Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

Chương 8- part 1


Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 8- part 1

Chương 4: Tị sát chị mê [1]
 
Một trong những phong tục cổ hủ trong tang sự của người Trung Quốc thời cổ đại khiến người ta vừa cảm thấy khó hiểu, vừa cảm thấy sợ hãi nhất đó chính là “tị sát”. Lý giải trên mặt chữ có thể thấy “tị sát” chính là trốn tránh hung thần. Nhưng hai chữ “hung thần” được bàn tới ở đây lại khác hoàn toàn so với cách nói “hung thần ác quỷ” mà chúng ta vẫn thường nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày. Nó là một loại sát quỷ đặc biệt chỉ xuất hiện khi nhà có tang sự. Chữ “sát” trong “tị sát” còn được viết là chữ “sát”[2], thời cổ đại còn gọi là “suy”[3], sau này gọi là “sảnh”[4], hoặc gọi thành “ương”[5]. Nhưng tôi vẫn cho rằng tất cả những chữ đó đều là biến âm của chữ “tang” mà ra. Ví dụ, có một số địa phương thường liên kết từ tạo ra một từ ghép hai tiếng là “sát ương”, mà “sát”, “ương” – hai chữ này hợp lại thì chính là một chữ “tang” mà thôi. Cho nên Chu Tác Nhân thường gọi “hồi sát” thành “hồi tang” là vì thế, và đó cũng có thể là nghĩa nguyên bản được tiếp cận gần đây nhất. Lại căn cứ vào cách dùng từ của các bậc tiền bối như Chu Tác Nhân, hay tác giả của Ký kham tứ chí, cuối đời nhà Thanh, trong quyển hai có một đoạn viết “quy sát” thành “chuyển sát”. Hơn nữa, nhất là vào thời nhà Minh, chữ “sát” ngay cả đọc hay viết đều có thể chuyển thành “tang” và ngược lại. Ngay cả khi đọc hai chữ “sảnh” và “suy”, trên thực tế cũng phát âm rất gần với chữ “tang”. Còn có một số địa phương, chữ “thần mã” trong “hung thần”, trên mặt chữ liền thay bằng “phi thương” hoặc “thương”[6]. Nếu đây chỉ là một sự phỏng đoán thì “hung thần” ở đây không thể coi là “tang thần” được.
 
[1] Thu mình lại trốn tránh hung thần trong cõi u mê.
 
[2] Tức “đánh, giết”.
 
[3] Tức “yếu, suy yếu”.
 
[4] Tức “tai nạn”, “sai sót”.
 
[5] Tức “tai họa, tai ương”.
 
[6] Tức “thương tích, tổn thương”.
 
Phong tục “tị sát” của người xưa đến nay đã không còn lại dấu vết, nhưng trong khoảng hai nghìn năm về trước đã từng rất phổ biến ở cả hai miền Nam, Bắc. Có thể do nó không có trong đám tang, vì những người cầm hốt mà xòe tay áo đỏ, quan viên hoặc những người thuộc tầng lớp thượng lưu lại thường vô đạo, điều đó càng khiến người ta cảm thấy xa lạ.
 
Thực ra, rất nhiều độc giả là những người đã từng chứng kiến và ghi lại những điều tương tự, thường thấy nhất là phần Khám kha ký thu trong Phù sinh lục ký có đoạn ghi chép lại một cách sinh động về “tị sát” như sau:
 
Trong tuần lễ hồi sát, có tục truyền là ban ngày linh hồn thường ẩn theo bóng ma mà trở về ngôi nhà cũ và sắp đặt lại mọi thứ y như khi còn sống, từ cái chiếu nằm, cái áo cũ khi còn sống vẫn để ở trên giường đến đôi giày cũ để ở dưới gầm giường. Mỗi lần quay trở về, hồn ma đều nhìn trước ngó sau, nghĩ đi nghĩ lại, rồi cố gắng “thu vào tầm mắt” tất cả mọi thứ hiện hữu xung quanh. Dùng mọi cách để kéo dài thời gian, trước với lấy cái giường sau lại gạt bỏ đi tất cả, gọi là “tiếp sảnh”, ở Dương Châu còn có tục lệ bày sẵn cỗ bàn, tiệc rượu trong nhà người chết, nhất gia tận xuất, được gọi là “tị sảnh”[7].

 
[7] Tức là “tránh sai sót”.
 
Ở đây là nói đến ngày hồi sát, vong linh của người chết cùng bóng ma trở về thăm lại ngôi nhà cũ vốn vô cùng gắn bó với mình, cũng chính là nói, bóng ma và người chết, hồn không lìa khỏi xác. Nhưng đây chỉ là sự khẳng định mang tính nhất thời, một phía. “Sát” và “vật”, nói thẳng ra là linh hồn và thể xác của người mới chết, và hơn thế, có cái gì đó là hung thần và ác quỷ. Để nói rõ hơn những khái niệm mơ hồ này, có thể hiểu hung thần được nói tới trên đây chính là một loài chim ác. Hiện nay, ở Vân Nam vẫn có khả năng tìm thấy một số hình ảnh về hung thần, đó là thứ có hình dáng giống như chim, mặt mũi có chút hung ác, dữ tợn, nhưng ngược lại rất khó để người ta tin tưởng vong hồn lại nhập vào chính loài vật như thế trở về nhà cũ mà nhìn trước ngó sau.
 
 
1.
 
Với Nhan thi gia huấn, quyển hai, Phong thao, có khẳng định Bắc Tề Nhan là một trong số những người bàn tới vấn đề “tị sát” sớm nhất trong các trước tác của mình. Thời ấy, ông gọi đó là “quy sát”, ông lý giải thêm, con người sau khi chết, linh hồn thường tìm cách quay trở về ngôi nhà cũ của mình, lúc trở về, nếu là ban ngày thì “chạy nhảy rong chơi cùng đám trẻ con, khi chắc chắn không có ai mới dám vào nhà”, chính vì thế người nhà thường tìm cách ra ngoài để trốn tránh linh hồn người chết trở về, có khi phải mời thầy cúng đến “họa ngõa thư phù, tác chư yếm thắng”[8], “môn tiền nhiên hỏa, hộ ngoại liệt khôi”[9]… đây đều là những tục lệ của người Trung Quốc xưa trong những gia đình có người mới hết. Khi cả gia đình đã trở về rồi cũng cần mời thầy cúng đến để “phất tống gia quỷ”[10], cũng chính là “tống sát”[11]. “Gia quỷ” được nói tới ở đây chính là chỉ vong hồn của người chết. Nhưng những ghi chép về “tị sát” xuất hiện sớm nhất có lẽ là vào thời Tam Quốc, trong Tam Quốc chí – Ngụy chí – Trần Quần truyện có nói đến ấu nữ của Ngụy Minh Đế sau khi ra đời chưa được đầy tháng thì chết yểu. Trần Quần Gián bèn tìm cách ngăn cản xa giá, nói tới chuyện “tị suy”, ông cho rằng: “Người đã chết dù sao cũng không thể quay về được nữa”. Rõ ràng lời khuyên can đó có ý nghi ngờ linh hồn người chết không thể quay về được. Cách nói này đã tỏ rõ thái độ hoài nghi đối với việc “quy sát” trong phong tục của người xưa. Ông lại nói: “Tám tuổi được coi là chết non, không phải để tang, vì thế cũng không cần sắm sửa đồ cúng lễ”. Cách kiến giải của Trần Quần Gián cũng có điểm gần gũi với quan niệm sau này về những đứa trẻ chết yểu, họ cho rằng: “Những đứa bé chết khi còn chưa mọc răng thì không có linh hồn, không thể quay về”[12]. Nhưng bởi vì nó được viết ra một cách vô cùng đơn giản, không như những lời “gia huấn” một cách tỉ mỉ, kỹ càng, cho nên nhiều người đã không chú ý tới.
 
[8] Ý chỉ vẽ những hình thù gì đó lên mái ngói để đánh dấu cho linh hồn người chết tìm về đúng chỗ.
 
[9] Ý nói trước nhà nhóm lên ngọn lửa, ngoài cửa bầy ra một chút tro tàn.
 
[10] Cung tiễn ma quỷ ra khỏi nhà.
 
[11] Tiễn vong hồn người thân về nơi âm thế.
 
[12] Theo Duyệt vi thảo đường bút ký – Như thị ngã văn.
 
Trong thời kỳ Nam – Bắc triều, đây là một tập tục được phổ biến rộng rãi từ Bắc đến Nam. Ở phương Bắc, với mỗi người dân, tập tục này vô cùng quen thuộc, một số thầy mo có chuyên môn còn có cả những cuốn sách ghi chép lại một vài nội dung liên quan đến tập tục này. Đến thời kỳ đầu nhà Đường, Bách kỵ lịch đã thể hiện khả năng tinh thông thiên văn, nhạc luật và thuật giả kim của người xưa. Đặc biệt, trong đó còn có nội dung bàn về cách thức tránh khỏi tang sát, cách tính thời gian “hồi sát”, phạm vi mà linh hồn người chết trở về thường hay lui tới, còn nói đến những phần như “hùng sát”[13], “thư sát”[14]. Cuốn sách gốc theo thời gian đã bị thất lạc từ lâu, đến nay những nội dung này chỉ có thể tìm thấy một phần trong Xuy kiếm tứ lục của Du Văn Báo, người thời Tống, trong đó có đoạn viết:

 
Không biết từ bao giờ, con người đã quan tâm đến vấn đề “tị sát”. Theo Đường Thái Thường trong “Bách kỵ lịch”, phần “Tang sát tổn hại pháp”, người con trai chết linh hồn nhập vào con chim đực, được gọi là “hùng sát”, bốn mươi bảy ngày sau bay trở về hồi sát, người con gái mới khoảng mười ba, mười bốn tuổi, thư sát, xuất phương Nam đệ tam gia, sát bạch sắc, là nam tử, hoặc hộ Trịnh, Phan, Tôn, Trần, từ ngày hai mươi đến ngày hai chín sẽ có hai lần trở về tang gia. Mỗi thời tục lệ có thể nhau, nhưng đến những ngày ấy người nhà cần tránh đi nơi khác… Khi nhập niệm, ngay cả những đứa con có cha mẹ chết cũng phải tránh đi, thậm chí phụ nữ cũng không dám đứng lên trên, tất cả đều giao phó cho lão gia bộc lo liệu mọi sự.
 
[13] Tức là “linh hồn người chết trở về nhập vào loài chim đực”.
 
[14] Tức là “linh hồn người chết trở về nhập vào loài chim cái”.
 
Sau này, tục “tị sát” đã được ghi chép lại trong những cuốn tiểu thuyết, và số lần xuất hiện của nó cũng ngày một nhiều hơn. Đế Phu Thị trong Nguyên hóa ký cho rằng “cần phải phòng tránh hung thần, quỷ thần đột nhập vào nhà làm tổn hại đến người và của”, cho nên toàn thể gia đình phải dọn đến ở nhờ nhà những người thân quen để ẩn tránh mỗi lần vong hồn người chết hồi quy. Trong Kỷ văn của Ngữu Túc, chữ “煞” (hung thần) được viết thành “杀” (giết, đánh)[15], gọi “归剎” (quy sát) là “杀出” (diễn ra hành động đánh, giết), cũng là “煞出”, nói: “Trong nhà có người chết, liền mời ngay thầy mo đến cúng “tức ngôn kì sát xuất nhật, tất hữu phương hại, tử gia đa xuất tị chi”[16]”. Trong Kê thần lục của Từ Huyễn thời Ngũ Đại Nam Đường cũng ghi lại những điều tương tự.
 
[15] Trong tiếng Trung
 
[16] Đại ý là, trong ngày vong hồn hồi quy tất yếu có hại cho gia chủ, vì thế ngày hôm đó, những người trong gia đình có người chết cần lánh đi nơi khác.
 
Đến thời nhà Tống, vấn đề “tị sát” ở phương Nam trở nên khá phổ biến. Trong Di kiến ất chí của Hồng Mại thời Nam Tống, quyển mười chín, Hàn thị phóng quỷ có bàn tới vấn đề “tị sát”, hơn nữa còn bắt đầu xuất hiện chuyện “dùng tàn tro làm dấu”, rõ ràng có thể xem đó là một dấu hiệu can thiệp vào sự tái sinh, chuyển thế đã nói ở trên:
 
Ở Giang Tô và Chiết Giang có tục tin vào những thầy mo cúng ma gọi quỷ. Tương truyền, người chết hồn lìa khỏi xác, lấy ngày đó để tính ngày vong hồn tìm về quy sát, cách phòng tránh tốt nhất là lúc ấy tránh ra bên ngoài, hành động ấy được gọi là “tị phóng”. Nhờ một người con trai khỏe mạnh hoặc vị tăng ni rắc tro xuống đất làm dấu, đến khi trời sáng sẽ nhìn rõ dấu vết ấy.
 
Trong Di kiên chi ất, quyển một, Đổng thành nhị lang cũng có đoạn nói:
 

Đến thời điểm vong linh người chết quy sát trở về, để cất giấu mọi thứ, người nhà thường làm theo tục lệ xưa, lấy cái dần hay cái sàng làm nhỏ lớp tro bụi trên bếp, phủ lên trên cái siêu sành, hay nồi đất để kiểm tra xem người chết có hồi quy hay không.
 
Dấu vết để kiểm tra ở đây là xem vết chân trên lớp tro mà phán đoán người chết có thể đầu thai sang kiếp sau là gì, thấy dấu chân gà nghĩa la đầu thai làm gà, thấy dấu chân chó có thể đầu thai thành chó… Họ cho rằng vào một ngày kia, người chết sẽ nhận được thông báo sang thế giới bên kia. Sự quay về “hồi sát” được nói tới ở đây chỉ là một cách để họ từ biệt những người thân yêu của mình còn đang sống trên dương thế. Du Văn Báo là người thật thà, chất phác, có tư chất thông minh, hiểu biết, sống vào thời Nam Tống, ông từng biểu thị sự phản đối kịch liệt đối với những hủ tục “tị sát” trong dân gian. Tại thời điểm đó, nhiều người đã dần dần từ bỏ tục lệ “tị sát”, không theo tăng đạo, không tin âm dương, có thể thấy lệ “tị sát” trong dân gian đã thịnh hành như thế nào.
 
Thầm Bảng, người triều Minh, trong Uyển thụ tạp ký, quyển mười bảy có nói đến “đóa sát”, một phong tục của người Bắc Kinh:
 
Những nhà âm dương học thường căn cứ vào năm tháng của người chết để tìm ra ngày mà hung thần sẽ đến hòng đưa cả gia đình đến nơi khác để ẩn tránh.
 
Thời nhà Minh có một người Triều Tiên thông hiểu tiếng Hán, là tác giả của cuốn sách Bổ thông sự nổi tiếng, đã ghi lại tục lệ “thiếp ương bảng”[17]. Tục lệ này đã có từ trước đó rất lâu, từ thời Lã Tài đã có tục kiêng kỵ “sát phạm sinh nhân”, vốn chính là tục thông cáo ở làng quê. Trong Bổ thông sự có ghi lại một đọan đối thoại rất độc đáo:
 
“Trước nay người ta vẫn thường dán bản cáo phó trước cửa mỗi khi nhà có tang, anh đã nhìn thấy bao giờ chưa?” “Tôi chưa từng thấy qua. Người ta viết những gì trong bản cáo phó đó?” “Viết là: Ngày Mười hai, Đinh Mão, tháng Hai, Bính Ngọ, năm Nhâm Thìn, người thanh niên sinh năm Bính Thân, qua đời ở tuổi ba mươi bảy. Giờ Đinh, ngày Hai mươi tư tiến hành an táng tại cổng thành. Người có chi Tị, Ngọ, Hợi, Mão, kỵ với tuổi người chết”…
 
[17] Tức dán cáo phó.
 
Bản cáo phó, sau này ở một số địa phương còn gọi là “phê thư”, trong đó, ngoài những thứ như ngày sinh tháng đẻ của người chết, cầm tinh của người thân trong gia đình được viết trên trang cáo phó, còn cần thông báo với làng xóm khi nào tiến hành tiểu liệm, khi nào đại liệm, khi nào nghênh thần (thần ở đây chính là để chỉ hung thần), cùng với những điều xung, kỵ cần tránh… những điều này không chỉ áp dụng trong ngày “tị sát”, mà còn cả trong suốt tuần lễ để tang, đối với một số người thì đây cũng chính là những ngày cần ẩn tránh. Khi nào thì mới được dán bản “phê thư’ đó? Điều này cũng có những quy định của nó. Trước hết là yêu cầu cần thiết dán nghiêng giống như khi người ta dán giấy niêm phong trên tập tài liệu vậy. Nghĩ đến thời thơ ấu thường đến đầu phố dán những biểu ngữ khẩu hiệu hoặc “đả đảo” hoặc “vạn tuế”, mà chẳng cần biết ai đả đảo, ai nổi lên, chỉ biết cũng vẫn là một cách dán nghiêng như thế, tất nhiên lúc ấy đôi khi cũng có những người già đi qua thấy vậy liền đứng lại nói dán như thế là không được, chỉ nói có vậy rồi đi luôn chẳng giải thích rõ vì sao lại không thể. Bây giờ nghĩ lại, cách dán ấy chắc đã phạm phải một điều kiêng kỵ nào đó trong cách dán cáo phó hoặc giấy niêm phong.
 
Phong tục “tị sát” đến thời nhà Thanh dường như có xu thế ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Phong tục này có nơi còn gọi là “nghênh sát”, họ quan niệm bảy ngày sau khi trong nhà có người thân chết, cả nhà phải tạm rời đi chỗ khác để tránh tai ương. Theo nguyên tắc chung của người phương Nam, họ gọi đó là “hồi sát”, và theo thời gian kéo dài tới hai mươi bảy ngày kể từ sau khi người thân chết. Thời gian quy định ở Phố Đông – Thượng Hải là ngắn nhất, người chết đến ngày thứ ba được gọi là ngày quy sát, nguyên nhân vì họ cho rằng cần phải cúng linh hồn trước, vì vậy người ta gọi sự kiện đó với một cụm từ đầy hoa mỹ là “tác tam triều”, không biết người trong cuộc nghe thấy có cho rằng gia đình họ đã sinh ra một anh chàng béo tốt hay không? Người Bắc Kinh gọi đó là “xuất ương”[18], người Sơn Tây gọi đó là “hồi ương”[19].
 
[18] Theo Diêu Nguyên Chi trong Trúc diệp đinh tạp ký, quyển bảy.
 
[19] Theo Từ Côn trong Độn trai ngẫu bút, quyển hạ.
 
Vấn đề “tị sát” được giới thiệu một cách tương đối rõ ràng, tỉ mỉ trong tác phẩm của Vương Gia Trinh là Tại dã nhĩ ngôn, quyển sáu, Hồi sát có đoạn viết:
 

Trong ngày hồi sát người ta thường phủ lên giường tấm vải khâm liệm, phía trước bếp đặt một mâm cỗ đầy đủ thịt rượu, ở giữa đóng một cọc âm, phía trước bếp đặt một chiếc nồi. Trong những ngày ấy, ngay cả gia nhân trong nhà cũng sợ hãi mà trốn tránh căn phòng đặt linh cữu. Sáng ngày hôm sau chuẩn bị đưa linh cữu đi chôn cất, người nhà quay vào kiểm tra thì thấy trong chiếc nồi đặt trước cửa hằn rõ những dấu chân chim, trên mâm cỗ thiếu mất con gà cúng, tìm kiếm hồi lâu mới phát hiện ra giấu trong tâm vải khâm liệm, chiếc cọc âm cũng mất dấu, như có chuột lén vào ăn vụng vậy.
 
Hứa Thu Đà trong Văn kiến dị từ, quyển hai, có ghi lại một phong tục độc đáo của người Chiết Giang:
 
Chết chính là câu chuyện “nghênh sát”, kể về hung thần gõ cửa lần lượt theo thứ tự luân phiên nhau. Từ ngày Mười tám trở về trước đến ngày mùng Chín, từ rất sớm, những loài chim đã được triệu đến, thể xác người chết nằm ở trên giường nhưng linh hồn thì ở ghế dưới cái sàng được phủ lên trên lớp tro bếp, một lúc sau hằn lên rõ vết chân chim, trông như những vết chân nhỏ bé, uyển chuyển của loài chim hồng vượt qua bùn tuyết, nó không phải là những dấu vết lẩn tránh hay làm hại đến ai. Duy chỉ có hung thần ở Huy Châu hung dữ nhất. Trong làng có người chết, từ rất sớm, người ta đã treo một lá cờ thông báo ọi người biết, sau đó tất cả những người thân thích, con cái, trai gái, lớn nhỏ đều phải quây quần xung quanh, không được trốn đi nơi khác.
 
Trên đây đã dẫn ra hai ví dụ cho thấy rõ sự khác nhau trong phong tục “tị sát” ở ba địa phương thuộc vùng Giang Nam, nhưng cái cách dùng tro bếp để nhận dạng dấu chân như trên thì không chỉ có hai cách. Điều này được Nhản Trai Thị ghi lại một cách tinh tế và sâu sắc trong tác phẩm của mình. Dạ đàm tùy bút, quyển hai, Hồi sát có kể lại câu chuyện “hồi sát” liên quan đến “đóa tị” mà người Bắc Kinh gọi là “đóa ương”:
 
Người chết có thuyết “hồi sát”, đều khiến người ta tin vào những chuyện kỳ lạ, khác thường. Có người, thậm chí cả gia đình trong suốt thời gian “hồi sát” phải đi ở nhờ nơi khác để tránh tai ương. Cho dù là những gia đình quyền quý, giàu có thì cũng phải để nhà không mà đến nơi khác để tránh tai họa, như thế gọi là “đóa ương”[20]. Cứ đến đúng ngày, người nhà lại phải thu dọn đồ dạc còn lại của người chết ở trong nhà, từ trên giường xuống dưới đất, dùng một tấm vải trải rộng ra rồi rắc lên đó một lớp tro đốt từ cỏ lau. Phàm có tiền đồng thì gói lại trong một lớp giấy trắng, làm a quỷ phải sợ hãi. Ở đầu giường bày sẵn một cốc rượu, một con gà luộc, đốt một ngọn đèn, đóng cửa và cài then lại. Ngày hôm sau, dùng một thanh sắt gõ vào cửa rồi mở ra, kiểm tra xem trên lớp tro rải dưới đất có dấu chân gà, dấu chân hổ, dấu móng ngựa, hay dấu vết rắn bò… hay không, các dấu vết đó phải hoàn toàn là một loại. Có lẽ người đã chết sẽ thuộc về một thế giới u minh nào đó, việc xem xét dấu vết để lại là để tìm hiểu xem nghiệp chướng của người đó nặng nhẹ ra sao, gọi là tìm hiểu xem cái gông đeo nặng nhẹ thế nào để mà tìm cách hóa giải. Ngay cả cỏ cây, gà, chó… khi vô ý gặp phải tai ương cũng trở nên khô héo, hay ngã chết giữa đường. Phong tục di nhân, kể cả người đức hạnh cũng không thể tránh khỏi, điều này đã trở thành một tập tục phổ biến trong nhân dân không thể phá bỏ. Bởi lẽ tập tục này đã dần trở thành một đạo lý trong lòng người dân, không thể làm sai khác được, hoặc người chết có linh thiêng biết được mà quay về vấn vương thương nhớ hay sao?
 
[20] Tức là: trốn tránh tai ương.
 
Hồ Phác An trong Hoa toàn quốc phong tục chí, hạ biên, có một chương nói về “Chiết Giang”, ghi lại tục “nghênh sát” của người dân vùng Hải Ninh, trong đó đưa ra một số tình tiết nhỏ khá phiền phức: “Trong ngày nghênh thần, trước tiên cần đặt người chết nằm nguyên trên giường, lúc người đó sắp chết lấy một bộ quần áo lót phủ lên giường, bên trên dùng giấy buộc lại thành hình một cái đầu, sau đó lấy bốn cái bánh chưng giấu trong tay áo, ống quần tạo hình tay chân, để một cái bánh bao ở giữa làm thành bụng. Như vậy, tổng thể tạo hình giống như một người đang nằm. Phía dưới giường dùng tro phủ đều trên nền nhà. Ngoài ra còn dùng giấy, tre, và hồ làm thành “hồn đình” – một “quán nghỉ chân của linh hồn”, gọi là “tọa đầu”, chính là nơi khi linh hồn quay trở về cần có cái chõng nghỉ chân. Những gia đình giàu có thường làm “chỗ nghỉ chân của linh hồn” thành một lầu gác có đài tạ lễ quy mô hoành tráng. Ngày lễ nghênh thần thông thường kéo dài tới bảy ngày, ngày nào cũng phải hương hỏa, thờ cúng cẩn thận, thậm chí có khi kéo dài tới hơn hai năm, dài nhất là không qua đông chí của năm thứ ba. Cho nên câu đối treo trên “hồn đình” được viết là “nguyệt kinh thủy hoa, phù sinh nhất mộng, chỉ song trúc ốc, tiểu trú tam niên”. Phong tục vong hồn tìm về dương thế trong một thời gian dài như vậy ở các địa phương khác không hề nghe nói tới. Đây là nét khác biệt có lẽ chỉ thấy riêng ở vùng Hải Ninh, Chiết Giang mà thôi.
 
Dựa vào những tổng hợp trên đây có thể thấy, đến thời nhà Thanh, phong tục “tị sát” trong dân gian đã có dấu hiệu đi xuống. Trước tiên mời thầy âm dương đến tính thời gian “hồi sát”, rồi dán bản tai ương, đến đúng ngày cả gia đình di cư ra ngoài hòng tránh tai ương, hay còn gọi là “đóa ương”, “xuất ương”, và trên danh mục còn nhắc rõ ràng hai chữ “nghênh sát”, gọi là “nghênh”, chính là lấy tấm vải rải tro bếp lên trên, và sắp xếp, chuẩn bị đầy đủ những đồ cúng lễ… Ngày hôm sau, khi trời sáng trở về nhà lại có một loạt những nghi thức khác nữa gọi là “tống sát”[21], lúc này hung thần đã rời đi rồi, không cần phiền phức lại đi tiễn một lần nữa. Phong tục này tồn tại được gần một trăm năm thì dần mai một, nhưng vẫn còn sót lại một vài dấu vết trong những vở kịch trên sân khấu như trong vở diễn Quỳnh lâm minh có màn “đả côn xuất tương”[22], trong đó cũng có cảnh hung thần trên sân khấu, đó là hình tượng của ác quỷ mặt xanh nanh vàng. Nhưng từ sau thời kiến quốc, những tình tiết liên quan đến ma quỷ bỗng nhiên bị kiểm duyệt, rồi dần dần đào thải hết. Trong ngôn từ truyền thống thi thoảng có nghe thấy hai chữ “xuất ương” để nói một người nào đó với ý nghĩa giống như muốn xua đuổi tai ương đi vậy, không ít người nghe thấy cũng chẳng hiểu hết được ý nghĩa của nó, nhưng cũng biết được rằng đó chẳng phải là lời nói tốt đẹp gì.
 
[21] Tức là: tiễn hung thần.
 
[22] Tức là: màn đánh gậy.
 
 
 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.