Bạn đang đọc Tha cho em, được không? – Chương 10
CHƯƠNG 10: HÀNH TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC.
Đã kết thúc.
Có lẽ thực sự đã đến lúc để bắt đầu.
Trốn chạy quá lâu rồi.
Thở dài, căn phòng thật yên tĩnh. Tôi vào trang riêng của mình và gõ một câu.
“Cần phải bắt đầu”.
Gập laptop lại, tôi không biết chị còn update blog nữa không. Đã hơn bốn tháng mà không thấy một bài viết mới nào. Đột nhiên nghĩ sau này blog tôi sẽ không còn chị đọc nữa và chị sẽ không bình luận ủng hộ tôi thì thực sự cảm thấy luyến tiếc. Nếu có thể tôi mong gặp được chị ở bên ngoài có lẽ chúng tôi thực sự ăn ý.
Ngắm nhìn căn phòng một lượt. Tôi đã ở phòng khách sạn này được hơn bốn tháng. Nó quen thuộc như là phòng ở nhà vậy. Trên tủ lạnh tôi còn đính đầy những bức hình mà mình đã chụp cùng với người bản xứ ở đây. Trên đầu tóc là bức ảnh mà Thomas – một nhiếp ảnh gia tôi tình cờ quen được khi đang ngồi ngắm bình minh. Anh ta bảo đây là bức ảnh anh ta thích nhất, vì nó thực sự có hồn. Nhưng tôi lại vô cùng thắc mắc, hồn của bức ảnh đó ở đâu, khi trong hình chỉ là tôi, đang nhìn xa xăm về phía chân trời, trên mình chỉ mặc một chiếc đầm dài màu xanh, chân trần ngồi bó gối trước biển. Trước cửa tủ áo quần vẫn còn treo một chiếc váy bohemieng màu hồng của bà Génie Céleste tặng khi bà ở khách sạn này, và tất nhiên tôi là phiên dịch tạm thời của bà vì bà là người Pháp. Những thứ đó tuy nhỏ nhặt nhưng giờ này lại vô cùng ý nghĩa. Dù không muốn lắm nhưng đã đến lúc rời khỏi đây. Có lẽ có điều gì đó thầm lặng thay đổi. Tôi không biết và cũng không muốn biết.
Tạm biệt khách sạn Cosmopolitan sang trọng, tạm biệt bãi biển St Kilda xinh đẹp, và tạm biệt con đường Carlisle nhộp nhịp. Tôi không biết khi rời khỏi một nơi xinh đẹp đến động lòng người thế này tôi có thể mạnh mẽ để tiếp tục sống hay không nhưng tôi biết là mình đã dựa dẫm vào Kilda quá lâu rồi. Đã đến lúc cần ra đi và đến lúc tôi nên sống cho bản thân nhiều hơn và nên tự tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Tôi sẽ vẫn là một Lam Anh độc lập, một Lam Anh mạnh mẽ, tự tin và cao ngạo.
Đêm nay không ngủ được, thế nên tôi đành phải dọn hành lí và quyết định mai rời đi sớm. Tôi chọn mặc váy của bà Génie Céleste. Đứng trước gương ngắm qua ngắm lại, thấy mình trong chiếc váy hồng xinh xắn như tươi tỉnh hẳn. Trước khi đi Génie tặng tôi chiếc váy này, bà bảo:
– Con gái à, ta cảm thấy ta đang sống rất hạnh phúc vì lúc nào ta cũng nghĩ thế. Và ta hy vọng con cũng thế. Cuộc đời này rất đẹp con ạ, nếu con có niềm tin, con sẽ tìm được hạnh phúc cho chính mình. Ta tin con sẽ hạnh phúc vì con rất nhân hậu…
Và bà còn nói gì đó nữa nhưng tôi không thể nghe rõ, có lẽ vì tôi chưa thông thạo tiếng Pháp lắm. Nhớ đến đây, tôi vội lục lại vali. Thở phào nhẹ nhõm, tôi vẫn còn giữ một chiếc card mà bà đưa tôi trước khi ra đi.
– Con gái, đây là địa chỉ của ta ở Pháp. Nếu có dịp con hãy đến tìm ta, xem như là thăm ta. Ta sẽ nhớ con nhiều lắm. Hạnh phúc nhé, con gái!
Tôi nhớ ngày hôm đó tôi đã ôm bà rất chặt trước khi bà lên taxi và mắt tôi khi đó đã ngấn nước. Tôi sẽ không quên bà. Tuy chỉ tiếp xúc vài ngày với bà nhưng bà lại như một người bạn, đồng thời là một người mẹ. Tôi cũng sẽ nhớ bà nhiều lắm! Tôi tự hứa với mình sẽ quay lại thăm bà.
Đi đến quầy tiếp tân, đặt hành lí sang một bên tôi làm thủ tục trả phòng. Các cô tiếp tân có vẻ ngạc nhiên. À mà không ngạc nhiên sao được, tôi ở đây cả bốn tháng cơ mà. Trong lúc chờ đợi, cô thu ngân tóc vàng có đưa cho tôi một cái thẻ VIP, đại khái là vì lúc này Cosmopolitan đang có chương trình tặng thẻ gì đấy. Mà thời gian của tôi ở đây đủ lâu để được cấp lên làm VIP ấy chứ, đã mất bao nhiêu tiền thế cơ mà. Nhắc đến tiền, tôi nghĩ tôi chẳng còn bao nhiêu nữa đâu. Cả thẻ tôi và thẻ của hắn nếu tiếp tục ở đây thì đúng thật là tán gia bại sản.
Với số tiền còn lại trong thẻ có lẽ tôi có thể tìm một căn hộ nhỏ để sống và sẽ cố gắng đi tìm kiếm một công việc nào đó. Thực sự tôi chưa hề có suy nghĩ sẽ về nước. Có lẽ tôi chưa sẵn sàng, chắc chắn sẽ về nhưng không phải là bây giờ. Tôi đã có thời gian bốn tháng để quên đi, nay tôi lại cần thêm một thời gian nữa để thích nghi với mọi thứ.
Quyết định sẽ thuê một căn hộ ở gần đại học Melbounre, là trường đại học lâu đời thứ hai tại Úc và lâu đời nhất tại tiểu bang Victoria. Đồng thời là trường đại học mà tôi hằng ao ước được đặt chân vào, nếu mọi chuyện không xảy ra, có lẽ tôi đã là một sinh viên trường đại học này.
Từ Carlisle đến ngoại ô Parkville không xa lắm nên tôi quyết định sẽ đi bằng taxi. Hôm nay tôi muốn được thoải mái ngắm nhìn St Kilda một lần. Kéo chiếc vali màu xanh đến quán coffee nhỏ mà tôi vẫn thường hay ngồi của khách sạn. Gọi một phần bít tết và một cốc sữa tươi nóng để lót dạ. Hôm nay hương vị của món bít tết rất ngon và cốc sữa bò khiến tôi thấy tỉnh hẳn. Tôi lấy máy ảnh và chụp lại toàn bộ khung cảnh quán coffee vào sáng sớm, vì còn rất sớm nên quán không đông khách lắm.
Tôi nhờ bảo vệ gọi giúp mình một chiếc taxi. Mặc dù sáng sớm nhưng thái độ của của bác tài xế rất chuyên nghiệp. Ông vẫn niềm nở đón tôi và giúp tôi đặt hành lí vào sau xe. Ông hỏi tôi muốn đi đâu bằng giọng Úc hết sức thân thiện. Tôi bảo ông là đến đại học Melbounre. Ông mỉm cười, gật đầu rồi cho xe chạy.
Vẫn là con đường Barkly hết sức quen thuộc, là con đường mà tôi thường đi qua để đến siêu thị, giờ này có lẽ còn sớm nên trên phố không đông đúc và nhộn nhịp như thường ngày. Một chút nuối tiếc nhưng tôi vẫn chụp lấy một tấm, nếu biết trước thì tôi đã chụp con đường lúc đông người rồi.
Sau đó chúng tôi rẽ vào con đường Grey với những tòa nhà giống nhau cao và cổ kính. Bất chợt đi ngang qua tiệm coffee Dr Jekyll tôi bảo bác tài dừng xe lại. Dr Jekyll trang trí rất đẹp, logo của tiệm cũng rất độc đáo. Vì đã dùng bữa sáng rồi, nên tôi chỉ gọi một cốc Expresso mang đi. Trong lúc chờ đợi tôi tranh thủ chụp vài góc của quán, quầy pha chế, chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ có thể nhìn ra ngoài phố, và cả anh chàng pha chế dễ thương nữa. Tôi mỉm cười với anh ta và cầm lấy cốc cà phê của mình. Tôi tiếp tục đi ngang qua nhà hàng Graze on Grey, trung tâm tình thương Scared Heart và cả trung tâm thể hình St Kilda. Tất cả các cảnh hiện lên trước mắt xa lạ mà gần gũi. Bây giờ thì thật sự hối tiếc tại sao bốn tháng kia tôi chỉ lầm lì ở trong phạm vi khách sạn cơ chứ. Tự nhủ lòng sẽ quay về St Kilda, nhưng liệu có thể không?.
Ra khỏi con đường Grey, xe tiếp tục chạy trên con đường lớn Canterbury. Đi hết Canterbury gặp một đèn đỏ chúng tôi dừng lại. Sau đó bác tài tiếp tục rẽ phải vào con đường Albert, đến đường King, Dudley, Peel rồi rẽ sang đường lớn Victoria. Vừa vào đường Victoria, tôi thấy ngay Queen Victoria Market. Một khu chợ sạch sẽ và sầm uất. Tôi bảo bác tài đợi mình rồi một mình đi vào trong chợ. Lúc này trong chợ rất đông người, thu hút tôi nhất có lẽ là những sạp hoa quả được bày bán, đầy đủ các loại, đầy đủ màu sắc. Tôi liền mua một cân dâu tây và một cân táo đỏ. Đến quầy đông lạnh tôi mua yogurt nguyên chất, rất nhiều xúc xích và cá hồi. Có lẽ từ giờ sẽ không còn ăn ở khách sạn nữa, nên tự mình nấu ăn là chuyện đương nhiên. Cứ đi dọc các sạp hàng thịt, tôm, tôi lại mua một ít và đương nhiên không quên chụp ảnh lại. Đủng đỉnh xách túi lớn, túi nhỏ ra khỏi chợ, bác tài xế thấy tôi liền chạy đến ý bảo xách giùm, nhưng tôi bảo với ông là có thể tự xách được và tặng ông một túi táo đỏ. Ông mỉm cười, nói cảm ơn rồi nhận lấy và bảo rằng con ông sẽ rất thích. Chúng tôi gần đến nơi nhưng cũng đã gần đến trưa rồi, bác rẽ trái sang đường Swanston, tôi sực hỏi bác ấy có tiệm cắt tóc nào gần đây không. Ông bảo có nhưng tiệm đó không nổi tiếng lắm. Tôi bảo ông “không sao, cháu chỉ muốn cắt ngắn tóc lên thôi ạ”. Ông dừng xe tại một tiệm cắt tóc đường đó, và thực sự là tiệm này rất không nổi tiếng, đến cả bảng tên mà tôi đọc cũng không ra nữa. Tấm bảng mù mờ, xiêu vẹo, gần như lúc nào cũng có thể rơi ra khỏi cửa tiệm. Đến lúc đi ra thì bác tài xế hoàn toàn bất ngờ.
– Tóc cô đẹp lắm sao cô lại cắt thế kia? Cô là người châu Á, đúng không? Tóc cô rất đen và rất mượt.
– Vâng, cháu là người châu Á, là người Việt Nam ạ. Cháu để tóc dài thế này lâu lắm rồi, nên hôm nay muốn cắt ngắn cho khác ạ.
– Tuy hơi tiếc nhưng vẫn rất hợp. Nhưng có quá ngắn không cô?
Tôi vuốt mái tóc ngắn đến ngang vai của mình, cũng không là quá ngắn cơ mà. Nãy tôi còn muốn cắt ngắn hơn nhưng bà chủ cửa tiệm không chịu đấy chứ. Tôi hỏi bác gần đến chưa, bác trả lời chỉ cần đi hai con đường nữa là đến.
Đến lúc này tôi mới bắt đầu lo lắng, tôi quên rằng mình chưa tìm được căn hộ nào mà đã đến Parkville thế này thì tối nay ngủ ở đâu cơ chứ. Lại khách sạn à, tôi không muốn đâu. Thức ăn cũng mua nhiều thế kia rồi, lại muốn tự nấu ăn cơ.
Kia rồi đường Grattan, đến nơi rồi. Nhưng khi rẽ vào đường Grattan thì tôi thực sự lo lắng. Tôi hỏi bác tài có biết chỗ nào cho thuê phòng hoặc là căn hộ cho thuê ở gần đây không. Sau một hồi liên lạc với người quen bác bảo có, nơi đó cũng gần trường và liền chở tôi đến đó. Lúc đi ngang qua đại học Melbounre tôi rất hồi hộp. Ngày mai tôi sẽ dành một ngày để thăm trường, nhất định.
Bác tài chở tôi đến một căn hộ cách trường khoảng 2 cây số. Quá tuyệt, cùng nằm trên tuyến đường đến trường, lại còn rất gần Melbourne University Bookshop. Bác tài tốt bụng lấy hành lí trên xe giúp tôi và đợi cùng tôi cho đến khi giao dịch xong với bà chủ nhà. Tôi rất biết ơn ông ấy và tiễn ông đến lúc ông rời đi tôi mới vào nhà.
Tôi quyết định thuê nhà ở đây, nhưng lại sống chung với vợ chồng bà Smith. Tôi có một căn phòng riêng rất rộng, có nhà vệ sinh riêng trong phòng. Tuy nhiên phòng khách và nhà ăn lại dùng chung với ông bà. Không bất tiện lắm và tuyệt hơn nữa là vì ở đây thường cho sinh viên thuê nên giá thuê nhà có vẻ rất ổn.
Bắt đầu, hôm nay là ngày bắt đầu cho cuộc sống mới của tôi. Cuộc sống tự do, thoải mái, tuy không phải là sinh viên của trường nhưng được sinh sống và làm việc ở Melbourne thế này rất thoải mái, là cuộc sống mà tôi hằng mơ ước.