Bạn đang đọc Tế Công Hoạt Phật: Chương 225: Biện Khúc Nôi, Trung Lương Động Trắc Ẩn
Các Ban đầu phủ Trấn Giang áp tới bắt trói Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng, Lôi Minh, Trần Lượng lại. Họ cũng không dám chống cự, đành đi theo về nha môn phủ ở Trấn Giang. Đến nơi, họ bị giữ lại ở Ban phòng, Nguyên biện tiến vào hỏi cung, quan Tri phủ lập tức thăng đường. Tráng, Khoái, Tạo ba ban thét họ đường uy xong, quan Tri phủ truyền đem bọn giặc vào. Quan nhân áp giải bốn người vào trong và hô to:
– Vụ án tại khách điếm ở Kim Sa Lãnh, đốt đèn cầm gậy, cướp đoạt tài vật, giết chết gia nhân, cướp đi hầu thiếp của quan trường ngự nhiệm, đó là Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng, Lôi Minh, Trần Lượng bốn người đã dẫn tới.
Bốn người này nghe nói thế, sợ quá, mặt mày biến đổi, quỳ dưới sân. Quan Tri phủ vỗ kỉnh đường, hỏi:
– Bốn tên kia họ tên chi?
Bọn Tần Nguyên Lượng đều tự xưng tên họ. Quan tri phủ nói:
– Tần Nguyên Lượng, bọn ngươi trong quán trọ Ở Kim Sa Lãnh cướp đi hầu thiếp của La đại lão gia, giết chết gia đinh, cướp đi vàng bạc đồ vật, đồng lõa có mấy người? Hãy khai thiệt đi để bản huyện khỏi ba lần bảy lượt hỏi tra, đến chừng các ngươi thịt da rách nát khổ sở cũng phải khai nhận thôi.
Bọn Tần Nguyên Lượng bò lên nửa bước, cúi đầu nói:
– Xin lão gia ở trên soi xét, bọn tiểu nhân là người dân lương thiện thủ phận qua ngày, hàng ngày sống về nghề bảo tiêu. Lão gia nói việc đốt đèn cầm gậy giết người ở Kim Sa Lãnh, bọn tiểu nhân hoàn toàn không biết. Chúng tôi từ trước đến nay chưa làm điều gì phạm pháp cả. Cầu xin lão gia bút hạ phân minh, bọn tiểu nhân thật tình oan uổng.
– Bọn bay chắc đã quen tính làm giặc nên ở trước cổng đường bản phủ còn dám chối quanh chớ! Đại khái nhẹ tay hỏi việc, muôn việc đều không chứ gì? Bây đâu, kéo nó xuống đánh một trận cho ta!
Tần Nguyên Lượng nói:
– Xin lão gia tạm bớt trận lôi đình, bọn tiểu nhân có điều xin bẩm báo: Nói bọn tiểu nhân đốt đèn cầm gậy cướp của, lấy gì làm bằng chứng? Nếu lão gia dùng nghiêm hình tra khảo, bắt chúng tôi nhận tội mưu phản đại nghịch, chúng tôi chịu đòn không nổi bắt buộc phải khai nhận thôi. Cầu xin lão gia gương sáng treo cao cho chúng tôi nhờ.
Tri phủ nói:
– Các ngươi trong khách điếm cướp của, La lão gia báo cáo rằng: Tụi bây tự xưng tên họ, bây giờ tụi bây còn cãi chối nữa hả?
Trần Lượng nói:
– Xin lão gia xét kỹ cho, bọn tiểu nhân nếu quả tình gây án ở Kim Sa Lãnh, làm sao lại tự khai tên họ mình được? Xin lão gia thương tình, đây chắc là bọn giặc có cừu thù với bọn tôi nên mạo xưng tên họ để hại bạn tôi đó. Kẻ tiểu nhân ở phủ Trấn Giang bao nhiêu năm, lão gia không tin thử hỏi các quan nhân thuộc hạ sẽ rõ. Nếu chúng tôi có gây án tại địa phương thì các quan nhân thuộc hạ của lão gia đã bắt chúng tôi từ lâu rồi.
Quan Tri phủ nghe xong bèn nghĩ: “Việc này chi bằng gởi văn thư lên cho La tướng biết, chờ đợi văn thư phúc đáp rồi sẽ liệu”. Nghĩ rồi bèn kêu đem bốn người đóng trăn bỏ vào ngục, một mặt thưởng cho Miêu Phối 200 lượng bạc rồi thả ra, mặt khác phái sư gia làm một văn thư đưa về kinh. Trong văn thư nói rõ là đã bắt được bốn người này nhưng chưa hỏi cung, xin đường dụ của Tướng gia. La thừa tướng nghĩ: “MMạc kệ bọn chúng có phải hay là không, cứ bảo Tri phủ áp giải bọn chúng về kinh, rồi cứ theo pháp mà hành quyết, tin này đồn ầm lên để sau này bọn giặc không còn dám hiếp đáp con ta nữa”. Nghĩ xong, lập tức làm văn thư bảo Tri phủ Trấn Giang áp giải bốn người về kinh ngay, giao cho Bộ Hình án theo luật pháp mà trị tội.
Quan Tri phủ tiếp được văn thư lập tức phái hai người giải sai, mười tên khoái thủ, đóng bốn cỗ xe tù, bỏ Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng, Lôi Minh, Trần Lượng vào trong rồi áp tải về Lâm An. Xe đang đi bỗng gặp Tế Điên. Tế Điên đứng tránh một bên quan sát hồi lâu rồi mới đi quạ Lôi Minh, Trần Lượng nhìn thấy, kêu:
– Sư phó, lão nhân gia đã đến rồi à? Có cách nào cứu chúng con với!
Tế Điên nói:
– Chà, các con bị nạn lớn này mà Hoà thượng ta tạm thời chưa rảnh được! Các con đừng sợ, đến Bộ Hình cứ nói như cũ, người tốt sẽ có tướng giúp.
Tế Điên nói rồi bỏ đi một nước. Các quan nhân áp giải bốn người tới Bộ Hình, đem văn thư sai sự trình lên. Trị nhật ban giữ sai sự lại và trình văn thư lên. Hình Bố chánh đường là Lục đại nhân xem qua, lập tức thăng đường. Quan nhân đưa bọn Lôi Minh lên. Lục đại nhân xét hỏi, bốn người cứ sự thật trả lời giống như trước. Lục đại nhân xem lại văn thư cùng khẩu cung của bốn người khai không phù hợp. Lục đại nhân này vốn là một vị quan thanh liêm, từ khi làm quan đến nay hai tay áo thanh phong bủa khắp, thương dân như con, hỏi bọn Lôi Minh, Trần Lượng:
– Vụ Ở Kim Sa Lãnh cướp hầu thiếp của La lão gia, giết chết gia đinh, đồng lõa có bao nhiêu tên?
Trần Lượng nói:
– Bẩm đại nhân, bọn tiểu nhân ở tại Trấn Giang bao nhiêu năm nay, sống làm người dân an phận, chưa làm điều gì phạm pháp cả. Vụ Ở Kim Sa Lãnh, bọn tiểu nhân hoàn toàn không biết. Cầu xin đại nhân lấy đức thanh liêm soi xét mà nghĩ lại. Nếu chúng tôi quả đi cướp của giết người thì đâu có tự xưng tên họ làm chi để di họa về sau? Đây chắc là bọn giặc nào đó có cừu thù với bọn tiểu nhân, bọn họ gây án xưng tên để hãm hại bọn tiểu nhân. Cầu xin đại nhân thẩm xét công minh cho bọn tiểu nhân được nhờ.
Lục đại nhân nghĩ: “Trong vụ này chắc có nguyên cớ chi đây”. Lập tức sai đem bọn bốn người bỏ vào ngục rồi ngồi kiệu đi đến La tướng phủ. La Thừa tướng đi vắng. La Thanh Viễn mời Lục đại nhân vào ngồi nói chuyện. Lục đại nhân hỏi:
– Hiện tại phủ Trấn Giang giải bốn tên giặc, tôi hỏi cung họ, đại khái xem họ nói không thật. Thiếu đại nhân hổi bị đánh cướp ở Kim Sa Lãnh có còn nhớ hình dáng bọn giặc không?
La Thanh Viễn nói:
– Tôi cũng nhớ không rõ. Có một tên mặt đen mặc áo chẽn xanh đen, một tên mặt trắng mặc áo trắng, một tên mặt vàng, mấy tên kia tôi nhớ không rõ.
Lục đại nhân nghe xong, nói:
– Thế thì không đúng rồi! Bốn người này không có ai mặt đen cả. Tần Nguyên Lượng mặt đỏ, Mã Diêu Hùng mặt xanh, Lôi Minh mặt lam râu đỏ, Trần lượng mặt trắng. Đại khái mấy người này chắc bị Oan khuất.
La Thanh Viễn nói:
– Ai cần biết họ có oan khuất hay không? Bọn họ tình oan khuất mà mạng không oan khuất. Đại nhân cứ theo luật xử nặnghọ đi cho bọn giặc thấy đó mà kinh hồn. Nếu không như vậy thì quan viên tử đệ ít có ai dám ra ngoài làm quan, mà có tiền cũng không dám đem về nhà!
Lục đại nhân nghe những lời nói không thuận tình lý đó không tiện tranh cãi, chỉ cáo từ ra về. Về lại thư phòng, Lục đại nhân nghĩ về việc này mãi. Nếu đem nghiêm hình tra khảo bắt họ cung khai thì còn gì tánh mạng bốn người này. Làm quan đâu có thể làm việc mất âm đức như vậy được? Còn thả cũng không thể vô cớ thả được, việc quan làm sao giải quyết xong?
Càng nghĩ càng rối, suy tới nghĩ lui, cuối cùng nảy ra một ý, bèn lập tức bảo gia nhân đi mời hai vị khán gia hộ viện đến. Gia nhân vâng dạ đi gọi ngay, một lát sau hai vị sư phó hộ viện đến thư phòng. Hai vị hộ viện này nguyên là người ở núi Hạ Lan tại Giang Bắc, trong nhóm cửu kiệt bát hùng, võ nghệ rất giỏi, theo Lục đại nhân đã nhiều năm. Một người tên là Hoa Nguyên Chí, trác hiệu là Yến tử phong phi thối, còn người kia là Lạc cửu chân thần Võ Định Phương. Hai người đến thư phòng hành lễ, hỏi:
– Đại nhân cho gọi chúng tôi có việc chi?
– Hai vị giáo sư, ngày thường bổn bộ viện đối xử với hai vị như thế nào?
Hoa Nguyên Chí nói:
– Đại nhân đối xử với chúng tôi rất hậu. Đại nhân có việc gì cần dạy bảo, hai tôi muôn chết cũng không từ.
– Tức nhiên là như thế! Hiện giờ ta bắt được bốn tên sai sự, ở Kim Sa Lãnh đánh cướp hầu thiếp và vàng bạc của La công tử. Bọn giặc đó là Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng, Lôi Minh và Trần Lượng. Bốn người này ta thấy thật là oan khuất. La thừa tướng muốn giết họ mơ mơ hồ hồ, bản bộ viện không thể làm việc thất nhân tâm như vậy, mà thả thì không thả được. Lúc này cũng không thể đưa văn thư trở lại Trấn Giang kêu họ biện án được, vì họ đã giao người lên đây rồi. Nha môn ta chuyên coi về hình sự mà thủ hạ không người quen biện án. Ta phái hai ngươi đến phủ Trấn Giang để tìm ra manh mối. Nếu như tìm được đúng kẻ phạm tội, ta sẽ cấp cho hai ngươi một tờ công văn, bất kỳ ở châu phủ quận huyện nào cũng có thể tập hợp các quan viên văn võ tại địa phương giúp các ngươi bắt được giặc. Nếu như biện được vụ án này thì thứ nhất là cứu được bốn mạng người đó, hai là bản bộ đường cũng được nổi tiếng. Đó là một việc làm đức hạnh. Ta cấp cho hai ngươi 100 lượng bạc làm lộ phí, cảm phiền hai vị khổ nhọc một phen.
Hoa Nguyên Chí, Võ Định Phương nói:
– Đại nhân đã sai bảo như thế, chúng tôi xin tuân lịnh, ngày mai sẽ khởi hành.
Lục đại nhân lập tức thảo một tờ công văn dán lại cẩn thận. Hôm sau hai vị anh hùng lãnh lấy 100 lượng bạc, thay đổi y phục, giắt binh khí ra đi. Hoa Nguyên Chí mặc áo chẽn tráng sĩ màu lam thúy, Võ Định Phương mặc áo đoạn trắng cùng đem theo y phục dạ hành. Sau khi từ biệt Lục đại nhân, hai người ra khỏi kinh đô đi về hướng phủ Trấn Giang để tìm tông tích bọn giặc. Cứ đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ. Hôm đó đã đến địa phận phủ Trấn Giang, lỡ qua trấn điếm mà trời đã tối, trước mặt không thôn xóm, gần đó cũng chẳng quán trọ nào. Hai người đi bừa tới trước, vào một tòa cửa núi, thấy xa xa có một đám rừng tòng hình như có nhà người ở. Khi đến gần xem lại thì là một tòa cổ miếu rất lớn. Hai người nghĩ thầm: “Am quán chùa viện là trà viên cho khách lỡ đường. Tìm không được trấn điếm, có thể vào trong miếu tá túc một đêm, xin nhờ một bữa cơm, lúc ra đi gởi hậu tiền hương khói, có gì không được?”. Võ Định Phương nói:
– Đại ca, chúng mình vào trong miếu này xin tá túc một đêm đi!
– Cũng được! Hoa Nguyên Chí đáp.
Hai người mới tiến lại gõ cửa. Một lát sau, thấy từ bên trong đi ra một người trạc hơn 30 tuổi, hai đạo chân mày to trên đôi mắt tròn, chiếc mũi chim ưng cong quắp giữa hai má xương xẩu. Người này mặc quần áo trắng, vớ trắng giầy xanh, có vẻ như một tên hỏa công đạo. Hoa Nguyên Chí lật đật bước tới, ôm quyền nói:
– Xin chào, xin chào!
– Hai vị tìm ai? Người ấy hỏi.
– Hai tôi là người phương xa, hôm nay đi quá trấn điếm đến chỗ này, cũng không biết trong miếu chủ trì là hòa thượng hay lão đạo. Xin tôn giá vui lòng bẩm lại giùm. Hai tôi muốn xin nghỉ nhờ ở đây một tối, trong chùa có trai phạn xin cho chúng tôi một bữa đỡ dạ, ngày mai cúng hậu phần hương đèn.
– Thì ra hai vị là khách phương xa đến xin nghỉ nhờ. Việc này tôi không dám tự chủ, để tôi vào bên trong thưa lại với phương trượng đây.
– Được!
Người kia quay mình trở vào trong, một lát sau trở lại nói:
– Xin mời hai vị vào.
Hoa Nguyên Chí và Võ Định Phương đi theo vào trong. Dè đâu hôm nay hai người dấn thân vào đầm rồng hang cọp.