Tên Tôi Là Đỏ

Chương 49


Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 49

TÔI ĐUỢC GỌI LÀ SIYAH

Phần 1

Im lặng và mờ mịt, chìm trong bóng tối của buổi rạng sáng, tôi bỏ đi như một người khách có tội, bước không mệt mỏi trên những con hẻm nhỏ đầy bùn. Ở Bayazid, tôi làm nghi thức thanh tẩy trong sân, bước vào thánh đường và cầu nguyện. Bên trong không có ai ngoại trừ Thầy tế Kính mến và một ông già có thể ngủ trong lúc cầu nguyện – một biệt tài chỉ ít người đạt được sau cả một đời tập luyện. Bạn vẫn biết vì sao lại có những khoảnh khắc trong giấc mơ ngái ngủ và những ký ức buồn bã khi chúng ta cảm thấy Allah đã chú ý tới ta và chúng ta cầu nguyện trong niềm hy vọng của kẻ cố nhét tờ thỉnh nguyện vào tay Quốc vương: Tôi đã cầu xin Allah cho tôi một mái ấm vui vẻ đầy những người thân yêu theo kiểu đó.

Khi tôi đến nhà Sư phụ Osman, tôi biết rằng trong vòng một tuần ông ta sẽ dần dần chiếm chỗ của Enishte quá cố trong suy nghĩ của tôi. Ông ta trái ngược và xa cách hơn, nhưng niềm tin của ông vào việc tô điểm bản thảo lại sâu xa hơn. Ông giống như một nhà khổ tu già nua đầy chiêm nghiệm hơn là một họa sư, người đã khơi dậy những cơn bão khiếp hãi, kính sợ và yêu thương trong những nhà tiểu họa suốt bao năm qua.

Khi chúng tôi đi từ nhà ông đến cung điện – ông cưỡi ngựa và hơi khòm lưng, tôi đi bộ và cũng cúi về phía trước như vậy – chúng tôi hẳn phải khiến người ta nhớ đến một nhà khổ tu già cùng một môn đệ hăng hái trong những bức minh họa rẻ tiền đi kèm những chuyện ngụ ngôn xưa.

Tại cung điện, chúng tôi thấy Chỉ huy Ngự lâm quân và người của ông ta còn hăm hở và sẵn sàng hơn cả chúng tôi. Đức vua của chúng tôi tin chắc rằng một khi chúng tôi đã xem các bức vẽ ngựa của ba tay thợ cả sáng nay, chúng tôi có thể trong nháy mắt xác định được ai trong số đó là kẻ giết người đáng nguyền rủa; và như thế, Ngài hạ lệnh rằng kẻ tội phạm sẽ bị tra tấn ngay lập tức mà không cho hắn biện hộ trước lời kết tội. Chúng tôi không được đưa đến chỗ vòi nước của đao phủ nơi mọi người có thể thấy và được cảnh báo, mà tới một ngôi nhà tạm bợ trong khu biệt lập an toàn của Cấm ngự viên, vốn được dành cho việc thẩm vấn, tra tấn và thắt cổ.

Một chàng trai, trông quá tao nhã và lịch lãm để có thể làm Ngự lâm quân, đặt ba tờ giấy lên bàn làm việc với vẻ đầy tự tin.

Sư phụ Osman lấy kính phóng đại ra và tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Giống như con chim ưng lượn thong dong trên một dải đất, mắt ông ta, giữ nguyên khoảng cách với chiếc kính, lướt thật chậm trên ba bức minh họa ngựa cực đẹp đó. Và như con chim ưng thấy bóng con linh dương non sẽ trở thành con mồi cho nó, ông chậm lại nơi mũi các con ngựa, tập trung vào đó một cách chăm chú và bình tĩnh.

“Không có ở đây,” ông lạnh lùng nói sau một lúc.

“Cái gì không có ở đây?” tay Chỉ huy hỏi.

Tôi cho rằng sư phụ sẽ làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ xem xét mọi chi tiết của mấy con ngựa từ bờm xuống chân.

“Tên họa sĩ khốn kiếp không để lại bất kỳ dấu vết nào”, Sư phụ Osman nói. “Chúng tôi không xác định được kẻ đã vẽ con ngựa màu hạt dẻ từ những bức tranh này.”

Cầm chiếc kính lúp ông vừa để xuống, tôi nhìn lỗ mũi của mấy con ngựa: Sư phụ nói đúng; không có gì ở mấy con ngựa này giống với cái mũi kỳ lạ của con ngựa hạt dẻ được vẽ cho bản thảo của Enishte. Ngay khi đó tôi mới chú ý đến những kẻ tra tấn đang đợi ở ngoài với một dụng cụ mà công dụng của nó tôi không suy ra được. Trong khi cố quan sát họ qua cánh cửa mở hé, tôi thấy ai đó đang vội vàng chạy trở lui như bị âm hồn ám, rồi ẩn đằng sau những bụi dâu tằm.

Ngay lúc đó, như một tia sáng thanh thoát soi rọi buổi sáng ảm đạm, Đức vua của chúng tôi, nền tảng của thế giới, bước vào phòng.

Sư phụ Osman thú nhận với Ngài rằng ông chưa thể xác định được gì qua những bức tranh này. Tuy nhiên, ông không thể ngăn việc hướng sự chú ý của Đức vua vào những con ngựa trong các bức vẽ lộng lẫy này: cách mà con thứ nhất lồng đứng lên, tư thế thanh tú của con thứ hai, và con thứ ba, một vẻ trang nghiêm và kiêu hãnh xứng với nội dung của những cổ thư. Trong lúc đó, ông suy đoán xem ai đã vẽ bức nào, và cậu thư đồng đã chạy tới nhà từng họa sĩ liền khẳng định những gì Sư phụ Osman nói.


“Tâu Bệ hạ, đừng ngạc nhiên vì chuyện hạ thần biết rõ những họa sĩ của mình như lòng bàn tay,” Sư phụ nói. “Điều làm hạ thần lúng túng là làm sao có ai đó trong bọn họ, những người mà thần biết như lòng bàn tay mình, lại có thể tạo ra những dấu ấn hoàn toàn khác lạ đến vậy. Vì ngay cả sai sót của một bậc thầy tiểu họa cũng có lai lịch của nó.”

“Ý ngươi muốn nói gì?” Đức vua hỏi.

“Tâu Hoàng thượng, Đức Ngài Thịnh vượng và Chốn nương náu của Thế giới, theo ngu ý của hạ thần chữ ký ẩn giấu này, rõ ràng ở cái mũi của con ngựa màu hạt dẻ đây, không chỉ là một sai sót vô nghĩa và ngớ ngẩn của một họa sĩ, mà là một dấu hiệu mà nguồn gốc của nó xuất phát từ quá khứ xa xưa, từ những bức tranh khác, những kỹ thuật khác, phong cách khác, hay có lẽ cả những con ngựa khác. Nếu chúng thần được phép xem qua những trang tuyệt vời của những cổ thư hàng trăm năm tuổi mà Bệ hạ cất giữ kỹ lưỡng trong những hầm chứa, rương sắt và trong tủ của Quốc khố nội cung, chúng thần có thể xác định kỹ thuật mà lúc này chúng thần coi là sai sót; chừng đó chúng thần có thể đoán được nét cọ đó là của ai trong số ba họa sĩ này.”

“Ngươi muốn vào Quốc khố của ta ư?” Đức vua hỏi với vẻ ngạc nhiên.

“Đó là ước muốn của hạ thần”. Sư phụ nói.

Đó là một yêu cầu cũng phạm thượng như ý muốn vào hậu cung. Lúc đó tôi mới hiểu rằng nếu như hậu cung và Quốc khố chiếm hai vị trí đẹp nhất trong khuôn viên Cấm ngự viên thuộc Cung điện của Đức vua, thì chúng cũng chiếm hai vị trí yêu quý nhất trong tim Đức vua của chúng tôi.

Tôi cố gắng nhận biết những gì sẽ xảy ra qua nét mặt phương phi của Đức vua, gương mặt mà tôi giờ đây dám nhìn thẳng lên mà không sợ hãi, nhưng Ngài đột nhiên biến mất. Ngài đã nổi giận hay cảm thấy bị phạm thượng? Liệu chúng tôi, hay tất cả những nhà tiểu hoạ có bị trừng phạt vì sự khinh suất của Sư phụ không?

Nhìn vào ba con ngựa trước mặt mình, tôi tưởng tượng mình sẽ bị giết trước khi được gặp Shekure lần nữa mà chưa từng chung giường với nàng. Dù cho những nét tuyệt đẹp của mấy con ngựa tuyệt vời này nằm ngay bên cạnh, nhưng giờ đây chúng trông như xuất hiện từ một cõi xa xôi.

Tôi nhận thức rất rõ trong khoảng im lặng khủng khiếp đó rằng nếu việc bị đưa vào nội cung từ lúc còn nhỏ xíu, được nuôi lớn lên ở đây và sống ở nơi này có nghĩa là phải phục vụ Đức vua của chúng tôi và có khi phải chết vì Ngài, thì làm họa sĩ nghĩa là phụng sự Thượng đế và chết vì vẻ đẹp của Người.

Hồi lâu sau đó, khi Trưởng Ngân khố đưa chúng tôi đến Cổng Bab-us-Selam, cái chết xâm chiếm đầu óc tôi, sự im lặng chết chóc. Nhưng khi tôi băng ngang qua cổng nơi vô số vương hầu đã bị xử tử, những người lính làm như họ không hề thấy chúng tôi. Divan Meydani 1, ngày hôm qua còn làm tôi lóa mắt cứ như nó chính là Thiên đàng, với ngọn tháp và những con công, không còn tác động chút nào đến tôi, vì tôi biết rằng mình đang được đưa vào sâu bên trong, vào trung tâm của thế giới bí mật của Đức vua, đến Cấm thành Enderun.

Chúng tôi đi qua những cánh cửa mà đến những Thượng thư cũng không được qua. Như đứa trẻ lạc vào chuyện thần tiên, tôi dán mắt vào nền nhà để tránh phải đối mặt với những kỳ quan và tạo vật có thể hiện ra trước mặt mình. Tôi thậm chí không dám nhìn căn phòng nơi Đức vua tiếp kiến mọi người. Nhưng tia mắt của tôi tình cờ lướt qua những bức tường hậu cung gần một cây tiêu huyền bình thường, không có gì khác những cái cây khác, và lướt qua người đàn ông cao to mặc áo thụng lụa xanh lấp lánh.

Chúng tôi đi qua những hàng cột cao chót vót. Cuối cùng, chúng tôi dừng trước một khung cổng, to lớn và oai nghiêm hơn mọi cổng khác, được viền khung theo kiểu thạch nhũ lộng lẫy. Ngay ngưỡng cửa là các quan chức Ngân khố vận áo thụng láng bóng; một trong số họ đang cúi người mở khóa.

Nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, Trưởng Ngân khố nói: “Các người thực sự rất may mắn, Quốc vương Vĩ đại đã cho phép các người được vào kho báu Enderun. Ở đây, các người sẽ được xem qua những pho sách chưa ai được xem; các người sẽ ngắm nhìn những bức tranh và những trang sách tuyệt vời bằng vàng, và như những thợ săn, các người sẽ theo dấu con mồi của mình, tên sát nhân. Đức vua bảo ta nhắc các người rằng Sư phụ Osman có ba ngày – một ngày trong số đó sắp qua rồi – cho đến trưa thứ Năm, để chỉ đích danh kẻ phạm tội trong số những nhà tiểu họa; nếu thất bại; vụ việc sẽ được chuyển đến cho Chỉ huy Ngự lâm quân để giải quyết bằng tra tấn. Đầu tiên họ gỡ miếng vải bọc quanh chiếc khóa, được niêm phong để chắc rằng không ai mở khóa mà không được phép.

Quan giữ cửa Ngân khố và hai quan chức khác xác nhận dấu niêm phong vẫn còn nguyên văn ra hiệu bằng cách gật đầu. Dấu niêm phong được gỡ ra, và khi nhét chìa khóa vào, ổ khóa bật mở với một tiếng lách cách lan ra trong im lặng bao trùm. Sư phụ Osman đột nhiên tái nhợt. Khi một cánh của gỗ chạm khắc nặng nề được mở ra, gương mặt ông phản chiếu ánh huy hoàng tăm tối như một dấu vết của những ngày xa xưa.


“Hoàng thượng Vĩ đại không muốn những quan ghi chép và thư ký kiểm kê vào đây một cách không cần thiết,” Trưởng Ngân khố nói. “Quan thủ thư đã qua đời và không ai thay thế ông chăm sóc các cổ thư. Vì vậy, Đức vua hạ lệnh chỉ một mình Jezmi Agha sẽ đi cùng các ông vào trong.”

Jezmi Agha là một ông già lùn với đôi mắt sáng long lanh, xem ra đã bảy mươi tuổi là ít nhất. Chiếc khăn trùm đầu của ông, giống như cánh bướm, trông còn kỳ lạ hơn ông.

“Jezmi Agha biết rõ bên trong Quốc khố như nhà mình; ông biết vị trí những cuốn sách và mọi thứ khác rõ hơn bất kỳ ai.”

Ông già lùn không biểu lộ chút tự hào nào về điều đó. Ông ta đang liếc qua thùng than sưởi có chân bằng bạc, cái bô có tay cầm khảm xà cừ, cái đèn dầu và những cây nến mà bọn thư đồng trong cung điện đang cầm.

Trưởng Ngân khố thông báo rằng sau khi chúng tôi vào, cửa sẽ được khóa lại và niêm phong bằng dấu triện bảy mươi năm tuổi của Quốc vương Yavuz Selim. Sau buổi cầu kinh chiều, lúc hoàng hôn, dấu niêm phong sẽ được mở lần nữa, trước sự chứng kiến của những quan Ngân khố. Hơn nữa, chúng tôi phải đặc biệt coi chừng không được để bất cứ thứ gì “vô tình” tìm đường chui vào quần áo, túi hay khăn thắt lưng của mình: chúng tôi sẽ bị khám xét đến tận đồ lót ngay khi bước ra.

Chúng tôi tiến vào, đi qua hai quan chức hai bên. Bên trong lạnh buốt. Khi cánh cửa đóng lại sau lưng, chúng tôi bị bóng tối vây phủ. Tôi ngửi thấy mùi pha trộn của ẩm ướt, bụi bặm và nấm mốc xộc thẳng vào khí quản mình. Khắp nơi lung tung đồ đạc, rương hòm và mũ trụ lẫn lộn trong một đống hỗn độn khổng lồ. Tôi có cảm giác mình là nhân chứng cho một trận đánh lớn.

Mắt tôi thích nghi với ánh sáng lạ kỳ tỏa xuống toàn bộ chỗ này, xuyên qua những chấn song lớn của những cửa sổ cao, xuyên qua hàng trụ lan can của cầu thang dọc những vách tường cao và thanh tay vịn dọc lối đi lát gỗ trên tầng hai. Căn phòng màu đổi nhuốm màu của vải nhung, thảm nền và thảm kilim treo tường. Với lòng kính trọng đúng mức, tôi ngẫm nghĩ xem việc tích góp tất cả của cải này là kết quả của bao cuộc chiến đã tiến hành, bao máu đã đổ, bao kho báu và thành phố đã bị cướp phá.

“Sợ hả?” ông già lùn hỏi, diễn tả cảm giác của tôi bằng lời.”Ai cũng kinh hoàng khi lần đầu đến đây. Đến đêm linh hồn của những vật này thì thầm với nhau.”

Cái đáng sợ ở đây là sự tĩnh mịch bao trùm khối lượng khổng lồ những vật quý hiếm. Phía sau, chúng tôi nghe tiếng lách cách khi người ta gắn niêm phong vào ổ khóa cửa, và chúng tôi bất động, nhìn xung quanh với niềm kính sợ.

Tôi thấy những thanh gươm, ngà voi, áo thụng, giá nến bằng bạc và cờ xí bằng satanh. Tôi thấy những chiếc hộp khảm xà cừ rương hòm bằng sắt, lọ sứ Trung Hoa, thắt lưng, đàn luýt cổ dài, áo giáp, đệm nhung, những khối cầu mô hình, giày, lông thú, sừng tê giác, trứng đà điểu được trang trí, súng trường, cung tên, quyền trượng và tủ trưng bày. Có hàng đống thảm, vải vóc và satanh ở khắp nơi, có vẻ như chỉ chực đổ ụp xuống tôi từ những tầng lót ván bên trên, từ hàng lan can, từ những phòng xép và ngăn chứa xây chìm vào tường. Một luồng sáng lạ, tôi chưa từng thấy gì tương tự như vậy bao giờ, ánh lên từ vải vóc, những chiếc hộp, hoàng bào, gương, những cây nến khổng lồ màu hồng, khăn xếp, gối thêu ngọc trai, những chiếc yên ngựa mạ vàng, gươm cong có chuôi nạm kim cương, quyền trượng với tay cầm nạm hồng ngọc, khăn xếp chần bông, lông chim gắn trên khăn xếp, những chiếc đồng hồ lạ lùng, bình đựng nước và dao găm, tượng voi và ngựa bằng ngà, ống điếu nạm kim cương hai đầu, tủ ngăn kéo khảm xà cừ, lông chim bạch hạc cho ngựa, những chuỗi tràng hạt lớn, mũ trụ trang trí bằng hồng ngọc và lam ngọc. Ánh sáng đó từ những cửa sổ trên cao nhợt nhạt tỏa xuống chiếu sáng những hạt bụi lơ lửng trong căn phòng lờ mờ tối giống như ánh nắng hè rọi vào từ trên lỗ trổ bằng kính ở đỉnh vòm của thánh đường – nhưng đây không phải ánh nắng. Trong ánh sáng lạ kỳ này, không khí tưởng như chạm vào được và mọi vật như làm bằng cùng một chất liệu. Sau khi chúng tôi hồi hộp trải nghiệm sự im lặng của căn phòng thêm một lúc nữa, tôi nhận thấy chính ánh sáng cũng như màn bụi bao phủ mọi thứ đã làm mờ đi màu đỏ ngự trị trong căn phòng lạnh lẽo này, hòa trộn mọi vật thành một khối đồng nhất bí ẩn. Và khi mắt lướt qua những đồ vật kỳ lạ và mơ hồ đó, không phân biệt được món này với món khác cho dù nhìn lại hai ba lần, cái khối thừa mứa đồ đạc khổng lồ này càng trở nên đáng sợ. Món mà tôi cứ tưởng là chiếc rương thì sau đó lại xác định là một cái bàn làm việc gấp lại được, sau đó nữa lại là một dụng cụ lạ lùng nào đó của người Tây vực. Tôi thấy chiếc rương khảm xà cừ nằm giữa đống khăn áo và lông vũ bị lôi ra khỏi hộp và quăng vội vã khắp nơi thật ra lại là một cái tủ trưng bày lạ mắt do Sa hoàng bên Nga gửi tặng.

Jezmi Agha đặt thùng than sưởi vào một hốc chìm trong tường.

“Những cuốn sách đặt ở đâu?” Sư phụ Osman thì thầm.

“Sách nào?” ông lùn nói. “Những cuốn từ Ẳ Rập, những quyển kinh Koran viết kiểu chữ Kufic, những quyển mà Quốc vương Yavuz Selim Vĩ đại, Người của Thiên đàng đã mang về từ Tabriz, sách của các vương hầu bị tịch thu của cải khi họ lãnh án tử hình, những bộ sách do sứ thần Venice mang đến tặng ông nội Quốc vương Vĩ đại, hay những quyển sách Thiên chúa giáo từ triều đại của Quốc vương Fatih Mehmet?”


“Những cuốn sách mà vua Tahmasp gởi cho Quốc vương Yavuz Selim Vĩ đại, Người của Thiên đàng, làm quà tặng hai mươi lăm năm về trước.” Sư phụ Osman nói.

Ông lùn đưa chúng tôi đến một chiếc tủ gỗ lớn. Sư phụ Osman bồn chồn khi ông mở những cánh cửa và nhìn thấy những pho sách trước mặt. Ông mở một quyển, đọc xuất xứ và lật nhanh các trang. Bên nhau, chúng tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm những hình minh họa kỹ càng các vị đại hãn với cặp mắt hơi xếch.

“Thành Cát Tư Hãn, Sát Hợp Đài, Đà Lôi và Hốt Tất Liệt, Người Thống trị Trung Hoa,” Sư phụ Osman đọc trước khi đóng quyển sách lại và cầm cuốn khác lên.

Chúng tôi đi ngang qua một bức tranh cực đẹp miêu tả cảnh Ferhad, được tiếp sức mạnh từ tình yêu, mang Shirin yêu dấu của anh và con ngựa của nàng trên vai. Để diễn tả nỗi khó khăn gian khổ mà cặp tình nhân phải trải qua, những tảng đá trên nửa bầu trời và ba cây bách hùng vĩ làm nhân chứng cho hành động vì tình yêu của Ferhad, được vẽ với bàn tay run rẩy vì cơn đau cùng cực đến nỗi Sư phụ Osman và tôi ngay lập tức xúc động trước mùi vị nước mắt và nỗi sầu trong những chiếc lá rơi. Khoảnh khắc đầy xúc cảm này được miêu tả – như ý định của những bậc thầy vẽ nó – không phải để khắc họa sức mạnh cơ bắp của Ferhad, mà thiên về miêu tả việc cả thế giới đã lập tức cảm nhận nỗi đau trong tình yêu của chàng như thế nào.

“Một tác phẩm bắt chước Bihzad được làm ở Tabriz tám mươi năm trước,” Sư phụ Osman nói trong khi đặt quyển sách đó xuống và mở một pho khác ra.

Đây là một bức tranh miêu tả tình bạn miễn cưỡng giữa mèo và chuột trong Kalila wa Dimna 2. Ngoài cánh đồng, một con chuột tội nghiệp, bị kẹt giữa con chồn dưới mặt đất và con diều hâu trên trời, tìm sự giúp đỡ từ một con mèo không may bị sập bẫy thợ săn. Chúng thỏa thuận với nhau: Con mèo sẽ giả làm bạn con chuột và liếm nó, khiến con chồn và diều hâu sợ bỏ đi. Đổi lại, con chuột thận trọng giải thoát con mèo khỏi cái bẫy. Thậm chí trước khi tôi kịp cảm nhận sự nhạy cảm của họa sĩ, Sư phụ đã nhét cuốn sách lại bên cạnh những quyển kia và ngẫu nhiên mở một quyển khác.

Đây là một bức tranh đẹp vẽ một phụ nữ bí ẩn và một người đàn ông: Người phụ nữ xòe một bàn tay ra một cách thanh tú trong khi đặt một câu hỏi, tay kia đặt vào đầu gối dưới chiếc áo choàng xanh, người đàn ông thì quay về phía cô mà lắng nghe chăm chú. Tôi háo hức nhìn vào bức tranh, ghen tị với sự thân ái, tình yêu và tình bạn giữa họ.

Đặt quyển sách đó xuống, Sư phụ Osman mở một cuốn sách khác. Kỵ binh của quân đội Ba Tư và Turania, những kẻ thù truyền kiếp, với đầy đủ áo giáp, mũ trụ, giáp che chân, cung, ống tên và tên, ngồi trên những con ngựa lộng lẫy, huyền thoại, được vũ trang đầy đủ. Trước khi lại lao vào một trận quyết tử, họ được dàn trận ngay hàng thẳng lớn đối mặt nhau trên một đồng cỏ đất vàng mũi giáo chĩa lên trời, được tô điểm bằng nhiều màu sắc, đang kiên nhẫn quan sát chỉ huy của họ, người đã tiến lên phía trước và bắt đầu chiến đấu. Tôi sắp tự nhủ rằng cho dù bức họa này được vẽ trong thời đại này hay cả trăm năm trước, dù nó là bức mô tả chiến tranh hay tình yêu, cái mà người họa sĩ đã thực sự vẽ và truyền đạt với niềm tin tuyệt đối là một trận chiến với ý chí và tình yêu của anh ta đối với hội họa; tôi định nói thêm rằng nhà tiểu họa này thực sự đã vẽ sự kiên nhẫn của mình, thì Sư phụ Osman nói:

“Ở đây cũng không có,” và đóng pho sách nặng nề đó lại.

Trên các trang của một quyển sưu tập tranh, chúng tôi thấy những dãy núi quyện lấy những đám mây vần vũ trong một bức tranh phong cảnh dường như kéo dài vô tận. Tôi ngẫm nghĩ về chuyện hội họa được cho là nhằm quan sát thế giới này nhưng lại miêu tả nó như thể đó là Thế giới khác. Sư phụ Osman thuật lại làm sao mà bức tranh Trung Hoa này có thể phiêu lưu từ Bukhara đến Herat, từ Herat đến Tabriz và cuối cùng từ Tabriz đến cung điện của Quốc vương, đi từ cuốn sách này đến cuốn khác trên đường phiêu lưu, được khâu lại rồi tháo ra, cuối cùng được khâu lại chung với những bức vẽ khác vào cuối cuộc hành trình từ Trung Hoa đến Istanbul.

Chúng tôi thấy những bức vẽ về chiến tranh và cái chết, mỗi bức sau lại càng đáng sợ và được thực hiện tinh xảo hơn bức trước: Rustem cùng vua Mazenderan; Rustem tấn công quân đội của Afrasiyab, và Rustem, cải trang trong giáp trụ, một chiến binh anh hùng bí ẩn và vô danh… Trong một quyển sưu tập khác chúng tôi thấy những xác chết bị chặt lìa tay chân, những con dao găm nhuộm đầy máu, những người lính u sầu mắt lóe tia chết chóc và những chiến binh chém giết nhau đổ xuống như sậy, giao chiến không khoan nhượng, như những đội quân truyền thuyết mà chúng tôi không thể gọi tên. Sư phụ Osman – không biết là lần thứ mấy ngàn – ngắm bức vẽ Husrev nhìn trộm Shirin đang tắm trong hồ dưới ánh trăng, bức vẽ đôi tình nhân Leyla và Mejnun ngất xỉu đi khi họ nhìn nhau sau một khoảng thời gian chia cách đằng đẵng, và một bức tranh rất có hồn tràn ngập chim muông, cây cỏ và hoa lá vẽ Salaman và Absal khi họ chạy trốn cả thế giới này và cùng chung sống trên một hòn đảo tràn ngập hạnh phúc. Như một bậc thầy vĩ đại thực thụ, ông không thể không hướng sự chú ý của tôi đến vẻ lạ kỳ ở góc một bức tranh thậm chí tồi tệ nhất, có lẽ liên quan đến sự sai sót về phía nhà trang trí, hay có lẽ là sự hòa quyện của các màu sắc: Như trong truyện, Husrev và Shirin đang lắng nghe một màn ngâm thơ mê hoặc của những thị nữ của nàng, nhưng hãy nhìn xem, tên họa sĩ buồn rầu và đầy thù hận nào đã đặt một con cú mang điềm gở kia lên nhánh cây một cách không cần thiết như thế; ai đã vẽ thêm cậu bé đáng yêu mặc áo váy phụ nữ kia vào giữa những người đàn bà Ai Cập tự cắt nhầm tay do vừa gọt vỏ những quả cam tươi ngon vừa lo liếc mắt nhìn vẻ tuấn tú của Yusuf? Liệu người họa sĩ đã vẽ cảnh Isfendiyar mù lòa vì mũi tên có tiên đoán được rằng sau đó chính hắn cũng sẽ bị đâm mù mắt không?

Chúng tôi thấy những thiên thần cùng Đấng Tiên tri cao cả trong cuộc thăng thiên; một lão già da đen, sáu tay, râu trắng dài tượng trưng cho thần Zuhal 3; và Rustem lúc sơ sinh đang ngủ yên lành trong chiếc nôi khảm xà cừ dưới sự trông chừng của người mẹ và các cô giữ trẻ. Chúng tôi thấy Darius chết đau khổ trong tay Alexander, rồi cảnh Behram Gur rút vào căn phòng đỏ với công chúa Nga của hắn, Siyavush chạy xuyên qua lửa trên lưng con ngựa ô mà cái mũi không có gì đặc biệt, và tang lễ thương đau của Husrev, kẻ bị chính con trai mình hạ sát. Trong khi Sư phụ Osman nhanh nhẹn lấy những quyển sách ra và đặt chúng qua một bên, nhiều lúc ông có thể nhận ra người họa sĩ và cho tôi thấy, hoặc moi ra chữ ký của người minh họa khiêm nhường giấu trong những bông hoa mọc lên từ một góc khuất của căn nhà đổ, hay giấu dưới giếng tối cùng với một âm hồn.

Bằng cách so sánh chữ ký và xuất xứ, ông có thể xác định ai đã mô phỏng cái gì từ người nào. Ông lật qua một số cuốn rất cẩn thận với hy vọng tìm thấy một loạt tranh vẽ. Có những khoảng im lặng kéo dài mà không nghe âm thanh gì ngoài tiếng lật loẹt xoẹt mơ hồ những trang giấy. Đôi khi, Sư phụ Osman la lên “A!” nhưng tôi im lặng, không thể hiểu cái gì đã khiến ông hào hứng vậy. Đôi khi ông nhắc tôi rằng chúng tôi đã từng gặp cách sắp xếp trang hay bố cục các cội cây và những người lính cưỡi ngựa này trong bức minh họa nào đó ở những cuốn sách khác, trong những cảnh khác của những câu chuyện hoàn toàn khác, và ông chỉ lại những bức kia để giúp tôi nhớ ra. Ông so sánh một bức tranh trong một bản sách Khamse của Nizami từ thời vua Riza con trai của Tamerlane – khoảng hai trăm năm về trước – với một bức khác mà ông bảo rằng được vẽ ở Tabriz trước đây khoảng bảy mươi hay tám mươi năm, tiếp đó ông hỏi tôi học được gì từ việc hai nhà tiểu họa cùng vẽ một bức tranh như nhau mà không hề nhìn thấy tác phẩm của nhau. Ông tự trả lời câu hỏi của mình:

“Vẽ là nhớ lại.”

Hết đóng rồi lại mở những bản thảo có trang trí, Sư phụ Osman chúi gương mặt đầy u sầu vào tác phẩm nghệ thuật lạ lùng (vì không ai có thể vẽ như vậy nữa) rồi sau đó hào hứng trong niềm vui trước những bức bị xử lý kém cỏi (vì mọi nhà tiểu họa đều là huynh đệ!) – và ông cho tôi thấy những gì mà họa sĩ đã ghi nhớ, nghĩa là, những bức tranh xưa vẽ cây cối, thiên thần, dù lọng, hổ báo, lều bạt, những con rồng và những hoàng tử u sầu, và trong quá trình đó, điều mà ông ám chỉ là: Đã từng có lúc Allah nhìn thế giới với vẻ độc đáo của nó, tin vào vẻ đẹp của những gì Ngài nhìn thấy, và trao công trình tạo tác của Ngài cho chúng ta, những tôi tớ của Ngài. Nhiệm vụ của những nhà minh họa và những người yêu nghệ thuật, khi nhìn vào thế giới là ghi nhớ sự lộng lẫy mà Allah đã nhìn ngắm và để lại cho chúng ta. Những bậc thầy vĩ đại nhất của mỗi thế hệ họa sĩ, dùng cả cuộc đời và làm việc cật lực đến mù lòa, phấn đấu với nỗ lực lớn lao và nguồn cảm hứng mạnh mẽ hầu đạt tới và ghi lại giấc mơ tuyệt vời mà Allah muốn chúng ta nhìn thấy. Công việc của họ giống như loài người đang gợi lại ký ức vàng son của họ từ thuở ban sơ.

Đáng tiếc thay, ngay cả những bậc thầy vĩ đại nhất, giống như những ông già mệt mỏi hay nhà tiểu họa mù lòa vì lao động, chỉ mơ hồ góp nhặt được những phần ngẫu nhiên của tầm nhìn tuyệt vời đó. Đó chính là sự khôn ngoan bí ẩn đằng sau hiện tượng những bậc thầy già tài tình vẽ nên một thân cây, một chú chim, tư thế của một vị hoàng tử đang tắm trong nhà tắm công cộng hay người phụ nữ buồn bã tựa cửa sổ giống hệt nhau cho dù họ không hề thấy tác phẩm của nhau và cho dù họ sống cách nhau hàng trăm năm.

Khá lâu sau, khi ánh sáng đỏ quạch trong Quốc khố trở nên mờ nhạt và chúng tôi thấy rõ rằng cái tủ này không có những quyển sách mà vua Tahmasp đã gửi tặng ông nội của Đức vua, Sư phụ Osman trở lại với luận lý cũ:


“Đôi lúc, một cánh chim, cách vẽ những chiếc lá vào cành cây, những đường cong của mái hiên, cách những cụm mây bay ngang hay nụ cười của người phụ nữ được duy trì qua nhiều thế kỷ bằng cách truyền từ thầy dạy xuống đồ đệ và được trưng bày, giảng dạy và ghi nhớ qua nhiều thế hệ. Sau khi học được chi tiết này từ thầy dạy, nhà tiểu họa tin rằng đó là hình dáng hoàn hảo, và tin chắc rằng điều đó là bất di bất dịch như anh ta tin vào Kinh Koran Vinh quang, và cũng như thuộc kinh Koran, anh ta sẽ không thể quên cái chi tiết đã in sâu vào ký ức mình. Tuy nhiên, không bao giờ quên không có nghĩa là họa sĩ bậc thầy này sẽ luôn luôn sử dụng chi tiết đó. Đôi khi những phong tục của xưởng vẽ nơi anh ta đánh mất ánh sáng của đôi mắt, những thói quen và sở thích chọn màu của bậc thầy khó tính bên cạnh anh ta, hay ý thích thất thường của quốc vương sẽ ngăn anh ta vẽ lại chi tiết đó, và anh ta sẽ vẽ một cánh chim, hay cái cách một phụ nữ cười…”

“Hay cái mũi của một con ngựa.”

“…hay cái mũi của một con ngựa”, Sư phụ Osman mặt lạnh lùng nói, không theo cách đã ăn sâu vào tâm hồn anh ta, mà dựa theo phong tục của xưởng vẽ nơi anh ta đang làm việc, giống như những họa sĩ khác ở đó. Ngươi có hiểu ý ta không?”

Từ một trang trong quyển Husrev o Shirin của Nizami, chúng tôi đã lật qua rất nhiều phiên bản cua tác phẩm này, trong một bức tranh miêu tả Shirin ngồi trên ngai vàng, Sư phụ Osman đọc lớn những chữ được khắc ở hai phiến đá bên trên bức tường Cung điện: ALLAH TỐI CAO DUY TRÌ SỨC MẠNH CỦA ĐỨA CON BÁCH THẮNG TAMERLANE ĐẠI ĐẾ, QUỐC VUƠNG CAO QUÝ CỦA CHÚNG TA, ĐẠI HÃN CÔNG CHÍNH, BẲO VỆ NGAI VÀNG VÀ LÃNH THỔ CỦA NGÀI ĐỂ NGÀI CÔ THỂ MÃI MÃI MÃN NGUYỆN (phiến đá bên trái khắc) VÀ GIÀU CÔ (phiến bên phải khắc).

Sau đó, tôi hỏi, “Chúng ta có thể tìm đâu ra bức họa mà trong đó nhà tiểu họa vẽ mũi một con ngựa giống như thứ đã khắc sâu vào trí nhớ của hắn?”

“Ta phải tìm ra pho Shahnameh huyền thoại mà vua Tahmasp đã gửi làm quà tặng,” Sư phụ Osman nói. “Chúng ta phải quay lại những ngày xưa chói lọi đó của truyền thuyết, khi Allah còn tác động tới việc vẽ những bức tiểu họa. Chúng ta còn rất nhiều sách chưa xem qua.”

Tôi chợt nghĩ rằng có thể, chỉ là có thể thôi, mục đích chính của Sư phụ Osman không phải là tìm những con ngựa với những chiếc mũi được vẽ kỳ lạ, mà là xem xét tỉ mỉ càng nhiều càng tốt những bức tranh kỳ diệu đã ngủ yên nhiều năm trong Quốc khố này, hoàn toàn thoát khỏi những cặp mắt soi mói. Tôi sốt ruột muốn tìm ra manh mối có thể hợp nhất tôi với Shekure đang đợi tôi ở nhà đến nỗi tôi không muốn tin ràng vị Sư phụ này có khi lại muốn ở lại Quốc khố lạnh lẽo này càng lâu càng tốt.

Dù vậy chúng tôi vẫn kiên nhẫn mở những tủ, những rương khác do ông già lùn chỉ dẫn, để xem xét những bức tranh trong đó. Thỉnh thoảng tôi lại phát mệt với những bức tranh, tất cả nhìn hao hao nhau, và ước gì không bao giờ thấy bức Husrev thăm Shirin dưới cửa sổ lâu đài; tôi rời khỏi chỗ đứng bên cạnh Sư phụ mà không buồn nhìn đến mũi của con ngựa Husrev đang cuối – và cố gắng làm ấm người bên thùng than sưởi, hoặc bước đi trịnh trọng và kiêng dè giữa những đống vải vóc, vàng bạc, vũ khí, giáp trụ và hàng chiến lợi phẩm trong những phòng kế bên của Quốc khố. Đôi khi giật mình vì một tiếng kêu bất ngờ và cái khoát tay của Sư phụ Osman, tôi tưởng tượng rằng thầy vừa tìm thấy một tuyệt tác mới, hoặc, phải đấy, một con ngựa với cái mũi kỳ lạ, thế là tôi chạy đến bên ông, nhìn vào bức tranh ông đang cầm bằng đôi tay hơi run trong khi ngồi lom khom trên một tấm thảm Ushak có từ thời Quốc vương Fatih Mehmet, để rồi chỉ thấy được một bức minh họa, thuộc loại tôi chưa từng thấy trước đây miêu tả cảnh Satan lẻn lên thuyền của Nuh 4 chẳng hạn.

Chúng tôi nhìn hàng trăm vị vua, hoàng đế, quốc vương và đại hãn – những người trị vì ngai vàng của nhiều vương quốc và đế chế khác nhau từ thời của Tamerlane đến Quốc vương Kanuni Suleyman – hạnh phúc và hào hứng săn linh dương, sư tử và thỏ. Chúng tôi còn thấy cả Quỷ sứ cắn ngón tay mình và bối rối thoái lui trước một người đàn ông vô sỉ đứng trên những thanh gỗ buộc vào chân sau con lạc đà để hắn có thể hãm hiếp con vật tội nghiệp. Trong một quyển sách Ẳ Rập đến từ Baghdad, chúng tôi xem cảnh một nhà buôn bám chặt vào đôi chân của con chim thần thoại khi nó bay ngang qua biển. Trong một quyển khác đã tự mở trang đầu, chúng tôi thấy bức tranh mà Shekure và tôi thích nhất, trong đó Shirin ngắm bức tranh vẽ Husrev treo trên cành cây và đem lòng yêu anh. Sau đó, nhìn vào một bức tranh miêu tả sinh động cách vận hành bên trong của một chiếc đồng hồ phức tạp gồm những dây cót và những trái cầu kim loại, những chú chim và tượng nhỏ Ẳ Rập ngồi trên lưng một con voi, chúng tôi nhớ đến thời gian.

Tôi không nhớ chúng tôi đã bỏ thêm bao nhiêu thời gian để xem xét hết quyển sách này đến quyển khác và hết bức họa này đến bức khác theo cách đó. Cứ như là thời đại hoàng kim đông cứng, bất biến toát ra từ những bức tranh và câu chuyện chúng tôi thấy đã hòa vào thời gian ẩm thấp và meo mốc mà chúng tôi trải qua trong Quốc khố. Có vẻ như những trang minh họa này, được vẽ ra từ hàng thế kỷ trước bằng sự phung phí thị lực trong những xưởng vẽ của vô số vua chúa, đại hãn và quốc vương, rồi sẽ sống lại. Cũng như những đồ vật có vẻ như đang vây kín chúng tôi: những mũ trụ, mã tấu, dao găm với cán nạm kim cương, áo giáp, những chiếc tách sứ Trung Hoa, những chiếc đàn luýt mỏng manh và đầy bụi, những chiếc gối và thảm treo tường thêu trang trí ngọc trai – những món tương tự như những gì chúng tôi thấy trong vô số tranh minh họa.

“Giờ ta hiểu rằng, bằng cách lặng lẽ và từ từ tái tạo những bức tranh giống nhau qua hàng trăm năm, hàng ngàn họa sĩ đã khéo léo thể hiện sự chuyển hóa dần dần thế giới của họ thành một thế giới khác.” Trước hết tôi phải thừa nhận tôi không hoàn toàn hiểu dụng ý của Sư phụ Osman. Nhưng sự tập trung cao độ của thầy vào hàng ngàn bức tranh được vẽ trong vòng hai trăm năm trước từ Bukhara đến Herat, từ Tabriz đến Baghdad và từ khắp nơi đến Istanbul đã đi quá xa cuộc tìm kiếm manh mối qua lỗ mũi của một con ngựa nào đó. Chúng tôi nhu đang tham gia vào một khúc bi ca cho cảm hứng, tài năng và lòng kiên nhẫn của tất cả những bậc thầy đã vẽ và trang trí tại những miền đất ấy qua bao năm tháng.

Vì lý do đó, khi những cánh cửa Quốc khố mở ra vào buổi cầu kinh chiều và Sư phụ Osman giải thích với tôi rằng ông không hề muốn rời khỏi nơi đây, hơn nữa, chỉ bằng cách lưu lại đây đến sáng mà xem xét những bức tranh dưới ánh đèn dầu và ánh nến thì ông mới thi hành đúng mệnh lệnh của Đức vua, thì phản ứng đầu tiên của tôi, như tôi nói với ông, là tôi sẽ ở lại đây cùng ông và ông già lùn.

Tuy nhiên, khi cửa mở và thầy tôi bày tỏ ước muốn của ông với viên quan đang chờ và xin phép Trưởng Ngân khố, lập tức tôi hối hận về quyết định của mình. Tôi khao khát Shekure và mái ấm của chúng tôi. Tôi càng lúc càng bồn chồn khi tự hỏi làm sao nàng có thể xoay xở qua đêm một mình với bọn trẻ, làm sao nàng đóng chặt những tấm rèm mới sửa nơi cửa sổ.

Qua cánh cổng mở ngỏ của Quốc khố, tôi bị cuộc sống kỳ diệu bên ngoài vẫy gọi qua những cây tiêu huyền cổ thụ đọng sương trong khuôn viên sân Enderun giờ đây chìm trong làn sương mỏng và qua bóng dáng hai cậu thư đồng đang nói chuyện với nhau bằng cách ra hiệu để không quấy rầy sự yên tĩnh của Quốc vương; nhưng tôi ở nguyên tại chỗ, đông cứng vì bối rối và tội lỗi.

— —— —— —— ——-

1Divan Meydani: Sân Thượng hội đồng. 2Kalila wa Dimna: Bản dịch tiếng Ẳ Rập của Panchatantra, tập ngụ ngôn loài vật bằng thơ chen lẫn văn xuôi, nguyên gốc của Ấn Độ. 3Zuhal: Vị thần trong truyền thống Ẳ Rập, tương đương với thần Saturnus của La Mã, Kronos (Cha chủa thần Zeus) của Hy Lạp, Thổ tinh của Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, và Shani trong truyền thống Ấn Độ, vốn được coi là vị thần phán xét mọi người theo hành vi thiện hay ác của họ. 4Nuh chính là nhân vật Noah, người đóng con tàu để cứu mọi sinh vật qua trận Đại Hồng Thủy trong Kinh thánh. Trong Koran, Nuh được coi là một trong năm vị tiên tri chính của Hồi giáo. Câu chuyện về ông được kể trong chương “Hud.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.