Thạch Kiếm

Chương 85: Lòng biển sâu


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 85: Lòng biển sâu

Nước triều dâng ào ào, tuôn qua vùng eo biển mạnh như thác lũ.

Gã trạo phu chở Thạch Đạt Lang quả là tay thiện nghệ. Theo đà con nước
dâng, lúc rạp mình, lúc ưỡn ngực, gã đẩy mái chèo lên xuống nhịp nhàng,
đưa thuyền lướt phăng phăng trên những đợt sóng bạc đầu dồn dập.

Ngồi giữa sạp, nhìn mây trắng lờ lững bay trên nền trời cao trong vắt,
lòng Thạch Đạt Lang lâng lâng không bợn chút lo lắng. Quanh thuyền, nước cuồn cuộn trôi nhanh, xanh biếc và sâu thẳm.

Nhìn mây nước, Thạch Đạt Lang bỗng cảm thấy như đang hòa đồng cùng vạn vật và hốt nhiên hiểu rõ cái lẽ vô thường của tạo hóa.

Mây, sóng chẳng qua là những biến động, chỉ được nhận thức qua quan năng của con người. Mây, sóng có sinh có diệt nhưng bản chất không hề thay
đổi. Con người nếu tước bỏ hết những ràng buộc bên ngoài đi để trở về
cái “bản nguyên vô trạng thái” của mình thì tâm, thân, ý chỉ là một, sẽ
thích nghi được với mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ được thư thái. Phải chăng
đó là cõi “chân như” ? Tuy vậy Thạch Đạt Lang còn phân vân lắm.

Đối với hắn bây giờ, sự sống chết như bọt nước. Nhưng gió khơi lồng
lộng, hắn vẫn rùng mình. Tâm hắn đã vượt khỏi lo âu của sống chết, nhưng thân xác hắn vẫn chưa theo kịp.

Tâm, thân hắn chưa hòa hợp trong một phản ứng đồng nhất. Hắn còn phải
tập luyện nhiều để thống nhất quan năng và tư tưởng, để có thể nghĩ bằng tâm, cảm bằng trí. Bấy giờ cả con người hắn sẽ không còn có mây hay
sóng nữa.

Thạch Đạt Lang quay hỏi gã trạo phu:

– Bao lâu nữa thì đến Funashima ?

Gã đáp:

– Cũng không lâu, nhờ con nước đang lên và có gió xuôi. Nhưng hiện giờ ta đã trễ rồi, phải chèo gấp.

– Ngươi nhắm chừng lúc nào thì đến nơi ?

– Khoảng giờ tỵ. Bấy giờ con nước bắt đầu xuống.

Thạch Đạt Lang gật đầu, vẻ bằng lòng:

– Không sao, vậy càng tốt.

Trời đẹp. Nắng rực rỡ rắc lên mặt biển những đốm sáng lấp lánh. Thạch
Đạt Lang chợt chú ý đến một cây chèo gỗ để bên cạnh chỗ ngồi. Cầm lên
ngắm nghía, hắn hỏi gã trạo phu:

– Cho ta mượn tạm cây chèo này được không ?

– Dạ được, nhưng cây chèo ấy gãy một đoạn trên đầu rồi. Đại hiệp định dùng nó làm gì ?

Thạch Đạt Lang nhấc thử trên tay, đoạn vui vẻ cười bí mật:

– Chiều dài được lắm mà tay cầm cũng vừa vặn.

Rồi đặt chiếc bơi chèo lên đùi, hắn rút đoản kiếm ra, băt đầu đẽo vát
chỗ gãy đi và gọt nhọn như một lưỡi trường kiếm. Thạch Đạt Lang chăm chú làm, chẳng lưu ý gì đến những việc xung quanh.

Trước đây thấy hắn thản nhiên không tỏ vẻ quan hoài đến những người thân ra tiễn, bây giờ lại thấy hắn bình tĩnh chẳng lo lắng gì trước giờ tử
chiến, gã trạo phụ ngạc nhiên quá.

Đối với gã, thái độ ấy thật lạ lùng. Những kiếm sĩ khác chẳng biết có
thế không nhưng thái độ này của Thạch Đạt Lang quả thật ít thấy.

Khi chiếc bơi chèo đã được sửa xong, Thạch Đạt Lang phủi những mảnh gỗ
vụn trên lòng, cầm múa thử mấy chiêu. Thấy ưng ý, hắn nói với gã trạo
phu:


– Thanh kiếm ta vẫn dùng ngắn quá !

Đoạn rút trong bọc ra một tập giấy lụa, hắn bóc từng tờ se lại thành
dây. Khi đã được chừng hai chục, hắn bện thành hai sợi chão, loại chão
giấy gọi là tasuki vẫn thường được giới kiếm sĩ giang hồ thế kỷ trước
dùng để buộc tay áo cho gọn khi lâm trận. Cách bện chão tasuki đã thất
truyền từ lâu, không hiểu Thạch Đạt Lang học được ở đâu mà làm nhanh và
khéo thế. Gã trạo phu khen, Thạch Đạt Lang chỉ cười, hất hàm về phía
giải đất phía xa mà hỏi:

– Phải Funashima đó không ?

– Không. Đấy là Hikojima. Funashima ở sau đó vài dặm.

Thạch Đạt Lang lại nói:

– Hôm nay trời đẹp lắm nhỉ.

– Vâng, trời đẹp.

Gã trạo phu đáp, nhưng thật ra trong lòng khích động lạ lùng. Sau hoang
đảo kia chỉ vài khắc nữa sẽ diễn ra một cuộc tranh phong vô cùng ác
liệt, gã không đoán được trong bao lâu nhưng thế nào một trong hai đối
thủ cũng phải tử vong. Người kiếm sĩ ngồi kia khi trở về, có còn được
toàn vẹn hình hài không, hay chỉ là một cái xác đẫm máu què cụt ? Không
ai biết. Trước kết quả còn bất định nhưng bi thương ấy, kẻ bàng quang
như gã còn hoang mang huống chi người trong cuộc. Vậy mà sao Thạch Đạt
Lang có thể bình thản đến thế nhỉ ? Hắn còn thấy trời hôm nay đẹp ! Hay
hắn đã trở thành vô tri vô giác rồi, như đám mây nổi trên trời, như hòn
đá trơ trơ ngoài bãi ?

Thuyền qua đảo Hikojima. Không ai ngờ trên đảo đã có chừng vài chục
người phục sẵn, phần lớn là đệ tử Cát Xuyên Mộc vi phạm lệnh cấm, ở đó
làm hiệu thông báo tin tức với đất liền và sẵn sàng xông ra truy cản nếu chẳng may chủ soái chúng thất bại.

– Thuyền kia chắc là thuyền chở Thạch Đạt Lang rồi !

– Có thể lắm, anh em hãy để ý nhìn cho kỹ.

– Còn ai vào đấy nữa ? Có hai tên, một tên chèo thuyền, còn tên kia chắc là Thạch Đạt Lang. Kéo cờ báo hiệu đi !

– Anh em sẵn sàng, giáo mác đủ chưa ? Nếu có lệnh là ra tay tức khắc.

Lát sau trên đảo Funashima, tiếng reo hò nổi lên vang trời dậy đất.

– Thạch Đạt Lang đến rồi ! Thạch Đạt Lang đến rồi !

Thủy triều dâng cao phủ gần kín bãi cát nhưng mực nước vẫn còn cách xa khán đài đến bốn, năm chục trượng.

Trên khán đài, đích thân lãnh chúa Hòa Giả Đạo Uẩn ngồi lược trận, xung
quanh là các kiếm sĩ tùy tòng. Bên trái ông, đoàn nhân chứng bút giấy
sẵn sàng ghi chép; bên phải, tham vấn Điền Xán Quang cùng với toàn bộ
hội đồng tham vấn và kiếm pháp giảng tập bộ thuộc dinh Hòa Giả.

Quanh khán đài, binh sĩ hộ vệ và gia nhân nháo nhác chỉ trỏ. Thuyền
Thạch Đạt Lang hiện ra. Cao Mục Lân, trưởng đoàn nhân chứng đứng bật dậy khiến các nhân chứng khác cũng đứng dậy theo, nghểnh cổ nhìn. Sau một
thời gian dài ngóng đợi, ai cũng sốt ruột. Cử chỉ ấy thật ra chỉ là sự
thường, nhưng với tư cách trưởng đoàn nhân chứng, Cao Mục Lân không thể
tỏ lộ tình ý được, người ngoài trông vào có thể cho là ông thiên vị.
Biết đã hớ hênh, ông nhìn chủ soái và bẽn lẽn ngồi xuống, đồng thời giơ
tay ra hiệu cho những người khác cũng làm như thế.

Không khí đột nhiên căng thẳng, im phắc. Tiếng sóng biển rì rào lẫn gió
thổi qua tàng thông nghe rõ mồn một. Bên trái, cách khán đài chừng chục
trượng, dưới một gốc bạch tùng, người ta lấy vải căng tạm một cái lều

làm chỗ cho Cát Xuyên Mộc ngồi nghỉ.

Trong lều để sẵn ghế, khạp nước với gáo tre dùng giải khát và trên cành bạch tùng treo hiệu kỳ của Giang Biên Liễu.

Qùy dưới chân Điền Xán Quang, Hạo Nhiên trông ra khơi. Nhìn bóng con
thuyền nhỏ tiến đến mỗi lúc một gần, mặt nó tái đi thấy rõ. Điền Xán
Quang nghiêng đầu khẽ gọi nó. Ông nghiêm nghị nhìn Hạo Nhiên, đoạn ôn
tồn hỏi:

– Hạo Nhiên ! Nhớ lời ta dặn chứ ?

– Dạ nhớ.

– Ngươi hãy nhìn cho kỹ, không được bỏ qua điều gì, dù đó chỉ là những
chi tiết nhỏ. Sư phụ ngươi có thể sẽ phải hy sinh cả mạng sống để dạy
ngươi một bài học. Đừng quên điều ấy và phải nhập tâm những gì ngươi sắp được thấy !

– Dạ.

Hạo Nhiên chú mục nhìn con thuyền tiến đến gần tảng đá đen trên bãi mà
thủy triều đã phủ gần kín. Mỗi khi có đợt sóng lớn ập đến, bọt nước tung cao trắng xóa. Dưới ánh nắng bắt đầu gay gắt, mặt biển loang loáng chói mắt.

Chỗ ấy còn xa, cách khán đài hàng mấy chục trượng, làm sao nó có thể
nhìn rõ chi tiết các chiêu kiếm Thạch Đạt Lang thi triển. Chắc Điền Xán
Quang không có ý bảo nó quan sát những thế kiếm của sư phụ, vì có thể nó chưa đủ khả năng hiểu nổi, nhưng chỉ lưu ý nó về phương lược mà Thạch
Đạt Lang sẽ áp dụng trong một cuộc tử chiến như thế này mà thôi. Điều
này thì chắc Hạo Nhiên không bỏ qua được và sẽ ảnh hưởng đến nó suốt
đời.

Một con bướm trắng nhẹ nhàng bay đến đậu trên tay áo, Hạo Nhiên không
nhìn thấy, mắt dán vào con thuyền nhỏ sắp cập bến. Nó gọi thầm Thạch Đạt Lang trong hơi thở mà nó cố giữ cho khỏi hổn hển:

– Sư phụ ! Sư phụ !

Thuyền Thạch Đạt Lang đã vượt qua khỏi tảng đá. Bấy giờ vào khoảng giữa giờ tỵ.

Cát Xuyên Mộc bước khỏi lều, đến trước khán đài, cúi chào Hòa Giả lãnh chúa và hai bên tả hữu, đoạn hiên ngang tiến ra bãi.

Thuyền tới gần. Thủy triều dường như đã đứng, sóng dồn nhẹ hơn trước và ở những chỗ nông, nước chỉ tới mắt cá chân, sóng gợn lăn tăn.

– Cho thuyền cập bến chỗ nào, đại hiệp ?

– Cứ tiến thẳng vào bờ.

Thạch Đạt Lang đứng dậy, buộc tay áo. Trạo phu cúi rạp mình đẩy mạnh
thuyền lướt tới. Khi gần đến chỗ cạn, gã rà mái chèo nghiêng nghiêng mặt nước để thuyền trôi chầm chậm. Có tiếng chim hải tước hót đâu đây.

– Thôi được rồi. Chỗ này là bãi nông, đừng chèo thêm nữa mà hỏng thuyền. – Đạt Lang nói – Vả thuỷ triều cũng sắp rút, ta xuống đây cũng được.

Đằng xa, bóng một người mặc bào tía đi tới. Gã trạo phu quay nhìn Thạch
Đạt Lang, định báo cho hắn biết thì Thạch Đạt Lang đã nhảy xuống nước
rồi, nhẹ như én liệng, mắt hướng về phía bóng người đang đi tới. Hắn lấy một vuông khăn màu lá úa, gấp chéo buộc quanh đầu giữ tóc, cởi trường
kiếm đặt lên sạp thuyền, chỉ giữ lại đoản kiếm, rồi cầm cây chèo gỗ lội
vào bờ, mắt vẫn không rời bóng người áo tía.

Cây chèo gỗ được sửa lại trong tay Thạch Đạt Lang như một thanh mộc kiếm quá khổ, kéo sau hắn vẽ một vệt bọt dài tên mặt nước.

Năm bước. Mười bước. Thạch Đạt Lang vẫn chưa tới bờ cát khô. Trong khi
ấy bóng người áo tía rảo bước nhanh hơn, vỏ kiếm dát bạc đeo sau lưng
lóe sáng dưới nắng trông như đuôi một con chồn tuyết.

– Nhanh lên đại hiệp !


Tiếng kêu của gã trạo phu vừa dứt, người áo tía đã tới gần bờ nước. Kinh hoảng và chắc mười phần Thạch Đạt Lang sẽ bị xẻ làm đôi, gã trạo phu
quay mặt đi, không đành lòng nhìn cảnh ghê sợ ấy.

Thạch Đạt Lang dừng lại, chân còn đứng dưới nước. Nắng chói chang. Nước
biển phản chiếu ánh sáng lên mặt Cát Xuyên Mộc trông dữ tợn và tàn nhẫn. Gã cười gằn, sẵng giọng:

– Thạch Đạt Lang !

Đạt Lang cũng trừng trừng nhìn lại gã. Rồi mỉm cười, hắn khẽ đáp, giọng dịu dàng không oán giận:

– Cát Xuyên Mộc !

Nhưng trong ánh mắt lóe lên một ý chí phi thường, một lòng tự tin mãnh
liệt, quyết tâm đưa địch thủ đến chỗ diệt vong. Cát Xuyên Mộc lại thét,
mắt đổ lửa:

– Thạch Đạt Lang !

Không đáp.

– Ngươi lại đến trễ ! Phải chăng đấy là chiến thuật ngươi từng áp dụng
để địch thủ mất kiên nhẫn ? Ngươi cho thế là khôn ngoan, ta cho chỉ là
hèn nhát !

Đạt Lang không đáp, vẫn trơ trơ dưới nước. Hắn không muốn phân tâm vào những chuyện vô ích.

– Đồ chúng Hoa Sơn mắc bẫy chứ Giang Biên Liễu này thì không ! Ra chiêu đi !

Hãy chứng tỏ ngươi là con người có khí phách chứ không phải chỉ biết bỏ chạy.

Dứt lời, quàng tay ra sau lưng, Cát Xuyên Mộc rút thanh trường kiếm, tay kia tháo vỏ kiếm vứt ra xa.

Thái độ khinh địch ấy là một sai lầm chiến lược. Chiêu trảm nhạn kiếm
chỉ hữu hiệu khi xuất thủ thần tốc. Rút kiếm từ từ làm mất tính cách đột phá bất ngờ của nó.

Thạch Đạt Lang nhếch mép:

– Cát Xuyên Mộc ! Ngươi thua rồi !

– Cái gì ? Cuộc chiến chưa bắt đầu …

– Nhưng ngươi thua rồi đó ! Vứt vỏ kiếm đi, ngươi đã từ bỏ tương lai, từ bỏ cuộc sống …

Cát Xuyên Mộc cười rộ:

– Nói bậy ! Đừng hòng làm mất tinh thần ta !

Một con sóng mạnh ào đến. Cùng với sóng ầm ầm, tiếng thét xung trận của
Thạch Đạt Lang vang như sấm động. Cây kiếm gỗ vung lên chênh chếch, đồng thời hắn nhảy chéo hai bước. Chân vừa rời khỏi mặt nước, kiếm quang đã
ập tới, “cây sào phơi” của Cát Xuyên Mộc nhanh như lằn chớp phạt từ trên xuống dưới chỉ cách gót chân Đạt Lang và chỗ hắn đứng trước đây chừng
nửa tấc. Nước bắn tung tóe.

Thấy không trúng đích, Cát Xuyên Mộc thu kiếm về, xoay người nhảy lui,
tránh chiêu kế tiếp của Thạch Đạt Lang mà gã đồ rằng hắn sẽ không bỏ lỡ.

Nhưng trái lại, Thạch Đạt Lang dường như không có ý tấn công tiếp. Hai
tay nắm chặt cây mộc kiếm, hắn để mũi kiếm chếch về bên phải, chân hơi
co, sẵn sàng ưỡn người ra phía sau, tránh ngọn đòn chí tử của địch. Bằng lòng với tư thế ấy, hắn chờ.

“Cây sào phơi” tuy dài nhưng không dài bằng thanh một kiếm làm bằng
chiếc bơi chèo gỗ Thạch Đạt Lang đang nắm trong tay. Muốn trúng đích,
Cát Xuyên Mộc phải vươn người ra hoặc phóng nhanh tới như rắn hổ bắt
mồi. Thạch Đạt Lang không đổi bộ vị nhưng sẽ lợi dụng lúc ấy, dùng mộc
kiếm phạt ngang sườn địch thủ. Đấy là một hành động liều lĩnh. Chỉ chậm
một sát na, nếu mộc kiếm chưa chạm sườn Cát Xuyên Mộc mà “cây sào phơi”
đã kề cổ thì Thạch Đạt Lang trong chớp mắt sẽ không còn nguyên vẹn hình
hài nữa.

“Cây sào phơi” đã giơ cao, nguy hiểm và đe doạ, sẵn sàng giáng xuống đầu Thạch Đạt Lang. Nhưng chủ nhân nó không hiểu sao lại do dự, rồi bỗng
đổi bộ vị, nhảy sang trái.

Thạch Đạt Lang lập tức nhảy theo. Hai tay nắm chắc thanh mộc kiếm, hắn
di chuyển từng bước ngắn về phía bờ nước. Cả hai đối thủ nhìn nhau không chớp. Đằng sau Thạch Đạt Lang là biển cả; đằng trước, Cát Xuyên Mộc lăm lăm cây trường kiếm chỉ chờ cơ hội đưa hắn sang bên kia thế giới. Trên
khán đài, quan khách hồi hộp nín thở.


Hai địch thủ nói với nhau không phải bằng lời. Trong sự căng thẳng nặng
nề, ngột ngạt ấy, mắt Thạch Đạt Lang đổi dần sang màu hổ phách. Tâm trí
hắn cùng bao nhiêu thớ thịt đường gân, cả đến từng sợi tóc móng chân
trên người, tất cả đều nhập làm một trong một nỗ lực phi thường và duy
nhất để tranh thắng.

Thạch Đạt Lang bỗng thấy người nhẹ hẫng. Như kẻ xuất thần, hắn không còn cảm thấy mình đứng trên đất liền nữa mà như đã hòa với tâm ý bay cao.

Hắn nghĩ gì, các bộ phận khác trong người hắn theo kịp liền. Không chậm
trễ khó khăn, không mảy may sai lệch. Dường như óc hắn đã nằm sẵn trên
vai, trên cánh tay, trên bắp chân, ở khắp nơi trong người hắn. Bất kỳ
một cử động gì của địch, dù chỉ là một cái chớp mắt, muôn ngàn kinh mạch và thớ thịt của hắn cũng sẽ phản ứng tức khắc.

Tâm, thân đạt tới mức hoà đồng, phối hợp như vậy quả là trác tuyệt.

Thời gian hai địch thủ gờm nhau tưởng kéo dài vô tận, thực ra chỉ lâu vào khoảng đủ để năm sáu đợt sóng xô đến rồi tan đi.

Mặt trời vừa ló khỏi đám mây. Nước biển bỗng rực sáng long lanh hắt lên mặt Cát Xuyên Mộc khiến gã nheo mắt.

Lập tức tiếng thét xe không gian của Thạch Đạt Lang được phát ra. Tiếng
thét kinh thiên động địa không phải từ cổ họng mà từ toàn thể châu thân
hắn, tiếp theo là một tiếng thét khác, ghê hồn, tiếng thét của Cát Xuyên Mộc làm rung chuyển cả khán đài.

Hai tiếng thét phát ra gần như cùng một lúc, va vào nhau, âm hưởng vang
lên đến tận trời xanh tựa hai ngọn sóng vĩ đại đập vào vách đá.

Đồng thời hàn quang thanh trường kiếm của Cát Xuyên Mộc lóe lên như ánh
cầu vồng nhằm cổ Thạch Đạt Lang chém xuống chênh chếch theo đường vòng
cung. Thạch Đạt Lang lập tức co chân phải, trầm mình xuống thấp hơn nữa. Chiều cao của hắn chỉ còn hai phần ba. Lưỡi kiếm rà sát đỉnh đầu, cắt
bay chéo khăn buộc tóc của Thạch Đạt Lang.

Tưởng hạ được địch thủ, Cát Xuyên Mộc phát một nụ cười. Nhưng nụ cười
chưa kịp tắt, cây mộc kiếm đã đập mạnh như trời giáng vào thái dương gã
như đập vào một hòn cuội. Thạch Đạt Lang cảm thấy những mảnh xương vỡ
vụn.

Cát Xuyên Mộc ngã chúi xuống dưới sức mạnh của cây kiếm gỗ, chỉ cách chỗ Thạch Đạt Lang đứng chừng hai thước, ngay bên bờ nước. Máu mũi bắt đầu
tuôn ra nhưng trên môi, Cát Xuyên Mộc vẫn còn giữ nụ cười vừa hé.

– Ồ …

Kết quả bất ngờ khiến Cao Mục Lân nhăn mặt, đứng bật dậy.

Trong một lúc, cả khu Funashima dường như không một tiếng động. Gió reo
trên những ngọn thông già càng làm tăng vẻ yên lặng dị thường của hòn
đảo nhỏ, như giễu cợt tính chất phù ảo của cuộc sống.

Thạch Đạt Lang ngước nhìn trời. Hắn sực tỉnh bước lại gần thi thể địch
thủ. Cát Xuyên Mộc nằm nghiêng, trên mặt, hai dòng máu đặc chảy từ tai
và mũi xuống, loang dần trên nền cát ướt. Cát Xuyên Mộc từ giã cõi đời,
không tỏ dấu gì phiền muộn hay lo âu, chỉ có vẻ thỏa mãn, một sự thoa?
mãn tròn đầy của kẻ chiến thắng, tin rằng mình vừa hoàn thành nhiệm vụ,
không hối tiếc.

Nhìn mảnh khăn buộc tóc vướng trong chùm cỏ dại trên bãi, Thạch Đạt Lang rùng mình. Chưa bao giờ trong đời, hắn gặp một địch thủ ghê gớm đến
thế. Dù sao, Cát Xuyên Mộc cũng đã nêu thêm cho hắn một tấm gương dũng
cảm và một tài năng kiệt hiệt.

Qùy xuống cạnh thi thể Cát Xuyên Mộc, Thạch Đạt Lang đưa tay để gần vào
mũi gã. Hơi thở còn nhẹ như tơ. Nếu đừng chậm trễ và chữa chạy đúng
phép, may ra có thể cứu được. Thạch Đạt Lang thành thực mong cho gã được cứu sống.

Nhưng cuộc chiến xong rồi, hắn phải đi. Thạch Đạt Lang cúi đầu vĩnh biệt đối thủ, kẻ mà tài năng khiến hắn ngưỡng mộ, rồi ra bờ nước nhảy lên
thuyền đợi sẵn, giục chèo ra khơi. Thanh mộc kiếm bằng bơi chèo hắn mang trả lại gã trạo phu không dính một vệt máu.

Thạch Đạt Lang đi đâu, chẳng ai biết. Hắn có bị đệ tử Giang Biên Liễu tập kích ở Hikojima không, chẳng tài liệu nào nhắc tới.

Cho đến hơi thở cuối cùng, con người vẫn không thoát khỏi tình yêu và thù hận.

Như những đợt sóng thủy triều dâng lên rồi lại rút, thất tình của con người theo nhau lui rồi lại tới, mãi mãi không dứt.

Có người không ưa Thạch Đạt Lang, chỉ trích thái độ hắn trong trường hợp này là hèn nhát, vì sợ trả thù mà vội bỏ đi. Nhưng biển trần gian, lúc
nào chẳng có tiếng sóng lao xao ? Trên mặt nước, tôm tép dập dìu, nhưng
ai biết dưới kia, xa vạn dặm, lòng biển sâu nghĩ gì ? Ai đo được hồn vực thẳm ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.