Đọc truyện Tây Du Ký – Chương 93: Ghé Cô viên, hỏi dọ nhằm thầy Ðến Thiên Trúc, đi chầu gặp nộm
Rạng ngày các sải thức dậy không thấy bồn thầy trò, ai nấy đều vò đầu mà than rằng:
– Tức quá chừng quá đổi! Gặp Phật sống mà không cầu đặng chuyện chi, chưa kịp hỏi thăm sự họa phước, không dè đi tức, uổng biết chừng nào.
Không bao lâu, có chủ nhà kia đếm chùa thỉnh mấy thầy dự tiệc.
Các sải nói tước rằng:
– Bốn vị hồi khuya đã đằng vân rồi, còn ở đâu mà thỉnh phó trai nữa!
Chủ nhà ấy nghe nói ngở thiệt liền lạy thinh không, rồi về lưu truyền, các quan đến sanh từ cúng lạy.
Các nhà chưa kịp đãi, cũng luân phiên đi cúng sanh từ!
Còn bốn thầy trò đi hơn nữa tháng bình an vô sự.
Xảy thấy núi cao trước mặt, Tam Tạng dớn dác nói rằng:
– Ðồ đệ ôi! Trước mặt có núi cao, phải giữ gìn cho lắm.
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Ðây là gần cõi Phật, chắc không có yêu ma, sư phụ vững bụng mà đi, đừng nghi ngại chi cả.
Tam Tạng nói:
– Tuy đây gần cảnh Phật, song các sải chùa Từ Vân có nói: Từ chùa đến kinh đô Thiên Trúc, còn hai ngàn dặm đường. Không biết còn bao xa mới tới Lôi âm, chưa chắc là gần cảnh Phật.
Tôn Hành Giả nói:
– Thầy đã quên tâm kinh của Ô Sao thiền sư sao rồi!
Tam Tạng nói:
– Tâm kinh của Ô Sao thiền sư ta đã thuộc làu, ước chừng đọc ngược cũng đặng, lẽ nào lại quên đi?
Tôn Hành Giả nói:
– Tuy thầy thuộc lòng đọc lẹ lắm, song chưa biết thầy cắt nghĩa đặng chăng?
Tam Tạng nổi giận nói rằng:
– Con khỉ kia, sao ngươi dám nói ta cắt nghĩa không đặng, vậy chớ ngươi cắt nghĩa đặng chăng?
Tôn Hành Giả nói:
– Tôi cắt nghĩa đặng, nghĩa là cứ việc làm thinh.
Khi ấy Bát Giới cười ngất nói rằng:
– Ðại ca cũng là chúa yêu xuất thân, không phải chánh mặt Hòa Thượng mà biết Phật biết kinh, khéo làm bộ nói bướng! Giống gì mà cắt nghĩa đặng, giống gì mà cứ việc làm thinh, xin cắt nghĩa cho rõ!
Sa Tăng nói:
– Ðại ca đặt chuyện, nói năng chi cho thầy đi, thiệt đại ca có tài múa gậy mà thôi, chớ giảng kinh sao nổi.
Tam Tạng nói:
– Ngộ Năng, Ngộ Tỉnh nói sái hết thảy, thiệt Ngộ Không cắt nghĩa đặng, mới nói tiếng làm thinh; nêu không làm thinh thời chẳng đặng thánh chánh quả.
Khi ấy thầy trò đi qua khỏi núi, thấy một kiểng chùa gần bên đàng, có treo một tấm biểng, để bốn chữ là: Bố Kim Thiên Tự, nghĩa là:Chùa Phật trải vàng.
Tam Tạng xem thấy ngẫm nghĩ rồi nói rằng:
– Chùa Bố Kim nầy là ranh nước Xá vệ thì phải.
Bát Giới nói:
– Kỳ quá! Tôi đi theo thầy mười mấy năm nay, không thấy thầy biết đường nào hết. Sao bây giờ đây thầy lại biết đường?
Tam Tạng nó:
– Không phải ta biết đường đâu. Thiệt là thấy trong kinh có nói như vầy: Phật Thích Ca ở thành Xá vệ, có ông nhà giàu đại phú là Cấp Cô Ðộc trưởng giả, hỏi thăm Thái Tử mua vườn Kỳ thọ viên, đặng thỉnh Phật Thích Ca về vườn ấy mà giảng kinh.
Thái Tử nói:
– Cái vườn nầy ta không chịu bán; nếu muốn dùng thì lót vàng đầy vườn, ta mới chịu cho không.
Cấp Cô Ðộc trưởng giả nghe Thái Tử nói.
Liền lấy vàng làm gạch sắp lót cùng vườn, Thái Tử nhớ lời, nên phải thỉnh Phật Tổ vào vườn ấy mà giảng kinh. Nay ta thấy chữ Bố Kim là trải vàng, lót vàng, mới hồi nghi là ranh nước Xá Vệ.
Khi ấy Bát Giới nghe nói cười rằng:
– Nếu quả như vậy, thì tôi vào vườn ấy mà lấy cục gạch vàng đem cho thiên hạ!
Tam Tạng liền xuống ngựa, mấy thầy trò đồng bước vào cửa chùa, thấy nhiều kẻ bộ hành, người thì mang túi quảy gánh, kẻ thì xách gói đầy xe, kẻ thì nằm ngủ nghinh ngang, người thì đứng ngồi nói chuyện.
Xảy thấy bốn thầy trò bước vào, coi bộ mấy người ấy kinh hãi, đều tránh đường đứng dẹp hai bên.
Tam Tạng sợ học trò sanh sự, cứ dặn rằng:
– Phải cho có nết na, chẳng nên láu táu.
Ðoạn bốn thầy trò đi gần tới cửa chùa, có một sải đi ra nghinh tiếp, ông sải ấy tốt người lắm!
Tam Tạng ngó thấy bái liền, Hòa Thượng ấy đáp lễ rồi hỏi rằng:
– Thầy ở đâu đến đây?
Tam Tạng nói:
– Ðệ tử là Trần Huyền Trang ở Ðông Ðộ, vưng chỉ Ðại Ðường hoàng đế qua Tây Phương lạy Phật thỉnh kinh, đi ngang qua đây trước là ghé vào ra mắt, sau xin tạ túc một đêm, mai sáng mau mau dời gót.
Hòa Thượng ấy mừng rỡ nói rằng:
– Rất đỗi người bộ hành còn ghé chùa nầy mà nghĩ thay, huống chi bốn thầy là thầy tăng nước Ðại Ðường, ở bao lâu cũng đặng.
Tam Tạng tạ ơn, rồi ngoắt ba đệ tử và phương trượng.
Khi ấy các sải đem trà ra và xem người Ðông Ðộ.
Mấy sải già, các sải trẻ trường trụ, quải tháp, đều ra mắt luôn luôn.
Trà nước xong rồi dọn cơm thiết đãi.
Tam Tạng ngồi lại mới niệm kinh cúng chưa rồi, Bát Giới thỉnh hết một cái bánh bao, làm phụ thêm một viên xôi nước rồi xử lần tới món khác nữa!
Khi ấy mấy sải tử tế cứ coi oai nghi Tam Tạng mà thôi.
Bọn sải liếng xáo, bấu coi Bát Giới!
Sa Tăng thấy nhiều người ngó mặt Bát Giới, thì mắc cở lén ngắt Bát Giới một cái mà nói nhỏ rằng:
– Làm văn, đừng làm võ!
Bát Giới nói lớn rằng:
– Làm văn nhăn răng, làm cách sạch ruột.
Bát Giới và nói và ăn.
Sa Tăng nực cười nói rằng:
– Anh nói kỳ cục quá. Nói vậy thiên hạ nhiều người làm bộ văn thì trong bụng trống lổng như bụng mình lúc nầy hay sao?
Khi ấy Tam Tạng niệm kinh cúng rồi, ai nấy ăn uống xong xả, mãn tiệc Tam Tạng tạ ơn. Các sải hỏi thăm việc thỉnh kinh.
Tam Tạng thuật chuyện Ðại Ðường vì cớ nào mà sai đi thỉnh kinh. Ði đường bị các động yêu bắt ra thể nào.
Các sải nghe qua đều rởn óc!
Tam Tạng thuật chuyện rồi hỏi rằng:
– Chẳng hay lấy tích chi mà đặt hiệu Bố Kim thiền tự?
Các sải nói:
– Các vườn nầy của ông Cấp Cô Ðộc, tánh người nhơn đức hay cấp dưỡng chi trẻ mồi côi và mấy ông già bà cả độc mộc một mình không con cháu, nên thiên hạ gọi rằng ông Cấp Cô Ðộc mà thành danh. Ông ấy nhà ở tại Xá vệ, còn chùa nầy trước hiệu là: Cấp Cô Ðộc viên tự. Sau ông Cấp Cô Ðộc thỉnh Phật Tổ về chùa nầy mà giảng kinh, làm cách trọng thể, lót gạch bông vàng đầy vườn, không chừa chổ đất trống, nên cải hiệu là: Bố Kim Thiền Tự. Ðàng trước kia nước Xá vệ, còn sau chùa nầy có đền Kỳ viên, ấy là chánh nền vườn lót vàng trải ngọc hồi trước, tuy bây giờ vàng ngọc châu báu mất hết, mà trong tiết trời mưa, ai có phước tới kiếm tại nền cũng gặp vàng ngọc châu báu.
Tam Tạng nói:
– Như vậy quả thiệt chẳng sai, không phải đồn huyễn! Còn khi tôi mới vào cửa núi thấy hai bên nhiều kể bộ hành, xe ngựa đều nghỉ tại đó, kẻ khách thường mang gói quảy gánh vào đó mà nghĩ, tôi không rõ vì cớ nào?
Các sải nói:
– Núi nầy tên là Ba Cước Sơn, thuỡ nay bình yên vô sự, mấy năm nay sanh Ngô công rít chúa, tôi đón đường mà cắn bộ hành, tuy không chết mặc lòng mà đau nhức lắm, nên bộ hành chẳng dám đi. Còn dựa núi có một cái ải Kê Minh nuôi nhiều gà trống tại đó. Ðến canh năm gà gáy thì Ngô Công trốn mất, thiên hạ mới dám đi, mấy người khách lở đường không dám đi đêm, nên ngủ đở mà chờ gà gáy.
Tam Tạng nói:
– Như vậy thì đợi gà gáy chúng ta sẽ dời gót.
Ba người học trò đồng nói phải. Kế dọn cơm chiều, ai nấy ăn uống xong xả, Tam Tạng rủ Hành Giả xem trăng.
Xảy nghe có sải nói rằng:
– Thầy tôi đến xem người Trung Quốc.
Tam Tạng quay lại ngó thấy Hòa Thượng già chống già chống gậy tới bái Tam Tạng mà nói rằng:
– Thầy ở Trung Huê phải chăng?
TamTạng đáp lễ bạch rằng:
– Ðệ tử ỡ Trung Quốc đi thỉnh kinh Tây Phương.
Lão hòa thượng khen ngợi rồi hỏi rằng:
– Chẳng hay thầy đặng mấy mươi tuổi?
Tam Tạng nói:
– Tôi năm nay đã bốn mươi lăm tuổi. Chẳng hay lão viện chủ niên kỷ bao nhiêu?
Lão Hòa Thượng cười rằng:
– Tôi trội hơn thầy một giáp.
Tôn Hành Giả ngứa miệng nói hớt rằng:
– Như vậy thì thầy đã một trăm năm tuổi rồi? Hãy nhắm thử Lão Tôn coi bao nhiêu niên kỷ?
Lão Hòa Thượng nói:
– Cốt cách thầy theo bực người xưa, vả lại ban đêm con mắt lòa, nên nhắm không chắc.
Nói rồi quay lại ngó Tam Tạng, Tam Tạng bạch rằng:
– Ðệ tử nghe nói vườn Kỳ Viên còn nền cao lắm, không biết tại đâu?
Lão Hòa Thượng nói:
– Ngoài cửa sau đó, mở cửa ra mà coi.
Ðến mở cửa ra thấy có một cái nền rất lớn, trên nền có chưn vách tường và đá nát gạch bể! Ấy là chuyện đời xưa, nay còn dấu tích.
Tam Tạng thấy cám cảnh, chắp tay mà kệ rằng:
Nhớ tích đàng na Tu đạc Ða,
Từng đem vàng ngọc giúp người,
Kỳ viên ngàn thuở danh còn tạc,
Trưởng giả hồn linh bạn cửa đà.
Tam Tạng ngâm kệ rồi leo lên nền Kỳ Viên đi dạo với các sải.
Tam Tạng nghe khóc văng vẳng, lóng tai mà nghe, thiệt kêu cha kêu mẹ mà khóc, tiếng thảm thiết mười phần song không ai biết, Tam Tạng cũng mũi lòng rơi lụy.
Ngó ngoái lại hỏi các sải rằng:
– Chẳng biết ai ở đâu, mà khóc khan thảm thiết?
Khi ấy lão Hòa Thượng nghe hỏi, liền sai các sải vào nấu nước, một mình ở lại mới lạy Tam Tạng và Hành Giả, Tam Tạng lấy làm lạ, đở dậy hỏi rằng:
– Lão Hòa Thượng nói:
– Ðệ tử sống ngoài trăm tuổi, nên biết chuyện ít nhiều, nên ngó thấy hai thầy, biết là bực trên, không phải người phàm. Còn thầy cũng là thanh tịnh trong lòng lắm, nên tiếng khóc văng vẳng mà biết kẻ thảm khổ!
Tôn Hành Giả hỏi:
– Người ấy là ai? Vì chuyện chi mà khóc?
Lão Hòa Thượng nói:
– Năm ngoái tôi đương ngồi tham thiền, xảy nghe trận gió, có tiếng khóc khan thảm thiêt! Tôi ra cửa sau thấy một người con gái xinh tốt nghiêm trang, ngồi trên Kỳ Viên mà khóc!
Tôi hỏi: Cô là con gái nhà ai, vì chuyện chi mà đến đây than khóc?
Nàng ấy nói: Tôi là Công Chúa nước Thiên Trúc, thấy trăng rạng tỏ đi dạo huê viên; rủi bị trận gió thổi bay đến đây, xin sư phụ cứu tôi làm phước.
Bần tăng thấy vậy, liền đem nàng xiềng ở một cái phòng riêng, ngoài đóng cửa bịt bùng, khoét một cái lổ nhỏ ở trên vách, đã đưa một chén cơm.
Rồi nói gạt các sải rằng:
– Tôi mới bắt đặng một con tinh, xiềng trong phòng khóa cửa lại, có ý sợ nó phá thiên hạ, nên xiềng trong phòng không, cứ mỗi bữa đưa cơm đưa nước vào mà nuôi nó cấm thực. Nàng ấy nghe nói, cũng có ý sợ các sải phá khuấy, nên nàng ấy ban ngày giả điên, cười nói quấy quá, ban đêm chúng ngủ hết, thì kêu cha mẹ mà khóc than!Tôi tính vào tháng thăm tin, ngặt không thấy cáo thị kiếm Công Chúa, nên chưa dám lậu! Nay sẳn dịp lão sư vào thành Thiên Trúc xin hỏi thăm sự ấy coi có quả mất Công Chúa hay không? Một là làm phước mà cứu người, hai nửa cho biết giả chơn tà chánh.
Tam Tạng và Hành Giả đồng hứa đến thành Thiên Trúc sẽ hỏi giùm.
Khi ấy các sải ra mời ba vị vào uống trà.
Lão Hòa Thượng mời mấy thầy uống nước xong xả, rồi ai về liêu nấy nghỉ ngơi.
Ngủ chưa bao lâu, gà đã gáy canh năm, mấy người bộ hành dậy sữa sang cơm nước.
Còn Tam Tạng kêu Bát Giới, Sa Tăng chờ dậy, sửa sang đồ hành lý và thắng ngựa. Các sải đã dọn đồ ăn điểm tâm mấy thầy trò ăn uống rồi tự tạ.
Lão Hòa Thượng căn dặn chuyện đã nói hồi hôm, xin nhớ đừng quên.
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Tôi nhớ, tôi nhớ. Xảy nghe bộ hành đã lên đường, trời rạng đông nhứt, qua khỏi ải Kê minh thì trời đã sáng trắng, ngó thấy thanh trì xa xa, chợ búa trước mặt, bộ hành ghé vào chợ, bốn thầy trò cứ đường thẳng mà đi.
Giây phút tới thành, thầy trò thaÜng vào nhà trạm.
Quân vào báo với dịch thừa rằng:
– Có bốn ông Hòa Thượng dị hình, dắt ngựa bạch vào nhà trạm.
Dịch Thừa nghe nói có ngựa biết là người đi việc công, liền bước ra nghinh tiếp.
Tam Tạng đáp lễ nói rằng:
– Bần tăng là khâm sai Ðại Ðường, qua Lôi âm thỉnh kinh. Tôi sẽ vào đền xin ghi điệp thông quan, rồi tá túc tại cao nhà một đêm, mai sẽ dời gót.
Dịch Thừa mừng rỡ mời vào, Tam Tạng bảo đồ đệ ra mắt.
Dịch Thừa thấy bộ tướng dữ đằng, không biết là người hay là quỷ ; run lập cập hối quân dọn cơm nước mã đãi bốn thầy.
Tam Tạng hỏi:
– Xin đại nhơn đừng sợ, ba đứa học trò của bần tăng tuy tướng dử mà tánh lành, không phải miệng phật mà lòng rắn, xin đứng nghi ngại giựt mình”.
Khi ấy Dịch Thừa nghe nói mới bớt hồi hộp, gượng gạo hỏi thăm rằng:
– Quốc Sư ôi! Chẳng hay nước Ðường ở phía nào?
Tam Tạng nói:
– Ở tại Nam Thiện bộ châu.
Dịch Thừa hỏi:
– Chẳng hay thầy đi hồi nào?
Tam Tạng nói:
– Bần tăng đi hồi vua Trinh Quang niên hiệu mười ba, nay tính ra là mười bốn năm trời, lặn suối trèo non, dầm mưa dang nắng, năm nay mới đến xứ nầy.
Dịch Thừa nói:
– Thiệt là sải thần, đi mới cảnh phật.
Tam Tạng hỏi:
– Chẳng hay niên hiệu Thượng quốc đã đặng bao nhiêu?
Dịch Thừa nói:
– Ðây là nước Thiên Trúc, từ vua Thái tổ, Thái tông truyền đến nay hơn năm trăm năm. Còn Ðường Kim Hoàng đế tánh ưa sơn thủy cảnh vật, nên xưng hiệu là Di tông hoàng đế, sau cải nuơn Tịnh yến đã hai mươi tám năm rồi.
Tam Tạng nói:
– Bữa nay bần tăng vào chầu xin ghi điệp, nhắm đặng hay chưa. Sợ trưa đã bãi chầu thì trễ nải lắm.
Dịch Thừa nói:
– Tuy trưa mà chưa bãi chầu, vì bữa nay nằm ngày Công Chúa ở trên lầu gieo cầu kén Phò Mã, nên bữa nay vui lắm, tuy chưa bãi chầu, một lát nữa đi ghi điệp cũng còn đặng.
Tôn Hành Giả hỏi:
– Công Chúa bao lớn mà kén chồng?
Dịch Thừa nói:
– Ðã hai mươi tuổi.
Kẻ dọn cơm thầy rò ăn uống xong xả, Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Tôi theo vào đền với sư phụ!
Tam Tạng đội mão tì lư mới, mặc áo cà sa của phật ban, chống gậy báu đi trước.
Tôn Hành Giả mang gói theo sau.
Nghe thiên hạ rủ nhau đi coi Công Chúa chàng thiên hôn, ai có phước bị trái cầu quăng nhằm thì đặng làm Phò Mã.
Tam Tạng nghe nói than rằng:
– Phong tục Thiên Trúc không khác Trung Huê, mẹ ta khi trước cũng gieo cầu mà quăng nhằm cha ta là Tân Khoa trạng nguơn mới kết duyên chồng vợ. Té ra bên nước nầy cũng như phong tục xứ mình.
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Thầy với tôi đến lầu xem thử.
Tam Tạng nói:
– Mình ăn mặc theo hòa thượng nếu đi coi thì thiên hạ nghi nan.
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Thầy quên rằng Lão Hòa Thượng căn dặn hay sao? Một là coi gieo cầu, hai là xem thử tà chánh.
Tam Tạng nói phải, thầy trò đồng đi đến mà coi.
Nói nhắc lại vua Thiên Trúc tánh hảo hoa kiểng, năm ngoái dắt Hậu phi, Công Chúa đi dạo kiểng xem trăng chẳng ngờ có.
Ðến năm nay nó biết ngày nầy giờ nầy có Tam Tạng đến nên nó dự phòng tâu trước, xin lập lầu hoa, gieo cầu mà kén Phò Mã.
Quyết lấy tinh thần Tam Tạng mà bổ cho mình.
Lúc nầy Công Chúa giả biết Tam Tạng giờ ngọ ba khắc thì tới lầu. Nên Công Chúa thắp hương làm bộ van vái, lạy rồi đứng dậy, cung nữ dưng trái cầu thêu.
Công Chúa giả cầm trái cầu ngó xuống lầu, thấy Tam Tạng phăng phăng đi tới, Công Chúa giả quăng cái cầu nhằm đầu Tam Tạng sập mão tì lư!
Thiệt là con dòng, cũng gieo cầu nhằm, như Trần Quang Nhụy.
Khi ấy Tam Tạng kinh hãi, đưa tay sửa mão tì lư, trái cầu đã lọt vào tay áo! Nghe trên lầu cung nga và thái giám đồng nói lớn rằng:
– Quăng nhằm ông hòa thượng.
Và nói và xuống lạy Tam Tạng mà thưa rằng:
– Quý nhơn, quý nhơn, xin vào đền ra mắt?
Tam Tạng đỡ cái thái giám dậy, rồi quay lại mà mắng Tôn Hành Giả rằng:
– Con khỉ nầy cố ý gạt ta.
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Trái cầu nhằm mão, rồi lăn vô tay áo của thầy, tôi có can chi mà mắng.
Tam Tạng hỏi:
– Bây giờ mới tính làm sao?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Xin thầy an lòng vào biện giá, tôi trở vào nhà trạm nói cho Sa Tăng, Bát Giới hay. Như thầy từ hôn đặng thì xin ghi điệp mà đi, bằng Công Chúa nằn nằn quyết một cùng thầy, thì tâu như vầy: Xin cho đôi đồ đệ tôi vào, đặng tôi dặn dò chúng nó, và tôi cấp điệp cho nó đi thỉnh kinh. Chắc hoàng đế đôi chúng tôi vào đền, thì phân biệt chơn giả, ấy là tá hôn nàng quái.
Tam Tạng nghe nói gật đầu.
Tôn Hành Giả trở về nhà trạm.
Còn các thái giám vào các cung nga, trước khi ngó thấy Tôn Hành Giả thì vỡ mật bắn lùi.
Nay thấy Hành Giả lui rồi, nên mấy người ấy xơm tới, dắt Tam Tạng đến trước lầu. Công Chúa giả đứng xuống nghinh tiếp, dắt tay Tam Tạng lên xe, đến trước ngọ môn hầu chỉ.
Hoàng môn quan tâu rằng:
– Công Chúa nương nương chàng thiên hôn quăng trái cầu nhằm Hòa Thượng nên dắt vào biện giá, còn hậu chỉ trước ngọ môn.
Vua Thiên Trúc nghe tâu chẳng vui, song không hiểu ý Công Chúa, vì cớ nào mà liệng thầy chùa, liền truyền cho vào xem thử.
Khi ấy Công Chúa và Tam Tạng vào đền, đồng chúc tụng.
Vua Thiên Trúc thấy Tam Tạng dung nghi nghiêm chỉnh, tướng mại hiền lương, nên đổi buồn làm vui, phán hỏi rằng:
– Tăng nhơn đi đâu mà bị Công Chúa quăng nhằm?
Tam Tạng quỳ lạy tâu rằng:
– Tôi là sải ở Nam Thiên bộ châu, vưng chỉ Ðại Ðường hoàng đế qua Lôi Âm tự lạy phật mà thỉnh kinh. Nay đến đây, Bần Tăng vào chầu xin ghi điệp, chẳng ngờ Công Chúa quăng nhằm đầu Bần Tăng. Song Bần Tăng là kẻ xuất gia, đâu dám sánh nhành vàng lá ngọc. Xin Bệ Hạ thứ tội mà ghi điệp thông quan, tha Bần Tăng đi qua chùa đại Lôi Âm, thỉnh kinh về Ðông Ðộ tôi cám ơn Bệ Hạ đời đời.
Vua Thiên Trúc phán rằng:
– Người là sải thánh Ðại Ðường, là một vị quốc sư, không phải bực thấp, đi tình cờ mà gặp duyên lành! Bởi Công Chúa hai mươi tuổi, coi ngày nầy giờ nầy thì tốt lắm, mới lên lầu gieo cầu, vừa lúc người đi tới mà đụng, cũng duyên ngàn dặm, có khi nợ ba sinh. Song chưa rõ ý Công Chúa thế nào, nên trẫm chưa dứt định”.
Công Chúa giả nghe lời ấy, vội vàng quì lạu tâu rằng:
– Lời tục ngữ nói:
– Giá kê tùy kê, giá khuyển tùy khuyển bởi con có lời nguyện trước, nên mới kết trái cầu, van vái trời phật, định ngày giờ mà bói thiên duyên, nay chàng thiên hôn đã nhằm thánh tăng, trái cầu thêu lọt vào tay áo. Ấy cũng duyên kiếp trước, mới xuôi gặp đời này, dầu ngàn dặm cũng phài duyên, một lời không dời đổi, con tình nguyện kén thánh tăng làm Phò Mã, dẫu thế nào con chẳng phàn nàn.
Khi ấy vua Thiên Trúc nghe tâu mừng rỡ, truyền quan Khâm thiên giám coi ngày thành hôn, đặng dọn tiệc hao chúc.
Và truyền chỉ rao cho thiên hạ hay.
Tam Tạng chẳng tạ ơn xin vua phóng xả!
Vua Thiên Trúc nổi giận phán rằng:
– Hòa Thượng nầy không thông lắm! Trẫm giàu sang như vầy, Công Chúa dung nhan thế ấy, sao ngươi dám chê không chịu tuân chỉ? Nếu có từ chối nữa, trẫm xử tội nghịch chỉ; sai cẩm y vệ chém đầu.
Tam Tạng nghe nói bay tóc trán run lặp cặp và lạy và tâu rằng:
– Tôi nhờ ơn Bệ Hạ thương đến, song tôi đi tới bốn thầy trò, ba đứa đồ đệ còn ở nhà trạm.Tôi ở trong nầy, thì chúng nó không hay chi hết, xin Bệ Hạ cho đôi chúng nó vào, đặng tôi dặn dò một hai lời, sẽ ghi điệp cho chúng nó đi thỉnh kinh kẻo trễ.
Vua Thiên Trúc phán hỏi rằng:
– Tại trạm Hội đồng phải chăng?
Tam Tạng tâu rằng phải. Vua Thiên Trúc sai quan triệu đồ đệ vào lãnh điệp thỉnh kinh đem về Ðông Ðộ, còn thánh tăng ở lại đây làm Phò Mã.
Tam Tạng khi ấy đứng dậy vòng tay.
Khi ấy khâm sai vưng chỉ, liền ra nhà trạm Hội đồng song chưa đi chưa tới.
Còn Tôn Hành Giả đã dặn Tam Tạng rồi, liền đi về nhà trạm, và đi và cười ngất như điên. Sa Tăng, Bát Giới nghinh tiếp hỏi rằng:
– Ðại ca có chuyện chi vui mừng mà cười dữ vậy? Còn thầy sao không thấy trở về?
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Thầy có chuyện vui lắm!
Bát Giới hỏi:
– Vui chuyện chi?
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Ta đi theo với thầy tới đường chữ thập, bị Công Chúa trên lầu liệng trái cầu nhằm sư phụ nên cái thái giám cing nga đồng đỡ thầy đến trước lầu, Công Chúa xuống lầu nắm tay thầy dắt lên xe ngọc, đồng vào chầu hoàng đế, chuyện ấy có phải vui chăng?
Bát Giới nghe nói, dậm chân đấm ngực, và giãy nói rằng:
– Tức chết đi mà thôi, phải chi hay trước tôi chạy đến dưới lầu, Công Chúa quăn cái cầu nhằm tôi thì đặng làm Phò Mã. Khác nào chuột sa vào hủ nếp, ong đút nụ bầu non, sánh vai má phấn môi son. Giởn mặt nhành vàng lá ngọc, đây rồi thầy không chịu, có phải uổng không!
Khi Sa Tăng nghe nói trái, liền kêu Bát Giới mà cười rằng:
– Không biết mắc cỡ, cái bộ mặt như vậy mà chắc là Công Chúa gieo cầu, nếu mà Công Chúa rủi tay mà quăng nhằm, cũng không dám thỉnh lên lầu. Chắc đốt giấy tiền bạc mà đưa, hốt tro hốt muối mà rải không kịp!
Bát Giới nói:
– Cục than, người không biết coi người! Ta tuy mỏ dài tai lớn mà trắng trẻo dễ coi, không phải đen như cục than hầm mà sợ ế vợ? Ngươi không nghe lời tục nói rằng:
– Miễn có bạc, lo chi không lừa?
Sa Tăng cười rằng:
– Có bốn chỉ mấy phân bạc mà thôi, dám kể chắc mau đặng con lừa mà cỡi!
Bát Giới nói:
– Bạc bị quỷ sứ thâu rồi, còn đâu mà bốn chỉ năm chỉ?
(Bị Tôn Hành Giả lấy).
Khi ấy Tôn Hành Giả nói khỏa lấp rằng:
– Ðừng có nói xàm, hãy lo sửa soạn đồ hành lý, không biết chừng thầy sai người ta kêu, thì phải lo vào bảo hộ sư phụ.
Bát Giới nói:
– Anh luận còn sai lắm! Sư phụ làm phò mã thì ấp yêu Công Chúa mà thôi, chứ không phải gặp yêu gặp quỷ lặn suối trèo non mà đi bảo hộ? Vả lại thầy tuổi tác dường ấy mà không đánh xà nẹo trong buồng hay sao, ma phải lo đó mà bảo.
Ba người dang nói đang ca.
Xảy thấy Dịch Thừa vào báo rằng:
– Hoàng Thượng truyền chỉ sai quan mời ba vị thánh tăng.
Bát Giới dĩnh tai hỏi rằng:
– Thiệt tình mời chúng ta vào làm chi đó?
Dịch Thừa nói:
– Lão thần sư đi ngang qua lầu, bị Công Chúa nương nương quăng trái cầu nhằm, nên chấm làm Phò Mã, bởi cớ ấy mời khâm sai đi thỉnh ba thầy.
Tôn Hành Giả cho khâm sai vào.
Ðoạn khâm sai bước vào ngó thầy Hành Giả, thì cuối đầu ngó xuống mà nói nho nhỏ rằng:
– Không biết Lôi Công hay là Dạ Xoa! Có khi Ma Vương hay quỷ sứ!
Tôn Hành Giả hỏi lớn rằng:
– Chuyện chi mà không nói cho lớn, cứ đứng ngẫm nghĩ việc gì?
Khâm sai hồn bất phụ thể, cầm thánh chỉ đưa lên mà che mặt, miệng nói túi bụi rằng:
– Công Chúa tôi có mời đám cưới. Công Chúa đám cưới cho mời!
Bát Giới cười ngất nói rằng:
– Ðây không có nỏ kẹp trăng roi mà sợ hình phạt, thủng thẳng mà nói, không ai đánh mà giựt mình?
Sa Tăng cười rằng:
– Không phải sợ anh đánh mà kinh hồn; thiệt thấy bộ mỏ anh mà khiếp vía! Thôi thôi, sửa sang đồ hành lý và dắt ngựa theo, coi thầy dạy chuyện chi cho biết.