Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 30
TÔI, SHEKURE
Tuyết rơi dữ quá đến nỗi thỉnh thoảng những bông tuyết bay xuyên qua tấm mạng đâm thẳng vào mắt tôi. Tôi thận trọng đi qua khu vườn đầy cỏ mục, bùn và nhánh cây gẫy, sau đó rảo bước khi ra đến ngoài đường. Tôi biết tất cả các bạn đang tự hỏi tôi đang nghĩ gì. Tôi tin Siyah đến mức nào? Vậy hãy để tôi nói thật với bạn. Chính tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì. Bạn hiểu mà, đúng không? Tôi bối rối. Tuy nhiên, tôi biết rõ đến chừng này: Như thường lệ tôi sẽ đắm mình vào công việc thường lệ như cơm nước, con cái, cha tôi và những việc lặt vặt khác, và ngay sau đó trái tim tôi, thậm chí không cần hỏi, sẽ tự động thì thầm sự thật với tôi. Ngày mai, trước buổi trưa, tôi sẽ biết mình nên cưới ai.
Tôi muốn chia sẻ một điều gì đó với bạn trước khi về đến nhà. Thôi đi! Lúc này tôi không muốn nói về kích cỡ của cái vật xấu xí mà Siyah đã cho tôi xem. Nếu bạn muốn, chúng ta có thể nói về nó sau. Điều tôi sắp bàn là sự hấp tấp của Siyah. Anh ấy không có vẻ chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Thực tình mà nói, nếu anh ấy có muốn thì cũng không quan trọng. Điều làm tôi ngạc nhiên là sự ngốc nghếch của anh ấy! Tôi cho rằng anh ấy chưa từng nghĩ đến chuyện anh ấy có thể hăm dọa tôi và bắt cóc tôi, làm nhục tôi rồi tống khứ tôi đi, hoặc tạo cơ hội cho những hậu quả thậm chí còn nguy hiểm hơn. Qua vẻ ngây thơ của anh ấy tôi có thể thấy anh ấy rất yêu và thèm khát tôi. Nhưng sau mười hai năm chờ đợi, tại sao anh ấy không thể chơi cuộc chơi theo luật của nó và chờ mười hai ngày nữa?
Bạn có biết tôi có linh cảm không hay rằng mình đã yêu sự kém cỏi và cái nhìn trẻ con u sầu của anh ấy không? Có lúc, lẽ ra nên bực bội, tôi lại thấy thương hại anh ấy. “Ôi cậu bé tội nghiệp của tôi,” một giọng bên trong tôi nói, “anh đã chịu sự dằn vặt như thế mà vẫn hoàn toàn kém cỏi.” Tôi cảm thấy muốn che chở anh ấy đến độ có thể tôi đã phạm một sai lầm, có lẽ tôi đã thực sụ đắm đuối với chàng trai nhỏ bé hư hỏng đó.
Nghĩ đến những đứa con bất hạnh của tôi, tôi rảo bước.
Ngay khi đó, trong bóng tối vừa buông và trong tuyết trắng xóa, hình như có một bóng người chạy ngang qua chỗ tôi. Hụp đầu xuống, tôi lướt qua ông ta.
Khi bước qua cổng sân, tôi biết rằng Hayriye và bọn trẻ vẫn chưa về. Vậy là tốt, tôi đã về đúng lúc, chưa đến giờ cầu kinh tối.
Tôi leo lên cầu thang, ngôi nhà có mùi mứt cam. Cha tôi đang ở trong căn phòng tối có cánh cửa xanh da trời của ông; bàn chân tôi tê cóng. Tôi cầm cây đèn bước vào phòng mình ở mé phải cầu thang, và khi thấy của tủ bị mở toang, nệm gối rơi vương vãi và căn phòng bị lục tung, tôi nghĩ đó là trò nghịch phá của Shevket với Orhan. Có một sự im lặng trong nhà, không khác thường gì, nhưng không giống sự im lặng thường lệ. Tôi thay bộ đồ mặc trong nhà rồi ngồi một mình trong bóng tối, và khi chìm đắm trong mộng tưởng thoáng qua, đầu óc tôi ghi nhận có tiếng động phát ra từ bên dưới, ngay bên dưới tôi, không phải từ nhà bếp mà từ căn phòng lớn cạnh chuồng ngựa vốn vẫn được dùng làm xưởng vẽ trong mùa hè. Cha tôi xuống đó giữa trời lạnh thế này sao? Tôi nhớ mình không thấy có ánh đèn dầu ở đó; bất ngờ tôi nghe tiếng cửa trước kêu cọt kẹt trong khoảng từ lối đi lát đá ra tới sân, và sau đó, tiếng sủa mang điềm gở và khó chịu của lũ chó chạy quàng qua cổng – tôi cảm thấy lo sợ, tạm cho là thế.
“Hayriye,” tôi kêu lên, “Shevket, Orhan…” Tôi cảm thấy một cơn gió lạnh. Thùng than sưởi của cha tôi hẳn phải đang cháy; tôi phải ngồi với ông để sưởi ấm. Khi tôi đi đến phòng ông, giơ cao ngọn đèn dầu, ý nghĩ của tôi không còn hướng tới Siyah nữa, mà về bọn trẻ.
Tôi băng xéo qua tiền sảnh rộng, tự hỏi liệu có nên đặt nồi nước ở lò sưởi dưới nhà để chuẩn bị làm món xúp cá đối không.
Tôi bước vào căn phòng có cánh cửa màu xanh da trời. Mọi thứ bừa bộn. Không nghĩ gì, tôi vừa định nói, “Cha mình làm gì nãy giờ vậy?”
Rồi tôi thấy ông dưới sàn.
Tôi rú lên, tràn ngập kinh hoàng. Rồi tôi rú tiếp. Nhìn chăm chăm xác cha mình, tôi câm bặt.
Qua phản ứng lạnh lùng và đôi môi mím chặt của bạn tôi có thể nói rằng bạn biết những gì đã xảy ra trong căn phòng này. Nếu không biết được tất cả thì cũng biết khá nhiều. Điều bạn đang muốn biết là phản ứng của tôi trước những gì tôi vừa thấy và tôi có cảm nghĩ gì. Như các độc giả thỉnh thoảng vẫn làm khi ngắm một bức tranh, bạn đang cố hiểu nỗi đau của nhân vật chính và nghĩ về những sự kiện dẫn đến phút giây đau đớn này. Và rồi, sau khi xem xét phản ứng của tôi, bạn sẽ muốn thử hình dung không phải nỗi đau của tôi mà là những gì bạn sẽ cảm thấy nếu bạn là tôi, nếu cha bạn bị giết giống như vầy. Tôi biết bạn đang cố làm như thế.
Phải, buổi tối tôi trở về nhà thì phát hiện ra ai đó đã giết cha mình. Phải, tôi đã bứt tóc. Phải, như tôi vẫn làm khi còn nhỏ, tôi ôm ông thật chặt và hít ngửi da thịt ông. Phải, tôi run và không thở được. Phải, tôi cầu xin Allah dựng ông dậy và cho ông ngồi im lặng trong góc giữa mớ sách vở của ông như mọi khi. Dậy đi, cha ơi, dậy đi, đừng chết. Cái đầu đầy máu của ông bị giập nát.
Không phải việc giấy và sách bị xé, không phải việc những cái bàn nhỏ, những thùng thuốc màu và lọ mực bị đập vỡ và quăng bừa bãi, không phải việc những tấm nệm bị xé nát, bàn làm việc và bàn viết bị đập tan hoang, không phải việc kẻ nào đó đã lục soát kỹ lưỡng khắp nơi, thậm chí cũng không phải nỗi giận dữ đã giết chết cha tôi, mà điều tôi sợ nhất là sự căm hờn đã hủy hoại căn phòng và mọi thứ trong đó. Tôi không còn khóc nữa. Có một cặp tình nhân đi ngang ngoài đường, nói cười trong bóng tối; trong khi đó tôi có thể nghe sự im lặng vô tận của thế giới trong đầu tôi; tôi đưa hai tay lên chùi mũi và nước mắt. Một hồi lâu rất lâu tôi nghĩ tới bọn trẻ và cuộc sống của chúng tôi.
Tôi lắng nghe sự im lặng. Tôi chạy lại, nắm lấy cổ chân cha tôi và kéo ông ra hành lang. Không hiểu sao ở ngoài đó ông nặng hơn, nhưng tôi bắt đầu kéo ông xuống thang mà không chú ý đến chuyện này. Được nửa đường, tôi thấm mệt và ngồi xuống bậc thang. Tôi chực khóc nữa thì nghe có tiếng động khiến tôi nghĩ rằng Hayriye và bọn trẻ đã về, tôi nắm lấy cổ chân cha tôi kẹp vào nách rồi tôi tiếp tục đi xuống, lần này nhanh hơn. Đầu cha tôi bị giập nát và đầy máu đến độ cứ kêu lụp bụp khi va vào mỗi bậc thang. Đến chân cầu thang, tôi lật xác ông lại, giờ nó có vẻ nhẹ hơn, và, cố hết sức, tôi kéo ông qua sàn nhà lát đá, đưa ông vào xưởng vẽ mùa hè. Để thấy rõ căn phòng tối đen này, tôi vội bước trở ra lò trong bếp. Khi quay lại cầm theo cây nến, tôi thấy cả căn phòng tôi vừa kéo cha tôi vào đã bị lục lọi cùng khắp như thế nào. Tôi chết lặng.
Ai đã làm vậy, thần thánh ơi, ai trong số họ?
Đầu óc tôi quay cuồng. Đóng chặt cửa lại, tôi để cha tôi trong căn phòng bị phá tung đó. Tôi vớ lấy cái xô trong bếp, múc đầy nước từ cái giếng. Tôi leo lên những bậc thang, và dưới ánh đèn dầu, tôi nhanh tay chùi sạch máu trong hành lang, trên cầu thang và mọi nơi khác. Tôi trở ngược lên lầu đến phòng tôi, cởi bộ đồ dính máu rồi mặc quần áo sạch vào. Mang theo xô và giẻ, tôi định bước vào căn phòng có cửa màu xanh da trời thì nghe cổng sân trước nhà bật mở. Lệnh báo cầu kinh tối vang lên. Tôi tập trung toàn bộ sức lực cầm cây đèn dầu trên tay, tôi chờ họ ở đầu cầu thang.
“Mẹ ơi tụi con về rồi nè,” Orhan nói.
“Hayriye! Chị đi đâu vậy!” Tôi nói gay gắt, nhưng cứ như tôi đang thì thào, chú không phải quát lên.
“Nhưng mẹ, tụi con đâu đi quá giờ cầu kinh tối đâu…” Shevret nói.
“Im nào! Ông ngoại bệnh, ông đang ngủ.”
“Bệnh hả?” Hayriye nói từ dưới nhà.
Qua sự im lặng của tôi, cô ta biết rằng tôi đang giận dữ: “Shekure, tụi tôi đợi Kosta. Ngay khi người ta chở cá đối đến, tụi tôi lo nhặt bỏ mấy lá nguyệt quế liền, rồi tôi đi mua trái vả với anh đào khô cho bọn trẻ.”
Tôi rất muốn xuống nhà thì thầm la rầy Hayriye, nhưng tôi sợ rằng khi mình xuống cầu thang, ngọn đèn trên tay tôi sẽ chỉ rõ những bậc thang ướt nhẹp và những giọt máu tôi bỏ sót chưa lau trong lúc vội vã. Bọn trẻ chạy ầm lên cầu thang và cởi giày ra.
“Này, này,” tôi la. Lùa chúng về phía phòng ngủ của chúng tôi, tôi nói: “Không đi đường đó, ông ngoại đang ngủ, không được vô.”
“Con sẽ vào phòng có cửa màu xanh, để ngồi cạnh thùng than sưởi.” Shevret nói, “không vào phòng ông ngoại đâu.”
“Ông ngoại ngủ trong phòng đó,” tôi thì thào.
Nhưng tôi nhận thấy chúng do dự một lát. “Để bảo đảm những âm hồn đang ám ông ngoại và làm cho ông bệnh không tấn công cả hai đứa,” tôi nói. “Tụi con phải lên phòng mình đi.” Tôi nắm tay hai đứa dắt vào phòng ngủ của ba mẹ con tôi. “Giờ nói cho mẹ biết tụi con đã làm gì ngoài đường tới giờ này vậy”, “Tụi con thấy mấy người ăn mày da đen, Shevret nói.” “Ở đâu?” tôi hỏi, “họ mang theo cờ hả?”, “Khi tụi con leo lên dốc, họ cho Hayriye một quả chanh. Hayriye cho họ ít tiền. Người họ đầy tuyết.” “Còn gì nữa?”, “Họ đang tập bắn tên vào bia ở quảng trường.”, “Giữa trời tuyết này à?” tôi nói. “Mẹ ơi con lạnh,” Shevret nói. “Con muốn vô phòng có cửa xanh.”, “Con không được ra khỏi phòng này,” tôi nói. “Nếu không con sẽ chết. Mẹ sẽ đem thùng than sưởi vào cho con.” “Sao mẹ nói tụi con sẽ chết?” Shevret nói. “Mẹ sẽ nói với các con một chuyện,” tôi nói, “nhưng các con không được nói với ai khác. Hiểu không?” “Chúng thề không nói.” “Trong khi tụi con ra ngoài, có một người trắng toát đã chết từ lâu và bạc hết màu từ một xứ sở xa xôi đã đến đây nói chuyện với ông ngoại. Hóa ra đó là một âm hồn.” Chúng hỏi tôi âm hồn đó từ đâu tới. “Từ bên kia sông.” tôi nói. “Chỗ ba đang ở hả?” Shevret hỏi. “Ừ, chỗ đó,” tôi nói. “Âm hồn đó tới để xem mấy bức tranh trong sách của ông ngoại. Người ta nói rằng kẻ nào có tội nhìn vào những bức tranh đó thì sẽ chết tức thì.” Im lặng.
“Nghe này, mẹ sẽ xuống nhà với Hayriye,” tôi nói. “Mẹ sẽ mang thùng sưởi lên đây, cả bữa ăn tối nữa. Đừng ra khỏi phòng, nếu không tụi con sẽ chết. Âm hồn đó vẫn còn trong nhà mình.” “Mẹ ơi, mẹ đừng đi,” Orhan nói.
Tôi quay sang Shervet. “Con phải trông chừng em,” tôi nói. “Nếu con ra khỏi phòng mà âm hồn không bắt con đi thì chính mẹ sẽ giết con.” Tôi làm vẻ mặt đe dọa giống như lúc sắp phát vào mông chúng. “Bây giờ thì hãy cầu nguyện cho ông ngoại đang bệnh đừng chết. Nếu con ngoan, Thượng đế sẽ nghe lời cầu nguyện của con và không ai làm hại con được.”
Không nói thêm gì nữa, chúng bắt đầu cầu nguyện. Tôi đi xuống nhà.
“Có người làm đổ lọ mứt cam,” Hayriye nói. “Con mèo thì không làm được, nó đâu mạnh dữ vậy, còn chó thì đâu có vô nhà được…”
Cô ta bất ngờ thấy vẻ kinh hoàng trên mặt tôi và nín lặng. “Có chuyện gì vậy,” cô ta hỏi, “Chuyện gì xảy ra vậy? Cha cô gặp chuyện gì phải không?”
“Ông chết rồi.”
Cô ta hét lên. Con dao và củ hành cô ta đang cầm rơi xuống đụng vào tấm thớt mạnh đến độ con cá giãy đành đạch. Cô hét lên lần nữa. Cả hai chúng tôi đều nhận thấy có máu trên bàn tay trái của cô, không phải máu của con cá, mà từ ngón trỏ của cô vì lỡ để dao cứa phải. Tôi chạy lên lầu, và trong khi đang tìm một miếng vải trong phòng đối diện với phòng bọn trẻ đang ở, tôi nghe những tiếng động và tiếng la của chúng. Cầm miếng vải vừa xé tôi bước vào phòng thì thấy Shevket đang cưỡi lên em nó, gối đè Ohran sát đất. Nó đang bóp cổ em.
“Hai đứa làm trò gì vậy!” tôi hét to hết cỡ.
“Orhan định ra khỏi phòng,” Shevket nói.
“Nói láo,” Orhan nói. “Shevket mở cửa và con bảo anh ấy không được đi.” Nó bắt đầu khóc.
“Nếu tụi con không ngồi im ở đây, mẹ sẽ giết cả hai đứa.”
“Mẹ ơi đừng đi,” Orhan khóc.
Xuống nhà, tôi băng ngón tay cho Hayriye, cầm được máu. Khi tôi nói với cô ta rằng cha tôi không chết một cách tự nhiên, cô ta càng sợ hãi và đọc to những bài kinh cầu Allah che chở. Cô ta nhìn ngón tay bị đứt của mình mà khóc. Tình yêu dành cho cha tôi đủ lớn để cô ta khóc như mưa như gió vậy ư? Cô ta muốn lên lầu nhìn xác ông.
“Ông không có trên lầu,” tôi nói. “Ông ở trong căn phòng phía sau.”
Cô ta nhìn tôi đầy nghi ngờ. Nhưng khi cô ta nhận ra tôi không thể chịu nổi việc nhìn ông lần nữa, cô hết sức tò mò. Cô cầm lấy cây đèn và bỏ đi. Cô bước bốn năm bước vượt qua lối vào nhà bếp nơi tôi đang đứng, rồi một cách tôn trọng và lo lắng, cô từ từ đẩy cánh cửa phòng, và qua ánh sáng của ngọn đèn đang cầm, cô nhìn vào trong. Thoạt tiên không nhìn thấy cha tôi, cô giơ cây đèn cao hơn, cố rọi sáng mọi góc của căn phòng hình chữ nhật to.
“Aaa”, cô ta rú lên. Cô đã thấy cha tôi nơi tôi để ông ngay cạnh cửa. Cô nhìn ông chằm chằm. Bóng cô bất động hắt lên sàn nhà và tường chuồng ngựa. Trong khi cô nhìn, tôi hình dung những gì cô đang thấy. Khi trở ra, cô không khóc. Tôi nhẹ người khi thấy rằng cô có đủ thông minh để nắm bắt hoàn toàn những gì tôi chuẩn bị kể cho cô.
“Bây giờ nghe tôi, Hayriye.” tôi nói. Khi tôi nói, tay tôi vung vẩy con dao làm cá mà tôi bất giác chộp lấy. “Trên lầu cũng bị lục soát; chính con quỷ đáng nguyền rủa này đã hủy hoại mọi thứ, hắn đã xáo tung mọi thứ. Đó là nơi hắn đã đập vỡ mặt và đầu cha tôi; đó là nơi hắn đã giết ông. Tôi mang ông xuống đây để bọn trẻ không thấy và như thế tôi có dịp để báo cho chị hay. Sau khi ba người đi, tôi cũng đi. Cha tôi ở nhà một mình.”
“Tôi không biết chuyện đó,” cô ta nói một cách hỗn xược.”Cô đi đâu?
Tôi muốn cô ta chú ý kỹ sự im lặng của tôi. Rồi tôi nói, “Tôi đi với Siyah. Tôi gặp Siyah ở nhà Người Do Thái bị treo cổ. Nhưng chị không được hé một lời nào với ai về chuyện này. Mà trong lúc này, chị cũng không được nói rằng cha tôi bị giết.”
“Ai giết ông ấy vậy?”
Cô ta là một kẻ ngốc như thế, hay cô ta đang cố dồn tôi vào chân tường?
“Nếu tôi biết, tôi sẽ không giấu việc ông đã chết,” tôi nói. “Tôi không biết. Chị biết không?”
“Làm sao tôi biết được?” cô ta nói. “Bây giờ mình làm gì đây?
“Chị sẽ làm như không có chuyện gì xảy ra,” tôi nói. Tôi cảm thấy thèm được khóc to lên, nhưng tôi ghìm mình lại. Cả hai chúng tôi im lặng.
Một lúc lâu sau, tôi nói, “Dẹp con cá đi, làm cơm cho bọn trẻ.”
Cô phản đối và bắt đầu khóc, tôi liền ôm cô. Chúng tôi ôm nhau thật chặt. Giờ tôi thấy thương cô, nhất thời thấy thương hại, không chỉ thương hại chính tôi và bọn trẻ, mà tất cả chúng tôi. Nhưng ngay cả khi chúng tôi ôm nhau, một con sâu nghi ngờ cũng bắt đầu gặm nhấm tôi. Bạn biết tôi đang ở đâu khi cha tôi bị giết. Để tiến hành kế hoạch của mình, tôi đã tìm cách cho Hayriye và bọn trẻ ra khỏi nhà. Bạn biết rằng việc để cha tôi một mình trong nhà là một sự trùng hợp ngẫu nhiên ngoài dự kiến… Nhưng Hayriye có biết không? Cô ấy có hiểu những gì tôi đã giải thích với cô ấy, cô ấy sẽ hiểu chứ? Thực tế cô ấy sẽ nhanh chóng hiểu ra và nảy sinh nghi ngờ. Tôi ôm cô ấy chặt hơn; nhưng tôi biết rằng với đầu óc của một cô gái nô lệ, cô ta cho rằng tôi đã làm vậy để che giấu những mưu đồ của tôi, và ngay khi đó thậm chí tôi có cảm giác như mình đang lừa dối cô ấy. Trong khi cha tôi đang bị giết ở đây, tôi và Siyah còn bận làm tình. Nếu chỉ có mình Hayriye biết điều này, tôi sẽ không cảm thấy mình có tội đến thế, nhưng tôi ngờ rằng bạn cũng nghĩ vậy. Vì vậy, hãy thừa nhận nó, bạn tin rằng tôi đang giấu giếm một điều gì đó. Ôi, người đàn bà đáng thương! Số phận của tôi còn tối tăm đến đâu nữa? Tôi bắt đầu khóc, rồi Hayriye khóc, và chúng tôi lại ôm nhau.
Tôi giả vờ như thỏa mãn cơn đói tại bàn ăn chúng tôi dọn trên lầu. Thỉnh thoảng, lấy cớ “xem chừng ông ngoại,” tôi bước vào một phòng khác và khóc như mưa. Sau đó, bọn trẻ bám chặt lấy tôi trên giường vì sợ hãi và lo lắng. Một hồi lâu chúng vẫn không ngủ được vì sợ các âm hồn, và khi trở mình chúng cứ hỏi, “Con nghe có tiếng động, mẹ có nghe không?” Để dỗ chúng ngủ, tôi hứa kể cho chúng nghe một câu chuyện tình. Bạn biết lời nói bay bổng như thế nào trong đêm tối mà.
“Mẹ ơi mẹ sẽ không lấy chồng nữa, đúng không?” Shevket hỏi.
“Nghe này,” tôi nói. “Ở xa lắm có một ông hoàng yêu một cô gái đẹp tuyệt trần. Tại sao chuyện này xảy ra? Để mẹ kể các con nghe. Trước khi thấy cô gái, ông ta đã thấy bức tranh vẽ cô ấy, vậy đó.”
Như tôi thường làm khi lo lắng và bối rối, tôi kể câu chuyện không theo ký ức mà tự bịa ra theo điều tôi cảm nhận lúc đó. Và bởi tôi tô màu nó bằng cách sử dụng một bảng màu của những ký ức và những lo lắng của riêng tôi, nên những gì tôi kể lại trở thành một kiểu tranh minh họa u sầu đi liền với những gì đã xảy ra cho tôi.
Sau khi cả hai đứa đã ngủ, tôi rời chiếc giường ấm và cùng Hayriye dọn sạch những gì con ác quỷ xấu xa đó đã bày ra khắp nhà. Chúng tôi nhặt nhạnh những chiếc rương bị phá, sách vở, quần áo, tách sứ, những chiếc bình đất nung, đĩa, bình mực bị ném ngổn ngang và vỡ khắp nơi; chúng tôi dọn dẹp chiếc bàn làm việc bừa bộn, những hộp màu và giấy bị xé nát với tất cả sự căm hờn và trong khi thu dọn, một trong hai đứa chúng tôi chốc chốc lại ngừng tay mà sụp xuống khóc. Có vẻ như chúng tôi quẫn trí trước sự đổ nát của các căn phòng cùng những vật dụng trong đó và sự xâm phạm thô bạo chốn riêng tư của chúng tôi nhiều hơn là trước cái chết của cha tôi. Qua kinh nghiệm, tôi có thể nói với bạn, những kẻ bất hạnh bị mất đi những người thân yêu thường thấy được an ủi bởi sự hiện diện của những vật dụng không thay đổi trong nhà; họ được xoa dịu bởi sự nguyên vẹn như cũ của những bức màn chăn mền và ánh sáng ban ngày, chúng giúp họ thỉnh thoảng tạm quên đi rằng Azrael đã mang người thân hoặc bà con của họ đi.
Ngôi nhà mà cha tôi đã chăm sóc với sự kiên nhẫn và tình thương, trang trí tỉ mỉ mọi ngóc ngách và cửa nẻo đã bị phá hoại một cách tàn nhẫn; vì vậy chúng tôi không chỉ mất đi những ký ức vui vẻ và thoải mái mà còn phải nhớ đến sự tàn bạo của linh hồn chết tiệt của tên tội phạm, và chúng tôi còn thấy khiếp hãi nữa.
Chẳng hạn như khi, do tôi nhất quyết, chúng tôi xuống nhà, kéo nước sạch từ giếng lên, tắm rửa và đọc to chương Aal-e- Imran – mà người cha mệnh vong của tôi nói ông rất thích bởi vì nó đề cập đến hy vọng và cái chết – trong cuốn kinh Koran yêu thích nhất của ông được đóng ở Herat, chúng tôi bị nỗi kinh hoàng này tác động và cứ sợ rằng cánh cổng bắt đầu kêu cót két. Chẳng có gì. Nhưng sau khi kiểm tra cho chắc rằng chốt cửa đã khóa, rồi cùng khiêng chậu cây húng quế mà cha tôi vẫn tưới bằng nước giếng vào những sáng mùa xuân để chặn cổng, chúng tôi lại bước vào nhà trong đêm khuya thanh vắng, và bất chợt những chiếc bóng của chúng tôi kéo dài dưới ánh đèn dầu có vẻ như của người khác vậy. Nỗi sợ hãi nhất trong tất cả các nỗi sợ là nỗi kinh hoàng trùm lên chúng tôi giống như một hành động kính trọng im lặng, khi chúng tôi nghiêm trang lau rửa khuôn mặt đầy máu của ông và thay quần áo cho ông để tôi có thể tự lừa mình tin rằng cha tôi đã chết vào thời điểm Thượng đế đã định sẵn cho ông; “Luồn tay áo của ông cho tôi,” Hayriye thì thào với tôi.
Khi chúng tôi cởi quần áo và đồ lót đầy máu của ông, điều khiến chúng tôi kinh ngạc và kính sợ là sức sống và màu da trắng của cha tôi được soi sáng dưới ánh nến. Bởi có nhiều điều đe dọa khiến chúng tôi sợ hãi hơn, nên không ai trong chúng tôi ngại ngùng khi nhìn thân thể trần truồng đầy nốt ruồi và vết thương của cha tôi đang nằm giang rộng ở đó. Khi Hayriye lên lầu để lấy đồ lót sạch và chiếc áo lụa ngắn màu xanh lá cây của ông xuống, không kìm được mình, tôi nhìn xuống đó và lập tức thấy xấu hổ vì chuyện mình vừa làm. Sau khi thay quần áo sạch cho cha tôi và cẩn thận lau hết máu trên cổ, mặt và tóc ông, tôi ôm ông thật chặt, vùi mũi vào râu ông, tôi hít lấy mùi của ông và khóc như mưa một hồi.
Đối với những ai buộc tội tôi là thiếu tình cảm, hoặc thậm chí có tội, hãy để tôi nói ngay với bạn rằng có hai lần khác tôi đã òa khóc: 1. Khi tôi dọn dẹp căn phòng trên lầu để bọn trẻ không phát hiện những gì đã xảy ra, tôi đã đưa cái vỏ sò mà ông vẫn dùng để đánh bóng giấy lên tai tôi, như tôi thường làm hồi nhỏ, và thất vọng nhận ra rằng âm thanh của biển đã biến mất. 2. Khi tôi thấy tấm nệm nhung đỏ cha tôi thường ngồi suốt hai mươi năm qua – đến độ nó đã trở thành một phần của mông đít ông – đã bị xé tan.
Khi mọi thứ trong nhà, trừ những hư hại không thể cứu vãn đã được sắp xếp gọn gàng trở lại, tôi kiên quyết từ chối yêu cầu của Hayriye muốn được trải nệm của cô ta trong phòng ngủ của chúng tôi. “Tôi không muốn bọn trẻ nghi ngờ lúc sáng dậy,” tôi giải thích với cô ta. Nhưng thật lòng tôi rất muốn được ở một mình với bọn trẻ như một cách trừng phạt cô ta. Tôi lên giường nhưng mãi lâu sau vẫn không ngủ được, không phải vì tôi bị ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng trước những gì xảy ra, mà bởi tôi đang nghĩ đến những gì sắp xảy ra.