Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 113113


Đọc truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Chương 113113:


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!Xin mời xem đoạn 101 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.

Quyển sách này tổng cộng có một 124 đoạn.

Chúng tôi hy vọng có thể giảng viên mãn sớm hơn một chút.

Có rất nhiều câu hỏi, nên làm lỡ rất nhiều thời gian, do đó chúng tôi sẽ thu xếp trả lời những câu hỏi này vào một thời gian khác.Đoạn này có bốn câu: “Đoản xích hiệp độ.

Khinh xứng tiểu thăng.

Dĩ ngụy tạp chân.

Thái thủ gian lợi.” (Thước non, thước thiếu, cân nhẹ, thưng non.

Đồ giả xen lẫn hàng thật.

Dùng thủ đoạn để kiếm lợi gian trá).Chú giải vừa mở đầu liền nói: “Bốn câu đều nói về chuyện của phường tiểu nhân tham lợi.

Thước, đồ đo lường, thưng, cân vv… là những thứ dùng để lượng định giá trị của mọi vật, được mọi người đồng ý.

Người đời có hai cách thức: Nhập vào thì gắng làm sao cho to, xuất ra thì gắng sức cho nhỏ; nhập vào thì chú trọng sao cho nặng, xuất ra thì cố ý giảm nhẹ.

Lập tâm như vậy, chỉ mong chiếm tiện nghi cho chính mình nào có biết: Chiếm nửa phần tiện nghi, sẽ tổn một phần phước đức! Huống hồ ích ta, tổn người, ắt bị tai ương, bị thiêu đốt bởi lửa sét cõi trời.

Tuy nhiên, chưa chắc đều là như thế, cũng có khi chủ nhân chẳng biết, mà chắc là do con em hoặc tôi tớ trông xem việc thâu vào, xuất ra đã ngấm ngầm làm như vậy, tội ấy rốt cuộc quay về chủ nhân, chớ nên không xem xét tường tận.”Đoạn văn này đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch ý nghĩa của bốn câu trên rồi.

Người thế gian, những sự việc như thế này ở trong xã hội ngày nay có quá nhiều, hầu như là nhiều không kể xiết.

Còn như chuyện lấy giả làm thật thì thời xưa cũng có, thế nhưng rất ít.

Hiện nay ngay đến thuốc men, muốn mua thuốc thật cũng không dễ dàng.

Tôi còn nhớ có một năm tôi ở nước Mỹ, đến cửa hàng thuốc đông y mua hai viên thuốc thanh nhiệt giải độc.

Sau khi về đến nhà mở ra xem thì một viên trong đó là giả.

Bạn nói xem còn có cách nào không chứ? Khi tôi ở Hồng Kông, rất nhiều đồng tu Hồng Kông nói với tôi, mua hàng hóa ở Hồng Kông, nếu không phải là người trong nghề thì sẽ không mua được hàng thật.

Phong khí xã hội đã đến mức độ thế này, khiến chúng ta nhớ đến lời quỷ thần đã từng nói: “Trên trời không an toàn, dưới đất cũng không thể ở”.

Câu nói này rất có đạo lý.

Quỷ thần đều tụ hội cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Điều này cũng giống với điều mà lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói với các học trò bên cạnh Ngài vào buổi chiều hôm trước khi vãng sanh một ngày: “Thế giới đã loạn rồi, chư Phật Bồ-tát, Thần Tiên có đến cũng không cứu được, con đường sống duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”.

Đây là lời nói của người chân thật có đức hạnh, có thành tựu, có tâm từ bi.Ở đây có đoạn nói: “Nhân tâm thế đạo đã thay đổi rồi”.

Hàng hóa trong thị trường gần đây thì hầu như hàng giả nhiều hơn hàng thật.

Nhìn từ điều này thì đây cũng là nhân tâm thế đạo bị biến đổi rồi.

Phàm những vật dụng như đồ ăn thức uống, thuốc men thì đều có hàng giả, hơn nữa số lượng hàng giả nhiều hơn hàng thật, kẻ buôn bán những thứ ấy là phường chôn vùi lương tâm, hại người không chi hơn nổi.

Còn như kẻ sử dụng bạc giả, ngày nay là dùng tiền giả, làm giả những giấy tờ này thì tội ác càng sâu, trời sẽ tru diệt càng nhanh chóng hơn.

“Trời tru” là ý nghĩa gì vậy? Chính là người nước ngoài nói đến ngày tận thế.

Cho nên phàm chúng ta làm việc gì thì đều phải suy nghĩ có xứng đáng với trời đất, với lương tâm hay không? Câu nói này quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Chúng ta khởi một ý niệm thì ý niệm này có nên có hay không? Có thể xứng đáng với trời đất và lương tâm hay không? Có thể xứng đáng với vô vàn chúng sanh hay không? Nếu bản thân chúng ta giác ngộ được điều này là bất thiện, vậy thì lập tức chặn đứng nó lại, nhất định không tái phạm nữa.

Đoạn cuối có một bài thơ của người xưa là:“Càng thêm gian xảo, càng nghèo khó,Trời vốn chẳng dung kẻ dối gian,Nếu nhờ gian xảo mà giàu có,Thế gian kẻ ngốc đói bò càng”Đây là một bài thơ của người xưa, chúng ta xem bài thơ này, lời bài thơ nói có ứng nghiệm hay không? Hình như người ngày nay càng gian, càng xảo thì họ càng giàu có.

Cho nên người tin nhân quả ít đi.

Họ cho những câu chuyện nhân quả không có bằng chứng, nhìn thấy trên thế gian có nhiều người tích đức tu thiện nhưng lại rơi vào hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, người làm điều phi pháp hình như là dương dương tự đắc.

Ngày nay đây là hiện tượng phổ biến trong xã hội của Trung Quốc và nước ngoài.

Sự việc này chỉ có Phật mới nói rõ ràng.

Vì sao lại có hiện tượng này? Phật đã nói: Những người làm điều phi pháp mà giàu sang là do đời trước họ tu đại phước báo.

Tuy rằng ngày nay họ càng gian xảo thì càng bị tổn phước, nhưng sau khi tổn phước thì họ vẫn còn dư phước, họ vẫn còn một chút phước, họ hưởng dư phước của họ.

Nhất định không phải là làm điều phi pháp thì có thể được phước báo, không có đạo lý này.


Người tích đức tu thiện hiện nay vẫn rất nghèo khổ là do đời trước không tu phước.

Nếu họ không tu phước thì cuộc sống của họ so với hiện tại sẽ còn khó khăn hơn.

Chúng ta nghĩ xem, những lời Phật nói là có đạo lý.

Nếu những người đời trước tu phú quý, họ không làm điều phi pháp, an phận thủ thường thì phước báo của họ lớn, phước báo của họ hưởng không hết.

Sau khi thọ mạng của cuộc đời này kết thúc, phước báo của họ chưa hưởng hết thì đời sau vẫn có đại phước báo.

Mặc dù đời sau không tu phước nhưng chỉ hưởng phước thôi cũng không hưởng hết.

Nếu trong đời này họ có thể tiếp tục tu phước thì đời đời kiếp kiếp phước báo là không cùng tận.

Tiếc là người thế gian ngày nay không đọc kinh Phật, không những không đọc kinh Phật mà sách Thánh Hiền cũng đều không đọc.

Không chỉ là không đọc sách Thánh Hiền mà còn không chịu nghe lời nói tốt lành.

Khi nghe thấy lời nói của người khuyến thiện, họ lập tức lảng tránh, liền đi ra chỗ xa.

Nếu dạy họ làm điều phi pháp, họ sẽ vui mừng tiếp nhận, thân cận người xấu mà xa rời thiện tri thức.

Cho nên chúng ta biết phước báo của họ sẽ hưởng không lâu, đúng như người xưa thường nói là “ngắn ngủi như chớp mắt”.

Nếu phước báo lớn thì có thể hưởng cả đời, phước báo nếu không đủ lớn thì sẽ suy khi đến tuổi trung niên và tuổi già.

Điều này chúng ta ngày nay cũng nhìn thấy rất nhiều trong xã hội.

Bốn mươi, năm mươi tuổi đã suy bại rồi, công ty phá sản, nợ nần chồng chất, chạy trốn khắp nơi, đây là điều gì ? Là do phước báo đời quá khứ không dầy, nên khi làm điều phi pháp thì phước báo sẽ hết rất nhanh.

Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người làm điều phi pháp, đến cuối đời, bảy mươi, tám mươi tuổi mà phước báo vẫn rất lớn, đó là do trong đời quá khứ họ tích lũy phước báo rất sâu dày.

Tuy rằng họ làm nhiều việc ác, tổn phước, nhưng vẫn không bị tổn hết, nền tảng của họ quá dày.

Hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta liền biết được chính mình cần phải làm thế nào, nên phải tu học thế nào, nên phải dạy người ra sao.Ngày nay trong xã hội, việc khuyến thiện sửa lỗi thật sự rất khó khăn, thật sự không phải là một việc dễ dàng, thế nhưng chúng ta có phải làm không? Nhất định phải làm.

Có cơ hội ẩn cư, có cơ hội sống trên núi, có cơ hội không nghe thế sự, tự biết hoàn thiện chính mình.

Bạn có cơ hội này thì cũng phải xả bỏ.

Bậc thiện nhân trên thế gian khuyên bảo chúng ta: “An an nhi năng thiên”.

Tâm chúng ta an, thân chúng ta an nhưng xã hội bất an, chúng sanh bất an thì chúng ta cũng phải từ bỏ cuộc sống an ổn để mà đi khắp nơi giúp đỡ người khác.

Đây là tâm từ bi.

Bồ-tát lại càng “làm người bạn không mời của chúng sanh”, đều phải tích cực hơn so với nhà Nho hay so với bất kỳ người nào khác.

Phật Bồ-tát thị hiện tại nhân gian, vì sao vậy? Không phải là để đi ẩn cư, không phải là đến sống một cuộc sống an định thoải mái, thế thì đâu gọi là Bồ-tát nữa, mà là vì hết thảy chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, đây là Bồ-tát.

Bồ-tát khi gặp phải khó khăn thì nhất định không trốn tránh, mà dũng cảm tiến tới, chịu khổ thay cho chúng sanh.

Trong “Hạnh nguyện phẩm”, Phổ Hiền Bồ-tát nói: “Cúng dường là chịu khổ thay cho chúng sanh”, chính là chỉ về sự việc này.

Chúng ta đến thế gian này, mọi người đều giống nhau, đều là do nghiệp lực thọ sanh.

Nghiệp lực có thể chuyển biến thành nguyện lực, chuyển thành nguyện lực chính là thừa nguyện tái lai.

Hoàn cảnh điều kiện của tôi thế này có thể chuyển đổi được không? Tu thành Bồ-tát mới có thể chuyển đổi được, nhưng tôi là phàm phu? Tông Thiên Thai nói có thể chuyển được, trong Kinh Hoa Nghiêm nói có thể chuyển, trong Tịnh Độ Tông nói còn có thể chuyển nhanh hơn.

Tông Thiên Thai nói cho chúng ta là “Nhất tâm tam quán, nhất tâm tam đế” (trong một tâm niệm có thể đồng thời quán chiếu thấu suốt ba chân lý), đó chính là phàm phu chúng ta cũng có thể chuyển đổi được.

Năm xưa, sư Ngài Huệ Tư của tông Thiên Thai là người thời nhà Tùy, đọc Kinh Pháp Hoa, đọc Trung Luận, Ngài đọc đến câu “Nhân duyên sanh các pháp, ta nói tức là không” thì liền ngộ ngay, Ngài liền chuyển đổi được.

Truyền đến Ngài Trí Giả, Ngài là vị xây dựng nền tảng lý luận của tông Thiên Thai, trở thành một tông phái của Đại Thừa.

Một khi ngộ nhập “Tam luân thể không” (không còn các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả).

“Tam luân thể không” chính là đã phá bốn tướng, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng thì tâm địa lập tức thanh tịnh bình đẳng, không còn sanh phiền não nữa, thường sanh trí huệ.Các Ngài có thể làm được thì vì sao chúng ta lại không thể? Nguyên nhân không thể là ở chỗ nào? Là do không chịu buông xuống tập khí phiền não.

Hay nói cách khác, khởi tâm động niệm vẫn không chịu suy nghĩ vì người khác, niệm niệm chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình, như vậy thì không có cách nào rồi.

Sự khác biệt giữa Tổ sư Đại đức và chúng ta chính là ở một niệm này.

Nếu chúng ta một niệm quay đầu, buông xuống tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm đều nghĩ đến quần chúng xã hội và chúng sanh khổ nạn thì bạn liền chuyển phàm thành Thánh, bạn liền làm Phật, làm Tổ, trí huệ của bạn liền khai mở, phiền não liền đoạn dứt, chính là trong một niệm.

Một niệm này không chuyển lại được, không chuyển lại được là nguyên nhân gì? Trước đây tôi đã nói rất nhiều rồi, có hai nguyên nhân: Một là tập khí phiền não quá nặng, hai là đọc kinh quá ít.

Tập khí phiền não nặng, không nên sợ hãi, chỉ cần bạn thường xuyên đọc kinh.


Đọc kinh nhiều, thân cận nhiều với Phật Bồ-tát.

Đọc kinh chính là thân cận với Phật Bồ-tát, nghe nhiều giáo huấn của Phật Bồ-tát.

Người có tập khí phiền não nặng, giảng một lần hai lần sẽ không ngộ, giảng một trăm lần, một ngàn lần cũng sẽ không ngộ, giảng trên mười ngàn lần, trăm ngàn lần cho đến cả triệu lần có thể hoát nhiên khai ngộ.

Từ xưa đến nay những ví dụ như vậy rất nhiều.

Cho nên chúng ta ngày nay thân cân thiện tri thức chính là đọc Kinh, không thân cận thiện tri thức thì vĩnh viễn không thể khai ngộ.

Nhìn thấy chúng sanh đông đảo ở thế gian này, có ai mà không tùy thuận phiền não chứ? Có ai là không tự tư tự lợi? Thậm chí còn có người nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”, câu nói này tức là nên tự tư tự lợi, tự tư tự lợi là chân lý.

Những ngôn luận này là cách nói tưởng đúng nhưng thật ra là sai, chúng ta cần có trí huệ phân biệt.Ở Singapore, cư sĩ Hứa Triết và cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã làm ra tấm gương cho chúng ta xem.

Các bạn xem biểu hiện của họ đều không có tự tư, không có tự lợi, hết thảy đều là vì chúng sanh.

Nhu cầu của cuộc sống chỉ đạt đến mức độ thấp nhất, còn mức độ công việc thì nhiều hơn người bình thường gấp nhiều lần, nhưng thân tâm của họ khang kiện, không có bệnh khổ.

Không những không có bệnh khổ mà còn không có sự già khổ.

Bạn thử đi hỏi họ là tương lai họ có chết khổ hay không? Không có chết khổ, họ đã xa lìa “sanh, lão, bệnh, tử”, “những điều cầu không được” cũng xa lìa, “ái biệt ly” cũng xa lìa, “oán tắng hội” cũng xa lìa, “ngũ ấm xí thạnh” cũng xa lìa rồi.

Các bạn xem, các Ngài đều đã đoạn được bát khổ rồi.

Đây là tấm gương bày ra trước mắt cho chúng ta xem.

Chúng ta lúc nào cũng nhìn thấy, vì sao không chịu học tập? Vì sao vẫn không chịu buông xuống thị phi nhân ngã, không thể buông xuống danh văn lợi dưỡng mà vẫn là bán rẻ chính mình.

Điều này trong Phật pháp gọi là kẻ ngu si, cũng là điều mà trong kinh thường nói là “nhất-xiển-đề”.

Cho nên chúng ta cần tự mình bình tĩnh mà nghiêm túc phản tỉnh, chúng ta có phải là người ngu si hay “nhất-xiển-đề” mà kinh nói không? Cho dù là nhất-xiển-đề thì vẫn có thể cứu được.

Kinh Pháp Hoa nói “Nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh”.

Vấn đề là bạn có duyên phận gặp được Phật pháp Đại Thừa, gặp được Phật pháp liễu nghĩa hay không? Nếu có thể gặp được, lại có cơ hội trường kỳ huân tu thì nhất-xiển-đề cũng có thể trong một đời này thành Phật.Đây là điều chúng ta cần phải nhớ, nhất định cần phải sửa đổi những tập khí xấu ác, niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh.

Chúng ta cũng không cầu lợi ích, không phải vì phước báo thì chúng ta mới làm, nếu vì lợi ích chúng ta mới làm thì cái tâm này đã bất thiện rồi.

Chúng ta làm vì hết thảy khổ nạn chúng sanh, làm vì “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, không phải là vì lợi ích của chính mình, không phải vì chính mình có được lợi ích, như vậy mới tương ưng với Phật pháp.**********Các vị đồng học!Xin mời xem Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ 102.“Áp lương vi tiện.

Man mạch ngu nhân.” (Chèn ép người lành, khiến họ trở thành ty tiện.

Dối gạt kẻ ngu).

Hai câu này, trong xã hội hiện đại của chúng ta hầu như rất thường thấy.

Đây là hai câu cuối cùng của phần “Việc ác do không có lòng nhân hậu, khoan dung”.Chúng ta đọc Cảm Ứng Thiên đến đoạn này thì có cảm nhận sâu sắc về nỗi đáng sợ do tạo tác ác nghiệp mà cảm lấy quả báo trong xã hội hiện nay.

Vì sao đại chúng thông thường trong xã hội hiện nay đối với việc tạo ác lại xem thành bình thường, mảy may ý niệm cảnh giác đều không có? Hầu như xem việc tạo tác ác nghiệp là chuyện bình thường, thỉnh thoảng làm việc thiện sẽ khiến cho đại chúng cảm thấy kỳ lạ, hình như đó là bất thường.

Hiện tượng này nhất định không phải là hiện tượng tốt.

Từ đây có thể biết, xã hội hiện nay ở Trung Quốc và nước ngoài đều giống nhau, tiêu chuẩn của thiện ác không còn nữa.

Nói cách khác, con người không biết thế nào là thiện, thế nào là ác, cho ác là thiện, cho thiện là ác, việc thiện không chịu làm, còn nghiệp ác thì tranh nhau đi làm, cho nên thế giới mới có ngày tận thế, tiền đồ không khả quan.

Các nhà tôn giáo phương Tây nói: Cuối thế kỷ này là ngày tận thế.

Ngày tận thế, các vị nên biết không phải là năm 1999 mà là năm nay.

Thế kỷ hai mươi mốt bắt đầu tính từ năm tới.

Khi tính toán, bạn tính từ một đến một ngàn mới là số chẵn, bạn không thể tính đến chín trăm chín mươi chín.

Năm nay mới thật sự là năm tận cùng của thế kỉ, khả năng có tai nạn hay không? Chúng ta lấy Cảm Ứng Thiên đối chiếu một chút thì trong tâm sẽ hiểu rõ.

Vì sao tiêu chuẩn của thiện ác bị mất đi? Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, Phật nói: “Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã”.

Phật nói những câu này vô cùng đau xót, vô cùng khéo léo, cũng nhắc nhở cho chúng ta lấy đây làm cảnh giác.

“Tiên nhân vô tri” là nói thế hệ trước, người thế hệ trước chỉ xem trọng tranh danh đoạt lợi mà quên đi việc dạy học, đương nhiên là người người đều chạy theo danh văn lợi dưỡng, cổ động cạnh tranh.

Điều này đi ngược lại với giáo dục.


Trung Quốc mấy ngàn năm nay, cổ Thánh tiên Hiền, chư Phật Bồ-tát đều dạy người nhẫn nhường, đều dạy người nhượng bộ, không dạy người cạnh tranh.

Cho nên dạy người cạnh tranh là phản giáo dục.

Cạnh tranh chính là ác niệm, ác hạnh, nói cách khác là đề xướng giáo dục ác niệm ác hạnh, chèn ép giáo dục thiện niệm thiện hạnh xuống.

Điều này còn ra thể thống gì nữa chứ? Thánh Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta: trồng thiện nhân mới được thiện quả, tạo ác nghiệp thì nhất định cảm lấy ác báo.

Ngày nay là xã hội gì vậy? Chúng ta lại quay đầu nghĩ xem chính mình, chủ tâm của mình là gì? Có phải là ngày ngày cạnh tranh trong xã hội không từ bất kỳ thủ đoạn nào để cạnh tranh hay không? Ngày nay giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục xã hội cũng không còn, giáo dục nhà trường cũng không có, hơn nữa giáo dục ở cả ba môi trường này đều là phản giáo dục.

Cái xã hội này còn có tiền đồ hay không?Pháp sư Khai Tâm mà các bạn rất kính ngưỡng đã vãng sanh ở Đài Nam rồi.

Tôi nghe các đồng tu bên đó nói trước khi vãng sanh, Ngài nói bầu trời trên không của Đài Loan toàn là mây đen bao trùm.

Đài Loan thì như vậy, ngày nay toàn thế giới, toàn bộ trái đất đều bị bao trùm bởi màu đen tối.

Trí huệ là quang minh, tham sân si là đen tối.

Chúng ta nghĩ xem có mấy người thật sự dập tắt tham-sân-si để siêng năng tu giới-định-huệ chứ? Giới-định-huệ sẽ phát quang minh, còn tham-sân-si tỏa ra khí đen.

Vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, ở ngay trước mắt chúng ta.

Mười ba năm trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã vãng sanh.

Trước khi vãng sanh một ngày, Ngài nói với các học trò: Thế gian này đã loạn rồi, Phật Bồ-tát và thần tiên có hạ phạm cũng không cứu nổi.

Ngài nói cho chúng tôi con đường sống duy nhất là thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Việc này đã qua mười mấy năm rồi, hiện nay nhìn thấy xã hội này, nhớ lại câu nói này của lão sư Lý thì hoàn toàn ứng nghiệm.

Chúng ta ngoài việc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ ra thì còn có cách nào tốt hơn không? Phát tâm đại từ bi giúp đỡ xã hội này cũng chỉ là cố gắng làm hết sức, còn việc có thành hay không thì phải nghe theo mệnh trời mà thôi.

Làm sao có thể không bi thương chứ?Đọc hai câu này: “Chèn ép người lành khiến họ trở thành ty tiện”, trong chú giải nói là nghĩa hẹp, chúng ta thấy hiện tượng này trong xã hội hiện nay là nghĩa rộng, ức hiếp người thiện lương.

Ngạn ngữ có câu: “Ngựa tốt bị người cưỡi, người tốt bị kẻ khác bắt nạt”, thế là mọi người đều không chịu làm người tốt, người tốt bị người khác bắt nạt, người tốt bị xã hội xem thường.

Thế nhưng chính mình cần phải biết, chúng ta học làm ác, học làm người ác, chiếm dụng được một chút lợi ích của người khác, sau mấy mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời này thì đời tiếp theo sẽ như thế nào? Bạn có nghĩ đến không? Đời tiếp theo sẽ là tam đồ địa ngục.

Nếu có thể hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì cuộc đời này chúng ta làm người tốt, bị người khác bắt nạt, không cần phải nói là người tốt trên thế gian bị người khác bắt nạt, chúng ta ở trong nhà Phật, bạn muốn làm một người tốt, dựa vào lương tâm để tu hành cũng bị áp bức, cũng bị sỉ nhục, cũng có người bắt nạt bạn.

Ngạn ngữ có câu “đồng hàng tương kị” (người cùng ngành hay đố kỵ nhau), chướng ngại rất nhiều.

Chúng ta chỉ có thể khẩn cầu Phật Bồ-tát phù hộ.

Thật ra mà nói là làm một ngày biết một ngày, không dám nghĩ ngày mai làm thế nào.

Có cơ hội thì làm việc tốt, không có cơ hội thì thật thà niệm Phật, chỉ có thể làm đến thế này.Câu tiếp theo là “Dối gạt kẻ ngu”, đây là dùng sự khôn lỏi, trí huệ nhỏ của chính mình, nhà Phật gọi là “thế trí biện thông”, sử dụng âm mưu thủ đoạn để lừa gạt chúng sanh, khiến những người ngu muội bất tri bất giác đều bị bạn lừa, đều bị bạn lợi dụng.

Trong chú giải có mấy câu nói rất hay.

“Người ngu dốt không phải chỉ người không được đi học hay người không biết chữ, trong số những người không đi học và không biết chữ còn có rất nhiều người có trí huệ cao”.

Chúng ta hiện nay xem người ngu dốt, thế nào là ngu dốt? Là không có năng lực phân biệt thật giả, không có năng lực phân biệt tà chánh, không có năng lực phân biệt thiện ác, không có năng lực phân biệt đúng sai.

Anh ấy tốt nghiệp đại học, anh ấy lấy được bằng tiến sĩ nhưng vẫn là người ngu dốt, cũng có rất nhiều người như vậy.

Thế gian này có rất nhiều tà giáo, các bạn xem họ tin theo tà giáo, đó chính là ý nghĩa bên trong câu này muốn nói.

Người truyền giáo của tà giáo dùng phương pháp lừa gạt họ, họ không có năng lực phân biệt, xem tà cho là chánh, xem giả cho là thật.

Những người thiếu hiểu biết này vào hùa cùng với người truyền giáo hủy báng chánh pháp, áp bức, sỉ nhục người tu hành chân chánh.

Họ cho rằng bản thân họ thật sự tu hành, bản thân họ có thần minh phù hộ, câu này nói không sai.

Được những vị thần nào phù hộ vậy? Là tà quỷ ác thần phù hộ họ, cho nên họ rất có thế lực, chúng ta là phàm phu không động vào họ được.

Họ không phải thật sự là thần, không phải là Phật Bồ-tát, mà yêu ma quỷ quái kết hợp cùng với họ.

Thông thường, chúng ta nhìn thấy họ có nhiều người, có thế lực lớn, người hiện nay gọi là tài lực hùng hậu, khí thế rất lớn, tín đồ rất nhiều, chi nhánh có khắp nơi trên thế giới.

Đây là điều Cổ Đức nói ở thời đại này: “Pháp nhược ma cường”, khí thế của ma lên cao, đệ tử nhà Phật đáng thương, người thật sự tu hành đáng thương.

Những người này bắt nạt người lương thiện, tội lỗi của họ nặng vô cùng.

Người làm những việc này nhất định có ác báo.

Người bị lừa gạt thì vô tri mông muội, họ không biết mình bị mắc lừa, cũng không biết là bị thiệt thòi, đương nhiên là càng không thể thoát khỏi bàn tay của ma.

Thế nhưng yêu ma quỷ quái nhất định chịu sự báo ứng của nhân quả.

Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi, hiểu rõ chân tướng sự thật, bản thân mình cảm thấy rất may mắn, cuộc đời này được thân người, có thể nghe được chánh pháp, tương đối không dễ dàng.

Người xưa có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”, đây là sự thật.

Sau khi nghe được Phật pháp, làm thế nào có thể trong một đời này thành tựu thì hoàn toàn dựa vào lòng tin, lòng tin chân thật, còn phải tùy duyên tùy phận cầu giải.

Lý của nhà Phật rất sâu, cần phải minh liễu, cần phải thông đạt, hiểu rõ lý rồi thì lòng tin và nguyện của bạn mới kiên cố không thoái lui.

Vì sao tin nghe lời đồn nhảm của người khác, yêu ma quỷ quái ngày ngày tung tin đồn nhảm, vì sao bạn lại tin nghe theo họ? Là do bạn lĩnh hội đạo lý trong kinh luận quá ít, bạn không thắng được sự cám dỗ.

Nguyên nhân là ở chỗ này.


Cho nên trong kinh Phật thường dạy chúng ta “học rộng nghe nhiều”, “thâm giải nghĩa thú”.

Quả nhiên có thể thâm giải, trí huệ khai mở rồi thì bạn sẽ có năng lực nhìn thấu thủ đoạn của yêu ma quỷ quái, bạn sẽ không bị chúng lay động.Thế lực của chúng có lớn thế nào đi nữa, đệ tử có nhiều đi chăng nữa, hoàn cảnh xung quanh chúng ta sống đều là cảnh giới ma thì ta vẫn có thể thành tựu được.

Như vậy mới không cô phụ cuộc đời này chúng ta có được thân người, được nghe Phật pháp.

Bản thân cần phải giữ vững giáo huấn của chư Phật Bồ-tát và Tổ Sư Đại Đức, giáo huấn của các Ngài là trí huệ chân thật, là sự từ bi vô tận.

Cho nên phải thường xuyên đọc kinh, phải ngày ngày đọc, không thể một ngày không đọc.

Khi đọc phải hiểu ý nghĩa, phải y giáo phụng hành, không cần phải đọc nhiều, xem trọng ở việc tinh chuyên.

Một ngày có thể học một câu, thực hiện một câu thì đó là vô lượng công đức rồi.

Đọc được rất nhiều nhưng một câu cũng không làm được thì cũng xem như uổng công.

Người xưa nói “trọn chẳng có công đức gì”, nhất định phải làm được, chăm chỉ nỗ lực thực hiện.

Bản thân chúng ta làm được rồi chính là khuyến hóa người khác, bản thân chúng ta làm tấm gương tốt cho người khác xem.

Người xung quanh nhìn thấy không giác ngộ thì vẫn có quỷ thần, quỷ thần cũng nhìn thấy.Ba ngày trước, có bạn đồng tu nằm mộng rồi gọi điện cho tôi nói: những bài vị đặt cúng trên Phật đường bên trong Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà ở Đài Bắc đều không thu phí, số lượng bài vị cúng ở đó rất nhiều.

Những chúng sanh này báo mộng, nói muốn đến Cư Sĩ Lâm của Singapore để nghe kinh niệm Phật.

Đồng tu này gọi điện nói với tôi.

Sau khi tôi nghe rồi, tôi nói với mọi người ở niệm Phật đường và giảng đường rằng: Có lẽ các bạn tu hành cũng không đến nỗi nào nên ngay đến quỷ thần cũng muốn đến tham học.

Thế nên chúng tôi đã cúng mấy bài vị trên đó, ghi là những vong linh của vãng sanh đường tại Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà – Đài Bắc, cúng cho họ một cái vãng sanh liên vị.

Chúng tôi thỉnh thoảng lại nhớ đến việc ở Đài Bắc còn có thư viện, khi chúng tôi còn ở đó thì những bài vị vãng sanh để cúng cũng không ít, nên chúng tôi cũng mời họ đến.

Cho nên ở đây cũng cúng bài vị của những vong linh ở vãng sanh đường của thư viện Hoa Tạng Đài Bắc.

Ngoài ra còn có oan gia trái chủ của tứ chúng đồng học của hai đạo tràng này, nên chúng tôi cũng cúng một bài vị siêu độ.

Chúng ta phàm phu mắt thịt nên không nhìn thấy, có một số người có thể nhìn thấy nên nói cho tôi biết, oan gia trái chủ của mỗi một người xếp hàng phía sau dài đến mấy kilomet, đến nỗi nhìn không thấy hết.

Bạn nói có đáng sợ hay không? Lời nói này tôi tin, họ là oan gia trái chủ từ vô lượng kiếp đến nay.

Vì vậy trên đường Bồ-đề, vì sao chúng ta lại đi khó khăn đến như thế? Là vì có quá nhiều oan gia trái chủ.

Bạn muốn thành tựu, bạn muốn giải thoát, nhưng họ không cam tâm, họ muốn báo thù.

Báo thù, báo oán, đòi nợ, trả nợ, những ân oán này liên miên không dứt thì những việc phiền phức sẽ nhiều lên.

Người học Phật chúng ta tin tưởng điều này nhất định không phải là mê tín.

Vậy thì chúng ta phải làm thế nào? Nhân thì đã trồng rồi, nên cách giải quyết duy nhất là giải quyết từ trên duyên.

Ta từ nay trở về sau sẽ không tạo ác nữa, gắng sức từ bỏ ác ngôn ác hạnh, quan trọng hơn nữa là bỏ hẳn ác niệm, thật sự làm được tâm thiện, ngôn ngữ thiện, hành vi thiện.

Ba nghiệp đều thiện thì đem công đức này hồi hướng cho oan gia trái chủ.

Ta lấy công đức này để trả nợ, trừ nợ.

Tôi tin là tuyệt đại đa số oan gia trái chủ sẽ tiếp nhận, như vậy mới có thể hóa giải.

Trên đường Bồ-đề mới có thể thuận buồm xuôi gió.

Cho nên chúng ta thường niệm bài hồi hướng:“Nguyện đem công đức nàyTrang nghiêm Phật Tịnh ĐộTrên đền bốn ân nặngDưới cứu khổ ba đường”Đó chính là hóa giải oán kết.

Thế nhưng bạn thử nghĩ xem, chúng ta lấy công đức gì đây? Niệm kinh một lần không có công đức.

Lạy Phật có công đức không? Không có công đức.Vì tâm hạnh không tương ưng, khởi tâm động niệm vẫn là tự tư tự lợi, những hành vi việc làm vẫn là tổn người lợi mình thì lấy đâu ra công đức? Lễ Phật như thế nào mới có công đức? Là dùng tâm cung kính lễ Phật này cung kính hết thảy chúng sanh thì việc lạy Phật này sẽ có công đức.

Ta cung kính đối với Phật, đối với hết thảy chúng sanh cũng đều cung kính như vậy.

Đây mới là công đức.

Đối với Phật thì cung kính nhưng đối với người thì không cung kính, điều này không có công đức rồi.

Niệm kinh mà hiểu nghĩa, phụng hành thì có công đức.

Nếu chỉ niệm mà không giải nghĩa thú, cũng không biết thực hiện thì niệm kinh không có công đức.

Không có công đức thì việc hồi hướng kia là vọng ngữ rồi.

Nói vọng ngữ liền có tội, quỷ thần chế nhạo bạn, quỷ thần sẽ không tha thứ cho bạn.

Cho nên chúng ta cần phải tu hành thật sự, phải sửa đổi làm mới từ trong tâm địa, từ ngôn ngữ, từ hành vi.

Tiêu chuẩn của thiện-ác thì Cảm Ứng Thiên là tài liệu giảng dạy vô cùng tốt.

Ấn Quang Đại sư đã giới thiệu cho chúng ta, đã đề cử cho chúng ta, dạy chúng ta đọc quyển sách này.

Quyển sách này chính là tiêu chuẩn của thiện và ác.

Trong sách nói đến những điều thiện, chúng ta đã làm được chưa? Trong sách nói đến những điều ác chúng ta kiểm điểm chính mình có mắc phải những lỗi lầm này không? Đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện thì đây là công đức.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây.A Di Đà Phật!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.