Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 15- part 3
Trên núi Đồng Đình có rất nhiều ma đói. Có một gia đình đang hấp một khay bánh bao, bánh bao chín họ mở nắp nồi ra, nhìn thấy chiếc bánh bao tự động bay lên, làm cho chủ nhà thất thần, cái bánh bao to như cái bát mà trong giây lát đã co lại nhỏ xíu, bánh thì còn nhưng mùi vị thì giống như bột mì sống. Ban đầu họ không thể giải thích được hiện tượng này, sau có một cụ già nói rằng: “Việc này là do con ma đói cướp đi, nếu lúc vừa mở nắp nồi ra mà dùng bút màu đỏ chấm vào, ma sẽ không cướp được.” Nói như vậy nhưng cái nào đánh dấu được thì đánh dấu, cái nào bị co lại thì vẫn co, một người đánh dấu thì làm sao có thể thắng được đám ma đói kéo nhau hàng đàn đến cướp bóc!
Cũng trong tập Tử bất ngữ, cuốn hai mươi hai, Thành thần bất tất hiền nhân[22] có đoạn viết về việc ăn uống của ma như sau: “Tất cả các việc liên quan đến ăn uống của ma là chỉ ngửi mà không nuốt, những thức ăn nóng thì bị ngửi cho đến khi nguội lạnh.” Tinh hoa và hơi nóng cùng lúc mất đi, ma chỉ ăn những chất dinh dưỡng và vi lượng của thức ăn, cách ăn này rất hiện đại mà lại vô cùng khoa học, đã miễn được nhiều chuyện phiền toái khi tiêu hóa thức ăn.
[22] Nghĩa là: trở thành thần thánh không nhất thiết phải là người hiền tài.
5.
Chăm lo hương khói, thờ cúng tổ tiên là những hành động thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu ở chốn nhân gian. Khi chôn cất quan tài, ngay cả hoàng đế thuở xưa dù có được cúng bái hàng nghìn vật ngon của lạ thì dùng mãi cũng có ngày hết[23]. Vì vậy, con cháu cần nhớ vào những dịp giỗ, tết phải cúng lễ tổ tiên cho chu toàn, cẩn thận. Ngoài cúng tiệc rượu còn phải hóa quần áo, tiền vàng làm từ giấy… Nói tóm lại, cháu con phải làm sao để ông bà, cha mẹ mình ở chốn âm tà lạnh lẽo không phải lo lắng đến chuyện ăn mặc, có như vậy mới làm tròn đạo hiếu với người đã khuất. Hình thức thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình đến nay đã có nhiều thay đổi. Mặc dù có điểm mâu thuẫn là trong đạo Phật không có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng trong lễ giáo bao đời của người Trung Hoa, phong tục ấy vẫn không hề bị mai một. Vào thời cổ đại, ngoài việc tế Xuân Thu ra, trong các ngày lễ, tết khác, người người nhà nhà đều không quên thờ cúng tổ tiên. Mặc dù đến xã hội hiện đại, hình thức thờ cúng tại gia đã không còn giữ được nguyên gốc những tập tục dân gian tự thuở xa xưa, nhưng tinh thần của những ngày tết Thanh minh tảo mộ, tết Đông nguyệt “gửi áo ấm mùa đông” vẫn còn lưu giữ được trong dân gian. Tuy nhiên, để những phong tục này được lưu truyền mãi mãi, rất cần có một tư tưởng nhất quán làm tiền đề, đó là niềm tin vô hình vào sự tồn tại vĩnh cửu của các vong hồn tiền nhân ở chốn u minh, địa phủ.
[23] Căn cứ theo Cựu Đường thư, hoàng đế lúc nhập quan thì phải cúng ở trong cung “nghìn vị thực”, thủy lục cùng các món khác lên đến hơn một nghìn loại, màu sắc phong phú, bắt mắt rồi để vào phần mộ, kèm theo là hoa quả và thịt ngựa, trâu, lừa, bê, hoẵng, hươu v.v…, cùng với hơn ba mươi loại rượu.
Chính điều này đã làm nảy sinh một mâu thuẫn mới trong văn hóa vong hồn của người Trung Quốc. Bởi lẽ, theo quan niệm của Phật giáo, và trong nước cũng có một bộ phận người dân tin tưởng, tiếp thu qu định của lục đạo luân hồi, nghĩa là những hồn ma mà hậu nhân vẫn chăm lo thờ cúng vốn đã được đầu thai đến thế giới dương gian rồi. Và nếu như thời gian mà có sự trùng hợp thì việc đầu thai chuyển kiếp ấy thậm chí còn nhanh hơn cả việc thay đổi một chuyến tàu, ở đây chưa qua “đầu thất”, bên kia đã qua “tam triều” rồi. Sau khi chuyển thế, người có phẩm tiết, đức hạnh sẽ được đầu thai thành người có quyền cao, chức trọng, còn kẻ thấp hèn, xấu xa thì sẽ phải làm chó, lợn cả đời để phục dịch con người. Vậy thì, trong thế giới âm phủ còn có vong hồn nào mà mấy mươi đến mấy trăm năm chịu đói khổ giữa chốn u minh lạnh lẽo ấy nữa! Nhưng văn hóa hồn ma ở Trung Quốc lại rất quan tâm việc thờ cúng tổ tiên, vậy thì lý luận Phật giáo của người phương Tây du nhập vào cũng cần phải tuân theo các đặc trưng của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, khi thờ cúng tổ tiên, chúng ta đều lấy tiền đề là tổ tiên ở thế giới bên kia đang bị đói, bị rét làm cơ sở để nương theo. Việc cúng tế và câu chuyện luân hồi chuyển kiếp là hai việc làm tưởng chẳng có gì tương tác với nhau, nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì điều đó vẫn có thể xảy ra. Câu chuyện dưới đây trong Ngụ phổ tạp chí của Vương kỳ, cuốn bảy, Lâm Nhất Ngạc trú mộng[24] đã minh chứng điều đó:
[24] Nghĩa là: Lâm Nhất Ngạc nằm mơ giữa ban ngày.
Lâm Nhất Ngạc làm quan ở Giang Tây, vào ngày lễ Trung nguyên chợt nằm mộng giữa ban ngày. Trong giấc mộng, ông thấy mình may mắn được hưởng đồ thờ cúng của Nhất phu nhân. Kinh ngạc hơn, khi tỉnh dậy liền thấy những đồ vật ấy ở ngay cạnh mình. Ngơ ngác nhìn quanh thì phòng ốc, đường xá vẫn y nguyên như trước. Ông đi theo hướng được chỉ sẵn trong giấc mộng, quả nhiên gặp một cụ bà khoảng hơn bảy mươi tuổi đang thắp nhang thờ cúng người chồng quá cố của mình, tro hóa vàng vẫn còn chưa nguội. Hỏi cụ về ngày giờ, tháng, năm mà chồng cụ mất, lại trùng khớp với ngày sinh mà trong mộng Lâm Nhất Ngạc vừa mơ thấy. Anh ta cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Sau khi biết chuyện về người chồng quá cố của cụ già ấy. Lâm Nhất Ngạc cũng thường xuyên mang chút đồ đến thăm nuôi cụ.
Người đang sống giữa chốn dương gian mà lại được hưởng đồ cúng tế của người thân ở kiếp trước, câu chuyện này quả thực có chút gì đó vô cùng kỳ quái, nhưng sau khi đọc xong thì lại khiến người ta có cảm giác thương cảm vô cùng. Tình cảm của đôi vợ chồng già mấy chục năm mà nay gặp mặt lại không hề quen biết, lão phu nhân vẫn ngày đêm tưởng nhớ người chồng quá cố của mình. Trong khi đó, linh hồn người chồng quá cố sau khi chuyển thế lại không lưu lại chút ký ức nào từ kiếp trước. Cái gọi là “mang chút đồ đến thăm nuôi” đó chỉ là tình thương của người qua đường dành cho bà lão già yếu mà thôi. Tuy nhiên, chuyện này cũng không thể trách người ta vô tình, “song dài trăm thước, da dê năm bộ, bây giờ là người phú quý rồi thì quên đi những việc đã làm trước đó”. Chỉ trong thoáng chốc đã làm cho người khác giật mình hiểu ra ý nghĩa sâu sắc của câu “chỉ trong nháy mắt mà xa cách nghìn trùng”. Những câu chuyện kiểu như thế này lần đầu tiên xuất hiện trong các tác phẩm văn học thời Nam Tống, Thiệu Bác trong Thiệu thị vấn kiến hậu lục, cuốn ba mươi, Lục xán, hay thời nhà Minh trong Canh tị biên, cuốn bốn, Như Công hay Mẫn Văn Thành trong Thiên thái lô hy triết… đều lấy việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình để chứng minh sự tồn tại của luân hồi. Nhưng chính người viết cũng không nghĩ đến tác dụng ngược lại, họ thờ cúng tổ tiên trong nhà nhưng cùng lúc họ dùng luân hồi để chứng minh sự vô ích của việc thờ cúng đó. Lô Kỳ Dã đã viết một bài tùy bút, trong đó có nhắc đến chuyện ngày lễ tết, vì đồ ăn quá nhiều nên dễ làm cho con người cảm thấy ngán, liền nói đùa rằng: “Chắc chắn đã ăn phải đồ tế phẩm của con cháu ở kiếp trước rồi.” Phải chăng việc thờ cúng trong gia đình là điều vô ích, vậy thì cần gì phải duy trì tục lệ lâu đời ấy nữa? Nhưng nếu làm như vậy thì luân lý vững chắc của người Trung Quốc tự ngàn xưa chẳng phải sẽ sụp đổ hay sao? Cho nên những câu chuyện như vậy thường gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong suy nghĩ, tư tưởng của nhân gian và vì thế cần liệt vào những chuyện “nói không” khi bàn tới.
Hơn nữa, điều làm cho người thời nay cảm thấy vô cùng kỳ quái đó là, rõ ràng chúng ta nghĩ tổ tiên ở thế giới âm phủ vô cùng đói khổ, vậy tại sao con cháu ở chốn trần gian lại không thể “nhân cách hóa” thế giới của người chết một chút, thổi vào đó một chút không khí ấm áp, tươi vui? Họ thậm chí không phải tổn hao công sức mà chỉ cần dùng mồm miệng, dùng tiếng nói của mình là có thể tạo ra một thiên đường rộng lớn, tiện nghi, có đầy đủ “điện, nước, điện thoại, tầng trên, tầng dưới…” cho tổ tiên của mình, và thêm nữa là thức ăn, thức uống dư thừa, chưa hết, còn không phải lo toan miếng ăn, cái mặc hằng ngày. Vậy tại sao họ cứ phải để tổ tiên mình trong tình trạng bụng đói cồn cào, miệng mồm khô khốc, mắt nhắm nghiền, rệu rã chờ sự nuôi dưỡng mà vài tháng mới có một lần, đồng thời cũng gây nên không ít rắc rối cho bản thân mình?
Ý tưởng xây dựng thế giới âm phủ thông thẳng đến thiên đường hoặc thế giới thần tiên cũng đã từng có người nghĩ ra. Trong Dậu dương tạp trở của Đoàn Thành Thức dẫn ra một câu chuyện kể việc Triệu Bùi đến âm phủ. Triệu Bùi bị bệnh mà chết, được Châu y Nhân nhận về âm tào địa phủ, dẫn đi thăm thú một vòng. Cảnh tượng vô cùng sầu thảm hiện ra trước mắt, không có một tấc đất nào được coi là có hạnh phúc. Sau đó, Châu Y Nhân hỏi Triệu tiên sinh: “Ông có muốn đi thêm một chút nữa để đến “thượng thanh” không?” Và thế là đã đến “thượng thanh” tiên cảnh, cảnh vật đẹp đến mê hồn. Ở địa phủ mà lại có cổng sau thông lên tiên giới, ngay cả vị hòa thượng nào đó có công tạo ra âm phủ có lẽ cũng không thể nghĩ ra. Châu Y Nhân rõ ràng là đang “kéo khách hàng” về cho đạo sĩ. Vì vậy, loại truyện như thế này chỉ khiến người ta cảm thấy đây chẳng khác nào khu chợ tranh giành tín đồ giữa đạo sĩ và hòa thượng mà thôi, khó mà làm cho người khác tin vào những lời nói khoác lác, thổi phồng đó được. Ngoài ra, hòa thượng cũng không dễ để bị người ta đưa ra đùa cợt, cho nên, lẽ đương nhiên họ sẽ không để lão đạo sĩ khoét lỗ ở góc tường dưới âm phủ làm cửa sau, vì thế con đường tắt đến thượng thanh tiên cảnh không được người ta nhắc đến nữa.
Nhưng trong các loại “thiện thư” vẫn khuyến khích những linh hồn có giấc mộng đẹp mong muốn đến thẳng thiên đường. Những người hiền lương có tiền sau khi chết đi, đến sông Nại, người khác thì phải đi qua cây cầu nhỏ bé nước đen, bùn sục lên lầy lội, vô cùng đáng sợ, còn họ sẽ được những Tiên Đồng – Ngọc Nữ đáng yêu dẫn đường đến cầu vàng, cầu bạc, sau đó đặt chân lên hoa sen là có thể lên thiên giới. “Thiện thư” thường được đặt ở hai bên hành lang trong đền chùa tại Cảng Đài, ngoài việc bố trí, sắp xếp “Địa phủ du ký” ra, vẫn còn một loại nữa là “Thiên đường du ký”. Nếu chịu khó tu luyện để đến với thế giới Phật môn, khi đắc đạo sẽ được đưa đến một con đường dẫn người chết đến thế giới cực lạc của Phật quốc, giống như trong Thiên long bát bộ đã từng nhắc tới. Nhưng cách làm này phải chịu khổ cực một chút và không phải ai cũng dễ dàng đạt được ý nguyện, ngay cả phật Như Lai đã tu thành chính quả nhưng vẫn phải trải qua bao nhiêu cửa ải, bao nhiêu kiếp nạn. Với những kẻ phàm phu tục tử muốn đến được thiên đường, nếu không chịu được lục đạo luân hồi quay cuồng, điên đảo, lại bị đánh trên một nghìn tám trăm cái thì không cần nghĩ tới giấc mộng thiên đường nữa. Vì thế thiên đường này cũng chỉ để an ủi những phu thê ngu muội mà thôi, ở Trung Quốc đây vẫn là chuyện cần “nói không” như trước.
Sau hai lần “nói không” như vậy, dường như số phận của tổ tiên chúng ta cũng gần như đã được xác định rồi. Vậy nên nếu người dân trong nước một lòng một dạ hiếu thuận, tưởng nhớ thì liệt tổ liệt tông linh thiêng cũng sẽ vĩnh viễn thấu hiểu và vinh dự thưởng thức những đồ mà con cháu dâng hương tế lễ, đó cũng là điều thuận tình hợp lý.
6.
Từ thuở xa xưa, việc cúng tế tổ tiên luôn được xem là một việc làm thiêng liêng và vô cùng quan trọng, đặc biệt với những gia đình quyền quý, nó giống như được vinh dự vào triều vái Vạn Tuế gia vậy. Trong nhà thờ tổ tiên, đặt bài vị đầu tiên là của liệt tổ liệt tông, treo ảnh của tổ tông có ghi rõ họ tên, được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Người tế lễ đứng nghiêm túc, trang trọng dưới từ đường, khấu đầu cầu khấn rồi mời các vị tổ tông về thưởng thức đồ tế lễ mà con cháu dâng lên. Trong giờ phút linh thiêng ấy, hầu hết linh hồn của các vị tổ tông đều về dự đông đủ, ai nấy đều mặc quan phục hiển hách lúc sinh thời. Bài vị được sắp xếp theo thứ tự, tả đơn hữu song, bên cạnh thái sư đã kê sẵn giá đỡ, hương khói quấn xung quanh, cung phụng hương hoa, thêm nữa là một mâm cỗ đầy đủ các loại, mùi thơm từ các đĩa thức ăn bay lên. Các vị liệt tổ liệt tông vì giữ lòng tự trọng đã để bụng trống rỗng có khi đến vài tháng, nay nhận được sự bồi dưỡng một cách đầy đủ, không thể không đắc ý mà nghĩ rằng, được làm tổ tông thật tuyệt!
Nhưng sự thịnh vượng, đắc ý của người quá cố cõi u minh đó cũng phải có một tiền đề cơ bản để đảm bảo, đó chính là làm sao để con cháu sống chốn nhân gian không đoạn tuyệt việc hương khói! Một gia tộc hoặc một gia đình nếu chẳng may rơi vào tình cảnh tuyệt tử tuyệt tôn thì tất cả mọi niềm hoan hỷ sẽ biến thành bong bóng hết. Lúc ấy, đừng nói đến việc con cháu xếp hàng dài trong từ đường, mà ngay cả một bát cơm, một bát canh cũng không có người nhớ đến. Vì thế, cổ nhân rất coi trọng việc có con cháu nối dõi tông đường. Cái gọi là “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”[25], là bởi vì hậu quả của nó chính là làm cho tổ tiên mãi mãi trở thành ma đói. Trong Quảng dị ký có ghi chép việc Thượng thư Lý Hồi Tú sau khi chết, linh hồn dưới âm phủ có linh cảm rằng con cháu của mình có mưu đồ bất chính, chắc chắn sẽ gây họa diệt môn. Chỉ cần nghĩ đến việc sắp bị tuyệt tử, không có người hương khói mà nước mắt chảy ròng ròng. Cảnh bi thương đó thậm chí còn đáng thương hơn cả việc người già neo đơn tự nhiên bị cướp sạch khoản tiền dưỡng lão.
[25] Nghĩa là: có ba cái bị gọi là bất hiếu, và cái bất hiếu lớn nhất đó là không có con cháu nối dõi tông đường.
Đương nhiên dưới ảnh hưởng của Phật giáo cũng có người cho rằng “người và ma đi hai con đường khác nhau, lẽ nào còn tình phụ tử trăm năm”[26]. Một khi đã chết, tiền duyên cũng hết, mà người khoáng đạt sẽ để lại di chúc không cho con cháu thờ cúng mình. Nhưng cái đó rốt cuộc cũng chỉ là trường hợp ngoại lệ, không được các giáo phái khác ở Trung Quốc công nhận. Bởi thế, nếu không có cháu trai thì phải tìm một người con kế để làm hậu tự, đấy không những là việc “mua bảo hiểm” cho cuộc sống của mình sau khi chết, mà hơn nữa còn có liên quan đến “cái bụng đói” của tổ tiên nơi âm phủ. Bởi vì, giả dụ như ba đời đơn truyền, một khi đã tuyệt tử, việc ăn uống của đời ông, đời bố dưới âm gian cũng là cả một vấn đề. Cuốn mười sáu trong Hữu đài tiên quản bút ký của Du Việt có kể lại câu chuyện về một người sau khi chết không có cháu con thờ cúng, hồn ma của người đó suốt ngày đến nhà người thân để phá phách, ép họ phải lập tự ình. Người thân hỏi: “Sao lúc còn sống anh không lo lắng, vội vàng, bây giờ tới tìm tôi làm gì?” Hồn ma trả lời: “Đấy là do tổ tông vì tôi mà không có đồ ăn, họ không tha cho tôi đấy chứ!”
[26] Theo Bắc mộng tỏa ngôn của Tôn Quang Hiến thời Ngũ Đại, cuốn ba, Đường Lưu Sở thoát xác, từ rất sớm là văn học ứng vào sĩ cử, trong đó phần đức giới viết “bất cứ ai vào, nghèo hay giàu, không hy vọng về tôi. Nếu sau khi tôi chết, cũng đừng thờ cúng tôi”. Nói rồi lên thuyền đi câu cá làm thú tiêu khiển và không ai biết ông ở nơi đâu.
Mình không đẻ được con trai, chỉ còn cách dựa vào con trai kế để giải quyết vấn đề, nhưng việc “lập tự” không đơn giản như việc nhận một đứa trẻ ở cô nhi viện về nuôi. Từ thời nhà Hán, trong các câu chuyện ma quỷ đã xuất hiện một cách nói: “Ma của tổ tông không hưởng đồ tế lễ của người mang họ khác.” Trong cuốn Phong tục thông dịch[27] của Ứng Thiệu có một câu chuyện vô cùng kinh điển, cần phải giới thiệu toàn văn như sau:
[27] Nghĩa là: giải thích ý nghĩa của các phong tục.
Chu Ông Trung người Nhữ Nam, thời còn làm thái vị duyện thuộc (tức nhân viên công sở ngày nay), vợ ông sinh hạ một người con trai. Đến khi ông làm tướng Bắc Hải, liền phái thuộc hạ của mình tên là Chu Quang đến Nhữ Nam làm công chuyện. Lúc chuẩn bị xuất hành, Chu Ông Trung nói với Chu Quang: “Đợi sau khi anh làm xong công chuyện, vào ngày mùng Tám tháng Chạp, nhờ anh đưa con trai tôi đến tế lễ tổ tông của gia đình tôi.” Chu Quang vốn là người có thể nhìn thấy hồn ma, đợi khi anh ta từ Nhữ Nam về Bắc Hải, Chu Ông Trung liền hỏi anh ta về tình hình tế lễ ra sao, Chu Quang nói: “Khi tế lễ, tôi nhìn thấy một đồ tể mặc quần áo rách nát, tóc tai bờm xờm, đến thẳng bàn thờ, cầm dao cắt thịt cúng để ăn. Ngoài ra còn có mấy vị mặc quan phục, chỉ đi đi lại lại bên thùng đựng đồ ở phòng lớn mà không vào bên trong. Không biết nguyên cớ vì sao?” Chu Ông Trung nghe xong thì vô cùng phẫn nộ, cầm kiếm đi thẳng lên phòng, lớn tiếng quát mắng vợ mình: “Vì sao bà lại gian dâm với tên đồ tể sinh ra đứa con nghiệt chủng này?” Vợ ông ta nghe thấy thế cũng vô cùng tức giận trả lời: “Bình thường chẳng phải ông hay nói đứa trẻ này từ hình dáng, cử chỉ, điệu bộ đến giọng nói đều rất giống ông sao? Hôm nay ông không muốn sống nữa hay sao mà nói ra những lời điên cuồng như thế!” Chu Ông Trung kể lại tường tận mọi việc Chu Quang nhìn thấy, và nói: “Nếu bà không nói ra sự thật, tôi sẽ chém chết hai mẹ con bà!” Đến lúc này, người vợ mới khóc lóc nói ra sự thật: “Lúc đó tôi thấy chúng ta đều có tuổi rồi mà vẫn chưa có con trai, tâm lý bất an, liền đem đứa con gái vừa sinh xong đổi lấy đứa con trai của tên đồ tể, và còn cho gia đình họ một vạn quan tiền.”
Tổ tiên ở dưới âm gian chỉ có thể hưởng được đồ tế lễ của chính con cháu mình, điều đó đồng nghĩa với việc đồ tế lễ của con cháu thì chỉ có những người thực sự là tổ tiên của họ mới hưởng thụ được. Câu chuyện là một sự kết hợp khéo léo giữa việc phản ánh tín ngưỡng thờ cúng trong dân gian với việc lý giải chế độ tông pháp trong xã hội xưa. Họ cho rằng tài sản riêng của xã hội phong kiến được phân chia rạch ròi dựa vào “luận chính”. Vì thế, cuốn thứ chín trong tập Quý tân tạp nhận – Biệt tập của Chu Mật thời Nam Tống đã cải biên câu chuyện này một chút và đưa thêm một cái kết đầy kịch tính:
Vào ngày cúng thần (ngày mồng Tám tháng Mười hai) có quan gia đến nhà đồ tể, gặp đứa trẻ nhỏ rất đáng yêu liền bế đứa bé lên rồi nói rằng sau này, khi đứa bé lớn lên sẽ trở thành một người hiểu biết. Đứa bé khi xưa nay lớn lên quả thực có khả năng đặc biệt hơn người. Một lần, khi đang thờ cúng tổ tiên, bỗng mơ màng nhìn thấy tất cả các bậc tổ tiên đều đeo gươm đao trên người ngồi ngay ngắn. Một lát sau lại nhìn thấy một người mặc lễ phục có hoa văn đứng bên cạnh các bậc tổ tiên. Anh ta vô cùng kinh ngạc, liền đem cảnh tượng đó kể lại cho cha nuôi mình nghe. Lúc này người cha nuôi mới nói cho anh ta biết, nguyên tắc trong việc tế lễ là cha đẻ và cha nuôi phải được phân ra rõ ràng, thứ tự tiếp nhận đồ tế lễ không phải được sắp xếp theo cấp quan hay cấp bậc công lao. Cha nuôi nói: “Con cháu đời sau không thể không biết điều đó.”
Những đồ cúng lễ của con cháu trước tiên sẽ dành cho người thân thích ruột thịt với người dâng lễ hưởng thụ trước, còn bên dòng họ của người bố nuôi thì phải đợi sau, đến khi gia chủ ăn xong thì sẽ được ăn những đồ còn thừa lại. Kiểu lý giải như thế này so với chuyện của Ứng Thiệu có vẻ nhẹ nhàng hơn đôi chút nhưng vẫn làm cho tâm lý của người con nuôi không được thoải mái cho lắm. Phải đợi đến thời nhà Thanh thì vị trí của người con nuôi mới được khẳng định. Kỳ Vân trong tác phẩm của mình đã nói rõ hơn việc con nuôi không thể bị coi là người ngoại tộc. Nếu có sự phân biệt như vậy thì nhận người ngoại tộc làm con nuôi tất yếu tổ tông không được đến hưởng phúc. Do đó, phải coi con nuôi như con đẻ, có như vậy thì việc tổ tiên đến hưởng phúc của con cháu mới được đường đường chính chính, ngẩng cao đầu mà tự hào vì dòng dõi bao đời vẫn được nối tiếp mà không bị ngắt quãng. Trong Việt vi thảo đường bút ký, cuốn mười ba có viết:
Có người nhìn thấy ma nói: “Người con nuôi, là những người khác dòng họ, dù là con của người con gái, cháu của vợ, khi thờ cúng thì chỉ có những người sinh thành đến hưởng phúc, người đời trước không có ai. Phàm là người cùng họ, dù là ngoài năm đời thì khi thờ cúng vẫn có thể đến hưởng. Người sinh ra cũng đến, thức ăn để ở bên cạnh, mà không dám đến trước. Duy có Vu mỗ bế con nuôi Trương mỗ, khi thờ cúng vẫn đến sau để hưởng. Sau nhiều thế hệ mới biết, phu nhân của Vu mỗ có thai, sau đó cưới Trương sinh, là người trong tộc Vu.”
Có thể thấy, câu chuyện này muốn nói với người đời rằng, ai không có con trai, nếu muốn nhận một đứa con trai để làm con nuôi, tốt nhất nên chọn người trong tộc. Bởi vì nếu con nuôi là người ngoại tộc, kể cả là người rất gần với mình như cháu ngoại hoặc cháu bên đằng vợ, sau này, khi họ tế lễ tổ tiên, đến hưởng phúc chỉ có thể là người có cùng huyết thống. Mà con cháu trong bổn tộc, ngay cả ngoài năm đời, một khi họ trở thành con nuôi của bạn, vậy thì khi họ tế lễ, người đến hưởng phúc đầu tiên là bạn, mẫu tử thân sinh ra họ cũng chỉ được sắp sẵn thức ăn để ở bên cạnh mà thôi.
Tuy nhiên, đây là đạo lý của người hay đạo lý của ma? Rõ ràng dù là đạo lý của ma thì mục đích đặt ra cũng nhằm bảo vệ cho đạo lý của người: Huyết thống của tổ tông không thể lẫn lộn được, tài sản của tổ tông cũng không được để truyền ra ngoài. Về vấn đề lập tử trên danh nghĩa là để lo cho cái ăn, cái mặc của tổ tiên, nhưng thực tế, mục đích chính là vì con cháu, vì tính toán đến chuyện được mất tài sản của tổ tông. Việt vi thảo đường bút ký vẫn còn một câu chuyện lý thú kể về ba huynh đệ, người anh hai chết sớm, không có con cháu, người anh cả và em út đều muốn lập con trai mình làm con nuôi của anh hai, bởi vì muốn tài sản của gia đình anh hai rơi vào tay mình, hai anh em vì việc này mà tranh cãi từ dương gian đến tận âm thế. Rõ ràng chuyện này đối với người anh hai từ lâu đã trở nên vô nghĩa.
Qua những câu chuyện này chúng ta đã hiểu được thực chất của vấn đề ma đói được bàn tới ở trên. Thì ra chỉ có thể để hồn ma dưới chốn âm gian không ăn không uống mới có thể thấy được ý nghĩa việc thờ cúng của con cháu là vô cùng quan trọng. Và hệ quả tất yếu, muốn bảo đảm cho tổ tông một năm ba bữa đủ đầy thì tài sản để lại cho con cháu bắt buộc không được để truyền vào tay người khác dòng họ của mình! Vì lợi ích thực tế của tổ tông, cho nên mọi thứ cần phải được bảo hộ ở cấp cao nhất, vì thế, để linh hồn tổ tông ở dưới âm phủ chịu ấm ức một chút cũng chẳng đáng là bao.
Viết đến đây, ngẫm lại câu nói ban đầu của Châu Tác Nhân: “Qua việc này có thể thấy tấm lòng chân thành của dân tộc Trung Quốc, còn hơn việc dùng võ mồm, thùng rỗng kêu to để nói về những luân thường đạo lý, về những việc đúng sai trong cuộc sống, liệu có thể tin tưởng được không?”, ít ra cũng cảm thấy có chút thấm thía đến nghẹn ngào.