Đọc truyện Tế Điên Hòa Thượng – Chương 40
Tế Thiền sư ra tiền cứu hiếu tử
Tham cửa hời Triệu Phước rước đá to
Tế Điên đang đùa cợt với người dọn bàn thì có hai người từ bên ngoài bước
vào, người lớn tuổi can thiệp, trả tiền cơm rượu cho Tế Điên, đoạn bước
tới vái chào, nói:
– Bạch Thánh tăng, hai tôi là Triệu Phước,
Triệu Lộc, là trưởng đạo nha môn của quan Thái thú huyện Lâm An này và
đang theo hầu hạ Thái thú lão gia. Chỉ vì Thái phu nhân chúng tôi chẳng
may mắc bệnh mù lòa. Nhận được tin này, Thái thú chúng tôi tìm rước
không biết bao nhiêu danh y về trị bệnh cho bà cụ mà vẫn không khỏi. Có
một vị danh Trại thúc hòa Lý Hoài Xuân trước mặt đại nhân tiến cử lão
nhân gia. Ông ấy nói lão nhân gia ở Tần tướng phủ trị bịnh đại đầu ung, ở Tô gia trị bệnh đàm chận nghẹt. Biết lão nhân gia là bậc thế ngoại cao
nhân, nên quan Thái thú chúng tôi mới sai chúng tôi đến thỉnh mời. Xin
Thánh tăng thí phát đại từ bi đi cùng với chúng tôi.
– Ta là người xuất gia, có biết gì về y đạo đâu nào? Hai ông về đi, ta không biết trị mắt đâu!
Triệu Phước, Triệu Lộc hết lời năn nỉ mãi, Tế Điên mới chịu nhận lời. Về đến
ngoài cửa nha môn Tri phủ, Triệu Phước, Triệu Lộc lật đật vào báo trước, giây lát trở ra nói:
– Đại nhân chúng tôi nói, áo mũ không chĩnh tề, xin đón tiếp ở thư phòng.
Tế Điên cười ha hả, trong miệng ư a:
Suốt đời hiền lành được thiện chung
Ăn ở bạc ác trời nào dung
Bần tăng xưa nay độ ngu muội
Chỉ sợ thế nhân quá ngại ngùng!
Tế Điên vào đến bên trong, thấy quan Thái thú bước xuống thềm tiếp rước.
Quan Thái thú đầu đội khăn bốn góc bằng đoại xanh có hai mối bỏ thõng,
mình mặc áo màu xanh biếc, lưng mang ngọc đái, chân dận quan hài, mặt
như trăng thu, mắt mũi hiền từ, râu ba chòm đen nhánh phất phơ trước
ngực. Tế Điên nhìn thấy biết là một bậc trung cương ái quốc. Thái thú
gặp Tế Điên bèn khom mình thi lễ, nói:
– Đệ tử bấy lâu ngưỡng mộ đại danh Thánh tăng, nay may mắn được gặp thật là tam sanh hữu hạnh!
Tế Điên cũng chào hỏi đáp lễ đúng phép. Vào ngồi trong nhà, gia nhân dâng
trà tiếp đãi. Nguyên vị Thái thú này họ Triệu tên là Phụng Sơn, là người rất sáng suốt, xuất thân từ khoa giáp. Ông ta có một người em tên là
Triệu Phụng Minh. Cha mẹ mất sớm, nhờ bà thím nuôi dưỡng thành người.
Gần đây được tin bà thím bị bệnh mắt mù lòa, vội vàng mời thấy thuốc đưa về trị bệnh mắt cho bà thím. Ngờ đâu thỉnh mấy vị danh y mà trị không
khỏi. Kế được Lý Hoài Xuân tế cử Tế Công, bảo rằng Tế Công là người tinh thông thuật kỳ hoàn, chữa đâu hết đó. Vì thế cho người đi tìm rước Tế
Công về. Triệu Thái thú dặn bảo làm tiệc rượu khoản đãi và nói:
– Cầu xin Thánh tăng về Côn Sơn để trị bệnh cho lão thái thái.
– Lão gia có lời yêu cầu, Hòa thượng ta đâu dám chối từ!
– Tôi xin phái Triệu Phước, Triệu Lộc theo hầu Thánh tăng.
– Không được, không được đâu! Lão gia phái hai người ấy theo hầu hạ ta mà họ ăn mặc sanh trọng như vậy à? Ta ăn mặc như vầy mà họ theo hầu hạ ta
coi chẳng ra làm sao hết!
– Cái đó dễ mà, để tôi sắm một bộ y phục mới cho Thánh tăng, bộ y phục cũ của Thánh tăng nát quá rồi, đổi cái khác là vừa.
– Không được đâu! Ta không thích mặc đồ mới, ta chỉ chịu như vầy thôi.
Lão gia đã có ý phái họ theo hầu hạ ta cũng tạm được đi vậy, nhưng ta có lời dạy phải nói rõ trước mặt lão gia mới được. Là thế này: Hai vị đi
theo hầu hạ ta, trên đường đi hễ ta bảo đi là phải đi, bảo ngừng là phải ngừng không được trái ý ta nhé! Nếu cãi ý ta thì ta trở về không đi nữa đâu!
Triệu Phước, Triệu Lộc hai người gật đầu ưng thuận. Quan Thái thú liền viết một phong thư kèm theo mấy nén vàng ròng và hỏi:
– Bạch Thánh tăng, người muốn ngồi kiệu hay cỡi ngựa, ngồi xe hay đi thuyền?
– Ta cưỡi đàng.
– Thánh tăng cưỡi nai à?
– Ở đây làm gì có nai?
– Ta cưỡi đàng ở đây là đường cái mà. Mấy thứ kia không cần đến đâu, chỉ
cần mang theo lộ phí kha khá là được. Lão gia cho mang theo 200 lạng bạc đi!
Quan Thái thú bằng lòng lấy bạc cung ứng đầy đủ. Tế Điên cáo từ, mang theo Triệu Phước, Triệu Lộc khởi hành, Triệu Phước, Triệu Lộc
trong bụng nghĩ thầm tính: “Từ đây về huyện Côn Sơn, hai bận khứ hồi chỉ 50 lạng bạc là tiêu xài dư dả. Còn thừa lại mỗi đứa trăm lượng bạc
sướng bằng thích. Phen này phải hầu hạ Hòa thượng thật chu đáo mới được, kẻo ông ta giở quẻ là chết!”.
Đi đến trưa, Tế Điên nói:
– Kiếm quán nghĩ hè!
– Phải đó.
Tới một quán cơm, kêu rượu thịt, ăn uống no nê xong, Tế Điên nằm vật xuống
ngủ khò. Hai người ngồi chờ đến đỏ đèn, Tế Điên thức dậy lại đòi ăn uống nữa. Ăn uống xong, Triệu Phước, Triệu Lộc mệt mỏi quá. Tế Điên bảo:
– Tính tiền đi! Nãy giờ ta ngủ khỏe rồi, mình đi nè!
Hai người mắt mở không ra, bước thấp bước cao đi suốt cả đêm. Trời sáng,
mọi người bước vào quán. Hai người không kể gì đến ăn uống, nằm xuống
ngủ vùi. Tế Điên cứ kêu rượu thịt ăn uống no saỵ Hai người ngủ li bì
suốt cả ngày, lấy lại chút tinh thần muốn kiếm cái gì ăn để chuẩn bị đi
tiếp. Nhưng đêm nay Tế Điên không khoái đi mà lại chỉ thích ngủ. Hai
người đã ngủ suốt ngày đâu ngủ được nữa, cứ ngồi mở mắt suốt đêm canh
chừng Tế Điên nằm ngủ. Trời sáng ra, hai người đã mệt mỏi, Tế Điên mới
tỉnh dậy, kêu rượu uống rồi bảo tính tiền, tiếp tục lên đường. Hai người ở trạng thái mơ mơ hồ hồ, ăn cũng không được, ngủ cũng không yên, bị
Hòa thượng điều động đi như vậy thật là khổ sở. Ngày kia còn cách Côn
Sơn không xa mấy, đến gần một sơn trang, trong lớp rào thưa có một ngôi
nhà vách đất ba gian, từ trong có vẳng ra tiếng khóc than ai oán:
– Ôi, Thần Phật không có mắt, trời đất không có tai hay sao mà để cho tôi khốn khổ như thế này! Mẹ Ơi, mẹ chết đi mà con không mua nổi chiếc quan tài cho mẹ.
Tế Điên án linh quang biết rõ hết sự việc. Người
đang than thở ấy họ Cao, tên là Quảng Lập, vốn là một người con có hiếu
làm nghề đốn củi nuôi mẹ. Một ngày kia lên núi đốn củi, rủi bị té ngã
gãy đùi vì đường trơn trợt, may được người ta cõng cho về nhà. Bà mẹ
thấy thế lo sợ quá vì không có tiền nên chẳng biết làm sao hơn. Bà lo
đến nỗi bệnh già tái phát, chẳng bao lâu qua đời. Cao Quảng Lập nghèo
đến nỗi chiếc quan tài cũng không mua được cho mẹ, đang buồn tủi kêu
khóc. Tiếng buồn khóc đó lọt vào tai Tế Điên, Hòa thượng động lòng thầm
nghĩ: “Việc tốt ai cũng muốn làm, chỉ cần chi ra ít tiền là được, vậy mà không chịu thí xả. Hòa thượng ta muốn đem bạc chu cấp cho hiếu tử này
mà bọn Triệu Phước lại không muốn!”. Nghĩ thế rồi Tế Điên vạch rào nhìn
vào bên trong, lấy tay chỉ một cái, nói:
– Này hai vị quản gia, các ông coi bửu bối kia kìa!
Triệu Phước, Triệu Lộc nhìn vào thấy bên trong có một cục đá hình lăng trụ
bảy tám góc đang nhấp nháy phát ánh sáng màu vàng rực. Triệu Phước,
Triệu Lộc thấy rồi bèn hỏi:
– Bạch Thánh tăng, đó là cái gì vậy?
– Đó là bửu bối giá trị liên thành lận.
– Đã là bửu bối, sao chủ nhân nó không chịu đem cất mà bỏ bậy bạ thế kia?
– Mấy ông kéo hồ đồ! Không nghe người ta thường nói:
Vận đã xuống rồi vàng mất sắc,
Thời đã lên ngôi đá hóa châu.
Nhà này chắc là không có phước hưởng nên không biết đó thôi. Nếu họ mà biết là bửu bối chắc là không bao giờ bỏ lăn lóc như vậy đâu. Hòa thượng ta
muốn vô mua, các ngươi đừng cản nhé! Ta đi mua mà có thiếu tiền, các
ngươi sẽ bỏ vào rồi chia đôi bửu bối đó, Hòa thượng ta không cần đâu!
Triệu Phước nói:
– Nếu thiếu tiền bọn tôi sẽ biếu cúng, xin Thánh tăng cứ mua đi!
Tế Điên liền bước vào hỏi:
– Có ai ở nhà không?
Bên trong đi ra một thiếu phụ áo quần lam lũ, nói:
– A, đại sư phó tìm ai?
– Ta nghe nói nhà này có người chết, Hòa thượng ta đến hỏi xem có thuận làm trai đàn không?
– Bạch sư phó, nhà chúng tôi đây ngay đến quan tài còn không mua nổi, làm sao tính đến chuyện trai đàn? Thôi sư phó đừng nhắc đến chuyện đó,
chúng tôi cũng không cúng nổi một bữa trai phạn cho sư phó nữa mà!
– Hòa thượng ta cũng không hóa một bữa trai phạn nào hết.
Tế Điên lấy tay chỉ cục đá để trên ngạch cửa, hỏi:
– Viên bửu bối này, quý vị có muốn bán hay không?
Người phụ nữa nghe hỏi liền nghĩ: “Nhà mình làm gì có bửu bối, cục đá đó mình lượm ở bên ngoài đem dằn lên ngạch cửa mà. Thứ đồ vô dụng đó mà cũng
gọi là bửu bối được à?”. Nghĩ rồi, người phụ nữ ấy mới nói:
– Tôi bán đó.
– Bán bao nhiêu?
– Người phụ nữ ngẫm nghĩ hồi lâu, không biết phải nói giá bao nhiêu cho vừa.
Tế Điên nói:
– Cô khỏi ra giá làm chi, để ta cho cô một giá nhiều hơn nữa tôi cũng
không có tiền đâu. Tôi trả cô 237 lượng bạc nhé! Cô có bằng lòng bán hay không?
Triệu Phước, Triệu Lộc nghe Tế Điên nói câu đó trong lòng nghĩ thầm: “Ông Hòa thượng giỏi cho giá thật! Mình đem theo 250 lượng
bạc xài hết 13 lượng, còn đúng 237 lượng. Ông ấy lại đòi mua đồ, còn bao nhiêu tiền ông ấy đem giao cho người ta sạch trọi”. Nghĩ rồi phát tức.
Người phụ nữ nghe Tế Điên nói giá như vậy có ý muốn bán, lại sợ giá hời.
Trong lòng không muốn bán, nhưng đang lúc cần tiền bèn nói:
– Tôi chịu bán.
Tế Điên kêu:
– Triệu Phước, Triệu Lộc, hai vị đem tiền giao cho người ta rồi vác đem
đi mau. Nếu bỏ trên mặt đất làm kinh động bửu bối, sẽ mất hết linh
nghiệm, không đáng giá một điếu!
Triệu Phước đem 237 lượng bạc để trên đất giao cho chủ nhà rồi kêu:
– Triệu Lộc ơi, tiếp ta với!
– Tôi không tiếp anh đâu, anh vác một mình trước đi, chừng nào không nổi hãy kêu tôi.
Triệu Phước nghe nói nghĩ cũng có lý, bèn bước tới vác cục đá. Đá nặng tới
bảy, tám chục cân. Đi được hơn một dặm, gân cốt đã oải hết! Triệu Phước
hỏi:
– Bạch Thánh tăng, bửu bối này tên là chi vậy?
– Tên là Áp cẩu thạch (đá cột chó).
– Bửu bối thì quí thiệt mà tên nghe kỳ quá! Cái gì mà đá cột chó?
– Xưa nay người ta gọi vậy đó.
– Bạch Thánh tăng, tôi mệt quá rồi! Tôi nghĩ tạm một chút được không?
– Ý, không được đâu, nếu ngừng lại để trên đất cái báu vật đó tan mất, chừng đó một xu cũng không đáng nữa là!
– Cục bửu bối này vác tới đâu mới được?
– Bây giờ vác tới Côn Sơn bán, bán không được vác về huyện Lâm An.
– Vác riết chắc tôi chết quá!
– Này Triệu Lộc, chú có muốn chia tiền không?
Triệu Lộc nói: Chia thì chia!
– Chú muốn chia tiền thì đừng để tôi vác một mình, chú phải thay tôi vác một đoạn chứ!
Triệu Lộc vác thay cục đá cho Triệu Phước rồi hỏi:
– Bạch Tháng tăng, mình đem lên Côn Sơn bán có được không?
– Cũng được, chỉ tội ít tiền một chút thôi! Nếu đem về Lâm An bán chắc
được hai vạn lượng, còn để bán tại Côn Sơn này chỉ được có một vạn lượng thôi, ít bằng phân nửa giá!
Triệu Phước, Triệu Lộc đều nói:
– Mạng chúng tôi không đáng giá hai vạn lượng đâu, đem bán tại Côn Sơn này là được quá rồi!
Hai người thay phiên nhau vác đến huyện Côn Sơn, mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Tới một ngã tư, người qua lại đông đảo, Tế Điên bảo:
– Hai vị vác bửu bối đến đây rao bán đi!
Mấy người qua lại trông thấy hai người ăn mặc chỉnh tề vác cục đá tổ bố đứng đó, mới hỏi:
– Hai vị đứng đây làm gì vậy?
– Chúng tôi đem bán bửu bối.
– Cục đá này là bửu bối à?
– Phải, chính nó.
Người hỏi mỉm cười rồi bỏ đi. Liên tiếp mười mấy lượt người đều giống nhau,
hỏi xong rồi bỏ đi. Triệu Phước, Triệu Lộc đứng lâu chột dạ. Kế nghe
đằng kia có người đi lại nói:
– Trên thế gian này hễ có người mua là có người bán. Anh bán hả. Tôi mua đấy!
Triệu Phước, Triệu Lộc dòm lại, thì ra là hai vị mại chủ, bèn chắc mẩm trong bụng: “Phen này mình sẽ phát tài to”.