Đọc truyện Tarzan 2: Trở Lại Rừng Già – Chương 23: Năm chục kẻ lông xồm
Gian Potơrôva và Uyliam đứng bên nhau, không nói một lời. Họ cùng nhìn thân thể bất động của con sư tử. Gian Potơrôva lên tiếng đầu tiên.
– Ai đã giết nhỉ? – Potơrôva thì thào.
– Có trời biết…
– Nếu như ai đó muốn cứu chúng ta, tại sao lại không cho chúng ta gặp mặt – Potơrôva vẫn băn khoăn – Có lẽ phải gọi người ấy ra để cám ơn.
– Tốt nhất là chúng ta chạy nhanh về chòi – Clâytơn nói – Ở đây nguy hiểm lắm. Về chòi, dù sao vẫn đỡ lo hơn. Một mình tôi thì… cô biết đấy, tôi không thể bảo vệ cô được – Giọng Clâytơn có vẻ ngậm ngùi, cay đắng.
– Anh đừng nói thế, Uyliam! – Cô gái lắc đầu phản đối. Cô cảm thấy thương Clâytơn và sợ rằng mình đã làm cho Clâytơn phật ý – Thật ra anh đã xử sự đúng và đã làm tất cả những gì mà mình có thể làm được. Anh chẳng có lỗi gì cả. Chúng ta có phải là thần thánh gì đâu. Thật ra chỉ có một người đủ can đảm và sức lực để hành động khác anh trong tình huống vừa qua. Có thể tôi mất bình tĩnh nên đã vô tình xúc phạm anh. Có điều tôi chỉ muốn anh hiểu cho rằng tôi không muốn lấy chồng. Hôn nhân không thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc.
– Tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu cô – Clâytơn buồn bã trả lời – Thôi, về chuyện này, tốt nhất là chúng ta đừng nói đến nữa, ít nhất là im lặng cho tới khi chúng ta thoát nạn, về nhà.
° ° °
Ngày hôm sau tình trạng sức khỏe của Tơran càng trở nên tồi tệ. Hắn lên cơn mê sảng suốt ngày. Clâytơn đã cố gắng chăm sóc nhưng anh cũng chẳng giúp gì được Tơran. Thật ra, trong thâm tâm, Clâytơn vẫn lo Tơran khỏe mạnh lại dở trò, quấy nhiễu vị hôn thê bướng bỉnh của anh. Nhưng nhìn Tơran nằm rũ mình như một cái xác ướp, Clâytơn tin rằng trước sau Tơran cũng chết. Nhìn người lại ngẫm đến ta, thấy Tơran sắp chết, Clâytơn lại lo cho mình. Biết đâu lại đến lượt anh mắc bệnh và… cuối cùng chỉ còn lại Potơrôva một mình giữa chốn rừng hoang, không còn ai chăm sóc.
Lấy mũi lao từ xác sư tử, Clâytơn cảm thấy vững dạ hơn. Một hôm anh cầm dao, mạnh dạn vào rừng sâu săn thú. Để thoát khỏi cảm giác nặng nề trước bệnh tình của Tơran, Potơrôva chui ra khỏi chòi, tụt xuống đất. Tuy vậy, cô không đủ can đảm bước xa ra khỏi gốc cây. Đứng tựa lưng vào chiếc thang xộc xệch mà Clâytơn đã hỳ hục làm riêng cho cô, cô đưa mắt lơ đễnh nhìn ra mặt biển. Biết đâu cô lại thấy một con thuyền nào đó bơi qua!
Đứng quay lưng vào rừng, nhìn biển, Potơrôva không biết rằng ngay sau lưng cô đang có một khuôn mặt đầy lông lá nhô ra quan sát. Đôi mắt đỏ sọng như dính chặt vào lưng cô rồi lại đảo hướng ra xung quanh xem có ai không. Một lát sau, chiếc đầu thứ hai rồi thứ ba xuất hiện. Phía sau cô gái bắt đầu lố nhố chẳng biết bao nhiêu bóng người. Từ mái chòi bỗng vang lên một tiếng thét. Những cái đầu lập tức biến mất trong bóng cây. Potơrôva quay mặt lại. Cô ngơ ngác, chưa hiểu có chuyện gì xảy ra thì đã nghe thấy bốn phía vang lên tiếng chân bước rào rào. Từ rừng sâu túa ra hàng chục bóng người quái dị. Cô gái thét lên một tiếng. Đám người chạy bổ vào cô. Trong chớp mắt, hai cánh tay dài như tay đười ươi đã chộp lấy lưng cô, bê bổng lên cao. Một bàn tay bẩn thỉu bịt chặt lấy miệng cô khiến cô không kêu lên được, cũng không thở được. Vì mấy tuần lễ chịu đựng biết bao điều khủng khiếp, bất hạnh, cô đã kiệt sức. Kẻ bắt cóc chưa vác cô chạy được mấy bước, cô đã ngất đi.
Tới khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang ở giữa những bóng cây um tùm của rừng sâu. Trời đã tối từ lúc nào chẳng biết. Gần chỗ cô nằm, một đống lửa cháy rừng rực. Có khoảng năm chục người đàn ông hình dạng nửa người nửa thú đang ngồi xổm xung quanh đống lửa. Ánh lửa bập bùng nhuốm đỏ những cái mặt to bè, lởm chởm lông lá. Tất cả đám người đang nhồm nhoàm nhai thịt sống chẳng khác gì bầy thú dữ. Gần đống lửa, chúng đặt một thùng nước lã. Thỉnh thoảng một tên trong đám đứng dậy, bước lại gần chiếc thùng rồi vục đầu xuống đáy thùng, uống nước ừng ực. Khi thấy tù binh của mình đã tỉnh lại, đám người gầm gừ nói với nhau điều gì đó rồi một tên đứng dậy, quẳng cho Potơrôva một tảng thịt. Tảng thịt rơi ngay trước mặt cô đánh phịch một cái. Bụi đất bốc lên khiến cô phải nhắm chặt mắt lại.
Đoàn người man rợ áp tải Potơrôva đi xuyên rừng hết ngày này sang ngày khác. Cặp chân trần của Potơrôva đã bị cào nát vì đá tai mèo và gai nhọn. Cô bước đi chuệnh choạng, xiêu vẹo dứới ánh nắng mặt trời chói chang như đổ lửa. Quần áo của cô đã biến thành đám giẻ rách treo tơi tả quanh lưng. Làn da trắng mịn màng ngày nào của cô đã ngả màu xám ngắt và chằng chịt những vết sẹo. Mỗi lần cô mệt quá, gục xuống nghỉ, bọn người rừng lại kêu lên choe chóe rồi đá vào chân cô.
Tới những ngày cuối cùng của cuộc hành trình, lũ người rừng có đánh đập cô đến mấy thì cô cũng không thể co đôi chân rớm máu của mình mà ngồi dậy được. Cô nằm rũ rượi trên đất, nhắm nghiền mắt. Khi biết chắc rằng nạn nhân của mình không có khả năng đứng dậy được nữa, bọn người rừng thay nhau vác cô đi nốt đoạn đường còn lại. Buổi tối ngày hôm sau Potơrôva đã nhìn thấy những mảng tường long lở bao quanh một thành phố cổ. Vì đã quá yếu ớt, Potơrôva chẳng hề tò mò, băn khoăn trước khung cảnh lạ mắt. Cô cứ để mặc bọn người lông lá đó đưa cô đi đâu thì đi.
Xuyên qua những bức thành cao, đoàn người gớm ghiếc đó đã bước vào cổng thành. Chúng khênh cô gái vào một ngôi đền đổ nát. Ở đó cô trông thấy có tới hàng trăm người, mặt mũi cũng kỳ quái tương tự, đang đứng chờ sẵn. Trong số những người đứng chờ, có cả đàn bà, con gái. Nghe thấy tiếng nói trong trẻo của phụ nữ, trong lòng cô gợn lên chút hy vọng yếu ớt. Nhưng hy vọng của cô vụt tắt. Cô không trông chờ gì được sự đồng cảm, thương xót của những người phụ nữ chốn này. Mặc dù không hành hạ cô, những đám đàn bà con gái tỏ ra rất sung sướng, hân hoan khi cô bị dùi cui đập túi bụi vào.
Sau khi để cho toàn bộ cư dân trong thành phố lật ngang lật dọc xem xét cô đến chán mắt, hai gã đàn ông dùng hai chiếc câu liêm khênh Potơrôva vào một căn buồng dưới tầng hầm tăm tối. Cô bị vứt vào trong buồng cùng với một bọc nước uống và một đống thức ăn. Suốt một tuần sau, thỉnh thoảng lại có mấy người đàn bà vào buồng, mang thêm cho cô đồ ăn thức uống. Cũng may cho Potơrôva là cô hoàn toàn không biết gì về số phận của mình. Cô không hề biết rằng mình đang được an dưỡng để làm đồ hiến tế cho lễ tạ thần Mặt Trời.
° ° °
Sau khi giết sư tử, cứu Gian và Clâytơn, Tácdăng trở về làng, trong lòng nặng trĩu. Chàng cảm thấy vết thương cũ trong trái tim yêu thương của mình như lại bắt đầu tái phát. Tuy vậy,chàng cũng mừng là mình đã kịp thời dập tắt được cơn ghen tuông nên đã không rút mũi tên thuốc độc sau lưng. Lúc bấy giờ, cái chết đến với Clâytơn chỉ còn một khoảng cách gang tấc. Số phận của người đàn ông yếu ớt đó hoàn toàn nằm trong tay chàng. Chàng ân hận rằng chàng đã nhìn quá kỹ. Chúa Trời thật độc địa! Tại sao lại bắt chàng nhìn rõ cảnh người con gái mà chàng ngày đêm nhớ nhung mong ước đứng trong vòng tay của người đàn ông khác? Nhưng dù sao đi nữa thì… ơn Chúa! Chàng đã hai lần chiến thắng: chiến thắng con sư tử và chiến thắng… chính bản thân mình. Tấm lòng cao thượng của một hiệp sĩ đã trỗi dậy ngăn chặn bàn tay chàng, không cho chàng rút mũi tên thuốc độc và hành động tự nhiên theo thứ luật quen thuộc của rừng già nguyên thủy.
Trên đường trở về với dân làng Oadiri, Tácdăng cố gắng xóa sạch trong đầu hình ảnh mà chàng đã phải tận mắt chứng kiến. Chàng tự nhủ rằng, tất cả những điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết, chẳng liên quan gì tới cuộc đời chàng. Và tốt hơn hết là từ nay chàng sẽ không bao giờ tiếp xúc với loài người văn minh… Cho tới khi đã cảm thấy trong lòng thanh thản, Tácdăng túm chặt hai sợi rễ cây cổ thụ, nhún mình đánh đu rất mạnh. Chàng vùn vụt đu mình từ cây này đánh đu sang cây khác, mái tóc dài, mượt óng tung bay trong gió. Như một con sư tử no mồi, chàng tận hưởng cái hạnh phúc của con người tự do trong rừng xanh, tự do trong đơn độc.
Đêm ấy, Tácdăng ngủ trong bãi săn của giống đười ươi. Chàng lưu lại đó mấy ngày liền. Ban ngày, chàng lang thang săn mồi kiếm ăn. Ban đêm, chàng ngủ dưới gốc cây cổ thụ. Không một con đười ươi nào dám đụng tới chàng. Những con đười ươi già từ lâu đã biết chàng là một đối thủ đáng gờm. Nhưng con đười ươi ít tuổi thì tỏ ra e ngại và coi chàng như một kẻ đồng loại nhưng thuộc dạng quái thai, lạc loài. Một hôm, chàng đang định ngả mình trên thảm cỏ nghỉ ngơi thì nghe thấy ở đâu đó vang lên những tiếng kêu quen thuộc. Hình như bộ lạc vượn cũ của chàng đi qua đây? Đúng thế! Chàng không thể nhầm được. Nằm nghiêng đầu theo chiều gió, chàng cố gắng nghe. Rõ ràng là đàn vượn của chàng đang tụ họp.
Tácdăng đứng dậy. Chàng đã nghe rõ từng bước chân của đàn vượn tiến lại gần. Chúng đổi hướng hành quân theo chiều gió, vì vậy có thể ngửi được mùi mồ hôi của chàng. “Có cần gặp lại chúng không?” – Tácdăng băn khoăn tự hỏi.
Khi đàn vượn tới gần, Tácdăng nấp vào cành cây cao nghe ngóng. Chỉ một lát sau, ở cành cây thấp nhất phía dưới chân chàng đã xuất hiện một khuôn mặt vượn to bè. Đôi măt của nó khá tinh nhanh. Nó đảo mắt quan sát bốn phía rồi thông báo cho các thành viên của bộ lạc biết rằng: Khoảng rừng trống nơi này không có ai, có thể tiến vào.
Nghe xong thông báo của con vượn trinh sát, con vượn đầu đàn là kẻ nhảy vào đầu tiên. Nối tiếp theo nó, đàn vượn lần lượt tiến vào. Đàn vượn đầy đủ các thế hệ già trẻ. Trong đàn có mấy chú vượn tí xíu, lông ướt nhẹp, vẫn còn bám đung đưa trên cổ vượn mẹ. Nhìn những con vượn già, Tácdăng vẫn nhận ra từng khuôn mặt cũ và nhớ rõ tính tình của chúng. Chàng tò mò muốn biết chúng còn nhớ chàng không.
Nghe tiếng của đàn vượn, Tácdăng hiểu rằng chúng kéo nhau tới đây để chọn kẻ cầm đầu bộ lạc. Vị thủ lĩnh cũ của chúng vừa mới bị chết vì một cơn bão đột ngột tuần trước.
Tácdăng bước ra đầu cành cây để nhìn cho rõ đàn vượn. Một con vượn đực ngước mắt nhìn lên cao. Trông thấy kẻ lạ mặt trên cành cây, con vượn đực kêu ré lên, báo động cho cả bầy. Lũ vượn đực lập tức nhe nanh, rướn thẳng lưng, tiến lại gần gốc cây của Tácdăng. Chúng muốn bao vây để tiêu diệt ngay kẻ lạ mặt.
– Kácnát! Tao là Tácdăng đây! – Tácdăng kêu lên bằng ngôn ngữ của bộ lạc cũ – Mày quên tao rồi à? Hai đứa chúng ta hồi còn bé đã từng trêu chọc Numa. Chúng ta đã nấp trên cành cây cao, ném vỏ cây và hạt hồ đào vào lưng nó.
Con vượn được Tácdăng gọi đúng tên liền dừng lại. Nó giương mắt nhìn Tácdăng một cách kinh ngạc rồi gật gù ra vẻ hiểu ý.
– Còn mày nữa, Môgôri! – Tácdăng tiếp tục gọi – Chả nhẽ mày không nhớ thủ lĩnh cũ của mày sao? Viên thủ lĩnh đã giết chết Kétchác khổng lồ ấy mà. Nhìn tao cho kỹ! Tao là Tácdăng, người đi săn cừ khôi, một võ sĩ vô địch của bộ lạc đây. Chúng ta quen biết nhau từ bao năm rồi.
Đàn vượn xúm lại quanh gốc cây Tácdăng ngồi. Chúng không giận dữ, không sợ hãi mà chỉ tò mò. Một lát sau chúng tỏ ra vui mừng.
– Mày đến đây tìm cái gì? – Kácnát lên tiếng hỏi.
– Tìm hòa bình! – Đứa con của rừng xanh vui vẻ trả lời.
Đàn vượn tỏ ra băn khoăn vì cái âm thanh “hòa bình” nghe rất lạ tai. Cuối cùng, chừng như đã hiểu, Kácnát gọi to:
– Vậy thì hãy xuống với chúng tao, Tácdăng ơi!
Tácdăng nhẹ nhàng nhảy thẳng xuống giữa đàn vượn. Đàn vượn xúm lại quanh Tácdăng thành một vòng tròn. Chúng muốn nhận mặt chàng cho thật kỹ. Trong phút chốc, chàng lại trở thành một con thú lý tưởng của bầy đàn. Tuy vậy, chàng có cảm giác thất vọng. Chàng thấy mình không được đón tiếp vồn vã theo kiểu một cuộc hội ngộ đoàn viên thường xảy ra trong đời sống loài người. Phần lớn đàn vượn sau khi nhìn chàng lại quay ra nô đùa và bới cỏ tìm sâu bọ. Chúng trở lại với những công việc hàng ngày. Chúng quên luôn cả việc lựa chọn thủ lĩnh mới và nhìn chàng một cách thờ ơ như không hề có chuyện chàng bỏ đi xa mới về.
Có hai con vượn đực mới lớn không thể nào nhớ được Tácdăng là ai. Cả hai thong thả đi bằng bốn chân, tiến lại gần Tácdăng, giương mũi ngửi. Một con nhe răng, gầm gừ định cắn Tácdăng. Nếu như lúc này Tácdăng rút lui, con vượn trẻ đó sẽ hài lòng bỏ đi. Nhưng đứa con nuôi của loài vượn này biết rằng, trong trường hợp này cần phải trả lời một cách quyết liệt. Nếu không, con vượn đó được thể, lần sau sẽ tiếp tục gây sự. Biết vậy, Tácdăng không lùi một bước. Chàng dùng toàn bộ sức lực đánh bật con vượn ngã vật ra bãi cỏ. Con vượn chồm dậy, lao vào đối thủ. Nhưng nó chưa kịp sử dụng hàm răng nhọn của mình thì đã bị Tácdăng tóm chặt cuống họng. Chàng khóa trái cổ con vượn, xiết chặt. Con thú cố sức giẫy dụa, vùng vẫy rồi yếu dần, yếu dần, cho tới khi rũ ra trong cánh tay đối thủ. Tácdăng buông tay, đứng dậy. Chàng không giết nó, chàng chỉ muốn cho nó biết sức mạnh của chàng.
Bài học của chàng thật đắc dụng. Từ phút ấy, tất cả những con vượn đực khỏe mạnh đều tỏ ra ngoan ngoãn với chàng. Chúng tuân theo luật của rừng già: kẻ yếu phải phục tùng kẻ mạnh. Chỉ những con vượn cái đang nuôi con nhỏ là vẫn nhe răng hăm dọa Tácdăng mỗi khi chàng lại gần. Trong trường hợp như vậy, Tácdăng thường nhanh chân lảng bước ra xa. Chàng biết rằng, trong bộ lạc này vẫn thường xảy ra chuyện những con vượn đực trong cơn khùng điên nhảy vào tấn công những con vượn đang làm mẹ. Nhưng chẳng bao lâu, đám vượn mẹ đã quen với sự có mặt của Tácdăng bên cạnh.
Tácdăng lại đi kiếm ăn cùng bộ lạc như những ngày xưa. Tới khi bộ lạc vượn nhận ra rằng bao giờ chàng trai cũng kiếm được nhiều thức ăn, cung tên và dao nhọn của chàng có thể nuôi sống cả bộ lạc, từ vượn già tới vượn con đều bắt đầu xử sự với chàng như một thủ lĩnh cầm đâu. Những con khỉ già thì nghĩ rằng chàng trở về là để khôi phục “ngôi báu” của mình.
Tácdăng hoàn toàn hài lòng với sứ mệnh của mình trước bộ lạc. Tuy nhiên, không thể nói rằng Tácdăng là người hạnh phúc. Từ lâu, chàng đã không còn tin vào hạnh phúc trọn vẹn ở đời. Có điều, ít nhất thì cuộc sống hiện tại cũng giúp cho chàng quên đi một quá khứ nặng nề, đau đớn. Chàng từ bỏ ý định trở lại với cuộc sống văn minh và cũng không muốn quay về với bạn bè của mình ở làng Oadiri. Tâm trạng chàng là một khối mâu thuẫn. Chàng đã bắt đầu cuộc sống của mình như một con vượn. Nhưng chàng lại muốn từ bỏ lối sống của loài vượn. Không muốn trở lại với loài người nhưng chàng không thể nào quên được cô gái mình yêu – cô gái đang sống đâu đó rất gần khu vực kiếm ăn của bộ lạc chàng. Đôi lúc, chàng lo lắng cho tính mạng của cô gái và ân hận rằng mình đã không tiếp tục bảo vệ cuộc sống của cô. Càng ân hận, càng nghĩ ngợi về chuyện cũ, trong lòng chàng lại càng cồn cào một nỗi nhớ khôn nguôi.
Thế rồi chàng bắt đầu ghét chính bản thân mình. Tại sao vì một phút ghen tuông ích kỷ, chàng có thể đang tâm đê cho Potơrôva sống giữa biết bao đe dọa của rừng già? Ngày qua ngày, cái ý nghĩ ấy càng dày vò chàng, thôi thúc chàng phải trở ra bờ biển, sống gần “người ấy”. Phương đông đang lên tiếng gọi chàng. Chàng phải lên đường, bất chấp mọi nguy hiểm, bất chấp cái chết nếu như “người ấy” đang sống trong lo sợ. Và nếu như “người ấy”… không đứng trong vòng tay ai.
Trước khi Tácdăng gặp bộ lạc của mình, có một con vượn đực mới vào tuổi trưởng thành đã bỏ bộ lạc ra đi. Lí do ra đi rất đơn giản. Nó không kết bạn được với một con vượn cái nào trong đàn. Theo tập quán truyền kiếp của loài vượn, nó quyết định tiến vào rừng sâu để tìm người tình trăm năm. Một hôm, nó trở về cùng vị hôn thê mới cưới được từ bộ lạc láng giềng. Như một kẻ chiến thắng, nó hả hê kể lại chuyến phiêu lưu cướp vợ. Tácdăng đứng nghe. Trong câu chuyện, con vượn vô tình nhắc tới một bộ lạc vượn người có hình dạng rất kỳ quái:
– Tất cả là những con vượn mặt tròn, chân ngắn. Chỉ có một con vượn cái không có lông, da trắng như thế này này – Con vượn vừa nói vừa chỉ tay vào ngực Tácdăng.
Nghe nói thế, Tácdăng giật mình. Chàng hỏi tới tấp, khiến con vượn không kịp trả lời.
– Vừa ngắn, vừa cong.
– Chúng nó quấn ở bụng những mảnh da của Numa?
– Đúng vậy. Da của Numa.
– Chúng nó có dao nhọn và dao dài?
– Đứa nào cũng có.
– Cổ tay, cổ chân chúng có vòng vàng?
– Có vòng vàng.
– Còn con vượn cái thì rất gầy và trắng?
– Đúng thế.
– Thế nó có vẻ như là một thành viên của bộ lạc hay như một tù binh?
– Bọn vượn đực túm tóc nó, đánh nó, đạp nó như đánh tù binh.
– Trời đất ơi! – Tácdăng thầm kêu lên – Mày trông thấy chúng ở đâu? Chúng đi hướng nào? – Tácdăng hỏi dồn dập.
– Chúng đi dọc bờ sông, theo hướng này – con vượn trả lời và chỉ tay về hướng nam – Khi chúng đi qua chỗ tôi nấp thì chúng hướng về phía mặt trời buổi sáng.
– Mày gặp lâu chưa? – Tácdăng nôn nóng hỏi.
– Bấy giờ trăng đang tròn.
Không cần hỏi thêm một lời nào nữa, Tácdăng hối hả đi lấy vũ khí rồi nhảy vọt lên cây, nhằm phương đông thẳng tiến. Chàng hướng về phía Opa – thành phố bị lãng quên.