Tên Tôi Là Đỏ

Chương 17


Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 17

TÔI LÀ DƯỢNG YÊU QUÝ CỦA CHÁU

Than ôi, thật khó nghĩ khi có một đứa con gái. Khi nó khóc trong phòng kế bên, tôi nghe tiếng thổn thức của nó, nhưng tôi không thể làm gì ngoài việc nhìn vào những trang sách tôi đang cầm trên tay. Trên một trang của tập sách tôi đang cố đọc, cuốn Kitab aL-Qiyamah 1, viết rằng ba ngày sau khi chết, linh hồn của con người, được Allah cho phép, sẽ đến thăm thân xác mà nó từng lưu trú. Khi nhìn thấy trạng thái đáng thương của thân xác nó nằm trong huyệt, đầy máu, đang thối rữa và rỉ nước, linh hồn sẽ đau lòng, khổ sở, rầu rĩ và ứa lệ, nhìn này, sợi dây xác phàm khốn khổ của tôi, thân xác cũ thảm hại của tôi. Lập tức, tôi nghĩ đến kết thúc cay đắng của Zarif Kính mến dưới đáy giếng, linh hồn anh ta hẳn bối rối như thế nào khi trở lại thăm và nhận ra xác của mình không nằm trong huyệt mà nằm dưới đáy giếng.

Khi tiếng khóc của Shekure tắt hẳn, tôi dẹp cuốn sách về cái chết sang một bên. Tôi mặc chiếc áo lót len, quấn chặt khăn choàng len dày quanh eo cho ấm bụng, mặc chiếc quần dài viền lông thỏ và khi sắp rời nhà, quay sang tôi phát hiện Shevket ngay cửa.

“Ông ngoại đi đâu vậy?”

“Cháu vào nhà đi. Ta đến đám tang.”

Tôi băng qua những con đường đầy tuyết, giữa những ngôi nhà nghèo nàn xiêu vẹo hầu như không thể đứng thẳng được, băng qua những khu bị hỏa hoạn thiêu rụi. Tôi đi bộ hồi lâu, bằng những bước thận trọng của một người có tuổi cố sao cho không trượt ngã xuống tuyết. Tôi đi qua những khu nhà, những khu vườn và cánh đồng hẻo lánh. Tôi đi qua những cửa hàng bán xe ngựa và bánh xe ngựa, qua các tiệm làm đồ sắt, làm yên ngựa những tiệm chế tạo yên cương và đóng móng ngựa trên đường ra tới bức tường bao quanh thành phố.

Tôi không chắc tại sao họ quyết định bắt đầu cuộc đưa tang mãi từ Thánh đường Mihrimah gần Cổng Edirne. Tại thánh đường tôi ôm những người anh em kiêu ngạo và bối rối của người chết, họ có vẻ giận dữ và ngoan cố. Giới tiểu họa và thư pháp chúng tôi ôm nhau khóc. Trong khi cầu nguyện trong màn sương mù xám xịt bất ngờ đổ xuống nuốt chửng mọi thứ, ánh mắt tôi hướng về quan tài nằm trên bục tang lễ bằng đá của thánh đường và, tin tôi đi, tôi cảm thấy quá căm giận tên đê tiện đã phạm phải tội ác này đến độ bài kinh Allahumme Barik cũng trở thành lộn xộn trong đầu tôi.

Sau những bài kinh cầu, trong khi giáo đoàn ghé vai khiêng quan tài, tôi vẫn lẩn quẩn giữa những nhà tiểu họa và thư pháp.

Leylek và tôi đã quên rằng trong nhiều đêm, khi chúng tôi ngồi dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu làm việc với cuốn sách của tôi cho đến sáng, anh ta đã cố thuyết phục tôi về sự kém cỏi của Zarif Kính mến trong việc mạ vàng, về sự thiếu cân bằng trong cách sử dụng màu của anh ta – anh ta tô mọi thứ màu xanh nước biển để nó trông phong phú hơn! Cả hai chúng tôi đều quên rằng tôi đã thực sự tin anh ta, bằng cách công nhận rằng “Nhưng không ai khác đủ tư cách làm công việc này,” và một lần nữa chúng tôi ôm nhau khóc. Sau đó Zeytin nhìn tôi đầy tôn trọng và thân thiện trước khi ôm tôi – một người biết cách ôm là một người tốt và những thái độ này làm tôi vui đến nỗi tôi nhớ lại rằng trong số các họa sĩ của xưởng vẽ, anh ta là người tin tưởng nhất vào cuốn sách của tôi.


Trên những bậc thềm dẫn xuống sân chính tôi nhận ra mình đang đứng cạnh Thầy Osman Trưởng ban trang trí. Cả hai chúng tôi lúng túng không biết nói gì, một khoảnh khắc căng thẳng và kỳ lạ. Một trong những anh em của người xấu số bắt đầu khóc, và ai đó la to, “Thượng đế thật vĩ đại.”

“Tới nghĩa trang nào?” Thầy Osman hỏi tôi cho có hỏi.

Câu trả lời “Tôi không biết” vì lý do nào đó nghe có vẻ thù địch. Bối rối và không suy nghĩ tôi hỏi người đứng cạnh tôi trên các bậc thang bằng chính câu hỏi đó, “Tới nghĩa trang nào? Nghĩa trang cạnh Cổng Edirne hả?”

“Eyup,” tay ngốc trẻ có râu, vẻ cáu kỉnh, liền đáp.

“Eyup,” tôi quay sang nói với vị thầy này, nhưng ông ta đã nghe thấy những gì tay ngốc đó nói. Rồi ông ta nhìn tôi như muốn nói, “Tôi hiểu,” theo cách để cho tôi biết rằng ông ta không muốn cuộc gặp gỡ của chúng tôi kéo dài thêm chút nào nữa.

Không đề cập đến ảnh hưởng của tôi đối với việc Đức vua ngày càng quan tâm đến những phong cách hội họa Tây vực, dĩ nhiên Thầy Osman bục bội chuyện Đức vua đã ra lệnh cho tôi giám sát việc viết, trang trí và minh họa những bản thảo có tô điểm, mà tôi đã mô tả là “bí mật.” Thỉnh thoảng Đức vua buộc Thầy Osman vĩ đại sao chép một chân dung Đức vua, do một người Venice làm. Tôi biết Thầy Osman cho rằng tôi chịu trách nhiệm về việc phải bắt chước nhà họa sĩ đó, về việc làm bức tranh kỳ cục đó, mà ông ta làm với sự kinh tởm, gọi kinh nghiệm này là “tra tấn.” Sự phẫn nộ của ông là có lý do.

Đứng giữa đường cầu thang một lát, tôi ngước nhìn bầu trời.

Khi tôi tin chắc là mình bị bỏ lại phía sau, tôi tiếp tục bước xuống những bậc thềm lạnh giá. Tôi chưa xuống được hai bậc – dù rất chậm – thì có người nắm lấy cánh tay và ôm tôi: Siyah.


“Trời lạnh quá,” nó nói. “Chắc dượng lạnh lắm.”

Tôi không chút nghi ngờ đây chính là người làm xáo trộn đầu óc của Shekure. Sự tự tin qua cách nó nắm lấy cánh tay tôi đã đủ chứng minh. Có điều gì đó trong thái độ của nó muốn nói. “Tôi đã làm việc trong mười hai năm và đã thực sự trưởng thành.”

Khi chúng tôi xuống tới chân cầu thang, tôi nói với nó rằng tôi chờ nó báo cáo lại những gì nó học biết được ở xưởng làm việc.

“Đi tiếp đi con,” tôi bảo. “Đi nhanh lên để bắt kịp đoàn đưa tang.” Nó sửng sốt, nhưng không lộ ra. Cách nó buông cánh tay tôi với sự dè dặt và đi tiếp tới trước tôi khiến tôi hài lòng. Nếu tôi giao Shekure cho nó, liệu nó có đồng ý sống chung nhà với chúng tôi không?

Chúng tôi rời thành phố qua Cổng Edirne. Tôi thấy quan tài sắp chìm vào màn sương cùng với đám đông những nhà minh họa, thư pháp cùng thợ học việc đang khiêng nó trên vai mà đi nhanh xuống đồi về hướng cửa sông Halic. Họ bước khá nhanh, họ đã đi hết nửa đoạn đường chạy đến thung lũng đầy tuyết dẫn vào Eyup. Trong màn sương lặng lẽ, xa về phía trái, ống khói của xưởng nến Hanim Sultan Charity vui vẻ nhả khói. Dưới bóng tường thành, có những xưởng thuộc da và lò mổ hoạt động sôi nổi phục vụ cho những người bán thịt Hy Lạp ở Eyup. Mùi đồ lòng bay ra từ những nơi ấy trùm khắp thung lũng, lan khắp mái vòm mờ mờ của Thánh đường Eyup và nghĩa trang đầy những cây tuyết tùng cạnh đó. Sau khi đi bộ hồi lâu, tôi nghe tiếng trẻ con nô đùa bên dưới trong khu dân cư Do Thái mới xây ở Balat vọng lên.

Khi chúng tôi đến vùng đất bằng phẳng của nghĩa trang Eyup, Kelebek tiến đến chỗ tôi, và theo kiểu cách nóng nảy thường lệ, anh ta đột ngột nêu lên đề tài của mình:

“Zeytin với Leylek là kẻ đứng đàng sau trò thô bỉ này,” anh ta nói. “Giống như mọi người, họ biết tôi với người chết có quan hệ rất xấu. Họ biết ai cũng rõ điều này. Hai đứa tôi có một sự đố kỵ, thậm chí là thù địch và đối kháng công khai, quanh việc ai sẽ lên lãnh đạo xưởng sau Thầy Osman. Bây giờ họ mong chờ tội lỗi trút xuống đầu tôi, hay ít nhất, Trưởng Ngân khố, và dưới ảnh hưởng của ông ta, cả Đức vua nữa sẽ lánh xa tôi, mà không, lánh xa tất cả chúng ta.”


“Anh nói “chúng ta” đó là ai vậy?”

“Những người trong chúng ta vốn tin rằng đạo đức cũ phải được duy trì tại xưởng, rằng chúng ta phải theo con đường được những bậc thầy Ba Tư vạch sẵn, rằng một nghệ sĩ không được minh họa bất cứ cảnh nào chỉ vì tiền. Thay vì vũ khí, quân đội, nô lệ và những cuộc chinh phục, chúng ta tin rằng những huyền thoại, truyền thuyết và câu chuyện xưa phải được một lần nữa đưa vào sách vở của chúng ta. Chúng ta không được từ bỏ những khuôn mẫu cũ. Những nhà tiểu họa đích thực không nên la cà ở các cửa hàng trong chợ và vẽ bất cứ vật cũ nào, những bức khiếm nhã, để lấy vài đồng tiền. Đức vua sẽ thấy chúng ta đúng.”

“Anh đang tự buộc tội mình một cách điên rồ,” tôi nói thế để anh ta dẹp cái thói huênh hoang đó đi. “Tôi tin chắc rằng họa xưởng này không thể chứa chấp bất cứ ai có khả năng phạm phải một tội ác như thế. Tất cả các bạn là anh em với nhau. Chẳng có hại gì cho lắm khi ta minh họa vài thứ mà trước đây chưa từng được vẽ, ít nhất thì không có hại gì lớn đến mức trở thành cơ hội cho sự thù địch.”

Ngẫu nhiên mà khi lần đầu tôi nghe tin tức khủng khiếp này. tôi có một nhận thức bất chợt nào đó. Kẻ giết Zarif Kính mến là một trong những thợ cả hạng nhất trong họa xưởng của cung điện và hắn nằm trong đám đông trước mặt tôi, đang leo lên ngọn đồi dẫn đến nghĩa trang. Tôi cũng tin chắc rằng tên giết người sẽ tiếp tục trò quái ác và sách động của hắn, rằng hắn là một kẻ thù của cuốn sách tôi đang làm, và rất có thể hắn đã đến nhà tôi để lấy đi vài tác phẩm mà chúng tôi đang minh họa và vẽ. Liệu có phải Kelebek, giống như hầu hết các nghệ sĩ thường xuyên lui tới nhà tôi, cũng đã yêu Shekure? Như anh ta đã quả quyết, liệu anh ta có quên những lần tôi yêu cầu anh ta vẽ những bức tranh đối lập với quan điểm của anh ta, hay anh ta chỉ chọc tức tôi với kỹ năng lão luyện mà thôi?

Không, một lát sau tôi nghĩ anh ta chắc không chọc tức tôi. Kelebek, như những thợ cả minh họa khác, rõ ràng đã chịu ơn tôi: Bởi những món quà và tiền cho các nhà tiểu họa ngày càng ít, do chiến tranh và một phần bởi sự thiếu quan tâm của Đức vua, đã có lúc nguồn thu nhập thêm quan trọng duy nhất của họ là những gì họ kiếm được khi làm việc cho tôi. Tôi biết họ ganh nhau để được tôi chú ý, và vì lý do này – nhưng không chỉ lý do này – tôi đã gặp từng người trong bọn họ tại nhà tôi, điều đó khó lòng là cơ sở để họ thù địch với tôi. Tất cả các nhà tiểu họa của tôi đã đủ trưởng thành để cư xử một cách thông minh, để thành thật tìm ra một lý do để khâm phục một người mà họ mang ơn vì đã đem lại lợi tức cho họ.

Để phá vỡ sự im lặng và để bảo đảm rằng chủ đề trước đó của cuộc nói chuyện sẽ không được nhắc lại, tôi nói “Ồ, hay nhỉ! Họ đưa quan tài lên đồi cũng nhanh như khi mang nó xuống.”

Kelebek cười phô hết cả răng: “Do trời lạnh.”

Anh chàng này thực sự có thể giết người sao, tôi tự hỏi, chẳng hạn vì lòng đố kỵ hắn có thể giết tôi không? Hắn có lý do sau đây: Người này đang hạ thấp giá trị tôn giáo của tôi. Không, nhưng anh ta là một thợ cả giỏi, một hiện thân hoàn hảo của tài năng, tại sao anh ta cần phải giết người? Tuổi tác không chỉ có nghĩa là phải căng sức mình ra để vượt dốc, tôi kết luận, mà còn là không sợ hãi cái chết. Nó có nghĩa là không còn lòng ham muốn, bước vào phòng ngủ của một nữ nô lệ không vì cơn kích động, mà vì thói quen. Trong cơn bùng vỡ của bản năng, tôi nói thẳng vào mặt anh ta quyết định của tôi:

“Tôi không làm tiếp cuốn sách nữa.”

“Cái gì?” Kelchek nói, vẻ mặt anh ta thay đổi.


“Có điều gì xui xẻo trong đó. Đức vua đã cắt giảm tài trợ. Anh nhớ nói lại cho Zeytin với Leylek biết nghe.”

Có lẽ anh ta còn hỏi nhiều hơn, nhưng chúng tôi nhận ra mình đang trên đoạn dốc của sân nghĩa trang giữa hàng cây tuyết tùng dày đặc, những cây dương xỉ cao ngất và những bia mộ. Khi đám đông bao quanh huyệt, dấu hiệu duy nhất cho tôi biết người ta đang hạ cái xác xuống huyệt ngay lúc đó là cường độ tiếng khóc tiếng nức nở cùng những tiếng than van bismillahi và ala milleti Resulullah tăng lên.

“Giở vải che mặt anh ấy ra.” ai đó nói.

Họ giở tấm vải liệm trắng ra, và họ hẳn đã mắt đối mắt với xác chết nếu con mắt thực sự vẫn còn trong cái đầu giập nát đó. Tôi đứng phía sau nên không thấy được gì. Tôi đã từng nhìn vào mắt Thần chết, không phải ở dưới huyệt, mà ở một nơi hoàn toàn khác…

Một ký ức: Cách nay ba mươi năm, ông nội của Đức vua, Người bản xứ Thiên đàng, đã quyết định dứt khoát sẽ chiếm Cyprus từ tay người Venice. Thượng thư Tôn giáo vụ Ebussuut Kính mến, khi kể lại rằng hòn đảo này từng được chọn làm nguồn cung cấp lương thực cho Mecca và Medina, đã ra một cáo tri ít nhiều tuyên bố rằng thật không thích hợp khi một hòn đảo vốn đã giúp nuôi sống những thánh địa mà nay vẫn nằm dưới sự kiểm soát của bọn người Thiên chúa giáo ngoại đạo. Nhiệm vụ gian nan kế tiếp, tức là thông báo cho Venice biết cái quyết định bất ngờ rằng họ phải giao nộp hòn đảo, lại rơi vào tôi. Do đó mà tôi có dịp du lịch đến các nhà thờ lớn của Venice. Dù tôi thán phục những cây cầu và lâu đài của họ, nhưng cái tôi mê mẩn nhất là những bức tranh treo trong nhà của người Venice. Tuy nhiên, giữa tình cảnh lúng túng này, tôi vẫn tin vào lòng hiếu khách được người Venice thể hiện và trình bày bản cáo tri đầy đe dọa đó thông báo với họ một cách ngạo mạn, kiêu kỳ rằng Đức vua muốn có Cyprus. Người Venice quá giận dữ đến độ trong hội nghị được triệu tập khẩn cấp họ đi đến quyết định rằng thậm chí việc thảo luận một cáo tri như thế cũng là điều không thể chấp nhận. Những đám đông phẫn nộ đã buộc tôi phải tự nhốt mình trong lâu đài của viên pháp quan. Và khi một số tên quá khích tìm cách lọt qua được lính canh và những người gác cửa mà bắt đầu tấn công tôi, hai trong các binh lính của ngài pháp quan đã hộ tống tôi vượt qua một trong những đường hầm bí mật đến một lối thoát ra một con kênh. Ở đó, trong đám sương mù không khác gì đám sương mù này đây, tôi chợt nghĩ người chèo thuyền nhợt nhạt và cao lênh khênh trong bộ đồ trắng, người nắm lấy cánh tay tôi không ai khác hơn là Thần chết. Tôi bắt gặp hình phản chiếu của tôi trong mắt ông ta.

Lòng đầy khao khát, tôi mơ hoàn tất cuốn sách của tôi trong vòng bí mật và trở lại Venice. Tôi đang đến gần huyệt mộ, đã được lấp đất cẩn thận. Ngay giây phút này, các thiên thần đang thẩm vấn anh ta trên trời, hỏi xem anh ta là nam hay nữ, tôn giáo của anh ta là gì, anh ta công nhận ai là đấng tiên tri của mình. Khả năng về cái chết của tôi đã nảy ra trong đầu tôi.

Một con quạ sà xuống cạnh tôi. Tôi trìu mến nhìn vào đôi mắt Siyah và yêu cầu nó khoác tay tháp tùng tôi trên đường trở về. Tôi bảo nó rằng tôi chờ gặp nó ở nhà tôi vào sáng sớm hôm sau để làm tiếp cuốn sách. Thực lòng tôi đã tưởng tượng đến cái chết của chính mình, và một lần nữa, nhận ra rằng cuốn sách phải được hoàn tất, bằng mọi giá.

— —— —— —— ——-

1 [35] Kitab aL-Qiyamah: Sách tận thế.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.