Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 68: Con cáo
Đêm càng lúc càng khuya. Trên mặt con rạch nước đen, sương đã phủ lờ mờ, có chỗ che khuất cả những lùm cây dại và chân cầu gỗ.
“Chẳng biết đây có phải là khu Kobikicho không ?”. Hạo Nhiên đi đã mỏi
và mặc dầu đã hỏi thăm nhiều người, ai cũng bảo đúng, nó vẫn phân vân
nghi hoặc. Cảnh trí đìu hiu. Chỉ còn vài ngôi nhà gỗ tận đàng xa le lói
ánh đèn. Gió về khuya chớm lạnh thoảng đưa đến tai nó lúc xa lúc gần
những tiếng rì rào của sóng vỗ ngoài vịnh. Gần bờ rạch, nhiều đống gỗ đá ngổn ngang, trong bóng đêm tạo thành các hình thù kỳ dị. Ở thành đô bây giờ chỗ nào nhà cửa cũng đua nhau mọc lên như nấm gặp trời mưa, nhưng
Hạo Nhiên khó có thể tin được Trúc Mộ đại nhân lại ở một khu nghèo nàn
như khu này.
Nó hoang mang chẳng biết tính thế nào:
đi thì đêm khuya khó gặp người để hỏi thăm đường, mà về thì quyết không
được rồi ! Một lời hứa với sư phụ không thể coi thường. Sư phụ chẳng
phạt nó đâu nhưng lần đầu tiên ông sai làm một việc nó cho là quan
trọng, việc chẳng thành, nó cảm thấy hổ thẹn.
Mấy ngón chân hơi nhức, Hạo Nhiên tìm một tảng đá ngồi xuống cởi dép ra, để chân trần lên đám cỏ ướt sương, thấy mát dễ chịu. “Tất cả đều do mụ
quản lý ở quán Mã Đề mà ra cả. Hỏi mụ, mụ bảo đến khu Kobikicho mà tìm.
Khu nghèo nàn vắng vẻ thế này, làm gì có phủ Trúc Mộ !”. Hạo Nhiên nhặt
hòn đá ném mạnh xuống đất cho đỡ bực bội. Nó không ngờ rằng Kobikicho là một khu rộng lớn bao gồm rất đông dân ở ngoại ô, chạy dài mãi ra tận bờ vịnh. Chỗ này chỉ là một xóm nghèo thuộc khu ấy, tập trung toàn dân vô
gia cư, thợ thuyền tay làm hàm nhai và những kẻ gần như cùng đinh trong
xã hội.
Có tiếng động sau đống gỗ làm Hạo Nhiên giật mình. Xỏ dép đứng lên vòng
ra phía sau, nó ngạc nhiên thấy một căn nhà, không, một túp lều mới
đúng, với ánh đèn hắt qua khe cửa sổ nhỏ xíu dán giấy. Túp lều đã nhỏ
lại ẩn sau đống gỗ cao, thảo nào nó không để ý.
Rón rén đến gần, Hạo Nhiên thấy dưới ánh đèn lờ mờ, một người đàn bà đầu quấn vuông chiếu cói thay khăn đang dọn dẹp. Ánh sáng yếu ớt không cho
nó đoán được mụ chừng bao nhiêu tuổi. Tuy vậy nó vẫn đánh bạo gõ cửa và
gọi bừa, hy vọng được tiếp nhận:
– Thái thái ! Mở cửa cho cháu.
Người đàn bà mở cửa nhìn ra, cất giọng the thé:
– Lại mày nữa ! Phải hồi chiều mày ném đá vào tao rồi chạy không ?
– Dạ không, không phải. Hạo Nhiên vội vã cải chính. Cháu mới gặp thái thái lần này là lần đầu mà !
Người đàn bà bỏ vuông chiếu cói ra nhìn nó một lúc:
– Ờ ờ không phải. Thằng kia nhỏ hơn.
Đoạn phá lên cười:
– Hà hà ! Thế tối tăm thế này mày đến đây làm gì ?
Bấy giờ Hạo Nhiên mới chú ý đến cách phục sức diêm dúa không hợp với
khung cảnh của người đàn bà trung niên trước mặt. Tóc mụ chải cẩn thận,
thoa dầu bóng, mặt trát phấn trắng như bôi vôi, môi son đỏ chót, áo
kimono đã cũ nhưng bằng hàng lụa thêu hoa.
Hơi sợ, nó lùi lại một bước. Mụ kéo tay nó vào trong nhà:
– Tối tăm thế này em đến đây làm gì ? Cần gì ta giúp.
Hạo Nhiên ngây thơ đáp:
– Cháu muốn gặp Trúc Mộ đại nhân.
Người đàn bà trố mắt nhìn nó:
– Mày nói giỡn đấy à ?
– Thật mà ! Cháu muốn vào phủ Trúc Mộ.
Người đàn bà ré lên cười, lát sau mới bảo:
– Trúc Mộ tướng công là bậc quyền quý, mày tưởng ngài mở cửa tiếp mày sao ?
– Cháu mang thư cho một người trong phủ.
Hạo Nhiên vừa nói vừa rút ra một cuộn giấy gắn niêm và chỉ cho người đàn bà xem tên người nhận.
– Người đó là Mạnh Đạt ở phủ Trúc Mộ đại nhân.
Người đàn bà gật đầu ra vẻ thông cảm:
– Phải rồi, chắc là một kẻ trong đám lính hầu. Thế mà mày nói cứ như là thân thuộc với ngài lắm. Thật tức cười !
– Vậy thái thái biết phủ Trúc Mộ Ở đâu chỉ cho cháu.
– Biết chứ ! Qua cầu gỗ sang bên kia rạch, đi một quãng đến trại Ninh
Cát của tướng công Y Lâm, qua trại Lan Châu, trại Lâm Phố, trại Hồ An
…
Vừa nói mụ vừa đếm ngón tay kể tên từng trại một. Có đến bảy tám trại như thế, sau cùng mới bảo:
– Ta chắc thế nào mày cũng tìm ra. Trại Trúc Mộ lớn nhất ở cuối đường không chú ý cũng thấy.
– Thế qua cầu sang bên kia còn thuộc khu Kobikicho không ?
– Còn chứ.
– Trời đất ! Thế mà chúa cứ tưởng …Khu này sao mà rắc rối quá !
Người đàn bà mỉm cười. Thấy thằng bé hiền lành, lễ phép lại tỏ ý lo ngại chẳng tìm ra đường, mụ ngần ngừ một lúc rồi nói:
– Mày ngớ ngẩn lắm, thôi để ta dẫn đi.
Nói đoạn đẩy nó ra, đóng cửa, xăm xăm đi trước, bảo Hạo Nhiên theo sau.
Trong đêm tối, tà áo mụ phất phơ tựa cánh con thiêu thân lớn bay trong
sương mù lãng đãng.
Gần đến giữa cầu, bỗng có gã đàn ông đi ngược chiều sát vào người mụ, huýt sáo.
Nhưng gã không dừng bước, cứ tiếp tục qua mặt cả hai người. Mùi rượu sa-kê bốc lên nồng nặc.
Mụ dẫn đường dừng chân lại nhìn theo rồi gọi với:
– Ai như Quản Bạc Nhất ?
Gã đàn ông khựng lại một chút, rồi tiếp tục đi chẳng nói chẳng rằng. Mụ chạy theo nắm vai áo:
– Quản Bạc Nhất ! Ngươi biết ta mà ! Sao hờ hững với nhau quá thế ?
– Bỏ ra ! Gã kia đáp.
– Không ! Lâu nay không gặp, không muốn đi với ta chăng ?
– Hết tiền rồi !
– Can gì ! Lúc khác trả cũng được !
Rồi ôm cứng lấy gã đàn ông có tên Quản Bạc Nhất ấy, mụ quay bảo Hạo Nhiên:
– Đi đi ! Ta cần nói chuyện với ông này.
Kinh ngạc chẳng hiểu đầu đuôi gì, Hạo Nhiên đứng sững nhìn hai người
giằng co nhau cho đến khi mụ kia kéo gã đàn ông xuống chân cầu và mất
hút trong bóng tối dưới đó.
Lát sau hoàn hồn, nó bước ra thành cầu vịn vào lan can gỗ, tò mò nhìn
dòng nước đen bẩn, lờ đờ chảy bên dưới. Thình lình, giọng người đàn bà
rít lên the thé, nhọn hoắt như đâm vào tai nó cùng với tiếng gió rít của hòn đá ném về phía nó đứng.
– Súc sinh ! Mày nhìn cái gì thế ?
Hạo Nhiên né tránh, bỏ ra giữa cầu rồi cúi đầu lầm lũi bước. Suốt thời
kỳ ở Hotengahara cho đến nay, chưa bao giờ nó thấy một bộ mặt nào ghê sợ hơn bộ mặt trắng bệch như vôi của người đàn bà ấy lúc đó.
Qua khỏi cây cầu gỗ, Hạo Nhiên theo con đường trải đá xanh độc nhất đến
trước một kho hàng rồi tới một tường rào ngăn kho hàng ấy với một kho
hàng khác. Kho nào cũng tường cao, cổng kín kiên cố. Qua vài kho hàng
như thế, nó bỗng hiểu ra đấy là những trại mà mụ đàn bà lúc nãy đã chỉ
cho nó. Có lẽ mụ gọi là trại vì có quân canh giữ vật dụng và lừa ngựa
cho các chủ tướng.
Đến trại sau cùng ở cuối đường, Hạo Nhiên tin chắc đã tìm ra được phủ
Trúc Mộ khi thấy trên cánh cổng có vẽ hình đầu một thiếu phụ búi tóc hai tầng. Mà hình này qua những bài hát dân giả, ai cũng biết là huy hiệu
của dòng họ Trúc Mộ.
Hạo Nhiên mạnh dạn gõ cổng. Nhưng cổng vừa cao vừa dày, gõ mãi chẳng ai
thưa. Tức mình, nó nhặt đá đập thình thình. Lúc sau mới thấy người lính
tuần mở hé một khe cửa sổ nhỏ phía trên cổng nhìn xuống:
– Thằng bé kia, hỏi gì ?
– Có thư tới.
Người lính bèn mở một khung cửa nhỏ đặt lẩn trong cánh cổng lớn để tiện
việc ra vào mà không cần mở cổng, bước ra cầm cuộn thư trong tay Hạo
Nhiên, soi đèn mà đọc.
– Thư này gửi cho một kiếm sĩ tên Mạnh Đạt phải không ?
– Phải. Cháu đợi lời phúc đáp để mang về. Ông làm ơn chuyển thư cho cháu.
– Nhưng Mạnh Đạt không có ở đây.
– Thế ông ấy ở đâu ?
– Ở Higakubo.
– Sao ? Ai cũng bảo phủ Trúc Mộ Ở Kobikicho mà !
– Ờ ! Người ta bảo thế nhưng đây là trại quân, chỉ có gạo và các vật dụng nuôi quân mà thôi. Tướng phủ ở Higakubo kia !
– Higakubo có xa đây không ?
– Xa, xa lắm.
– Ở tận chỗ nào ?
– Trên núi, phía đông Tân đô này đến hàng chục dặm.
Hạo Nhiên buồn bã lắc đầu. Nó không ngờ khó khăn đến thế ! Nhưng vốn
tính bướng bỉnh và có tinh thần trách nhiệm từ khi còn thơ ấu, phải
đương đầu với bao nhiêu cam go của cuộc sống để mưu sinh và giúp đỡ cha
già, nó không chịu khuất phục.
– Thưa ông, thế ông có thể vẽ cho cháu đường nào đi đến Higakubo được không ?
– Thằng này điên ! Dù ta có vẽ cho mày thì mày cũng phải đi hết đêm mới đến được.
– Không sao, cháu sẽ đi cả đêm.
Người lính lẳng lặng không nói gì, nhưng trong lòng thầm phục thằng bé.
– Ở chân núi, cầy cáo vô số. Mày sợ cáo nó hớp hồn không ?
– Không, cháu không sợ.
– Mày quen với hiệp sĩ Mạnh Đạt hả ?
– Không, nhưng thầy cháu quen.
Người lính không hỏi thêm gì nữa, nhưng sau nghĩ thế nào, bảo với Hạo Nhiên:
– Ta khuyên như thế này. Bây giờ khuya rồi mà mày lại không biết đường, sợ lạc.
Ta cho ngủ ở đây, sáng mai hãy đi, mày nghĩ sao ?
Ngần ngừ một lát, có lẽ cho là phải, Hạo Nhiên gật đầu.
– Có rơm trong chuồng ngựa ấy. Mang vào vựa thóc trải ra mà ngủ.
Hôm sau gần trưa, Hạo Nhiên mới giật mình thức giấc. Trong vựa thóc vừa
tối vừa ấm, nó ngủ quên, không ngờ trời sáng lúc nào. Bước ra cửa, ánh
nắng chan hòa khiến mắt nó hấp háy phải lấy tay che. Sực nhớ đến nhiệm
vụ phải làm, Hạo Nhiên rảo bước ra điếm canh. Người lính đêm qua còn đó, thấy nó, nhe răng cười chế nhạo:
– Sao không ngủ thêm giấc nữa ?
Nó cũng cười xòa:
– Cháu ngủ quên ! Thế ông đã vẽ đường cho cháu chưa ?
– Rồi. Hôm qua mày nói cần gấp mà !
– Vâng, cảm ơn ông, cháu đi ngay giờ đây.
– Khoan, ở lại ăn chút gì lót lòng đã. Đủ cơm cho hai người đấy, ăn đi !
Thấy người lính tử tế với mình, Hạo Nhiên cúi đầu cảm tạ.
Ăn xong, cầm mảnh giấy vẽ sơ sài những đường chính dẫn đến Higakubo, Hạo Nhiên cáo từ người lính, lên đường.
Trời xanh và trong. Những cụm mây trắng nhẹ như bông trôi lờ lững. Nắng
không gay gắt. Hạo Nhiên thấy lòng lâng lâng vui thích. Nó không ngờ
thấy nó ở quán Mã Đề đang bồn chồn lo lắng vì nó.
Qua quãng đường lát đá xanh, dọc theo những lộ chính tấp nập trên bờ các kênh đào ngang dọc ven đô, Hạo Nhiên thỉnh thoảng lại dừng bước xem thợ nề, thợ mộc bận tíu tít dựng sườn nhà, xây tường, xẻ gỗ. Tiếng đục
tiếng búa chan chát không làm nó khó chịu, trái lại khiến nó vui vẻ
thích thú. Không khí sinh động, rộn rịp khác hẳn với những ngày ở
Hotengahara. Những người phu lực lưỡng, cởi trần hè nhau kéo nhiều tảng
đá lớn, hò những câu hò lạ tai. Đằng xa, trên lưng chừng giàn tre cao
ngất ngưởng dựng sát tường một tòa lầu đang xây, thợ thuyền hành động
chẳng khác gì những con ong bò vẽ bu trên giàn hoa bìm bìm sặc sỡ về mùa xuân.
Mải mê theo dõi các sinh hoạt muôn màu muôn vẻ diễn ra trước mắt, Hạo
Nhiên quên hẳn mục đích của mình. Đến khi mặt nước hắt ráng chiều đỏ
hồng và đàn quạ bay ngang, buông những tiếng khô khan trên nền trời bắt
đầu nhạt nắng, nó mới giật mình:
“Ờ, thế mà đã chiều rồi ! Chóng quá !”. Và ba chân bốn cẳng, nó vội vã tìm đường đi về phía đông.
Hạo Nhiên rảo bước nhanh như chạy, mong sao tới được Higakubo trước khi
trời tối mịt. Chẳng bao lâu đã đến chân đồi Azabu, con đường cây cao
bóng rợp đan xít nhau, tuy thỉnh thoảng có ánh nắng xiên khoai chiếu qua tàn lá loang loáng, nhưng đường vẫn ẩm ướt và trơn trượt. Gốc cây, rêu
mọc đầy. Có nhiều chỗ âm u, tưởng như đêm đã xuống từ lâu. Hạo Nhiên
càng bước vội, mấy lần suýt ngã, phải nhặt một cành cây làm gậy chống.
Cho đến khi trèo lên đỉnh đồi, nhìn về phương tây, thấy mặt trời đỏ khé
còn cách chân trời đến non con sào, nó mới yên lòng.
Đồi hoang vụ lạ lùng. Không cả tiếng chim vỗ cánh bay ngang. Đứng giữa
rừng cỏ tranh cao ngang ngực, trông xung quanh trùng trùng điệp điệp
những tàng cây nối tiếp nhau từ sườn đồi trải dài đến tận thung lũng
phía dưới, tiếng suối nước róc rách đâu đây càng làm tăng vẻ hoang vắng, Hạo Nhiên bỗng có cảm giác kỳ lạ, vừa bâng khuâng vừa sợ hãi như đứng
trong một ngôi chùa cổ, giữa những pho tượng trang nghiêm. Âm vang của
một hồi chuông, không, của tiếng cồng thúc quân hay của hồi trống trận,
ầm ì trong gió khiến nó rùng mình. Hạo Nhiên không ngờ nó đang đứng giữa vùng linh địa của ngôi đại điện thờ thần Thái Dương giờ đây đã hoang
phế. Sương chiều xám đục quanh quất bên những ngọn cây thấp và những lùm bụi ven đường mòn. Hạo Nhiên bỗng thấy những gốc cây như sáng hơn lên.
Đã có lần nó có cảm giác như thế khi đứng trong gian phòng bên khung cửa sổ dán giấy lúc chập choạng tối. Gian phòng dường như sáng hẳn trong
khi bên ngoài trời chiều mỗi lúc một tối. Thầy nó bảo đó là ảo giác.
Nhưng lần này cảm giác ấy mạnh lắm. Nó không cho là ảo giác, lấy tay dụi mắt, và bỗng chú ý đến đôi mắt tròn xoe, đỏ như hổ phách đang trừng
trừng nhìn nó từ trong hốc một gốc cây mục.
– Con cáo !
Hạo Nhiên vùng lên, vung gậy đập mạnh một cái. Soạt ! Con vật nhảy qua
đống lá khô. Nhanh không kém, Hạo Nhiên chạy theo. Cây gậy vung lên
giáng xuống hết bên tả lại bên hữu, kêu bồm bộp ! Một tiếng chít ! Hình
như con vật trúng thương bật lên cao.
Bộ lông màu lá úa xẹt trong bóng tối tựa tia nắng quái loé lên rồi vụt
tắt lúc chiều tà. Rồi mất hút. Hạo Nhiên đuổi theo, cầm gậy hất tung
những đám lá khô, cành gẫy. Không vết tích gì của con vật. Nó cau mặt,
lo lắng đảo mắt nhìn quanh. Ngay từ khi còn dưới gối mẹ, Hạo Nhiên đã
được nghe kể rất nhiều chuyện cổ tích về con cáo. Đó là một giống vật
ghê gớm, rất xảo quyệt, có biệt tài thay hình đổi dạng và mê hoặc những
kẻ nào ở gần. Bản tính Hạo Nhiên ưa loài vật, kể cả lợn rừng và chồn
hôi, nhưng nó ghét cáo vô kể. Ghét và sợ nữa. Nó tin chắc nếu gặp con
cáo này, nó sẽ bị dẫn đi lạc đường cũng như hôm qua cáo đã dẫn nó đi lạc tại khu Kobikicho. Hơn nữa, con cáo này vừa bị nó đánh có thương tích,
tất sẽ tìm cách trả thù. Vừa tức, vừa buồn, Hạo Nhiên ngồi xuống bên
thân cây đổ trong đám cỏ cao. Nó cảm thấy đói và khát, nhất là khát.
Hoàng hôn xuống nhanh. Những vạt ánh sáng sau cùng của một ngày quý xuân như rút vội vàng khỏi đỉnh các ngọn đồi ở đằng xa. Hạo Nhiên thè lưỡi
liếm những lá trà dại đọng sương cho đỡ khát. Mồ hôi trên mép chảy vào
miệng hơi mặn, nó giơ tay áo quẹt ngang. “Con cáo đó chết thì may, nếu
không thể nào cũng trở lại bắt hồn mình !” Bỗng có tiếng nhạc ngựa văng
vẳng. Hạo Nhiên lắng tai, thầm nhủ:
“Rồi, rồi !
Chắc nó trở lại. Không biết lần này nó đội lốt gì !”. Bèn lấy nước bọt
bôi lên hai bên lông mày để giải trừ ảnh hưởng của loài yêu quái. Cảm
thấy lòng yên ổn và bình tĩnh hơn, Hạo Nhiên đến nấp sau bụi gai, tay
lăm lăm cây gậy.
Từ xa, nhạt nhoà trong sương chiều, bóng một thiếu nữ cưỡi ngựa dần dần hiện ra.
Nàng đội nón nan to, choàng mạng che nửa mặt và ngồi lệch một bên trên
lưng ngựa, buông lỏng tay cương cho con vật thong thả đi bước một. Sự
xuất hiện lạ lùng, nếu chẳng phải thần tiên thì cũng quỷ mị ấy, khiến
Hạo Nhiên không còn nghi ngờ gì nữa:
“Con cáo này quả đáng sợ ! Nó đã thành tinh, đội lốt người đến dụ dỗ mình đây ! Nhưng ta đã đề phòng, đừng hòng mê hoặc …”.
– Oa Tử …ử …ử …
Tiếng gọi kéo dài từ lưng chừng đồi vang dội cả vùng theo gió đưa đến
tai Hạo Nhiên nghe rõ mồn một. “Chắc bạn bè con cáo ấy gọi ! Cáo thành
tinh phải có chín đuôi và nhiều kẻ hầu hạ !”. Bèn vất gậy đi, rút cây
kiếm ngắn gia bảo vẫn giắt theo bên mình, sẵn sàng đối phó với mọi bất
trắc.
Đến gần đỉnh đồi, như thuộc đường lối, ngựa đột nhiên rẽ sang một đường
khác về hướng nam. Màu son nạm bạc của yên ngựa loé sáng dưới tia nắng
hồng cuối cùng của mặt trời vừa lặn.
Hạo Nhiên nắm chặt tay kiếm, tự trấn an và khích lệ:
“May mà nó không biết mình ở đây !”.
Theo sự hiểu biết của thằng bé, hồn những con cáo thành tinh đội lốt
người bao giờ cũng theo sau lưng nó chừng vài bước. Hạo Nhiên nuốt nước
bọt, định chờ cho nó quay hẳn đi mới ra tay. Nhưng con cáo khôn ngoan
dường như đoán được ý thằng bé, dừng lại và xuống ngựa.
– Oa …Tử …
Lần này tiếng gọi gần lắm.
– Ở đây ! Tiểu nữ ở trên này !
Chỉ một loáng đã nghe tiếng chân người bước rào rạo. Một tráng sĩ hiện
ra, y phục giản dị đến thô sơ, hông đeo trường kiếm nhưng đi hơi thọt.
Hạo Nhiên đứng sững, chân tay run lẩy bẩy. “Trời ơi ! Đây mới là con cáo ấy.
Đúng nó rồi. Vết thương ở chân thế kia không thể nào lầm được. Nó không
đội lốt thiếu nữ mà đội lốt đàn ông ! Trời ! Con cáo này ghê thật !”.
Hạo Nhiên sợ. Người đàn ông còn trẻ, dáng cao lớn. Thằng bé tự xét mình
không làm gì được, đành đứng yên không dám thở mạnh, chỉ trố mắt ra
nhìn.
– Cô nương lên ngựa đi để ta dẫn cho. Chúng ta phải về mau kẻo tướng công áy náy …
Oa Tử e lệ đáp:
– Tiểu nữ đâu dám. Xin thiếu gia đi trước, tiểu nữ theo sau.
Nhưng tráng sĩ kia không nghe, cứ giằng lấy dây cương mà dẫn ngựa.
Một cành khô gãy rơi cạnh Hạo Nhiên. Tiếng động làm tráng sĩ đảo mắt
nhìn quanh, nhãn tuyến dừng ngay chỗ thằng bé đứng. Hạo Nhiên hết hồn
định vùng lên chạy nhưng chân cứng đơ như bị dính chặt xuống đất. Nó
chưa bao giờ khiếp hãi đến thế, tay run run tưởng chừng đánh rơi cây
kiếm ngắn.
May sao tráng sĩ kia không nói gì, nhìn một lúc rồi quay đi dường như
không quan tâm đến nó, theo sau là Oa Tử. Cả hai trò chuyện vui vẻ với
nhau những gì, trong cơn thảng thốt, Hạo Nhiên cũng không biết nữa.
Bầu trời tối dần. Vài đốm sao mọc sớm đã hiện lên lác đác.
Tại vùng Higakubo này, vào những thế kỷ trước, có dựng một đền thờ Thái
Dương thần nữ. Đền hướng ra biển, phía đông, rất được nhiều người sùng
mộ đến lễ bái. Nhưng trong cuộc tranh chấp giữa các sứ quân, không may
đền đã bị tàn phá, phần vì chiến tranh, phần vì cường đạo, cướp bóc. Di
tích không được trùng tu, dần dần theo thời gian mà đổ nát, nhưng địa
linh, nhân kiệt, khí thiêng vẫn còn phảng phất. Trúc Mộ Trung, người
được lãnh chúa đương thời vời vào giảng huấn cho trưởng nam vì ngưỡng mộ sở học và kiếm thuật nhà Trúc Mộ, đã xin được lập tư dinh tại đây. Cũng như cha là Trúc Mộ Chính, Trúc Mộ Trung tuy giữ địa vị cao và tư dinh
được tôn danh là tướng phủ, bản tính lại không thích khoa trương nên dân giã ít người biết đến nơi ẩn dật này.
Trúc Mộ Trung có người cháu gọi bằng bác, hơi có tật nơi chân, cũng là
tay anh hùng trẻ tuổi, tính tình hào phóng, đã giữ chức vụ cao cho một
lãnh chúa, nay được gọi về phụ tá ông quản trị gia nhân. Người đó là
Trúc Mộ Mẫn Đức, chính là tráng sĩ vừa đi đón Oa Tử.
Mẫn Đức gặp Oa Tử trong một trường hợp ngẫu nhiên lúc mới đến, giúp bá
phụ tại tướng phủ. Trước đó, trong ba năm, Oa Tử đã sống cuộc đời hết
sức bấp bênh dưới sự kềm toa? của Mãn Hà Chí. Đi đâu hắn cũng tìm cách
cho mọi người biết Oa Tử là vợ hắn.
Với sức khoẻ của Mãn Hà Chí, tìm việc làm như vác đá, thợ hồ, thợ mộc có lẽ cũng dễ, nhưng hắn không muốn. Hắn muốn một công việc nhàn nhã hơn.
Oa Tử xin vào làm nữ tỳ cho một gia đình kia, số tiền công dành dụm cũng cưu mang hắn được một thời gian, nhưng chứng nào tật nấy, Mãn Hà Chí
chẳng bỏ được rượu chè, có khi bạo hành nàng, khiến chủ nhà phải can
thiệp.
Bữa kia, trên đường phố Tân đô, cả hai đang đi bỗng gặp một đám rước với nghi trượng của lãnh chúa Tôn Điền. Theo mọi người quỳ rạp hai bên lề
đường, Oa Tử trông thấy, sau kiệu của Tôn lãnh chúa, cả nghi vệ và huy
hiệu nhà Trúc Mộ.
Kỷ niệm xưa dâng lên dào dạt trong lòng, nàng không cầm được nước mắt,
vừa thương thân tủi phận vừa nhớ tiếc những ngày đã qua, Oa Tử gục xuống lề đường, bên cạnh người chồng hờ Mãn Hà Chí.
Bỗng có tiếng gọi đích danh khiến nàng giật mình ngửng lên.
– Oa Tử ! Phải Oa Tử cô nương không ?
Người gọi chẳng ai xa lạ, chính là Mạnh Đạt, một trong ba hiệp sĩ của
Trúc Lâm cốc, nơi nàng tá túc khi xưa dưới sự yêu mến độ lượng của Trúc
Lâm cư sĩ. Chẳng biết bây giờ lão nhân gia ra sao ? Nghĩ đến đấy, nàng
lại hối hận trước khi ra đi, chẳng vào từ biệt cốc chủ.
– Oa Tử cô nương ! Cô nương còn nhớ tại hạ chăng ?
Nước mắt chan hoà, Oa Tử chỉ gật đầu không đáp. Mạnh Đạt giơ tay đỡ luôn nàng lên ngựa, trước sự ngạc nhiên sửng sốt của Mãn Hà Chí và những kẻ
xung quanh. Vừa mở miệng phản đối, hắn đã bị đoàn lính tùy tùng vây lại:
– Muốn khiếu nại gì thì làm đơn nộp lên tướng phủ.
Đám rước cứ đi. Kèn, trống, thanh la, não bạt vang vang, át cả tiếng kêu nghẹn ngào tức tối của Mãn Hà Chí.
oo Về trước đại sảnh, Mẫn Đức quỳ tại hiên ngoài, chưa dám lên tiếng, chờ lệnh bá phụ gọi.
Trúc Mộ nhìn ra, khẽ gọi:
– Đã về đấy ư ? Vào trong này !
Đại sảnh thật rộng và uy nghi. Hai hàng cột lớn, vân gỗ nổi như mây, ngả bóng dài trên sàn gỗ trắc đen bóng lộn. Nhưng chỗ Trúc Mộ Trung ngồi
làm việc, cách trần thiết lại đơn giản. Trên chiếc kỷ thấp, cây đèn lồng nhỏ hắt ánh sáng mờ dịu lên một tập sách để gần. Góc phòng, một lọ sứ
men rạn cắm ba bông cúc long trảo và trên tường treo một thanh trường
kiếm. Trần thiết chỉ có thế. Có lẽ vì sinh trưởng nơi dân giả và quen
nếp sống khắc khổ nên ông không thích sự rườm rà. Dinh thự này cũng do
chính ông họa kiểu và dùng ngay những vật liệu sẵn có tại địa phương để
xây cất. Dựa vào rặng đồi thoai thoải và lấy rừng cổ tùng gần đó làm bối cảnh, ông đã cho dựng sảnh đường và những phòng ốc phụ thuộc vào lối
kiến trúc hơi thô nhưng giản dị và vững chãi của Trúc Lâm cốc.
Mẫn Đức quỳ gối tiến vào. Đối với bá phụ, chàng luôn luôn có thái độ tôn kính vì biết ông rất câu nệ về nghi thức. Vừa là thuộc cấp lại vào hàng con cháu nên chàng không bao giờ dám suồng sã như một đôi khi đã tỏ ra
với tổ phụ là Trúc Mộ Chính.
Lúc Trúc Mộ Trung ở sảnh đường, ông luôn luôn ngồi nghiêm túc sau chiếc
bàn thấp, nếp áo ngay ngắn buông toa? xung quanh. Cần nói hay sai bảo
gia nhân điều gì, lời ông chỉ vừa đủ nghe, đĩnh đạt, trang nghiêm. Ở chỗ công chúng, chưa bao giờ Mẫn Đức thấy ông tỏ thái độ bối rối hay giận
dữ, một điều chàng cố noi theo mà không được.
– Oa Tử cô nương đã về chưa ?
– Thưa đã. Nàng lễ đền trên núi, lúc trở về để ngựa thong dong nên có hơi trễ.
– Ngươi đi đón nàng phải không ?
– Dạ phải.
Trúc Mộ tướng công im lặng. Khuôn mặt ông nhìn ngang dưới ánh đèn rắn đanh, suy tư và khắc khổ. Đột nhiên ông lên tiếng:
– Oa Tử ở đây lâu thật khó xử. Ta đã bảo Mạnh Đạt gặp dịp thuận tiện, lựa lời để nàng đi nơi khác.
Mẫn Đức ngạc nhiên. Ba tháng trước, khi Oa Tử đến đây, Mạnh Đạt giới
thiệu nàng là người thân tín hầu cận lão nhân gia ở Trúc Lâm cốc, Trúc
Mộ tướng công đã vồn vã tiếp đón, bảo nàng lưu lại trong dinh bao lâu
cũng được, nay không hiểu sao lại đổi ý.
Bèn rạp đầu xin hộ:
– Xin bá phụ rủ lòng thương xét lại. Oa Tử cô nương tứ cố vô thân, nếu bá phụ không cho tá túc thì nàng biết đi đâu.
– Không phải ta không rộng lượng, nhưng việc gì cũng phải có giới hạn.
– Con tưởng bá phụ đã có ý bao dung …
Trúc Mộ tướng công gật đầu:
– Oa Tử chưa làm điều gì khiến ta phiền lòng, nhưng chắc ngươi cũng rõ
một thiếu nữ nhan sắc như nàng ở phủ này làm sao tránh khỏi lời dị nghị. Trong số những kiếm sĩ hầu cận ta, sớm muộn gì rồi cũng có chuyện đáng
tiếc, bấy giờ thêm khó xử.
Mẫn Đức không đáp. Những lời của bá phụ chàng không có ý gián tiếp chỉ
trích ai và riêng đối với chàng lại càng không có ý ám chỉ. Mẫn Đức đã
ba mươi, tuy vẫn còn độc thân, nhưng chưa bao giờ để lộ cho ai biết cảm
tình đặc biệt của chàng đối với Oa Tử. Giữa Oa Tử và chàng, sự giao du
chưa bao giờ vượt quá mức của hai người bạn. Mẫn Đức phỏng đoán vấn đề
có lẽ liên quan đến chính bá phụ và bá mẫu chàng chứ không ai khác. Bá
mẫu chàng xuất thân từ giai cấp quý tộc, trong một gia đình thuộc loại
con gái xuất giá phải được rước bằng kiệu sơn son, phủ rèm gấm với đầy
đủ nghi thức và danh vọng trong ngày hôn lễ. Bá phụ, bá mẫu chàng ở một
khu riêng biệt, xa đại sảnh, hạnh phúc ra sao chẳng mấy ai biết, ngay
đến con cháu trong nhà cũng ít khi lai vãng.
Cho nên khi thấy một thiếu nữ lạ mặt có nhan sắc đến tá túc trong dinh,
qua những lời đồn đại thị phi, tránh sao bá mẫu chàng chẳng đem lòng
nghi kỵ. Bèn nói:
– Bá phụ nghĩ vậy rất phải. Xin để con và Mạnh Đạt lo chuyện này. Thế
nào cũng tìm được cách giải quyết ổn thỏa không để lụy đến Oa Tử cô
nương.
– Vậy hay lắm ! – Trúc Mộ gật đầu – Ngươi nên giải quyết càng sớm càng tốt.
Nghe xong, Mẫn Đức chưa kịp cáo từ, chợt gia nhân vào bẩm có thư ở Trúc Lâm cốc do khoái mã đưa đến. Trúc Mộ Trung hơi cau mày:
– Khoái mã ? Chắc có tin khẩn cấp. Bảo mang vào ngay ta coi:
Thì ra thư của Sử Đà:
“Lão nhân gia mới trở bệnh, lần này có phần nguy kịch hơn lần trước.
Người nói bệnh của người không phải lý do để tướng công phải rời nhiệm
sở, nhưng môn hạ ngại vì người tuổi cao, nếu có mệnh hệ nào, e không
kịp. Vậy khẩn có thư này, xin tướng công lưu ý”.
Trúc Mộ Trung không để lộ xúc động. Ông yên lặng một lúc, vẫy tay cho gia nhân lui rồi vắn tắt với Mẫn Đức:
– Lão nhân gia trong người không được khoẻ. – Đoạn tiếp với giọng điềm tĩnh cố hữu – Mẫn Đức, ngươi hãy thay ta về Trúc Lâm cốc.
– Dạ.
– Hãy lo phụng dưỡng lão nhân gia, đừng để người thiếu thốn gì. Phải
đích thân săn sóc tổ phụ, có tin gì báo cho ta biết ngay, chớ chậm trễ.
– Dạ.
– Tốt lắm ! Vậy về sửa soạn ngay đi, sáng mai lên đường sớm, miễn vào gặp ta nữa.
Mẫn Đức lui ra. Trúc Mộ tướng công mở thư đọc lại, nét mặt đăm chiêu:
“Bây giờ chỉ còn cầu Trời Phật cho lão nhân gia tai qua nạn khỏi mà thôi. Chắc chưa đến nỗi nào !”.
Tin dữ chẳng mấy chốc đã loan truyền khắp tướng phủ. Oa Tử, mắt đỏ hoe, vội vã đến gõ cửa phòng Mẫn Đức:
– Nghe tin thiếu gia sắc đi Trúc Lâm cốc, xin cho tiểu nữ đi theo. Đã
lâu lắm không được gặp lão cốc chủ, nay nhân cơ hội, tiểu nữ mong được
về vấn an và hầu hạ người để đền đáp phần nào ơn cứu trợ.
Thấy Oa Tử, Mẫn Đức chợt nhớ đến lời hứa với bá phụ khi nãy. Thật là dịp may hiếm có, không để cho nàng đi lần này thì còn dịp nào hơn nữa. Bèn
gật đầu ưng thuận ngay:
– Vậy cô nương chuẩn bị đi, tại hạ đến xin phép tướng công. Nếu được, sáng mai ta sẽ khởi hành sớm.
– Đa tạ thiếu gia.
Nói đoạn, Oa Tử lật đật ra về sửa soạn hành trang rồi lên đại sảnh cáo biệt Trúc Mộ tướng công.
– Cô nương cùng đi với Mẫn Đức, thế thì tốt lắm ! Hắn vừa ở đây ra cũng
đã trình ta về chuyện đó. Chắc phụ thân ta rất vui lòng được gặp lại cô
nương.
Ông gọi gia nhân mang tiền và một bộ áo vóc thêu hoa mẫu đơn đưa tặng Oa Tử.
Buổi chia ly diễn ra bịn rịn giữa kẻ ở người đi, lúc trời chưa hửng
sáng. Hai nữ tỳ mang đèn lồng cùng đoàn gia nhân tiễn Mẫn Đức và Oa Tử
ra đến tận cổng ngoài. Đốm sao mai lấp lánh qua cành thưa, lúc ẩn lúc
hiện, lòng Oa Tử vui buồn lẫn lộn cũng chẳng khác gì. Trong cuộc đời
trôi nổi của người thiếu nữ kém may mắn ấy, mỗi lần đi lại như mang đến
cho nàng một chút hy vọng nhưng kèm theo niềm bâng khuâng tiếc nhớ. Hy
vọng gặp được người tình. Tiếc nhớ niềm an vui vuột mất.
oo Tiếng gà rừng gáy xa xa. Trời sắp sáng. Chiếc nón nang rộng vành
sương xuống ướt đẫm. Oa Tử xốc lại túi hành trang trên vai, kéo vạt áo
sát vào người cho đỡ lạnh, chống gậy dò từng bước theo sau Mẫn Đức. Băng qua bãi cát ướt ven sông và cây cầu gỗ, cả hai tới một con đường lớn
được đắp từ thời Kamakura nhưng bây giờ không còn mấy người qua lại. Hai bên đường, cây cao bóng ngả tối đen, yên lặng và sâu hun hút. Mẫn Đức
dừng chân chờ Oa Tử:
– Vắng quá phải không cô nương ? Xưa kia chỗ này nhiều đạo tặc lắm !
– Vậy ư ? Thảo nào nghe rờn rợn. Chỗ này địa danh là gì vậy, thiếu gia ?
– Ngã ba Dogen. Những tên cường đạo cùng bọn đàn em ẩn nấp trong các
hang động gần đây hay ra quấy nhiễu, cướp của giết người. Gặp đàn bà con gái chúng bắt cóc mang đi …
– Ghê quá ! Thôi, thiếu gia đừng nói nữa.
Mẫn Đức cười thầm. Biết làm cho nàng sợ hãi là không nên nhưng chàng vẫn thấy hơi thích thú khi cảm thấy mình mạnh để có thể bảo vệ người khác.
Không biết đó có phải là một hiện tượng tâm lý để tự vệ, gây cho ta lòng tự tin hơn trước khi áp đảo kẻ thù hay không, dù sao chàng cũng cần
trấn an người bạn đồng hành:
– Nhưng đấy là chuyện xưa kia. Từ khi bá phụ tại hạ lập tư dinh ở
Higakubo, bọn chúng đâu còn dám lai vãng nữa. Vả lại, ngày nào chả có
lính tuần tiễu.
Oa Tử gật đầu, yên tâm đôi chút. Tuy nhiên vẫn ráng bước dài hơn để theo kịp Mẫn Đức.
Chợt tiếng lá xao động. Oa Tử nắm chặt cánh tay chàng kiếm sĩ đồng hành.
– Cái gì thế cô nương ?
– Có người !
– Đâu ?
Oa Tử trỏ một bóng đen đang lẩn vào bụi rậm. Nhanh như cắt, Mẫn Đức nhảy tới.
Bóng đen vung tay. Ánh sáng của một lưỡi dao ngắn lóe lên.
– Này ! Con cáo !
Mẫn Đức bắt ngay cánh tay cầm dao. Bóng đen vùng vẫy, tay đấm chân đạp.
Nhưng sức yếu, chỉ một loáng đã bị Mẫn Đức đè sấp xuống đất. Thì ra là
thằng bé gặp chiều qua trên sườn đồi. Nó vẫn tưởng chàng là con cáo
thật.
Nằm trên cỏ, hai cổ tay bị khóa chặt trong lòng bàn tay cứng như sắt của hiệp sĩ trẻ tuổi, Hạo Nhiên thở phì phì, đạp tứ tung. Nhưng nó nhất
định không van xin con cáo. Oa Tử vừa đến. Động lòng trắc ẩn, nàng bảo
Mẫn Đức:
– Thiếu gia tha cho nó, tội nghiệp ! Nó còn nhỏ.
Mẫn Đức nới tay:
– Ngươi là ai ? Rình mò chuyện gì ?
Hạo Nhiên không đáp. Oa Tử gỡ tay Mẫn Đức ra, đỡ thằng bé ngồi dậy.
– Tên em là gì ? Sao mới tinh sương mà đã đến đây được ? Nhà em ở đâu ?
– Thế các ngươi không phải là cáo à ?
Oa Tử mỉm cười:
– Không, chúng ta không phải là cáo.
– Láo ! Con cáo bị thương ở chân hôm qua đây mà !
Dứt lời đạp mạnh một cái, lấy đà đứng lên, định xông vào đánh nữa. Oa Tử tránh sau gốc cây kêu lớn:
– Chà ! Thằng bé này dữ quá !
Mẫn Đức hét một tiếng, tay trái giữ hai khuỷu tay Hạo Nhiên, tay phải
nắm cổ áo nó nhấc bổng lên, xăm xăm trở lại cây cầu gỗ, dốc ngược đầu nó xuống rồi bảo:
– Thằng này điên. Hay mày bị cáo nó bắt hồn thật chăng ?
Dưới chân cầu, nước chảy ào ào tung bọt trắng. Trong ánh bình mình vừa
rạng, Hạo Nhiên trông những hòn đá tròn rêu phủ đen, ngổn ngang như đầu
bầy quỷ vẽ trong tranh trên chùa.
– Ta vất mày xuống đây, sợ không ?
Dĩ nhiên thằng bé sợ. Sợ lắm ! Nhưng nó cắn răng không kêu khóc, chân đạp vào thành gỗ thình thình.
– Thiếu gia, thiếu gia làm gì thế ?
Oa Tử chạy đến, hốt hoảng hỏi Mẫn Đức.
– Thằng bé này dường như bị quỷ ám hay bị Oan hồn nào nhập vào rồi. Mắt nó trừng trừng như mắt người điên vậy.
– Ta không điên ! Ta không bị quỷ ám ! Chính các người là hồ ly hiện hình định bắt hồn ta, còn nói gì ?
– Khoan, đừng nói bậy ! Thiếu gia bỏ nó xuống đi để tiểu nữ hỏi cho rõ. Chắc có uẩn khúc gì đây.
Mẫn Đức đặt thằng bé xuống. Ngồi bệt trên sàn cầu, khiếp sợ, đói khát và bị sỉ nhục, không tự kềm chế được nữa, Hạo Nhiên òa lên khóc. Đáng
thương cho nó, bao nhiêu nhuệ khí, khôn ngoan bỗng tiêu tán đâu mất cả
Oa Tử đến ngồi bên, quàng tay lên vai nó, ôn tồn an ủi:
– Tội nghiệp em ! Em ở đâu ? Đến đây có việc gì ? Cứ nói cho ta biết, ta sẽ giúp em. Ta chẳng phải là hồ ly đâu.
Giọng nói và dáng điệu thiếu nữ khiến thằng bé yên lòng. Nhưng nó vẫn
phân vân không tin hẳn, hỏi lại, giọng vẫn còn nghẹn nước mắt.
– Thật không ? Thật không phải cáo không ?
Oa Tử cười, nắm tay nó. Tay nó ẩm và lạnh. Sờ trán. Trán nó hâm hấp nóng.
– Trời ơi, bị cảm lạnh rồi. Tối qua em ngủ ở đâu ?
Hạo Nhiên hất hàm về phía bụi cây:
– Chỗ đó !
– Em từ đâu đến ?
– Kobikicho !
– Mô Phật ! Kobikicho cách xa đây hàng chục dặm đường ! Mà em đến đây làm gì?
– Em phải đưa một cuốn thư vào phủ Trúc Mộ. Người ta bảo phủ Trúc Mộ Ở khu này. Phải khu này tên gọi Higakubo không ?
– Phải.
Hạo Nhiên mở bọc rút một cuốn thư ra đưa Oa Tử coi. Thấy lạ, Mẫn Đức cũng tò mò ghé mắt nhìn.
– Thư này gửi cho hiệp sĩ Mạnh Đạt trong phủ.
– Đúng rồi. Vậy ông không phải là cáo. Cáo không biết đọc.
Mẫn Đức cả cười, khiến Oa Tử và Hạo Nhiên cũng cười theo. Không khí hết căng thẳng trở nên hòa dịu hẳn. Hạo Nhiên tiếp:
– Em phải đưa thư đến tận tay hiệp sĩ Mạnh Đạt và đợi thư phúc đáp mang về.
Oa Tử gật đầu, cảm thấy việc này đối với thằng bé quan trọng lắm, như
một sứ mệnh nó phải làm và chắc không bao giở để cho ai khác Mạnh Đạt
xem thư ấy. Bèn bảo nó:
– Tướng phủ ở cách đây chừng non một dặm về phía tây. Hiệp sĩ Mạnh Đạt
có ở đó, nhưng em đi sai đường rồi. Phải trở lại đường này mới đúng.
Định mệnh trớ trêu thật. Cơ hội đoàn tụ chờ đợi đã hơn ba năm giữa Oa Tử và Thạch Đạt Lang, một cơ hội hãn hữu còn hơn cả cuộc gặp gỡ giữa ả
Chức và chàng Ngâu qua giải ngân hà, lại một lần nữa bị lỡ.
Mẫn Đức chỉ đường thêm cho thằng bé:
– Qua cầu, đến ngã tư thì nhớ rẽ trái. Khi nào nhìn thấy cổng đá cao trên có chòi canh thì hỏi người lính tuần, họ chỉ cho.
Hạo Nhiên cảm ơn định bước đi. Chợt Oa Tử gọi:
– Khoan đã.
Nàng mở bọc, lấy bốn chiếc bánh nếp gói lá tre mang theo dự bị để ăn đường, đưa cho nó và bảo:
– Ăn đi em !
Hạo Nhiên đứng sững nhìn khuôn mặt người thiếu nữ trước đây nó tưởng là
con cáo, lờ mờ dưới bóng chiếc nón nan rộng vành, như cố ghi lấy những
nét đặc biệt của ân nhân. Đoạn gỡ lấy bánh giơ ngang mày, nó lí nhí một
câu cám ơn rồi cúi đầu chào, quay gót.
Sau nó, tiếng Mẫn Đức dặn với, nửa đùa nửa thật:
– Cứ thong thả mà đi, không xa lắm đâu, đừng để cáo nó bắt hồn mà lạc.
Oa Tử khẽ thở dài.
– Thằng bé thật lạ !
Bất giác liên tưởng đến Giang. Nỗi băn khoăn tràn ngập tâm hồn khiến
nàng đứng sững cho đến khi nghe tiếng Mẫn Đức gọi mới sực tỉnh.