành, ly lão tử pháp, nhất thiết tai độc, bất hại kỳ mạng”.Đây chẳng phải điều mà mọi người chúng ta hiện nay cần hay sao? Tu phương pháp gì có thể lìa già, lìa chết được vậy? Lìa già, lìa chết, ở trong đây còn có một thứ, không phải bỏ sót mà là được lược bỏ, đó là bệnh.
Lìa già, lìa bệnh, lìa chết.
Không già, không bệnh, không chết, có ai làm được không? Có rất nhiều người làm được.
Người niệm Phật vãng sanh, đứng mà đi, ngồi mà đi, khi đi còn chào từ biệt với bạn bè thân thích, họ không phải chết, họ không có chết.
Vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đang sống mà vãng sanh.
Điều này quí vị nhất định phải rõ ràng, đây là pháp “Không Già, Không Bệnh, Không Chết”.
Cách tu như thế nào vậy? Dựa vào Kinh Vô Lượng Thọ tu học thì thành công ngay.Nếu bạn muốn dựa vào Kinh Vô Lượng Thọ tu hành, trước tiên bạn đối với văn tự trong Kinh điển phải học thuộc.
Thứ hai là phải hiểu sâu.
Thứ ba là ứng dụng vào đời sống của mình thì vấn đề này giải quyết rồi, già, bệnh, chết đều xa lìa rồi.“Nhất thiết tai độc”, câu này là hoàn toàn nói về tình trạng xã hội của chúng ta hiện nay, tai nạn, bệnh độc (bệnh độc này chính là ôn dịch, bệnh truyền nhiễm) đều không thể hại bạn.
Chúng ta đối diện với hoàn cảnh này mà sợ hãi thì không thể giải quyết, tìm đủ mọi cách để dự phòng cũng không thể giải quyết, không thể phòng nổi.
Chỉ có dựa vào Thánh giáo, dựa vào lời dạy chân thật của Phật Bồ-tát, chúng ta mới có thể thoát khỏi những khổ nạn này.
Cho nên Phật dạy chúng ta “đọc tụng Đại Thừa”, đặc biệt là người học giáo chúng ta, người phát tâm hoằng pháp lợi sinh.Đọc tụng Đại Thừa là môn học quan trọng nhất của chúng ta.
Ở trong đọc tụng bao gồm nghiên cứu thảo luận.
Các đồng học hiện nay ở nơi này tu học, hoàn cảnh tu học này là nhân duyên hy hữu đứng đầu thế gian, nếu các bạn không thể nắm lấy thì lỗi lầm ở các bạn.
Tôi trước đây tu học mười năm ở Đài Trung, mười năm như một ngày, không hề gián đoạn.
Hoàn cảnh của chúng tôi so với các bạn khác nhau như trời với đất, các bạn ở trên trời, chúng tôi ở dưới đất.
Tôi ở Đài Trung có bảy người bạn học chí đồng đạo hợp, chúng tôi sống chung với nhau mười năm.
Mỗi tuần chúng tôi chỉ hội tụ một lần ba tiếng đồng hồ, cùng nhau nghiên cứu thảo luận.
Bởi vì mỗi người có gia đình, có công việc nên không thể hội tụ mỗi ngày.
Các bạn hằng ngày hội tụ với nhau, cho nên nếu các bạn học tập giống kiểu như tôi thì chí ít các bạn học một năm bằng với bảy năm của tôi; các bạn học hai năm thì bằng với mười bốn năm của tôi.
Đây là lời nói rất thực tế.
Tôi ở Đài Trung mười năm, các bạn ở nơi đây một năm rưỡi là hoàn thành rồi.
Nếu không thể khéo dùng cơ duyên này thì thật đáng tiếc.
Không phải bạn không có phước báo, mà phước báo thật lớn, thế nhưng khi phước báo lớn đến thì không biết hưởng, vẫn ở trong đây sinh phiền não, thật là đáng tiếc!Phần trước tôi đã nói với quí vị là “hiếu học tâm thiết”, các bạn đã thiếu bốn chữ này.
Thật sự đầy đủ “hiếu học tâm thiết”, bạn đối với thời gian từng giây từng phút đều sẽ không để nó luống qua.
Đồng học hội tụ với nhau, từng giây từng phút đều đang nghiên cứu thảo luận.
Chúng ta học giảng Kinh, một người giảng, mấy người còn lại nghe, sau khi nghe xong thì đưa ra ý kiến, đưa ra phê bình để giúp nhau cải tiến.
Sự giúp cải tiến này không phải là giúp một người, mọi người đều được giúp cả, mọi người đều nâng cao cảnh giới, đâu có thời gian rảnh rỗi mà khởi vọng tưởng? Đây mới gọi là chân thật lo cho đạo.
Nhất là quí vị đều từ nơi khác đến Singapore làm khách, thời gian là quí báu hơn cả.
Đúng như cái mà người hiện nay gọi là cần tranh thủ từng giây từng phút, chúng ta mới có thể thành công lớn, xây nghiệp lớn.
Sự nghiệp lớn này là gia nghiệp của Như Lai, đâu chỉ có giữ thọ mạng không bị tai hại mà thôi.
Hy vọng các đồng tu chúng ta nên thể hội thật sự nghĩa chân thật của Như Lai, cần mẫn nỗ lực, y giáo tu hành, tự lợi lợi tha thì đời này chúng ta không uổng phí, sống có ý nghĩa, có giá trị.**************Trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chúng ta xem thấy có trích dẫn bốn nguyện được nói trong Kinh Hoa Nghiêm.Nguyện thứ nhất là “Nguyện nhất thiết chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, cụ túc trí huệ, vĩnh bảo thọ mạng, vô hữu chung tận”.Nguyện thứ hai là “Cụ túc tu hành, ly lão tử pháp, nhất thiết tai độc, bất hại kỳ mạng”.Hai nguyện này chúng tôi đã giới thiệu rồi.
Phía sau còn hai nguyện là:“Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc thành tựu, vô bệnh não thân, thọ mạng tự tại, năng tùy ý trụ”và “Nguyện nhất thiết chúng sanh, đắc bất lão bất bệnh, thường trụ mạng căn, dũng mãnh tinh tấn, nhập Phật trí huệ”.Chúng ta tiếp tục xem hai nguyện này.Bốn nguyện này chúng tôi đã nói là điều mà tất cả chúng sanh mong cầu, vấn đề là có thể cầu được hay không? Nhà Phật có một câu nói: “Ở trong cửa Phật, có cầu ắt ứng”.
Nếu như bốn nguyện này không thể cầu được thì câu nói “ở trong cửa Phật, có cầu ắt ứng” đã có vấn đề rồi, đó là lời hư dối, không phải lời chân thật.
Phật Bồ-tát tuyệt đối không vọng ngữ, từng câu nói nói ra đều là lời chân thật, vấn đề ở chỗ chúng ta cầu mà không được.
Thế gian này, ở trong “Bát khổ” có “khổ vì cầu không được”.
Tại sao cầu không được vậy? Vì không hiểu rõ chân tướng sự thật, cái mà bạn cầu không hợp lý, không hợp pháp, không thuận pháp tánh, cho nên bạn cầu mới không đạt được, cầu trái với nguyện.
Nếu thật sự làm như lý như pháp thì không có gì mà không cầu được.
Cầu làm Phật còn có thể cầu được, bốn nguyện này nếu đem so sánh với thành Phật thì chỉ là chuyện nhỏ.
Cho nên, quả thật đúng là có thể cầu được.Hôm qua, chúng tôi cũng đã nói nguyên tắc cơ bản của mong cầu là phát tâm Bồ-đề.
Chỉ cần phát tâm Bồ-đề thì bốn nguyện này là có cầu ắt ứng.
Nếu như không phát tâm Bồ-đề thì bốn nguyện này sẽ rất khó cầu được, cho nên phát tâm Bồ-đề rất quan trọng.
Quí vị thường hay niệm Kinh Vô Lượng Thọ, điều mà trong Tam Bối Vãng Sanh nói là ba bậc thượng – trung – hạ, đoạn sau cùng là nói người tu học pháp môn khác cũng phát nguyện hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ.
Bốn loại lớn này, Phật dạy cho chúng ta tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là “Phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”.
Bạn có thể vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không? Nếu tâm hạnh của bạn tương ưng với tám chữ này thì bạn nắm chắc phần vãng sanh, còn nếu trái ngược với tám chữ này thì không thể vãng sanh.Ở niệm Phật đường của chúng ta hiện nay là niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, quanh năm suốt tháng không gián đoạn, đã làm được “nhất hướng chuyên niệm”, nhưng có thể vãng sanh hay không thì còn phải xem chúng ta có phát tâm Bồ-đề hay không.
Nếu như không phát tâm Bồ-đề thì vẫn không thể vãng sanh, một ngày 24 giờ niệm Phật cũng không thể vãng sanh, bởi vì bạn chỉ làm được nhất hướng chuyên niệm, bạn chưa có phát tâm Bồ-đề.
Đây là điều chúng ta nhất định phải biết.
Cho nên, phát tâm Bồ-đề là vô cùng vô cùng quan trọng.“Phát tâm Bồ-đề” là chánh nhân của vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc.
“Nhất hướng chuyên niệm” là duyên.
Nhân duyên đầy đủ thì bạn chắc chắn được sanh Tịnh Độ.
Đạo lý, chân tướng sự thật này chúng ta đều phải làm cho rõ ràng, làm cho minh bạch, không được hiểu sai ý của Phật.Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ chân chánh, là tâm giác ngộ triệt để.
Hình thức của tâm giác ngộ ra sao? Nói đơn giản nhất để chúng ta tự mình có thể thể hội, có thể thực hiện là: Khởi tâm động niệm phải thuận theo giáo huấn của Phật-đà, không thuận theo ý của chính mình; đem ý của mình buông xả, tất cả nương theo lời dạy của Phật; điều mà Phật Bồ-tát ở trong Kinh luận dạy chúng ta làm thì chúng ta chăm chỉ làm, dạy chúng ta không nên làm thì chúng ta không được làm, ngay cả ý nghĩ cũng không được phép sinh.
Đây là hình thức của tâm Bồ-đề.Nguyện thứ mười ba của Kinh Vô Lượng Thọ là “Nguyện quang minh vô lượng”, chúng tôi cũng đã giảng tương đối cặn kẽ.
Nói thực ra, do vì tiến độ nên chúng ta không thể giảng nhiều hơn.
Kinh văn từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa.
Chúng ta cần thể hội cho được, phải biết học tập như thế nào.Thiện pháp nhất định phải tu.
Trong việc tu thiện, thiện pháp viên mãn nhất chính là vãng sanh Tịnh Độ.
Thật sự mong cầu vãng sanh Tịnh Độ thì nhất định phải đem tất cả mọi chướng ngại vãng sanh Tịnh Độ buông xả.
Mang theo nghiệp vãng sanh, đây không phải nói là đem theo những chướng ngại này mà bạn có thể vãng sanh, đó là điều không thể.
Đại đức xưa nói với chúng ta rất rõ ràng, chỉ có thể mang theo nghiệp cũ, không thể mang theo nghiệp mới.
Nghiệp tạo trước khi chưa học Phật do bản thân ngu muội vô tri.
Sau khi học Phật lại tạo nghiệp tiếp, vậy thì không có cách gì mang theo được.
Sau khi học Phật thì phải nghe lời Phật, sửa chữa lỗi lầm, tất cả vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian.
Câu thường nói là “chánh pháp cửu trụ”, vì giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, cho nên triệt ngộ cứu cánh là phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.
Đây là giác ngộ triệt để đích thực.
Vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc là lìa khổ được vui chân thật, cái khổ của tam giới, thập pháp giới thảy đều lìa rồi, được lạc cứu cánh (niềm vui rốt ráo).
Đây là chỗ mà Thế Tôn, A Di Đà Phật, tất cả chư Phật ở trong Kinh luận chỉ dạy chúng ta.
Nếu chúng ta có thể thể hội được nỗi khổ tâm mà Phật Bồ-tát chỉ dạy, thật sự hiểu rõ rồi, y giáo phụng hành thì bốn nguyện này không khó nữa.
Nguyện thứ ba nói, không phải nguyện Phật Bồ-tát mà là nguyện tất cả chúng sanh (tất cả chúng sanh là bao gồm bản thân chúng ta ở trong đó).Nguyện thứ ba: “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc thành tựu, vô bệnh não thân, thọ mạng tự tại, năng tùy ý trụ”.“Cụ túc thành tựu, vô bệnh não thân”.
Chúng ta hiện nay thân thể không tốt, có bệnh, có phiền não.
Làm sao có thể làm được ở trong đời này không có đau bệnh, không có phiền não, “thọ mạng tự tại”, “năng tùy ý trụ”? Tùy ý trụ chính là bạn ở trong thế gian này muốn trụ bao lâu thì trụ bấy lâu, thọ mạng tự tại, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở.
Có thể làm được không? Có thể làm được.
Chúng ta ở trong Cao Tăng Truyện, trong Cư Sĩ Truyện, trong Thiện Nữ Nhân Truyện thật sự nhìn thấy, thọ mạng của họ đến rồi, họ vẫn không muốn đi, vẫn muốn trụ thêm mấy năm vì chúng sanh làm thêm một chút việc, không có vấn đề gì.
Pháp sư Giao Quang, người chú giải “Chánh Mạch Kinh Lăng Nghiêm”, khi thọ mạng đến rồi, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài, Ngài xin phép A Di Đà Phật ở lại thế gian này thêm mấy năm nữa.
Kinh Lăng Nghiêm từ xưa đến nay chú giải đều không viên mãn, Ngài muốn chú giải lại cho Kinh Lăng Nghiêm, sau khi làm xong rồi sẽ vãng sanh.
A Di Đà Phật liền đồng ý.
Phật liền đi, Ngài thì lưu lại, làm một bộ chú giải cho Kinh Lăng Nghiêm.
Điều này chứng minh thọ mạng tùy ý.
Người có loại công phu này không chỉ có một mình Pháp sư Giao Quang, trong lịch sử bất luận tại gia hay xuất gia, có rất nhiều người như vậy.
Nhưng người như vậy trụ ở thế gian chỉ có một việc là giúp chánh pháp trụ lâu.
Như Pháp sư Giao Quang chính là giúp chánh pháp trụ lâu, rộng độ chúng sanh.
Dùng cách nói hiện nay đó là: vì tất cả chúng sanh phục vụ, họ không phải vì chính mình, họ không có chính mình, cho nên họ có thể “cụ túc thành tựu, vô bệnh vô não”.
Từ đó cho thấy, đau bệnh, phiền não đều là do bản thân chúng ta có tư tâm, có “ngã” chấp.
Chấp trước cái thân này là ta, chấp trước vọng tưởng phân biệt của chính mình là ta; khởi tâm động niệm “tôi phải thế này, thế nọ; ý của tôi là thế nọ, thế kia; tôi cho rằng như thế nọ, như thế kia”.
Bạn có “ngã” thì bạn sẽ có bệnh, bạn sẽ có phiền não, bạn sẽ có đau khổ.Phật pháp tu hành, bất luận là pháp môn nào, bất luận là tông phái nào, tổng cương lĩnh trong Kinh Kim Cang nói rất hay: “Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ-tát”.
Sao gọi là Bồ-tát vậy? Bồ-tát là người sáng suốt, là người tu hành.
Không sáng suốt là mê hoặc điên đảo, không tu hành thì tạo nghiệp.
Cổ Thánh tiên Hiền làm ra hình mẫu Bồ-tát cho chúng ta thấy.
Thời cận đại, người xuất gia có Lão Hòa thượng Hư Vân của Tông môn, Ấn Quang Đại Sư của Tịnh Độ tông, các Ngài làm ra tấm gương để cho chúng ta thấy.
Tấm gương gì vậy? “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”.
Bạn tỉ mỉ mà quan sát, các Ngài tràn đầy trí huệ.
Cư sĩ tại gia, người thị hiện tướng Bồ-tát cũng không ít.
Ví dụ như cư sĩ Giang Vị Nông – người chú giải “Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa”, ở Đài Loan chính mắt chúng tôi nhìn thấy lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam.
Những nhân vật hàng đầu này đều thị hiện hình mẫu tốt của người sáng suốt, người tu hành.
Các Ngài trụ thế chỉ có một mục tiêu đơn giản là giúp đỡ chúng sanh đoạn ác tu thiện, giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, cả đời chỉ làm mỗi một việc như vậy.
Cho nên thật sự là phối hợp giúp chánh pháp trụ lâu ở thế gian, không có một mảy may tư tâm, không hề có mảy may tự lợi.
Đó là hạnh Bồ-tát chân thật.
Chúng ta từ đây xem thấy là tương ưng với những điều mà trong Kinh này đã nói.
Tại sao họ không trụ thêm mấy năm vậy? Người sáng suốt, người tu hành sống ở thế gian này không phải là ý của mình, hoàn toàn do duyên phận; có duyên thì ở thêm một thời gian nữa, không có duyên liền đi ngay.
Duyên là gì vậy? Duyên là chúng sanh có mong muốn học với họ.
Có người muốn học với họ thì họ phải trụ thế.
“Ở trong cửa Phật không bỏ một ai”.
Nếu không có người học với họ, trụ thế là không cần thiết, họ liền đi ngay.
Có lẽ bạn sẽ nói, người muốn học với họ thì rất nhiều.
Nhìn từ bên ngoài thì không sai, là rất nhiều.
Có người thật sự học với họ hay không? Bên ngoài thì tuân theo, nhưng bên trong thì chống lại rất nhiều.
Những người đó thì không tính đến.
Vẻ bề ngoài giống như học tập với Bồ-tát, học tập với thiện tri thức, nhưng trên thực tế, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác hoàn toàn trái ngược với điều mà thiện tri thức, Phật Bồ-tát chỉ dạy, cho nên những vị ấy không cần thiết phải trụ thế.
Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa trụ thế, thị hiện nhập Niết Bàn cũng là sự việc như vậy.
Phật nói rất hay, người cần được độ đều đã được độ; người chưa được độ, xem nhân duyên từ nay về sau, duyên hiện nay chưa chín muồi, Ngài bèn đi ngay.
Phật Bồ-tát trụ thế hay không, thời gian trụ thế dài hay ngắn, đều xem thái độ học tập của chúng ta có nghiêm túc hay không.
Cho nên chúng ta tự mình phải suy nghĩ, chúng ta là được Phật Bồ-tát chọn rồi, hay là bị Phật Bồ-tát bỏ rơi? Tôi nói lời này thật hơi khó nghe.
Bản thân chúng ta không chịu học tập thì Phật Bồ-tát cũng đành bó tay đối với chúng ta.
Nhất là xã hội hiện nay dân chủ, tự do, mở cửa, không ai có thể can thiệp được ai.
Vào thời xưa, cha mẹ, thầy cô có thể gò ép con cái, nhưng hiện nay thì không được, hiện nay gò ép là phạm pháp.
Cho nên Phật Bồ-tát trụ thế, thời tiết nhân duyên như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.Y giáo phụng hành, quả thật đúng là có thể được “vô bệnh, vô não”.
Bệnh sinh ra từ đâu vậy? Chúng ta hiện nay biết, bạn nhiễm phải vi-rút.
Thế nhưng mọi người không biết, vi-rút nguy hiểm nhất, nhà Phật gọi là tam độc tham – sân – si.
Bên trong chúng ta có tham sân si nên mới bị nhiễm phải vi-rút bên ngoài.
Bên trong không có tham sân si thì bên ngoài vi-rút như thế nào, bạn cũng không bị cảm nhiễm, hiện nay trong y học gọi là khả năng miễn dịch, hệ thống miễn dịch.
Nhà Phật nói miễn dịch, đích thực là đoạn tham sân si, tâm địa “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đây là thật sự có thể miễn dịch.
Tâm địa đại từ đại bi có thể giải độc, cho nên thật sự là có thể thành tựu “vô bệnh vô não”, “thọ mạng tự tại”.Nguyện thứ tư: “Nguyện nhất thiết chúng sanh, đắc bất lão bất bệnh, thường trụ mạng căn, dũng mãnh tinh tấn, nhập Phật trí huệ”.Nguyện thứ tư này nói: “Nguyện nhất thiết chúng sanh, đắc bất lão bất bệnh”.
Làm sao có thể được không già, đây cũng là điều mà mọi người mong cầu, đều hy vọng mãi mãi thanh xuân.
Làm thế nào có thể không già? Con người dường như đều sẽ già.
Chúng ta nên biết, nguyên nhân của già là ở chỗ phân biệt, chấp trước.
Bạn có chấp trước thì bạn sẽ bị bệnh, bạn có phân biệt thì bạn sẽ bị già yếu.
Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, quyết định không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn sẽ không bị bệnh, bạn cũng sẽ không bị già yếu, chí ít hiện tượng già yếu sẽ chậm lại, cũng chính là chúng ta nói lão hóa rất chậm.
Người phân biệt, chấp trước nghiêm trọng thì tốc độ lão hóa rất nhanh.
Nếu hoàn toàn không có phân biệt chấp trước thì sự lão hóa này sẽ chấm dứt.
Thật vậy, sẽ không lão hóa nữa.
Hiện tượng lão hóa già yếu còn không có thì họ làm sao bị bệnh được?Nguồn gốc của bị bệnh có ba loại.Loại thứ nhất là bệnh sinh lý, gọi là “bệnh tùng khẩu nhập”.
Bạn ăn uống không cẩn thận, mặc y phục không cẩn thận nên cảm nhiễm gió lạnh, đây là bệnh tật trên sinh lý.Loại thứ hai là bệnh oan nghiệp.
Phần lớn là do sát sanh hại mạng, những oan hồn này tìm bạn để trả thù.
Oan quỷ nhập thân đều là oan gia đối đầu của bạn.
Loại bệnh này nhất định phải hòa giải, đối phương đồng ý sự hòa giải của bạn thì sẽ thoát ra, bệnh của bạn sẽ hết ngay.
Trong “Tam Muội Thủy Sám”, Quốc sư Ngộ Đạt bị mụn ghẻ mặt người là thuộc vào loại này.Loại thứ ba là bệnh túc nghiệp.
Loại này thì tương đối phiền phức.
Bệnh này không phải do ăn uống nhiễm phải, cũng không phải oan gia đối đầu, mà là quả báo tạo tác tội nghiệp quá nhiều ở trong đời quá khứ, hoặc giả trong đời hiện tại của mình.
Loại quả báo này nếu dùng cách nói hiện nay để nói, đó là chứng sa sút trí tuệ người già.
Chúng tôi đã thấy rất nhiều, phần lớn đều là gia đình giàu có, trong xã hội có địa vị, có của cải.
Người bị chứng bệnh này muốn sống không được, muốn chết cũng không xong, hơi thở của họ không dứt, ngay cả con cái của mình họ cũng không nhận ra.
Họ cần nhiều người đến chăm sóc, đó là phước báo của họ, họ nằm ở trên giường hưởng phước.
Chúng ta vừa thấy liền biết, đây là bệnh nghiệp chướng.
Bệnh này có cứu được hay không? Cứu được! Sám hối, sám trừ nghiệp chướng thì bệnh này sẽ khỏi.
Thế nhưng họ không tin, họ không biết sám hối, người nhà cũng không hiểu rõ đạo lý này nên không thể giúp được.Bạn hiểu rõ những đạo lý này, tiêu trừ nghiệp chướng, không kết oán thù với chúng sanh, đời sống sinh hoạt chú trọng vệ sinh thì có thể không già, không bệnh.
Bạn có thân thể khỏe mạnh thì bạn mới có năng lực lo cho đạo, “dũng mãnh tinh tấn”.
Thể lực suy yếu, muốn tinh tấn đã không được rồi, lúc đó là chậm rồi.
Cho nên từ xưa đến nay, giai đoạn tu hành công phu đắc lực nhất là khi còn trẻ, khỏe.
Chúng ta thấy trong Lục Tổ Đàn Kinh, Đại Sư Huệ Năng đắc đạo lúc 24 tuổi.
Cái có được là thể lực.
Có thể lực thì vào niệm Phật đường niệm Phật bảy ngày bảy đêm như chẳng có việc gì.
Đến khi già bảy, tám chục tuổi vào niệm Phật đường mấy giờ đã chịu không nổi rồi, muốn tinh tấn cũng vô phương.
Những đạo lý này chúng ta đều phải biết, sau đó mới biết cần phải tu học như thế nào, làm như thế nào.Trong Kinh Hoa Nghiêm nói bốn nguyện này, chúng ta thảy đều có thể đạt được, chắc chắn không phải là lời giả dối, không phải vọng ngữ.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây.A Di Đà Phật!.