Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 39- part 5
Đương nhiên, không chỉ hiện nay, mà ở thời cổ đại, những tên tham quan cỡ lớn chỉ là thiểu số, bởi mồ hôi xương máu của người dân là có hạn. “Đi ngàn dặm để nhận chức quan, cũng chỉ vì vấn đề ăn mặc”, làm quan là bát cơm của người đọc sách, vì thế làm quan sớm hay muộn, quan to hay quan nhỏ, giữ chức lâu hay chỉ tạm thời, cuối cùng cũng quy kết về một chữ “lộc”. Nói ngược lại cũng vậy, sổ lợi lộc chính là quyển sổ ghi lại hành trình phía trước của những kẻ làm quan.
Trong những cuốn tiểu thuyết, người ta chưa xác định các danh mục của sổ lợi lộc, có quyển ghép lợi lộc và tuổi thọ lại cùng nhau để bàn luận, rồi gọi chung là “sổ lộc thọ”. Chương Trong ruộng có chôn tiền, quyển mười, cuốn Di Kiên chí bổ của Hồng Mại viết, huyện Thụy An – Ôn Châu có người thợ mộc tên Vương Tuấn, năm đó mười bảy, mười tám tuổi. Một hôm, cậu ta nằm mơ thấy mình đi vào phủ quan, gặp quan âm phủ đang ôm hồ sơ đi qua. Vương Tuấn liền hỏi, viên quan đó đáp: “Đây là sổ lộc thọ của người trần thuộc sự quản lý của ta.” Mà huyện Thụy An lại vừa đúng nằm trong sự quản lý của ông ta. Thế là Vương Tuần van xin mãi, mong được biết những gì mình được hưởng trong đời. Sau khi lật tìm, viên quan âm phủ để cậu ta xem, bên trên viết: “Ruộng không quá sáu mươi mẫu, thọ không quá tám mươi tuổi.”
Dựa theo quyển sổ đó, lộc và thọ đi cùng với nhau, đây là kiến thức mà người thường nào cũng biết: người chết rồi, tiền lương hay tiền dưỡng lão sẽ không được cấp phát nữa. Nhưng rất ít người có “tư duy ngược chiều” như vậy, nếu dứt khoát không lĩnh nhận khoản tiền lương mà mình được phép có trong đời, thì có phải sẽ kéo dài tuổi thọ, thậm chí có thể không chết hay không? Và thế là có người thông minh biết trước số lương thực của mình lúc bình sinh là có hạn, bèn dùng cách tẩy chay các khoản lộc mà mình được hưởng để kéo dài tuổi thọ. Di kiên chi chí đinh tập, quyển một có câu chuyện như sau: “Quách Đại Nhiệm nhận lệnh tới làm tri phủ huyện Vu Tiềm, Hàng Châu. Trước khi đi nhậm chức, ông nằm mơ có người đến đưa cho ông một trăm quan tiền và một thưng gạo, nói rằng: “Lộc khoa của lão huynh lúc bình sinh chính là đây.” Sau khi tỉnh dậy, Quách Đại Nhiệm tỏ ra buồn rầu, nếu như lộc ta được hưởng chỉ ít như vậy, chẳng khác nào vừa nhận chức đã chết hay sao, vậy tiền đồ của ta còn gì nữa đây? Thế là ông ta thà chết chứ không chịu đi nhận chức. Ông ta không nhận phần bổng lộc này, và đương nhiên cũng không chết được, cứ như vậy nhiều năm trôi qua. Nhưng về sau, triều đình điều tra ra việc đó, lại bổ nhiệm cho Quách Đại Nhiệm làm huyện lệnh huyện Kiến Đức, Nghiêm Châu. Vốn là một thư sinh nghèo, lúc này kinh tế gia đình đang eo hẹp, người nhà cầu xin ông đi nhận chức để giải quyết tình hình túng thiếu hiện nay, đương nhiên không phải chỉ vì “một trăm quan và một thưng gạo” phần bổng lộc hàng tháng. Quách Đại Nhiệm đành chấp thuận, sau khi nhận chức, lần đầu tiên ông nhận “một trăm quan và một thưng gạo”, nhưng trước ngày phát bổng lộc của tháng thứ hai một ngày, Quách Đại Nhiệm đã qua đời.
Có thể thấy, chỉ cần Quách Đại Nhiệm không lĩnh khoản bổng lộc “một trăm quan và một thưng gạo” đó thì ông ta có thể sống mãi mãi. Như vậy, Quách Đại Nhiệm quá vớ bở rồi còn gì! Nhưng ông trời không dễ bị chơi khăm như thế, bởi đến khi nhà túng đến mức không có gì ăn, anh không lĩnh khoản lộc quan đó thì cũng vẫn chết vì đói mà thôi, do vậy, cuối cùng Quách Đại Nhiệm vẫn phải đi nhận chức quan. Nói mãi, cuối cùng vẫn không thoát khỏi cái “mệnh”.
Hơn nữa còn có cách nói rằng, nếu giữ chức quan mà chỉ ăn không ngồi rồi thì tuổi thọ của người đó cũng bị quan dưới âm ti cắt bớt, giống như Quách Đại Nhiệm trốn ở nhà không đi nhận chức, không khéo đến một ngày nào đó, ngay cả khoản bổng lộc “một trăm quan và một thưng gạo” cũng bị bốc hơi mất. Điều này cũng có câu chuyện để chứng minh. Trong Bắc đông viên bút lục tục biên của Lương Cung Thần, quyển năm có chương Dung sư chiết lộc, đây là chương ghi lại câu chuyện tách rời thọ và lộc: “Huyện Ngân tỉnh Chiết Giang có một người học trò, viết văn cũng khá nhưng luôn lận đận lúc khoa cử. Một ngày, anh ta nằm mơ thấy mình xuống âm phủ, ở đó anh gặp một viên quan nhỏ, người đó lại chính là người bạn đã mất của mình. Thế là anh ta liền hỏi dò số công danh bổng lộc của mình ra sao. Viên quan kiểm tra trong sổ âm phủ, rồi nói: “Thọ của huynh chưa hết nhưng lộc thì đã hết rồi, không lâu sau huynh sẽ được ghi vào danh sách chết, còn trông mong gì về công danh nữa!” Người này nói: “Thường ngày ta chỉ biết dạy học kiếm sống, càng chưa từng phung phí quá mức bao giờ, vậy tại sao lộc của ta lại hết trước?” Quan âm phủ thở dài, nói: “Huynh nhận tiền học phí của người ta mà lại dạy dỗ qua loa, không nghiêm túc. Theo luật pháp âm phủ, ngồi mát ăn bát vàng, không làm đòi hưởng lợi thuộc vào tội lãng phí, bị phạt trừ hết mọi bổng lộc mà người đó được hưởng, để bù vào những gì anh lấy không của người khác. Người có bổng lộc làm quan thì cắt bổng lộc, người không có lộc làm quan thì cắt lộc ăn uống.” Quả nhiên không lâu sau, vị thư sinh này mắc chứng nghẹn khi ăn, không nuốt được gì hết, lúc này dù tuổi thọ của anh chưa hết thì anh vẫn không thể không chết.
Nhưng những chuyện đó đều là việc của người dân không có lộc quan, còn những kẻ gian ác số một như Tần Hội lại không thấy Diêm phủ động đến một sợi lông chân của ông ta, hằng ngày ông ta vẫn ăn no ngủ say, khi chết được chết tại nhà. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có thể Tần Hội lại chính do ông trời phái xuống để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cũng nên. Vì thế, đừng ai nghĩ có thể tìm ra lỗi của ông Trời. Đặc biệt là luật trời, “người có lộc quan thì cắt lộc quan, người không có lộc quan thì cắt lộc cơm”, nó cũng giống như ở trần gian, quan chức là mạng sống thứ hai của con người, quan càng cao thì “mạng sống” giữ được càng nhiều, tương tự trong trường hợp phạm tội, quan cao thì bị giáng chức, quan thấp thì bị cách chức, còn đám dân thường chúng ta không có chức tước thì đành phải để anh bạn dùng để ăn cơm kia nghỉ hưu sớm mà thôi. “Anh bạn” ở đây là đầu hay là bát cơm thì kết cục cũng như nhau cả, chỉ có điều, nó có sự phân biệt nhanh tức khắc hay từ từ mà thôi, vì thế ít tham gia vào việc của người khác thôi, từ câu chuyện này chúng ta chỉ cần lĩnh hội được rằng, thọ và lộc luôn tương thông với nhau, hết thọ thì lộc cũng tự hết, mà hết lộc thì muốn sống cũng không được, dân thường chúng ta phải biết nắm chặt lấy bát cơm đó của mình.
Ngoài ra, giống như việc có sổ thực phẩm lại có “kho thực phẩm”, dưới cõi âm, ngoài “sổ lợi lộc” ra còn có “kho lộc tài”, tương ứng với sổ lợi lộc. Quyển Khuê xa chí của Quách Thoán có câu chuyện như sau: “Huyện Giang Sơn, Cù Châu có người họ Mao, một hôm ông mơ thấy mình lạc xuống âm phủ, quan âm phủ dẫn ông ta tới một nơi, ở đó có hai dãy nhà lớn, bên trong đầy tiền, nhưng bên trong lại lấy chức quan của từng người làm mốc đánh dấu, hóa ra đây là bổng lộc của các quan trên trần gian. Những khoản tiền này đều có hạn định. Thử nghĩ, nhân vật có cấp bậc như Hòa Thân sợ phải xây dựng một nhà kho riêng để chứa bổng lộc của hắn. Diêm phủ phải đặc biệt mở một trăm chiếc lò rèn ngày đêm không ngừng đúc tiền, như vậy cũng chưa chắc đã theo kịp tốc độ nhận quà cống tặng của hắn ở dương gian.”
4
Âm phủ có sổ sách ghi lại công danh khoa cử của con người, danh mục cũng không xác định. Trong Di kiên giáp chí, quyển mười tám, chương Dương Công Toàn mơ gặp cha gọi loại sổ đó là “sổ văn”, còn trong Tử bất ngữ của Viên Mai, quyển mười một, chương Thú dân sách lại gọi là “sổ khoa giáp”. Tiếp đến, ngoài danh mục thứ tự khoa cử như “Đỉnh giáp”, “Tiến sĩ hiếu liêm”, “Minh kinh tú tài” ra, còn có sổ “Tú dân” được coi như một sự sáng tạo mới lạ. Gọi là “Tú dân”, tức chỉ những người có học vấn mà không có bổng lộc, học vấn rộng, viết văn hay, nhưng không có duyên với khoa bảng, và tất nhiên không được hưởng lộc quan rồi. Tuy Diêm Vương nói: “Người trần coi “Đỉnh giáp” là số một thì trên trời coi “Tú dân” là số một”, nhưng số một trên trời không thực tế bằng chiếc bánh ngô dưới hạ giới, vì thế, vị học trò giữ vị trí đầu tiên trong sổ “Tú dân” rất tỉnh táo, không hề hứng thú với chiếc đầu rùa trên trời chút nào.
Bởi công danh chốn khoa trường do Diêm phủ quyết định, vì thế vào thời Đường, mỗi đêm trước ngày công bố bảng vàng, Diêm phủ lại phái các quan đưa danh sách tới những nơi tổ chức thi cử. Việc giao nhận giữa âm dương hai giới có phần rất bí ẩn, quan âm phủ mang công văn tới trường thi, đương nhiên các quan chủ khảo không nhìn thấy quan âm phủ, cũng không nhìn thấy công văn, nhưng không hiểu làm sao mà các quan chủ khảo bỗng xúc động, họ lĩnh hội ý chỉ từ phía âm phủ một cách không so đo thắc mắc, dù nội dung những bài thi được xem như thế nào, nhưng căn cứ để điền tên lúc đó hoàn toàn là do thiên ý. Tác phẩm Tục huyền quái lục của Lý Phức Ngôn, người thời Đường có kể câu chuyện thuộc thời vua Đường Đức Tông: “Lý Tuấn thi tiến sĩ nhiều lần không đỗ, năm nay Lý Tuấn nhờ người bạn cũ của mình là Bao Cát – giữ chức Quốc tử tế tửu (chủ quản Quốc tử học) giúp đỡ, cũng coi như đã chạy được qua cửa quan chủ khảo. Trước ngày phát bảng, quan quản lý định mang danh sách những người trúng bảng báo lên tể tướng. Hôm đó vừa qua canh năm, Lý Tuấn liền chạy tới nhà Bao Cát hỏi thăm tình hình, giờ này cửa trong vẫn chưa mở, Lý Tuấn bèn đứng bên ngoài chờ đợi. Bên cạnh có quầy bán bánh ngọt, lại có một viên thư lại ở đó, viên thư lại này nhìn như người từ nơi khác tới kinh thành đưa công văn, hắn nhìn chằm chằm vào chỗ bánh ngọt mà nuốt nước miếng. Lý Tuấn thấy đáng thương, bèn mời hắn ăn một bữa no say. Viên thư lại rất cảm kích, bèn nói: “Nói thật, ta là quan lại dưới âm phủ, được cử tới đây đưa danh sách kết quả thi tiến sĩ. Có phải huynh đang đợi thông tin này không? Danh sách những người đỗ bảng ở đây, huynh cầm lấy mà xem.” Kết quả khiến Lý Tuấn kinh ngạc, trên bảng vàng không hề có tên anh ta, hóa ra người khác có quan hệ còn ghê gớm hơn anh ta, đá anh ta ra khỏi danh sách. Nhưng quan hệ có ghê gớm cỡ mấy cũng không bằng có sự ra tay trước của viên thư lại dưới âm phủ, Lý Tuấn bỏ thêm ít tiền, quả nhiên khiến viên thư lại này sửa tên người trúng tuyển thành tên Lý Tuấn trên bảng vàng. Tất nhiên, danh sách của âm phủ là không có thực, danh sách do chủ quản viết vẫn cần có người sửa chữa, nhưng nếu như danh sách của phía âm phủ đã được sửa lại, thì coi như đã thông qua được cửa quan chủ quản, danh sách phía dương gian muốn sửa cũng không được.
Nhưng như vậy, lẽ ra mười năm sau Lý Tuấn mới đỗ bảng vàng thì giờ đây đã được làm tiến sĩ trước, điều này chẳng phải đi ngược lại với “định mệnh” sao? Không hẳn thế, bởi “định mệnh” ở đây chính là do “Diêm phủ quyết định”, bàn tay của âm phủ sẽ quyết định tất cả. Ngày nay chẳng phải ta vẫn có câu: “Tháng Sáu học sinh thi, tháng Bảy phụ huynh thi” sao? Vậy thì phải xem những bậc phụ huynh này có qua được kỳ khoa cử của Diêm phủ hay không!
Không chỉ kỳ thi tiến sĩ, mà cả thi cử nhân, tú tài, thậm chí cả các kỳ thi tuyển học trò tại các phủ huyện cũng đều do thiên mệnh sắp đặt, đều được ghi vào sổ âm phủ. Những câu chuyện về đề tài này có quá nhiều, chỉ riêng trong Liêu trai chí dị đã có vài chuyện, nếu kể ra sẽ khiến mọi người mất hứng, khiến các bậc anh hùng trượt bảng vàng khó tránh khỏi thốt lên một câu rằng: “Nếu sớm biết như vậy thì có phải đã tốt hơn không!” Nhưng thực ra những câu chuyện này đa phần viết về những bậc anh hùng rớt bảng, chúng ta có nói, có kể cũng là để tự an ủi mỉnh phần nào.
Cuối cùng ta bàn tới một cơ quan khác của cõi âm, đó là “Phòng mũ ô sa” – chuyên quản lý mũ ô sa của dương gian. Tác phẩm Canh tỵ biên, quyển hai, chương Thích biên tu của Lục sán, người triều Minh có ghi lại những việc Thích Lan nhìn thấy khi đi xuống âm phủ thời trẻ. Thích Lan lâm bệnh mà chết, rồi xuống âm phủ, nhưng hóa ra lần này Diêm phủ lại hồ đồ bắt nhầm người, thế là phải trả Thích Lan trở lại dương gian. Trên đường gặp trận mưa rào, tất cả bèn đi vào ngôi chùa Phật trên đường tránh mưa. (Rất ít tài liệu ghi phía dưới aa6m phủ cũng có mưa, có chùa chiền, vì thế tôi đặc biệt chú ý đến điểm này.) Đi vào phòng đầu tiên, trên nền nhà đều là khung cốt của mũ ô sa, Thích Lan đưa tay định cầm lên nhưng không thể di chuyển được nó. Lúc này, người bên cạnh mới nói: “Những cái này không liên quan đến ngươi, cái của ngươi ở đây cơ.” Nói rồi người đó chỉ cho Thích Lan thấy, Thích Lan đưa tay nhấc nó lên, quả nhiên khẽ đưa tay đã nhấc được, bên phía trong cốt mũ có hai chữ “thất phẩm”. Quả nhiên sau này Thích Lan làm đến chức quan Biên tu tại Hàn lâm viện thì qua đời, vừa đúng là chức thất phẩm. Trong tập khác của quyển Canh tỵ biên còn nói, Thích Lan sau này trở thành thủy thần ở hồ Bà Dương, không biết đó là chức quan mấy phẩm, cho dù là “thần thông minh chính trực”, chắc chức vị cũng không cao lắm. Nhân vật sau khi chết trở thành thần, lúc sống chẳng qua cũng chỉ là một viên quan nhỏ bé, có người nhìn thấy trên đầu lợn, đầu chó có đội mũ san hô, mũ lông công, bèn giận dữ than trời bất công, có cần thiết như vậy không nhỉ?
Những câu văn vụng về đến đây cũng nên được kết thúc, nhưng phần kết không tránh khỏi cảm giác khô khan, cứng nhắc. Cũng may hôm đó gặp mấy người bạn, rồi cùng bàn về “sổ âm phủ” và “sổ dương gian”, sổ nào “thắng thế” hơn. Một người bạn bèn nói: “Anh nói rằng sổ âm phủ “giống ở dương gian”, thậm chí còn phúc tạp và nghiêm ngặt hơn so với dương gian, tôi cho rằng chưa chắc. Để tôi kể cho anh nghe về quyển “sổ dương gian” mà tôi đã tận mắt nhìn thấy, trong các loại sổ âm phủ mà anh biết chưa chắc đã có.” Sau khi anh bạn kể xong, tôi thử quy nó vào loại “sổ sinh tử”, thấy không thỏa đáng, quy vào “sổ thực phẩm” cũng không phù hợp. Nay tôi xin thuật lại câu chuyện đó phía dưới, xin quý độc giả phân loại giúp. Tuy ở đây có chút trật thứ tự, nhưng nó cũng chính là lối “không có căn cứ”.
Bỉ nhân theo học một khoa,làm quan năm mươi năm nay, lộc thu về đương nhiên cũng có, nhưng xem ra vẫn chưa đủ để gia nhập bảng xếp hạng đại gia tại các trường đại học bây giờ. Nhưng khoa chúng tôi cũng có những sự tích đủ để lưu danh thiên cổ, tuy không đến mức kinh thiên động địa, nhưng đôi khi cũng khiến quỷ thần phải rơi nước mắt. Người xưa nói: “Thà làm miệng gà, chứ không làm đuôi trâu.” Người nay nói: “Không sợ Xuy Phá Thiên[6], tôi có một chiêu riêng.” Sự việc tuy nhỏ nhưng cũng không phải là không thể gia nhập Vô song phổ[7]. Có điều đáng tiếc là, hiện nay, tuy hầu hết các trường đại học danh tiếng đều đã viết lịch sử trường, nhưng không hiểu vì ai mà người viết kỵ húy không viết những điều như vậy vào quyển “chính sử” của họ.
[6] Tên nhân vật biểu diễn của diễn viên xiếc nổi tiếng Hà Thụ Sâm.
[7] Quyển sách tổng hợp thơ, văn, hình ảnh của bốn danh nhân nổi tiếng thời xưa của Trung Quốc là Hạng Vũ, Tô Vũ, Lý Bạch, Tư Mã Thiên.