Đọc truyện Tế Điên Hòa Thượng – Chương 123
Bạch Thủy Hồ thỉnh Tế Công bắt yêu
Tiểu Nguyệt Đồn, La Hán thi diệu pháp
Mọi người chạy ra xem thì thấy vật ấy hình dáng người nhưng toàn là xương
sọ người ráp lại, khoảng chừng 180 cái, tay trái cầm Câu hồn thâu mạng
bài, tay mặt cầm Khủng lung cốt. Quái vật tên là Bách cốt nhân ma, do
một tên yêu đạo luyện thành, có thể sai đi bắt hồn người tạ Nguyên ủy là Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong. Ông ta muốn bắt 500 âm hồn để
luyện một tòa Âm hồn trận, bèn sai năm lão đạo sĩ đi ra bắt 500 hồn
người. Năm lão đạo sĩ ấy là:
1. Tiền điện chân nhân Trường Lạc Thiên.
2. Hậu điện chân nhân Lý Lạc Sơn.
3. Tả điện chân nhân Trịnh Hoa Xuyên.
4. Hữu điện chân nhân Lý Hoa Sơn.
5. Thất tinh chân nhân Lưu Nguyên Tố.
Mỗi vị đi ra bắt 100 âm hồn. Lưu Nguyên Tố chiếm cứ ngôi Tam Hoàng miếu ở
phía chánh Tây của Tiểu Nguyệt Đồn. Ông ta tìm trong đám mả hoang 100
đầu lâu bị chết, tập trung một chỗ rồi dùng bùa chú thôi thúc luyện
thành Bách cốt nhân ma, cứ mỗi đêm sau canh một, ông ta đặt một chiếc
bàn hương án trong viện, trên ghế để sẵn một hồ lô, và cài vào tay Bách
cốt nhân ma một cây cờ Chiêu hồn thủ mạng bài, sai đi ra Tiểu Nguyệt Đồn bắt lấy một âm hồn mang về. Lão đạo sĩ nhốt hồn bị bắt đó trong hồ lô,
dự định 100 ngày bắt đủ số Tiểu Nguyệt Đồn bị chết 100 người, nào ngờ
hôm nay bị Tế Điên bắt Cốt ma lại.
Tế Điên theo dấu chạy đến Tam
Hoàng miếu tính bắt lão đạo sĩ, ai dè lão đạo sĩ cũng có chút tài nghề.
Hôm nay ông ta đang làm phép ở trong điện, thấy ngọn đèn biến thành xanh liền biết có người phá pháp thuật của mình. Lại nhìn về hướng chánh
Đông thấy kim quang sáng rỡ, thụy khí ngút trời, ông ta lật đật chụp lấy hồ lô vận chẩn cước phong chạy về Tường Vân quán. Từ đó kết thù với Tế
Điên. Khi Tế Điên đến miếu Tam Hoàng thì lão đạo sĩ đã trốn mất, bèn trở lại Tiểu Nguyệt Đồn kêu bọn Mã Tịnh chất củi thiêu Bách cốt nhân ma đi, rồi nói:
– Thế là xong! Từ nay Tiểu Nguyệt Đồn an nhiên vô sự.
Mã Tịnh cảm tạ Tế Điên, ngày kế Tiến Điên cáo từ. Lôi Minh, Trần Lượng nói:
– Bạch sư phó! Lão nhân gia đi Bạch Thủy Hồ bắt yêu, cho chúng con đi với.
– Ừ, thì đi.
Nói rồi dẫn bọn Tôn Đạo Toàn, Hồ Tú Chương… ra khỏi Tiểu Nguyệt Đồn, theo đường lớn đi về phía Bạch Thủy Hồ. Ngày kia đi đến địa phận Tiêu Sơn
thấy trong rừng cây bên đường có hai người đang nghỉ chân trong đó. Một
người trang phục theo lối văn sinh công tử, đầu đội khăn văn sinh màu
thúy lam bỏ thòng hai dải, mình mặc áo choàng văn sinh cùng màu, lưng
thắt dây tơ, vớ trắng cổ cao trên đôi dép đế dày, tuổi trạc 30, mặt mày
trắng trẻo, nghi biểu hơn người. Ông già đi theo phục sức theo lối gia
nhân, đội mũ xanh, áo choàng màu xanh thẳm, tuổi độ hơn 50, râu tóc đã
bạc. Tế Điên nhìn ra chính là người nhà của mình, bèn bảo Tôn Đạo Toàn,
Hồ Tú Chương cứ đi trước sẽ gặp nhau ở Bạch Thủy Hồ. Tôn Đạo Toàn hỏi:
– Sư phó đi đâu vậy?
– Ta có chút việc, sẽ đến đó sau.
Hai người bèn tiếp tục đi tới trước, phần Tế Điên dừng lại thủng thỉnh bước về phía rừng, gặp vị văn sinh công tử liền đánh tiếng chào hỏi:
– Xin chào thí chủ!
Vị văn sinh công tử này không phải ai xa lạ, mà chính là anh họ của Tế
Điên. Anh ta vâng lịnh cha đi tìm em họ mình là Lý Tu Duyên. Người này
họ Vương tên Toàn, người thôn Vĩnh Ninh, huyện Thiên Thai, phủ Thai
Châu, chính là con của Vương An Sĩ, cậu của Tế Điên. Nguyên, Lý Tu Duyên từ lúc nhỏ cha mẹ đã định hôn sự với Lưu Tố Tố con gái của Lưu Bá Vạn ở Lưu gia trang. Vị cô nương này từ khi lọt lòng mẹ chỉ toàn ăn chay mà
không có một chút thịt cá nào để vào miệng. Sau khi Lý Tu Duyên bỏ nhà
ra đi ít lâu, cha mẹ cô cũng qua đời, chỉ còn trơ trọi một mình, bèn
nương náu với cậu là Đổng viên ngoại. Con gái của Đổng viên ngoại lại là dâu của Vương An Sĩ, vì thế thân càng thêm thân. Lưu Tố Tố càng lớn,
Đổng viên ngoại càng hối thúc Vương An Sĩ tìm Lý Tu Duyên về để hoàn
thành hôn sự. Vương An Sĩ cũng chẳng biết Lý Tu Duyên đang trôi giạt
phương nào! Người ta đồn đại mỗi người một cách, có người nói Lý Tu
Duyên tự mình ra đi, cũng có người nói Vương Sĩ An đuổi cháu mình đi.
Một hôm Vương An Sĩ kêu con mình là Vương Toàn và gia nhân là Lý Phúc đi tìm Lý Tu Duyên, đem theo nhiều vàng bạc, ngầm giấu châu báu để dự bị
một chuyến đi xạ Hễ một ngày tìm được thì một ngày trở về, hai ngày tìm
được thì hai ngày trở về, một năm tìm được thì một năm trở về, còn tìm
không được thì đừng trở về nữa. Vương viên ngoại làm như vậy để người ta khỏi nói là chính mình đuổi cháu đi. Vương Toàn chỉ còn cách tuân theo
lịnh cha, dắt theo lão quản gia là Lý Phúc rời khỏi nhà đi khắp nơi tìm
kiếm. Đi qua các quận huyện có dán lời bố cáo thuê người tìm kiếm từ
trước để hỏi thăm, có người nói Lý Tu Duyên đã xuất gia rồi, cũng không
biết hiện giờ ở đâu.
Hôm nay Vương Toàn và Lý Phúc đi đến địa phận huyện Tiêu Sơn này, cảm thấy mệt mỏi quá, Vương Toàn nói:
– Ái chà, này lão quản gia! Thầy trò chúng ta ra ngoài chuyến này mang
sương đội nguyệt để tìm chú em ta, không biết bao giờ mới trở về nhà
nhỉ? Tôi cảm thấy mệt mỏi quá rồi?
Lý Phúc nói:
– Công tử không cần phải nóng nảy, phàm việc gì tự nó có số của nó, chúng ta hãy nghỉ ngơi giây lát rồi đi nữa.
Nói rồi bèn vào trong rừng liễu, kiếm chỗ đất trống, Lý Phúc trải nệm ra
đất, hai thầy trò ngồi nghỉ. Hai người đang ngồi nghỉ thì Tế Điên bước
lại gần chào hỏi:
– Xin chào thí chủ! Qúy tánh của thí chủ là chi?
– Tôi họ Vương.
Tế Điên đã nhận ra Vương Toàn là anh họ của mình, còn Vương Toàn thì hoàn
toàn mù tịt. Chẳng những Vương Toàn không dám nhìn mà ngay cả lão quản
gia Lý Phúc cũng không nhớ ra. Ông ta trước kia là lão bộc của Lý Tu
Duyên mà không nhận ra chủ của mình. Bởi Tế Điên ngày xưa, lúc còn ở nhà mang hình thức bạch diện thư sinh, trang phục theo lối văn sinh công
tử; còn bây giờ đi ra ngoài bị gió táp mưa sa, mặt mày bùn đất tèm lem,
đầu tóc để dài cả tấc, lại là người xuất gia nữa, bản lai diện mục cũ
hoàn toàn bị che lấp, thế nên lúc đó Vương Toàn, Lý Phúc đều nhìn không
ra. Tế Điên lại hỏi:
– Thí chủ là người ở huyện thôn nào? Tế Điên đã biết rõ nhưng cố hỏi.
– Tôi là người dân ở thôn Vĩnh Ninh, huyện Thiên Thai, phủ Thai Châu.
– Tôi cũng là người ở huyện Thiên Thai, phủ Thai Châu đây. Vậy chúng ta
là người đồng hương mà! Thí chủ có tiền thí xả cho Hòa thượng ta vài
tiền để uống rượu chơi!
Vương Toàn nghe nói, nghĩ bụng: “Ông ta
là người xuất gia mà sao chẳng kiêng cữ gì hết?. ” Nghĩ xong thò tay vào túi móc hai tiền đưa cho Tế Điên. Tế Điên nhận tiền rồi nói:
–
Thí chủ cho hai tiền này tôi thiệt khó xài quá. Uống rượu không hết mà
ăn cơm thì không đủ! Thí chủ nếu muốn cho thì xin cho tiền một bữa cơm
nữa.
– Vậy cũng được!
Nói rồi Vương Toàn móc ra hai tiền nữa cho Tế Điên. Tế Điên nhận tiền rồi nói:
– Thí chủ cho tôi số tiền này tôi lại càng khó xài.
– Tại sao cho tiền ông mà làm cho ông khó xài?
– Không phải sao? Uống rượu ăn cơm không hết, còn chuộc quần áo thì không đủ. Thí chủ làm phước thì làm phước cho trọn, xin cho thêm một ít tiền
nữa để tôi chuộc quần áo về.
Vương Toàn nghĩ bụng: “Một, hai điếu tiền có là bao! Mình cho ổng kể như cúng chùa vậy”. Nghĩ rồi lại lấy
cho Tế Điên hai tiền nữa. Tế Điên nhận tiền, nói:
– Thí chủ cho tôi số tiền này tôi lại càng khó xài nữa! Ăn cơm, chuộc áo quần đã đủ rồi, mà lộ phí về nhà lại không có.
Vương Toàn còn chưa trả lời, gia nhân Lý Phúc bực quá nói:
– Này Hòa Thượng, ông thiệt là không biết tự ái chút nào! Người ta cho
tiền ông mà ông bảo là khó xài, ông còn kể đủ kể thiếu. Ông thiệt là
người được đằng chân lân đằng đầu mà!
Tế Điên mỉm cười nói:
– Hòa thượng ta không phải cốt xin tiền, mà chủ ý muốn xem tướng mạo. Để
ta xem tướng ông nhé! Ta thấy ấn đường của thí chủ phát tối, vậy đất này không nên ở lâu. Nghe lời khuyên của Hòa thượng ta, nên sớm đi đi. Đó
là phép xu cát tị hung đấy! Nghe cùng không nghe mặc ý của thí chủ. Hòa
thượng ta đi đây!
Nói xong câu đó, Tế Điên khật khà khật khưỡng,
chân đi lạng quạng, bước thấp bước cao đi ra khỏi rừng. Sau khi Tế Điên
đi rồi, lão quãn gia Lý Phúc nói:
– Công tử đừng nên tin mấy lời
đó làm chi! Ở đây gần bên đường lớn, có việc gì đâu mà sợ. Công tử nói
đến việc đọc sách thì ông ta bàn luận với công tử về Đức Khổng Tử nói: ” Học mà luôn luôn tập theo chẳng là vui lắm sao!”. Công tử nói đến việc
luyện võ thì ông ta có thể bàn chuyện kiếm cung tên ngựa; công tử nói về sơn nam, ông ta cũng nói đến sơn nam; công tử nói đến hải bắc, thì ông
ta cũng nói hải bắc. Tóm lại, ông ta nói chuyện đồng hương chỉ là gạt
gẫm kiếm tiền mà thôi. Công tử chưa đi ra ngoài thường, nên những việc ở ngoài công tử làm sao thấy biết hết được!
Vương Toàn nói:
– Ông ta là người xuất gia, cho ông ta một, hai điếu tiền có là bao!
Chúng ta đừng nên để ý đến chuyện gì khác có phải đỡ phiền hà không?
Thầy trò nói chuyện một hồi lâu, Lý Phúc cảm thấy đau bụng, nói:
– Công tử hãy ngồi đây coi chừng đồ đạc, tôi đi ra ngoài một chút.
– Ông đi đi!
Lý Phúc dòm thấy phía Nam có một đám lau, bèn đi về hướng đó. Vương Toàn
đợi một hồi lâu, thấy Lý Phúc đi cầu xong trở về cầm theo một cái bọc.
Vương Toàn hỏi:
– Cái bọc gì vậy?
– Công tử xem đây, tôi đi cầu mới lượm được.
– Ông mau đem trả lại chỗ cũ cho người ta! Nếu là người có tiền, chính
người ấy đánh rơi thì không hề gì! Nếu làm giùm cho người khác, hoặc là
kẻ gia nhân đánh rơi mà chúng ta cầm đem đi, có phải là hại tánh mạng
người ta không?
– Để tôi mở ra xem cái gì trong đó, rồi đem trả cho người ta.
Lý Phúc nói rồi mở bao ra, thấy một cái đầu thiếu phụ máu tươi còn ri rỉ. Lý Phúc cả kinh! Vương Toàn nói:
– Ông mau đem lại chỗ cũ đi.
Nói câu đó chưa xong thì phía Bắc có mười mấy công sai ập tới, nói:
– Hết chối nhé! Bọn ngươi là kẻ giết người rồi ở đây xem đầu người ta! Chúng ta tìm mãi không thấy, hôm nay mới gặp.
Nói rồi lấy dây sắt trói nghiến hai thầy trò Vương Toàn và Lý Phúc lại. Lý Phúc nói:
– Cái đầu người này là tôi lượm được mà!
Quan nhơn nói:
– Tới nha môn rồi sẽ nói chuyện.
Nói rồi kéo thầy trò Vương Toàn và Lý Phúc về huyện Tiêu Sơn.