Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 36- part 2
Từ đó có thể nhận ra, sổ âm phủ của phái không gian hóa ra lại có nguồn gốc sâu xa với Đạo giáo bản địa Trung Quốc, vì thế họ trích ra từ Kinh Thái Bình cũng là việc hết sức đương nhiên. Dùng biện pháp mềm mỏng để đối phó với mật thám, có thể gọi đó là tinh túy trong chiến thuật của Lão Tử, chưa bắt đầu thì chưa ảnh hưởng đến đời sau. Nhưng quyển sổ thiện ác đó lại hoàn toàn trùng khớp với nguyện vọng của các bậc chính nhân quân tử sau này, họ có bổ sung thêm phần thiếu sót “trong quan phủ ở dương gian không có điều lệ ghi chép lại công danh và sai sót của con người”, đối với những người dân thường mà nói, họ không thể chỉ nói “cùng lắm là chết chứ gì?” là có thể ứng phó được với quá khứ.
Gần đến triều Hán Ngụy, tăng lữ Phật giáo Tây phương liên tiếp tới Trung Quốc vài lần, tuy họ vẫn chưa thể tự do truyền giáo vào đời sống của người dân Trung Quốc, nhưng những tác phẩm kinh điển của Phật giáo đã bắt đầu được dịch sang tiếng Hán, trong đó quan điểm ở âm phủ đã có địa ngục (tám địa ngục lửa, tám địa ngục băng) dưới ngọn núi Thiết Vi lớn. Nhưng khi họ biên dịch, với một chút lơ là đã tạo ra từ “địa ngục Thái Sơn”, Thái Sơn vốn có nghĩa là một ngọn núi khổng lồ, chính là chỉ ngọn núi Thiết Vi kia. Nhưng các vị hòa thượng Tây phương chưa từng nghĩ tới sẽ sang núi Đông Nhạc để vẫn có thể viết được Thái Sơn, càng không nghĩ địa ngục Thái Sơn của mình bị con rắn Địa đầu lấy đi mất, sau khi thay đổi một chút đã biến thành đồ của người ta. Hóa ra, tôn giáo bản địa của Trung Quốc lúc bấy giờ cũng đang trong giai đoạn phát triển, Trương Lỗ – đệ tử của Ngũ Đấu Mễ đạo[3] gần như đã hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo, đại anh hùng Tào Mạnh Đức cảm thấy đó không phải là một việc tốt, nên sau khi bình định Hán Trung, ông bèn “Võ Ngụy cung roi” dồn tất cả phương sĩ khắp nơi rầm rộ tiến về kinh thành trong phạm vi thế lực của mình, sử dụng hình thức chăm nuôi để nhốt họ lại. Những phương sĩ sống tản cư bên ngoài sau khi vào đến những đô thị lớn, họ có cơ hội để giao lưu với đủ các loại người, và thời bấy giờ hòa thượng cũng là một loại phương sĩ. Tôi đoán rằng, vào lúc này, “địa ngục Thái Sơn” của Phật giáo đã bị các phương sĩ địa phương “vay mượn” thành “Thái Sơn Phủ Quân” mang cái mác MADE IN CHINA. Ông Tiền Trọng Thư nói: “Từ lúc ngựa trắng chở kinh về, Thái Sơn càng trở thành một cái tên khác của địa ngục”. Thái Sơn từ một ngọn núi thần tiên biến thành quỷ phủ, đó là việc xảy ra sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, và lúc đó quyển sổ âm phủ trong nha môn Thái Sơn Phủ Quân bắt đầu xuất hiện phái thời gian. Dưới đây là câu chuyện sau khi Thái Sơn Phủ Quân nắm giữ âm phủ:
Năm Kiến An, triều vua Hán Hiến Đế, tại Nam Dương có người trên Giả Ngẫu, tự là Văn Hợp do mắc bệnh mà chết. Khi chết, có viên quan nhỏ cầm một chiếu chỉ của Thái Sơn tới. Những người trùng tên Văn Hợp có tất cả mười người cả nam lẫn nữ, quan tư mệnh kiểm tra kỹ lại, rồi nói với quan hành sự rằng: “Nay muốn triệu Văn Hợp tới, làm thế nào để triệu được người này? Hãy mau chóng trả hắn về dương gian.” (“Sưu thần ký” quyển hai mươi mốt.)
[3] Ngũ Đấu Mễ đạo: nghĩa là “ đạo Năm Đấu Gạo”, cũng gọi là Thiên Sư đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán (25-220) trong lịch sử Trung Quốc, do Trương Lăng (34-156) sáng lập.
Diêm phủ đã bắt nhầm người, khiến người ta phải chết oan, người không nên chết thì đã chết, còn người nên chết thì vẫn sống. Hãy quay lại xem quá trình bắt bớ trong Kinh Thái Bình, có thể thấy khi lấy căn cứ là quyển sổ thiện ác thì việc bắt bớ sẽ không được thực hiện một cách dễ dàng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào tên của những người đã hết hạn sống trong sổ thiện ác hiện nay, trường hợp trùng tên là rất nhiều, phải tra thêm hộ tịch, nhưng thi thoảng cũng xảy ra sơ suất, để rồi bắt những người không liên can tới Diêm phủ. Nhưng theo quy định nghiêm ngặt của phái thời gian, nếu người này chưa đến hạn chết, thì Diêm phủ không thể bắt bớ linh hồn của anh ta, nhưng giống như những tên quan phủ trên dương gian, họ không bao giờ chịu nhận lỗi về mình, đã s ai thì cho sai luôn, hoặc giống như Đào Cương, triều Lý đã bắt nhầm nhưng vẫn bị Diêm phủ giữ lại linh hồn, điều đó là không thể được. Nếu đã không thể giữ được linh hồn người đó, vậy chỉ còn cách đưa họ trở về dương gian, nếu không người bị bắt nhầm sẽ trở thành linh hồn lưu lạc không nơi trú thân, để rồi biến thành kẻ trụy lạc chết thảm trong cô đơn, từ đó quay lại quấy phá hai giới âm dương, đó cũng là sự việc khiến người ta hết sức đau đầu. (Sau này, vấn đề này đã có một cách giải quyết thích hợp, đó là thiết kế một nơi thu nhận hoặc tập trung tất cả linh hồn chết oan lang thang, điều này sẽ được bàn tới trong chương khác.)
Vị Giả Văn Hợp này vẫn được coi là may mắn, khi quan tư mệnh tới đón nhận linh hồn mới phát hiện ra có trên mười trường hợp trùng tên. Sau khi rà soát kỹ càng, quả nhiên có sai sót, chỉ còn một cách đó là mau chóng thả linh hồn người này trở về dương gian. Trên đường trở về dương gian, Giả Văn Hợp gặp một người phụ nữ cũng bị bắt nhầm rồi được thả về. Nhưng thế giới âm phủ hỗn loạn, thời gian gấp gáp, dù là một người phụ nữ yếu đuối nhưng mấy tên nha dịch cõi âm vẫn mạnh tay mạnh chân quẳng hai linh hồn trở về dương gian rồi nhanh chóng biến mất. Trên con đường u tối của thế giới âm phủ, cô gái gặp rất nhiều khó khăn, cũng may gặp được chàng thanh niên Giả Văn Hợp, hai người giúp đỡ nhau trên suốt chặng đường, cuối cùng cả hai cũng tìm về được với dương gian, đồng thời họ tạo nên một mối nhân duyên hạnh phúc, khiến người ta hiểu ra rằng, hóa ra việc tốt luôn xuất hiện từ những việc không may, khi tổ chức lễ thành hôn đừng quên mang kẹo cưới gửi tặng anh lính sai đã bắt nhầm hai người tới âm phủ nhé!
3
Từ thời Hán – Ngụy đến nay, những câu chuyện “bắt nhầm – trả về” nơi cõi âm xảy ra quá nhiều, có thể nói đó là một loại lớn trong các loại chuyện về thế giới âm phủ. Tuy rằng trong những yếu tố tạo nên loại hình này không thể thiếu quyển sổ sinh tử. Nhưng điểm quan trọng của câu chuyện không phải ở chỗ muốn chứng tỏ quyền uy của sổ sinh tử, cũng không phải để tạo nên những câu chuyện tốt đẹp như của chàng trai Giả Văn Hợp và cô nương Đỗ Lệ. Loại chuyện này sở dĩ được nhắc đến nhiều lần, được các tín đồ Phật giáo không ngừng tuyên truyền, giảng giải, đó là vì nó có nhắc tới tình tiết tham quan địa ngục. Đã bắt nhầm, theo lý phải trả người về, nhưng Diêm Vương còn đảm nhiệm công tác bộ trưởng bộ tuyên truyền trong thế giới âm phủ, thế là ông không để cho người đó uổng phí một lần đến đây. Diêm Vương cử người dẫn họ đi tham quan tất cả mười tám địa ngục, hơn nữa không biết ông đã giở trò gì mà bình thường sau cơn mơ, người ta sẽ quên gần hết những điều đã xảy ra trong đó, nhưng ở đây, những người này sau khi trở lại dương gian, họ có thể viết ra những bài bút ký thực sự sinh động về quá trình tham quan địa ngục.
Nhưng những câu chuyện lấy sổ sinh tử và thuyết định mệnh làm chủ đề cũng không ít, đó là những câu chuyện kể quan âm phủ cầm quyển sổ sinh tử tới chiến trường để điểm danh những binh lính đã hi sinh.
Đây cũng chính là chủ đề chính của các câu chuyện về cõi âm có sức sống từ hàng ngàn năm nay. Câu chuyện sớm nhất xuất hiện trong Bác dị chí của Cốc Thần Tử, người thời Đường và Hà Đông ký của Tiết Ngư Tư, còn đến cuối triều Thanh, những chuyện như thế này vẫn được người ta đón nhận một cách thích thú. Bác dị chí kể về Bình hoắc tây Ngô Nguyên Tế năm Nguyên Hòa thứ mười hai, triều vua Đường Hiến Tông. Khi Triệu Xương Thời trở thành phó tướng của Ngô Nguyên Tế, ông cùng với Lý Tố chiến đấu tại thành Thanh Lăng, rồi bị trúng đao từ phía sau, ông ngã xuống từ trên lưng ngựa mà chết. Vào khoảng bốn giờ sáng, ông bỗng như vừa bừng tỉnh khỏi giấc mộng, nghe thấy bên ngoài tiếng tướng lính đang điểm danh duyệt binh, hô đến tên của ai, người đó dõng dạc lên tiếng đáp lời. Cứ như vậy họ đã điểm danh cả hơn nghìn người. Triệu Xương Thời chú ý lắng nghe, nhưng đến khi công việc điểm danh hoàn tất, vẫn không nghe thấy ai điểm danh tên mình. Trời chuyển sáng, người điểm danh đã không còn ở đó nữa, Triệu Xương Thời băn khoăn ngồi dậy, ông nhìn những xác chết xung quanh mình, tất cả đều là những người được đọc tên lúc đêm qua, giờ đây ông mới biết hóa ra là đêm qua quan âm phủ điểm duyệt, những chiến sĩ chết nơi trận mạc đều là định mệnh cả.
Chủ đề của câu chuyện chính là “định mệnh”. Nhưng nếu người đã chết, thì quan âm phủ chỉ cần điểm tên của linh hồn là được rồi, sao còn phải đối chiếu với những thi thể đã chết? Trừ phi những hồn ma của binh lính cũng cần tập hợp xếp hàng rồi bắt đầu đi duyệt binh? Lý do đó dường như không được hợp lý thì phải, nhưng trong buổi điểm danh đêm qua, giọng đáp lời của những binh lính đã chết tạo nên một không khí rất ghê rợn, đó chính xác là một thành công trong việc sáng tác những câu chuyện ma. Nó xứng đáng liệt vào danh sách những đề tài khủng bố đến dựng tóc gáy như xác chết di động, linh hồn quay lại, hồn ma hàm oan… Bởi thế, những thế hệ sau sẽ không thấy chán khi lặp lại chúng, và thỉnh thoảng họ cũng cho thêm những nguyên liệu mới mẻ vào trong câu chuyện. Thế là “chỉ cần hô gọi họ tên, xác chết lập tức đứng dậy đáp lời” (chương Vương Tuyên Trạch mượn binh, quyển mười, cuốn Di kiên chí bổ của Hồng Mại thời Nam Tống), khi được gọi đến tên, người đó đã là một xác chết cương cứng, chỉ có thể nhảy lên theo chiều thẳng đứng miệng hô “có”, sau đó lại “phịch” một tiếng đổ thẳng xuống đất. Dưới ánh trăng ảm đạm, hàng nghìn xác chết cứ làm đi làm lại như thế, đó là cảnh tượng “đêm người chết sống lại” khiến người ta chỉ cần nghĩ tới đã thấy dựng tóc gáy. Nhưng dường như chúng vẫn để lại những điểm có thể tiếp tục phát huy, để rồi đến đầu đời Thanh, trong tác phẩm Thục Bích lại yêu cầu “sau mỗi một tiếng điểm danh, người chết liền xách đầu mình đứng dậy”. Các vị tú tài, các cử nhân lũ lượt kéo đến trường thi, họ biết rõ việc kiểm tra xác định nhân thân là tất yếu, vì thế họ cho rằng trong sổ sách âm phủ cũng nên có điều khoản “tuổi tác – hình dáng”, chẳng hạn như người chết nếu không xách chiếc đầu lâu “lấm lem máu” của mình sẽ dễ dàng bị cho là mạo nhận tên tuổi. Ngay cả các bộ phim khủng bố nhất như Xác chết di động cũng không thể so sánh được với những câu chuyện thuần túy theo đuổi hiệu quả gây sốc này, nhưng Bồ Tùng Linh vẫn có thể giúp không khí ghê rợn trong đêm chiến trận thời cổ đại được đẩy lên ột bậc.
Mẩu chuyện Liêu Dương Quân trong Liêu trai cũng đã sử dụng hình thức điểm danh, chỉ có điều người không phải chết đã bị chém rơi đầu, quan Diêm phủ bèn lệnh cho đám lâu la gắn đầu anh ta lại, sau đó đưa anh ta rời khỏi âm phủ, đây có thể cho là một sáng kiến mới mẻ, nhưng chưa tạo được nét độc đáo khác cho tác phẩm của mình. Còn chuyện Chó hoang kể rằng binh lính triều Thanh trấn áp bảy đội quân phiến loạn, giết người không ghê tay, một kẻ muốn thoát khỏi hoàn cảnh đó, bèn giả vờ chết giữa đống thi thể. Đợi đến khi quân Thanh rời khỏi, lúc đó đất trời cũng đã chìm vào màn đêm đen kịt.
Bỗng thấy cả rừng xác chết không đầu, không tay bỗng nhiên đứng dậy. Một trong những xác chết ấy đầu vẫn đang vắt vẻo trên vai, một âm thanh phát ra từ miệng người đó: “Tên chó hoang kia đến đây làm gì?” Cả đám xác chết cùng ứng theo: “Làm gì?” Nói xong, chúng lại đồng loạt ngã vật ra đất, không nói thêm lời nào nữa.
Bỗng chốc một rừng xác chết đứng bật dậy, rồi lại đột nhiên ngã vật ra đất, đó là giây phút tĩnh lặng bên xác chết vào lúc đêm khuya, để chờ đợi thứ đáng sợ nhất xuất hiện. Đoạn vừa rồi tuy không phải là câu chuyện về cảnh “điểm danh trên chiến trường”, nhưng nó đã tập trung vào hoàn cảnh khủng khiếp của câu chuyện, thể hiện thành công tính thảm khốc của cảnh chết chóc giết hại người dân không ghê tay của binh lính triều Thanh. Vậy nếu là cảnh bị chết chìm giữa sông thì sao? Trong chương Phú quý sống chết có số,quyển bốn, cuốn Khách song hiếm thoại – phần tiếp theo, Ngô Xí Xương có viết, những kẽ chết đuối, chết chìm cũng có một viên quan âm phủ đến điểm danh. Vậy tất nhiên những xác chết ở đây không thể gây ra những cảnh kinh hãi như những xác chết cứng đơ nơi đồng không mông quạnh được. Nhưng hãy tưởng tượng, những xác chết đứng dậy lửng lơ trên mặt nước, xếp thành hàng ngũ, chắc có lẽ sẽ tạo cho bạn một cảm giác cõi âm khác biệt chứ!
Nhưng những câu chuyện cũng không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cảm giác sợ hãi, chủ đề định mệnh cũng được chú ý và thực hiện sâu sắc hơn. Những người chưa đến số phải chết không những không phải điểm danh, mà quan âm phủ còn vạch trần ra xem người này sẽ chết sau bao nhiêu năm nữa, và sẽ chết ở nơi nào. Tác phẩm Quý tân tạp thức của Chu Mật người Nam Tống có ghi lại câu chuyện xảy ra vào thời Nam Tống Ninh Tông: người Mãn xâm phạm từ phía nam, giết người vô kể, xương chất thành núi, thịt chất thành tầng, giết xong chúng còn lùng sục lại xem có ai chưa chết hẳn thì dùng búa sắt đánh cho chết hẳn rồi mới chịu đi. Trong số đó có một người may mắn vẫn chưa chết hẳn, đêm đến, thấy người của quan phủ đốt đèn đi tới điểm danh người đã chết trong sổ, đọc đến tên người nào, xác chết của người đó đứng bật dậy, rồi lại lập tức ngã xuống. Khi đọc đến tên người kia, anh ta cũng đứng dậy. Lúc này, bỗng nghe có người nói: “Người này vẫn chưa chết.” Và rồi theo sổ sinh tử viết: “Sau hai mươi năm nữa ngươi sẽ chết ở Thần Châu.” Người này đã được miễn chết, mặc dù sau này anh ta đặc biệt cẩn thận không bao giờ đi Thần Châu, luôn sống an phận theo pháp luật, nhưng cuối cùng anh ta cũng không thoát được định mệnh của mình, phải chịu một nhát đao oan uổng trên pháp trường Thần Châu.
Về sau, chương Thủ thuật chi bại, quyển mười hai, cuốn Lưỡng sơn mặc đàm của Trần Đình người đời Thanh, chương Kẻ họ Nhược trong quyển Sạn trong ngọc của Đổng Cốc, chương Sống chết định trước, quyển sáu, cuốn Dung am bút ký của Tiết Phúc Thành, người đời Thanh, ba tác phẩm này cơ bản cũng kể về những cảnh tượng như vậy, không thấy xuất hiện bất kỳ một chi tiết mới nào. Chỉ đến tác phẩm Di viên đàm dị của Trần Dị người đời Thanh, trong chương Kẻ mặt rỗ họ Châu, “phái không gian” mới tham gia vào thể loại truyện này.
Vào năm Kỷ Mùi, năm canh Thân Hàm Phong, quân Thái Bình chiếm lĩnh khu vực phía nam sông Trường Giang, và phía tây thành phố Trấn Giang, cả khu vực Dương Châu phía bắc sông Trường Giang, người dân không mắc bệnh tật, cuộc sống êm đềm. Giang Nam rơi vào bẫy, người dân muốn chạy trốn và đa số đều chết bởi binh lính đem ngựa đuổi theo chém giết, hai bên sông xác chết thành đập. Một người họ Giáp may mắn sống sót, nằm ẩn mình trong đám xác chết, nửa đêm, những tiếng hô gọi từ xa vọng lại, anh ta thấy thần Thành Hoàng dẫn theo quan binh âm phủ cầm sổ sinh tử điểm tên xác chết. Đọc đến người họ Giáp này, Thành Hoàng nói: “Không phải, ngày mai tên mặt rỗ họ Châu sẽ cướp đi mạng sống của ngươi.” Ngày hôm sau, người họ Giáp này gặp một người phụ nữ, cô ta nói mình bị cướp hết tiền bạc, giờ đây không biết sống bằng cách nào, nên muốn đi tìm cái chết. Người này nghĩ, đằng nào hôm nay ta cũng chết trong tay tên mặt rỗ họ Châu, vậy ta còn giữ tiền làm gì? Nghĩ rồi anh ta khẳng khái đưa tất cả số tiền của mình tặng cho người phụ nữ. Quả nhiên, một lúc sau, anh ta nhìn thấy một người vung đao lao tới, người họ Giáp liền gọi: “Châu mặt rỗ!” Người kia hỏi: “Sao ngươi biết tên ta?” Người họ Giáp tiến lên phía trước, nói: “Hôm nay ta sẽ chết trong tay Châu mặt rỗ nhà ngươi, xin hãy mau giết ta đi.” Châu mặt rỗ kinh ngạc đáp: “Đồ điên! Ngươi bảo ta giết ngươi, nhưng ta không giết đấy.” Thế là người họ Giáp cứ khăng khăng đuổi theo Châu mặt rỗ yêu cầu hắn giết mình, Châu mặt rỗ thấy vậy như gặp phải ma, hắn cướp chỗ tiền của người phụ nữ kia rồi nhanh chóng tẩu thoát. Câu chuyện hình như có chút thay đổi, thực ra đó chẳng qua là lối viết lấy việc thiện để thay đổi định mệnh đã cũ mèm mà thôi, nói cho cùng, chúng vẫn không thể tách rời hai chữ “định mệnh”.
Xét cho cùng, định mệnh trong sổ sách âm phủ là một thứ rất lạnh nhạt, rất vô tình, nó coi việc quản lý chặt chẽ mạng sống của con người là thay đời hành đạo. Quyển sáu trong Mao đình khách thoại của Hoàng Hưu Phục, người thời Bắc Tống có chương Ai Diên Tộ, chương này đã dùng câu chuyện sổ sinh tử điểm danh để biện hộ cho việc giết người trong vụ trấn áp cuộc khởi nghĩa Lý Thuận tại Thành Đô: “Được biết triều đình truy đánh quân phản nghịch, giết chết nhiều người, đó là thay trời hành đạo, không có gì là sai cả.” Triều đình giết người là tuân theo lệnh trời, hàng ngàn, hàng vạn người dân vô tội bị cướp đi mạng sống, đó tuyệt đối không có gì oan uổng cả. Vậy những người thuộc dân tộc khác tới xâm phạm, họ cũng giết hại biết bao người dân hiền lành, vậy nó được coi là gì? Quyển bốn, tác phẩm Bàn về núi Thiết Vi của Thái Điều thời Nam Tống có viết, vào năm Kiến Viêm Nam Tống, quân đội nhà Kim xâm lược từ hướng nam, triều đình bỏ mặc dân chúng, một mình tháo chạy về hướng nam, nhằm khiến quân địch mắc lừa. Quan Lang Hầu Mậu cùng hai người khác không kịp chạy trốn, bèn nấp mình trên chiếc cột lớn ở gian giữa ngôi nhà trong vườn hoa. Một ngày nọ, họ nhìn thấy hàng nghìn quân nhà Kim lũ lượt kéo tới, chúng ngồi trong gian giữa, lệnh cho lũ lâu la áp tải những người dân bị bắt vào trong, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, chúng nhất loạt dùng gậy đập chết, xác người chồng chất lên nhau. Xế chiều, khi giết hết số người ở đó, chúng mới rời khỏi. Đến nửa đêm, quan binh âm phủ đến điểm danh, trong đó chỉ có bốn xác chết được quan binh âm phủ nói “không phải”. Ngày hôm sau, quả nhiên chỉ có bốn người đó sống lại. Đương nhiên sự việc này cũng là do “ thiên mệnh”, không liên quan gì đến sự phủ bại, bất lực, chỉ biết lo cho bản thân của triều đình. Đói khát, hoang tàn, lạnh giá, binh biến, ôn dịch, lũ lụt, động đất…tất cả đều là do ông trời muốn “thu người”. Nếu đã là do ông trời muốn bắt lại, vậy anh không đi có được không? Hoàng đế muốn ngăn cản liệu có được không? Huống hồ Vạn Tuế gia lại là đứa “con trời” thực sự (lúc này cũng đừng kéo cả những “đứa con đáng tự hào của trời” được nhận học bổng vào nhé!), giúp cha mình một tay âu cũng là đạo lý muôn thuở ở đời!