Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 116116


Đọc truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Chương 116116:


Kính thưa các vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 107:“Mỗi háo căng khoa.

Thường hành đố kỵ” (Thường thích khoác lác, kiêu căng.

Thường hay ganh tỵ).

Trong chú giải dẫn dụng lời của cổ đức.

“Lão Tử nói: “Chẳng tự cho là đúng mà sự thật đúng sai được phơi bày rõ rệt.

Chẳng tự cho là mình đã bỏ công tốn sức mà tự nhiên là có công lao.

Chẳng tự kiêu căng tự đại mà sẽ được kẻ khác xem trọng”.

Kinh Dịch chép: “Đạo trời khiến cho những gì quá tràn đầy sẽ bị hao hụt, để bù đắp cho sự khiêm tốn.

Đạo đất khiến cho những gì viên mãn sẽ được chuyển sang chỗ khiêm hạ.

Quỷ thần phá hoại sự kiêu căng tràn đầy hòng tạo phước cho người khiêm tốn”.

Do khiêm tốn mà được mọi người tôn kính, thanh danh, phẩm đức tỏa rạng.

Người giữ phận nhún nhường, không ai có thể vượt hơn được! Bậc quân tử luôn giữ trọn phẩm đức khiêm tốn, nhún nhường.

Đại Vũ chẳng kiêu căng, chẳng kể công, luôn nói “hàng ngu phu ngu phụ ai nấy đều có một điểm tài năng tốt đẹp hơn ta”.

Vua đục đẽo Long Môn, dẹp trừ Y Khuyết, đất đai được sửa sang tề chỉnh, ứng hợp theo lẽ trời, công lao phủ trùm muôn đời.

Châu Công chẳng kiêu căng, chẳng tiếc tài năng, nhọc lòng khiêm hư tiếp đãi bậc hiền sĩ, búa mẻ Đông chinh, rốt cuộc giữ yên nhà Châu”.

Đây là trích dẫn những sự tích từ cổ thư và của người xưa để chứng minh.

Phía sau là kết luận.

“Vì thế nói: “Bậc đại Thánh đại Hiền chân chánh luôn dè dặt, kiêng sợ như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng, dốc trọn hết tinh thần để thực hiện”.Đoạn này cũng là lỗi lầm thường hay phạm phải ở trong cuộc sống thường ngày.

Bản thân chúng ta có phạm phải hay không? Không thể không có.

Chỉ là có sự khác biệt ở trên mức độ mà thôi.

Nếu chân thật có thể tiêu trừ những thói hư tật xấu thì đức hạnh của chính mình liền có nền tảng.

Nếu trong tâm vẫn còn có sự bất bình thì chúng ta phải biết ở trên đức hạnh đã không còn gốc rồi, không có gốc rễ.

Nói cách khác, bất luận là cầu học hay tu đạo thì đều có một chướng ngại nghiêm trọng.

Tóm lại mà nói là chúng ta phải khiêm hư cung kính.

Từ trong khiêm kính mới có thể chân thật có thành tựu.Phía sau còn một đoạn nói đến “đố kỵ”.

“Đố kỵ thì nam lẫn nữ đều có”.

Đây là thường tình của con người.

“Nam nhân nhìn thấy người khác có công danh thì đố kỵ, nhìn thấy người khác giàu sang cũng đố kỵ.

Địa vị mà gần với mình thì tâm đố kỵ cũng sinh ra.

Sợ người khác chen lấn mình.

Tài năng cao hơn mình cũng đố kỵ”.

Trong chú giải cũng có tổng kết rằng: Đều là do tâm lượng quá nhỏ, đều là do lòng dạ nông cạn, hẹp hòi mà ra.

Chúng ta ngày nay nói là tâm lượng quá nhỏ, không thể bao dung người khác.

Đây đều là do việc học chưa có căn bản, học mà không được thọ dụng.

Nếu chân thật học vấn có nền tảng và thọ dụng thì sẽ giống như lời Phật nói: Không những không đố kị, không ngạo mạn; khiêm hư mà còn có thể tu tùy hỷ công đức.

Nhìn thấy người có tài năng cao hơn mình thì nhất định có thể nhường lại cho người tài, không có chuyện đi cạnh tranh.

Anh làm tốt hơn tôi thì tôi phải nhường cho anh, chức quyền địa vị đều nhường cho anh.

Vì sao vậy? Như vậy thì nhân dân mới được phước, xã hội mới được phước.

Có thể vì chúng sanh mà suy nghĩ, vì xã hội mà suy nghĩ, vì nhân dân mà suy nghĩ thì bạn sẽ nhường.

Đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Đây là đức lớn, là đại thành tựu.

Vì sao vậy? Thành tựu của người khác chính là thành tựu của chính mình.

Bản thân ta không bằng người, nếu chức quyền địa vị này không chịu nhường cho người khác là đang hại chúng sanh.

Các vị hãy nghĩ đến nhân quả, nhân quả chính là đọa địa ngục.

Ta có thể nhường cho người khác, người khác làm tốt hơn ta, có thành tựu hơn ta thì đây chính là thành tựu của ta.

Trong nhà Phật.

Ấn Tông và Lục Tổ chính là một tấm gương rất tốt.

Ấn Tông ở phương Nam là một cao Tăng đại Đức đương thời.

Đồ chúng tín ngưỡng Ngài không biết bao nhiêu mà kể.

Sau khi gặp được Lục Tổ, Ngài thế độ cho Lục Tổ.

Ấn Tông là thầy thế độ cho Lục Tổ.


Ngài biết Đại sư Lục Tổ Huệ Năng có đức hạnh và sự tu trì cao hơn mình.

Sau khi thế độ xong, Ngài ngược lại còn bái Lục Tổ làm thầy.

Đem địa vị nhường lại cho Lục Tổ để Đại sư Huệ Năng có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh ở Phương Nam.

Các vị hãy nghĩ xem, thành tựu đó rốt cuộc là thành tựu của Huệ Năng hay là thành tựu của Ấn Tông? Thực tại mà nói, từ trên hình thức là thành tựu của Đại sư Huệ Năng, nhưng từ trên thực chất mà nhìn thì là thành tựu của Ấn Tông.

Thành tựu của Ấn Tông quyết không thể thấp hơn của Huệ Năng.

Đây là một đức lớn, người thông thường không thể làm được.

Không phải là người có đức hạnh chân thật thì làm không được.

Trong thế pháp thì chúng ta xem vào thời xưa có Quản Trọng và Bào Thúc Nha.

Thành tựu của Quản Trọng kỳ thực là thành tựu của Bào Thúc Nha.

Đó là việc nhường thành tựu lại cho người Hiền, mà bản thân mình không phải tốn công sức, người khác làm thay mình, đây chân thật là thành tựu.

Cho nên Phật dạy chúng ta tu “tùy hỷ công đức”.

Tùy hỷ công đức chính là đối trị với những lỗi lầm ngạo mạn, đố kỵ.

Trong xã hội hiện tại của chúng ta, bất luận là trong thế pháp hay Phật pháp, vẫn luôn khư khư giữ lấy chức vị của mình, đến chết cũng không nhường cho ai.

Đây là lỗi lầm của tuyệt đại đa số.Khi tôi mới bắt đầu học Phật, vừa mới bước ra giảng kinh, tôi ở trên giảng đài thường hay nói.

Trước 40 tuổi là giai đoạn chúng ta chăm chỉ nỗ lực học tập.

Từ 40 tuổi đến 60 tuổi là phải nên tu phước, vì Tăng đoàn mà ra sức phục vụ.

Cũng chính là nói đảm nhiệm việc chấp sự trong Tăng đoàn, vì đại chúng mà phục vụ.

Sau 60 tuổi thì phải tu huệ, phải nhường lại chức vụ của mình cho người khác.

Lo cho đại sự sanh tử của chính mình.

Nhiều nhất là giảng kinh dạy học mà thôi.

Hết thảy những sự vụ hành chính hoàn toàn đều phải buông bỏ.

Khiến cho nhân viên trong ban hành chính ban lãnh đạo luôn luôn được trẻ hóa.

Vào thời xa xưa ở Trung Quốc, tuổi về hưu là 70.

Trong các cổ thư chúng ta thường nhìn thấy “thất thập trí sĩ”.

Thế nhưng đối với người tu đạo mà nói thì 70 tuổi là quá trễ, 60 tuổi thì nên nghỉ hưu rồi, toàn tâm toàn lực mà làm sự việc của chính mình.

Có thể làm những việc truyền đạo, dạy học, giảng kinh.

Tự mình tu hành cho tốt, phải vì đời sau mà suy nghĩ, nhất định không thể cứ ở trên chức vị của mình mà không chịu nhường cho ai.

Việc không chịu nhường này, ý niệm này, hành vi này sẽ đọa vào tam ác đạo.

Ngạn ngữ thường nói “trước cửa địa ngục có nhiều tăng đạo”.Chúng ta phải nghĩ đến ý nghĩa trong từ “xuất gia” là gì? Buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, đây gọi là xuất gia.

Xuất gia rồi mà lại đi xây dựng đạo tràng.

Chúng tôi ở bên cạnh bình lặng mà quan sát thì quả thật như một chuyện cười.

Bạn ra khỏi cái nhà nhỏ, kết quả lại đi xây một cái nhà lớn hơn thì bạn làm sao có thể giải thoát? Tâm của bạn làm sao có thể thanh tịnh được? Nói cách khác, bạn làm sao có thể tương ưng với đạo? Cho nên trong thời đại trước mắt của chúng ta không những người chứng quả không có mà người khai ngộ cũng không có.

Bởi vì người tu học như pháp không nhiều.

Nguyên nhân là gì? Do bị cái “gia” này ghì chặt lại.

Cho nên xuất gia nhưng thực tế lại không xuất gia.

Tiếp nhận một số đồ tử đồ tôn thì cái nghiệp đó còn lớn hơn cái nghiệp của những người tại gia thông thường.

Nếu bạn tại gia thì bạn chỉ có mấy đứa con, vài người thân và bạn bè.

Xuất gia chưa được mấy năm thì gia nghiệp càng ngày càng lớn, càng ngày càng phải bận tâm.

Đạo tràng hiện nay không giống với đạo tràng ngày xưa.

Đạo tràng ngày xưa là đạo tràng mười phương, chân thật là tuyển chọn hiền tài.

Chúng ta xem quy củ của người xưa, nhiệm kỳ chấp sự là một năm.

Vào ngày 30 tháng Chạp, những người chủ trì chấp sự trong các tự viện, thường gọi là 108 đơn vị chấp sự, đồng loạt rời khỏi chức vụ, bắt đầu tuyển chọn lại.

Cho nên trong nhà Phật dùng chế độ tuyển cử sớm nhất.

Thật sự là dân chủ.

Sau khi tuyển chọn xong, đến ngày mùng 1 năm mới thì bắt đầu chuyển giao.

Nhiệm kỳ là một năm, không giống như hiện nay, hiện nay rất nhiều hình như là nhiệm kỳ cả một đời.

Gọi là chùa của con cháu.

Gia lớn thì là nghiệp cũng lớn.

Cho nên thành phần xuất gia cũng phức tạp, có rất nhiều người vì sao lại đến xuất gia? Nhìn thấy cái gia nghiệp của bạn quá lớn, sau khi xuất gia mục đích là muốn được kế thừa tài sản này, là vì việc này mà đi xuất gia.

Nếu vị lão Hòa Thượng này của bạn cái gì cũng không có, ngay cái chòi tranh cũng không có, e là sẽ không có ai chịu xuất gia với bạn rồi.

Vì sao vậy? Vì xuất gia đi theo bạn là chịu khổ chịu nạn.

Cho nên ngày nay chùa miếu xây càng lớn, càng xa hoa tráng lệ thì người theo bạn xuất gia càng nhiều.


Bạn hãy suy nghĩ xem vì sao họ đến? Thế nhưng chúng tôi không nghe có ai hỏi họ vì sao họ lại muốn xuất gia? Chúng tôi ngày ngày đọc kinh, ngày ngày niệm Phật, đã có được chút giác ngộ này.

Đây không phải là đại triệt đại ngộ, đây chỉ là một sự giác ngộ nho nhỏ mà thôi.

Chúng tôi sâu sắc tin tưởng nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai.Đạo tràng này của chúng ta đắc lực là nhờ có cư sĩ Lý Mộc Nguyên hộ trì.

Ông thực sự đã buông bỏ cái “gia”, tất cả vì Phật pháp, tất cả vì chúng sanh, toàn tâm toàn lực mà phục vụ.

Đây là việc mà phàm phu không làm được.

Vì sao không làm được? Vì không buông được danh lợi, không buông được quyền vị, không buông được sự hưởng thụ ngũ dục lục trần.

Trước mắt thì có được một chút danh văn lợi dưỡng, nhưng tương lai thì vấn đề sẽ rất lớn.Một hơi thở ra mà không trở vào thì sẽ đi về đâu, có từng nghĩ qua hay chưa? Nếu có thể nghĩ đến sự việc này thì người này trong Phật pháp có thể nói là đã bắt đầu khai ngộ, bắt đầu giác rồi.

Không giác thì là mê, vĩnh viễn là mê.

Việc này có thể được sao? Nhân sinh rất ngắn ngủi.

Trong kinh thường nói “mạng người trong hơi thở”.

Khai thị này của Phật là nhắc nhở chúng ta có sự cảnh giác cao độ, để cho chúng ta phải quý tiếc mỗi một giây, một phút thì chúng ta mới có thể được độ.

Nên buông xuống thì nhất định phải buông.

Tự mình nhất định phải nhìn thấu “sanh không mang đến chết không mang đi”.

Ta vì người khác mà làm, khổ cực mà làm, có đáng hay không? Thế Tôn năm xưa còn tại thế đã làm tấm gương cho chúng ta.

Thế Tôn không xây một đạo tràng nào, cả đời Ngài trải qua đời sống vật chất ở mức thấp nhất.

Ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây.

Những đệ tử đi theo Ngài, thân cận Ngài, những người đó chân thật là mộ đạo mà đến, nhất định không phải do tham hưởng thụ mà đến.

Cũng giống như Thích-ca Mâu-ni Phật, cũng là ba y một bát, ngày ăn một bữa, đêm ngủ gốc cây, chân thật là mộ đạo mà đến.

Giảng đường tịnh xá là do các cư sĩ xây dựng.

Chúng ta phải có thể thể hội từ những chỗ này.

Vào thời đó đệ tử tại gia của Thế Tôn có quốc vương, đại thần.

Họ lễ thỉnh Phật đến giảng kinh thuyết pháp, cúng dường nơi ở.

Là nơi ở của người khác, chính mình không có, chính mình thì một lòng lo cho đạo.

Có người cúng dường, chúng ta có thể tiếp nhận, an tâm mà lo đạo.

Như vậy chúng ta mới không phụ lòng những thí chủ cúng dường.

Chúng ta đạo nghiệp không thể thành tựu, vậy thì mắc nợ thí chủ rồi.

Thiếu nợ thì tương lai phải trả nợ.

Cho nên cư sĩ Giang Vị Nông ở trong Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa đã nêu ra: Người xuất gia nếu không thể khôi phục lại chế độ Thác Bát (ôm bát khất thực), chánh pháp nếu muốn trụ ở tại thế gian này thì sẽ vô cùng khó khăn.

Ông đề xuất chế độ Thác Bát.

Chúng tôi đọc giảng nghĩa của ông mà cảm động sâu sắc, không có ai đề xướng việc này.

Năm xưa tôi ở Đài Loan, Pháp sư Tẩy Trần ở Hồng Kông đến thăm tôi.

Đây là một vị Pháp sư thông minh tài cán và tràn đầy sinh lực.

Tôi đã động viên ông, tôi nói Pháp sư có muốn làm người dẫn đầu hay không.

Ông dẫn đầu còn chúng tôi sẽ đi theo, không cần nhiều, chúng ta tìm 5 người, 5 vị Tỳ-kheo.

Hiện nay nếu ngủ dưới gốc cây thì sức khỏe chúng ta không được rồi, hiện tại chúng ta có thể trong lều.

Các vị xem lều dã ngoại hiện nay họ làm rất bền chắc, chất lượng cũng rất tốt, rất gọn nhẹ, có thể xếp gọn lại thành một cái túi mang trên vai.

Buổi tối dưới gốc cây chỉ cần mở lều ra là xong, rất là tốt.

Tôi nói chúng ta sẽ áp dụng Thác Bát, Pháp sư dẫn đầu còn tôi sẽ theo Ngài.

Ông nghe xong thì cũng gật đầu, “Được thôi!” Thế nhưng sau khi trở về Hồng Kông thì không còn tin tức gì nữa.

Phải chân thật có người dẫn đầu để làm, đây là một việc tốt.

Việc Thác Bát đừng nên sợ là không xin được cơm, tôi tin tưởng nếu chân thật phát tâm đi Thác Bát, nếu không có người cúng dường thì chư Phật Bồ-tát sẽ hóa thân đến cúng dường bạn.

Tôi có lòng tin này.

Phật pháp nếu thật sự muốn hưng vượng, chân thật có thể hưng khởi lên thì những lời này của cư sĩ Giang Vị Nông nói là có đạo lý.Hãy kiềm chế sự ham muốn hưởng thụ.

Nếu tham muốn danh lợi thì không những không thể hưng giáo, e rằng lỗi lầm còn khó tránh khỏi.

Xuất gia và tại gia học Phật không như nhau.

Tại gia học Phật thì vấn đề không lớn, xuất gia học Phật thì không dễ rồi, sẽ tương đối gian nan.**********Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 108.“Vô hạnh ư thê tử.

Thất lễ ư cữu cô” (Đối xử với vợ con không ra gì.

Chẳng lễ phép đối với bố mẹ chồng).

Đoạn này là thuộc về “gia đình chi ác” (những việc ác trong gia đình).Gia đình là căn bản của xã hội nhân luân.


Gia đình nếu xảy ra vấn đề thì xã hội sẽ không an định, thế giới cũng mất đi sự hòa bình.

Chúng ta ngày nay quan sát thế gian này, đa số gia đình đều có vấn đề, cho nên xã hội động loạn bất an.

Thiên tai nhân họa thì càng ngày càng gia tăng, mức độ tổn hại ngày một nặng hơn.

Nguyên nhân đều xuất phát từ chỗ này.

Chúng ta lại tỉ mỉ quan sát, vấn đề này càng ngày càng nghiêm trọng.

Chúng ta từ trên nhân, từ trên quả đều có thể nhìn thấy rõ ràng.

Chồng vợ bất hòa.

Việc này lúc trước cũng đã nói qua với các vị nhiều lần rồi.Trong chú giải nói rất hay.

“Đối đãi với vợ hãy nên hòa hoãn, kính trọng.

Đối đãi với con cái, hãy nên nghiêm nghị, chánh đáng”.

Đây không những là giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền ngày xưa mà giáo huấn của Phật Bồ-tát cũng không khác.

Thế nhưng hiện nay trong xã hội không nhìn thấy nữa, tâm hạnh đã hoàn toàn trái nghịch với Thánh giáo.

“Chẳng đối đãi với vợ bằng lễ nghĩa, ắt sẽ đánh mất tình nghĩa phu xướng phụ tùy”.

Có ai hiểu được cái lễ này chứ? Thế nào gọi là “Lễ”? Lễ đã mất đi rồi.

Đây là một hiện tượng rất bi ai.

Cổ đức dạy người, tiêu chuẩn của đức hạnh có năm tầng bậc: “Đạo – Đức – Nhân – Nghĩa – Lễ”.

Sau khi “đạo” mất thì vẫn còn có “đức”.

Sau khi mất “đức” thì vẫn còn “nhân”.

Sau khi mất “nhân” thì vẫn còn “nghĩa”.

Mất “nghĩa” rồi vẫn còn “lễ”.

Lễ mà mất rồi thì thiên hạ đại loạn.

Ngày nay chúng ta nhìn thấy tình trạng loạn động của thế gian này.

Là do không có “Lễ”.

Trong lịch sử của Trung Quốc, nếu các vị bình tâm mà đọc, trong 2.000 năm trở lại đây, trên lịch sử ghi chép, sau khi thành lập chính quyền, trong vòng 5 năm thì đế vương nhất định chế lễ tác nhạc.

Lễ là tiêu chuẩn hành vi đời sống của một con người, mọi người đều hiểu được, đều có thể tuân thủ.

Đây là pháp độ.

Nhạc là để điều tâm.

Con người là phàm phu thì vẫn luôn có tâm tư, khi tâm tư không ổn định thì dùng cái gì để điều hòa lại? Là âm nhạc.

Cho nên “lễ” và “nhạc” đều là sự vận dụng của dạy học, không giống hiện nay, hiện nay nói là “giải trí”.

Ngày trước ở Trung Quốc các loại hình nghệ thuật như hí kịch, ca vũ, âm nhạc, mỹ thuật đều là công cụ để dạy học.

Dùng lời hiện nay để nói thì gọi là nền giáo dục có nghệ thuật cao độ.

Người hiện nay không đọc sách Thánh Hiền, đối với những việc này hoàn toàn không biết, nên không hiểu sự việc này có quan hệ đến cả xã hội, là nhân tố cát hung họa phước thật sự của hết thảy chúng sanh, cho nên nếu muốn thế giới an định hòa bình, nhân dân hạnh phúc thì rất khó làm được.Tiếp theo nói: “Chẳng dùng đạo để dạy con, ắt sẽ tổn thương ân nghĩa sanh thành, dưỡng dục.

Bất nghĩa, chẳng có lòng từ, đều gọi là “vô hạnh”.

Những lời này ngày nay chúng ta đọc qua, chính là khắc họa xã hội hiện tại.

Làm thế nào cứu vãn xã hội? Làm thế nào tránh khỏi kiếp nạn này? Chúng ta đọc quyển sách này mới chân thật thể hội được sự dụng tâm của Ấn Quang Đại sư.

Giáo huấn của Phật-đà được trải ra trong kinh luận, phải đọc tụng một lượng tương đối các kinh luận thì bạn mới có thể ghi nhớ được.

Còn phải thâm giải nghĩa thú, sau đó mới có thể y giáo phụng hành.

Đây là một việc khó.

Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là đem giáo huấn của ba nhà Nho Thích Đạo hội tập vào trong những trang văn tự này.

Quan sát chung đại nghĩa của toàn văn, văn tự tuy không nhiều, chưa đến 2.000 chữ.

Toàn văn phân thành 7 đoạn lớn.

Đoạn thứ nhất là tổng cương lĩnh.

Đoạn thứ hai là cảnh báo, cảnh cáo chúng ta.

Đoạn thứ ba là thiện nhân thiện quả.

Đoạn thứ tư là ác nhân ác báo, đoạn này dài, tổng cộng phân thành 17 đoạn nhỏ.

Chúng ta hiện tại đang đọc là đoạn nhỏ thứ 15: “Gia đình chi ác”.

Cảm Ứng Thiên viết rất hay.

Với lượng văn tự ngắn như vậy mà giáo huấn quan trọng của ba nhà Nho Thích Đạo về đức hạnh luân lý cơ bản đều hàm chứa bên trong.Chúng ta hãy xem những câu tiếp theo: “Nay người ta thường là đối đãi với vợ nếu không khắc bạc, thiếu ân huệ, ắt sẽ suồng sã, không chừng mực”.

Đây là hiện tượng xã hội công lợi.

“Đối đãi với con nếu không quá mức nuông chiều, ắt sẽ nghiệt ngã”, “quở trách quá đáng” thì rất ít mà “nuông chiều quá đáng”.

Hai câu kết luận phía sau nói rất hay: “Chính mình đã thật sự vô hạnh, còn trách móc vợ con nỗi gì?”.

Hai câu này thật là vô cùng cảm khái.

Chính mình đã vô hạnh thì bạn làm sao có thể dạy dỗ tốt vợ con? Cho nên chúng ta đọc câu này cảm thấy hết sức bi ai.Câu thứ hai là thất lễ với cha mẹ chồng.

Trong chú giải cũng nói rất hay: “Vợ phụng sự cha mẹ chồng”.

Đây là con dâu phải đối đãi với cha mẹ chồng như thế nào? Cha mẹ chồng là cha mẹ của chồng mình.

Chúng ta ngày nay nhìn thấy mẹ chồng và con dâu bất hòa không có cách nào sống chung.

Trên toàn thế giới dường như là góc độ nào chúng ta cũng đều có thể nhìn thấy.

Thánh nhân đã dạy chúng ta: “Vợ phụng sự cha mẹ chồng giống hệt như con cái phụng sự cha mẹ ruột vậy”.

Hiện nay thì không nói như vậy nữa.

Hiện nay con cái không biết hiếu thuận cha mẹ thì con dâu làm sao biết hiếu thuận với cha mẹ chồng? Làm gì có đạo lý này nữa.


Vợ chồng không bao dung lẫn nhau, mẹ con không bao dung lẫn nhau, xã hội ngày nay là như vậy.

Giữa người và người với nhau hoàn toàn là lợi và hại.

Khi có lợi thì đôi bên lợi dụng lẫn nhau.

Sau khi hết lợi rồi thì trở mặt thành thù.

Luân lý đạo đức truyền thống mấy ngàn năm qua ngày nay không còn lại gì cả.

Đúng như người xưa đã nói: “Cha không ra cha, con không ra con, nhà không ra nhà, nước không ra nước”.

Thế giới đại loạn rồi!Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trước khi vãng sanh một ngày đã nói với học trò: “Thế giới này đã loạn rồi, dù cho chư Phật Bồ-tát thần tiên có giáng thế cũng không thể cứu”.

Chúng ta hãy suy nghĩ câu nói này, là thật không phải là giả.

Vậy ai có đủ sức mạnh để có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh “quay đầu là bờ”? Họ không quay đầu được nữa rồi.

Họ đi về hướng nào vậy? Nếu mở to mắt mà nhìn thì thấy họ đang đi về hướng địa ngục.

Họ không phải đi về hướng thiên đường, họ đi về phía địa ngục.

Chư Phật Bồ-tát nhìn thấy tình hình này cũng không biết phải làm sao, chỉ còn cách là chờ đợi.

Đợi họ đọa địa ngục xong, đợi họ chịu xong hết thảy những khổ đau trong địa ngục, đến ngày nào đó chịu ăn năn hối hận thì mới có thể đến giáo hóa họ.

Họ không thể ăn năn hối cải thì Phật Bồ-tát cũng không có cách nào với họ cả.

Chúng ta trong đời này được thân người, nghe được Phật pháp là quá may mắn.

Sinh vào thời loạn thế mà vẫn có thể hiểu được một chút đạo lý trong kinh giáo.

Người khác không làm, người của cả thế giới không làm, chúng ta đã biết được sự lợi hại, biết được sự được và mất thì chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm.

Nếu quả nhiên có thể y giáo phụng hành, tôi đem Cảm Ứng Thiên xếp thành một môn trong 7 môn công khóa để dạy học.

Chúng ta học Phật thì 7 loại sách này không thể không đọc.

Trong 7 loại sách này thì bốn loại là kinh Phật: Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung, Di Đà Kinh Yếu Giải, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ.

Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên và Tứ Thư của nhà Nho.

Tôi hy vọng các đồng học của chúng ta phải đọc thuộc 7 loại sách này.

Đời này của chúng ta nhất định không đọa tam ác đạo, không những là đọc thuộc mà còn phải thâm giải, giải mà cạn cũng không được, phải giải cho thật sâu, chăm chỉ y giáo phụng hành.

Nếu phân lượng quá nhiều thì thời gian và cả năng lực của chúng ta đều không đủ.

Đây là [phân lượng] ít đến nỗi không thể ít hơn được nữa.

Bảy môn công khóa này, nếu vẫn không có năng lực để thọ trì thì bạn thọ trì hai loại cũng được.

Kinh thì chọn một loại trong A Di Đà Yếu Giải, Vô Lượng Thọ, Hạnh Nguyện Phẩm, sau đó lại thêm Cảm Ứng Thiên, không thể thiếu Cảm Ứng Thiên được.

Từ trên quan điểm của nhà Phật mà nói thì Cảm Ứng Thiên là giới luật, là nền tảng, là căn bản để tu thân tu tâm, chúng ta phải hết sức xem trọng.Năm xưa tôi ở Thư viện Hoa Tạng Đài Bắc, tôi đã yêu cầu các đồng học dùng Cảm Ứng Thiên vào thời khoá tối.

Sau thời khóa tối thì đọc qua Cảm Ứng Thiên một lần, để đối chiếu với tâm hạnh trong một ngày của chính mình, có lỗi thì sửa, không lỗi thì cảnh giác.

Phật đã dạy chúng ta, đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta “chuyển ác thành thiện” thì quyển sách này là tiêu chuẩn của thiện ác.

Nó không phải là Phật giáo, nó là Đạo giáo.

Giáo học của nhà Phật là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, không phân tôn giáo, không phân tộc loại.

Chỉ cần phù hợp với pháp ấn mà nhà Phật đã nói, phù hợp với nguyên lý nguyên tắc mà nhà Phật đã giảng thì Phật thừa nhận đây là kinh điển của chư Phật Như Lai.

Nguyên tắc của Phật là gì? “Chớ làm các điều ác, vâng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đây lời chư Phật dạy”, không phải là một vị Phật dạy, mà tất cả chư Phật mười phương ba đời dạy.

Cương lĩnh khi giáo hóa hết thảy chúng sanh là ba câu nói này: “Chớ làm các điều ác, vâng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch”.

Vậy nên chúng ta hãy xem trong Cảm Ứng Thiên, mỗi câu mỗi chữ có phù hợp với tiêu chuẩn này hay không? Hoàn toàn phù hợp, phù hợp một cách viên mãn.

Đây là việc mà nhà Phật đã ấn chứng, đây chính là kinh Phật.

Chúng ta phải đem nó xem thành pháp mà hết thảy chư Phật Như Lai đã thuyết, là ngang hàng với nhau không thể dùng tâm phân biệt.

Thánh Hiền thế xuất thế gian đều bắt đầu học từ chỗ này.

Các đồng học tại gia học Phật thì bắt đầu tu từ gia đình của các vị.Phần “gia đình chi ác” văn tự không nhiều.

Từ câu “Tham lam không biết chán, thề thốt để người khác tin là thật” cho đến câu “Tổn hại con cái, phá thai.

Làm nhiều chuyện ám muội”.

Tổng cộng hơn 20 câu, chưa đến 30 câu.

Nếu đoạn này làm không được thì bạn không phải là đệ tử Phật.

Nói lời thành thật, niệm Phật dù tốt mấy đi nữa, niệm dù nhiều đi nữa, cũng không thể vãng sanh.

Đây là sự thật.

Vì sao không thể vãng sanh? Trong kinh nói rất rõ ràng: thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi những người nào ở vậy? “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”.

Tâm hạnh của bạn đều bất thiện.

Miệng niệm Di Đà mà tâm bất thiện, đau mồm rát họng cũng uổng công.

Cho nên [đối với] đoạn văn này, đặc biệt là phần chú giải, chúng ta phải chăm chỉ cầu giải, chăm chỉ phụng hành.

Đoạn văn này có 22 câu, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Chân thật phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ thì bạn bắt đầu tu từ đâu vậy? Chính là từ 22 câu này mà bắt đầu.

Trước tiên là trị gia của bạn cho tốt, sau đó mới có thể học Phật.

Bộ Cảm Ứng Thiên này, thật tình mà nói chính là điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước.

Trong đây nói rõ về hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.

Cảm Ứng Thiên chính là chú giải của 4 câu kinh này, chúng ta phải đặc biệt xem trọng.

Nếu không thì cuộc đời này tu có tốt mấy đi nữa cùng lắm chỉ có thể được một chút phước báo hữu lậu nhân thiên mà thôi.

Những công đức lợi ích thù thắng trong Phật pháp nhất định không thể đạt được.Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.