Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

Chương 41- part 7


Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 41- part 7

 
Hai tác phẩm thơ văn trên có nhắc tới “sổ ma”, không phải giống như “sổ chết” đã nói đến ở phần trước. “Sổ chết” là quyển sổ câu hồn được dùng khi đi bắt linh hồn người sống, còn “sổ ma” lại là quyển “sổ hộ khẩu” dưới âm giới. Ở thế giới địa phủ được nhắc tới trong thuyết luân hồi lục đạo, vong hồn không cần có hộ khẩu, họ chỉ quanh quẩn chốc lát trong lúc chờ chuyển thế tại điện Diêm La mà thôi, vì vậy hộ khẩu tạm thời, giấy đăng ký tạm trú…. tất cả đều không cần tới, để sau đó họ lại tiếp tục lên đường. Vì thế, “sổ ma” là loại sổ câu hồn kiểu Trung Quốc, bởi linh hồn tổ tiên của chúng ta cần đăng ký hộ khẩu, an cư tại âm giới. Chỉ có điều từ này rất ít gặp trong các câu chuyện ma, chỉ thi thoảng được nhắc tới trong thơ văn, là cách gọi nhã nhặn cho “người đã mất”. Trong Trẻ em tìm về nguồn – quyển sách dạy trẻ em cách nhận biết từ, chữ, có giới thiệu các từ có liên quan đến chữ “tử – chết”: thay áo, thay chiếu, tất cả đều dùng để chỉ từ “tử – chết”; người cổ, tên trong sổ ma, là nói đến từ “vong – đã chết”, chính là nó. Chung Tự, người triều Nguyên trở thành bậc văn nhân quá cố với sở trường về văn từ, tác phẩm của ông với tên gọi Lục quỷ bạ – Danh bạ quỷ, chính là lấy từ nghĩa đó.
 
Người thời xưa sinh con cái cũng cần đăng ký nhập sổ, ngoài một bản hồ sơ lưu, còn cần một bản để trình báo lên chính quyền. Đó là quyển sổ hộ khẩu sớm nhất được gặp trong Lễ ký – Nội tắc, có thể đó cũng là quyển sổ hộ khẩu đầu tiên trên thế giới, tuy nó mang chút tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng cũng rất đáng để chúng ta tự hào.
 
Cũng với lập luận này, hộ khẩu ở cõi âm cũng có vai trò quan trọng đối với người chết. Nếu linh hồn nào không có hộ khẩu, tức là không được ghi tên vào trong sổ nhân khẩu dưới âm ti thì linh hồn đó chỉ có thể làm một hồn ma lang thang. Và hậu quả của nó, nếu xét theo mặt tốt, có lẽ hồn ma đó sẽ được miễn nộp thuế và lao dịch cho Diêm phủ, nhưng nếu xét theo mặt hại, có thể hồn ma đó sẽ mất nhiều hơn được, linh hồn đó sẽ không nhận được một chút đãi ngộ nào từ phía âm giới. tuy đến bây giờ tôi cũng không rõ lắm về cái lợi thế khi đăng ký hộ khẩu ở âm giới rốt cuộc là gì, nhưng đến khi quan niệm luân hồi ở Tây phương hòa trộn với quan niệm của Trung Quốc, thì những điều không phải là lợi thế của việc đăng ký hộ khẩu âm giới đã “lộ rõ”, chính là hồn ma đó sẽ mất tư cách được đầu thai chuyển thế. Những điều này tôi sẽ không bàn luận nữa, dẫu sao thì dù lựa chọn cõi âm ti kiểu Trung Quốc hay của Tây phương, hay chế độ âm phủ Trung Quốc – Tây phương kết hợp thì những hồn ma lang thang và những u hồn luôn hy vọng được Diêm phủ tiếp nhận vào danh sách quỷ, nếu không được chấp nhận, linh hồn của họ sẽ không được yên ổn, phải làm kẻ xấu tại chốn dương gian, mang đến sự bất an, lo lắng cho người sống. Tại sao vậy? Bởi vì người sống cần phải chịu trách nhiệm trong việc họ sa đọa thành nhân vật xã hội đen ở thế giới âm phủ. Quyển ba, tập tiếp quyển Dậu dương tạp trở của Đoạn Thành Thức có kể, có một anh chàng lỗ mãng, ban ngày chuyên đi phá đám người khác, một hôm sau khi uống say, anh ta ra nghĩa địa, ngã vật lên một ngôi mộ đắp cao rồi ngủ lúc nào không biết, nửa đêm tỉnh dậy, anh ta nhìn thấy một căn phòng rách nát, dưới ánh đèn vàng mờ ảo có một phụ nữ sắc mặt tiều tụy, đó rõ ràng là một ma nữ. Ma nữ kể cho anh ta nghe về thân thế của mình, rằng: “Chồng đi tòng quân không thấy trở về, bản thân ta mắc bệnh mà chết, ngoài ra ta chẳng còn họ hàng thân thích, được hàng xóm giúp nhập quan nhưng chưa đem chôn mà vùi xác tại đây, đã hơn mười năm rồi không có người đến chuyển mộ cho ta. Phàm là người đã chết, nếu xương cốt không được chôn cất lần thứ hai, thì linh hồn của họ sẽ không được âm ti ghi nhận vào sổ, linh hồn sẽ hoang mang, mơ hồ. Nếu huynh thương cảm cho u hồn này, xin hãy chuyển hài cốt của ta tới khu đất bên bờ suối, để linh hồn ta được siêu thoát, đây là tâm nguyện duy nhất của ta.”
 
Tại sao hài cốt “chưa được chôn cất lần hai” thì linh hồn đó sẽ không được âm ti ghi tên vào sổ? Lý do có lẽ là vì âm ti không coi anh ta như người đã thực sự chết, mà lý do của dương gian lại là người chết cần phải được mai táng kịp thời, phải chôn cất thì người chết mới được yên ổn. Nếu vùi xác đã lâu mà không được chôn thì tinh khí và hồn phách không được siêu thoát. Cảm giác “lo lắng, li tán” rốt cuộc là cảm giác như thế nào? Nếu không phải “năm loại được ghi trong danh sách đen” (là địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phần tử cánh hữu), chỉ có cảm giác cô đơn, lạnh lẽo nơi đồng không mông quạnh, như thế chắc vẫn chưa thực sự cảm nhận được hết cái cảm giác đó. Cũng may vào thời Đường, ma quỷ vẫn còn hiền lành tử tế, chỉ lặng lẽ ở bên cạnh con người, chứ đến thời Minh – Thanh, chúng ta đã biến thành những xác chết di động chuyên đi gây chuyện rồi.
 

Một lý do khác để âm ti không ghi nhận người đã chết, đó là người này vẫn chưa đến lúc phải chết. Quyển Quế Lâm phong thổ ký của Mạc Hưu Phù, người đời Đường có ghi lại câu chuyện như sau:
 
Tô Thái Huyền là nông phu, người vùng Dương Sóc. Vợ ông ta họ Từ, sau khi sinh được ba người con trai thì qua đời. Thái Huyền đưa xác vợ đi an táng. Bỗng một ngày, Thái Huyền trở về nhà, ông nghe thấy tiếng vợ mà không nhìn thấy bóng dáng vợ đâu, người vợ nói: “Mạng thiếp vẫn chưa hết, nên Diêm phủ không chấp nhận cho thiếp ở dưới đó.”
 
Thọ của con người chưa hết, Diêm phủ sẽ không đón nhận hồn ma của người đó, điều này là hoàn toàn đúng. Nhưng khi đang muốn quay trở lại, thì bên này người ta đã kịp thời đưa người vợ “nhập thổ”. Không chôn không được, mà chôn nhanh quá cũng không đúng, hai giới âm dương đều phạm phải chủ nghĩa quan liêu, chỉ khổ cho những linh hồn chẳng phải sống mà cũng chẳng phải chết, bị mắc kẹt ở giữa hai thế giới này.
 
Nếu có người cho rằng ma quỷ có thể được tự do tự tại tại chốn âm ti, giống như những vị tiên bay lượn trên bầu trời, vậy thì người đó đã quá ngây thơ rồi. Hóa ra thần Thành Hoàng lại có trách nhiệm thu nhận những u hồn và những hồn ma lang thang không được ghi tên vào danh sách ma, coi họ là những kẻ lưu manh mù quáng, sợ họ sẽ gây chuyện khi đêm về, vì vậy cần giam họ lại. Chương Nguyễn Công Minh trong Di kiên chi đinh, quyển ba có một hồn ma đáng thương than thở rằng:
 
Ta xuống cõi âm từ lâu, nhưng do tuổi thọ của ta chưa hết, âm ti dứt khoát không chấp nhận, nhưng sau bị Thành Hoàng bắt giữ, ban ngày ta có thể ra ngoài, nhưng ban đêm lại nhốt trong chiếc giếng cạn ở Ngô Sơn. Những người giống như ta ở đô thành rất nhiều, mỗi khi hoàng hôn buông xuống, tất cả những người thắt dây buộc lưng vàng trên đường, đầu và người cúi thấp xuống đất mà đi, đó chính là những người như ta.

 
Vào thời Nam Tống, miếu Thành Hoàng tại Hàng Châu được xây dựng trên núi Kim Địa ở phía nam núi Ngô Sơn, hiện nay miếu Thành Hoàng mới được tu sửa lại ở trên đỉnh núi Ngô Sơn, chắc cách ngôi miếu cũ không xa, có điều không biết chiếc giếng cạn đó nằm ở nơi nào[8]. Hoàng hôn là thời điểm những hồn ma này được “hít thở không khí trong lành”, “thắt dây buộc lưng vàng” có lẽ là để đánh dấu quỷ xấu, “cúi đầu, người rạp xuống đất để đi” chính là chỉ loại “cắp đuôi làm người” của dương thế.
 
[8] Dưới núi Ngô Sơn còn có một chiếc giếng có nước, chiếc giếng này cũng rất nổi tiếng. Trong quyển Tiền thị tư chí của Tiền Thế Chiêu, người thời Nam Tống đã đặc biệt nhắc tới chiếc giếng này, nói rằng bên trong có một hồn ma trượt chân rơi xuống, nó thường xuyên lôi người xuống đó, cuối cùng người ta lấy một khối đá lớn chèn miệng giếng lại.
 
Những linh hồn lang thang vốn chưa đến lúc chết mà đã phải chết, họ không có suất hộ khẩu tại âm ti. Cách giải quyết cuối cùng chỉ có thể là đợi ngày dương thọ của mình kết thúc, lúc đó Diêm phủ mới cho phép họ đăng ký hộ khẩu. Nếu thời gian chờ đợi quá dài, họ chỉ có thể nhờ bạn bè, người thân hoặc những người tốt bụng trên dương gian chuẩn bị một bữa cơm chay tế cúng, giúp linh hồn họ được siêu độ nơi âm giới, có thể nói đây như việc đi cửa sau, tìm quan hệ cới các quan ở âm giới, để thời gian chờ đợi được rút ngắn. Nhưng trong chương Mao liệt âm ngục, quyển mười chín, cuốn Di Kiên giáp chí lại có chút mâu thuẫn với cách nói trên. Chương này nói rằng, những linh hồn lang thang không thể hưởng công đức từ những người ở dương gian: “Vốn dĩ chưa phải chết nên không đăng ký được hộ khẩu ở chốn âm ti, muốn nhờ người trên dương thế giúp đỡ để được nhận phúc lợi từ cõi âm, đó là điều không thể.” Những quan điểm này tuy có khác nhau, nhưng thống nhất với nhau khi nói những linh hồn lang thang không có hộ khẩu dưới âm phủ và không có những ngày tháng êm đẹp dưới đó. Đến sau đời Nguyên – Minh, người ta quyết định lập ra “thành oan hồn” ở dưới âm phủ, coi như giúp những linh hồn lang thang tìm thấy một nơi không thể nói là tốt đẹp để trú mình.
 
Nói về thành oan hồn, ở đây tôi cần làm rõ một chút, coi như bổ sung cho “m sơn bát cảnh”, cũng coi như tạm thời đưa “điện Diêm Vương” làm cảnh thứ mười dành cho những người yêu thích “Thập toàn”, đồng thời cũng là vì, người ta luôn cho rằng ở đó chỉ chấp nhận những linh hồn chết oan, nhưng suy nghĩ này thực sự không chính xác.
 

Từ “thành oan hồn” có lẽ có nguồn gốc từ dân gian, tất nhiên những bậc quan lại sẽ không dùng nó, vì thế nó xuất hiện nhiều trong các cuốn tiểu thuyết hay ca kịch, mà sớm nhất là xuất hiện trong các điệu hò. Nói về tên và ý nghĩa của nó, thành oan hồn là trại tập trung dành cho những người chết oan phải xuống âm phủ. Nhưng tổng hợp tất cả những tài liệu có liên quan thì sự thực lại không hoàn toàn như vậy. Tất cả những linh hồn có dương thọ chưa hết, bao gồm chết vì hình, chết trận, chết bờ bụi, chết vì gặp phải thầy lang dởm, cho đến những người chết vì tình cũng đều được vào thành oan hồn. Hơn nữa hãy xem một vài ví dụ sau:
 
Trong vở tạp kịch thời Nguyên Mạnh nương đạo cốt, Dương lệnh công đâm vào bia Lý Lăng mà chết, linh hồn của ông bị đưa vào thành oan hồn. Trong Tây du ký, tập mười, Lý Thế Dân đến cõi âm, “đi qua sông Nại, huyết bồn khổ giới, rồi lại đến thành oan hồn”, nhìn thấy một đám hồn ma mất tay mất chân, hoặc có tay chân mà không có đầu, tất cả đều là hồn ma của những tên giặc cỏ và những người chết trận. Trong chương Thẩm Tiểu Hà tương hội xuất sư biểu trong Dụ thế minh ngôn, Thẩm Cổn, Thẩm Bảo chịu đựng không nổi, cả hai chết dưới cán roi, đây là chết do bị dùng hình, đương nhiên cũng thuộc loại gánh oan mà chết. Còn trong Viết tiếp Kim Bình Mai của Đinh Nhiêu Cang viết sau khi Phan Kim Liên bị Võ Tòng giết, linh hồn của ả được đưa đến khu thắt cổ tại thành oan hồn, sự việc này không thể coi là quá oan uổng được. Tiểu thuyết Đều là do ảo giác, chương một có kể, vụ vỡ đê tại sông Vô Triều dìm chết vô số dân thường, tất cả linh hồn họ đều gia nhập thành oan hồn. Trong thành oan hồn, người đẹp nổi tiếng nhất tất nhiên là Đỗ Lệ Nương chết vì tình. Còn trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển bảy có kể, một người chết dưới tay lang băm khi dương thọ vẫn còn, nhưng “theo luật âm, phàm là những người dương thọ chưa hết, tất phải đến thành oan hồn”.
 
Ngoài ra, thành oan hồn còn có hai điểm đặc biệt không thể không nói. Một là bên trong toàn là ma đói. Đương nhiên không phải cứ gặp ma đói là bắt vào thành, mà là những hồn ma vào thành đều bị cấm ăn uống, ngay cả những hồn ma có hộ khẩu bên ngoài thành được ăn ba bữa một năm cũng không có. Trong Thố hồ lô của Phục Thư giáo chủ, chương hai mươi viết, hồn ma trong thành oan hồn không được lo cho ăn ặc, vô cùng đau khổ. Còn Dã tẩu bộc ngôn của Hạ Kính Cừ, chương mười tám đem những đạo sĩ khi nhìn thấy đậu phụ rau xanh là lao vào tranh cướp so sánh với những “ma đói trong thành oan hồn”.
 
Đặc điểm thứ hai của nó là hồn ma trong thành oan hồn rất khó được hóa kiếp. Trong vở tạp kích thời Nguyên Bao đãi chế trí trám sinh kim các nói: “Không một oan hồn nào được tiêu tán, ngày đêm vất vưởng trong thành oan hồn. Chỉ đến khi báo được oan, giải được hận, lúc đó mới thoát khỏi âm ti rồi hóa kiếp.” Trong Viết tiếp Kim Bình Mai, Võ Đại Lang sau khi bị giết đã đến khu thuốc độc tại thành oan hồn, cũng giống như Phan Kim Liên bị đưa đến khu treo cổ, mười mấy năm không được đầu thai. Trong Thuyết nhạc toàn truyện, người phục vụ nói: “Phía trước là quỷ môn quan, bên phải là thành oan hồn. Tất cả những kẻ phạm tội đều phải vào thành oan hồn, vào đó rồi thì khó mà được chuyển kiếp.”
 
Những linh hồn chết bờ chết bụi hoặc chết thảm lại bị đưa đến thành oan hồn chịu đói nhịn khát, oan khuất không được giải thì không thể hóa kiếp chuyển thế. Đạo lý này quả có chút bất công. Nhưng nghĩ kỹ lại, đây chính là bản sao của tù ngục ở trần gian, trừ phi gặp được Bao Thanh Thiên thì những tù nhân bị bắt oan này mới có thể thoát khỏi bể khổ, nếu không họ đành phải ngồi trong đó chịu đói, chịu rét cho đến chết. Vì thế, tác phẩm thích nói những điều mờ ám Ngọc lịch bảo sao có chương Thành oan hồn thỉnh thoảng nói được vài câu khá thấu tình, tuy rằng nó vẫn có chút “mờ ám”:
 

Phong Đô đại đế nói: Thành oan hồn ở phía bên phải điện ta. Người đời hiểu nhầm đó là nơi đón nhận tất cả những hồn ma bị chết oan, rồi truyền tai nhau làm người ta tưởng thật. Phải biết rằng những người đã chết oan liệu có thể bắt họ chịu những nỗi khổ vô cớ nũa được không? Xưa nay vẫn cho phép các oan hồn đi tìm hung thủ, tận mắt nhìn thấy hắn chịu khổ, từ đó giải tỏa được mối hận trong lòng, cho đến khi oan hồn của họ được đầu thai. Nếu là những người trung hiếu, nghĩa khí hoặc những quân binh xả thân vì nước, hoặc sau khi chết sẽ thành thần, hoặc ban phước cho họ được đầu thai, như vậy há chẳng phải có lý khi để họ vào thành oan hồn chịu khổ sao?
 
3
 
Chỉ có một quyển sổ âm ti mà tôi đã huyên thuyên quá nhiều, những độc giả nóng ruột có lẽ đã đặt ra câu hỏi: “Liệu ông sắp nói xong chưa vậy?” Nói thực, sổ sách ở dưới âm ti nhiều vô kể, những quyển sổ được nói trên đây chỉ là một phần trong đó thôi. Ví như trong Mai hương ảo, tiểu thư Trương Doanh Doanh hát “phu thê hoạn nạn do trời định, trên sổ nhân duyên sớm ghi tên”, khi đó “sổ nhân duyên” vẫn chưa được con người biết tới. Đáng tiếc người xưa quá cẩn thận, việc này lại được liệt vào danh mục “chuyện riêng tư khó nói”. Thực ra sổ nhân duyên của người xưa đơn giản hơn rất nhiều so với sổ đăng ký kết hôn ngày nay, hiện nay con người dành rất ít thời gian để lo cái ăn cái mặc, vấn đề nam nữ được đưa ra bàn luận nhiều hơn. Cơ quan phát hành sổ nhân duyên của âm phủ chắc chắn cũng phải làm việc căng thẳng hơn nhiều, biết bao nhiêu “sổ chính”, “sổ phụ” khó phân loại rõ, rồi thì “vợ bé thứ nhất”, “vợ bé thứ hai”, cách sắp xếp này cũng bị chê là quá đơn giản rồi. Còn trong những ghi chép của người xưa, tôi nhớ ngoài quyển sổ chính ra chỉ có một quyển “sổ phu thê sương mai”. Viết tiếp Tử bất ngữ của Viên Mai, quyển ba có câu chuyện về một ma nữ nói với nhân vật nam rằng: “Tra trên sổ phu thê sương mai, có nói đến duyên phận với huynh, nhưng được chỉ định chỉ nên giao cấu một trăm mười sáu lần. Nếu chuyện này không ai biết, thì sẽ ở với nhau lâu dài được, còn không thì duyên phận sẽ hết, cả hai phải ly tan.” Một trăm mười sáu lần vẫn được coi là “sương mai”, không sợ người ta cười anh là quá “phóng khoáng” hay sao? Dẫn ra ví dụ này là để điểm xuyết một chút thôi, bởi đề tài này thực sự quá rộng, thôi thì để dành cho các học giả thời Xuân Thu đi viết những tác phẩm chuyên sâu về nó.
 
Cùng là chết, chỉ có điều cách chết của từng người không giống nhau, chúng cũng cần được phân làm các loại sổ khác nhau, từ đó có thể thấy được tính tỉ mỉ trong công việc ở âm giới. Tác phẩm Hiện quả tùy bút của Giới Hiển, người đời Thanh có ghi, Ngụy Ứng Chi mơ mình đi xuống âm phủ, anh ta tìm trong sổ sinh tử, không thấy có tên mình, hóa ra nó nằm trong “sổ chết do thắt cổ”, bên dưới ghi chú “một ngày ba năm sau thắt cổ tự tử trong thư phòng”. Tử bất ngữ, quyển tám viết, dưới âm phủ, ngoài “sổ chính mệnh” ra, còn có “sổ hỏa tự”, tức chết trong hỏa hoạn. Nói một có thể suy rộng ra ba mươi thứ, âm phủ có “sổ thủy tự”, “sổ thổ tự”, từ đó có thể suy ra người ta sẽ chết bằng cách nào, còn “chính mệnh”, tức là chỉ những người khi hết dương thọ sẽ được chết trên chiếc giường của mình, còn chết trên giường trong khách sạn sẽ bị liệt vào một loại sổ khác (theo cách nói bất nhã của Đinh Nhiêu Cang, thành oan hồn nên để loại người này xuống một khu biệt lập cho chúng). Trong quyển hai mươi tư lại nói, linh hồn người chết ở nơi biên ải, khi đưa vào “sổ họa hoắc vân” sẽ được phân ra làm hai loại, tức “sổ người” và “sổ thú”, thú chết nhiều hơn người, vì thế có câu “nhân tam thú ngũ”. Trong Duyệt vi thảo đường bút ký của Kỷ Tuân, quyển mười, “sổ người” được chia ra làm các loại sổ vàng, đỏ, tím, đen: “Hy sinh vì nước, phấn đấu quên mình, người này được ghi vào sổ vàng . Làm theo quân lệnh, thà chết không lui, người này được ghi vào sổ đỏ. Làm theo số đông, chuyển chiến mà chết, được ghi vào sổ tím, chết khi chạy trốn, không còn đường lui, được ghi vào sổ đen.” Phân ra kỹ như vậy, xem ra nếu Diêm phủ có ngành hồ sơ học, thì nhất định phải người tài ới đảm nhận được vị trí này.
 
Không chỉ vậy, các loại sản phẩm dưới âm phủ cũng tăng dần theo thời gian. Đến thời nhà Thanh, thuốc phiện du nhập vào Trung Quốc, Diêm phủ lại hình thành “sổ khói đen”, trong số này có “sổ họa khói đen”. Trong Dực quynh bề biên, quyển bảy, chương Họa khói đen nói về sổ họa khói đen như sau:
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.