Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 52
TÔI ĐUỢC GỌI LA SIYAH
Phần 1
Khi Trưởng Ngân khố và các quan trông coi Quốc khố mở cổng với trình tự trang trọng, hai mắt tôi đã quá quen thuộc với ánh đỏ mượt mà của các gian Quốc khố đến độ ánh nắng sáng sớm mùa đông từ sân Cấm thành Enderun trông có vẻ khủng khiếp. Tôi đứng chết lặng, giống như Sư phụ Osman: Có vẻ như nếu tôi nhúc nhích, những manh mối chúng tôi tìm được trong bầu không khí đặc quánh, đầy bụi bậm, ẩm mốc của Quốc khố có thể sẽ biến mất.
Với sự kinh ngạc tò mò, như thể nhìn thấy một vật tuyệt diệu nào đó lần đầu, Sư phụ Osman nhìn chăm chăm ánh sáng đang chiếu tới chúng tôi qua những cái đầu lô nhô của các quan trông coi Quốc khố xếp hàng hai bên cánh cổng mở.
Đêm trước đó, tôi nhìn theo khi ông lật các trang của cuốn Shahnameh. Tôi cũng nhận thấy vẻ kinh ngạc này lướt qua khuôn mặt ông khi bóng ông in trên tường hơi run, đầu ông cúi sát xuống kính lúp, đôi môi ông thoạt tiên hơi cong lại, như thể sắp thốt ra một bí mật sung sướng, sau đó thì co giật khi ông nhìn với vẻ kính sợ vào một bức minh họa.
Sau khi cánh cổng được đóng lại, tôi bồn chồn lang thang giữa các căn phòng mà trong dạ lại càng bức bối hơn; tôi lo lắng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không có đủ thời gian để thu thập thông tin từ những pho sách trong Quốc khố. Tôi có cảm giác rằng Sư phụ Osman không hết lòng tập trung vào công việc của ông, và tôi nói với ông những hoài nghi của mình.
Giống như một người thầy đích thực đã quen với việc chăm sóc thợ học việc, ông nắm tay tôi theo một kiểu trấn an. “Những kẻ như chúng ta không có chọn lựa nào ngoài việc cố nhìn thế giới theo cách Thượng đế nhìn và chấp nhận sự phán xét của Người,” ông nói. “Và ở đây, giữa những bức tranh và của cải này, ta có cảm giác rõ rệt rằng hai việc này đang bắt đầu quy về một điểm: Khi chúng ta tới gần cách nhìn thế giới của Thượng đế, thì sự phán xét của Người cũng tới gần chúng ta. Xem đây, cây kim mà Thầy Bihzad dùng để tự đâm mù mình…”
Sư phụ Osman lạnh lùng kể câu chuyện về cây kim, và tôi xem xét kỹ đầu mũi cực nhọn của vật thể đáng ghét này dưới chiếc kính lúp mà ông đã hạ thấp để tôi thấy rõ hơn, một màng màu hồng phủ đầu kim. “Những bậc thầy xưa sẽ chịu sự dằn vặt của lương tâm vì họ đã thay đổi tài năng, màu sắc và phương pháp của mình,” Sư phụ Osman nói. “Họ cho rằng thật đáng hổ thẹn khi một ngày nào đó ta nhìn thế giới như một vị vua phương Đông đã ra lệnh, rồi kế đó như một vị vua phương Tây ra lệnh – y như cách nhìn của những họa sĩ thời nay vậy. Đôi mắt ông không nhìn vào mắt tôi mà cũng không nhìn vào trang giấy trước mặt. Có vẻ như ông đang nhìn vào cõi trắng toát xa xôi không thể đạt tới. Trên một trang của cuốn Shahnameh nằm mở trước mặt ông, quân Ba Tư và Turnania đang đánh nhau dữ dội. Khi những con ngựa xáp chiến, những chiến binh anh hùng giận dữ rút gươm và tàn sát nhau với sắc thái và niềm vui như lễ hội, áo giáp của họ bị ngọn giáo của kỵ binh đâm thủng, đầu và tay họ bị chặt rời, xác họ bị xả đôi phơi khắp chiến trường.
“Khi những bậc thầy vĩ đại thời xưa buộc phải chấp nhận phong cách của những kẻ chiến thắng và bắt chước các nhà tiểu họa của họ, họ bảo toàn danh dự bằng cách dũng cảm dùng một cây kim tự đâm mù mắt. Phải, trước khi bóng tối nguyên tuyền của Thượng đế phủ lên đôi mắt họ như một phần thưởng thần thánh, họ đã nhìn chằm chằm một kiệt tác trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày không nghỉ, và bởi họ ngang bướng nhìn với cái đầu cúi thấp, nên ý nghĩa và thế giới của những bức tranh đó – lấm tấm máu nhỏ từ mắt họ – sẽ thế chỗ cho mọi tai ương mà họ chịu đựng, và trong khi đôi mắt họ từ từ mờ dần, họ sẽ bình yên tiến vào kiếp mù. Con có nghĩ ra bức minh họa nào ta muốn nhìn cho đến khi ta đạt tới cõi tối đen thần thánh của kiếp mù không?”
Giống như một người cố gợi lại ký ức thời thơ ấu, ông dán chặt đôi mắt, với hai đồng tử co lại trong khi tròng trắng nở ra, vào một nơi xa xôi vượt ra ngoài những bức tường Quốc khố.
“Cảnh này, được thể hiện theo phong cách của những bậc thầy Herat xưa, trong đó Husrev, cháy bỏng vì tình yêu, phóng ngựa tới chân hành cung mùa hè của Shirin và chờ đợi!”
Có lẽ bây giờ ông sẽ tiếp tục mô tả bức tranh đó như đang đọc to một bài thơ buồn bã tán dương kiếp mù của những bậc thầy xưa.
“Người thầy vĩ đại của con, cha thân yêu của con,” trong một cơn thôi thúc kỳ lạ, tôi ngắt lời, “những gì con muốn nhìn mãi mãi là khuôn mặt thanh tú của người con yêu dấu. Chúng con cưới nhau đã ba ngày rồi. Con đã khao khát nghĩ về nàng suốt mười hai năm qua. Cảnh mà trong đó Shirin phải lòng Husrev sau khi nhìn bức tranh vẽ anh ta chẳng gợi cho con nhớ đến ai khác ngoài nàng.”
Vẻ mặt Sư phụ Osman biểu lộ nhiều tâm trạng, có lẽ là sự tò mò, nhưng nó không liên quan đến câu chuyện của tôi cũng không liên quan đến cảnh đánh nhau đẫm máu trước mặt ông. Có lẽ ông đang mong đợi tin tức tốt lành mà nhờ đó ông có thể dần dần thấy nhẹ nhõm. Khi tin chắc ông không nhìn tôi, tôi bất ngờ chộp lấy cây kim và bỏ đi.
Nơi góc tối của căn phòng thứ ba trong Quốc khố, phòng tiếp giáp với dãy nhà tắm, có một góc chứa hàng trăm cái đồng hồ kỳ lạ do các vua chúa Tây vực tặng, nhưng khi chúng ngừng chạy, như chúng vẫn hay ngừng trong một thời gian ngắn, người ta dẹp chúng vào đây. Rút vào căn phòng này, tôi xem xét kỹ cây kim mà Sư phụ Osman cho rằng Bihzad đã dùng để tự đâm mù mình.
Dưới ánh sáng ban ngày màu đỏ lọt vào phản chiếu trên những lớp với mặt pha lê và kim cương của những chiếc đồng hồ chết đầy bụi bặm, cái đầu vàng của cây kim, phủ một chất lỏng màu hồng, thỉnh thoảng lại lấp lánh. Liệu thầy Bihzad có thực sự đâm mù mắt mình bằng dụng cụ này không? Sư phụ Osman có làm chuyện kinh khủng tương tự như thế không? Vẻ mặt của một gã Ma rốc bỡn cợt, to bằng cỡ ngón tay, sơn sặc sỡ, gắn chặt vào bộ máy của một trong những chiếc đồng hồ lớn có vẻ như muốn nói: “Phải!”. Rõ ràng khi đồng hồ chạy, hình nhân đội khăn xếp Ottoman này sẽ vui vẻ gật đầu khi giờ điểm – một trò vui nho nhỏ của vua Hapsburg, người đã gửi biếu món quà này, cũng như của người thợ làm đồng hồ tài hoa dưới trướng ông ta, để giải trí cho Đức vua và các phi tần của Ngài.
Tôi đã lướt qua nhiều pho sách rất tầm thường: Như ông lùn đã khẳng định, nhũng cuốn này là vật sở hữu của các vương hầu mà tài sản và đồ dùng cá nhân của họ bị tịch thu sau khi họ bị chém đầu. Có quá nhiều vương hầu bị hành hình đến độ những cuốn sách loại này không đếm xuể. Với một niềm vui độc ác ông lùn tuyên bố rằng bất cứ vương hầu nào quá say sưa với sự giàu có và quyền lực của mình đến nỗi quên đi mình là thần dân của Đức vua và dám làm một cuốn sách vinh danh chính mình, tô điểm bằng vàng lá cứ như hắn ta là quốc vương hoặc hoàng đế, thảy đều đáng bị hành hình và tài sản bị sung công.
Ngay cả trong những cuốn sách này, một số chỉ là những cuốn sưu tập tranh, những bản thảo được minh họa hoặc những tập thơ được trang trí, mỗi khi tôi gặp được một phiên bản về chuyện nàng Shirin phải lòng bức tranh vẽ Husrev, tôi đều dừng lại nhìn chăm chú.
Bức tranh trong một bức tranh, nghĩa là, bức tranh của Husrev mà nàng Shirin nhìn thấy khi nàng đi dạo ở ngoại thành, không hề được vẽ một cách chi tiết, không phải vì các nhà tiểu họa không thể vẽ đầy đủ cái gì đó quá nhỏ – nhiều người khéo tay có khả năng vẽ trên các móng tay, hạt gạo hoặc cả trên sợi tóc. Vậy tại sao họ không vẽ khuôn mặt và những đặc điểm của Husrev – đối tượng tình yêu của Shirin – đầy đủ chi tiết để người ta có thể nhận ra? Đôi khi vào buổi chiều, có lẽ để quên nỗi tuyệt vọng của mình, tôi vừa lật qua một tập tranh lộn xộn mà tôi tình cờ cầm lên vừa nghĩ mình sẽ nêu ra những vấn đề như thế với Sư phụ Osman, tôi thốt giật mình khi thấy hình ảnh một con ngựa trong bức tranh trên vải vẽ một đám rước dâu. Tim tôi đập thình thịch.
Trước mặt tôi là con ngựa với cánh mũi lạ kỳ đang chở một cô dâu đỏm dáng. Con vật từ trong tranh cũng nhìn tôi. Có vẻ như con ngựa ma quái này sắp thì thầm với tôi một điều bí mật. Như trong mơ, tôi muốn la to, nhưng không thốt ra lời.
Không chần chửi tôi quơ lấy cuốn sách rồi chạy lách giữa các món đồ và rương hòm đến chỗ Sư phụ Osman, bày trang giấy trước mặt ông.
Ông nhìn xuống bức tranh.
Khi thấy trên gương mặt ông không có vẻ gì nhận ra, tôi hết kiên nhẫn nổi. “Cánh mũi của con ngựa này rất giống cánh mũi vẽ trong cuốn sách cho Enishte của con,” tôi kêu lên.
Ông hạ kính lúp xuống hình con ngựa. Ông cúi sát xuống, dí mắt vào tròng kính và bức tranh đến độ mũi ông gần như chạm trang giấy. Tôi không chịu nổi sự im lặng này.
“Sư phụ thấy đó, con ngựa này không được vẽ theo cùng phong cách và phương pháp với con ngựa được vẽ cho cuốn sách Enishte của con,” tôi nói, “Nhưng cái mũi thì giống hệt. Người họa sĩ đã cố nhìn thế giới theo cách của người Trung Hoa.” Tôi im lặng một lát. “Đó là một lễ cưới. Nó giống một bức tranh Trung Hoan nhưng những nhân vật không phải là người Trung Hoa, họ là dân mình.”
Kính của ông thầy như đè sát trang giấy, và mũi ông áp sát mặt kính. Để thấy được, ông không chỉ sử dụng mắt, mà cả đầu, những bắp thịt ở cổ, cái lưng còng và đôi vai với tất cả sức lực.
Im lặng.
“Cánh mũi của con ngựa bị rạch mở.” cuối cùng ông nói, nín thở.
Tôi tựa sát đầu ông. Má kề má, chúng tôi nhìn cánh mũi ấy một hồi lâu. Tôi buồn rầu nhận ra không chỉ cánh mũi của con ngựa bị rạch, mà Sư phụ Osman bây giờ cũng khó thấy được chúng.
“Thầy không thấy rõ, phải không?”
“Chỉ thấy lờ mờ”, ông nói. “Thử tả bức tranh coi”.
“Nếu thầy hỏi, thì con phải nói rằng đây là một cô dâu u sầu,” tôi rầu rĩ nói. “Nàng cưỡi con ngựa xám có cánh mũi bị rạch, nàng đang trên đường về nhà chồng, cùng những người tháp tùng và đám hộ tống hoàn toàn xa lạ với nàng. Khuôn mặt của những kẻ hộ tống, vẻ thô lỗ của họ, những hàm râu đen đầy đe dọa, chân mày đầy nếp nhăn, ria mép dày và dài, những thân hình hộ pháp, áo choàng bằng vải mỏng đơn giản, giày nhẹ, mũ trùm đầu lông gấu, rồi rìu và mã tấu, tất cả cho thấy họ thuộc bộ tộc Akgoýunly ở Transoxiana. Có lẽ cô dâu xinh đẹp này, có vẻ nàng đang trong chuyến hành trình dài đến chỗ quan tòa bởi nàng đi cùng cô phù dâu vào ban đêm dưới ánh đèn dầu và ánh đuốc là một công chúa Trung Hoa u sầu.”
“Hoặc có lẽ đến lúc này chúng ta mới nghĩ cô dâu là người Trung Hoa, bởi vì nhà tiểu họa, để nhấn mạnh vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng, đã tô trắng khuôn mặt nàng như người Trung Hoa vẫn làm và vẽ nàng có đôi mắt xếch”. Sư phụ Osman nói.
“Dù nàng là ai, tim con cũng đau nhói vì người đẹp muộn phiền này, đang đi trên thảo nguyên lúc nửa đêm cùng đoàn hộ tống người ngoại quốc mặt mày dữ tợn, hướng tới một miền đất lạ và một người chồng mà nàng chưa từng gặp,” tôi nói. Rồi tôi thêm: “Làm thế nào qua cánh mũi bị rạch của con ngựa nàng cưỡi mà chúng ta xác định được tay tiểu họa ta muốn tìm là ai?”
“Lật các trang kế tiếp của tập tranh rồi nói cho ta nghe con thấy gì,” Sư phụ Osman bảo.
Ngay lúc đó, ông lùn mà tôi thấy đang ngồi bô khi tôi chạy mang cuốn sách đến cho Sư phụ Osman cũng đến bên chúng tôi; cả ba cùng nhìn vào trang sách.
Chúng tôi thấy những thiếu nữ Trung Hoa cực kỳ xinh đẹp được vẽ giống kiểu cô dâu u sầu ấy đang tụ họp lại với nhau trong vườn để chơi một thứ đàn trông rất lạ mắt. Chúng tôi thấy những ngôi nhà Trung Hoa, những chiếc xe ngựa rầu rĩ đang trong chuyến viễn hành, những cảnh thảo nguyên đẹp như ký ức xa xưa. Chúng tôi thấy những cội cây vặn vẹo cổ quái được vẽ theo phong cách Trung Hoa, hoa xuân đang khoe sắc, và những chú họa mi ríu rít hân hoan trên cành. Chúng tôi thấy các ông hoàng theo phong cách Khorasan ngồi trong lều đang bình luận về thi ca, mỹ tửu và tình ái; những khu vườn ngoạn mục; những nhà quý tộc điển trai với những chú chim ưng dũng mãnh bám trên cánh tay, ngồi rất thẳng trên lưng những con ngựa tuyệt đẹp. Rồi, như thể Quỷ sứ đã nhập vào các trang sách; chúng tôi có thể cảm nhận rằng cái xấu trong các bức minh họa là lý do thường xuyên nhất. Không biết nhà tiểu họa có thêm một chút mỉa mai nào vào những động tác của vị hoàng tử anh hùng, kẻ đã giết con rồng bằng ngọn giáo khổng lồ của chàng ta không? Không biết ông ta có hả hê trước sự nghèo khổ của những nông dân bất hạnh đang mong đợi sự an ủi từ vị thủ lĩnh Hồi giáo đang đứng giữa họ không? Liệu ông ta có vui hơn khi vẽ con mắt trống rỗng, rầu rĩ của lũ chó bị mụt lẹo hoặc khi phết một màu đỏ quỷ quái lên những cái miệng há mở của các bà đang cười khinh bỉ vào những con thú tội nghiệp đó không? Sau đó chúng tôi thấy chính những ma quỷ của nhà tiểu họa: Những sinh vật kỳ quặc trông giống các âm hồn và bọn khổng lồ mà những bậc thầy Herat xưa và các họa sĩ của pho Shahnameh thường vẽ; nhưng tài mỉa mai của nhà tiểu họa này làm chúng trông độc ác, hung hãn và có hình dạng giống con người hơn. Chúng tôi bật cười khi nhìn những ma quỷ ghê sợ này, vóc dáng to bằng cỡ con người nhưng thân thể xấu xí, sừng có nhánh, đuôi mèo. Khi tôi lật các trang, những ma quỷ trần truồng này, chân mày rậm, mặt tròn, mắt lồi, răng nhọn, móng sắc và da nhăn nheo đen sạm như người già, đã bắt đầu cắn và đánh nhau, ăn cắp một con ngựa khổng lồ mà hiến tế cho các thần linh của chúng, nhảy nhót, chơi đùa, đốn hạ cây cối, bắt cóc những công chúa xinh đẹp đang ngồi kiệu, cầm tù những con rồng và cướp bóc châu báu. Tôi đề cập rằng trong cuốn sách này, vốn đã chứng kiến phong cách của nhiều cây cọ khác nhau, nhà tiểu họa có tên Kara Kalem, người đã vẽ bọn ma quỷ này, cũng vẽ những tín đồ khổ tu Kalenderi đầu cạo trọc, quần áo rách bươm, mang lòi tói và gậy sắt, và Sư phụ Osman bảo tôi lặp lại từng điểm tương đồng giữa hai nhóm đó, lắng nghe kỹ những lời tôi nói.
“Rạch cánh mũi ngựa để chúng dễ thở hơn và đi xa hơn là một tục lệ của người Mông Cổ xưa”, cuối cùng ông nói. “Quân đội của Hốt Liệt Ngột đã chinh phục cả Ẳ Rập, Ba Tư và Trung Hoa trên lưng ngựa. Khi họ vào Baghdad, tàn sát dân chúng, cướp bóc và ném tất cả sách vở xuống sông Tigris như chúng ta biết, Ibn Shakir, nhà thư pháp lừng danh, sau đó còn là nhà minh họa, đã chạy khỏi thành phố và thoát được vụ tàn sát này, ông đi về phương bắc ngược con đường mà vó ngựa Mông Cổ đã đến, thay vì về phương nam cùng mọi người khác. Vào thời điểm đó không ai vẽ tranh minh họa bởi điều đó bị kinh Koran cấm, và không ai quan tâm đến các họa sĩ. Chúng ta có được những bí quyết lớn lao nhất trong nghề nghiệp cao quý này là nhờ vào Ibn Shakir, thánh bảo trợ và thầy của mọi nhà tiểu họa: như cách nhìn thế giới từ một ngọn tháp, sự bất biến của đường chân trời dù hữu hình hay vô hình, và việc mô tả tất cả mọi thứ từ đám mây đến loài côn trùng theo cách mà người Trung Hoa đã mường tượng ra, bằng những màu sắc sống động và tươi tắn. Ta nghe nói rằng ông ta đã chú ý quan sát cánh mũi của bọn ngựa để giữ cho mình luôn đi theo hướng bắc trong chuyến hành trình huyền thoại đi vào trung tâm của người Mông Cổ. Tuy nhiên trong chừng mực ta thấy và nghe nói, thì trong số những con ngựa mà ông đã vẽ ở Samarkand, nơi ông dừng chân sau một năm trời đi bộ bất chấp tuyết giá và thời tiết khắc nghiệt, không một con nào có cánh mũi bị rạch cả. Với ông, những con ngựa trong mơ hoàn hảo không phải là những con ngựa chiến thắng, mạnh khỏe và cường tráng của người Mông Cổ mà ông được biết lúc trưởng thành; mà phải là những con ngựa Ẳ Rập thanh nhã mà ông đã đau buồn bỏ lại sau lưng trong thời trai trẻ hạnh phúc của mình. Đây là lý do tại sao chiếc mũi kỳ lạ của con ngựa vẽ cho cuốn sách của Enishte không gợi lại cho ta những con ngựa Mông Cổ mà cũng không gợi lại phong tục mà người Mông Cổ truyền bá đến Khorasan và Samarkand này.”
Khi nói, Sư phụ Osman lúc nhìn vào cuốn sách, lúc nhìn chúng tôi, như thể ông chỉ thấy được những điều ông gợi lại trong trí tưởng thôi.
“Ngoài lũ ngựa bị rạch lỗ mũi và hội họa Trung Hoa, lũ ma quỷ trong cuốn sách này cũng là thứ mà bọn người Mông Cổ đã mang đến Ba Tư rồi từ đó đến tận Istanbul này. Hẳn con đã nghe nói chuyện bọn ma quỷ là sứ giả của cái xấu do các thế lực đen tối từ dưới lòng đất sâu phái đến để lấy đi sinh mạng con người và bất cứ thứ gì chúng ta cho là có giá trị và chúng quyết chí đưa chúng ta xuống thế giới của bóng tối và cái chết như thế nào rồi. Trong vương quốc âm ty ấy, mọi thứ, dù là mây, cây, người, chó hay sách, đều có linh hồn và biết nói.”
“Đúng vậy,” ông già lùn nói. “Có đấng Allah làm chứng cho tôi, có nhiều đêm khi tôi bị nhốt ở đây, không chỉ linh hồn của mấy cái đồng hồ, đĩa sứ Trung Hoa và tô chén pha lê liên tục ngân nga với nhau, mà cả linh hồn của súng, gươm, khiên và mũ sắt nhuốm máu cũng nhộn nhạo rồi bắt đầu trò chuyện om sòm đến độ cả Quốc khố này trở thành chiến trường ồn ào cho một trận giao tranh khốc liệt.”
“Những tín đồ khổ tu Kalenderi, mà tranh vẽ họ chúng ta đã xem, mang đức tin này từ Khorasan đến Ba Tư, và sau đó đến tận Istanbul đây,” Sư phụ Osman nói. “Lúc vua Yavuz Selim cướp bóc lâu đài Bảy tầng trời sau khi đánh bại vua Ismail Bediuzzaman Mirza – một hậu duệ của Tamerlane – đã phản bội vua Ismail và cùng với bọn người Kalenderi vốn là những đệ tử của ông, liên kết với người Ottoman. Trong đoàn người của vua Selim theo ông vượt cái lạnh mùa đông và tuyết giá trở về Istanbul có hai bà vợ của vua Ismai, người ông đã đánh bại ở Chaldiran. Họ là những phụ nữ xinh đẹp nước da trắng ngần, mắt hạnh đào hơi xếch, đi cùng họ là tất cả sách được lưu giữ trong thư viện của cung điện Bảy tầng trời, sách do các bậc thầy trước đó ở Tabriz, người Mông Cổ, người Inkhanid, người Jelayirid và Garagoýunly để lại, và được vị vua đã bị đánh bại thu về như chiến lợi phẩm từ người Uzbek, người Ba Tư và người Timurid. Ta phải xem kỹ những cuốn sách này trước khi Đức vua và Trưởng Ngân khố buộc ta ra khỏi chỗ này.”
Nhưng bây giờ mắt ông đã lộ ra sự thiếu phương hướng thường thấy ở người mù. Ông cầm chiếc kính lúp có cán nạm xà cừ vì thói quen hơn là để nhìn. Chúng tôi cùng im lặng. Sư phụ Osman yêu cầu ông lùn, người đã nghe toàn bộ câu chuyện của ông như thể nghe câu chuyện cay đắng nào đó một lần nữa xác định vị trí và mang lại cho ông một pho sách mà ông đã mô tả kỹ cái bìa. Khi ông lùn đã đi, tôi ngây thơ hỏi thầy mình:
“Vậy ai là tác giả bức minh họa con ngựa trong cuốn sách của Enishte của con?”
“Cả hai con ngựa ta đang bàn tới đều có cánh mũi bị rạch,” ông nói, “cho dù nó được làm ở Samarkand hay, như ta nói, ở Transoxiana, con ngựa con tìm thấy trong tập tranh này được vẽ theo phong cách Trung Hoa. Còn về con ngựa đẹp trong cuốn sách của Enishte, vốn được vẽ theo phong cách Ba Tư giống những con ngựa diệu kỳ do những bậc thầy Herat vẽ. Quả thực nó là một bức minh họa rất tao nhã, khó mà tìm được một bức tương đương ở bất cứ nơi nào! Nó là con ngựa của nghệ thuật, chứ không phải một con ngựa Mông Cổ.”
Nhưng cánh mũi của nó cũng bị rạch giống như một con ngựa Mông Cổ đích thực,” tôi thì thào.
“Rõ ràng là cách nay hai trăm năm khi người Mông Cổ rút lui và bắt đầu triều đại Tamerlane và những hậu duệ của ngài, một trong những bậc thầy xưa của Herat đã vẽ một con ngựa cực đẹp mà cánh mũi bị rạch như thế – do bị ảnh hưởng của một con ngựa Mông Cổ mà ông ta đã thấy hoặc của một nhà tiểu họa khác, người đã vẽ một con ngựa Mông Cổ với cánh mũi bị rạch. Không ai biết đích xác nó được làm cho trang nào trong cuốn sách nào và dành cho vị vua nào. Nhưng ta chắc rằng cuốn sách và bức tranh đó rất được ca ngợi và ngưỡng mộ – ai mà biết được, có lẽ bởi một ái phi trong hậu cung của nhà vua – và có một thời chúng đã là huyền thoại! Ta cũng tin chắc chính vì lý do này mà tất cả những nhà tiểu họa tầm thường đã vừa tự lẩm bẩm với mình một cách đầy ghen tỵ, vừa bắt chước con ngựa này và nhân rộng hình ảnh của nó. Theo cách này, con ngựa kỳ diệu với cánh mũi của nó dần dần trở thành một khuôn mẫu ăn sâu vào đầu óc các họa sĩ trong xưởng đó. Nhiều năm sau, sau khi chủ nhân của họ bị bại trận, những họa sĩ này, giống như những phụ nữ u sầu bị chuyển đến những hậu cung khác, cũng tìm được những chủ nhân mới để làm việc ở những đất nước mới, mang theo họ hình ảnh xếp gọn trong ký ức về con ngựa mà cánh mũi bị rạch một cách khéo léo. Có lẽ do ảnh hưởng của những phong cách khác nhau và những bậc thầy khác nhau tại các xưởng làm việc khác nhau, nhiều họa sĩ đã không còn sử dụng và cuối cùng quên đi hình ảnh khác thường này, tuy nó vẫn còn được lưu giữ trong một góc ký ức họ. Tuy nhiên những họa sĩ khác, trong các xưởng vẽ mới mà họ gia nhập, không chỉ vẽ những con ngựa có cánh mũi bị rạch một cách tao nhã, mà còn dạy các thợ học việc giỏi của mình vẽ theo như thế với lời khích lệ đại loại như các bậc thầy xưa thường vẽ như vậy. Thế là theo cách này, rất lâu sau khi người Mông Cổ và những con ngựa khỏe mạnh của họ rút khỏi Ba Tư và Ẳ Rập, rồi nhiều thế kỷ sau khi cuộc sống mới đã phục hồi trong các thành phố bị tàn phá và hỏa hoạn, một số họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ ngựa theo kiểu này, lòng đinh ninh đó là mẫu mực chuẩn. Ta cũng tin chắc rằng nhiều kẻ khác, vốn hoàn toàn không biết gì về kỵ binh Mông Cổ xâm lược và cái mũi bị rạch của những con ngựa họ cưỡi, vẫn vẽ ngựa theo cách chúng ta vẽ ở xưởng chúng ta, và nhất quyết rằng đây cũng là một mẫu mực chuẩn.”
“Thưa Sư phụ yêu quý,” tôi nói, đầy kính sợ, “như chúng ta đã hy vọng, â��phương pháp gái điếm của thầy thật sự đã đưa ra một câu trả lời. Có vẻ như mỗi họa sĩ đều có chữ ký giấu kín của riêng anh ta.”
“Không phải mỗi họa sĩ, mà là mỗi xưởng vẽ,” ông nói đầy tự hào. “Và thậm chí không phải mỗi xưởng vẽ nữa kia. Trong những xưởng nghèo khổ, như trong những gia đình khốn khó, mỗi người nói theo một giọng khác nhau trong suốt nhiều năm mà không hiểu được rằng hạnh phúc luôn sinh ra từ sự hòa hợp và, như một điều tất nhiên, sự hòa hợp trở thành niềm hạnh phúc.
Một số họa sĩ cố minh họa giống như người Trung Hoa, một số khác giống người Thổ Nhĩ Kỳ, một số nữa thì giống trường phái Shiraz, họ ganh đua nhau suốt bao năm, không bao giờ đạt được một sự hợp nhất hạnh phúc – giống như một cặp vợ chồng không được thỏa mãn.”
Tôi thấy nét mặt ông lộ rõ lòng tự hào; vẻ mặt của một người vốn muốn trở nên đầy quyền thế giờ đây đã thế chỗ cho nét mặt một ông già rầu rĩ tội nghiệp mà tôi đã thấy ở ông bấy lâu nay.
“Thưa Sư phụ yêu quý,” tôi nói, “suốt hai mươi năm ở Istanbul này, thầy đã kết hợp nhiều họa sĩ khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, những con người đủ mọi bản chất và tính khí, thành một thể hòa hợp để thầy có thể tạo ra và định dạng được phong cách Ottoman.”
Tại sao lòng kính sợ mà tôi vừa mới cảm thấy đây lại nhường chỗ cho thói đạo đức giả khi tôi nói lên những tình cảm của mình? Phải chăng, nếu muốn lời tán dương một con người – mà tài năng và sự lão luyện của người đó thực sự làm chúng ta kinh ngạc – là một lời tán dương chân thật, thì trước hết ông ta cần phải mất hầu hết quyền lực cùng ảnh hưởng của mình và trở nên đôi chút đáng thương?
“Vậy bây giờ tên lùn đó đang nấp ở đâu?” ông hỏi.
Ông nói điều này theo cách những kẻ có quyền lực hài lòng trước những lời tán tụng nhưng mơ hồ nhớ ra rằng họ không nên như thế – cứ như ông muốn đổi đề tài.
“Dù là một bậc thầy vĩ đại của những truyền thuyết và phong cách Ba Tư, thầy đã tạo ra một thế giới minh họa riêng biệt xứng đáng với sức mạnh và danh tiếng của Ottoman,” tôi thì thầm. “Thầy là người đã mang đến cho nghệ thuật sức mạnh của thanh gươm Ottoman, những màu sắc lạc quan của chiến thắng Ottoman, sự quan tâm và chú ý vào vật thể và công cụ, và quyền tự do hưởng một lối sống thoải mái. Thưa Sư phụ yêu quý, vinh dự lớn nhất của đời con là được nhìn những kiệt tác của những bậc thầy huyền thoại xưa này cùng với thầy…”
Tôi thì thầm như vậy hồi lâu. Trong bóng tối giá lạnh và cảnh bừa bộn của Quốc khố giống như một bãi chiến trường hoang vắng, thân thể chúng tôi sát vào nhau đến độ tiếng thì thầm của tôi trở thành một biểu hiện của sự gần gũi.
Lát sau, như với người mù vốn không thể kiểm soát những biểu hiện trên nét mặt, đôi mắt Sư phụ Osman mang vẻ của một ông già chìm đắm trong niềm vui. Tôi ca ngợi người thầy già này hết lời, có lúc với xúc cảm tận đáy lòng, có lúc run rẩy với nỗi khiếp sợ sâu xa mà tôi cảm thấy đối với người mù.
Ông cầm tay tôi với những ngón tay lạnh giá, vuốt ve cánh tay tôi và sờ mặt tôi. Sức mạnh và tuổi tác của ông có vẻ truyền vào tôi qua những ngón tay ông. Tôi, một lần nữa, lại nghĩ đến Shekure đang chờ tôi ở nhà.
Chúng tôi đứng im như vậy hồi lâu, các trang sách mở trước mặt chúng tôi như thể lời ca ngợi hào phóng của tôi và lòng tự ngưỡng mộ cùng tự thương thân của ông làm chúng tôi quá mệt mỏi đến độ đang phải nghỉ ngơi. Chúng tôi thấy ngượng với nhau.
“Tay lùn đó đi đâu rồi?” ông lại hỏi.
Tôi chắc rằng ông lùn xảo quyệt đó đang nấp trong hốc nào đó theo dõi chúng tôi. Cứ như đang tìm ông ta, tôi quay sang phải rồi sang trái, nhưng mắt vẫn chú ý nhìn Sư phụ Osman. Ông ta thực sụ mù hay đang cố tìm cách thuyết phục thế giới này, kể cả chính ông ta rằng ông ta đã bị mù? Tôi từng nghe nói, một số thợ cả bất tài ngày xưa ở Shiraz lúc về già đã giả bộ mù để được tôn trọng và ngăn không cho người khác đề cập đến những thất bại của họ.
“Ta thích chết ở đây,” ông nói.
“Thưa Sư phụ yêu quý,” tôi cố xoa dịu ông, “trong thời đại này khi giá trị không được đặt vào hội họa mà đặt vào tiền bạc kiếm được từ việc vẽ tranh, không đặt vào những lão sư phụ mà đặt vào những kẻ bắt chước bọn Tây vực, con hiểu rất rõ điều thầy nói đến độ con những muốn khóc. Nhưng nhiệm vụ của thầy là bảo vệ những thợ cả minh họa của thầy khỏi tay kẻ thù của họ. Làm ơn cho con biết thầy đã rút ra kết luận gì từ â��phương pháp gái điếm? Nhà tiểu họa đã vẽ con ngựa đó là ai?”
“Zeytin.” Ông nói điều đó với một vẻ thoải mái đến độ tôi không kịp ngạc nhiên.
Ông im lặng.
“Nhưng ta cũng chắc chắn rằng Zeytin không phải là người giết Enishte của con hay Zarif Kính mến bất hạnh,” ông nói một cách bình thản. “Ta tin rằng Zeytin đã vẽ con ngựa đó bởi vì anh ta là người gắn bó nhất với các bậc thầy xưa, người biết cặn kẽ nhất những truyền thuyết và phong cách của Herat, và quan hệ thầy trò của anh ta có gốc gác từ tận Samarkand. Bây giờ ta biết con sẽ không hỏi ta, â��Tại sao chúng ta không gặp những cánh mũi đó trong những con ngựa khác mà Zeytin đã vẽ bao năm qua? Vì ta đã nói rằng nhiều khi có một chi tiết – đôi cánh một con chim, cách đính một chiếc lá vào thân cây – có thể được lưu giữ trong ký ức qua nhiều thế hệ, truyền từ thầy đến thợ học việc, nhưng có thể nó không hiện ra trên trang giấy do tác động của một ông thầy có tính khí thất thường hoặc cứng rắn, hoặc do những thị hiếu hay ý thích nào đó của một xưởng vẽ hoặc vị vua nào đó. Vì vậy đây là con ngựa mà Zeytin yêu quý hồi thơ ấu đã học trực tiếp từ những bậc thầy Ba Tư mà không quên được. Việc con ngựa bất ngờ xuất hiện vì cuốn sách của Enishte là một trò đùa cợt quái ác trong những trò của đấng Allah. Chẳng phải tất cả chúng ta xem những bậc thầy Herat xưa là mẫu mực của mình sao? Giống như đối với những nhà minh họa Thổ Nhĩ Kỳ, một phụ nữ đẹp có nghĩa là một phụ nữ mang những nét Trung Hoa, chẳng lẽ chúng ta không từng nghĩ về những kiệt tác Herat mỗi khi nói về những bức tranh tuyệt hảo sao? Tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ họ hết lòng. Herat của Bihzad là nơi nuôi dưỡng cả ngành nghệ thuật này và làm chỗ dựa cho Herat này là những kỵ sĩ Mông Cổ và người Trung Hoa. Tại sao Zeytin, vốn gắn bó trọn vẹn với những truyền thuyết của Herat, lại phải giết Zarif tội nghiệp, người thậm chí gắn bó hơn – thậm chí tận tụy một cách mù quáng – với chính những phương pháp xưa đó?”
“Vậy là ai,” tôi hỏi. “Kelebek à?”
“Leylek!” Ông nói. “Tự thâm tâm ta biết vậy, bởi ta quá quen với thói tham lam và cơn cuồng nộ của anh ta. Nghe này, rất có thể là Zarif, trong khi mạ vàng cho Enishte của con, người bắt chước một cách ngu ngốc và vụng về những phương pháp Tây vực đã dần dần tin rằng công trình này có thể ít nhiều nguy hiểm. Vì anh ta đủ ngốc để sốt sắng lắng nghe lời ngớ ngẩn của tay thuyết giáo đần độn xứ Erzurum – thật không may, những thợ cả mạ vàng, dù gần gũi Thượng đế hơn các họa sĩ, cũng đáng chán và ngu ngốc – và hơn nữa, bởi vì anh ta biết cuốn sách của Enishte khờ khạo của con là một dự án quan trọng của Đức vua, nỗi sợ hãi và nghi ngờ của anh ta xung đột nhau: Anh ta nên tin vào Đức vua hay tin tay thuyết giáo xứ Erzurum? Vào bất cứ lúc nào khác, đứa đồ đệ bất hạnh này, mà ta biết rõ như lòng bàn tay mình vậy, sẽ đến gặp ta để nói về tình trạng khó xử đang giày vò anh ta. Nhưng thậm chí anh ta, với đầu óc chim sẻ, cũng biết rất rõ rằng việc mạ vàng cho Enishte của con, vốn bắt chước bọn Tây vực rốt cuộc là sự phản bội lại ta và cả phường hội của chúng ta; thế nên anh ta tìm kiếm một người bạn tâm tình khác. Anh ta tâm sự với Leylek đầy tham vọng và xảo quyệt, và phạm sai lầm là kính sợ trí tuệ và đạo đức của một người mà tài năng gây ấn tượng cho anh ta. Ta đã nhiều lần chứng kiến Leylek thao túng Zarif bằng cách lợi dụng sự ngưỡng mộ của chàng thợ mạ vàng tội nghiệp này. Dù giữa hai đứa đã xảy ra cuộc tranh luận nào đi nữa, nó cũng đều dẫn đến việc Leylek giết Zarif Kính mến. Và vì người chết từ lâu đã thổ lộ những lo âu của anh ta với dân Erzurum cho nên họ, trong cơn sốt báo thù và để chứng minh sức mạnh của mình, đã giết Enishte của con, kẻ sùng bái phương Tây, người mà họ cho là chịu trách nhiệm về cái chết của bạn họ. Ta không thể nói là ta hết sức đau buồn trước sự vụ này. Nhiều năm trước, Enishte của con đã dụ Đức vua thuê một họa sĩ Venice – tên hắn ta là Sebastiano – vẽ một bức chân dung cho Ngài theo phong cách Tây vực như thể Ngài là vua của bọn ngoại giáo. Không hài lòng với điều đó, như muốn xúc phạm phẩm giá của ta, ông ta đã giao cho ta sao lại tác phẩm đáng hổ thẹn này; và vì quá sợ Đức vua nên ta đã sao lại bức tranh đó, vốn được vẽ theo những phương pháp của bọn ngoại giáo. Giá ta không bị buộc phải làm điều đó thì chắc ta đã có thể thương tiếc cho Enishte của con và hôm nay giúp tìm ra tên đốn mạt đã giết ông ta. Nhưng mối quan tâm của ta không phải dành cho Enishte của con, mà dành cho xưởng làm việc của ta. Enishte của con chịu trách nhiệm về chuyện những nhà tiểu họa bậc thầy – nhưng người ta yêu thương cứ như con ruột của ta, những kẻ ta đã ân cần dạy bảo suốt hai mươi lăm năm – đã phản bội ta và toàn bộ truyền thống nghệ thuật của chúng ta như thế. Ông ta chịu trách nhiệm về việc họ bắt chước nhiệt tình những bậc thầy châu Âu với cách biện minh rằng â��đó là ý của Đức vua. Mỗi vị thầy xấu xa đó chẳng đáng được hưởng cái gì ngoài sự tra tấn! Nếu chúng ta, giới tiểu họa, biết phục vụ trước hết tài năng và nghệ thuật của chính chúng ta thay vì phục vụ Đức vua, người đem lại cho chúng ta công việc, thì chúng ta sẽ tìm được lối vào Cổng Thiên đàng. Còn bây giờ, ta muốn nghiên cứu cuốn sách này một mình.”
Sư phụ Osman nói câu cuối cùng này giống như ước muốn cuối cùng của một vương hầu mệt mỏi muộn phiền, người chịu trách nhiệm về thất bại quân sự và bị kết án chém đầu. Ông mở cuốn sách mà Jezmi Agha đã đặt trước mặt ông và bằng giọng gắt gỏng ra lệnh cho tên lùn lật ra các trang ông muốn. Với giọng kết tội này, ông lập tức trở lại thành Trưởng ban Trang trí, người mà cả xưởng vẽ đã quá ư quen thuộc.
Tôi rút vào một góc giữa những tấm nệm thêu đính ngọc, những khẩu súng trường nòng hoen gỉ với báng súng nạm ngọc cùng những chiếc tủ, rồi bắt đầu quan sát Sư phụ Osman. Mối nghi ngờ đang gặm nhấm tôi đã lan khắp người tôi: Nếu Sư phụ Osman muốn dừng việc thực hiện cuốn sách của Đức vua lại, điều đó khiến tôi cảm nhận rõ rệt rằng có thể chính ông đã sắp đặt việc giết Zarif tội nghiệp và sau đó đến lượt Enishte của tôi – tôi tự trách mình đến bây giờ vẫn cảm thấy kính sợ như thế đối với ông ta. Mặt khác, tôi không thể ngăn được lòng kính trọng sâu sắc đối với bậc thầy vĩ đại này, người hiện đang đắm mình vào bức tranh trước mặt ông và, dẫu mù hoặc gần như mù, đang nhìn kỹ nó như thể đang nhìn bằng vô số nếp nhăn trên khuôn mặt mình. Tôi hiểu ra rằng để bảo tồn phong cách cũ và chế độ sinh hoạt cho xưởng vẽ của các nhà tiểu họa, để gỡ bản thân ông khỏi cuốn sách của Enishte và lại trở thành sủng thần duy nhất của Đức vua, ông sẽ vui lòng giao nộp bất cứ ai trong đám tiểu họa của ông, và cả tôi nữa, cho những kẻ tra tấn của Chỉ huy Ngự lâm quân. Tôi bắt đầu giận dữ nghĩ đến việc phải vượt thoát khỏi tình yêu vốn đã buộc tôi vào ông trong hai ngày qua.
Hồi lâu sau tôi vẫn còn hết sức bối rối. Tôi tình cờ nhìn vào nhưng trang đã tô điểm của những cuốn sách mà tôi rút ra từ mấy cái tủ chỉ để xoa dịu lũ ma quỷ đang nổi dậy trong tôi và để làm xao lãng những âm hồn do dự của tôi.
Bao nhiêu đàn ông và phụ nữ đã đưa ngón tay vào miệng họ! Điều này được xem như một cử chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên trong mọi xưởng vẽ từ Samarkand đến Baghdad suốt hai trăm năm nay. Khi người anh hùng Keyhusrev, bị kẻ thù dồn vào đường cùng, đã an toàn băng qua sông Oxus hung dữ với sự trợ giúp của Allah và con ngựa ô của ông, tay lái bè xấu xa cùng bọn trạo phu của hắn, kẻ đã từ chối không cho ông qua sông bằng bè của hắn, mỗi đứa trong bọn đó đều cho ngón tay vào miệng. Một ngón tay của Husrev đầy kinh ngạc vẫn còn nằm trong miệng anh ta khi anh ta lần đầu thấy vẻ đẹp của Shirin, với làn da trông giống ánh trăng khi nàng tắm trong hồ nước lung linh với lá bạc đã xỉn màu. Tôi thậm chí dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu cẩn thận những phi tần tuyệt đẹp trong hậu cung, những người, với ngón tay đút miệng, đứng đằng sau những cánh cửa lâu đài hé mở, sau cánh cửa sổ không thể nào với tới trên những ngọn tháp và nhìn ra từ phía sau những bức màn. Khi Tejav, bị quân đội Ba Tư đánh bại và mất ngai vàng, đang trốn khỏi chiến trường, Espinuy, một trong những mỹ nhân và là một ái phi trong hậu cung của ông, đã đau buồn và choáng váng từ một cửa sổ lâu đài nhìn theo ông, ngón tay đút trong miệng, đôi mắt như van xin ông đừng bỏ nàng lại cho kẻ thù. Khi Yusuf, bị bắt do lời cáo gian của Zuleyha rằng ông đã cưỡng hiếp nàng, bị đưa đến xà lim, nàng ta nhìn qua cửa sổ, một ngón tay đút vào cái miệng xinh đẹp của nàng thể hiện sự độc ác và dục vọng hơn là bối rối. Khi những tình nhân đầy hạnh phúc nhưng u buồn, xuất hiện cứ như từ một bài thơ tình, bị cuốn đi dưới sức mạnh của nỗi đam mê và mỹ tửu trong một khu vườn gợi đến cảnh Thiên đàng, một cô tớ gái ác tâm theo dõi họ cũng với một ngón tay thèm khát trong cái miệng đỏ au.
Dẫu nó là hình ảnh tiêu chuẩn được ghi vào sổ tay và ký ức của các nhà tiểu họa, ngón tay thon dài đưa vào miệng một phụ nữ xinh đẹp của mỗi thời đều có một vẻ tao nhã khác nhau.
Những bức minh họa đã an ủi tôi được bao nhiêu? Khi trời sụp tối, tôi đến chỗ Sư phụ Osman mà nói:
“Thầy yêu quý, khi nào cổng mở lại, nếu thầy cho phép, con sẽ rời khỏi Quốc khố này.”
“Con muốn thế à!” ông nói. “Chúng ta vẫn còn một đêm và một buổi sáng. Con đã xem thỏa thuê những bức minh họa vĩ đại nhất mà thế giới này từng biết đến nhanh như thế sao!”
Khi nói điều này, ông không quay khỏi trang giấy trước mặt ông, nhưng hai đồng tử mờ đục của ông khẳng định ông thực sự đang dần dần mù đi.
“Chúng ta đã biết bí mật về cánh mũi của con ngựa,” tôi tự tin nói.
“Ha!” ông nói. “Phải! Phần còn lại tùy quyết định của Đức vua và Trưởng Ngân khố. Có lẽ họ sẽ tha cho tất cả chúng ta.”
Ông đã chỉ đích danh Leylek là kẻ giết người sao? Tôi thậm chí không dám hỏi vì sợ, vì tôi lo ông sẽ không cho phép tôi ra về. Thậm chí tệ hại hơn, tôi cứ nghĩ rằng ông có thể buộc tội cả tôi.
“Cái kim cài lông chim mà Bihzad dùng để tự đâm mù mình đã đâu mất rồi,” ông nói.
“Rất có thể ông lùn đã trả nó về chỗ cũ, tôi nói. “Trang trước mặt thầy lộng lẫy quá.”
Mặt ông sáng ngời như mặt đứa bé, và ông mỉm cười. “Husrev, cháy bỏng yêu đương, khi chàng ngồi trên ngựa chờ Shirin trước lâu đài của nàng lúc nửa đêm,” ông nói. “Được vẽ theo phong cách của những bậc thầy Herat xưa.”
Giờ ông đang nhìn bức tranh như thể ông thấy được nó, nhưng thậm chí ông không cầm kính lúp lên.
“Con có thấy vẻ tráng lệ của những chiếc lá trên cây trong đêm tối, hiện ra từng chiếc một cứ như tỏa sáng từ bên trong giống các vì sao hoặc những đóa hoa xuân, đường nét trang hoàng trên tường gợi lên sự kiên nhẫn nhún nhường, vẻ tao nhã trong cách sử dụng miếng vàng lá và sự cân bằng tinh tế trong toàn bộ bố cục của bức tranh không? Con ngựa của Husrev tuấn tú cũng duyên dáng và tao nhã như một phụ nữ. Shirin yêu dấu của chàng đang chờ ở cửa sổ phía trên. Cổ nàng cúi xuống, nhưng mặt nàng đầy tự hào. Như thể đôi tình nhân đó vẫn còn ở đây mãi mãi trong ánh sáng phát ra từ kết cấu của bức tranh, làn da và những màu sắc tinh tế vốn được nhà tiểu họa tô lên một cách khéo léo. Con có thể thấy khuôn mặt của họ hơi hướng vào nhau trong khi thân mình của họ hơi ngả về phía chúng ta – vì họ biết họ đang ở trong một bức tranh và vì thế chúng ta thấy được họ. Đây là lý do tại sao họ không giống những nhân vật mà chúng ta thấy quanh ta. Hoàn toàn ngược lại, họ hàm ý rằng họ hiện lên từ ký ức của đấng Allah. Điều này lý giải vì sao thời gian đã ngừng trôi đối với họ trong bức tranh đó. Cho dù nhịp điệu câu chuyện họ kể trong bức tranh nhanh đến thế nào đi nữa, bản thân họ sẽ vẫn mãi mãi ở đó, giống như những thiếu nữ e thẹn, lễ phép và có giáo dục, không làm bất cứ cử chỉ đường đột nào với bàn tay, cánh tay, thân thể hoặc thậm chí đôi mắt họ. Đối với họ, mọi thứ trong màn đêm màu xanh nước biển này đã đông cứng: Con chim bay trong bóng tối giữa những vì sao, với một cái vẫy cánh giống như trái tim đang đập của chính đôi tình nhân này, và đồng thời vẫn được cố định vĩnh viễn như thể bị đóng chặt vào bầu trời trong phút giây vô song này. Các bậc thầy Herat xưa, những người biết rằng màn đen như nhung của Thượng đế đang trùm xuống mắt họ như một bức màn, cũng biết rằng nếu họ bị mù trong khi nhìn chằm chằm bất động vào một bức minh họa như thế trong nhiều ngày nhiều tuần liên tục, thì linh hồn họ cuối cùng sẽ hòa vào sự vĩnh cửu của bức tranh.”
Vào giờ cầu kinh tối, khi cổng Quốc khố được mở ra với cùng trình tự đó và dưới cái nhìn cũng của đám người đó, Sư phụ Osman vẫn nhìn chăm chú vào trang giấy trước mặt ông, vào con chim đang bay bất động trên bầu trời. Nhưng nếu bạn nhận ra vẻ mờ đục trên đồng tử của ông, bạn cũng sẽ thấy rằng ông nhìn vào trang giấy một cách kỳ lạ, như người mù đôi khi định hướng không chính xác thức ăn trước mặt họ.
Các quan trông coi Quốc khố biết rằng Sư phụ Osman sẽ ở lại trong đây và biết Jezmi Agha vẫn ở ngay nơi cửa, nên đã quên lục soát tôi kỹ lưỡng và không tìm thấy cây kim tôi giấu trong lớp áo lót. Khi từ sân lâu đài bước ra đường phố Istanbul tôi rẽ vào một hẻm nhỏ và lấy vật khủng khiếp đó ra, vật mà Bihzad huyền thoại đã dùng để tự đâm mù mắt mình, nhét nó vào khăn quàng.
Tôi gần như chạy qua các phố.
Cái lạnh trong các phòng Quốc khố đã ngấm quá nhiều vào xương tủy tôi đến độ tôi tưởng như thời tiết dễ chịu của mùa xuân sớm đã về trên khắp đường phố. Khi tôi đi ngang qua tiệm tạp hóa, tiệm cắt tóc, tiệm dược thảo, cửa hàng rau và trái cây và hàng bán củi của khu chợ Quán trọ cũ, từng gian hàng đang lần lượt đóng cửa nghỉ, tôi bước chậm lại và cẩn thận xem xét những thùng rượu, vải trải giường, những củ cà rốt, những chiếc bình trong cửa hàng ấm áp thắp đèn dầu.
Con phố của Enishte của tôi (tôi vẫn chưa quen gọi nó là “con phố của Shekure” chứ đừng nói là “con phố của tôi”) có vẻ thậm chí lạ lẫm và xa xôi hơn sau hai ngày tôi vắng mặt. Nhưng niềm vui của việc được gặp lại và nói chuyện với Shekure của tôi, và ý nghĩ rằng tôi có thể chui vào giường của người yêu tôi tối nay – vì tên giết người gần như đã bị bắt – khiến tôi cảm thấy gần gũi với cả thế giới này đến độ, khi thấy cây lựu và những tấm rèm đã được sửa lại và đóng kín, tôi phải kìm mình để đừng la to lên giống một nông dân hò hét với ai đó bên kia dòng suối. Khi gặp Shekure, tôi muốn lời đầu tiên thốt ra từ miệng tôi là, “Bọn anh đã biết tên giết người đê tiện đó là ai rồi!” Tôi mở cổng sân. Tôi không chắc có phải qua tiếng cọt kẹt của cánh cổng, vẻ vô tư lự của con chim sẻ đang giải khát ở cái xô đựng nước giếng, hay vẻ tối đen của ngôi nhà, mà với linh cảm như chó sói của một người từng sống cô độc suốt mười hai năm, tôi lập tức hiểu rằng không có ai trong nhà. Ngay cả khi cay đắng nhận ra rằng mình đã bị bỏ mặc, người đó vẫn sẽ mở và đóng tất cả các cửa, các tủ, thậm chí còn giở nắp các xoong nồi, và tôi đã làm như thế. Thậm chí tôi còn nhìn vào trong những cái rương.
Trong cảnh im lặng này, âm thanh duy nhất tôi nghe là tiếng đập thình thịch của trái tim tôi. Giống như một lão già đã làm mọi việc cần làm, tôi cảm thấy được an ủi khi bất ngờ đeo vào người thanh gươm mà tôi luôn giấu dưới đáy cái rương kín đáo nhất. Đây là thanh gươm có chuôi bằng ngà, nó luôn tạo cho tôi cảm giác bình yên và cân bằng trong suốt những năm tôi làm việc với giấy bút. Sách vở, mà chúng ta lầm tưởng là nguồn an ủi, chỉ làm tăng thêm nỗi u sầu của chúng ta thôi.
Tôi xuống sân. Con chim sẻ đã bay mất. Như thể rời bỏ một con tàu đang chìm, tôi rời căn nhà trong cái lặng im của đêm đen sắp đến.
Con tim tôi, giờ tự tin hơn, bảo tôi hãy chạy đi tìm họ. Tôi chạy, nhưng tôi chậm lại ở những nơi đông đúc và các sân thánh đường nơi lũ chó đánh hơi được dấu vết tôi và sung sướng chạy theo, cứ như chúng tiên đoán được một trò vui nào đó.