Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

Chương 13- part 1


Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 13- part 1

Chương 6: Bữa cơm nơi âm phủ
 
 
1.
 
Có những chuyện đã xảy ra rồi càng nghĩ lại càng khiến người ta thêm buồn bã. Rõ ràng ban đầu mọi người cùng chung sống bên nhau, yêu thương, gắn bó, thân thiết là vậy, nhưng rồi bỗng nhiên, không hề hẹn trước, một trong số họ đột ngột về với “thế giới bên kia”. Sinh ly tử biệt, âm dương xa cách nghìn trùng. Muốn gặp mặt hàn huyên đôi chút cũng không phải chuyện đơn giản, mà ngay cả cuộc sống hằng ngày cũng bị thay đổi, xáo trộn ít nhiều. Trong phút chốc đã biến thành “Bắc Hồ – Nam Việt”.
 
Thế nên Chu Tác Nhân tiên sinh trong Nói chuyện ma đã hoài cảm mà viết những dòng tâm sự như sau:
 

Phải chăng ma quỷ thực sự là thứ vô cùng thú vị và cực kỳ có ý nghĩa, cho nên chúng ta luôn tò mò, thích thú khi tìm hiểu về cảm xúc, về cuộc sống của ma quỷ. Từ các bài văn, bài báo đăng tải trên các tạp chí, sách vở, cho đến các phong tục tập quán ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của mọi người, ở tất cả mọi mặt, chúng ta đều miệt mài tìm kiếm, lý giải, cắt nghĩa nó, tất cả cũng chỉ vì mong muốn hiểu thêm chút ít về cái gọi là “tình” mà thường ngày chúng ta khó nắm bắt. Nói cách khác, cái mà chúng ta say mê tìm kiếm chỉ có thể có trong thế giới ma quỷ huyền bí mà thôi. Giả dụ, nếu ta tập hợp và viết ra một cách tỉ mỉ, rõ ràng tất cả các câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của loài ma quỷ ở Trung Quốc, tuy đó là công việc hết sức khó khăn, tương đương với việc hoàn thiện một luận văn Tiến sĩ, nhưng những điều đó lại vô cùng thú vị và có ý nghĩa. Trên thực tế, những điều ấy nếu được viết ra sẽ là một minh chứng sinh động, hùng hồn cho tấm lòng nhân nghĩa, chân thành của dân tộc Trung Hoa. Giá trị giáo dục của những trang viết này hơn hẳn kiểu “võ mồm”, “thùng rỗng kêu to” lúc nào cũng rao giảng về luân thường đạo lý, về cái đúng cái sai diễn ra hằng ngày trong cuộc sống mà vẫn khiến người ta đặt một dấu chấm hỏi đầy vẻ hoài nghi: Liệu có thể tin được không? (xem “Trúc đóa ký”).
 
Phải có con mắt cực kỳ tinh tường mới có thể có ý kiến tự nhiên, sâu sắc như vậy. Ngay cả giới nghiên cứu chuyên sâu về các phong tục ở Trung Quốc cũng rất hiếm khi thấy thảo luận về vấn đề này, nếu có thì phần lớn cũng chỉ để ý đến thế giới hồn ma hay bàn thêm về mấy cuốn sách “văn hóa ma” mà thôi. Ví như nói về Thập Vương, quỷ đầu trâu mặt ngựa, các thủ đoạn “nghênh tiếp” linh hồn người chết về nơi “cực lạc”… Còn những chuyện liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của ma như ăn, mặc, ở, đi lại… thì đều bị liệt vào chuyện vặt vãnh, linh tinh, chỉ đáng đưa ra ngoài lề trang chính sử, không đáng để các bậc inh học vấn uyên thâm để ý tới. Viết về đề tài “Cuộc sống của con người sau khi chết”, quả là một sự lựa chọn mạo hiểm của người viết. Phải viết sao để có thể đáp lại một cách trọn vẹn kỳ vọng của độc giả? Phải viết như thế nào để có thể khiến ai nấy đọc xong cũng cảm thấy vô cùng thú vị? Đó là nỗi trăn trở khôn nguôi của người cầm bút.
 
Hơn nữa, xưa nay mấy ai có hứng thú khi nói về chuyện hồn ma ăn cơm. Mặc dù trong dân gian còn tồn tại không ít những phong tục tập quán được coi là kỳ quái, nhưng riêng chuyện ăn cơm thì từ cổ chí kim đều rập khuôn theo một cách thức có sẵn, luôn phải bắt đầu từ miệng mà vào, ở đây khó có sự “sáng tạo” nào mới hơn được. Thử hỏi trên đời có ai dùng lỗ mũi để ăn cơm? Nếu có thì tất yếu sẽ được coi là chuyện lạ, lưu truyền khắp nơi rồi. Những khi con người ta trở về với “thế giới bên kia”, mọi chuyện sẽ ra sao? Rõ ràng thế giới bí ẩn ấy sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện kỳ quái, chưa hề có ở thế giới người phàm tục được gieo hạt, nảy mầm. Cho nên, có người đã từng cho rằng, nếu không có những hành động đi ngược với nhân thế thì dường như không thích hợp với thế giới của những hồn ma. Thế nhưng khi nói đến việc ăn cơm, chắc hẳn ở nơi kỳ quái đó cũng khó có thể sáng tạo ra chiêu trò gì mới hơn được nữa. Cũng từng có người thử sức sáng tạo trong lĩnh vực này, nhưng dường như họ đã không thành công. Ví dụ đã từng có người bị chặt ngang người mà chết, hồn ma của họ lúc ăn cơm cứ thế đặt thức ăn vào giữa bụng. Hay như trong cuốn Dị uyển của Lưu Kính Thúc, ở thời kỳ Lục triều, có kể lại câu chuyện như sau: Vào thời hậu kỳ tam quốc Tào – Ngụy, quyền lực chính trị nằm trong tay gia tộc Tư Mã. Thân tộc của Tào thị đặt hy vọng phục quốc vào Hạ Hầu Huyền, nhưng Hạ Hầu Huyền không may bị anh em nhà Tư Mã chém đầu. Người nhà ông ta lập bàn thờ cúng tế, họ nhìn thấy hồn Hầu Huyền đến ngồi ở bàn thờ ăn đồ cúng: “Tháo đầu đặt ở bên cạnh, đem thức ăn, cá thịt, hoa quả cho qua cổ, xong, lại lắp đầu trở lại như cũ.” Có người nói: “Ba đời làm quan, rất cần chú trọng đến chuyện ăn mặc.” Cháu của Hạ Hầu Huyền từ trước đến nay là người phong lưu nho nhã, đối với việc ăn, uống đương nhiên sẽ rất chú ý và coi trọng. Nhưng thật không ngờ sau khi chết, con người ấy lại có tướng ăn uống phàm phu tục tử như vậy! Tướng ăn này làm cho người khác không khỏi giật mình, e sợ. Sợ trước hết là hành động ăn uống tùy tiện, mất vệ sinh của viên mãnh tướng một thời. Cái sợ thứ hai là việc tháo đầu xuống dễ dàng như tháo đồ chơi, biến cái cổ giống như cái ống to bằng sắt làm nơi cho thức ăn vào. Hơn nữa, việc giải phẫu cơ thể người được miêu tả như trên quả là một việc làm vô cùng thiếu hiểu biết. Chính vì thế, sau này, chúng ta rất ít gặp những tình tiết hãi hùng như vậy trong các cuốn tiểu thuyết khác.
 
Vậy là việc đưa thức ăn vào trong cơ thể con người cuối cùng vẫn phải đi theo con đường cũ mà thôi. Không những thế, ngay cả thứ tự khi ăn như nhai, bài tiết, tiêu hóa, cũng chẳng thấy có chiêu trò gì mới trong các câu chuyện ma sau này. Có thể nói, tất cả đều giống như thói quen cũ đã được định hình ở chốn dương gian. Khổng Phu Tử nói: “Thờ thần như thần đang hiện hữu.” Câu nói ấy ngoài việc khuyên răn khi thờ tế thần thánh thì phải hết sức nghiêm túc, cung kính giống như thờ cúng tổ tiên vậy, tôi nghĩ nó còn có hàm ý nhắc nhở cả việc cần tôn trọng vấn đề ăn uống của người lớn tuổi, không được nhìn họ giống như dị loại, mà phải phục dịch như người đang còn sống. Về điểm này những con hiền, cháu thảo lại thường hay quên lãng. Chẳng hạn như việc “loại tửu”[1], chính là phản ánh hành động mời tổ tiên uống rượu. Đây là một nghi thức trang trọng nhưng không hợp với thực tế. Đó là chưa kể tới việc “loại tửu” thường thấy trên sân khấu hoặc trên truyền hình ngày nay chỉ mang tính hình thức, qua loa đại khái mà thôi. Họ hướng lên khán đài, mặt nhìn về đình viện, vén tay áo bên phải, sau đó đem rượu trong cốc rắc xuống đất từng ít, từng ít một. Đẹp thì đẹp rồi, những làm như vậy thì mấy ai có thể uống được rượu vào miệng đây? Người thường còn vậy huống chi là một cụ già lưng gù, gầy yếu. Mà thậm chí, ngay cả một câu thanh niên chân tay linh hoạt, hãy để cậu ta thử quỳ xuống đất, ngửa mặt lên trời, sau đó há to miệng, lựa theo hành động tưới rượu xuống đất mà thay đổi tư thế, thử xem có thể hứng được bao nhiêu rượu vào miệng? Tôn Quang Hiến, thời Ngũ Đại, trong phần thứ tám của cuốn Bắc mộng tỏa ngôn có kể về một câu chuyện ở thời nhà Đường: “Tôn Hội Tông tập hợp tất cả thân quyến đến nhà mở hội, khi uống rượu có rắc rượu xuống đất thể hiện ý nguyện là người và ma cùng chung vui. Một vị thân quyến có khả năng nhìn ma đoán quỷ, hôm đó bận việc đến chậm một bước. Vừa đi đến cổng, ông ta liền nhìn thấy một vị quan viên toàn thân nhếch nhác, tức tối đi ra, miệng không ngớt lầm bầm chửi mắng, mặt mũi và áo dài đều ướt hết. Thì ra đây chính là tổ tiên nhà anh ta, vị này hơi vội vã một chút, mặc dù đã chuẩn bị tư thế, nhưng khi rượu rót xuống lại đổ ập xuống đầu và mặt khiến cho vị này không khỏi tức tối, giận dữ mà bỏ đi.” Câu chuyện về ma chứng minh cho ta thấy, quan niệm cho rằng ma quỷ uống rượu đều phải quỳ xuống đất mà liếm hoặc ngửi như cách nghĩ của người ở dương gian là hoàn toàn sai lệch.[2]
 
[1] Có nghĩa là: tưới rượu xuống đất hoặc mồ mả khi cúng.

 
[2] Kỳ Vân trong Việt vi thảo đường bút ký, quyển mười có nói về một thí sinh rất bạo dạn: “Vào đêm trăng sáng, anh ta đem rượu đến cạnh một ngôi mộ ngồi uống, và còn gọi ma đến uống cùng. Sau đó, có khoảng mười người kéo đến, chàng thư sinh đã dùng bình đựng rượu thật lớn, rắc xuống đất để ma có thể ngửi được mùi rượu.” Đây là cách mà Kỳ tiên sinh nói về việc tưới rượu xuống đất để phê phán suy nghĩa và hành động sai lầm của chàng thư sinh nọ. Nghĩ kỹ lại một chút, hành động này dường như học được từ việc rắc thức ăn cho gà, vịt vậy. Đối với người được thờ cúng thì đó thực sự là điều rất vô lễ.
 
Vì thế, vấn đề ăn cơm nơi âm phủ tưởng rằng phức tạp nhưng thực ra lại rất đỗi bình thường. Linh hồn từ khi rời bỏ cuộc sống nơi trần thế để trở về với thế giới u minh nơi địa phủ, họ đã vứt bỏ mọi lo toan về miếng ăn cái mặc hằng ngày, ngay cả tâm trạng hồi hộp, lo lắng khi lần đầu tiên vào nhà hàng Tây dùng bữa mà không biết dùng dao, dùng dĩa ra sao đến lúc này cũng không còn ý nghĩa. Thế giới đã thay đổi, nhưng về cách ăn, uống thì không hề có sự thay đổi. Điều này phải chăng đã làm cho các vị tiên sinh có tính hiếu kỳ, thích khám phá phải thất vọng? Nhưng cũng đừng quá nản lòng, vấn đề ăn uống ở chốn âm phủ tuy không có chuyện gì mới mẻ đến nỗi chỉ nghe thôi chỉ sởn da gà, những vẫn còn có nhiều chuyện so với dương thế lại khác biệt rất nhiều. Việc rõ nhất chính là, mặc dù các hồn ma cũng biết đói, thậm chí là luôn miệng kêu đói, nhưng vĩnh viễn họ không bao giờ chết vì đói cả!
 
 
2
 

Người dân coi thức ăn là Trời[3]. Bởi lẽ, nếu không có cơm ăn thì điều đó đồng nghĩa với cái chết, cũng có nghĩa là sẽ trở thành ma đói. Từ kết cục này ta có thể thấy, dường như vấn đề ăn uống ở thế giới ma quỷ không nghiêm trọng bằng người sống ở chốn dương gian. Thậm chí đã là ma đói thì tiếp tục đói thôi, chứ còn biết làm sao nữa? Nhưng cảm giác đói của ma quỷ cũng chẳng khác chi người trần mắt thịt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, thế hệ trẻ may mắn không phải trải qua cảm giác chịu đói và chết vì đói như xưa. Chỉ cần thấy đói, ngay lập tức họ có thể tìm nơi làm thỏa mãn cơn đói của mình: “Tôi đói rồi, tìm quán McDonald thôi!” Nếu là người tinh tế về chữ nghĩa khi nói chuyện, thì cái đói của những thanh niên kia chỉ có thể coi là “cơ” (饥: đói), chứ không thể gọi là “ngã” (饿: đói) được. “Cơ” là cái đói còn có thể chịu đựng được, còn “ngã” thì không thể nhẫn nại hơn được nữa, nếu còn phải chịu đựng nữa thì chỉ có thể đau đớn, khổ sở đến chết mà thôi. Người nào đã trải qua trận đói thảm khốc nhất trong lịch sử Trung Hoa mới có thể hiểu sâu sắc về nỗi giày vò khi cái đói cận kề cái chết. Trong Ky tô sơn bá tước, Danglar’s đã dùng mười đồng tiền Pháp chỉ để mua một con gà, đấy không phải do ông ta sợ chết mà vì ông ta không chịu nổi việc bị bỏ đói, không chịu nổi cảm giác bị giày vò giữa sự sống và cái chết. Nỗi thống khổ của sự đói khát đối với ma quỷ cũng không có trường hợp ngoại lệ. Nhưng nếu ta bỏ qua cái kết cục của tầng thứ nhất thì việc không có đồ để ăn đối với ma quỷ lúc này cũng chẳng phải vấn đề gì quá nghiêm trọng nữa.
 
[3] Câu gốc: Dân dĩ thực vi thiên.
 
Không biết vì sao, chốn âm phủ ở Trung Quốc lại có quan, có dân, hơn nữa ở đó còn có công việc (nhưng phần lớn là đến trần gian làm việc), có trao đổi buôn bán (chợ của ma quỷ là trung gian giữa thế giới của người và ma). Chỉ có điều, chốn âm phủ không có nông dân, nơi ấy không có mùa xuân để trồng cây, mùa thu để thu hoạch như ở trần thế. Nhưng không có nông dân không có nghĩa là không cần ăn cơm. Vấn đề “quỷ do cầu thực”, được ghi chép và truyền từ trong Kinh thánh[4]. Từ xa xưa, ở dưới âm phủ, thức ăn của tổ tiên chúng ta là dựa vào đồ cúng của con cháu ở trần gian cung cấp. Nếu dòng họ bị diệt chủng thì linh hồn của tổ tiên ở nơi âm phủ chỉ có thể như “ma đói nhà họ Ngao mà thôi”. Vấn đề này dường như không phải là nét đặc sắc của riêng Trung Quốc, Chu Tắc Nhân tiên sinh đã từng dịch một câu chuyện của Hy Lạp có tên Chuyện liên quan đến đám tang, trong đó có đoạn viết: “Chất dinh dưỡng của họ chủ yếu dựa vào rượu và các thứ tế phẩm mà chúng ta thờ cúng đặt trên mộ, vì vậy, nếu như trên trần thế không còn thân quyến, bằng hữu nữa, thì những con ma này ở dưới âm phủ phải chịu đói đến suốt đời suốt kiếp mà thôi.” Nhưng đồ thờ cúng của con cháu không phải là cả một xe thực phẩm đông lạnh để tổ tiên từ từ hưởng thụ, mà chỉ là được quan tâm, để ý đến một số bữa nào đó mà thôi. Ngoài việc mời tổ tiên ăn nhiều hơn một chút vào những dịp ấy thì việc để dành cho tổ tiên gói ghém mang về khó mà được thực hiện. Chính vì thế, nếu hồn ma vẫn còn chưa thoát khỏi thói quen ngày ăn ba bữa ở trần thế, thì đến khi chết khó có thể tránh khỏi tình trạng bụng réo sôi ùng ục suốt ngày. Mặt khác, sau khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, đối với vấn đề ăn uống nơi âm phủ cũng không có nhiều sự cải thiện theo chiều hướng “thêm dầu vào lửa”. Vương gia của đạo Bà La Môn (một tôn giáo cổ ở Ấn Độ) được coi là ông chủ lớn – người quản lý địa ngục, vì vậy “xã hội” ở đó giống như công đường và địa ngục, mà “nhà tù” ở đây không làm theo mô hình “tam sản”, vì thế “niềm vui lớn nhất của người nông dân là hạt lúa, hạt gạo” là điều không hề có, và đương nhiên cũng không có bột mì, càng không có bánh bao, đậu phụ, quán cơm, nhà ăn thì càng không cần nhắc đến. Vì vậy, việc ăn cơm đối với ma quỷ rõ ràng là cả một “vấn đề”.
 
[4] Theo Tả truyện.
 
Cổ Thần Tử người thời Đường, trong Bác dị trí (trí lớn khác thường) có ghi chép lại tình cảnh của một con ma đói đang xót xa nài nỉ với người: “Tôi là người Giang Hoài, vì cơ hàn mà rời bỏ quê hương đi làm ăn, tháng trước tôi đến huyện này, chết trong phòng trọ. Bây giờ, tôi vừa đói vừa lạnh, tôi rất muốn làm tôi tớ cho ông, cầu một bữa ăn và xin thêm một chiếc mũ nhỏ chống rét, không biết như vậy có được không?” Đây là hình ảnh một con ma chết đường, chết chợ, do hoàn cảnh cơ hàn, sau khi chết không có nghề nghiệp gì, chỉ mong muốn làm tôi tớ cho con người để kiếm miếng cơm nhét vào cái bụng đói cho qua ngày. Một ví dụ khác dẫn từ cuốn thứ tám, Tú châu tư đại đình trong Di kiên ất trí của Hồng Mại thời Nam Tống, lại có đoạn viết về một hồn ma đã chết hai năm rồi, tuy rằng trong túi không thiếu tiền nhưng không có nơi để mua đồ ăn, chỉ có thể dựa vào việc ăn trộm cơm thừa canh cặn trong nhà bếp ở chốn dương gian hoặc chiếm hưởng chỗ người khác thờ cúng để lấp đầy cái bụng đói cho qua ngày mà thôi.
 

Còn về những “minh dịch”, tức những người làm việc trong quân đội, phục dịch đất nước, ban đầu vốn dĩ là “ăn cơm quan”, cũng là bụng rỗng đi làm việc quan sai (chủ yếu là đi câu hồn). Kết cục cuối cùng “không có tiền không thể nuôi thanh liêm”, những người này chỉ cần ăn một bữa cơm khách nhà người là sẵn sàng tiết lộ thiên cơ hoặc thả người phạm tội ra chờ báo đáp. Trong Hội xương giải di lục từ thời nhà Đường có kể lại một câu chuyện như sau: “Vào một ngày tuyết rơi rất dày, Ngưu Sinh ngồi trong quán khách nơi thôn dã, vô tình mời một Minh sứ vừa đói vừa rét ăn bốn, năm bát mì to, vị Minh sứ này vô cùng cảm động, đã tiết lộ những bí mật về cuộc đời của Ngưu Sinh, biết Ngưu Sinh sẽ ba lần gặp hoạn nạn, liền học cách của Gia Cát Lượng viết ra ba cách giải cứu vào ba bức thư, để Ngưu Sinh khi gặp chuyện sẽ mở thư ra để giải hạn.” Trong cuốn Soạn dị ký của Lý Mai có ghi một câu chuyện như sau: “Có một vị Minh sứ bốn mươi năm mới có được một bữa ăn no, để cảm ơn về bữa cơm ấy, Minh sứ đã tha cho tên quan “Tham tiền háo sắc, gặp lợi quên nghĩa” mà không truy cứu những tội hắn gây ra.”
 
Minh sứ đã thế thì các quan cấp cao ở dưới âm phủ chắc hẳn cũng không phải ngoại lệ. Đới Phù thời nhà Đường, trong Quảng dị ký, có đoạn viết: “Quỷ thần thường đói khổ. Khi hóa vàng, có thể kèm chút rượu cơm, dùng hai bó cỏ dựng đứng lên, tôi có thể dựa vào cỏ mà ngồi, cũng có thể ăn được.” Trong cuốn sáu, Tế loại khinh cố ngục[5] trong tập Di kiên chí bổ của Hồng Mại có dẫn ra một câu nói của vị quan lại dưới âm phủ: “Quỷ thần đều đói khổ, nếu con có thờ cúng thì sẽ được ăn no, còn không sẽ phải chịu đói.” “Quỷ thần đều đói khổ”, cũng có nghĩa là minh thần và hồn ma đều không được ăn no, đây dường như là tình trạng thường thấy trong thế giới u minh. Trong U minh báo ký của Đường Lâm, một nhân sĩ sống vào khoảng đầu thời Đường có viết về chuyện một vị quan nơi âm phủ kể khổ với người dân: “Quỷ thần cũng có thức ăn nhưng không được ăn no, thường chịu cảnh đói khổ. Nếu có thực phẩm của con người sẽ được ăn no tới một năm. Có rất nhiều hồn ma đi ăn trộm thức ăn của con người, nhưng tôi là bậc quan gia trọng lễ nghĩa, không thể đi ăn trộm được.” Vị quan ở âm phủ này tuy không được ăn no nhưng vì không muốn mất mặt nên không đồng ý đi ăn trộm, cố giữ gìn nhân cách chính trực, thanh liêm, không chịu đi làm quan phỉ. Trong các câu chuyện ma quỷ thường nói đến nếu liêm sỉ ở nhân gian, khi chết sẽ được vinh dự làm quan dưới âm phủ, viết đến đây có lẽ đã làm cho con người sống nơi dương thế không khỏi cúi mình cảm phục, ngưỡng mộ người làm quan thanh liêm. Nhưng tôi nghĩ, vì sao ông trời lại không ban thưởng cho những con người đáng kính như thế? Hơn nữa, phải chăng những vị thánh quan này khi ở dương gian đã sống cuộc đời bần hàn, đói khổ cho nên khi chết đi cứ tiếp tục cam chịu cảnh đói khổ như thế mà không thể làm hơn, thậm chí còn cố ý chịu đói để làm tấm gương sáng ọi người noi theo?!
 
[5] Có nghĩa là: câu chuyện chi tiết về cuộc sống trong ngục.
 
Ở chốn âm phủ, tự nhiên có được một bữa ăn no không phải chuyện dễ dàng. Chính hoàn cảnh ấy đã tôi luyện cho các hồn ma có được một bản lĩnh thép để có thể nhẫn nại sống chung với cơn đói. Vào ngày lễ tết, con cháu có cúng tế, lúc đó mới được ăn no, ngày bình thường thì không biết đến ăn là gì, nói tóm lại, ma quỷ thường xuyên chịu đói là điều dễ hiểu, vì vậy mới có chuyện “nhân đắc nhất bão, khả nại tam nhật, quỷ đắc nhất bão, khả nại nhất niên”[6]. (Một bữa cơm mà có thể no được ba ngày, cái bụng giỏi chịu đựng ấy quả thực đã làm cho bách dân ở nhân thế cảm thấy hổ thẹn!) Hồn ma bất luận như thế nào thì cũng là tổ tiên của người còn sống, nếu tổ tiên ở dưới âm phủ luôn không được ăn uống no đủ, vậy thì con cháu hiếu thuận không thể không cảm thấy trách nhiệm to lớn của mình. Vì vậy, cho dù họ không được ăn một ngày ba bữa nhưng đến mỗi dịp lễ tết đều phải cố gắng làm được điều đó đối với tổ tiên. Cái gọi là “quỷ đắc nhất bão, khả nại nhất niên” là giới hạn thấp nhất cho con cháu ở chốn dương gian.
 
[6] Có nghĩa là: người ăn no một ngày có thể nhịn được ba ngày, quỷ ăn no một ngày có thể nhịn một năm.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.