Thạch Kiếm

Chương 56: Cuộc gặp gỡ tình cờ


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 56: Cuộc gặp gỡ tình cờ

Vết thương ở ngực Thạch Đạt Lang bây giờ tím bầm, tay hắn cử động hơi khó.

Vận khí thấy huyết mạch vẫn điều hoà, hắn không quan tâm lắm, nhưng
không muốn la cà ở dọc đường hỏi tin tức về Giang và Oa Tử nữa mà đổi ý
theo hướng đông rẽ sang quan lộ đi Shimosawa. Ở đấy, nếu vết thương có
biến chứng gì cũng dễ trị.

Shimosawa là một trấn lớn bên bờ hồ Suwa, dân cư khá đông, nổi tiếng về
suối nước nóng và những nhà tắm hơi công cộng. Các gia đình quyền quý và thương gia giàu có dựng nhà nghỉ mát kể có hàng ngàn. Tại các lữ điếm
dành cho phái quý tộc, phòng tắm hơi đều có mái che, còn ở những nhà tắm công cộng để giới bình dân dùng thì chỉ là vài cái bồn gỗ quây sơ sài
trong một khu lộ thiên gần suối.

Thạch Đạt Lang dừng chân trước một trong những nhà tắm công cộng ấy, cởi trang phục máng lên cành cây rồi bước vào bồn nước. Gối đầu lên phiến
đá, ngâm mình trong bồn nước ấm hơi nóng bốc mù mịt, hắn thấy sảng khoái vô cùng. Bao nhiêu mệt mỏi dường như theo hơi nước tiêu tan đi mất cả.
Hắn đưa tay xoa nhẹ vết thương, cảm thấy dễ chịu, lim dim mắt nhìn ra
bên ngoài rào gỗ.

Trời đã xế chiều. Mặt hồ Suwa phẳng lặng phản chiếu ánh hoàng hôn hồng
nhạt qua những căn lều thưa thớt của xóm dân chài. Trong thửa vườn nhỏ,
rộng mỗi bề chừng chục thước, một người đàn bà lúi húi tưới rau. Gần đấy là ngôi hàng xén bán dầu đèn cùng vài thứ cần dùng khác cho khách.
Trước hiên, một người đàn ông trung niên vận trang phục lữ hành ngồi
trên ghế đẩu đang thử đôi dép cỏ. Khách vừa thử vừa hỏi chủ quán:

– Ông chủ thấy có ai tên Thạch Đạt Lang đi qua đây không ?

Chủ quán lắc đầu. Khách lại tiếp:

– Hắn có bản lĩnh ghê hồn, dám một mình một kiếm giao chiến với cả trăm
người phái Hoa Sơn mà không ai làm gì được. Đảm lược ấy ngày nay không
mấy ai có.

– Lão không nghe nói. Thế hắn chừng bao nhiêu tuổi, ăn mặc ra sao ?

Khách không đáp, xem ra cũng chẳng rõ gì hơn ngoài cái tên Thạch Đạt
Lang vừa thốt, chỉ yên lặng lúi húi buộc quai dép, trả tiền rồi đứng dậy lẩm bẩm:

– Thế nào cũng phải tìm hắn cho bằng được.

Thạch Đạt Lang nheo mắt nhìn. Khách lạ vào trạc tứ tuần, da nâu vì sương nắng, tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc, nét mặt phong sương và cương
nghị. Y phục bằng vải tốt và thanh kiếm đeo bên hông chuôi nhẵn bóng.
Hắn đoán người đó phải là một kiếm sĩ có địa vị và từng trải, đã xông
pha nhiều trận.

“Không lẽ lại là đệ tử Hoa Sơn ?”. Thạch Đạt Lang nghĩ thầm nhưng vội
gạt ngay ý nghĩ ấy, vì nếu là đệ tử Hoa Sơn thì tất biết rõ tầm vóc,
tuổi tác hắn. Vả nghe giọng nói, không thấy vó vẻ gì hằn học hay thù
hận. “Nhưng là ai, không hiểu tại sao lại tìm mình ?

Lạ quá !”.

Chờ cho khách đi khỏi, Thạch Đạt Lang mới bước ra ngoài bồn tắm. Với

quần áo mặc vào, trả tiền xong, hắn ung dung đi ra đường lớn, trong lòng vẫn không khỏi thắc mắc về danh tính và mục đích của kẻ đó. Như một
khách thừa lương, hắn bước thong thả, cẩn trọng trông chừng từng bụi cây và các chỗ khuất.

Được quãng xa, đến một khúc quanh, bất ngờ lại gặp chính ngay người
khách lạ mặt ấy. Dưới chiếc nón nan, đôi mắt khách sắc như dao liếc
nhanh về phía hắn.

Thạch Đạt Lang tảng lờ như không biết, cứ tiếp tục đi. Người kia đến gần, hỏi:

– Tráng sĩ phải chăng là Thạch Điền Đạt Lang ?

Thạch Đạt Lang khẽ gật và kín đáo đề phòng.

Người kia tỏ vẻ mừng rỡ:

– Quả không lầm ! Thật là hạnh ngộ !

– Tôn ông là ai ? Theo tại hạ có việc gì ?

Thạch Đạt Lang hỏi.

– Xin tráng sĩ tha lỗi đường đột. Tiện danh là Mạc Khải Kỳ, thủ túc thân tín của tướng công Liêu Chính Mộ Đức đất Mitsu. Tại hạ có ý tìm tráng
sĩ từ lâu …

– Rất hân hạnh. Nhưng tìm tiểu nhân có việc gì ?

– Đứng đây nói chuyện không tiện, xin mời tráng sĩ tới lữ quán dùng cơm chiều, tại hạ sẽ trình rõ.

Thạch Đạt Lang do dự, ý muốn từ chối. Mạc Khải Kỳ lại tiếp:

– Buổi sơ kiến mà xử sự như thế này thật vô phép, xin tráng sĩ đừng nghi kỵ. Tại hạ chính là người có vị thế lớn dưới trướng Liêu tướng công,
bổng lộc trên vạn gia. lúa, giannhân hàng chục người, ngựa tốt trăm con. Vì ngưỡng mộ tài năng của tráng sĩ mà đi tìm chứ không có ý gì khác.
Xin chớ phụ lòng.

Trước thái độ vồn vã ân cần của khách lại, Thạch Đạt Lang không tiện thoái thác, Khải Kỳ bèn níu áo lôi đi.

Đến chỗ trọ, không ngờ là một lữ điếm sang trọng vào bậc nhất trấn
Shimosawa, tì nữ ra đón vào, cầm đèn lồng hướng dẫn qua một lối đi riêng giữa hai hàng tùng xanh trúc biếc. Thạch Đạt Lang lại càng không đoán
được lý do nào mà một kiếm sĩ có địa vị như thế lại cất công đặc biệt
tìm mình.

Thị tỳ mang áo mới đến, thứ áo mềm lót bông để khách dùng trong nhà, đặt trên hai cái khay sơn then khảm xà cừ và nạm bạc. Mạc Khải Kỳ cầm áo
nói:

– Đường xa bụi bặm, tại hạ mạn phép vào phòng tắm một lát. Mời tráng sĩ cùng vào một thể.

– Xin cứ tự nhiên, tiểu nhân vừa tắm rồi.

Khải Kỳ không ép, đi vào nhà trong, đồng thời sai nữ tỳ mang rượu tới.
Thạch Đạt Lang bước ra hiên. Thị trấn đã lên đèn, tiếng ồn ào cũng giảm
bớt. Xa xa, nước hồ đổi từ màu chàm sang màu đen sẫm khiến hắn liên

tưởng tới màu mắt đen của Oa Tử lo lắng nhìn hắn đêm nào dưới ánh trăng
trên triền núi. Áy náy và hối hận tràn ngập trong lòng, Thạch Đạt Lang
tự hỏi không biết giờ này Oa Tử ở đâu, an nguy ra sao và tự trách mình
đã bỏ phí thì giờ đến một chỗ không cần thiết. “Kẻ nào bắt cóc Oa Tử tất không đời nào dẫn qua một nơi đông đúc như thế này !”. Tưởng tượng nghe tiếng Oa Tử kêu cầu cứu đâu đây, lòng hắn bồn chồn như lửa đốt.

Khải Kỳ tắm xong đã trở lại phòng khách. Thấy bộ áo của lữ quán vẫn còn nguyên để trên khay, Khải Kỳ ngạc nhiên hỏi:

– Tráng sĩ không thay áo ?

– Tiểu nhân mặc thế này cũng đủ. Trong nhà, ngoài đường hay bất kỳ lúc
nào, tiểu nhân cũng mặc thế này. Âu là thói quen, vả mặt thế này thoải
mái hơn, xin miễn thứ.

Đoạn mỉm cười ra chiều xin lỗi. Mạc Khải Kỳ gật gù:

– Chắc tráng sĩ muốn luôn luôn sẵn sàng. Liêu tướng công thấy thế hẳn phải vừa lòng lắm !

Thạch Đạt Lang nhướng mày ra ý hỏi, nhưng Khải Kỳ chỉ cười, cầm chén tráng vào bát nước nóng để bên rồi thân hành rót rượu mời.

Thạch Đạt Lang từ tạ mà nói:

– Buổi đầu gặp gỡ, tiểu nhân được tôn ông quá biệt đãi, dành cho nhiều
cảm tình như thế này, không hiểu vì lý do gì, nên thắc mắc mà không dám
nhận.

Khải Kỳ cười ha hả, cầm chén rượu uống cạn:

– Tráng sĩ ngạc nhiên là phải. Nhưng có gì đâu ! Lý do cũng dễ hiểu. Tại hạ bị ma lực của tráng sĩ quyến rũ đấy !

Nói xong lại cười khiến Thạch Đạt Lang cũng cười theo, nhưng sau những tiếng cười ấy, mỗi người có một ý tưởng khác.

Khải Kỳ chưa biết rõ Thạch Đạt Lang, chưa dám bộc lộ tâm tình nên nghĩ
rằng giải thích như vậy cũng đủ. Trái lại, lời giải thích của Khải Kỳ
càng làm Thạch Đạt Lang hoang mang hơn. Hắn còn trẻ, bản tính chân thật, chưa từng trải bao nhiêu trong sự giao tiếp với xã hội, nên không bao
giờ tưởng rằng một người đàn ông lại có thể bị quyến rũ bởi một người
đàn ông khác. Riêng hắn, không bao giờ hắn cảm thấy như thế cả. Đại Quán nhiều lúc đùa cợt nhưng những lời ông nói hàm ý tứ sâu xa, hắn coi như
bậc thày.

Cổ Huy Đạo sống ở một thế giới khác. Trúc Mộ lão nhân thì đã rút khỏi
vòng hệ lụy của nhân sinh, ngưỡng mộ hay không ngưỡng mộ Ông nào có khác gì ? Có lẽ Khải Kỳ nói như thế chỉ có mục đích tâng bốc. Nhưng Thạch
Đạt Lang nhìn mắt người đối thoại, thấy không phải là một kẻ xiểm nịnh
tầm thường, bèn hỏi thẳng:

– Tôn ông nói bị ma lực của tiểu nhân quyến rũ là thế nào ?

Khải Kỳ thôi không cười nữa, nghiêm trang đáp:

– Có lẽ vì diễn không hết ý hoặc dùng chữ sai nên tráng sĩ không hiểu
rõ. Tại hạ chỉ muốn nói từ khi được nghe đại danh sau trận hỗn đấu trên

đồi Sinh Minh, và được diện kiến, tại hạ hết sức cảm phục và đem lòng
yêu mến chẳng khác nào bị mê hoặc.

Thạch Đạt Lang đỏ mặt gạt đi:

– Tôn ông quá khen, tiểu nhân quả không xứng đáng. Nhưng sao tôn ông biết tiểu nhân đi đường này ?

– Tại hạ có xem mảnh vải yết thị treo trên cây của tráng sĩ.

– À ra thế !

Thật trớ trêu ! Mảnh vải viết để tìm một người thì một người khác lại tìm đến.

Chẳng hiểu rồi ra có liên quan gì đến những việc sau này không. Con tạo có những xếp đặt bất ngờ thật !

Khải Kỳ lại tự tay rót rượu mời Thạch Đạt Lang.

– Anh em bốn bể một nhà, huống chi chúng ta đều trong võ lâm cả. Xin
tráng sĩ chớ làm khách, hãy nhận chén rượu này, tại hạ thành thật mong
được tráng sĩ coi là bạn.

Thạch Đạt Lang cầm chén rượu nâng ngang mày rồi vui vẻ uống cạn.

– Lúc nãy tại hạ đã tự giới thiệu là thủ túc của Liêu Chính Mộ Đức tướng quân, chắc tráng sĩ chỉ mới nghe danh chứ chưa rõ nhiều về ngài, vậy
xin nói rõ.

Liêu tướng công là vị sứ quân đứng đầu một lãnh địa đang hồi phong thịnh lại rất hào phóng. Vùng đất Mitsu phương bắc rộng tới vạn mẫu, bổng lộc hàng năm kể mấy triệu gia. lúa, dưới trướng không biết bao nhiêu là
kiếm sĩ nhưng xét cho kỹ, chẳng mấy ai được như tráng sĩ. Tráng sĩ còn
trẻ, nếu nghĩ đến tương lai, xin đừng bỏ qua cơ hội.

Thạch Đạt Lang đăm đăm nhìn khay rượu, không đáp. Tiếng đàn từ phòng bên vọng tới cùng với bóng tỳ nữ qua lại ngoài hiên in lên nền giấy dán
trên song cửa. Bỗng nhiên, Khải Kỳ đột ngột hỏi:

– Thạch tráng sĩ ! Tráng sĩ luyện kiếm cho ai ?

Bị hỏi bất ngờ, Thạch Đạt Lang không biết trả lời sao, vì hắn chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Hắn ngay thật đáp:

– Thì cho tiểu nhân !

Khải Kỳ mỉm cười:

– Tráng sĩ nói đùa rồi ! Mưu cầu danh lợi cá nhân chẳng phải là mục đích tối hậu của người cầm kiếm, nhất là người cầm kiếm ấy là tráng sĩ. Xin
đừng giấu nhau nữa !

Vô tình hay hữu ý, Khải Kỳ đã đưa dần Thạch Đạt Lang đến mục đích chính của cuộc gặp gỡ. Lặng yên một lúc, Khải Kỳ tiếp:

– Toàn thể nước Nhật ngày nay đều đặt dưới quyền thống trị của Tôn Điền
Tùng Cương. Hòa bình và thịnh vượng này, như tráng sĩ biết, chỉ là giả
tạo. Dân chúng có được gì không ? Qua bao nhiêu thế kỷ nối tiếp nhau,
phái quân phiệt luôn luôn nắm chính quyền, áp bức không những dân chúng
àm còn cả hoàng gia nữa. Lợi lộc đều về tay đảng tộc của họ, còn dân
chúng vẫn chịu cảnh cơ cực. Dưới thời Tôn Điền Tùng Cương xem ra dân còn lầm than hơn nữa, và thời đại này chẳng qua cũng chỉ là kéo dài sự
chuyên chế tàn bạo của những thời đại trước mà thôi.

Liêu tướng công và một số bạn hữu ngài ý thức điều đó rõ hơn ai hết nên có ý định hành động …

Mạc Khải Kỳ nói một hơi dài rồi dừng lại, liếc nhìn Thạch Đạt Lang, thấy hắn vẫn im lặng lễ phép ngồi nghe và không phản ứng gì thì chẳng biết ý tứ hắn ra sao.

Nhìn xuống khay rượu, Khải Kỳ mượn cớ:


– Rượu nguội cả rồi ! Nào xin cạn chén đi chứ ! Tử lượng tráng sĩ chắc phải hơn tại hạ.

– Không, tiểu nhân uống ít lắm.

– Người phương bắc vùng tại hạ uống rượu không biết say, một phần vì
thói quen, một phần để chống lại hàn khí. Liêu tướng công là một trong
những người uống rượu rất hào, uống cả đêm được mà sắc mặt vẫn không
đổi.

Chén thù chén tạc, câu chuyện đổi sang nếp sống thường nhật của dân
chúng phương bắc và lòng trung thành của Liêu tướng công đối với hoàng
gia.

Trong khi Khải Kỳ thao thao bất tuyệt ca tụng chủ soái với hậu ý kết nạp Thạch Đạt Lang thì hắn chỉ tỏ thái độ dè dặt. Tuy nhiên, nghe lời nói
và xét ý tứ của Khải Kỳ, hắn cũng rõ khá nhiều về đường hướng và lý
tưởng chính trị của Liêu Chính Mộ Đức, coi kiếm đạo như con đường độc
nhất để khắc kỷ và giải quyết mọi vấn đề xã hội.

Kiếm đạo có từ thời cổ, từ lúc có giai cấp võ sĩ, nhưng ngày nay nghĩa
vụ và giá trị tinh thần của nó không còn nữa. Thảng hoặc có người nhớ
đến thì chỉ là những khái niệm mơ hồ. Trong cuộc nội chiến giữa các sứ
quân vào thế kỷ mười lăm và mười sáu, tinh thần võ sĩ đạo đã bị bóp méo
và phần lớn bị thu hẹp trong nghĩa vụ của người võ sĩ đối với chủ soái
mà thôi. Bây giờ thì bất cứ người cầm kiếm nào cũng có thể tự phong cho
mình là kiếm sĩ, không quan tâm gì đến ý nghĩa của con đường họ theo
đuổi nữa.

Những kẻ đó đa số tâm địa còn thấp kém hơn cả tâm địa những người dân quê ngu dốt.

Hồi tưởng lại những năm trong thạch thất ở lâu đài Himeiji, Thạch Đạt
Lang nhớ đã xem qua một cuốn sách viết về cốt tủy của kiếm đạo, mục tiêu và kỹ thuật của nó do Phú Sĩ Khang viết. Phý Sĩ Khang chính là bút hiệu của viên võ tướng nổi danh Quang Nguyên Phổ. Lý tưởng cùng phép ứng
dụng kiếm đạo vào xã hội của ông đã khiến lãnh địa do ông cai quản trở
thành một trong những lãnh địa giàu mạnh nhất thời ấy. Những lời Mạc
Khải Kỳ vừa nói xem ra phản ánh phần nào quan niệm cai trị của Quang
Nguyên Phổ.

– Tráng sĩ tha lỗi cho tại hạ đã dài dòng. Tai nghe không bằng mắt thấy. Nếu tráng sĩ không nề, ngay ngày mai, tại hạ xin dẫn đường đến Mitsu để tráng sĩ đích thân mục kích sự sinh hoạt trong lãnh địa. Chắc chắn Liêu tướng công sẽ rất hân hạnh được đón tiếp tráng sĩ.

Đêm đã khuya. Khay rượu được dọn đi và thay vào bằng những món ăn nóng.

Thạch Đạt Lang rất lưu ý đến những lời mời mọc của Mạc Khải Kỳ nhưng vẫn chưa tỏ thái độ rõ rệt.

– Đa tạ tôn ông đã có hảo ý, nhưng tiểu nhân cần suy nghĩ trước khi trả lời dứt khoát …

Bữa cơm tiếp diễn trong bầu không khí tương đắc giữa hai người bạn mới gặp cho đến cuối canh hai mới dứt.

Về phòng riêng, Thạch Đạt Lang không thể không nghĩ đến những lời chí
tình của Mạc Khải Kỳ. Hắn cũng đồng ý mục đích tối hậu của người cầm
kiếm không phải chỉ là trau dồi kỹ thuật cho cao để trấn áp kẻ khác mà
kiếm đạo phải là con đường giải thoát; giải thoát con người khỏi những
ẩn ức; giải thoát xã hội khỏi sự đè nén. Mục tiêu tối hậu của người cầm
kiếm là không dùng kiếm. Ý tưởng ấy hắn học được ở đâu, bây giờ hiện ra
sáng chói. Để có dịp, Thạch Đạt Lang sẽ đến thăm Liêu tướng công và nếu
con đường ông theo quả có mục đích ấy thì hắn sẽ hợp tác. Lần đầu tiên
Thạch Đạt Lang nhận thấy có cơ hội mang đến cho kiếm đạo một tinh thần
nhân bản, dọn đường cho con người hợp nhất với thiên nhiên như lòng hắn
mong ước.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.