Thạch Kiếm

Chương 32: Dưới chân Đại Kiều


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 32: Dưới chân Đại Kiều

Như cánh chim bạt gió, Thạch Đạt
Lang lầm lũi đi trong đêm tối, dưới trời giá buốt. Chiếc nón nan mong
manh không đủ che đầu, gió lạnh lùa qua lần khăn mỏng quấn quanh trán,
hắn phải cắn chặt hai hàm răng cho khỏi và vào nhau kêu lập cập. Hơi hắn thở ra trắng tựa khói, vướng vào hàng lông tơ trên mép chẳng mấy chốc
đã đọng thành những giọt sương nhỏ li ti.

“Chà, lạnh dữ !”. Trước nay, lạnh như thế này đối với hắn có nghĩa gì
đâu, sao đêm nay hắn run rẩy như chiếc lá ? Chắc chẳng phải vì cái lạnh
bên ngoài mà vì lòng hắn nhu nhược. Như đứa trẻ nhỏ thích được mẹ Ôm ấp
nâng niu, hắn vẫn còn trông cậy vào tình thương của người khác. Trong
thâm tâm, hắn chưa gạt bỏ được sự mong ước nắm một bàn tay trắc ẩn, nghe một lời âu yếm, hay nhận một cử chỉ vuốt ve, hắn vẫn còn bị tình cảm
ràng buộc. Sự thất vọng vừa qua tại nhà người dì đã như một gáo nước dội vào dập tắt tất cả những mong ước ấy làm hắn lạnh tê, nhưng đồng thời
cũng khích động lòng tự ái của hắn không ít. Hắn chẳng trách người dì và ông chú dượng, chỉ giận mình chưa đủ trưởng thành để sống một đời tự
lập. Tự lập ! Trong cơn phẫn nộ với chính mình, Thạch Đạt Lang nói to
như hét:

– Tự lập ! Ta phải sống cuộc đời tự lập ngay tự trong lòng ta !

Tiếng kêu giận dữ phát xuất từ tâm khảm hắn vang lên tựa sấm động bên tai.

Trong giờ khắc trang nghiêm của buổi nguyên đán, giữa những tiếng chuông chùa dõng dạc uy nghi, tiếng kêu bi thiết ấy là lời hứa long trọng với
chính mình, Thạch Đạt Lang sung sướng như người vừa được giải thoát. Hắn bước nhanh hơn, hơi thở dồn dập, một thay đổi sâu xa đương làm đảo lộn
cả tâm hồn và thể chất hắn.

“Kiếm đạo không phải là con đường dành cho những kẻ yếu hèn, không lý tưởng.

Người mang kiếm không lý tưởng chỉ là kẻ ăn mày lang bạt. Sự khác biệt
giữa một kẻ ăn mày lang bạt và một hiệp sĩ giang hồ nằm trong đáy lòng
mình chứ không ở nơi nào khác”. Thạch Đạt Lang vừa lòng với những suy tư ấy. Hắn bước những bước dài, mạnh trên đường cỏ ướt sương và không còn
thấy tê cóng trên đầu ngón chân như trước nữa.

Hồi lâu, cảnh trí xem chừng đổi khác. Rặng liễu ven đường nhiều thêm ra
và nhà cửa cũng thưa dần. Dưới chân Thạch Đạt Lang đã có những vũng nước đóng váng. Đôi lúc, hắn phải tránh đường mòn, đi lên bờ cỏ cho khỏi ướt chân.

Ngoài xa, một dải sương trắng đục mờ mờ, có lẽ là sông Kamo. Không ngờ
hắn đến bờ sông Kamo chóng đến thế ! Trời còn tối lắm. Lau sậy và cỏ lác mọc rậm rạp ven sông càng làm cho bờ sông tối thêm, hắn không phân biệt được đâu là bờ, đâu là nước nữa.

Thạch Đạt Lang men theo rặng liễu đến chỗ lũng cao. Trời chưa sáng, vả
hẵn cũng không gấp nên quyết định ngồi nghỉ chân trên lũng. Nhìn quanh,
vô số cành lá gãy, lá khô, hắn nhặt gom lại thành đống, mồi lửa đốt. Gió sông thổi ào ào, mấy lần lửa đã bắt lại tắt ngấm. Kiên nhẫn, hắn lấy
nón che, thả từng chiếc lá làm mồi, đến khi lửa bốc cao, hắn xoa hai tay vào nhau khoan khoái và cởi hài xảo hong bên đống lửa. Ngọn lửa theo
gió thổi tạt vào mặt nóng rát. Thạch Đạt Lang lùi lại, bỗng tay chạm vào một túi nặng đeo bên mình. Sực nhớ đến mấy chiếc bánh dì hắn cho lúc
sang canh, cơn đói ở đâu kéo đến khiến hắn ứa nước rãi. Hắn tháo túi,
lấy bánh ra bày trước mặt, dùng cành khô xiên từng chiếc hơ lên lửa.

Bánh dầy gặp lửa phồng to tựa quả cam, vàng ngộm, nhắc hắn nhớ đến những ngày Tết nguyên đán xưa, khi còn nhỏ, hắn cũng nướng bánh ăn như thế
này. Bánh dầy nhạt, không tẩm đường và cũng không có muối, nhưng dẻo và
thơm, càng nhai càng có vị. Bất giác, hắn so sánh những chiếc bánh thuần hậu với cuộc đời hành hiệp hắn đang theo đuổi, đạm bạc mà cao khiết.

Thạch Đạt Lang vui vẻ, vừa ăn bánh vừa ngó ngọn lửa bập bùng. Cơn gió
thổi, ngọn lửa rạp sang bên rồi lại tỏa ra cháy xuê xoang hơn trước.
Những tiếng nổ lách tách reo vui, một chút vui nhỏ trong niềm vui lớn
sáng tạo của vũ trụ.

“Năm nay ta ăn một cái Tết nguyên đán của riêng ta …Giang hồ lãng tử
như ta mà cũng có bánh ăn đầu năm thì chắc Trời Phật chẳng để ai đói
lòng. Này sông Kamo là bạn, băm sáu ngọn Hải Nhai sơn làm bối cảnh trang trí cho cây tùng xanh tốt ngoài kia !

Thật là hùng vĩ ! Ta phải làm cái gì mới được ! Ờ ờ …ăn xong, ta sẽ
xuống sông tắm gội cho thân thể thanh khiết đợi ánh sáng đầu tiên của
năm mới.” Thạch Đạt Lang lần ra bờ sông, cởi bỏ quần áo, xếp cùng với
hành trang bên gốc liễu rồi nhảy xuống tắm. Nước lạnh quất vào da thịt
làm cho bắp thịt hắn săn lại nhưng Thạch Đạt Lang thấy sảng khoái vô

cùng. Hắn vùng vẫy bơi lội, bọt nước bắn tứ tung chẳng khác gì một loài
thủy cầm đang đùa nghịch.

Thạch Đạt Lang vừa tắm xong, chân trời phía đông cũng vừa hửng sáng. Hắn bước lên bờ, linh cảm làn dương quang mới hé chiếu trên lưng, quay lại
thì đúng lúc mặt trời vừa ló.

Xúc động trước vẻ đẹp bao la của cảnh vật, bóng tối lui dần dưới bầu
trời rạng rỡ, sông dài, trời rộng trải thênh thang, Thạch Đạt Lang cứ để nguyên thân thể trần truồng như kẻ cổ sơ, dạng chân giơ tay hít một hơi dài bầu không khí trong lành buổi ban mai vào ngực.

Giây phút huyền diệu ! Đột nhiên, hắn cảm thấy tâm hồn lâng lâng bay
bổng, bừng lên một sự cảm thông với vô cùng và hòa đồng cùng vạn vật.
Hắn không còn là hắn nữa, hắn là cái cây, là đám mây, là ngọn núi. Hơi
thở của hăn, những tế bào trong cơ thể hắn chỉ là những mắt xích của vô
cùng, ảo giác mà thôi, hiện ra rồi lại tan loãng vào thiên nhiên để mà
luân lưu mãi. Không ngờ trong giây phút linh thiêng này, hắn vừa lý hội
được cái nghĩa sắc, không của nhà Phật.

Thạch Đạt Lang lau khô mình, sắp sửa mặc quần áo thì vừa hay nhìn lên
lũng cao, thấy bóng một bà già bên đống lửa. Bà đó không ai khác hơn là
bà Hồ Điểu.

Hồ Điểu lão bà trông thấy hắn cũng không khỏi kinh ngạc:

– Đúng rồi ! Đúng hắn rồi !

Mới kêu được có thế, bà đã hụt hơi vì xúc động, hai tay giữ ngực rồi sụp xuống.

Chân tay run rẩy, bà thều thào:

– Lạy Trời lạy Phật, vong hồn cậu sống khôn thác thiêng run rủi cho ta gặp thằng ác tặc đây rồi !

Từ khi cậu Ngô gặp nạn chết đi, bà luôn luôn đem theo trong mình một cái túi nhỏ đựng vài sợi tóc và lóng xương của người em bạc mệnh như một
giải bùa để những khi trái gió trở trời, hoặc gặp chuyện gì phiền não,
bà mang ra cầu nguyện. Tuy cậu mới chết chẳng bao lâu, nhưng không ngày
nào bà không khấn vái vong linh cậu. Bà nguyền sẽ trả mối thù cho dòng
họ đến hơi thở cuối cùng, giết cho bằng được tên đại gian đại ác, cho dù có phải tan xương nát thịt cũng cam lòng.

Nghe đồn có bảng cáo thị dưới chân đường Gojo của Hoa Sơn phái hẹn Thạch Đạt Lang tỉ võ ngày nguyên tiêu, bà Hồ Điểu không ngần ngại, vội vàng
đến Kyoto xem hư thực. Bà chỉ sợ trễ, Thạch Đạt Lang mà chết dưới tay
Hoa Sơn rồi thì còn đâu để bả trả hận. May sao Trời Phật và đức Quan Âm
bồ tát đã chứng giám lời cầu xin thành khẩn của bà, lại nhờ vong hồn cậu Ngô linh thiêng, bà bắt gặp nó ở đây.

Thấy ánh lửa ven sông, bà đinh ninh cho là lửa của kẻ ăn xin nào đó đốt
lên sưởi ấm, không ngờ lại chính là Thạch Đạt Lang. Khi nhìn dáng dấp
cao lớn của người dưới nước bước lên, dám khinh thường cái lạnh, tắm
sông về mùa này, bà không còn hồ nghi gì nữa.

Thạch Đạt Lang trần truồng là một dịp rất tốt cho bà tấn công, chờ lúc
hắn đang mãi bận quần áo, xuất kỳ bất ý xông ra đâm cho một nhát, tất
hắn tránh không kịp.

Nhưng bộ Óc già nua của bà không cho thế là phải. Bà nhắm mắt chắp tay
cảm ơn Thần Phật, tin rằng Thần Phật sẽ phù hộ bà cho đến lúc chết. Mà
có Thần Phật phù hộ thì lo gì bà không giết được nó ?

Khi bà Hồ Điểu mở mắt ra, Thạch Đạt Lang đã mặc xong quần áo. Túi hành
trang trên vai, song kiếm giắt lưng, thoắt cái hắn đã nhảy qua vũng nước lớn, rảo bướ c đi về phía đại kiều đường Gojo.

Bà Hồ Điểu há hốc miệng, không ngờ hắn nhanh quá đến thế. Rút kiếm ra
rồi, bà lại tra kiếm vào vỏ, chạy theo. Bà cũng khôn ngoan không lên
tiếng thách thức, chỉ men theo hàng liễu và lẩn sau những bụi lau sậy,
dõi bước chân hắn.


Bóng chiếc cầu gỗ đã bắt đầu hiện ra lờ mờ trong sương sớm cùng với
những mái nhà rêu màu xám nhạt. Còn một thôi nữa thì đến chân cầu, Thạch Đạt Lang bước nhanh. Hắn dư biết bà Hồ Điểu đang đuổi theo nhưng hắn
không quay lại. Vì quay lại, tất nhiên phải đối đầu với bà. Hắn phải tự
vệ nhưng lại không muốn làm bà lão bị thương. “Thật là khó xử !”. Hắn tự nhủ thầm, và mỉm cười:

“Thật là một đối thủ lợi hại!”.

Nếu như hắn vẫn là thằng Thạch Kinh Tử xưa kia, khi còn ở Miyamoto thì dễ quá:

hắn chỉ đấm cho một quả, bà sẽ nằm liệt giường hàng tháng. Nhưng nay hắn là người khác rồi.

Thực ra Thạch Đạt Lang chẳng ưa gì bà Hồ Điểu, nhưng hắn không căm thù
bà như bà căm thù hắn. Hắn cho rằng lòng căm thù của bà sinh ra từ một
điều ngộ nhận.

Hắn muốn trần tình, nhưng cái thế không cho phép. Chắc chắn hắn nói thế
nào bà cũng chẳng nghe, bà vẫn nổi tiếng là người bướng nhất làng. Chỉ
Mãn Hà Chí nói, may ra bà mới để vào tai, vì thực ra ngoài Mãn Hà Chí,
còn ai có thể chứng minh chính con bà đã viết thư từ hôn với Oa Tử ?

Đến đầu cầu đường Gojo, Thạch Đạt Lang chậm bước. Dịp may để bà Hồ Điểu
đuổi mau hơn. Trăm thước. Năm chục thước. Ba chục thước. Trông dáng đi
của Thạch Đạt Lang, sao bà ghét lạ ! Đến những vết chân hắn in trên đất, bà cũng ghét cay ghét đắng. Bà ngoảnh mặt đi, nhổ bọt, rồi không giữ
nổi kiên nhẫn, hét lớn:

– Thạch Kinh Tử !

Nhưng Thạch Đạt Lang không chú ý, làm như không nghe tiếng.

– Thạch Kinh Tử ! Mày điếc à ? Sao không nghe ta gọi ?

Thạch Đạt Lang vẫn điềm tĩnh tiến bước.

Bà Hồ Điểu tức uất, hai tay nắm chặt, cổ bạnh ra, chạy lên chặn đường hắn.

– Đứng lại !

Thạch Đạt Lang giả vờ ngạc nhiên:

– Chà ! Ai như bà Hồ Điểu ? Sao bà lại ở đây ?

– Tiểu tặc gian ác, đừng vờ vịt ! Sao ta lại ở đây ! Đáng lẽ ta phải hỏi mày câu ấy.

Ta đã để mày chạy khỏi tay ta trên sơn đạo chùa Phổ Quang, bây giờ không thể cho mày trốn thoát được. Ta phải lấy đầu mày !

Mặt bà Hồ Điểu đỏ gay, gân cổ nổi lên như chiếc đũa. Giọng bà the thé
phun ra từ cái miệng nhăn nheo có hàm răng vổ, thưa làm Thạch Đạt Lang
thấy sợ hãi hơn là tiếng thét xung trận của một đối thủ lợi hại.

Sự sợ hãi của hắn bắt nguồn từ hồi nhỏ, khi hắn và Mãn Hà Chí đang mãi
hái trộm dâu trong vườn thì bị bà bắt được. Bấy giờ hắn tám chín tuổi gì đó. Tiếng hét của bà làm hắn sợ hãi quá chừng, bỏ chạy mà trống ngực
đập thình thịch. Thời gian trôi qua, cường độ của sự sợ hãi giảm bớt
nhưng âm hưởng tiếng hét vẫn còn vang dội bên tai làm hắn giật mình khó
chịu.

Phần bà Hồ Điểu, tuy bây giờ Thạch Đạt Lang đã thành niên, nhưng ấn
tượng một đứa bé hỗn láo và man dại vẫn còn ghi trong ký ức. Khi Mãn Hà
Chí đăng lính, rồi Oa Tử, con dâu tương lại của bà bỏ đi, bà đều quy tội cho Thạch Đạt Lang dụ dỗ. Vì những lời đàm tiếu trong làng, sự tức giận của bà mỗi ngày một tăng và nay trở thành thù hận.

Bây giờ, tất cả kỳ vọng của bà trước khi nằm xuống là được cắt đầu Thạch Kinh Tử cáo gia tiên để trả mối hận đó.


Bà Hồ Điểu giơ tay quệt mép, nhổ bọt vào gan bàn tay rồi rút kiếm đánh soạt:

– Thạch Kinh Tử ! Thằng vô lại du đãng kia ! Rút kiếm ra nếu không đừng trách ta không báo trước.

Tích xưa, chuyện con bọ ngựa đá xe không biết có từ đời nào nhưng so vớ i cảnh này thì thật hợp. Bà Hồ Điểu chân tay khô đét chẳng khác gì càng
bọ ngựa, mắt lồi, da mặt nhăn nhúm, chiếc áo chẽn bà mặc ngắn đến lưng,
gió thổi phồng lên như hai cái cánh. Còn Thạch Đạt Lang chẳng nói chẳng
rằng, lừng lững như cỗ xe vững chãi, đưa mắt nhìn lão bà bọ ngựa múa
kiếm chạy quanh. Cảnh tượng thật nực cười, nhưng Thạch Đạt Lang không
cười được. Hắn chỉ thấy thương.

Khi bà Hồ Điểu đến gần, giơ kiếm định đâm, hắn không tránh, giơ tay nắm chặt lấy khuỷu tay bà.

– Thôi mà, bà bớt giận để con nói.

Giọng hắn cầu khẩn. Đang đà, bà Hồ Điểu ngã xô vào người hắn. Hắn nhẹ nhàng đẩy ra.

– Bà hiểu lầm con rồi !

– Mày đừng tìm cách lừa gạt. Ta từng này tuổi đầu, ăn hơn mày bốn mươi
cái Tết, mày chỉ đáng con cháu ta, chuyện gì ta phải nghe mày nói ?

Mặt bà đỏ gay, bọt sùi ra bên mép qua hai hàm răng vổ và thưa. Thạch Đạt Lang lắc đầu:

– Bướng quá sức ! Thật chẳng hổ danh dòng Hồ Điểu.

– Tiểu tặc đừng hỗn. Ta không nghe những lời tán tụng của mày đâu. Bỏ tay ta ra !

– Bà hãy nghe con giải thích …

– Không ! Không giải thích gì cả. Đọc kinh sám hối đi là vừa, trước khi ta chặt cổ mày !

Bà Hồ Điểu vùng vẫy giằng tay ra, dáng điệu hung hăng như con gà chọi.

– Bà không nghe con nói thì con phải đoạt thanh kiếm này.

– Hứ ! Đoạt đi ! Nó là đồ gia bảo nhà ta. Mày giết ta mới lấy được. Đừng hòng !

– Xin bà bớt giận. Tuổi bà đã cao, giận dữ không tốt. Hãy để Mãn Hà Chí nói bà rõ.

– Á ! Mày nói gì thằng Mãn Hà Chí ?

– Con có hẹn hôm nay gặp Mãn Hà Chí ở chân cầu. Nó biết rõ chuyện, bà đợi nó nói hết cho bà nghe.

– Xì ! Chỉ láo ! Thật xấu hổ, mày có phải con ông Mưu Ni Sai dòng họ Yết Mân không ? Ông ấy có dạy mày khì phải chết thì chết cho đĩnh đạt không ? Đừng tìm cách gạt ta để rồi trốn như lần trước !

Mắt bà long sòng sọc ngước nhìn Thạch Đạt Lang. Thấy hắn lặng thinh, bèn giật mạnh tay, nhưng vì dùng quá sức, bà bắn ra xa, ngã ngồi xuống.
Thạch Đạt Lang định đến nâng dậy song bà đã đứng lên kịp, cầm gươm xông
tới:

– Nam mô quan thế âm bồ tát !

Bà Hồ Điểu vừa niệm kinh vừa phóng ra một chiêu. Kiếm chiêu vừa run lại
vừa chậm. Thạch Đạt Lang khẽ nghiêng mình né tránh. Bỗng thấy nhói bên
mí mắt, hắn đưa tay lên sờ. Không có máu, chỉ thấy cay và hơi ngứa.

Bà Hồ Điểu quay lại tấn công lần nữa. Hắn nheo mắt nhìn. Mắt bên trái
hắn cay như xát ớt, nước mắt chảy ra ràn rụa, hắn không hiểu tại sao.

– Nam mô a di đà Phật !

– Nam mô quan thế âm bồ tát !

Mỗi câu niệm Phật lại kèm theo một chiêu kiếm. Lão bà Hồ Điểu Anh điên
cuồng chạy xung quanh Thạch Đạt Lang, phóng kiếm đâm chém liên tiếp. Đôi dép da trâu dưới chân bà kêu lép nhép, mà hắn chỉ nghiêng mình tránh
né.

Thạch Đạt Lang phiền lòng quá. Nếu muốn, hắn chỉ giơ tay bà sẽ ngã ngay
nhưng thấy bà yếu, hắn không nỡ. Mắt hắn bị thương, bây giờ cộm và ngứa. Hắn muốn giải quyết vụ này cho chóng xong mà chưa biết phải làm thế
nào.

Đột nhiên, bà Hồ Điểu giả chạy quá đà, quay ngược lại dùng thế hồi mã

chém một nhát vào đầu Thạch Đạt Lang. Đạt Lang giơ tay đỡ. Soạt ! Lưỡi
kiếm cắt đứt miếng áo ngoài và chạm vào cườm tay hắn. Hồ Điểu Anh thấy
đã chém trúng địch thủ, mừng rỡ nhảy lên:

– Mô Phật ! Phen này mày chết với ta !

Thạch Đạt Lang cau mặt. Từ trước hắn vẫn coi thường bà lão, không quan
tâm điều thắng bại, nhưng bây giờ biết là lầm. Binh thư cũng như kinh
nghiệm đều dậy không bao giờ được khinh địch. Theo luật giang hồ, như
vậy là hắn bại rồi. Vết thương ở cườm tay tuy nhẹ, nhưng chứng tỏ hắn đã bất cẩn, một điều hết sức tránh trong khi giao đấu.

Thạch Đạt Lang hét một tiếng, chờ cho Hồ Điểu Anh đến gần, vòng tay ra
sau lưng bà điểm mạnh một cái. Bà lão ngã sấp, kiếm văng sang bên. Bà
không đứng dậy được nữa, mặt nhăn nhó. Thạch Đạt Lang dùng cầm nã thủ
pháp khóa tay bà lại, đồng thời móc vào nẹp áo xách bà lên như xách con
mèo. Tay kia hắn nhặt thanh gươm, cầm lăm la)m.

Bà Hồ Điểu rên rỉ:

– Thằng này hỗn, thằng này hỗn ! Mày làm gì ta vậy ? Ối chao, đau ! Bỏ ta ra !

Không còn Thần Phật gì nữa hay sao ? Thạch Kinh Tử. Thằng súc sinh này, mày hỗn quá!

Bà Hồ Điểu giẫy đạp như điên, mồm la bai bải. Mặc ! Thạch Đạt Lang làm
như không nghe gì hết. Hắn giơ bà ra xa để bà khỏi đạp vào chân hắn rồi
lầm lũi đi về phía đại kiều.

Đang phân vân không biết xử trí ra sao, bỗng xa xa gần bờ sông có chiếc
thuyền nhỏ neo bên gốc liễu. Thuyền dường như bỏ trống. Một ý nghĩa
thoáng hiện. Hắn xăm xăm xách bà Hồ Điểu đến bên thuyền, tìm dây trói
chặt chân tay bà lại.

– Trời ời ! Thạch Kinh Tử, mày làm gì ta thế này ? Mày định trôi sông ta hay sao ?

Ừ giết ta đi, mày làm nhục ta quá rồi !

Thạch Đạt Lang không đáp. Nét mặt hắn đăm chiêu, vẻ buồn và hối hận thoáng lộ trên khóe mắt.

– Qúa lắm rồi ! Thật không còn Thần Phật trời đất gì nữa ! Thạch Kinh Tử ! Sẵn gươm kia sao mày không cho ta một nhát ?

Thạch Đạt Lang nhẹ nhàng đặt bà lão lên thuyền.

– Bà nằm tạm đây, con đi tìm Mãn Hà Chí.

Rồi hắn bỏ đi.

Nhưng bà Hồ Điểu không chịu. Bà la hét, gọi tên Thạch Đạt Lang chửi rủa, dùng hai chân bị trói đạp lung tung khiến chiếc thuyền nhỏ chòng chành
tưởng sắp lật.

Đi một quãng, nghĩ thế nào, Thạch Đạt Lang quay trở lại. Hắn tìm giây
chão buộc chặt hai đầu thuyền vào gốc liễu. Lại nhặt thanh kiếm gia bảo
nhà Hồ Điểu tra vào bao rồi cẩn thận đặt lên thuyền bên bà lão.

Lần này hắn bỏ đi hẳn, giữa những tiếng mắng nhiếc và câu nói sau cùng nghe được của bà Hồ Điểu:

– Thạch Kinh Tử ! Mày nói theo kiếm đạo mà ngu quá, có biết gì về kiếm đạo. Lại đây ta dạy cho, thằng tiểu tặc …

Thạch Đạt Lang mỉm cười, lẩm bẩm:

– Để rồi sẽ học sau.

oo Mặt trời đã lên cao, đỏ chói trên bầu trời xanh nhạt không vẩn mây.
Thạch Đạt Lang tưởng như những tia nắng mới của vầng thái dương xuyên
thấu tâm can.

Hắn nghĩ đến điều dân gian thường tin tưởng:

mỗi năm vào ngày mồng một, đúng lúc bình mình, tia sáng đầu tiên của mặt trời sẽ làm tiêu tán con sâu tư kỷ nó đục khoét tâm ta và ràng buộc ta
vào những ham muốn ti tiện. Ai bắt gặp tia sáng đó, suốt năm sẽ hưởng
hạnh phúc, an vui.

Thạch Đạt Lang phanh ngực áo, hít một hơi dài. Hắn hy vọng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.