Thạch Kiếm

Chương 14: Chim trời cá nước


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 14: Chim trời cá nước

A Kế Mỹ ngồi cạnh bờ sông, vừa giặt áo vừa khe khẽ hát một khúc tình ca học được khi xem tuồng Kabuki ở
đường Tân Hổ. Lời ca nhẹ nhàng, tiết điệu êm ái ru nàng vào ảo tưởng như được cùng đong đưa với làn gió xuân bên những cành đào nở đầy hoa vẽ
trên nền lụa mỏng.

Gió xuân, kìa gió xuân lơi.

Thoáng nhẹ trên đồi.

Phất phơ tung áo, bồi hồi lòng em …

Gió xuân có nặng bên rèm.

Sao lòng em nặng …

Giang đứng bên bờ sông nhìn thiếu nữ giặt áo và hát. Trong khung cảnh
thanh bình êm đềm ấy, nó bỗng thấy vui lây và tuy chẳng hiểu gì cũng mỉm cười:

– Cô nương hát hay quá !

A Kế Mỹ giật mình quay lại, ngạc nhiên nhìn thằng bé, nhỏ và đen đủi,
đeo thanh kiếm gỗ dài hơn người và đội một cái nón lớn rộng vành trông
như cái nấm.

– Em là ai vậy ? Sao gọi chị bằng cô nương ?

Khi nói, A Kế Mỹ vô tình để một chiếc áo tuột tay trôi theo dòng nước. Bắt không kịp, nàng kêu lên:

– Trời ơi ! Trôi mất cái áo rồi !

– Để em vớt hộ.

Giang chạy trên bờ sông, cầm kiếm gỗ chận áo rồi khều lên. Nó cười vui vẻ:

– Ít ra thanh kiếm này cũng không đến nỗi vô dụng !

A Kế Mỹ cười theo, thấy thằng bé dễ thương và nhanh nhẹn.

– Tên em là gì ?

– Giang.

– Em ở đâu, muốn hỏi chị điều gì thế ?

– Chị biết gần đây có trà thất nào tên là Vân Nghê quán không ?

– Biết chứ ! Nhà chị đấy ! Ở ngay trong khu vườn đằng sau chỗ em đứng đó !

– Vậy hả ! Thật là may. Thế mà em đi tìm mãi.

– Em tìm làm gì ? Em ở đâu tới ?

– Ở đằng kia.

Nó lấy tay khua khua chỉ phía trước mặt, không rõ ràng nhất định vùng nào.

– Đằng kia là chỗ nào ?

– Em cũng không biết nữa.

A Kế Mỹ mỉm cười:

– Thôi khỏi cần. Thế em muốn tìm nhà chị làm gì ?

– Em muốn tìm một người tên Hồ Điểu Mãn Hà Chí. Em hỏi ở võ đường Hoa Sơn, người ta bảo cứ đến quán Vân Nghê thì thấy.

– Ông ấy không ở quán.

– Chị nói dối !

– Không, chị không nói dối đâu ! Trước kia ông ấy có ở quán nhưng nay đi rồi.

– Đi đâu ?

– Chị cũng không biết.

– Nhưng ở quán, chắc phải có người biết chứ ?

– Không. Mẹ chị cũng không biết. Ông ấy trốn đi chẳng để lại tin tức gì.

– Lạ quá nhỉ ? Sao lại thế được ?

Giang ngồi xuống cỏ, mắt đăm đăm nhìn dòng nước chảy, chẳng biết phải làm thế nào.

– Ai sai em đến đây ?

– Sư phụ.

– Sư phụ em là ai ?

– Thạch Điền Đạt Lang.

– Em có mang thư gì của thầy em không ?

Giang lắc đầu:

– Không.

– Thằng này thật kỳ ! Mang tin gì mà không biết ở đâu đến lại chẳng có thư từ gì cả là thế nào ?

– Sư phụ em chỉ dặn miệng thôi.

– Dặn điều gì cho chị biết được không ? Có thể ông ấy không trở lại nữa, nhưng nếu gặp, chị sẽ chuyển lời cho.

– Không biết em có nên nói cho chị biết không ? Chị nghĩ thế nào ?

– Tùy em, chị chẳng nghĩ gì cả.

Ngồi yên một lúc, Giang mới mở miệng:

– Sư phụ em muốn gặp ông Mãn Hà Chí nên bảo em tin cho ông ấy biết thầy
em sẽ đợi ông ở Đại Kiều đường Gojo trong vòng bảy ngày đầu năm tới. Sư
phụ em muốn gặp ông ấy lắm !

A Kế Mỹ che miệng cười ngặt nghẽo:

– Thật chưa bao giờ chị thấy chuyện lạ vậy ! Bây giờ thầy em sai đi tìm
một người, bảo đợi đến sang năm mới cho gặp. Thầy em cũng kỳ cục chẳng
kém gì em cả !

Và nàng lại che miệng cười như nắc nẻ. Giang tức giận:


– Ô hay ! Sao chị cười hoài vậy ? Chuyện có gì đáng cười đâu !

– Em giận chị đấy hả ?

– Chứ gì nữa ! Em hỏi chị tử tế, nhờ chị giúp em một việc mà chị lại cười chế giễu!

A Kế Mỹ bình tĩnh lại:

– Thôi chị không cười nữa. Ừ, để khi nào gặp chị sẽ nói cho ông Mãn Hà Chí biết.

– Thật nhé.

– Thật.

Nhưng A Kế Mỹ vẫn không nhịn được cười. Nàng cắn môi một lát mới hỏi:

– À, thế em nói lúc nãy tên sư phụ em là gì ?

– Thạch Điền Đạt Lang, chị chóng quên quá !

– Viết thế nào ?

Giang nhặt một cành tre khô viết chứ Thạch Điền lên cát.

– Ô, đấy là họ Thạch, họ của Thạch Kinh Tử mà !

– Sư phụ là Thạch Điền, không phải Thạch Kinh Tử !

– Họ Thạch cũng viết thế.

– Nhưng không phải là Thạch Kinh Tử.

A Kế Mỹ lặng thinh, không cãi. Nàng nhìn chữ Thạch viết trên cát, tâm
hồn như để tận đâu đâu. Một lúc sau mới ngẩng lên nhìn Giang, ngắm nghía nó từ đầu đến chân và dịu dàng hỏi:

– Sư phụ em có phải ở vùng Mimasaka không ?

– Phải. Chị biết à ? Em ở Harima còn sư phụ em người làng Miyamoto, cũng gần đấy.

– Ông người cao lớn khỏe mạnh, tóc trên đầu không cạo hết như kiểu các kiếm sĩ phải không ?

– Đúng rồi ! Vậy chị có biết ông ấy ?

– Chị nhớ có lần sư phụ em nói vì cái sẹo lớn ở đỉnh đầu nên không muốn cạo hết tóc.

– Sư phụ nói với chị như vậy à ? Lúc nào thế ?

– Năm năm rồi còn gì, bấy giờ chị mới mười sáu.

– Chị biết sư phụ em lâu thế kia à ?

A Kế Mỹ không đáp. Những kỷ niệm ngày xưa ấy nay lại hiện lên, rõ ràng
và thân thiết như mới xảy ra hôm qua làm nàng bồn chồn không yên. Nghe
thằng bé nói, không còn hồ nghi gì nữa, sư phụ nó chính là Thạch Kinh
Tử. Nàng không lạ gì nếp sống phóng đãng của mẹ, lại chứng kiến tận mắt
sự trụy lạc của Mãn Hà Chí nên khi chọn Thạch Kinh Tử, nàng càng vững
tin ở sự chọn lựa của mình. Tư cách Thạch Kinh Tử khác tư cách Mãn Hà
Chí bao nhiêu ! Rất may nàng chưa lấy ai, mặc dầu ở trà thất đã có nhiều người lui tới xin cưới nàng làm vợ. Đối với những khách làng chơi say
sưa và khả ố ấy, nàng thường tỏ vẻ khinh bỉ. Bên cạnh họ, Thạch Kinh Tử
thật là con người lý tưởng, thường hiện ra trong những giấc mơ êm ái
nhất của nàng và trong những lúc nàng hát những bài diễm tình cố ý dâng
cho người trong mộng.

Thấy A Kế Mỹ không trả lời, Giang nói:

– Nhé …Chị đừng quên đấy ! Nếu gặp ông Mãn Hà Chí, chị nói hộ em.

Và bỏ cô thiếu nữ ngồi mơ mộng bên dòng sông, nó nhanh nhẹn chạy vào trong xóm.

oo Chiếc xa bò chất đầy ngô, gạo và các thổ sản khác đang ì ạch leo dốc. Trên nóc xe, một tấm biển chữ đen viết đậm nét:

“Công đức khách thập phương cúng chùa Đại Từ ở Nara” rung rinh theo nhịp bánh xe quay cút kít.

Giang theo sau xe, vừa đi vừa huýt sáo, thỉnh thoảng nhặt viên sỏi ném
vào bụi rậm hoặc cuốn lá làm kèn thổi te … te … Bỗng nhiên mắt nó
sáng lên như vừa tìm được điều gì thú vị. Nó chạy theo xe, bám lấy tấm
ván phía sau lấy đà đánh đu leo lên, nhẹ nhàng như một con mèo nhảy trên mái ngói.

Ngồi yên trên một bao gạo thấp, chân bỏ thõng đong đưa theo nhịp xe đi,
Giang sung sướng nhìn cây cối hai bên đường như chạy lùi trước mặt. Xa
xa, những giải đồi tròn trặn trồng toàn trà xanh uốn éo trải dài đến tận chân trời rồi lẩn vào màn sương mờ trắng đục. Vài cây anh đào nở muộn
còn hoa lấm tấm hồng, đây đó hai ba nông dân mặc áo chàm lúi húi làm
rẫy. Cảnh vùng Yamoto bấy giờ thật thanh bình và tươi đẹp.

Gió mát hây hây thổi, đôi mắt Giang nặng trĩu. Nó cố giữ cho khỏi buồn
ngủ nhưng thiếp đi lúc nào không hay. Chiếc xe va phải hòn đá lớn chao
mạnh làm Giang giật mình tỉnh giấc. Nó ước giá đường gồ ghề hơn chút nữa để đỡ buồn ngủ, sợ đến Nara không ai đánh thức.

Xe qua dưới một tàn cây, Giang đưa tay ra hái lá kẹp vào hai hàm răng
thổi một điệu nhạc nó vẫn thường nghe trong các đám hát dân dã. Tiếng
kèn làm gã xa phu chú ý, dừng xe lại. Ngó hai bên không có ai, gã làm lạ bèn vòng ra phía sau thấy Giang đang ngồi trên bao gạo. Tức giận, gã
túm lấy nó lớn giọng hỏi:

– Ranh con ! Mày làm gì trên đó ?

– Tôi có làm gì đâu !

– Ai cho mày trèo lên xe tao ?

– Tôi đi nhờ mà ! Mà ông có phải kéo xe đâu, bò nó kéo chứ !

– A thằng này hỗn.

Vừa nói gã vừa nắm cổ áo Giang xách lên ném xuống đất, thuận chân đá nó
một cái vào mông đau điếng. Giang ngã chúi vào gốc cây, nhưng biết phận
chẳng dám ta thán, chỉ lẩm bẩm nhìn gã xa phu vừa nguyền rủa vừa đánh xe đi khuất, tiếng lọc cọc của cỗ xe trên đường gồ ghề còn vọng lại như
chế giễu.

Ngồi một lúc, bỗng sực nhớ ra chuyện gì, Giang đứng bật dậy dáo dác tìm quanh.

Nó sờ lên cổ, lục trong tay áo, nét mặt càng lúc càng tỏ ra lo lắng. Nó
vừa nghĩ đến chiếc ống quyển đựng thư phúc đáp của võ đường Hoa Sơn bảo
nó mang về đưa sư phụ.

Nó nhớ rõ đã cẩn thận buộc ống quyển đó bằng một sợi dây gai đỏ, bây giờ không biết rơi đâu mất. Giang chạy ra chỗ chiếc xe bò dừng lại lúc nãy
rồi lại trở về bên gốc cây, vòng ra xa, lấy ta gạt những đám cỏ cao để
tìm cũng không thấy. Nó tỏ ra bối rồi thật sự.

Nhìn vẻ mặt hoảng hốt của thằng bé, một thiếu nữ trang phục theo lối lữ hành đi qua chợt dừng lại:

– Em đánh mất vật gì phải không ?


Qua chiếc nón rộng vành, Giang ngước nhìn thiếu nữ, gật đầu.

– Tiền hả ?

Giang không nói, chỉ lắc đầu rồi lại cúi xuống tiếp tục tìm quanh quẩn.

– Vậy chắc là cái ống tre dài chừng ba tấc, buộc dây đỏ phải không ?

Giang giật mình cuống quít:

– Phải rồi ! Phải rồi ! Sao cô nương biết !

– Vậy em đúng là thằng bé đã chọc cho ngựa chạy ở gần trại Mã Phố rồi !
Em đánh rơi ống quyển ở đó, có người nhặt được gọi trả mà em cứ chạy
hoài !

– Em lại tưởng họ đuổi theo bắt ! Cô nương trông thấy ai nhặt được ?

– Một vị ăn mặc theo lối kiếm sĩ, người cao lớn.

– Cô nương chắc không ?

– Chắc.

– Vậy em phải trở lại.

Nhưng mới chạy được vài bước, Giang đã nghe tiếng thiếu nữ gọi:

– Thôi đừng trở lại nữa. Ông ấy kia kìa, ở phía cánh đồng, đang đi đến đây đấy !

Giang mở to mắt nhìn. Một tráng sĩ cao lớn trạc ba mươi lăm, bốn mươi
tuổi bước những bước dài vội vã đến gần chỗ nó đứng. Cái gì ở ông ta
cũng khác với người thường:

vai nở, lưng rộng, râu rậm và đen mọc gần kín cả mặt, tay để trần to
lớn, chân đi dép cỏ đã cũ nhưng y phục còn tươm tất lắm. Trông dáng dấp, Giang chắc đây phải là một kiếm sĩ có danh vọng, bổng lộc đến ngàn gia. lúa chứ không ít. Nó hơi ngại, giật lùi lại phía sau, không dám hỏi.

May sao tráng sĩ lên tiếng gọi nó trước:

– Bé con ! Có phải mày đánh rơi cái ống đựng thư này gần trại Mã Phố không ?

– Dạ phải.

Tráng sĩ đưa ống quyển, Giang vội vàng giật lấy.

– À há …Không biết cám ơn à ?

Giang lí nhí:

– Dạ, cảm ơn ông.

– Thư quan trọng mà mày không giữ gìn cẩn thận để rớt dọc đường, thật đáng đánh đòn.

– Dạ.

Chợt nghĩ không biết sao ông này lại biết là thư quan trọng, Giang vội hỏi:

– Ông mở ống ra xem thư đấy à ?

– Dĩ nhiên ! Nhặt được cái gì thì phải mở chứ ! Nhưng ta không xem thư đâu, vẫn còn nguyên niêm đấy. Mày kiểm lại đi !

Giang mở ống quyển, ghé mắt nhìn vào thấy phong thư vẫn còn nguyên vẹn thì yên dạ, đậy nắp lại đeo lên cổ. Nó tự nhủ:

– Lần này mình phải cẩn thận hơn mới được !

Thiếu nữ thấy thằng bé lúng túng, vội đỡ lời:

– Cảm ơn tráng sĩ. Giá không có tráng sĩ thì cuốn thư chắc bị mất rồi.

Tráng sĩ cười:

– Thằng bé này đi với cô nương đấy à ?

– Không. Tiểu nữ mới gặp nó ở đây thôi.

– Nó đội cái nón gì lạ quá, lại có chữ viết “giường cho thuê” là thế nào ?

Thiếu nữ cũng cười:

– Tiểu nữ cũng không hiểu, nhưng thấy nó có vẻ lo lắng, tội nghiệp quá !

Quay sang Giang, nàng hỏi:

– Em định đi đâu ?

Tìm lại được ống thư, Giang yên tâm vui vẻ đáp:

– Em đi Nara, đến Quang Minh hội. Cô nương cho em đi cùng nhé ?

Thiếu nữ gật đầu. Bước sau người con gái, Giang bỗng chú ý đến một cái
túi nàng giắt ngang lưng, đựng một vật dài như ống tre nó đương đeo trên cổ. Giang tò mò hỏi:

– Cô nương cũng mang thư đấy à ?

– Không. Sao em hỏi thế ?

– Thế cái gì cô nương giắt ở thắt lưng đó ?

Thiếu nữ mỉm cười:

– À, cái sáo !

– Cái sáo ?

Giang bước vội đến gần hơn, không ngần ngại ghé sát mắt vào lưng thiếu
nữ nhìn cây sáo. Đột nhiên nó có cảm giác là lạ. Tuy còn bé, nó cũng
biết thế nào là một người đẹp và bản năng của nó mơ hồ cho biết đây là
một thiếu nữ còn thanh khiết. Giang ngẩng lên nhìn thiếu nữ, xúc động
trước vẻ dịu dàng và cao quý của gương mặt nàng. Nó lùi lại, nửa e thẹn
nửa sợ hãi, không dám nhìn nữa, tự nhủ:

“Chà ! Cô nương này sao đẹp quá ! Mình có người bạn đồng hành như thế này từ đây đến Nara thật là may !” Nó ấp úng:


– Em thấy cái sáo rồi. Cô nương biết thổi sáo à ?

Tiếng “cô nương” nó dùng xưng hô với thiếu nữ làm nó liên tưởng đến phản ứng của người con gái giặt áo ven sông nó mới gặp chiều qua nên không
đợi trả lời, nó hỏi tiếp ngay:

– Cô nương tên gì thế ?

Thiếu nữ đưa mắt nhìn tráng sĩ đi cùng với mình, mỉm cười. Ông này cũng nhếch mép bảo Giang:

– Thằng này thật chẳng biết lễ độ gì ! Phàm lệ nếu muốn hỏi danh tính ai, phải xưng tên mình trước đã chứ !

– Tên cháu là Giang.

Thiếu nữ và tráng sĩ cùng cười. Giang phản đối:

– Các vị làm vậy không công bằng. Cháu đã nói tên rồi, sao các vị lại cười ?

Tráng sĩ hơi thẹn, lập nghiêm:

– Tên ta là Sử Đà.

– Chắc đó là tên họ. Thôi cũng được. Còn cô nương tên gì ? Nếu cô nương không nói thì vị này sẽ chê là vô lễ đó !

– Tên ta là Oa Tử.

– Oa Tử ! Oa Tử ! Nghe quen quá !

Nó lặng yên, đi một lúc, rồi lại liến thoắng:

– Cô nương mang sáo đi đâu vậy ?

– À, ta thổi sáo kiếm tiền độ nhật.

– Cô nương làm nghề thổi sáo à ?

Oa Tử cười:

– Ta không rõ có nghề nào là nghề thổi sáo không, nhưng nhờ ống sáo này ta mới có tiền chi dụng. Nếu em cho là nghề cũng được.

– Cô nương thổi sáo trong những cuộc lễ lạc ở chùa hay ở miếu phải không ?

– Không.

– Hay cho những ban nhạc rong diễn tuồng Kabuki ?

– Cũng không phải.

– Vậy cô nương thổi điệu gì ?

– Thì những khúc dân nhạc mọi người vẫn thường nghe ấy mà !

Riêng tráng sĩ rậm râu lại chú ý đến thanh kiếm gỗ của Giang:

– Chú bé đeo vật gì sau lưng thế ?

– Thanh kiếm gỗ. Ông không nhìn thấy thanh kiếm gỗ bao giờ à ? Cháu tưởng ông là kiếm sĩ chứ !

– Ta chính là kiếm sĩ, nhưng thấy mày còn bé lại mang thanh kiếm quá dài nên hỏi cho biết.

– Cháu học kiếm thuật.

– Chà ! Vậy mày có sư phụ chưa ?

– Có rồi !

– Người mày mang thư hộ đấy hả ?

– Vâng.

– Chắc sư phụ mày giỏi lắm nhỉ !

– Cũng chẳng giỏi lắm đâu ông.

– Sao ? Mày nói gì ?

– Sư phụ cháu đánh kiếm xoàng lắm, ai cũng chê.

– Thế sao mày theo ông ấy ? Sư phụ kém, mày không buồn à ?

– Không. Cháu đánh kiếm cũng không ra gì nên chẳng cần.

Tráng sĩ nghe thằng bé nói muốn phì cười nhưng giữ ngay được, mặt tuy lập nghiêm mà khóe mắt không dấu nổi vẻ khoái trá.

– Thế mày đã học được chút gì về kiếm thuật chưa ?

– Chưa. Thật ra chưa học được gì !

Lần này thì tráng sĩ không giữ nổi nữa, phá lên cười ha hả. Thiếu nữ nghe chuyện cũng lấy tay che miệng.

– Hà hà … Đi đường chung với thằng bé này cũng đỡ buồn. Đường ngắn được chút!

Quay sang Oa Tử, trung niên tráng sĩ lại hỏi:

– Còn cô nương đi đâu ?

– Tiểu nữ đi Nara, nhưng chưa định trọ Ở chỗ nào cả. Tiểu nữ muốn tìm
một người quen cũ là kiếm sĩ. Nghe nói dạo này kiếm khách giang hồ lạc
thảo đến tụ Ở Nara đông lắm, may ra nhờ ơn trời Phật …

Qúa trưa, cả ba người tới chân cầu Uji. Dưới mái hiên quán trà nhỏ ven
đường, một ông lão râu tóc bạc như cước ngồi giữa chiếu, dùng gáo tre
chuyên trà từ ấm lớn sang các bát sành cho khách đứng ngồi lố nhố xung
quanh. Thấy Sử Đà, ông lão ngừng tay gọi lớn:

– Sử đại nhân, vào đây đã ! Lâu lắm lão phu chẳng thấy ai ở Trúc Lâm cốc đi qua.

Nhớ quá ! Nhớ quá !

– Bọn tại hạ chỉ muốn nghỉ chân một lát. Xin lão trượng cho tự nhiên.

Cả ba người cùng bước vào quán:

– Xin lão trượng cho vài cái bánh, thằng nhỏ này chắc đói rồi.

Bánh mang ra, Giang nhót lấy hai chiếc, vòng cửa sau mang lên đồi ăn.
Với những trẻ hiếu động như nó, ngồi yên chuyện vãn thật chẳng hứng thú
gì. Oa Tử nhấp trà, hỏi lão quán:

– Từ đây đến Nara còn xa không lão trượng ?

– Còn xa. Nếu đi nhanh thì chỉ quá Kizu trước khi trời tối. Sức cô nương, chắc là phải nghỉ ở Taja hay Ide.

Sử Đà đỡ lời:

– Cô nương đây muốn đến Nara tìm người quen nhưng không rõ địa chỉ.

Rồi ngập ngừng, hắn gãi râu:

– Nghĩ chẳng nên phải không lão trượng ? Nara bây giờ không như trước. Thân gái dặm trường đến Nara một mình e không tiện.

Lão quán nhìn Oa Tử, gật gù:

– Phải, đại nhân nói phải lắm ! Thật không nên !

Khách hàng nghe chuyện cũng phụ họa:

– Đúng vậy. Nara bây giờ nguy hiểm lắm ! Khách phương xa cứ tưởng nơi đó là thị trấn cổ kính, đền đài lăng tẩm mỹ lệ, không giặc giã cướp bọc
gì, nhưng lầm lắm. Từ sau vụ Sekigahara, số kiếm sĩ thất trận không biết chạy đi đâu đổ về ẩn trốn ở đó rất nhiều.

Có người khá, nhưng phần đông nghèo đói, sống về nghề thảo khấu, ước

lượng có đến hàng ngàn không đủ cơm ăn chứ đừng nói gì khôi phục lại địa vị cũ. Thế lực Tôn gia ngày càng mở rộng, vùng Nara thế nào cũng bị càn quét, nhưng hiện nay số kiếm khách lưu lạc lợi dụng nơi người thưa rừng rậm này đặt sào huyệt tụ họp ăn hàng không phải là ít. Khách lạ nếu
không rõ đường đi nước bước, khó mà được an toàn.

– Ờ ờ …Các tay kiếm lừng lẫy giang hồ một thời như Hà Nguyên Cát, Hồ Uy Thạch, Hoàng Tế …nghe nói đều lẩn quất ở đấy cả.

– Phải rồi. Nhiều tay nghèo đói quá, bán cả gươm lấy tiền độ nhật. Rồi
rượu chè, ẩu đả, gây hỗn loạn mong kéo dài tình trạng bất ổn để thừa cơ
nước đục thả câu. Cô nương chẳng nên đến chỗ đó làm gì !

Mỗi người một câu, ai cũng cho Nara là nơi gió tanh mưa máu làm Oa Tử lo sợ.

Nàng ngồi yên lưỡng lự. Giá có tin gì, dù không đích xác đi nữa, là
Thạch Đạt Lang có mặt ở đó thì nàng cũng quyết tâm đi cho bằng được.
Đằng này, từ khi bỏ nàng lại trên cầu Himeji, hắn như chim trời cá nước, chẳng để lại tung tích gì.

Sử Đà thấy nàng do dự, hỏi:

– Cô nương tên là Oa Tử, lại biết chơi sáo phải không ?

– Dạ phải.

– Tại hạ đề nghị thế này có hơi đường đột, nhưng như cô nương biết đấy
và các vị Ở đây đều đã nói rõ, cô nương nên bỏ ý định đi Nara, theo tại
hạ đến Trúc Lâm cốc. Tại hạ sẽ tiến dẫn cô nương lên cốc chủ.

Rồi như muốn biện minh thêm cho ý định ngay thẳng của mình, Sử Đà tiếp:

– Tại hạ là Sử Đà Chu An Môn, phục thị tại Trúc Lâm cốc. Chủ nhân tại hạ bây giờ đã già, trên tuổi, chán cảnh bon chen giang hồ nên treo kiếm
quy ẩn. Được cô nương vui lòng thỉnh thoảng cho nghe một vài thanh điệu, chắc người cũng đỡ cô tịch.

Lão quán vui vẻ thêm vào:

– Cốc lão nhân chính là tay đại kiếm sĩ Trúc Mộ Chính, từ khi về ở ẩn
còn có biệt hiệu là Trúc Lâm cư sĩ. Thật là một đại gia, danh vọng ít ai bằng. Hân hạnh ấy, cô nương chẳng nên từ chối.

Oa Tử từ khi ở chùa cũng đã nghe danh Trúc Mộ Chính. Nàng cho là may mắn có cơ duyên gặp được Sử Đà nhưng vẫn ngần ngại:

– Chỉ sợ tiện kỹ không đáng để lọt tai cốc lão chủ.

– Không sao ! Không sao ! Trúc Mộ lão nhân gia tính tình khoáng đạt,
không như các kiếm sĩ khác đâu ! Người ưa sự bình dị, có lẽ cô nương quá khiêm tốn đó thôi !

Oa Tử ngồi suy nghĩ. Nàng tính nếu đi Nara, không chắc gì đã tìm được
Thạch Đạt Lang. Vả lại, hiện nay giới giang hồ đều đồng ý cho rằng Trúc
Mộ gia là nơi tập trung nhiều kiếm khách cao thủ, có phần danh tiếng hơn cả Hoa Sơn phái. Vậy rất có thể Thạch Đạt Lang cũng đến đó. Nếu nàng
tìm thấy tên Thạch Đạt Lang trong danh sách quan khách đến viếng Trúc
Lâm cốc thì may mắn chừng nào ! Biết đâu …

Nghĩ thế, Oa Tử vui vẻ gật đầu:

– Nếu tráng sĩ thấy tiểu nữ không đến nỗi bất tài thì xin vâng.

– Vậy hay lắm ! Xong tuần trà này ta lên đường thôi. Hành trình còn xa mà cô nương sức yếu …Cô nương biết cưỡi ngựa không ?

– Dạ biết.

Sử Đà lấy tiền trả chủ quán rồi nhờ người đi thuê ngựa để Oa Tử cưỡi,
còn hắn và mã phu đi bộ dẫn đường. Hắn gọi Giang. Thằng bé chạy từ trên
đồi xuống, thở hổn hển:

– Các vị đã đi rồi à ?

– Ừ, chúng ta đi thôi kẻo tối.

Dọc đường, Sử Đà hỏi Giang làm gì trên đồi. Giang đáp:

– Cháu xem người ta đánh bạc. Có đến chục người quây quần dưới gốc cây cãi nhau ỏm tỏi.

Gã giữ ngựa cười:

– Chắc lại mấy tên kiếm khách giang hồ đó chứ gì ! Chẳng có việc gì làm, chúng tụ nhau lại sát phạt.

– Họ kiếm ăn bằng nghề đó à ?

– Vậy còn khá. Có đứa đi cướp đường, cướp chợ, bắt cóc trẻ con đòi tiền
chuộc, chẳng chuyện gì tệ hại đến đâu mà chúng không làm !

– Sao quan quân không bắt ?

– Bắt không xuể. Lính tuần thì ít mà chúng thì đông, nhiều đứa võ nghệ khá lắm, lính cũng nể.

Giang đỏ mặt chen vào:

– Này ông kia ! Sao ông vơ đũa cả nắm vậy ? Kiếm khách giang hồ cũng có
người tốt kẻ xấu chứ ! Thầy tôi là một kiếm khách giang hồ đấy !

– Vậy hả ? Chả trách mày bênh thầy mày !

– Thầy tôi không phục vụ ai nhưng là một kiếm khách có danh dự.

– Thầy mày thuộc môn phái gì ?

– Không biết.

– Thằng này lạ ! Đồ đệ mà không biết tông môn.

Rồi quay sang Sử Đà, gã giữ ngựa tiếp:

– Bây giờ ai cũng tự cho mình là kiếm sĩ. Khách quan cứ đi trên đường
này một lúc là thấy hàng chục kẻ mang kiếm nghênh ngang, chẳng hiểu có
tài cán gì không nhưng cũng làm nhiều người e ngại !

Gã liếc nhìn Giang:

– Đến như cái thằng bé này cũng vậy. Trông có khác gì con rận vác cái
tăm ! Họ cứ tưởng đeo gươm là trở thành kiếm sĩ, có biết đâu không bỏ
thây dọc đường thì cũng chết đói.

Nghe giọng khinh mạn của gã mã phu, Giang tức đỏ mặt. Nhưng nghĩ đến
chuyện bị tên đánh xe ném xuống đất, nó yên lặng quay đi không phản ứng.

Toán người ngựa đi theo đường chính đến tận bến đò sông Kizu. Tới bến, Sử Đà bảo Giang:

– Bé con ! Chúng ta chia tay nhau ở đây. Chiều rồi, chẳng bao lâu nữa mặt trời lặn.

Mày nên để ý đừng làm mất ống thư, và cũng đừng la cà dọc đường.

Giang ngạc nhiên:

– Thế còn cô nương ? Cô nương đi với em chứ ?

Oa Tử xuống ngựa vội nói:

– Xin lỗi, ta quên không cho em biết. Ta đi theo tráng sĩ này đến Trúc Lâm cốc.

Giang sững sờ, đứng lặng. Oa Tử tần ngần nói với nó:

– Thôi em đi. Hãy bảo trọng lấy thân.

Giang gắng gượng hỏi:

– Cô nương định tìm ai, tên gì ? Cho em biết được không ?

Nhưng Oa Tử không trả lời. Nàng lẳng lặng bước xuống thuyền, vẫy tay từ biệt.

Giang buồn rầu nhìn người lái đò chở cả bọn sang bên kia sông. Nó nhặt
một viên đá ném thia lia trên mặt nước. Viên đá tưng lên vài lần rồi
chìm, để lại những vòng tròn theo nhau lan rộng ra xa, xa dần, trên mặt
sông sáng loáng dưới bầu trời chiều đỏ rực.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.