Đọc truyện Tây Du Ký – Chương 15: Núi Xà Bàn, các thần giúp sức Suối Ưng Sầu, con ngựa gò cương
Bây giờ nói về Tôn Hành Giả, thiệt tình phò Tam Tạng đi thỉnh kinh, đi lần lần thu mãn đông sang, lẩn bẩn qua đầu tháng chạp.
Khi trời đông ghê gớm, hơi gió bấc lạnh lùng. Phần thì lội suối trèo non, thêm nổi qua truông xuống dốc.
Tam Tạng ngồi trên lưng ngựa, nghe nước chảy ồ ồ, ngó ngoái lại hỏi Tôn Hành Giả rằng:
– Nước suối nào chảy hung vậy?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Tôi có nhớ chỗ này là hòn núi Xà Bàn. Có suối Ưng Sầu dựa núi, cho nên nước chảy ồ ồ”.
Nói chưa dứt lời, ngựa đi gần tới suối.
Tam Tạng gò cương coi nước chảy, thấy giữa suối vung một cái đùng, liền nổi sóng tư bề, dường như biển cả, hiện lên một con rồng nhỏ, bộ tướng dữ dằn, chờn vờn lên bờ mà chụp Tam Tạng.
Tôn Hành Giả quăng gói xuống ẳm thầy mà chạy như giông, con rồng đắc thế rượt theo, nhắm bề không kiệp, trở lại bắt ngựa kim mà nuốt, làm luôn và lạc và yên, ăn đã no nê, mới trầm mình xuống suối.
Tôn Hành Giả chạy xa một đổi, kiếm bàn thạch cho thầy ngồi. Trở lại dắt ngựa lấy đồ, mới thấy đồ còn, ngựa mất, liền gánh đồ trở lại thưa với thầy rằng:
– Con rồng đã biến mất rồi, nó dọa ngựa mình chạy mất. Xin thầy ngồi đó đặng tôi kiếm ngựa đem về.
Nói rồi nhảy lên mây, ở nửa lừng dòm xuống, nheo con mắt giộc, coi không sót chỗ nào. Thấy những là nai gấu hùm beo, kiếm không đặng ngựa liền nhảy xuống thưa với thầy rằng:
– Thầy ôi, con ngựa của mình chắc bị rồng yêu nuốt sống, coi khắp rừng khắp núi không thấy dạng thấy hình.
Tam Tạng nói:
– Miệng con rồng bao lớn, nuốt luôn và ngựa và yên? Thế nó trốn trong kẹt đá chân non, ngươi gắng công kiếm lại.
Tôn Hành Giả nói:
– Thầy chưa rõ, để tôi thưa lại cho rành, cặp con mắt của tôi, coi xa ngàn dặm. Cánh chuồng chuồng là mỏng, tôi cũng thấy rõ ràng. Huống chi con ngựa sầm sầm, chẳng phải quáng manh mà không thấy?
Tam Tạng nghe nói than rằng:
– Nếu nó nuốt con ngựa rồi, ta đi bộ làm sao cho thấu. Tội nghiệp quá! Con ngựa công lao mà bị chết, dặm trường diệu vợi thiệt khôn đi.
Nói rồi thở vắn thở dài, khóc hoài khóc hũy.
Tôn Hành Giả thấy thầy than khóc nổi xung mà nói rằng:
– Thầy hãy nín ngồi đây, để tôi xuống kiếm rồng đòi ngựa.
Tam Tạng níu lại nói rằng:
– Trò đừng có đi, sợ nó lén bòø lên mà ăn thịt thầy nữa, nếu ngựa người đồng bộ vô bụng nó, thì làm sao mà đi đến Tây Phương.
Tôn Hành Giả nổi nóng hét lớn rằng:
– Thầy thiệt bất nhân quá! Ngựa thời cũng muốn cởi, mà không nới tôi ra, nếu vậy thì thầy trò cứ ngồi kỳ, giữ gánh đồ cho tới chết.
Hai thầy trò đương dục dặc xảy nghe tiếng nói thinh không rằng:
– Tôn Hành Giả chớ ngầy, Ðường ngự đệ đừng khóc, Phật Quan Âm sai chúng tôi xuống, mà phò hộ kẻ thỉnh kinh.
Tam Tạng nghe nói lau nước mắt mà lạy khang, Tôn Hành Giả hỏi rằng:
– Các ngươi là thần gì, xưng tên cho ta rõ.
Các thần nói:
– Ta là thần Lục đinh Lục giáp, năm phương Yết Ðế, bốn vị Công Tào, chúng tôi thay phiên đi theo bảo hộ.
Tôn Hành Giả nói:
– Vậy thời sáu thần Lục đinh, và Công Tào Yết Ðế, ở đây bảo hộ thầy ta. Ðặng Lão Tôn đi kiếm con rồng đòi con ngựa.
Các thần nói:
– Có chúng tôi bảo hộ không hề gì đâu.
Tam Tạng nghe nói hết lo, ngồi một mình trên bàn thạch.
Còn Tôn Hành Giả xách thiết bảng đi tới mé suối, mà kêu lớn rằng:
– Bớ con rồng ăn trộm, trả con ngựa cho tao.
Cứ đứng kêu hoài, vang trời vang đất.
Còn con rồng, đói bắt đặng ngựa ăn no, xuống đáy suối nằm khoanh không thèm lên nữa. Xảy nghe tiếng kêu réo, tức thời nổi sóng trèo lên hỏi rằng:
– Mầy là thằng nào đó, ở đâu dám tới đây? Không ai mắc nợ mắc nần, cứ réo hoài réo hũy?
Tôn Hành Giả ngó thấy, hét lớn rằng:
– Tao ở đâu thì tao ở, mầy tra hỏi làm chi? Phải trả ngựa cho tao.
Nói rồi đập một cây thiết bảng.
Rồng chờn vờn đỡ ra, hả miệng nhăn nanh, hai đàng đánh dựa suối hồi lâu, rồng ráng đà hết sức, tính bề không cự lại, lặn xuống suối trốn đi.
Tôn Hành Giả giận quá, chưởi mắng nát tan, rồng giả đò lãng tai không dám ló đầu lên nữa.
Tôn Hành Giả mắng mỏi miệng, về thưa lại cho thầy hay. Tam Tạng nói:
– Ngày trước ngươi đánh cọp, khoe tài bắt đặng rồng, thế con rồng nầy là chúa đoàn, nên ngươi bắt không đặng?
Tôn Hành Giả nghe thầy nói khích, nổi gan mà hét lớn rằng:
– Ðừng nói nữa, đừng nói nữa, để phen nầy tôi giết nó cho thầy coi.
Nói rồi xách thiết bảng tới nơi khuất đục ngầu cả suối.
Con rồng nằm không đặng, nổi gan nhảy lên suối mà mắng rằng:
– Bộ mặt lọ nồi không biết xấu, tới đây làm khỉ với ai?
Tôn Hành Giả nói:
– Mầy trả ngựa cho tao, thì mầy mới còn sống.
Rồng nói:
– Tao ăn con ngựa mầy đà tiêu mất, làm sao mà trả bây giờ? Mầy làm sao thì làm đi, muốn nói gì thì nói thử?
Tôn Hành Giả nói:
– Tao nói cho con cá chạch biết, nếu mầy không trả ngựa, thì tao đập chết mà trừ.
Nói rồi giơ thiết bảng đánh liền, rồng cũng nổi xung chụp đại; đánh hơn một chập mới hay khỉ mạnh hơn rồng. Rồng hóa ra rắn nước, lủi vô bụi cỏ tức thì, Tôn Hành Giả vạch cỏ kiếm hoài, kiếm không đặng rắn, Tôn Hành Giả tức mình hết sức, đọc thần chú vội vàng, đòi Sơn thần, Thổ Ðịa, hai người tới đồng quì trước mặt.
Tôn Hành Giả nói:
– Thôi, hai ngươi cúi xuống đây, đánh năm hèo dằn mặt.
Sơn thần, Thổ Ðịa đồng năn nỉ rằng:
– Bấy lâu tưởng Ðại Thánh còn nằm tại Ngũ Hành sơn, không dè ngài đến đây nên chẳng ra nghinh tiếp, xin ngài rộng lượng dung thứ một phen.
Tôn Hành Giả nói:
– Ngươi biết lỗi thì ta tha, cũng vị tình nhất thứ. Ngươi nói cho ta nghe thử, con rồng nào đến ở suối nầy? Nó ăn con ngựa của thầy ta, hóa rắn nước trốn chui trốn nhũi. Thổ Ðịa, Sơn thần đồng hỏi rằng:
– Như Ðại Thánh là: Chẳng phục trời, không sợ đất, đốt không cháy, chém không trầy. Sao nay lại có thầy, xin nói ra cho rõ?
Tôn Hành Giả nói:
– Thiệt các ngươi không biết, để ta thuật lại cho mà nghe: Bởi vâng lệnh Quan Âm làm học trò Tam Tạng. Ði thỉnh kinh bên Tây độ, bị con rồng ác nghiệp ăn tươi con ngựa của thầy ta.
Sơn thần Thổ Ðịa nói rằng:
– Cái suối nầy, thuở nay không có yêu ở. Suối sâu và rộng, nước trong như thể mắt mèo. Ó và quạ bay qua, thấy hình dưới mặt nước. Ngỡ một bầy với nó, bay xuống suối mà chết hoài. Nên gọi rằng suối Ưng Sầu nghĩa là chim ưng (ó) thường sầu thảm. Năm trước Quan Âm bồ tát, đi tìm kẻ thỉnh kinh, có cứu một con rồng, biểu ở mà tu dưới suối, không cho làm dữ, chờ người thỉnh kinh sẽ đi theo, không dè làm nhăn mà nuốt con ngựa của Ðại Thánh.
Tôn Hành Giả nói:
– Nó mới hóa ra rắn nước, trốn vô đám cỏ nầy, không biết vì cớ nào, tôi kiếm hoài chẳng thấy?
Thổ Ðịa nói:
– Cái suối nầy cả muôn lỗ mội, thiếu chi chỗ nó ẩn mình, thôi Ðại Thánh đừng nóng giận làm chi, phải thỉnh Quan Âm bắt nó.
Tôn Hành Giả nghe nói biểu Sơn thần, Thổ Ðịa đi theo.
Tôn Hành Giả về thưa các việc cho thầy hay, xin thỉnh Quan Âm mới đặng.
Tam Tạng nói:
– Nếu đi thỉnh Quan Âm bên Ðông hải, biết chừng nào ngươi trở về đây? Ta đợi lâu ngày, ắt là chết đói.
Nói chưa dứt tiếng, nghe thinh không có kẻ kêu rằng:
– Ta là thần Yết Ðế đầu vàng nói cho Ðại Thánh rõ, hãy ở giữ thầy Tam Tạng, để ta đi thỉnh Quan Âm.
Tôn Hành Giả nghe nói mừng rằng:
– Tôi cám ơn lắm.
Bây giờ nói về ông thần Yết Ðế, đến núi Lạc Ðà vào trong rừng Tử Trước mà ra mắt Quan Âm, rồi thuật hết công việc.
Quan Âm nghe nói, bước xuống tòa sen, đằng vân cùng Yết Ðế, bay qua khỏi Nam Hải, liền tới núi Xà Bàn, thấy Hành Giả đương kêu réo con rồng, dựa bên mé suối, Quan Âm sai Yết Ðế kêu Hành Giả tức thì.
Tôn Hành Giả nghe kêu tới liền nhảy lên mây mà nói lớn rằng:
– Ngài là Phật từ bi, hay cứu người tai nạn, sao còn truyền phép độc mà hại tôi là kẻ tu hành.
Quan Âm nói:
– Ngươi là con khỉ lớn mật, không biết ơn ai, ta hết lòng tìm kẻ thỉnh kinh, mà cứu ngươi khỏi nạn, chẳng biết tạ ơn thì chớ, lại còn cả tiếng nặng lời.
Tôn Hành Giả nói:
– Bà báo hại tôi hết sức! Ðã cứu tôi khỏi nạn, cũng vâng lời theo kẻ thỉnh kinh. Sao bà lại bất nhân, để cái kim cô trên mão, gạt tôi đội mão ấy, truyền niệm chú nhức đầu. Phải là bà hại sanh cầu, sao gọi là từ bi cứu khổ?
Quan Âm nghe nói cười rằng:
– Ngươi là con khỉ nghịch mạng; nói không chịu phép, dạy chẳng nghe lời. Nếu chẳng niền đầu, thì làm hung như trước, chẳng nghe lời thầy dạy biểu, nói động thì đi. Phải cho đội kim cô mới biết kiên thần chú.
Tôn Hành Giả nói:
– Bà đã niền đầu con khỉ sao không niệt cổ con rồng, nuôi nó ở suối nầy, rượt thầy tôi chạy chết, lại ăn tươi con ngựa, bà không nói động chút nào? Còn riêng dạ ghét thương, sao gọi công bình chánh trực.
Quan Âm nói:
– Con rồng ấy có tội, ta xin mới còn hồn, biểu ở đây mà chờ, sau làm ngựa cho thầy ngươi cởi. Nếu con ngựa phàm tục đi sao tới Tây Phương, làm sao mà mất lẻ công bình, mà gọi rằng thương ghét?
Tôn Hành Giả nói:
– Nó sợ tôi đà trốn mất, bây giờ biết tính làm sao?
Quan Âm bảo Yết đế rằng:
– Ngươi xuống mé suối mà kêu lớn như vầy: Bớ rồng ngọc, là thái tử thứ ba, có phật Quan Âm đòi, phải lên lập tức.
Yết Ðế vâng lời, xuống kêu như vậy.
Con rồng ngọc nổi sóng, lên khỏi suối, hóa hình người, lên mây lạy Quan Âm mà bạch rằng:
– Tôi nhờ ơn thầy cứu nạn, vâng lời ở lại suối nầy, hằng ngày mắt ngó lom lom, không thấy kẻ thỉnh kinh đi đến.
Quan Âm chỉ Tôn Hành Giả mà nói rằng:
– Ấy là học trò thầy thỉnh kinh đó.
Tiểu long nói:
– Bạch Bồ Tát, người ấy dữ tợn lắm, hôm qua tôi đói quá, ăn con ngựa của y, bị đánh chưởi cả ngày, không nghe nói thỉnh kinh một tiếng.
Tôn Hành Giả trợn con mắt giộc mà nói rằng:
– Tại mầy không hỏi tên họ, tao chẳng lẻ khi không mà nói.
Tiểu long nói:
– Tao có hỏi: Mầy là thằng nào đó? Ở đâu dám tới đây? Mầy nói: Tao ở đâu thì tao ở, mầy tra hỏi làm chi, phải trả ngựa cho tao. Nói rồi liền đánh bổ, tại mầy không thèm nói, phải tại tao không hỏi hay sao?
Quan Âm nói:
– Cũng tại con khỉ già làm phách, đời nào chịu mượn tiếng ai. Ta dặn cho: Từ nầy sắp sau hãy còn người theo nữa. Nếu gặp ai hỏi tới, thì phải nói đi thỉnh kinh, hoặc khi gặp người của ta, thì khỏi mất công đánh đập.
Tôn Hành Giả dạ luôn ba bốn tiếng.
Quan Âm lấy trái châu dưới cổ Tiểu Long, rồi lấy cành dương nhúng nước cam lồ rảy trên mình nó, thổi một hơi, hét một tiếng biểu biến, liền biến ra con ngựa kim, Quan Âm dặn rằng:
– Ngươi phải hết lòng đi cho tới Tây Phương Phật thì hóa đặng mình vàng.
Ngựa ấy ngậm hàm thiết gật đầu.
Quan Âm truyền Hành Giả dắt về cho Tam Tạng.
Quan Âm giả từ về Nam Hải. Tôn Hành Giả níu áo lại mà nói rằng:
– Tôi không chịu đi đâu! Ðường gay khổ quá, dắt ông thầy phàm tục đi chừng nào cho tới Tây Phương? Hết nạn nầy tới tai kia, sợ tôi không sống đặng. Thế nầy khó thành Phật, tôi không chịu đi đâu!
Quan Âm nói:
– Khi trước ngươi còn cốt thú cũng bền chí tu hành, ngày nay khỏi nạn trời, sao lại sanh biếng nhác? Việc tu hành thì chịu cực, dày công quả mới thành. Thôi để ta cho phép nhà ngươi, đến lúc nghiêng nghèo, kêu trời thì trời thương, kêu đất thì đất cứu. Thôi, ngươi day lưng lại đây, đặng ta làm phép cho.
Quan Âm rứt ra ba lá dương, để dưới ót Hành Giả hét lên một tiếng, biến ra ba sợi lông dài, gọi là lông cứu mạng.
Quan Âm dặn rằng:
– Như lúc nào khốn nạn, có lông tài không đế nổi bỏ mình.
Hành Giả nghe nhiều tiếng nói êm, liền lạy tạ ơn Bồ Tát, Quan Âm về Nam Hải, Tôn Hành Giả dắt ngựa về thưa với thầy rằng:
– Bạch thầy, con ngựa đó.
Tam Tạng mừng rằng:
– Con ngựa bây giờ, sao phát phì dữ vậy? Kiếm đặng ở đâu đó, nói lại ta nghe?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Thầy nói chuyện chiêm bao sao vậy? Nhờ ông Yết Ðế mời phật Quan Âm, bắt rồng bạch lấy châu, hóa ngựa kim thế mạng, bữa trước rượt thầy chạy chết, bây giờ làm bộ hiền lành, nếu sau sanh chứng điều chi, thầy nói cho tôi đánh nó.
Tam Tạng nghe nói, lượm đất làm hương, để trên bàn thạch, lạy về Nam Hải tạ ơn. Tôn Hành Giả nói:
– Chư thầy giúp việc đã xong, nay ở đâu về đó.
Nói rồi mời thầy lên ngựa, cất gánh đi theo, đi tới suối Ưng Sầu vừa muốn cõng thầy mà lội.
Xảy thấy ông câu chống bè thả tới.
Tôn Hành Giả ngoắt mà nói rằng:
– Ông làm ơn một phen, đưa thầy trò tôi qua suối.
Ông câu chống bè lại, Tôn Hành Giả dắt thầy bước xuống bè, rồi quảy gánh lên vai, dắt ngựa xuống bè xong xả.
Ông câu chống bè mau tợ gió bay, lẹ như tên bắn, tức thì khỏi suối, tới mé bên Tây. Thầy trò đồng lên bờ, Tam Tạng biểu lấy tiền mà trả.
Ông câu không chịu lãnh chống bè ra giữa suối mù mù.
Tam Tạng chấp tay bái hoài, rằng nhờ ơn đưa đón.
Tôn Hành Giả nói:
– Thầy không biết nên nói ơn nghĩa, nó là thần ở suối nầy, cứ phép phải đưa qua, đâu dám thâu tiền bạc.
Tam Tạng gật đầu nói phải, liền lên ngựa thẳng xông.
Thầy trò đi hồi lâu, mặt trời chen lặn.
Tam Tạng thấy bên đường có một cái miễu lớn, liền xuống ngựa ghé vào, thấy trên cửa có treo một tấm biển ba chữa rằng: “Lý Xả từ”.
Xảy thấy ông già mang chổi bồ đề ra rước, chắp tay mà nói rằng:
– Xin Hòa Thượng vào trong ngồi nghỉ.
Tam Tạng bái lạy mà hỏi rằng:
– Miễu nầy sao gọi là Lý Xả.
Ông già nói:
– Ðây là nước Hấp Mật, cái đình nầy của xóm làng đứng lập, để thờ phượng Thổ thần. Chẳng hay thầy ở chùa nào? Mà đi đâu đó?.
Tam Tạng nói:
– Tôi ở Ðông Ðộ, về nước Ðại Ðường, vâng lệnh vua thỉnh kinh, nay lỡ đường xin ngủ đỡ.
Ông già thấy con ngựa không yên, liền hỏi vì cớ nào vậy?
Tôn Hành Giả thuật chuyện lại, ông già ấy nói rằng:
– Xong lắm, xong lắm! Tôi có bộ yên tốt quá, xin cúng cho thầy.
Sáng ngày đem bộ yên ra đưa cho thầy Tam Tạng.
Tam Tạng mừng rỡ tỏ sự tạ ơn.
Tôn Hành Giả đi thắng yên vừa vặn không sai một thí, Tam Tạng giả từ ra cửa, ông già lại cho thêm một cây roi ngựa bằng gân cọp làm ra.
Tam Tạng đi một hồi, ngó lại miễu đình đâu mất, nghe tiếng nói văng vẳng rằng:
– Ta là Sơn thần, Thổ Ðịa, vâng lệnh Quan Âm bồ tát, đem cho yên ngựa và roi, thầy rán sức mà đi, chẳng nên trễ nãi.
Tam Tạng nghe nói xuống ngựa lạy rằng:
– Tôi là mắt thịt xác phàm, xin cam thất lễ.
Tôn Hành Giả đứng coi cười ngất, Tam Tạng quở rằng:
– Nghĩa gì nhà ngươi không lạy, đứng chống nạnh mà cười?
Tôn Hành Giả nói:
– Chúng nó giấu đầu bày đuôi, đáng lẻ bắt đánh chơi vài chục, bởi vị lòng Bồ Tát, nên tha chúng nó một phen, không đánh thời thôi, tội gì mà lạy nữa?
Tam Tạng giận chờ dậy, lên ngựa mà đi, những là voi, gấu, hùm, beo, biết mặt Tề Thiên đều tránh hết.
Mùa Ðông nầy đã mãn, tiết Xuân tới đà sang, cây cỏ nảy chồi xanh, núi rừng bày sắc lục, lá mai đã úa, nhành liễu vừa xanh, thầy trò đi một hồi lâu, xem thấy mặt trời chen lặn, Tam Tạng ngó quanh ngó quất, đặng kiếm xóm nghỉ ngơi, xảy thấy một tòa nhà cao lớn, liền hỏi Hành Giả rằng:
– Ngươi coi có phải là nhà giàu trước mặt đó chăng?
Tôn Hành Giả xem lại thưa rằng:
– Chắc không phải nhà ai, một là chùa chiền, hai là đình miễu; vậy thì thầy trò vào đó mà nghỉ, rồi mai sáng sẽ đi.
Tam Tạng nghe nói lòng mừng giục Long Cu riết tới.