Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 9: Thạch điền đạt lang
Thạch Kinh Tử đợi ở vùng ngoại ô
thành Himeji, lúc đứng trên cầu Hanada kín đáo ngó người qua lại, lúc ẩn dưới chân cầu, lần theo những đường phố nhỏ hẹp ra vào thị trấn hay đi
lẫn trong đám đông. Chiếc nón sụp xuống tận mắt, manh chiếu cũ quấn
quanh mình đến cằm, trông hắn chẳng khác gì một tên ăn mày nghèo khó.
Hắn ngạc nhiên không thấy Oa Tử đâu. Nàng hứa đợi trăm ngày hay ngàn
ngày cũng đợi mà sao mới có một tuần đã không thấy bóng dáng. Thạch Kinh Tử rất sợ khi hứa với ai điều gì không giữ được lời. Đã nhiều lần hắn
muốn bỏ đi, nhưng còn nấn ná, một phần vì chưa gặp Oa Tử, một phần muốn
nhân cơ hội tìm chỗ giam chị.
Theo dòng người tiến sâu vào thị trấn, đương miên man suy nghĩ, đột nhiên hắn nghe tiếng gọi phía sau:
– Thạch Kinh Tử !
Giật mình quay lại, thấy Đại Quán rảo bước đi tới. Hắn ngạc nhiên bực
bội, không ngờ nhà sư này đã nhận ra hắn trong bộ cải trang rách rưới.
Đại Quán nắm tay Thạch Kinh Tử, giọng gọn và sắc:
– Theo ta !
Giữa đường phố chẳng biết phản ứng ra sao, hắn lúng túng. Nhìn ánh mắt
hiền hòa nhưng nghiêm nghị của Đại Quán, Thạch Kinh Tử như bị thôi miên.
– Đừng làm bậy ! Ta mất công tìm ngươi đã lâu.
Thạch Kinh Tử líu ríu theo nhà sư. Hắn không mảy may biết Đại Quán dẫn
mình đi đâu, nhưng một lần nữa, không thể nào chống lại ý muốn của vị
tăng kỳ lạ này. Không hiểu sao, hắn linh cảm mình sẽ bị dẫn về cây đại
bách sau chùa hoặc đem đi nhôt ở một căn hầm tối tăm nào đó trong lâu
đài, có thể cùng một chỗ với chị hắn. Tự nhiên hắn mong được gặp mặt
chị. Bây giờ nếu có phải chết thì Ô Nhiên, người mà hắn thương yêu nhất, sẽ là người cùng hắn chia sẻ những giây phút cuối cùng trên dương thế.
Đại Quán dẫn Thạch Kinh Tử đi một lúc thì thấy lâu đài Himeji sừng sững
hiện ra trước mặt. Nhìn tòa nhà đồ sộ, hắn hiểu tại sao người ta lại gọi nó là Bạch Hạc lâu. Lâu đài trắng toát, uy nghi đứng trên thành đá hoa
cương cao vút không khác gì một loài kỳ điểu từ trên trời đậu xuống ngạo nghễ.
Thạch Kinh Tử theo Đại Quán qua chiếc cầu lớn bắc ngang chiến hào bên ngoài.
Toán lính mặc giáp sắt, nghiêm chỉnh canh phòng trước cổng thành, gươm
giáo loang loáng dưới nắng hè làm hắn chột dạ. Đại Quán không quay đầu
nhìn lại nhưng cũng biết ý, nắm chặt tay hắn để trấn an và khích lệ. Hai người qua cổng thành thứ nhất, đến cổng trong, thấy binh sĩ còn đông và nghiêm túc hơn như sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc. Đây là nội điện,
nơi quan đầu lãnh cư trú. Những cảnh này, dân chúng không khỏi sợ hãi.
Sống trong cảnh tranh chấp hỗn loạn đã lâu, cũng như tại nhiều lâu đài ở các địa phương khác, sự thanh bình là một nếp sống xa xỉ làm họ bỡ ngỡ
không quen.
Đại Quán đến gần toán lính canh, nói với viên đội trưởng:
– Hắn đây !
Rồi yêu cầu làm theo những điều ông dặn:
– Đội trưởng cẩn thận ! Mãnh sư chưa thuần, đừng có khinh lờn, nguy hiểm lắm !
Và tiếp tục đi qua cổng lớn tiến vào nội điện. Mọi người để ông tự do, dường như đã quen với sự lui tới của vị thiền sư này.
Viên đội trưởng yên lặng nhìn Thạch Kinh Tử, giơ tay ra hiệu mời hắn
theo mình đến một dãy nhà thấp và bảo hắn vào tắm cho sạch sẽ. Thạch
Kinh Tử ngần ngại. Hắn nghĩ đến lần tắm trước ở nhà bà Hồ Điểu và cái
bẫy hắn đã ngu dại chui đầu vào để suýt nữa thì mất mạng. Đứng giáp vào
tường, khoanh tay trước mặt, hắn đưa mắt nhìn quanh.
Nơi đây thật yên tĩnh. Đúng là cảnh thái bình, an lạc ; cây cỏ xanh
mướt, tươi tốt như ở một hoang đảo, xa mọi chuyện thị phi. Chắc Tùng Tôn gia dùng nơi này để hưởng mọi lạc thú sau khi trận mạc vất vả.
Một gia nhân bước vào mang bộ kimono đã gấp sẵn, cung kính để trên ghế cùng với các đồ trang phục khác.
– Để ngài dùng khi tắm xong. Cần gì, đại nhân cứ truyền, tiểu tốt túc trực ngoài kia.
Rồi lặng lẽ cúi đầu lui bước.
Những đồ trang phục để trên ghế, ngoài bộ kimono đen, còn có một cây
quạt, vài chiếc khăn lụa với một cặp kiếm, một trường, một đoản. Tất cả
đều giản dị, không đắt tiền nhưng đủ dùng cho một kiếm sĩ. Thấy được đãi ngộ một cách quý trọng, hắn cảm động, muốn cúi xuống cầm khăn lên áp
vào má để hưởng mùi thơm và hơi ấm của lụa mới. Hắn yên tâm, mở cửa bước vào phòng tắm.
Tôn Điền Tùng Cương đứng tì tay trên lan can trước hàng hiên tư dinh,
nhìn ra vườn. Ông lùn và mập, nửa đầu phía trước cạo trọc theo kiểu các
kiếm sĩ đã được thụ phong, mặt lấm tấm rỗ hoa. Tuy không mặc triều phục
nhưng dáng điệu rõ ra phong cách đại gia, nghiêm trang và đĩnh đạt.
Thấy Thạch Kinh Tử từ đằng xa, ông cầm quạt chỉ và hỏi Đại Quán:
– Phải hắn đấy không ?
– Dạ phải.
Nhà sư cung kính cúi đầu.
– Trông được đấy chứ. Đại sư cứu hắn là phải lắm !
– Đó là nhờ ơn đại gia, không phải do bần tăng.
– Đại sư quá khiêm tốn ! Nếu ta được vài người như đại sư giúp đỡ thì
biết bao kẻ hữu ích đã không uổng mạng và toàn dân miền này cũng khá hơn !
Nói xong, ông ta thở dài:
– Điều làm ta đau lòng là hầu như tất cả thủ hạ của ta đều chỉ biết có việc bắt trói và chặt đầu bách tính.
Lát sau, Thạch Kinh Tử được dẫn đến trình diện Tôn gia. Ngồi trong vườn, đầu hơi cúi, hay tay kính cẩn để trên đùi, hắn nghe tiếng Tôn Điền Tùng Cương hỏi, giọng trầm và ấm:
– Ngươi tên Yết Mân Thạch Kinh Tử phải không ?
Thạch Kinh Tử ngước mắt nhìn khuôn mặt của nhân vật đệ nhất quyền uy hắn mới chỉ nghe danh nhưng lần đầu diện kiến, rồi tỏ vẻ tôn kính đáp:
– Dạ, thưa phải.
– Họ Yết Mân là một chi trong đảng tộc Khải Mân Tử và Khải Mân Mã Song,
chắc ngươi biết, trước đây là lãnh chúa cư ngụ tại lâu đài này.
Thạch Kinh Tử thấy cổ họng như thắt lại. Hắn chẳng biết trả lời sao. Là
đứa nghịch tử của dòng họ, từ nhỏ hắn đã làm nhiều chuyện động trời,
không kiêng nể gì các lãnh chúa nhưng không ngờ đồi trụy đến mức làm mất cả danh giá tổ tông như thế ! Bây giờ có người nhắc lại quá khứ, hắn
xấu hổ mặt đỏ bừng.
– Những điều ngươi làm không tha thứ được !
Lời Tôn gia trở nên nghiêm khắc như những lời buộc tội:
– Ta buộc lòng phải trừng phạt ngươi.
Quay sang Đại Quán, Tôn Điền Tùng Cương hỏi:
– Thủ hạ của ta, Hoa Kính Áo Đại Môn, đã tự tiện hứa nếu đại sư bắt được tên này thì có toàn quyền muốn trừng phạt ra sao mặc ý, đúng không ?
– Xin đại gia hỏi thẳng Áo Đại Môn.
– Ta hỏi hắn rồi.
– Vậy đại gia cho rằng bần tăng đã dối gạt đại gia chăng ?
– Dĩ nhiên là không. Áo Đại Môn đã thú nhận, nhưng ta muốn đại sư xác quyết.
Mặc dầu không được phép, nhưng hắn là thủ hạ của ta. Lời hắn đã hứa, ta phải trọng.
Cho nên tuy là đầu lãnh vùng này, ta không có quyền phạt Thạch Kinh Tử nữa. Tùy đại sư định liệu.
– Bần tăng đã có dụng ý.
– Ta đoán không sai. Vậy đại sư cho nghe cao kiến.
– Bần tăng thiển nghĩ nên giữ tội nhân lại một thời gian để huấn phục.
– Nữa ?
– Bần tăng nghe nói phía nam lâu đài có một căn thạch thất bỏ phế lâu ngày, không ai dám lai vãng vì nhiều ma quỷ …
– Đúng ! Thạch thất đó ở riêng một khu, không dùng được việc gì nên tối tăm ẩm thấp lắm. Đã lâu không ai mở cửa.
– Vậy đại gia không phiền lòng khi trong lâu đài của một lãnh tụ có
nhiệm vụ soi sáng muôn dân lại có một căn phòng không ánh sáng hay sao ?
– Ờ, ta chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó đấy !
– Bá tánh có thể nghĩ như vậy và có hại đến uy tín đại gia. Bần tăng đề nghị xin được soi sáng ngôi thạch thất ấy !
– Hừ …
– Nếu đại gia cho phép, bần tăng sẽ sử dụng nó làm nơi giam giữ Thạch
Kinh Tử cho đến khi nào hắn đủ sáng suốt. Hắn sống tối tăm đã lâu rồi,
bây giờ là lúc cần chỉ cho hắn một con đường quang đãng. Thạch Kinh Tử,
ngươi nghe ta nói không ?
Thạch Kinh Tử không đáp, nhưng Tôn đầu lãnh cười ha hả. Ông gật đầu vừa ý:
– Được lắm ! Được lắm ! Thật hợp ý ta !
Đại Quán và Tôn Điền tuy không cùng địa vị trong xã hội nhưng thông cảm
nhau thật dễ. Cả hai đều là thiền hữu và coi nhau thân thiết tựa anh em. Ông tiếp:
– Sau khi dẫn hắn đến thạch thất, xin đại sư trở lại dùng trà. Ta đợi.
Nói xong, ông khoan thai trở vào nội sảnh. Hình dáng Tôn đầu lãnh tuy
thấp lùn nhưng sự hiện diện của ông như bao trùm khắp tòa lâu đài to
lớn.
oo Đêm đã khuya lắm. Trong căn nhà đá trên đỉnh vọng lâu, Thạch Kinh Tử
vẫn còn ngồi suy nghĩ. Ở đây, thời gian như ngưng hẳn, không đồng hồ,
không lịch, không xuân hạ thu đông, bốn mùa qua đi chẳng ai hay biết.
Trong phòng tối âm u, chỉ còn ngọn đèn dầu leo lét tỏa ánh sáng vàng vọt lên khuôn mặt xanh xao của Thạch Kinh Tử ngồi yên lặng trước tập Tôn Tử binh pháp đặt trên chiếc kỷ thấp. Cuốn sách mở tới thiên “Địa hình”:
“Tôn Tử nói:
Hình đất có chỗ thông, chỗ vướng, chỗ trống, chỗ hẹp, chỗ hiểm, chỗ xa.
Hình thông, chiếm trước chỗ cao sáng, giữ đường lương thuận thì lợi.
Hình vướng, quân địch không phòng, ra quân sẽ thắng. Quân địch có phòng, ra quân không thắng, rút về khó, ắt không lợi …”.
Mỗi khi đọc đoạn nào không hiểu, Thạch Kinh Tử lại ngồi thừ người suy
nghĩ, đọc đi đọc lại. Đoạn nào hay, hắn lẩm nhẩm thuộc lòng tựa người
tụng kinh. “Cho nên kẻ biết việc binh, công không lầm, thủ không quẫn.
Biết mình biết người, phần thắng đã đành ; biết đất biết trời, trăm trận trăm được …”.
Khi mỏi mệt hoặc buồn ngủ, hắn với tay lấy bát nước để sẵn bên vã lên
mặt cho tỉnh táo. Hết dầu, hắn rót ở hũ ra. Góc phòng, sách xếp hàng
đống:
binh thư, kiếm pháp, kinh điển, chữ Nhật có, chữ Hán có, nhiều vô số kể. Suốt ngày, hắn vùi đầu vào đọc theo những thư chỉ dẫn của Đại Quán gửi
vào, cùng với các bộ sách tham khảo mượn trong thư các của Tôn đầu lãnh.
Trước khi tự nguyện giam mình vào thạch thất, Thạch Kinh Tử đã nghe lời Đại Quán:
– Ta sẽ gửi sách vào cho ngươi đọc. Hãy trau dồi kiến thức trước khi trau dồi võ công. Một danh tăng đã nói:
“Vùi đầu trong kinh điển, ta đọc thiên thư, vạn quyển. Đọc xong, thấy
lòng thông suốt”. Ngươi hãy coi căn thạch thất này như bụng mẹ và hãy
chuẩn bị tái sinh. Nếu ngươi coi nó bằng mắt thì đây chỉ là một căn
phòng tầm thường, trống rỗng, tối tăm ; nhưng nếu ngươi coi nó bằng trí
óc rồi để tâm phán đoán, suy xét thì phòng này chính là con thuyền đại
giác đưa ngươi tới ánh chân quang. Tùy ngươi quyết định.
Thạch Kinh Tử từ lâu đã không còn đếm ngày tháng. Trời lạnh là mùa đông, trời nóng là mùa hè, hắn không cần biết thêm mà bốn mùa cũng không ảnh
hưởng gì đến hắn. Không khí trong phòng lúc nào cũng ẩm thấp. Nhưng có
điều chắc chắn là lần này nếu chim én lại bay đến làm tổ dưới mái vọng
lâu thì là lần thứ ba, kể từ khi hắn đến ở căn thạch thất. Mùa xuân thứ
ba trong bụng mẹ !
Hắn tự nhủ:
“Sắp hăm mốt rồi ! Ta đã làm gì đời ta trong suốt hăm mốt năm ấy?”.
Nghĩ đến những điều đã làm, nhiều khi hối hận khóc rưng rức lên như đứa
trẻ. Cơn đau đến dằn vặt làm hắn mệt mỏi, ê chề có khi cả ngày, lòng đau như cắt.
Cho đến một hôm, khi đàn én đầu xuân đã bắt đầu bay đến chao đi chao lại trên mái vọng lâu, hắn bỗng nghe tiếng ai gọi tên ngoài cửa sắt. Âm
thanh quen thuộc, nhưng tiếng nói dường như lạ tai. Đã lâu lắm, hắn
không được nghe tiếng đồng loại.
– Thạch Kinh Tử, ngươi vẫn mạnh chứ ?
Sau tiếng mở khóa lách cách, dáng quen thuộc của Đại Quán hiện ra trên
khung cửa. Thạch Kinh Tử quá xúc động, không nói nên lời, giơ tay vụng
về nắm áo nhà sư kéo vào phòng. Mấy năm nay, những gia nhân mang cơm
nước vào cho hắn đều như câm điếc, bây giờ nghe lại giọng và trông mặt
người quen cũ, hắn không thể nào không mừng rỡ.
– Ta mới đi xa về. Ba năm rồi đấy nhỉ, chắc giờ ngươi đã giác ngộ hơn trước.
– Thầy Đại Quán ! Con biết thầy hết lòng thương con. Con thành thật cảm ơn thầy.
Đại Quán ngạc nhiên, mỉm cười vỗ vai Thạch Kinh Tử:
– Trong căn thạch thất vắng vẻ này, mấy năm nay không có ai trò chuyện,
vậy mà bây giờ con đã biết xử sự như một người. Tốt lắm ! Hôm nay ta dẫn con ra khỏi nơi đây.
Hãy giữ lấy những kiến thức đã thu thập được sau nhiều năm tháng khổ
luyện. Ra đời, tiếp xúc với xã hội, vốn đó quý lắm đấy con ạ !
Đại Quán dẫn Thạch Kinh Tử đến ra mắt Tôn Điền, lần này trong đại sảnh
chứ không ở ngoài vườn như trước. Sau phần nghi lễ thường lệ, Tôn đầu
lãnh ngỏ ý muốn thu hắn làm thuộc hạ, Thạch Kinh Tử từ chối:
– Tiểu nhân rất cảm kích, nhưng tự xét bây giờ chưa phải lúc. Vả lại
vong hồn người đã khuất hẳn sẽ ngăn cản không cho tiểu nhân nhận ân sủng ấy.
– Sao vậy ? Ngươi đã gặp những hồn ma trong căn thạch thất chăng ?
– Thưa không. Khi còn ở căn nhà đá, tiểu nhân có thấy trên xà nhà và
vách tường nhiều vết đen lấm tấm. Mới trông tưởng là sơn, nhưng cầm đèn
soi kỹ thì không phải.
Đó là những vệt máu người, máu tổ tiên của tiểu nhân còn lưu lại trước khi chết để bảo vệ dòng họ.
– Hừ … có thể lắm !
– Nhìn những vết máu ấy, tiểu nhân đau đớn và xấu hổ. Ông cha tiểu nhân
đã có một thời oanh liệt, rồi vì lầm lỗi đã thất bại và chết thảm, oan
hồn vật vờ như lá thu trước gió. Nhưng những giọt máu hào hùng ấy vẫn
còn luân lưu trong huyết quản của tiểu nhân đây …
Thạch Kinh Tử nói đến đấy, mắt quắc lên, sáng như đổ lửa:
– Một ngày nào đó, giòng máu ấy sẽ khôi phục lại khí thế xưa. Tuy bất
xứng, nhưng tiểu nhân vẫn thuộc dòng họ của tổ tiên. Anh linh các Người
sẽ đưa đường chỉ nẻo để tiểu nhân trả mối cừu hận, bấy giờ e rằng tiểu
nhân không thể không nghe lời … Thưa đại gia, thời này chưa phải thời
thái bình. Vì dân và vi ơn đức của đại gia, tiểu nhân có bổn phận không
nên để mối thù ấy khơi dậy.
Đại Quán gật đầu:
– Ta hiểu ý. Đi là phải, nhưng đi đâu ? Con định trở về Miyamoto, sống cả đời ở đó chăng ?
Thạch Kinh Tử mỉm cười buồn bã:
– Con muốn một mình trở lại Miyamoto một lần thôi.
Tôn đầu lãnh quay lại nói với Đại Quán:
– Ta hiểu. Vậy xin đại sư bảo với thuộc hạ lo tiền bạc và quần áo chu tất cho hắn.
Đại Quán cúi đầu:
– Đa ta đại gia đã quan tâm.
Tôn đầu lãnh mỉm cười:
– Đại Quán ! Lần đầu tiên ta thấy đại sư cám ơn ta đấy !
Thiền sư cũng cười:
– Quả có thế. Bần tăng sẽ không tái phạm nữa.
– Hắn còn trẻ, đi cho biết đó biết đây là tốt. Tái sinh, có phải đại sư
dùng chữ tái sinh không, thì phải có tên mới chứ. Hắn sinh tại vùng đất
sỏi đá, đặt tên là “Thạch Điền” để không quên cái gốc. Đại sư nghĩ thế
nào ?
– Đại gia nói rất phải. Thạch Điền còn nghĩa là đồ vô dụng, nhưng bây
giờ hắn không còn vô dụng nữa, ta mong hắn đạt được chí hướng, vậy bần
tăng xin thêm vào hai chữ “Đạt Lang” cho hợp với tình ý và khai triển ý
tái sinh …
– Hay lắm ! Hay lắm ! Tôn Điền gật đầu. Thạch Kinh Tử ! Kể từ nay, tên
ngươi là “Thạch Điền Đạt Lang”. Gắng giữ lấy cái chí để trở nên người
hữu ích !
Thạch Kinh Tử cúi rạp đầu, kính cẩn:
– Tiểu nhân xin tuân mệnh !
– Thạch Điền Đạt Lang ! Cái tên thật hay ! Nào chúng ta hãy uống rượu mừng tên mới !
Tôn đầu lãnh đứng dậy, theo sau là Đại Quán và Thạch Kinh Tử. Ba người
kéo nhau sang phòng bên, khay rượu bày ra, chén thù chén tạc cho đến
tối. Thân hữu và bộ tướng của Tôn gia cũng được mời đến. Trong bữa tiệc, Đại Quán cao hứng đứng dậy, biểu diễn một vũ điệu xưa.
Thạch Kinh Tử, bây giờ là Thạch Điền Đạt Lang, ngạc nhiên không ngờ ân
nhân của mình không những là một học giả uyên bác mà còn là một nghệ sĩ
tài hoa làm hắn càng thêm cảm phục.
Cuộc vui kéo dài đến khuya mới dứt.
Hôm sau, Thạch Điền Đạt Lang và Đại Quán cùng rời khỏi lâu đài.
Thạch Đạt Lang chập chững những bước đầu tiên trong nếp sống mới, một
nếp sống khắt khe hắn tự nguyện tuân theo để rèn luyện kiếm pháp mà
trong ba năm khổ hạnh hắn đã phần nào lãnh hội được lý thuyết.
Còn Đại Quán có những dự tính riêng:
ông tiếp tục cuộc hành hương thăm các chùa chiền để trau dồi thêm về thiền đạo.
Bây giờ đã đến lúc hai người phải chia tay. Ra khỏi thị trấn, Thạch Đạt Lang quay lại giã từ ân nhân. Đại Quán nắm tay hỏi:
– Con muốn gặp ai nữa không ?
– Ai ?
– Ô Nhiên.
– Chị con còn sống hả thầy ?
Hắn không ngờ người chị thương yêu đã nhiều lần săn sóc hắn như một
người mẹ vẫn còn trên dương thế, nhưng hắn không dám hỏi. Đại Quán cho
biết ba năm trước đây, Ô Nhiên bị giải đến lâu đài, nhưng vì không chứng cớ nên đã được tha. Chị hắn không muốn trở về làng cũ, hiện ở cùng với
người bà con xa tại trấn Sayo, cuộc sống bình yên và sung túc.
– Con muốn gặp chị con không ? Nàng mong lắm. Ba năm trước ta đã nói với nàng là con chết rồi, nhưng ta có hứa sẽ dẫn đến thế cho nàng một người em mới, khác với Thạch Kinh Tử xưa kia.
Thạch Đạt Lang giơ hai tay chắp ngang trán, tỏ vẻ kính trọng như đứng trước Phật đài, giọng run run cảm động:
– Không những thầy đã hết lòng thương con mà còn quan tâm đến chị con như thế, lòng từ bi ấy con biết lấy gì báo đáp !
– Vậy để ta dẫn con đến thăm Ô Nhiên, đấy là cách con cảm ơn ta đó.
– Không, con nghĩ không cần thiết. Thầy cho con biết tin là đủ. Để chị
con coi con như chết, và con cũng tin như thế. Bây giờ không phải lúc
quay lại dĩ vãng mà cần hướng về tương lai. Con đường chập chững trên
đường đi tìm chính mình, không biết có đủ quyết tâm để cải thiện bản
thân hay không, chừng nào tiến bộ đôi chút, bấy giờ có lẽ nhìn về quá
khứ cũng không muộn, nhưng bây giờ thật chưa phải lúc.
– Ừ, con nghĩ thế cũng được.
– Con nói không được gãy gọn, mong thầy hiểu cho.
– Ta hiểu chứ. Ta rất vui lòng thấy con quyết tâm theo đuổi mục đích như vậy. Hãy cứ làm những gì con cho là đúng với lương tâm.
– Vậy xin giã biệt thầy. Một ngày nào đó, nếu còn hơi thở, con xin lại đến bái yết.
– Tốt lắm, nếu có cơ hội, con chớ bỏ qua.
Đại Quán quay lưng đi, nhưng được vài bước lại dừng lại.
– À, còn chuyện này nữa. Bà Hồ Điểu và cậu Ngô đương tìm con và Oa Tử
đấy. Họ nhiều tuổi rồi, nhưng nhất quyết đi tìm để trả hận. Có thể họ
cũng làm phiền con, nhưng không quan trọng lắm đâu, đừng để tâm. Lại còn Áo Đại Môn nữa. Con không biết hắn, hắn là viên đội trưởng chỉ huy toán binh sĩ lùng bắt con ngày trước, vì không làm tròn bổn phận, giờ bị
loại ra khỏi đám thuộc hạ của Tôn gia rồi. Chắc ngày nay hắn cũng chỉ là thảo mãng trong vùng mà thôi !
Đại Quán trở nên đăm chiêu:
– Thạch Điền Đạt Lang ! Đường con đi không phải là không có trở ngại. Phải cẩn thận mới được !
– Con sẽ cố gắng.
– Vậy ta yên tâm. Thôi, ta đi đây.
Đại Quán quay gót về hướng tây. Thạch Đạt Lang đứng nhìn theo cho đến
khi bóng nhà sư khuất hẳn, hắn mới cất bước. Để tay vào đốc kiếm, hắn
vừa đi vừa suy nghĩ:
“Bây giờ chỉ còn thanh kiếm này là vật duy nhất trên đời ta tin cậy”.
Hắn lẩm bẩm như nói với chính mình. “Ta sẽ tuân theo kỷ luật, coi thanh
kiếm này như chính hồn ta, tu tỉnh thành người khôn ngoan và lương
thiện. Đại Quán theo thiền đạo, còn ta theo kiếm đạo, chưa chắc ai đã
hơn ai. Ta còn trẻ, đâu đã lấy gì làm trễ !” Bước đi của Thạch Đạt Lang
vững vàng, mạnh mẽ. Hất vành nón lá lên cao, nhìn quãng đường tương lai
trước mặt, quãng đường vô định ai cũng phải qua, chẳng nhiều thì ít, hắn thấy lòng chứa chan tin cậy và hy vọng.
Thạch Đạt Lang chưa đi xa, mới ra khỏi ngoại ô thành Himeji được một
quãng thì một thiếu nữ ở trên cầu Hanada chạy tới. Hắn nheo mắt, lấy tay che cho khỏi chói, rồi ngạc nhiên kêu lớn:
– Oa Tử !
Oa Tử chạy đến nắm áo hắn:
– Thạch Kinh Tử ! Chàng nhớ cầu này là cầu gì không ? Chàng có nhớ Oa Tử hứa đợi chàng ở đây không ?
– Oa Tử đợi ta ba năm ở đây đấy ư ?
– Vâng. Bà Hồ Điểu và cậu Ngô suýt nữa bắt được thiếp khi thiếp nằm bệnh ở quán trà chân núi, nhưng may sao thiếp thoạt chạy được và trốn đến
đây. Oa Tử vẫn đợi chàng.
Nàng chỉ một cửa hàng nhỏ, làm những vật kỷ niệm bằng tre đan bán cho khách qua đường gần đó:
– Oa Tử kể tình cảnh họ nghe. Họ thương tình nhận cho vào giúp việc, nên mới có chỗ trú đợi chàng đấy chứ. Hôm nay là ngày thứ chín trăm bảy
mươi, Oa Tử đâu có quên lời hứa !
Nàng nhìn mặt Thạch Đạt Lang như dò xét:
– Thạch Kinh Tử ! Chàng dẫn thiếp theo chứ ?
Thạch Đạt Lang thật chẳng có chút ý định gì mang theo Oa Tử hay bất cứ
ai. Lúc này hắn vội đi, trong lòng đã quyết muốn tìm chỗ tự mình luyện
kiếm. Đến chị hắn, người hắn thương yêu và muốn gặp mặt nhất, hắn cũng
phải cố quên, nói gì đến Oa Tử hắn vẫn coi là vị hôn thê của Mãn Hà Chí, bạn hắn. Vả lại, làm sao đủ sáng suốt tự buộc mình vào kỷ luật khi luôn luôn có người đi kèm làm rộn. Những ý tưởng này mặc nhiên hiện lên nét
mặt không dấu được. Hắn hỏi, giọng hơi sẵng:
– Dẫn Oa Tử đi ? Nhưng đi đâu mới được chứ ?
– Thì chàng đi đâu, thiếp theo đó.
– Cuộc hành trình của ta dài và gian khổ, không phải là một cuộc du ngoạn.
– Oa Tử sẽ không làm rộn chàng. Oa Tử chịu được chút ít cực khổ.
– Chút ít thôi ư ?
– Không. Gian khổ thế nào Oa Tử cũng chịu.
– Oa Tử ! Không phải chuyện ấy đâu. Làm sao một người muốn quyết tâm trở thành kiếm sĩ, lại để phụ nữ đi theo được ? Kỳ lắm. Người ta sẽ bảo:
“Kìa trông Thạch Đạt Lang, hắn là kiếm sĩ mà phải có vú nuôi đi theo chăm sóc !”.
Oa Tử vẫn giữ chặt lấy vạt áo hắn.
– Oa Tử ! Bỏ ta ra !
– Không ! Không bỏ ! Chàng đã lừa dối thiếp !
– Lừa dối lúc nào ?
– Ở trên đồi, chàng đã hứa mang Oa Tử theo mà.
– Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Bấy giờ ta vội nên không nghĩ. Vả lại tại nàng đưa ra ý đó, ta gật vì không có cách gì chọn lựa !
– Không ! Không phải ! Nhất định không phải ! Chàng không nói thật phải không ?
Oa Tử tức giận đẩy Thạch Đạt Lang vào thành cầu.
– Ô hay ! Oa Tử làm gì thế ? Người ta nhìn kìa !
– Không cần. Ai nhìn mặc kệ ! Bấy giờ chàng bị trói trên cây, hỏi có
muốn Oa Tử giúp không, chàng mong quá mà. Chàng bảo tôi cắt dây rồi đi
trốn, còn chối nữa không?
Giọng Oa Tử run run, cố nói gãy gọn, nhưng nước mắt cứ trào ra, chảy dài trên má.
Khi nhỏ đã chịu cảnh côi cút, không cha không mẹ, lớn lên, vị hôn phu bỏ đi, bây giờ lại gặp cảnh này, nàng uất hận nấc lên tức tưởi. Thạch Đạt
Lang xúc động, nhưng chẳng biết làm sao. Hắn lắp bắp:
– Kìa Oa Tử, đừng làm thế, người ta trông kìa. Ban ngày ban mặt, mua cười cho khách qua đường ư ?
Oa Tử buông áo Thạch Đạt Lang, gục đầu trên thành cầu thổn thức, tóc rồi bời xõa xuống hai vai.
– Chàng tha lỗi cho thiếp. Đáng lẽ thiếp chẳng nên nói những lời ấy. Thôi, chàng quên đi, thiếp chẳng làm ơn gì cho chàng cả.
Thạch Đạt Lang cúi xuống, vén mớ tóc để lộ khuôn mặt đẫm nước mắt của Oa Tử rồi nhìn thẳng vào mắt nàng, nói bằng một giọng dịu dàng đầy thương
cảm:
– Oa Tử ! Trong suốt thời gian Oa Tử chờ ta, ta đã bị giam trong thạch
thất ở lâu đài Himeji. Suốt ba năm trường ta không nhìn thấy ánh sáng
mặt trời.
– Thiếp biết.
– Oa Tử biết ? Ai nói cho Oa Tử biết ?
– Thầy Đại Quán.
– Vậy hả ? Thầy có nói rõ hết không ?
– Cũng đủ để thiếp hiểu. Khi thiếp bị ngất đi dưới đáy vực, thầy Đại
Quán đã cứu và dẫn đường cho về đây. Ba năm rồi, thầy vẫn thỉnh thoảng
đến thăm. Hôm trước thầy có ghé dùng trà, nói chuyện về chàng. Thầy nói
nếu gặp chàng “thì đấy là chuyện của hai người, ai biết rồi sau sẽ ra
sao ?”. Bấy giờ thiếp không hiểu, nhưng nay thiếp đã rõ.
Thạch Đạt Lang bỏ tay xuống. Hắn nhìn quãng đường về hướng tây, tự hỏi
chẳng biết rồi có còn gặp lại người đã cứu hắn không. Lòng bác ái của
nhà sư bao la như biển, thương vạn vật chúng sinh chứ không riêng gì
hắn. Ai đau khổ, hoạn nạn, Đại Quán đều ra tay cứu vớt, an ủi, khích lệ, dạy dỗ với một tinh thần vị tha tuyệt đối không mong đền đáp. So với
lòng từ bi ấy, hắn thấy mình nhỏ nhen, hẹp hòi quá đỗi. Bất giác, trong
lòng hắn dâng lên một niềm ao ước mạnh mẽ, muốn được trở nên người như
thế, dù phải hy sinh tất cả mọi lạc thú trên đời.
“Ấy là chuyện của hai người”, lời nói của Đại Quán do Oa Tử nhắc lại đè
nặng lên tâm hồn hắn làm hắn suy nghĩ. Qua hàng đống sách vở đã đọc,
không có chương nào, mục nào nói về tình trạng khó khăn như tình trạng
Oa Tử và hắn đương trải qua. Không biết ý Đại Quán muốn nói đó là chuyện riêng của hai người, chỉ hai người trong cuộc mới có thể giải quyết
được, hay đó là chuyện nhỏ không đáng nói, hay đó là một vấn đề quan
trọng, một thử thách lớn lao chính hắn và Oa Tử phải giải quyết.
Mãi suy nghĩ miên man, hắn cúi nhìn nước dưới chân cầu. Nước trôi mau, không trở lại.
– Thiếp đi với nhé !
Tiếng nàng cầu khẩn làm hắn tỉnh mộng.
– Chủ tiệm đã hứa cho thiếp thôi việc lúc nào cũng được. Để thiếp chạy về nói với chủ và thu xếp quần áo xong quay lại ngay.
Thạch Đạt Lang đặt tay hắn lên bàn tay nhỏ bé của Oa Tử trên thành cầu:
– Oa Tử nghe ta, hãy suy nghĩ một chút …
– Suy nghĩ gì nữa ?
– Về điều ta mới nói với Oa Tử. Ta vừa trở nên một người khác. Đã ba năm nay bị giam trong thạch thất tối tăm, chỉ đọc sách, ta đã khóc cho thân thế, đã hối hận biết bao nhiêu nhưng cũng đã tìm thấy ánh sáng. Ta mang tên mới:
Thạch Điền Đạt Lang, tên là Đạt Lang mà chưa đạt nên phải cố. Ta muốn
dành tất cả thì giờ trong đời để tập nên người toàn thiện, không màng
lạc thú gì khác. Nếu nàng theo ta, nàng sẽ không bao giờ có hạnh phúc,
chỉ có thử thách và khổ đau. Rồi cùng với thời gian, tuổi tác, khổ đau
càng thêm chồng chất …
– Chàng nói như vậy làm thiếp càng thấy gần chàng hơn. Bây giờ thiếp
biết chắc thiếp không lầm. Thiếp đã thấy nơi chàng một người lý tưởng có lẽ suốt đời tìm kiếm cũng không chắc đã gặp …
Thạch Đạt Lang giật mình, hắn đi sai đường, kết quả trái với ý muốn !
– Oa Tử, ta rất tiếc không để Oa Tử cùng đi được.
– Để thiếp theo vậy. Thiếp không làm gì trở ngại đến công phu luyện tập
của chàng đâu. Chàng cũng sẽ không biết có thiếp đi theo nữa.
Thạch Đạt Lang không biết trả lời ra sao.
– Thiếp không làm phiền gì mà ! Thiếp hứa với chàng như vậy.
Hắn vẫn im lặng.
– Vậy đồng ý nhé ! Chàng đợi thiếp ở đây, thiếp trở ra ngay. Chàng đi là thiếp giận đấy !
Oa Tử hối hả trở về cửa hàng bán đồ tre. Được vài bước, nàng quay mặt lại dặn với:
– Nhớ không được bỏ đi đấy !
Và trong niềm vui sướng, nàng cười, để lộ đôi má lúm đồng tiền xinh đẹp.
Thạch Đạt Lang vô tình khẽ gật. Bây giờ là lúc hắn có thể bỏ đi dễ dàng, nhưng sao chân hắn vẫn dính chặt xuống đất, lưu luyến như bị đôi má lúm đồng tiền và giọng nói van lơn giữ lại. Con người mới duyên dáng và dễ
mến làm sao ! Có lẽ ngoài chị hắn ra, nàng là người yêu thương hắn nhất
và hắn cũng dành cho nhiều cảm tình nhất. Hắn nhìn trời, nhìn nước, tay
nắm chặt thành cầu, lòng băn khoăn, bối rối. Rút thanh đoản kiếm trong
bọc ra, hắn vạch chữ lên thành gỗ.
Oa Tử trở lại cầu. Nàng mang dép cỏ mới, quấn xà-cạp vàng và đội nón lá
rộng vành dùng để đi đường xa, quai lụa đỏ buộc dưới cằm trông thật rực
rỡ, tươi tắn. Nhưng Thạch Đạt Lang đã không còn ở đấy nữa.
Oa Tử khẽ kêu lên một tiếng kinh ngạc, rồi như vừa ý thức được sự việc
xảy ra, nàng òa lên khóc. Trên thành cầu, chỗ Thạch Đạt Lang đứng trước, một hàng chữ mới khắc, rõ ràng như đập vào mắt:
“Tha lỗi cho ta, tha lỗi cho ta !”.