Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 35: Hương trà
Thạch Đạt Lang men theo bờ suối tìm đường ra khỏi đồng Đại Tỉnh. Lau sậy cao quá đầu người, dầy chi chít,
hắn phải vạch lối mà đi, chân đạp lên những lớp lá khô nghe rào rạo.
Một con chim nhỏ trong bụi bay vụt lên, bụng trắng phau như bụng cá thoáng quẫy trong đám rong trước khi lẩn đi biệt tích.
Đạt Lang không ngờ cuộc tỷ đấu dễ dàng và kết thúc nhanh như vậy. Quay nhìn gò đất cao gần đám loạn thạch, hắn lẩm bẩm:
“Mình mới phóng một chiêu, sao y không đỡ. Lẽ nào chưởng môn một danh
phái mà tồi tàn đến thế !”. Nhưng nghĩ cho cùng, hắn chẳng lấy làm lạ. Ở đời kẻ bất tài thường hay huênh hoang. Khi may mắn được thừa hưởng cái
hào quang của đảng tộc để lại, họ được đàn em đua nhau xu nịnh, lâu ngày lộng giả thành chân, họ tưởng mình có tài cán thật. Sống trong ảo tưởng như thế, đến khi hữu sự, họ không ngờ mình quá kém và đã phải trả giá
đắt sự ngu dại của mình. Trường hợp Hoa Sơn Sĩ Khánh này là một. Y không huênh hoang nhưng nhu nhược. Vì không có một khả năng gì đáng kể, y đã
làm cho chính bản thân và cả môn phái y thân bại danh liệt.
Rút mộc kiếm ra xem kỹ, Thạch Đạt Lang không thấy một vết máu, một chỗ
trầy nào. Lưỡi kiếm đạo đen như mun vẫn bóng mịn, chuôi kiếm nằm trong
tay hắn chắc, gọn. Hắn có cảm tưởng lưỡi kiếm với thân thể hắn là một,
sinh động, vững vàng, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Nhớ lại lúc mới gặp nhau, Sĩ Khánh hơi giật mình. Phản ứng đó tuy rất
nhẹ nhưng không qua được tia mắt sắc bén của Thạch Đạt Lang. Hai bên cúi chào. Dáng điệu Sĩ Khánh rụt rè, có đôi chút hoa mỹ, rõ ràng là phong
thái của người chỉ tập luyện trong võ sảnh, ít bôn tẩu giang hồ. Dưới
mắt Thạch Đạt Lang, những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã tố giác võ công và ý
chí của Sĩ Khánh.
Sau đường kiếm độc nhất làm Sĩ Khánh quỵ ngay tại chỗ, Thạch Đạt Lang
thất vọng vô cùng. Hắn mong đợi một đối thủ khá hơn, ít nhất cũng thi
triển được vài cao chiêu để hắn mở rộng kiến thức và không uổng công
chuẩn bị. Nhưng đối thủ ấy đã không nhiệt thành, mà ngay đến lòng tự tin cũng không có. Nếu biết trước, có lẽ hắn đã tìm cách hủy bỏ cuộc gặp
gỡ. Hắn chỉ muốn có cơ hội thử nghiệm tài năng chứ đâu phải muốn tìm hư
danh trong cuộc tranh chấp.
Thạch Đạt Lang bất giác sinh lòng lân mẫn:
“Thật đáng tiếc !”. Nhưng đã muộn.
Mũi tên bắn đi không thu về được nữa. Hắn thở dài, ngồi xuống tảng đá
bên bờ suối, cúi đầu thành tâm cầu cho Sĩ Khánh không đến nỗi tử thương. Và rút quyển sổ nhỏ, lẳng lặng ghi niềm hối tiếc đầu tiên trong năm về
một hành động hắn cho là vô ích.
Trời gần trưa, Thạch Đạt Lang lầm lũi đi. Con suối cạn về mùa đông, giờ
đây tuyết tan, đã có nước chảy róc rách. Gặp phiến đá chắn ngang, nước
phân ra hai dòng, đổ bọt trắng phau, kéo theo cành gãy lá khô bít cả một quãng lòng suối.
Tần ngần nhìn nước chảy miên miên, Thạch Đạt Lang liên tưởng đến cuộc
đời hắn, những trở ngại hắn đã vượt qua như phiến đá kia ngăn chặn dòng
nước và rồi còn bao nhiêu trở ngại trong tương lai nữa.
Dòng nước chảy đi đâu ? Có lợi ích gì cho ai không ? Nhìn dòng nước, hắn nhớ đến lời Lão Tử trong Đạo Đức Kinh đọc được khi còn ở thạch thất:
“Bậc thượng thiện giống như nước, làm lợi cho vạn vật mà không tranh.
Bản thể của Đạo cũng như nước, không làm gì cả mà kỳ thực không có gì là không do cái làm của nó mà ra”. Trước đây, hắn không hiểu ý ấy, bây giờ có lẽ đã lý hội được phần nào.
Bước chân Thạch Đạt Lang rào rạo trên đường sỏi làm một bà lão đang lúi
húi hái rau giật mình ngửng đầu lên. Bà lão người bé nhỏ, tay xách giỏ
tre đan, mặc một bộ kimono đơn giản, bên ngoài khoác chiếc áo ngắn màu
nâu sẫm. Y phục bà là y phục của người thế tục, nhưng bà lại trùm trên
đầu một vuông khăn xám như các ni sư. Bà già có dáng thanh tú của những
người sống ở thị thành, quen nhàn nhã từ tấm bé.
Thạch Đạt Lang xuất hiện thình lình khiến bà mở to mắt kinh hãi. Một tay để lên ngực, những ngón tay nhỏ, trắng xanh run run, mặt bà tái đi.
Chuỗi tràng hạt đeo bên mình theo nếp áo rung động.
Thạch Đạt Lang cũng không ngờ chỗ này có người, nhưng trấn tĩnh được ngay.
Hắn tươi cười hỏi:
– Lão bá làm gì thế ?
Bà già không trả lời, ngó trước ngó sau, quay đầu chạy, chiếc giỏ tre rớt xuống cỏ bà cũng không biết. Bà vừa chạy vừa kêu:
– Cổ Huy Đạo ! Cổ Huy Đạo !
Thạch Đạt Lang chẳng hiểu sao bà lão lại sợ mình đến thế, đứng ngẩn ngơ
nhìn theo. Rồi cúi xuống nhặt chiếc giỏ tre lên. Trong giỏ toàn một thứ
rau khúc, chắc do bà già hái được từ sớm. Sợ bỏ đi thì uổng, hắn xách
lẵng rau rảo bước theo sau.
Đến một khu rừng thưa trên sười đồi thoai thoải, chợt thấy bóng hai
người đàn ông, một người ngồi trên tấm vải thay chiếu trải lên cỏ và một hình như đang lúi húi nhóm lửa. Vài sợi khói lam tỏa nhẹ lên cao trong
bầu thinh không trong vắt. Khung cảnh thật yên tĩnh và êm đềm một cách
lạ !
Thạch Đạt Lang đến gần. Bên tấm vải, bày la liệt những đồ dùng để uống
trà, nào khay, nào chén, nào ấm sành. Trên bếp lửa lại treo sẵn một cái
ấm sắt đun nước. Rõ ràng đây là cuộc du ngoạn của một nhóm người thấy
trời đẹp, cảnh trí vui tươi thì dừng lại pha trà thưởng thức.
Người đàn ông ngồi trên tấm vải dường như đang vẽ tranh. Ông trạc ngũ
tuần, nước da mịn và trắng hồng nhưng tóc đã lốm đốm bạc. Nhìn Thạch Đạt Lang, ông không tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Dáng điệu vẫn bình tĩnh và ung
dung, ông lên tiếng:
– Có chuyện gì thế, tráng sĩ ?
– Vãn bối mang hoàn lại giỏ rau.
Ông vội bỏ bút, cúi đầu thi lễ:
– Giỏ rau này của gia mẫu. Người đã có tuổi, chắc bỏ quên. Xin đa tạ tráng sĩ.
Thạch Đạt Lang vội quỳ xuống:
– Vậy té ra là lệnh đường. Vãn bối thật đắc tội, đã làm lão bá sợ hãi.
Vãn bối đột nhiên đi tới, lão bá kinh hãi đánh rơi giỏ rau nên vãn bối
mang lại trả chứ không có chuyện gì.
Vừa hay người lão bộc dẫn bà cụ đến. Trông thấy giỏ rau, mặt bà tươi hẳn lên.
– Mẫu thân ! Tráng sĩ đem trả giỏ rau đây này !
Bà cụ cúi đầu cảm tạ:
– Già thật hồ đồ quá. Xin cảm ơn tráng sĩ.
Người đàn ông trung niên tự giới thiệu:
– Tiện danh là Cổ Huy Đạo, nhà ở ngõ Kim Phong.
Nghe tên Cổ Huy Đạo, Thạch Đạt Lang ngạc nhiên. Trên giang hồ, hắn đã
nghe nhiều người nhắc đến tên này. Ông không phải là kiếm sĩ, nhưng nổi
danh suốt một dải trung nam nước Nhật là một nhà luyện kiếm vô song. Học lực về kiếm phổ của ông uyên bác, đức hoàng đế có khi còn phải triệu
ông vào cung để hỏi xuất xứ và tiểu sử của những thanh kiếm lạ. Riêng về tài năng này, giới học giả và kiếm sĩ cầm quyền rất khâm phục. Nghe nói trước đây, lãnh chúa họ Hòa, thân phụ Hòa Giả Nghị, đã viết di chúc dặn người thừa kế phải trích ra hàng năm ba ngàn gia. lúa để tặng gia đình
ông chi dụng.
Với số lợi tức ấy, ông thừa sức sống phong lưu. Căn nhà ông ở tại ngõ
Kim Phong của tổ phụ để lại, rộng như một trang trại, thiết bị đủ thứ
dụng cụ để đúc và mài dũa gươm quý.
Nhưng quan trọng và đầy đủ nhất, phải kể cái thư khố đựng toàn sách
chuyên môn về kỹ thuật luyện kiếm và kiếm phổ do tổ phụ Ông sưu tập và
truyền lại. Không những thế, Cổ Huy Đạo còn là một nghệ sĩ tài hoa về
nhiều phương diện. Ông làm đồ gốm và đồ sơn mài, vẽ tranh thủy mặc, viết bút thiếp và hiểu biết rất sâu rộng về cổ họa Nhật.
Kim Phong Cổ Huy Đạo vang danh khắp nơi đến nỗi nhiều kẻ hậu sinh quá
ngưỡng mộ Ông, khi đi qua ngõ Kim Phong, tự động xuống ngựa để tỏ lòng
cung kính.
Tuy vậy mà nếp sống của ông rất giản dị. Ông không ưa lụa là, cái ăn cái mặc chỉ vừa đủ cần thiết. Cùng với bà mẹ già xấp xỉ bảy mươi, ông thích du ngoạn đó đây, hòa mình với thiên nhiên và như hôm nay, dùng nơi
hoang vu này làm bối cảnh cho một buổi uống trà và vẽ tranh để di dưỡng
tính tình.
Lần đầu diện kiến, nếu ông không xưng danh, có lẽ Thạch Đạt Lang không
ngờ con người trung niên có cái dáng quan chức ngồi kia lại là Cổ Huy
Đạo, nhà kiếm học và nghệ sĩ tài danh lừng lẫy.
Thạch Đạt Lang hỏi lại:
– Phải chăng tiên sinh chính là nhà luyện kiếm nổi tiếng tại ngõ Kim Phong ở cố đô.
Cổ Huy Đạo mỉm cười:
– Đa tạ tráng sĩ quá khen. Lão phu chẳng qua nhờ phúc trạch mà nên, có
tài cán gì. Tiện danh bất quá chỉ được một số ít bằng hữu biết đến.
Đoạn tươi cười nói với bà mẹ:
– Lúc nãy, mẫu thân có vẻ kinh hãi. Con thấy tráng sĩ đây rất thuần nhã, có gì đáng e ngại đâu !
Bà lão vui vẻ, lấy tay che miệng:
– Nói ra thì xấu hổ. Lúc bấy giờ nhìn tráng sĩ đột nhiên xuất hiện, ta
thấy sát khí bừng bừng, nên sợ quá. Già này hồ đồ, tráng sĩ thứ lỗi.
Trực giác hết sức linh mẫn của bà lão khiến Thạch Đạt Lang kinh ngạc. Bà đã nhìn rõ hơn, hay đúng hơn, cảm thấy nội lực phi thường toát ra từ
thân thể hắn, y như là trước kia, Ngộ Không lão tăng ở vườn rau chùa
Quanh Minh đã cảm thấy. Gần một năm rồi, công lực sung mãn ấy vẫn chưa
kiềm chế được, trách gì chẳng làm cho bà sợ hãi.
Cổ Huy Đạo có lẽ cũng có được sự cảm nhận mẫn nhuệ như thế, nhưng ông
điềm tĩnh hơn và có lẽ ông đã chỉ chú ý đến khía cạnh tốt, cái phần
thiện trong con người Thạch Đạt Lang mà thôi. Ông giơ tay mời:
– Tráng sĩ vừa chiến đấu xong, hãy lưu lại nghỉ một chút cho thoải mái.
Trời trong và đẹp như thế này, cảnh trí lại tịch mịch, vội gì ?
Thạch Đạt Lang đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thế ra ông cũng đã rõ mình vừa tỷ kiếm với Sĩ Khánh. Sao ông không có phản ứng gì. Có
lẽ ông cho đó là những sinh hoạt của một giới khác với giới của ông
chăng. Hắn nghĩ thế, nhưng không để lộ ra, chỉ vắn tắt cảm ơn rồi tháo
dép ngồi xuống:
– Vãn bối tên Thạch Điền Đạt Lang ở Myamoto.
– Lão phu cũng đã đoán biết vậy.
Bà cụ thân mẫu cũng ngồi xuống hỏi han gia cảnh và sở học của hắn. Bây
giờ bà vui vẻ tươi cười, coi Thạch Đạt Lang như một đứa cháu nên hắn
thích thú vô cùng. Hắn đem tâm sự ra kể, những thất vọng và kinh nghiệm
đã trải qua cùng những ước mơ hắn thường ấp ủ.
Không biết cơ duyên nào đưa đẩy cho hắn gặp hai mẹ con nhà kiếm học Cổ
Huy Đạo ngày hôm nay, nhưng hắn có cảm tưởng hai người này cảm thông với hắn từ bao giờ và tự nhiên hắn tin cậy họ. Không phải vì Cổ Huy Đạo
danh vọng lẫy lừng mà hắn có cảm tưởng ấy. Giá ông đừng xưng danh, có lẽ hắn còn thấy thoải mái hơn.
Bà cụ hỏi con trai:
– Con thử đoán xem Thạch tráng sĩ bao nhiêu tuổi ?
Cổ Huy Đạo nhìn Thạch Đạt Lang, mỉm cười đáp:
– Khoảng hăm lăm hăm sáu.
Thạch Đạt Lang vội chữa:
– Vãn bối năm nay mới hăm ba.
– Chà ! Thế ra lão phu trông tráng sĩ già hơn tuổi ! Chắc phong sương
nhiều cho nên thế ! Nhưng không sao, những vết phong sương ấy là chứng
tích của sự từng trải đấy!
Mọi người cười ồ, vui vẻ.
Chuyện vãn hồi lâu, Cổ Huy Đạo ngỏ ý muốn ra bờ suối vẽ tranh còn bà cụ giúp người lão bộc làm bánh lá khúc.
Một mình Thạch Đạt Lang ngồi ngó mông lung ra phía xa. Trời đã quá trưa.
Nắng không còn thịnh nhưng khí hậu ấm áp. Tuy nhiên mới là đầu xuân, cây cỏ chưa xanh tốt, du ngoạn lúc này quả hơi sớm. Hắn nghĩ hai mẹ con Cổ
Huy Đạo phải là người yêu thích thiên nhiên lắm, bị bó cẳng suốt mùa
đông không ra ngoài được nên mới vội vàng thế. Riêng đối với thanh niên
hiếu động như hắn, ngồi mãi cũng chán. Hắn bèn đứng dậy đi quanh.
Một gốc mai già khẳng khiu mọc nghiêng bên bờ suối. Đầu cành, có bông
mai độc nhất nở, trắng muốt, rung rinh theo gió. Hắn nhìn cành mai, thấy đẹp vô cùng, đứng sững ngắm không biết chán. Không biết cái cảnh “trúc
phong, mai vũ” như thế nào, nhưng bông mai độc nhất trong cái khung cảnh hoang vu ngày đầu xuân này khích động hắn lạ thường.
Men theo bờ suối, đến gần chỗ Cổ Huy Đạo ngồi, Thạch Đạt Lang lẳng lặng
nhìn nhà nghệ sĩ dùng ngọn bút lông ghi lại những nét động của dòng nước đương chảy.
Ông vẽ nhiều lần, nhưng có lẽ không lần nào vừa ý nên tranh để la liệt bên cạnh.
Vẽ xong một bức, cho là chưa được, ông lại vẽ lại, không nản chí.
Hừ, Thạch Đạt Lang nghĩ thầm. Vẽ cũng không phải là dễ. Ngọn bút trong
tay nghệ sĩ chỉ là dụng cụ, cũng như thanh gươm trong tay kiếm sĩ. Quan
trọng là cái tâm, phải để tâm mình hòa hợp với thiên nhiên thì mới diễn
tả được thiên nhiên. Phải cảm thông trước đã. Cũng như hắn, khi chiến
đấu, kiếm và tâm hợp nhất thì mới đạt tới mức siêu hóa. Ông vẽ nước chảy mà vẫn coi nước là đối nghịch thì không thể nào thành công được.
Thạch Đạt Lang lững thững trở về chỗ cũ. Sợ nhàn rỗi quá thành ra u trệ, hắn ngỏ ý cáo từ hai vị chủ nhân. Cổ Huy Đạo giữ lại:
– Tráng sĩ lưu lại chút nữa, chờ uống trà với lão phu. Trà là thứ di dưỡng tình tình tốt nhất.
Nghỉ một lúc ông lại nói:
– Vả lại theo thiển ý, động là cao điểm của tĩnh. Tráng sĩ muốn giữ cao
điểm mãi cũng không thể được. Có động thì có tĩnh. Tĩnh bây giờ để chuẩn bị cho cái động về sau.
Chắc tráng sĩ hiểu ý lão.
– Đa tạ tôn ý. Nếu quả vãn bối không làm phiền gì thì xin ở lại.
Cổ Huy Đạo thu xếp giấy bút và đậy nắp bình mực. Vàng, bạc ánh lên cùng
với xà cừ cẩn trên nắp bình lóng lánh làm Thạch Đạt Lang chú ý. Hắn xin
phép cầm xem.
Nắp bình mực sơn then bóng lộn, vẽ hai bông cúc bên một hàng giậu nhỏ.
Nét vẽ xương kính, cánh bố cục chặt chẽ. Tuy là tranh tĩnh vật nhưng hai bông hoa sinh động lạ thường, nhờ cách rắc bột vàng và bạc, điểm những
miếng xà cừ và cách mài sơn tuyệt khéo.
Cổ Huy Đạo nhìn Thạch Đạt Lang. Hắn không giấu lòng thán phục, hai tay bưng bình mực trả chủ nhân và nói:
– Đẹp quá ! Tác giả tạo nên bảo vật này là ai, tiền bối có biết không ?
– Bảo một mình lão phu làm thì không đúng hẳn, vì cũng còn một người nữa là Vương Tích đề thơ và tự tay viết thủ bút, cho nên phải nó Vương tiên sinh và lão phu cùng làm mới phải.
– Vương Tích có liên hệ gì với Vương Trung, quan nhiếp chính đại thần tiền triều không ?
– Vương tiên sinh chính là trưởng tử quan đại thần Vương Trung.
– Chả trách được ! Vãn bối có được nghe đại danh ngài là người viết bút thiếp nổi tiếng nhất kinh thành.
Thân mẫu Cổ Huy Đạo đặt bộ đồ trà lên chiếu vải, nói:
– Già chẳng có gì đãi tráng sĩ, chỉ lưu tráng sĩ lại dùng trà.
Đoạn, mở nắp hộp, lấy trà cho vào bát, dùng gáo tre đong nước sôi, đánh
trà nổi bọt. Cử chỉ của bà gọn gàng và chính xác, chứng tỏ bà rất thành
thạo. Những ngón tay nhỏ nhắn thoăn thoắt lướt trên các đồ dùng, nhẹ
nhàng linh hoạt mà vẫn thanh lịch tự nhiên một cách lạ. Tuổi đã thất
tuần, dáng điệu bà không có vẻ già, vẫn nhanh nhẹn, trang nhã và kín
đáo, thật đáng tiêu biểu cho vẻ đẹp phụ nữ cùng lứa tuổi.
Càng nhìn hắn càng thấy cảm mến. Nói theo ngôn ngữ kiếm đạo thì những
thủ pháp của bà hoàn toàn, không chỗ nào sơ hở. Khi bà giơ cao chiếc gáo nhỏ đong nước vào bát, hắn có cảm tưởng nhìn một tay kiếm tuyệt luân
vừa xuất thủ. Hắn nghĩ thầm:
“Đó mới chính là đạo, đó mới là tinh hoa của nghệ thuật, luôn luôn tìm sự tận thiện, tận mỹ !”.
Thạch Đạt Lang ngồi yên quỳ gối, hai tay để lên đùi, trịnh trọng ngắm bà lão bưng trà và xếp bánh ra đãi khách. Ở giữa chốn hoang vu, những
chiếc bánh mướt xanh như ngọc thạch trên tấm lá màu nõn chuối đã được
cắt vuông vắn để trong cái khay sơn then, trông sao mà ngon mắt thế !
Hắn tưởng mình đang ngồi trong trà thất của một đại gia mà chủ nhân, tuy ưa thích cảnh thiên nhiên nhưng vẫn còn lưu luyến với những nghi lễ của trà đạo. Hắn đâm ngại.
Nhìn Cổ Huy Đạo và bà thân mẫu uống trà, đĩnh đạt, thư thả, hắn lúng túng:
– Vãn bối sinh trưởng nơi cô lâu, không rõ lề lối uống trà ở kinh đô, chẳng biết phải làm thế nào ?
Bà cụ cười mà nói:
– Già này thật mến cái tính ngay thẳng của tráng sĩ ! Thì có gì quan trọng đâu !
Nghệ thuật uống trà chẳng bí mật hay phiền toái gì. Tráng sĩ sinh trưởng ở nhà quê thì cứ uống như người nhà quê …
– Lão bá nói như vậy, ra uống trà dễ lắm sao ?
– Dĩ nhiên ! Chân lịch sự phát xuất tự trong lòng. Nếu ta quá chú trọng
đến cái vỏ bề ngoài thì mất thú đi. Muốn tận hưởng hương vị của trà, cứ
để cho lòng ta thoải mái tự nhiên. Cũng như khi sử kiếm, tráng sĩ đâu có giữ cho thân mình quá gò bó. Làm thế, sự hòa hợp giữa kiếm và người
không còn nữa, phải vậy không tráng sĩ ?
– Dạ thưa phải.
Bà già lại cười, tiếng trong như thủy tinh:
– Ấy đấy ! Già này lại lộng ngôn rồi. Tráng sĩ tha lỗi, đáng lẽ ta chẳng nên bàn về cách sử kiếm là một môn ta chẳng biết gì cả …
– Nhưng Thạch Đạt Lang đã cúi đầu, hai tay nâng bát trà lên:
– Vãn bối xin thất lễ.
Vị trà đắng ngắt. Dù có lịch sự đến đâu, hắn cũng không thể cho là ngon được.
Không hiểu tại sao bao nhiêu người đua nhau ca tụng cái hương vị mà họ
gọi là thanh lương ấy. Chắc trong cách pha trà, uống trà phải có những
điều gì khác cao quý, hắn còn ít tuổi chưa tìm ra hoặc chưa biết thưởng
thức, chứ nếu không, sao nó lại được coi như một triết lý sống và được
nâng lên hàng trà đạo ? Hắn nghĩ đến Trúc Mộ và Đại Quán, hai người
trọng cách uống trà lắm. Đại Quán tán dương đức tính thâm trầm của nó,
còn Trúc Mộ thì dành những năm tàn của mình trong việc nghiên cứu trà
đạo.
– Tráng sĩ dùng thêm chút nữa ?
– Đa tạ lão bá, xin đủ.
Thạch Đạt Lang miên man nghĩ đến vị dật sĩ dùng kiếm cắt cành mấu đơn
dạo nào và đột nhiên chú ý nhìn bát trà trước mặt, hắn ngạc nhiên và
khích động đến cùng cực. Không biết lúc đó hắn có thốt ra tiếng kêu nào
không ?
Cầm chiếc bát sành lên ngắm nghía, mắt hắn sáng rạng rỡ:
chiếc bát cân đối, màu men tươi, không tì vết, nét vẽ sắc sảo, giản dị
mà không tầm thường. Dưới trôn bát, chú ý nhìn những vết bay gọn gàng,
vững mạnh của người nghệ sĩ đã tạo ra nó, hắn như lại được nhìn thấy một lần nữa sự tinh vi, sắc bén khác thường của đường kiếm Trúc Mộ.
Thật là sản phẩm của một vị kỳ nhân, hàm chứa niềm giao cảm huyền diệu
giữa tâm linh và vật chất. Hắn không hiểu tại sao, chỉ cam thấy như vậy. Có lẽ trực giác của hắn bén nhậy hơn trực giác của những người khác
chăng ? Thạch Đạt Lang vuốt ve thành bát. Hắn muốn được tiếp xúc lâu hơn nữa với mỹ tác tuyệt kỹ này.
– Tiền bối ! Vãn bối không biết gì về cách uống trà và những đồ dùng để
uống trà, nhưng đây là một chiếc bát hết sức tinh xảo. Ai làm ra nó hẳn
phải là một nghệ sĩ siêu đẳng.
– Sao tráng sĩ lại nói thế ?
Lời Cổ Huy Đạo dịu dàng nhưng nghiêm trang. Ông nhìn chàng thanh niên, hình như trên mặt ông thoáng một chút kiêu hãnh.
– Vãn bối không giải thích được, chỉ nói ra điều mình cảm thấy.
– Tráng sĩ cảm thấy đích thực những gì ?
Đạt Lang suy nghĩ một lát rồi nói:
– Vãn bối không thể nói rõ được. Nhìn những vết bay dưới trôn bát thì
cảm thấy có một cái gì phi thường làm khích động vãn bối vô cùng.
– Hừ …
Cổ Huy Đạo là một nghệ sĩ tài hoa, ai cũng biết. Ông lại nhã nhặn nữa
nên ai cũng mến yêu. Nhưng dưới cái lớp vỏ nhã nhặn ấy, ông vẫn tự cho
không mấy người hiểu được nghệ thuật của ông. Thạch Đạt Lang này chắc gì hơn những người khác. Ông cắn môi:
– Những vết bay ấy thế nào ?
– Mạnh và sắc. Rất sắc.
– Có thế thôi ư ?
– Không …Còn nữa, còn có một cái gì cao cả và táo bạo như muốn vươn lên, thoát ra ngoài khuôn sáo.
– Gì nữa ?
– Người làm nó có một kinh nghiệm và hiểu biết sâu xa về mỹ thuật nên đã đem sở học và tài thiên phú ra tạo nên chiếc bát, toàn thể đẹp thanh
thoát như thế này. Trông thì giản dị mà thật ra rất cầu kỳ. Nhìn những
vết bay quét ngược, vãn bối còn thấy người này kiêu ngạo, mục hạ vô
nhân, có thể rất danh tiếng mà cũng có thể cô đơn lắm. Tiền bối mua bát
này ở đâu hay có biết ai đã tạo ra nó chăng ?
Cổ Huy Đạo cười ha hả:
– Biết ! Tên người tạo ra nó là Cổ Huy Đạo. Nhưng lão phu chỉ làm đồ gốm để tiêu khiển những khi rảnh rỗi mà thôi.
Thạch Đạt Lang nghe đồn nhà chuyên môn về kiếm học này nhiều tài năng,
nhưng không ngờ môn gì ông cũng hơn người. Hắn hơi hối đã nói thẳng ra
những điều hắn nghĩ, vì có vài ý xúc phạm. Hắn lúng túng:
– Vì tiền bối hỏi nên vãn bối thưa thực. Tiền bối tha lỗi nếu có điều gì chẳng lọt tai.
– Chà ! Chàng thanh niên này khách sáo quá ! Có gì mà không lọt tai ? Xem ra tráng sĩ cũng ưa đồ gốm lắm nhỉ ?
– Trước vẻ đẹp, ai mà không xúc động. Tuy nhiên, vãn bối chẳng biết gì mấy về đồ gốm.
– Dĩ nhiên rồi. Tạo nên một tác phẩm đắc ý, có khi phải dùng đến kinh
nghiệm cả đời người. Làm sao mong tráng sĩ biết nhiều về kỹ thuật ấy
được ? Nhưng tráng sĩ quả có khiếu thẩm mỹ, một sự hiểu biết về mỹ thuật thiên bẩm. Luyện kiếm đã giúp tráng sĩ phát triển khiếu này, có đúng
không ?
Ông dừng lại, không nói thêm mà Thạch Đạt Lang cũng không hỏi gì nữa.
Trời sắp chiều. Hai chiếc bánh nhỏ không đủ dằn bụng một thanh niên đang tuổi lớn. Thể chất và tinh thần hắn đều cần đến những thực phẩm bổ
dưỡng hơn, tuy nhiên hôm nay dừng chân trên khu đất hoang dã này, hắn đã được dịp thưởng thức hương vị thanh đạm của một nếp sống xa lạ đối với
hắn. Có lẽ hắn còn phải học hỏi nhiều ở Cổ Huy Đạo và Cổ bà. Thạch Đạt
Lang quay lại cáo từ hai vị chủ nhân:
– Bây giờ cũng đã muộn. Xin nhị vị cho vãn bối được kiếu. Vãn bối đa tạ
lòng yêu mến của nhị vị và những lời chỉ bảo hai vị đã ban cho.
Bà lão nhìn Thạch Đạt Lang trìu mến:
– Nếu có dịp nào tráng sĩ qua ngõ Kim Phong, xin nhớ ghé thăm tệ xá.
– Phải đấy ! Cổ Huy Đạo tiếp. Chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.
Ông thêm:
– Có nhiều thứ lão phu tin chắc tráng sĩ sẽ rất ưa thích.
Đi một quãng xa, Thạch Đạt Lang còn quay lại nhìn hai người ngồi trên tấm vải.
Con đường gai góc hắn quyết theo chắc không bao giờ đưa đến cảnh giới bình yên như hai người đang sống.
Nét mặt đăm chiêu, hắn lặng lẽ đi trong đồng cỏ hoang như một chiếc bóng.