Đọc truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Chương 100100:
Chư vị đồng học, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 87:“Lỗ lược trí phú.
Xảo trá cầu thiên.” (Cướp bóc để trở nên giàu có.
Xảo trá cầu thăng quan lên chức).Chúng ta đọc qua một lần phần chú giải trong Vựng Biên hàng đầu tiên: “Nói đến lỗ lược chẳng phải là do dùng phương thức chiến tranh để chiếm đoạt thì làm sao các vị đoạt được, những kẻ làm quan bóc lột dân chúng, lén bòn rút công quỹ, hoặc bọn cường hào ác bá cho vay nặng lãi đều là lỗ lược, dùng kiểu ấy để làm giầu ắt sẽ dẫn đến những chuyện nhà tan, cửa nát, gia đình chia lìa, vợ gào con khóc có thừa, há có thể an hưởng ư”.Đoạn này đã đem ý nghĩa của hai từ “lỗ lược” nói rất thấu triệt, việc này trong nhà Phật thuộc về “giới trộm cắp”.
Phạm vi của “trộm cắp” vô cùng rộng, bất luận là dùng thủ đoạn và phương thức gì để đoạt lấy tài vật của người khác, hoặc giả là bóc lột lợi ích của người khác thì đều thuộc về trộm cắp.
Quả báo của trộm cắp rất là nghiêm trọng.
Nếu Phật không nói thì người thế gian đích thực không cách gì lý giải được.
Trong kinh luận Phật đã nói vô cùng rõ ràng, cũng nói rất nhiều.
Nếu chúng ta trộm cắp tài vật của một người thì tội đó tương đối nhẹ, tương lai phải trả nợ thì chỉ trả có một người.
Nếu là công trình thiết bị công cộng, như người thế gian thường gọi là kẻ tham quan ô lại thì những thứ mà họ xâm đoạt là tiền thuế của nhân dân, là tài vật của quốc gia, nếu kết tội thì tương lai phải trả nợ, tất cả những người nộp thuế đều là chủ nợ của người này, sự việc này phiền phức quá lớn.
Chúng ta hãy nhìn xem những chủ nợ này là ai, chủ nợ có bao nhiêu người vậy? Nếu là công trình công cộng thì chủ nợ là nhân dân của cả nước, bạn nói xem phải làm sao đây, đến khi nào thì bạn mới có thể trả xong? Nghiêm trọng hơn việc này nữa là Phật nói “vật của thường trụ”, chính là tài vật trong tăng đoàn.
Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất hay, Phật nói tội ngũ nghịch thập ác thì Phật còn có cách để cứu, nhưng tội trộm cắp đồ vật của thường trụ thì Phật không thể cứu.
Vì sao vậy? Vì những tài vật trong các công trình công cộng của tự viện, phạm vi của nó chính là mười phương thường trụ, số chủ nợ nhiều hơn số người trong một quốc gia rất nhiều, tất cả những người xuất gia trong tận hư không khắp pháp giới đều có phần, số lượng của những chủ nợ này còn nhiều hơn tất cả các loại chúng sanh trên địa cầu này cộng lại rất nhiều rất nhiều lần, số lượng này không một người nào có thể tính toán ra được.
Nhưng ngày nay người xâm đoạt tài vật của tự viện am đường đều không biết sự lợi hại này, không hiểu quả báo này, chúng ta đọc kinh Phật, thâm nhập kinh tạng, mới hiểu được tình trạng thật sự này.Phật dạy chúng ta bố thí, dạy chúng ta buông xả, bố thí là nhân của phước đức, bạn có thể tu nhân, đương nhiên sẽ có thể chứng quả, bạn có thể có được quả báo của nó.
Trong các kinh luận đã nói rất nhiều, bố thí tài thì được quả báo tài phú, thế nên tài phú nhất định không phải là có thể dùng phương thức không chính đáng nào đó mà tranh đoạt được.
Việc này trước đây chúng tôi cũng đã nói qua rất nhiều rồi, dùng bất kỳ thủ đoạn nào để giành được tài phú thì cũng đều do trong mạng của bạn có mà thôi, trong mạng của bạn không có thì dù có dùng thủ đoạn nào đi nữa cũng không thể có được.
Đạo lý này các vị phải nên nghiên cứu Liễu Phàm Tứ Huấn thật nhiều.
Liễu Phàm Tứ Huấn được lưu thông rất rộng, quyển sách này cũng rất dễ dàng có được, hãy đọc cho thật kỹ, nghiên cứu thật tỉ mỉ thì bạn sẽ hiểu thôi.Con người, chúng sanh lục đạo, ai mà không có dục vọng chứ? Ai mà không muốn có được tài phú? Ai mà không muốn được thông minh trí huệ? Ai mà không mong cầu được khỏe mạnh sống lâu? Đây là dục vọng lớn của chúng sanh trong lục đạo.
“Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật có cầu ắt có ứng) đây là thật không phải là giả.
Phật đã dạy chúng ta đạo lý của cầu đắc, dạy cho chúng ta phương pháp để cầu đắc, nếu chúng ta tu học như lý như pháp, bạn nhất định có thể được xứng tâm vừa ý, tất cả những gì bạn mong cầu nhất định có thể đạt được.
Nếu là sự khẩn cầu vô lý, như đoạn này đã nói thì đây là “ác tâm chiếm đoạt”, đã đi ngược lại với phương pháp và đạo lý, nên dù đạt được thì vẫn là do trong mạng của bạn có, bạn nói xem việc này có phải là oan uổng hay không? Chẳng qua cũng chỉ là lấy trước thời hạn những thứ mà trong mạng đã có mà thôi.
Thí dụ như nói trong mạng của bạn phát tài, 50-60 tuổi mới phát tài, nhưng vì bạn đã dùng thủ đoạn không chính đáng, khi mới 30-40 tuổi thì đã được tài phú rồi, chẳng qua lấy sớm mà thôi, chỉ có thể làm được đến đây, nhưng nghiệp tội mà bạn đã tạo ra đã khiến những thứ mà trong mạng của bạn đáng có được, như là tài phú, thông minh trí huệ, hoặc là khỏe mạnh sống lâu đều bị việc này làm tổn giảm đi rất nhiều, đích thực là được không bằng mất, chúng ta phải hiểu đạo lý thâm sâu trong đó.Chúng sanh vì sao lại tạo ác? Tình trạng chúng sanh tạo ác này có thể hiểu được, những người xuất gia tu học Phật pháp, thậm chí là những lão tu hành trong tứ chúng nhà Phật vẫn không thể đoạn ác tu thiện, biết sai mà vẫn phạm.
Nguyên nhân này là do đâu? Chúng ta hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ xem, đây đều là những tập khí xấu ác đã huân tập từ vô lượng kiếp đến nay trong A-lại-da thức đang làm chủ.
Những tập khí ác này chính là tự tư tự lợi, nó khiến chúng ta dù biết nhưng vẫn phạm, tạo tác nghiệp tội càng sâu nặng hơn, tự mình không thể phát giác ra được, đến khi quả báo hiện tiền thì hối hận không còn kịp nữa.
Hơn nữa, quả báo hiện tiền rất nhanh, cũng là do chúng ta luôn lơ là không để ý, đến khi một hơi thở ra không trở lại thì quả báo liền hiện tiền, bạn nói xem nó đáng sợ biết bao.Chúng ta làm thế nào để đối phó với những tập khí ác của chính mình? Cần phải nhìn thấu.
Buổi nói chuyện sáng hôm qua tôi có nói đến một phương pháp giúp mọi người nhìn thấu.
Phương pháp thì có vô lượng vô biên, tôi chỉ lấy một thí dụ để nói thôi.
Hết thảy chúng sanh chấp trước cái thân này là ta, đây nhất định là sai lầm, trong thân tướng này, “ta” đích thực là bất khả đắc, việc gì phải vì thân tướng bất khả đắc này mà tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp? Thân tướng này là “của ta”, nó không phải là “ta”, hết thảy chúng sanh mê hoặc, mê hoặc căn bản là ở chỗ này, đã đem cái thân tướng này chấp trước cho rằng đó là “ta”.
Chúng ta phải nên làm thế nào để bóc trần cái ẩn số này đây? Để đưa ra lời giải đáp cho câu đố này, đến khi nào bạn tìm được “chân ngã” thì bạn chính là Pháp Thân Đại Sĩ, bạn chính là chư Phật Như Lai.Trong Tông môn thường nói “mặt mũi xưa nay trước khi cha mẹ sinh ra”, “bổn lai diện mục” chính là “chân ngã”.
Cái thân này chỉ là “của ta” mà thôi, nó không phải là “ta”, chúng ta phải đem nó phân biệt một cách rõ ràng, đây là cái “của ta”, đây là một công cụ.
Sáu căn mà Phật nói trong Kinh Đại Thừa là mắt, tai, mũi, lưỡi,thân, ý.
Năm căn ở phía trước là vật chất, cái sau cùng thuộc về tâm lý, ở trong thân tâm thì đều không có “ta”.Các nhà Triết học phương Tây nói: “Ta tư duy nên ta tồn tại”.
Tư duy là gì? Họ cũng biết trong vật chất thì không có “ta”.
Vậy thì cái gì là ta? Ta có thể tư duy, cái tư duy này, cái tưởng tượng này là ta, kỳ thực như vậy vẫn là sai.
Vậy tư duy suy nghĩ là gì? Là tư duy suy nghĩ của ta, là tưởng tượng của ta, đây vẫn là thuộc về cái “của ta”, vẫn không phải là “ta”.
Nói một cách khác, chúng ta ngày nay từ trên hiện tượng vật chất, từ trên hiện tượng tinh thần, đều không thể tìm ra được cái “ta”.
Vật chất và tinh thần đều thuộc về cái “của ta”, là “của ta” chứ không phải là “ta”.Hôm qua tôi đã nói với các vị đồng học, nếu lấy đi cái thuộc sở hữu “của ta”, thì “ta” sẽ liền hiện tiền, chân tướng liền hiển lộ ra thôi.
Cái ta chân thật là gì? Hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới đó mới thật sự là ta, chúng ta đã nhìn thấy cái ý này trong thư tịch của rất nhiều tôn giáo.
“Chân ngã” chỉ có một, họ thì gọi là Đấng sáng thế, xưng gọi là Thần thánh, trong nhà Phật thì gọi là “tự tánh”, gọi là “pháp thân”, đó là “ta”.
Từ “ta” mà biến hiện ra vô lượng vô biên hết thảy chúng sanh, hư không pháp giới đều là cái “của ta”.
“Ta” nếu đã là “một”, “của ta” là từ “ta” mà biến hiện ra, các vị suy nghĩ thử xem, hết thảy chư pháp làm sao không bình đẳng được chứ? Trong nhà Phật có nói “bình đẳng chân pháp giới, vô Phật vô chúng sanh” (Pháp giới chân thật bình đẳng, không Phật, không chúng sanh), chữ “vô” này là không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tướng mới hiện tiền.Nhà Phật nói thiện ác, cuối cùng tiêu chuẩn là ở chỗ này.
Nếu tương ưng với tánh đức thì là thiện, trái ngược với tánh đức thì là ác.
Tương ưng là gì? Là “ngộ”, còn tương phản là “mê”.
Thông thường chúng ta hay nói đoạn ác tu thiện, đây là đối với người sơ học, không rốt ráo, cách nói rốt ráo là chuyển mê thành ngộ, mê chính là ác, ngộ chính là thiện.
Nền giáo học của nhà Phật từ đầu cho đến cuối, không rời xa nguyên tắc này, không rời xa mục tiêu này, cho nên đây là nền giáo dục chí thiện viên mãn.
Nếu quả nhiên chuyển mê thành ngộ thì hết thảy ác trong Cảm Ứng Thiên nói đều sẽ tan biến hết, hết thảy thiện trong Cảm Ứng Thiên nói sẽ tự nhiên đều viên mãn.
Đây chính là “tu từ căn bản” mà Tổ sư Đại đức trong Tông môn, Giáo hạ từ xưa đã nói, căn bản chính là mê và ngộ.Cái tướng của mê và ngộ trong lúc giảng giải chúng tôi cũng thường hay nhắc đến, một niệm khởi lên mà vì chính mình thì đó là “mê”, một niệm khởi lên mà vì hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới thì đó là “ngộ”.
Vì chính mình là tư, vì chúng sanh là công, đại công vô tư, người này đã giác ngộ rồi, nếu vẫn còn một chút lòng riêng tư trong đó thì người này vẫn chưa giác ngộ, không phải là giác cứu cánh, không phải là giác viên mãn.
“Mê”, từng phần từng phần một đang ít đi, “ngộ”, từng phần từng phần một đang tăng lên.
Thế nên trong Phật pháp Đại Thừa mới nói Bồ-tát có 51 cấp bậc, 51 cấp bậc là từ đây mà ra.
Tiểu Thừa, tứ quả, tứ hướng cũng từ đây mà ra, cho nên chúng ta nhất định phải biết những chân tướng sự thật này.
Nếu quả nhiên đã giác ngộ thì chính là nhà Phật nói “thừa nguyện tái lai”, khi mê thì là nghiệp lực, nghiệp lực đang làm chủ, khi ngộ thì chính là nguyện lực làm chủ, nguyện lực làm chủ thì tự tại.
Chúng ta dùng công cụ là thân thể này để thành tựu vô lượng vô biên công đức, nhưng cũng không chấp trước tướng công đức.
Khi còn mê thì công cụ này tạo ra vô lượng vô biên nghiệp tội, có thể thấy mấu chốt đều nằm ở mê và ngộ.
Khi còn mê đối với chân tướng sự thật thì mù mờ không biết, đến khi ngộ rồi thì đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh sẽ rõ ràng minh bạch thông suốt thấu đáo, tự nhiên sẽ chuyển ác thành thiện.***********Chư vị đồng học, mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 87, “Lỗ lược trí phú” (Cướp bóc để trở nên giàu có), ý nghĩa này thì mọi người cũng đã hiểu rồiBây giờ xem câu: “Xảo trá cầu thiên” (Xảo trá cầu thăng quan lên chức).Chữ “thiên” trong kinh văn có nghĩa là gì? Người hiện nay nói là thăng quan, là được chức vị cao hơn, từ một chức vị thấp được lên chức vị cao hơn, đây gọi là “thiên”.
Họ vì muốn có được chức vị này mà dùng đến những thủ đoạn không chính đáng.Hiện tại trong xã hội này, tình trạng như vậy rất nhiều, bất luận là cơ cấu của đất nước, hoặc giả là của công ty tư nhân, việc dùng thủ đoạn không chính đáng để mưu cầu lên chức vụ cao hơn, chúng ta đi đến đâu cũng đều nghe thấy, thậm chí là còn nhìn thấy những sự việc như vậy.Năm xưa tôi ở Đài Bắc, bên bộ Giáo dục có một vị quan chức, ông cũng là bạn cũ của tôi, là một Phật tử kiền thành.
Một hôm ông đến nói với tôi, ông nói bên bộ Giáo dục đang còn trống một vị trí chủ quản, ông có đủ tư cách để tranh cử, ông hỏi tôi có nên đi tranh cử hay không? Tôi liền hỏi ông, ông muốn tranh cử vị trí này mục đích để làm gì? Ông nói không gì ngoài việc muốn thay quốc gia, thay xã hội làm thêm một chút việc tốt.
Tôi nói nếu ông đã có cái tâm như vậy thì ông có thể đi tranh cử.
Nếu chỉ để thăng quan phát tài, cái địa vị này cao, bổng lộc sẽ rất nhiều, thậm chí có lúc làm càn làm bậy, nhận những khoản hối lộ không chính đáng thì không nên đi tranh cử làm gì, nếu muốn tranh cử thì sai rồi.
Sau khi ông nghe những lời của tôi, ông rất tích cực đi tranh cử, về sau không tranh cử được, ông lại đến gặp tôi.
Tôi nói với ông, không tranh cử được thì cũng tốt, vì sao vậy? Vì ông sẽ ít phải bận tâm, ít khổ nhọc, nếu tranh cử được rồi thì phải tận tâm tận lực vì quốc gia vì xã hội mà làm việc tốt.
Nếu không tranh cử được thì tự mình an nhàn tự tại vui vẻ thoải mái.
Nhưng cũng đừng để vụt qua cơ hội này, nếu bạn không thử đi tranh cử thì bạn là tiêu cực, việc đó biểu hiện điều gì, tâm của bạn không tha thiết vì xã hội phục vụ.
Bạn cứ đi tranh cử, tranh cử không được thì bạn được tự tại, là do duyên không chín muồi mà thôi.
Cho nên như vậy sẽ khiến bạn được thanh nhàn tự tại.
Vị này chính là Triệu Phúc Sùng tiên sinh, hiện tại đã về hưu rất lâu rồi, hiện tại ông đang ở California.Chức vị không dễ gì mà có được, người xưa nói là “không dễ ngồi ghế quan”.
Đảm đương ở vị trí nào, bạn đều có chức trách, nhất định phải tận trung với cương vị, làm tốt tất cả những việc trong cương vị của mình.
Bạn làm được có thành tựu, có thành tích thì việc bạn được thăng quan là ở trước mắt, tự nhiên sẽ được đề bạt.
Dựa vào thành tích công trạng của bạn mà thăng quan, dựa vào tư cách và sự từng trải của bạn mà thăng quan, đây là việc bình thường.
Nếu trong số những đồng nghiệp mà có người nghĩ hết phương pháp để chướng ngại người khác, thậm chí là đả kích những đồng nghiệp, sự việc này xưa nay trong ngoài nước đều có.
Chúng ta trong quá khứ cũng làm qua những sự việc như vậy, cũng đã đích thân thể nghiệm được, những việc này đều là tạo tác nghiệp tội rất nặng.
Người khác thật sự bị bạn chướng ngại thì vẫn là do trong mạng của họ không có, nếu trong mạng họ có thì bạn cũng không thể chướng ngại họ được.
Trong mạng mà không có, bạn có muốn đem cho họ thì họ cũng không lấy được, cái lý này rất sâu, người biết được không nhiều.
Cho dù là người đọc thuộc Liễu Phàm Tứ Huấn, đọc thuộc Cảm Ứng Thiên, nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì tự mình vẫn không thể làm chủ.
Nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Những tập khí ác như thị phi nhân ngã, tham sân si mạn, tự tư tự lợi đều chưa nhổ trừ, khi cảnh giới hiện tiền vẫn tùy thuận theo tập khí ác của mình, không thuận theo giáo huấn của Thánh Hiền.
Đây không phải là người tu hành, tu hành thì mức độ thấp nhất là phải buông xả được tự tư tự lợi, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn.
Dù buông xả một cách miễn cưỡng cũng được, có người tu hành nào khi mới bắt đầu mà không miễn cưỡng gượng ép chính mình để thuận theo Thánh giáo chứ? Phải đến một khoảng thời gian nào đó thì mới có thể có xu hướng theo tự nhiên được, đây là công phu của bạn đã đắc lực, đã cảm giác được không phải toàn bộ đều miễn cưỡng.
Đến khi công phu đắc lực rồi thì pháp hỷ liền sanh khởi, pháp hỷ liền sung mãn.
Nhưng ngay từ ban đầu nếu không khắc phục được chính mình thì bạn nhất định làm không được.
Nói cách khác, công phu của bạn vĩnh viễn sẽ không đắc lực, vĩnh viễn vẫn là tùy thuận theo phiền não tập khí, nhìn thấy người khác có được lợi ích, họ được thăng quan, họ được chức vị cao, có được vinh quang thì bạn vẫn không tránh khỏi đố kỵ.
Lúc này chính chúng ta phải cảnh tỉnh, phải có sự cảnh tỉnh cao độ, nếu ý niệm này vẫn còn sanh khởi thì tự mình phải lập tức hiểu việc này là đang tạo thêm tội nghiệp.
Tuy là không có hành động này, nhưng có ý niệm thì đã tạo nghiệp tội rồi, là ý nghiệp.
Khi nào nhìn thấy người khác được vinh hiển, nhìn thấy người khác được lợi ích mà chúng ta sanh tâm hoan hỷ, người khác gặp phải khốn khó mà chúng ta có tâm thương xót thì công phu này mới chân thật là đắc lực, ý niệm của bạn chân thật là đã chuyển đổi được.
“Chuyển”, không phải là chuyển ở trên miệng, mà là chuyển trong tâm địa, là chuyển trong cảnh giới, dụng tâm phải thuần chánh.
Vì hết thảy chúng sanh phục vụ cũng đều là ở duyên phận, duyên phận chưa đến thì cứ từ từ mà chờ đợi.
Nhà Phật thường nói “Phật không độ người không có duyên”, chư Phật Như Lai mà còn như vậy thì chúng ta vội vàng gì chứ? Duyên rất là phức tạp, Phật Bồ-tát các ngài không có chướng ngại, chướng ngại là ở chúng sanh.
Chúng ta phải luôn thấu hiểu, phải luôn rõ ràng, là do cơ duyên của chúng sanh vẫn chưa chín muồi, nên các vị hãy xem cổ Đại đức đã làm ra tấm gương cho chúng ta, khi duyên vẫn chưa chín muồi thì không ngừng nâng cao chính mình.Nhà Nho cũng nói, duyên chưa chín muồi thì “độc thiện kỳ thân”, nghĩa là tự nâng cao chính mình, duyên đã chín muồi rồi thì “kiêm thiện thiên hạ”, nghĩa là vì thiên hạ phục vụ, chư Phật Bồ-tát cũng như vậy.
Còn như cơ hội, trong Phật pháp chúng ta nói cơ hội, khi có cơ hội thật tốt, có duyên phận thật tốt thì chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực.
Cũng giống như Thôn Di Đà trước đây, Lý hội trưởng đã tích cực tranh thủ cơ hội này, khi tranh thủ được cơ hội này thì mỗi một chúng ta đều rất vất vả, quy mô lớn như vậy thì lượng công việc của chúng ta sẽ tăng thêm.
Nếu không tranh thủ được, không có cơ duyên này thì chúng ta ít việc.
Thế nhưng cũng không thể không tích cực tranh thủ, không tích cực tranh thủ thì bạn không có tâm từ bi.
Đã tích cực tranh thủ nhưng duyên chưa chín muồi thì sự việc này có thể thông cảm.
Đệ tử nhà Phật đối với việc cầu thăng quan thì việc thăng quan trong nhà Phật mà nói đó là cầu cơ duyên, có cơ duyên vì chúng sanh phục vụ, để có thể cống hiến nhiều hơn.
Chúng ta là đang cầu, cũng thường hay cầu Phật Bồ-tát gia trì để chúng ta có cơ duyên tận tâm tận lực vì Phật pháp vì xã hội, vì chúng sanh mà phục vụ.
Thế nhưng chúng sanh phải có phước mới được, nếu phước đức của chúng sanh vào lúc này chưa hiện tiền thì việc này sẽ có chướng ngại.
Cho nên cái duyên này rất phức tạp, không phải là một việc đơn thuần tôi muốn giúp đỡ bạn, nhưng bạn không tiếp nhận, tôi thành tâm thành ý muốn giúp bạn, nhưng bạn lại có nghi hoặc, bạn đối với tôi có rất nhiều nghi vấn, không tin tưởng, vậy là duyên không chín muồi.
Khi chưa chín muồi thì cứ tự hoàn thiện chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, đợi chờ nhân duyên chín muồi.
Trong khi chờ đợi chúng ta cũng có thể dùng những phương tiện thiện xảo để thúc đẩy cho nhân duyên chín muồi.
Sự thúc đẩy này là gì? Thúc đẩy là tăng thượng duyên.
Chư Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, phương pháp của các Ngài cũng đều là như vậy, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, phải học tập cho tốt.
Tóm lại mà nói, bất luận là thế pháp hay Phật pháp thì cũng đều phải chân thành mà xử sự đối người tiếp vật.Đức hạnh mà Phật Bồ-tát vì chúng ta thị hiện, tổng kết lại chính là ngày ngày sửa lỗi, ngày ngày phản tỉnh.
Ngày ngày sửa lỗi, từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai, ngày ngày đều là như vậy.
Đẳng Giác Bồ-tát ngày ngày vẫn đang phản tỉnh kiểm điểm, sửa lỗi đổi mới, cho nên các Ngài mới có thể viên thành Phật đạo.
Chúng ta ngày nay công phu không đắc lực, chính vì đã lơ là trình tự này, không chăm chỉ phản tỉnh, không chăm chỉ sửa lỗi.
Cổ Đại đức thường nói “người không phải Thánh nhân, ai mà không mắc lỗi”.
Trong nhà Phật thì nói “người không phải là Phật, cho dù là Đẳng giác Bồ-tát thì vẫn còn có lỗi”, so với cách nói của người thế gian thì còn nghiêm khắc hơn, triệt để hơn.
Cho nên chúng ta đọc chú giải Kinh Hoa Nghiêm của Đại sư Thanh Lương”, trong phần chú sớ của Lý trưởng giả, các Ngài đã vì chúng ta mà nói: Phật Pháp bất luận là Đại hay Tiểu thừa, bất luận là Tông Môn hay Giáo Hạ, Hiển Giáo, Mật Giáo, nói đến tổng cương lĩnh của việc tu hành thì cũng chỉ là sám trừ nghiệp chướng mà thôi.
Những lời này rất có đạo lý.
Sám trừ nghiệp chướng thì trong Kinh Kim Cang nói “lìa hết thảy tướng, đoạn hết thảy ác, bố thí cúng dường”, đây là tu hết thảy thiện.
Nếu hỏi về việc tu hành trong nhà Phật thì hai câu này đã bao gồm hết rồi, một cái là sám trừ nghiệp chướng, một cái là quảng tu cúng dường, đã nói ra hết rồi.
Đích thực là từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, bất luận là pháp môn nào, bất luận là Tông phái nào thì đây cũng là tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh của việc tu học.“Xảo trá cầu thăng quan lên chức”, vừa nhìn thấy thì biết được đây là phàm phu, đây là chúng sanh mê hoặc điên đảo, nên họ mới làm những sự việc này.
Người chân thật giác ngộ, chân thật hiểu thấu thì quyết không làm những việc này, chân thật vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ.
Nhà Phật thường nói bố thí cúng dường, dù là thân phận như thế nào cũng đều có thể làm, không nhất định phải có địa vị hay là quyền thế, không có địa vị, không có quyền thế vẫn có thể làm.Trung Quốc vào thời xa xưa, có một số đồng học đã học qua sách Quốc Văn, có đọc qua chuyện “Vũ Huấn”.
Vũ Huấn là một người ăn mày, ăn mày cũng có thể làm Thánh nhân, ăn mày cũng có thể làm Phật Bồ-tát.
Ông mỗi ngày đều đi khắp nơi xin ăn, ông cứ gom góp từng chút từng chút tiền lại, ông đã xây được không ít trường học.
Trong nhà Phật chúng ta thì nói người ăn mày đó là Phật Bồ-tát, đó không phải là người phàm.
Trong con mắt của nhà Nho thì đó là Thánh Hiền, không phải là người tầm thường.
Từ đó cho thấy, hà tất gì phải tranh giành địa vị xã hội.Hiện tại chúng ta nhìn thấy câu nói này, các vị hãy tỉ mỉ mà xem những bài báo trong thời gian gần đây, đang kỳ tranh cử Tổng thống Đài Loan, câu “Xảo trá cầu thăng quan lên chức”.
Thậm chí là Tổng thống nước Mỹ hiện nay cũng đang tranh cử, tháng 11 này là bắt đầu bỏ phiếu.
Gần đây chúng ta cũng nhìn thấy ở nước Đức, rất nhiều quốc gia khu vực đều đang tranh cử chức vụ này.
Người hiện tại gọi là “tranh”, tranh tuyển, cạnh tranh, việc này hoàn toàn không tương đồng với văn hóa truyền thống của chúng ta.
Văn hóa truyền thống gọi là “nhường”, làm gì có đạo lý “tranh” trong đó chứ.Vào thời xưa có ông Hứa Do, người này thì trong sách Quốc Văn các vị cũng có đọc qua rồi.
Người ta muốn mời ông làm Vua, ông vừa nghe xong liền trốn lên núi ẩn cư.
Người hiện nay thì muốn tranh, còn ông thì không cần, vì sao không cần? Vì trách nhiệm quá nặng nề, sự việc này nếu làm không tốt thì sao có thể được chứ? Làm tốt thì đó là bổn phận của các bạn, là việc mà bạn phải nên làm cho tốt, nếu làm không tốt thì đó là tội lỗi.
Cho nên hãy bình tĩnh mà xem xét sự việc này, bỏ sức ra mà chưa chắc thu được gì.Gia Cát Lượng vào thời Tam quốc, người ta phải ba lần đến lều tranh mời ông thì ông mới chịu đi làm.
Bạn hãy suy nghĩ xem, đây mới chân thật là người đọc sách, chân thật là người hiểu lý.
“Không đảm nhiệm chức vụ thì không can dự đến”, không đảm nhiệm chức vụ thì cuộc sống của chính ta sẽ tiêu dao tự tại, một khi có được chức vị rồi thì “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”.Những chức vị trong thế xuất thế gian đều không dễ gì tranh được.
Trong số những người xuất gia chúng ta, Trụ trì trong các chùa miếu, hay những chức vụ chấp sự trong chùa miếu, những việc này có dễ tranh hay không? Những chức vụ Trụ trì hay Phương trượng này còn khó hơn làm Tổng thống nữa, đây là thật không phải là giả.
Trụ trì chánh pháp, giáo hóa một phương, chức trách của bạn là phải dạy chúng sanh ở một phương này đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, những việc này đều nằm trên vai của bạn.
Nếu bạn làm không được thì bạn chưa tận hết chức trách, đó là việc đáng bị đoạ lạc, việc này dễ làm hay sao? Ấn Quang Đại sư cả đời không làm Trụ trì, là ý gì? Là nói cho chúng ta biết chức trách này không dễ làm.
Nếu làm không tốt thì lỗi lầm quá nặng, y theo giới luật trong Phật pháp mà nói, đây là đọa địa ngục, là nghiệp tội cực nặng, nếu làm tốt thì được vô lượng công đức.Trụ trì, Phương trượng cũng như Hiệu trưởng trong một ngôi trường, bạn phải làm thế nào quản lý tốt ngôi trường này, để làm lợi ích cho chúng sanh một phương.
Cho nên ý nghĩa của câu nói “Xảo trá để cầu thăng quan lên chức” này sâu rộng vô cùng, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội.Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật..