Đọc truyện Tầng Đầu Địa Ngục – Chương 31
Cuộc gặp
Tuy trong lúc ngồi chờ, Nadya khóc ròng, nhưng khi đến lượt nàng được vào gặp chồng, lòng nàng vui như mở hội.
Khi nàng hiện ra giữa khung cửa, Nerzhin đứng lên đón nàng và môi chàng mỉm cười. Nụ cười chỉ ở trên môi chàng khoảnh khắc nhưng Nadya cảm thấy tình yêu và hạnh phúc dào dạt trong tim nàng. Chồng nàng vẫn gần nàng như ngày xưa. Với nàng, chàng không thay đổi.
Người đàn ông thứ hai trong phòng có cái cổ bự như cổ trâu, bận bộ quần áo xám, trông như một tay găng-tơ về già giải nghệ, đi tới đứng ở đầu chiếc bàn nhỏ, nơi hai vợ chồng sẽ ngồi nói chuyện. Cái bàn và sự có mặt của gã này trong căn phòng nhỏ ngăn không cho họ chạm tay vào người nhau.
Nerzhin bực dọc nói:
“Thôi mà… Để cho tôi cầm tay vợ tôi chứ…”
“Trái luật…”
Gã an ninh nói. Gã chỉ hé quai hàm nặng của gã đủ để hai tiếng đó lọt ra ngoài miệng.
Nadya nở nụ cười vô hồn và ra hiệu cho chồng đừng cãi cọ. Nàng ngồi xuống chiếc ghế có tay dựa trước bàn. Mặt da bọc nệm ghế đã rách. Nhiều thế hệ thẩm vấn viên đã ngồi trong chiếc ghế này và đã cho nhiều trăm người đi xuống mồ để rồi sau đó không lâu, chúng cũng đi theo những nạn nhân của chúng.
“Chúc mình một ngày sinh nhật thật vui…”
Nadya cố lấy giọng vui và vẻ mặt vui.
“Cám ơn em”.
“Thật là tình cờ, vợ chồng mình được gặp nhau đúng vào hôm nay”.
“Nhờ tinh tú dàn xếp…”
Hai vợ chồng đã bắt đầu quen nói chuyện với nhau.
Nadya cố gắng không để ý gì đến sự có mặt nặng nề của gã an ninh canh chừng vợ chồng nàng. Nerzhin cố gắng ngồi nghiêng để khỏi nhìn thấy mặt gã.
Chiếc bàn nhỏ từng đứng trước mặt nhiều thế hệ tù nhân bị thẩm vấn giờ đây chia cách đôi vợ chồng.
“Em có đem tới cho anh cái bánh ngọt. Bánh như má em vẫn làm cho anh ăn ngày xưa. Em rất tiếc – em chẳng có gì khác…”
“Em kỳ quá. Em không cần phải mang đến cho anh cái gì hết. Anh đã có đủ”.
“Nhưng chắc là không có bánh ngọt loại này. Anh bảo em đừng mang sách đến nên em không mang. Anh vẫn đọc tập thơ Yesenin chứ?”
Nét mặt Nerzhin trầm xuống. Trước đây hơn một tháng có một tên chỉ điểm nào đó trong số tù nhân đã báo cáo với Shikin về việc chàng có tập thơ đó và Shikin đã đến tịch thu tập thơ, viện lẽ việc tù nhân đọc thơ là vi phạm luật cấm.
“Có. Anh vẫn đọc”.
Chỉ được gặp nhau trong ba mươi phút, làm sao họ có thể nói với nhau vào chi tiết của từng chuyện?
Mặc dù không khí trong phòng không nóng, trái lại, còn lạnh giá, Nadya cũng mở nút áo cổ ngoài, nàng muốn cho chồng nàng nhìn thấy chiếc áo mới bên trong của nàng. Nàng hy vọng ánh hồng của màu áo sẽ làm hồng khuôn mặt của nàng. Nàng sợ chồng nàng thấy nàng quá gầy.
Với một cái nhìn bao bọc, Nerzhin ghi toàn thể hình ảnh của vợ vào tâm khảm – khuôn mặt nàng, cổ nàng, một chút làn da trắng trên ngực nàng. Dưới cái nhìn ấy, Nadya xúc động cả hồn lẫn xác – đây là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc gặp – và toàn thân nàng như dâng lên để ôm ghì lấy chàng.
“Em có cái áo mới. Mở thêm áo ngoài cho anh ngắm”.
“Còn áo ngoài của em?” Mặt nàng thoáng hiện nét thất vọng.
“Áo ngoài của em làm sao?”
“Áo ngoài của em cũng mới”.
“Ồ, áo ngoài của em cũng mới…”
Gleb nhìn kỹ mặt vải caracul. Chàng nhìn nhưng không thể biết đó là vải tơ thiên nhiên hay nhân tạo, chàng là người đàn ông cuối cùng trên trái đất này có thể phân biệt được một chiếc áo giá năm trăm ruble với chiếc áo giá năm ngàn ruble.
Nadya cởi hẳn chiếc áo ngoài vắt lên thành ghế và Gleb nhìn thấy nàng, cần cổ thanh như cổ của một thiếu nữ – từ ngày chàng gặp nàng, lúc nào cổ nàng cũng thanh, cũng đẹp và trẻ như thế – và bờ vai thon chàng từng muốn làm cho vỡ ra khi chàng hôn nàng, và dưới làn vải áo, đôi gò ngực đã mềm đi vì năm tháng.
Ý nghĩ oán trách về việc nàng có áo mới, nàng quen biết nhiều người mới… chỉ thoáng hiện trong óc Gleb, ngay sau đó chàng nghĩ rằng nàng cũng đau khổ nhiều dù nàng không bị tù, đời nàng cũng bị tan nát, và chàng nói, giọng âu yếm:
“Em gầy quá. Em nên ăn nhiều. Em có điều kiện ăn uống khá hơn không?”
Trông em có còn được không? Ánh mắt nàng hỏi.
Em vẫn tuyệt vời như ngày nào. Ánh mắt chồng nàng đáp.
Mặc dù những lời trên đây không bị ông Trung tá An ninh cấm, họ cũng không thể nói với nhau được trước mặt một người khác.
“Em ăn được. Em vẫn ăn uống đều” – Nadya nói dối – “Chỉ vì em bận nhiều, phiền muộn nhiều”.
“Em sống ra sao? Nói cho anh nghe đi…”
“Không. Anh nói trước…”
Gleb mỉm cười:
“Anh có thể nói gì với em? Chẳng có gì hết…”
“Để em nói vậy…”
Nàng bối rối, do dự như người không muốn nói.
Ở đầu bàn, gã an ninh mập lùn đứng gù bờ vai ụ nhìn xuống cặp vợ chồng như con chó săn nhìn xuống hai con mèo.
Bộ mặt gã lạnh như đá.
Họ phải lựa giọng nói đúng để cho nhau có thể hiểu sự thật lẩn trong những câu nói vô vị đó. Họ phải dùng đến lối nói bóng gió. Ngôn ngữ đặc biệt của những sinh viên đại học giúp họ thực hiện việc này.
“Bộ quần áo này phải của anh không?” Nàng hỏi.
Nerzhin nhăn mặt và lắc đầu.
“Trong ba tiếng đồng hồ. Em đừng để ý đến chuyện vặt ấy”.
“Em phải để ý chứ”.
Nàng nói, làn môi dưới hơi trề ra, làm điệu, như cô gái đang làm dáng trước mặt người yêu, nàng sung sướng vì nàng đã có lý do tin chắc chồng nàng vẫn còn yêu nàng, vẫn thèm muốn nàng.
“Bọn anh quen rồi. Bọn anh chỉ thấy khía cạnh khôi hài của mọi vấn đề”.
Nadya nhớ lại những lời bà vợ của tù nhân Gerasimovich nói với nàng và nàng thở dài:
“Nhưng bọn đàn bà không thể…”
Nerzhin phải cố gắng tự chế ngự nhiều lắm để khỏi dùng chân mình khỏi chạm vào chân vợ dưới gầm bàn, nhưng thực ra, nếu chàng có muốn chạm cũng không được. Thanh gỗ đóng ngang dưới gầm bàn được đóng với mục đích không cho họ làm việc ấy. Chàng chống hai cùi chỏ trên mặt bàn và nhô người ra giữa bàn để được gần vợ hơn một chút nữa và giọng chàng đầy những âm thanh thất vọng:
“Chướng ngại ở khắp nơi…”
Em còn là của anh không? Của riêng anh? Ánh mắt chàng hỏi.
Em vẫn là người đàn bà anh yêu và yêu anh. Em không thay đổi. Em không xấu hơn. Tin em. Ánh mắt xám, rực sáng của nàng trả lời.
“Về việc học của em? Em đang phải giải quyết những vấn đề gì? Theo anh tính thì em không còn là sinh viên nữa?”
“Dạ”.
“Em trình luận án chưa?”
“Chưa”.
“Sao vậy?”
“Tình trạng như vầy…” – Nàng bắt đầu nói vội, nói nhanh, sợ hãi đến cuống quít vì sự nhận thức thời gian đã trôi qua quá nhiều – “Từ ba năm nay không còn ai trình luận án nữa. Họ tạm đình tất cả. Tỉ dụ một sinh viên bỏ ra hai năm để viết luận án về đề tài “Những vấn đề của việc phân phối thực phẩm” và khi viết gần xong, người ta bảo bỏ đi, viết về đề tài khác. (Sao mình lại nói về chuyện này? Có gì đáng để mình nói đâu?). Luận án của em đã viết xong từ lâu nhưng người ta không nhận… (Em viết đề tài “Chống lại thói a dua”)… Người ta bảo em sửa lại nhưng em không biết mình phải sửa như thế nào. Nhiều chuyện rắc rối lắm”.
“Nhưng em vẫn còn được hưởng học bổng?”
“Hết rồi”.
“Thế em sống bằng gì?”
“Tiền lương của em”.
“Em đi làm rồi sao? Làm ở đâu?”
“Ở ngay trong Viện Đại học”.
“Em làm gì?”
“Việc em làm không thường trực, không hẳn là việc. Em sống tạm bợ, cả trong ký túc xá em cũng chỉ là sống tạm… Thực ra, em…”
Nadya liếc nhìn người gác. Chuyện mà nàng muốn nói là Nha Công an đã gửi giấy báo cho nàng biết là nàng không còn được phép ở lại Mạc Tư Khoa nữa nhưng cùng một lúc, Bộ Giáo dục lại cho phép nàng được học thêm sáu tháng. Sự lầm lộn này có thể được người ta phát giác và sửa lại cho thống nhất bất cứ ngày giờ nào. Chính vì vậy nàng lại càng không thể nói với chồng chuyện đó ở trước mặt nhân viên an ninh này.
Nàng rầu rĩ nói tiếp:
“Em cũng chỉ được phép gặp anh lần này vì… Chuyện xảy ra như thế này…”
Làm sao nàng có thể kể lể được tất cả trong vòng nửa giờ?
“Đừng. Để chuyện đó nói sau. Anh muốn hỏi em: Có phải những rắc rối đó là vì anh không?”
“Em gặp nhiều khó khăn lắm. Họ muốn em làm… việc ấy, nhưng em cố không làm”.
“Việc ấy” là việc gì?”
Nadya thở dài khổ sở và một lần nữa, nàng lại liếc nhìn gã nhân viên an ninh. Bộ mặt hung hãn của gã, như sẵn sàng sủa lên những tiếng đe dọa hoặc đớp nàng như một con chó dữ, chỉ ở xa mặt vợ chồng nàng chưa đầy hai thước.
Nàng giơ tay lên trong một dáng điệu bất lực. Nếu nói, nàng phải nói rằng ở trường đại học, nếu muốn xin theo học một khóa mới, nàng phải khai lại lý lich, những tờ khai lý lịch bây giờ nhiều câu hỏi hơn trước, chẳng hạn nàng phải khai về chồng, về họ hàng của chồng nàng, về họ hàng của những người họ hàng này. Nếu nàng khai “Chồng tôi bị tù vì Điều 58” thì không những là họ chỉ từ chối không cho nàng học mà họ càng không cho nàng sống thêm một ngày trong ký túc xá sinh viên của trường. Nếu nàng khai dối “Chồng tôi là sĩ quan bị mất tích” nàng vẫn phải khai tên chồng, số quân nhân của chồng và họ chỉ cần làm một cuộc sưu tra là nàng sẽ bị đưa ngay ra tòa vì tội khai gian. Nàng còn có thể làm được một việc nữa để giải quyết tình trạng của nàng nhưng trước mắt nhìn chăm chú của chồng, nàng không thể nói ra được.
Và nàng hấp tấp nói sang chuyện khác:
“Em chơi nhạc trong ban nhạc của trường. Em đi trình tấu nhiều nơi. Mới tháng trước ban nhạc của em được trình tấu ở Đại Hí Viện cùng một đêm với Yakov Zak…”
Gleb mỉm cười gật đầu, như chàng không hào hứng lắm trong việc tin đó là sự thật.
“Em gặp một chuyện tức cười lắm trong đêm ấy… Em bận bộ y phục đẹp nhất của em nhưng người ta bảo là bận bộ ấy lên sân khấu không được. Họ mượn ở kho y phục của Hí Viện cho em một bộ áo, đẹp lắm, dài đến mắt cá chân”.
“Trình tấu xong, họ lại bảo em trả?”
“Dạ. Các bạn em thường trách em mất thì giờ vì âm nhạc, em trả lời họ là thà em mất thì giờ vì âm nhạc còn hơn là mất thì giờ vì người nào…”
Sự cám ơn hiện rõ trong ánh mắt của Gleb, rồi chàng hỏi bằng một giọng thắc mắc, chú ý:
“Em nói cho anh biết về “việc ấy”? Việc mà em nói em cố không làm?”
Mắt Nadya nhìn xuống:
“Em muốn nói… Nhưng anh phải hứa là anh đừng coi đó là chuyện quan trọng em mới nói… Có lần trước đây anh bảo em ly dị đi”.
Nàng cố gắng giữ thản nhiên để nói những lời này. Đây là giải pháp cuối cùng có thể giúp cho nàng sống. Trong bản khai lý lịch, nàng vẫn phải khai tên tuổi, chức vụ nghề nghiệp của chồng cũ, địa chỉ cũ và hiện tại, bà con thân quyến và cả ngày sinh, tháng đẻ, địa chỉ của thân quyến. Nàng chỉ có thể khai là “không có chồng” và khai như thế, nàng cũng vẫn có thể bị nguy hiểm nếu bị phát giác.
Đúng như Nadya vừa nói, có lần Gleb đã thúc giục nàng ly dị, ly dị đi để sống, đợi bao giờ chàng ra khỏi tù sẽ tính lại. Nhưng lúc này khi nghe nàng nói đến hai tiếng ấy, Gleb run lên. Và chỉ đến giây phút này chàng mới nhận thấy là chiếc nhẫn cười nàng vẫn đeo không còn trên ngón tay nàng nữa.
Nhưng chàng vẫn quả quyết nói:
“Phải, phải. Anh có bảo em như thế. Em nên làm thế…”
“Anh sẽ không buồn lắm, anh sẽ không chống lại… nếu em… bắt buộc phải làm như thế?”
Nadya cố gượng ngẩng mặt lên nhìn chồng. Đôi mắt nàng mở lớn. Ánh cầu vồng ngũ sắc trong đôi mắt nàng sáng lên với ý van xin chồng tha thứ và thông cảm. Nàng nói tiếp trong hơi thở, tiếng nói gần như thì thầm:
“Chúng ta không làm thật…”
“Em yêu… Lẽ ra em phải làm việc ấy lâu rồi mới phải”.
Gleb nói bằng một giọng quả quyết và tin tưởng mặc dù trong lòng chàng không có chút quả quyết hay tin tưởng nào – chàng gác lại sau cuộc gặp gỡ này tất cả những suy tư về hậu quả của những lời chàng nói. Và về những gì đã xảy ra, sẽ xảy ra.
“Em vẫn muốn em không phải làm thế. Em vẫn hy vọng sự việc sẽ không đến nỗi phải như thế…”
Nadya nói như năn nỉ, như van xin, nàng kéo cổ áo che kín ngực và trong lúc đó, nàng có vẻ mệt mỏi, rã rời, già đi, nàng như người sắp phải khóc:
“Em chỉ muốn nói chuyện đó với anh… để anh biết, để anh thuận cho… trong trường hợp em không làm không được. Nhưng em vẫn hy vọng nó sẽ không xảy đến…”
“Dù có cũng đã sao? Không sao hết. Em yêu… Em làm vậy là đúng… Đúng lắm…”
Nerzhin thẫn thờ nói. Trong lúc đó tâm trí chàng đã chuẩn bị nói với nàng những lời ghê gớm: “Đó là việc quan trọng. Bởi vì… em yêu, em đừng hy vọng quá ở việc anh sẽ về với em khi anh mãn hạn tù này…”.
Chàng đã chuẩn bị chờ đón hạn tù thứ hai và tiếp đó là án tù chung thân, tù vĩnh viễn không bao giờ được trả lại tự do. Trường hợp đó xảy ra với nhiều người bạn cùng tù với chàng. Những người ngay cả trong tù đày vẫn không chịu khuất phục. Chàng không thể viết chuyện đó trong thư gửi ra cho vợ và ngay cả trong buổi gặp mặt này, chàng cũng không thể nói.
Cảm giác kinh hãi hiện trên khuôn mặt Nadya:
“Hạn tù có thể kéo dài…” Nerzhin nói vội vã, chàng nhấn mạnh những tiếng không cần nhấn mạnh để cho gã an ninh không theo dõi được, không kịp hiểu chàng nói gì nhưng vợ chàng sẽ hiểu khi nàng nhớ lại, nàng hiểu vì nàng chăm chú nghe, vì chuyện đó quan hệ đến đời nàng – “Thời hạn có thể kéo dài mãi mãi. Lịch sử đầy những trường hợp như thế. Mà dù cho có mãn vì một phép lạ nào đó, đừng tưởng tượng hão huyền anh và em sẽ có thể trở lại được đời sống như xưa, trở về thành phố… Em phải hiểu và em phải ghi nhớ: họ không cho ta trở về dĩ vãng. Điều anh ân hận nhất là anh đã không học nghề đóng giày. Một nghề như thế sẽ có ích cho chính mình biết chừng nào khi chính mình sống ở một làng quạnh hiu nào đó miền Bắc Tây Bá Lợi Á, ở Krasnoyark, hay ở miền hạ lưu Angara. Chúng ta nên chuẩn bị để sống một cuộc đời như thế. Ở đó ai cần đến những công thức toán học Euler?”
Chàng thành công: gã găng-tơ về hưu không làm một cử động, gã chỉ nháy mắt khi những tư tưởng của Nerzhin bay qua mặt gã.
Nhưng Nerzhin đã quên – không, thực ra chàng không quên, chàng chỉ không hiểu, như đa số những người ở tù không hiểu – là những người quen đi trên mặt đất bằng không thể nào vượt qua ngay được những ngọn núi lớn. Chàng không biết rằng cho đến bây giờ vợ chàng vẫn còn đếm, như trong những tháng đầu tiên, từng ngày, từng tuần chàng còn phải sống trong tù. Với chàng, hạn tù là một chuỗi dài ngày tháng vô tận nhưng với nàng, thời gian đó là 264 tuần lễ, là 61 tháng, là hơn 5 năm, bởi vì trước khi ở tù chàng đã xa nhà để lên mặt trận, chàng đã xa nàng từ lâu lắm.
Trong lúc Nerzhin nói, vẻ kinh hoàng trên mặt Nadya càng lúc càng nặng.
“Đừng, mình…” – Nàng kêu lên – “Mình đứng nói thế…”
Nàng đã quên người gác, nàng không còn xấu hổ khi để lộ những cảm nghĩ thực của nàng:
“Đừng làm em mất hết hy vọng. Em không muốn tin. Không thể như thế được. Hay là mình nghĩ rằng em có thể bỏ được mình?”
Môi trên nàng run run, nét mặt nàng nhăn nhúm, mắt nàng hiển hiện sự trung thành, chỉ có chung thủy trong mắt nàng.
Nerzhin nói, giọng chàng khác đi:
“Anh tin em, anh tin em, Nadya … Anh hiểu lòng em…”
Nàng ngồi im và rũ rượi trong lòng ghế.
Trong khung cửa mở hiện ra bóng dáng tối và vạm vỡ của người sĩ quan an ninh. Y lặng lẽ nhưng sắc sảo đứng nhìn ba người tụm gần vào nhau trong phòng. Rồi y ra hiệu gọi người gác.
Gã côn đồ giải nghệ, với vẻ bất đắc dĩ như người đang ăn ngon phải rời khỏi bàn, đi về phía Trung tá. Bốn bước sau lưng Nadya chúng chỉ nói với nhau có hai tiếng ngắn nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy Nerzhin cũng kịp hạ giọng nói với Nadya:
“Em biết vợ Sologdin không?”
Đã quen với những cuộc thay đổi đề tài đột ngột như thế này, Nadya đáp:
“Có”.
“Biết chỗ ở?”
“Có”.
“Họ không cho anh ấy gặp vợ. Em hãy đi tìm và nói với chị ấy…”
Gã côn đồ trở lại.
Gleb nói rõ và lớn:
“Ảnh yêu, ảnh tin và ảnh hy vọng”.
“Yêu, tin và hy vọng…” Nadya nhắc lại trong một tiếng thở dài. Nàng nhìn ngay lên khuôn mặt chồng. Nàng từng quan sát chàng trong nhiều năm nhưng giờ đây, nàng vừa nhìn thấy chồng nàng có một khía cạnh mới.
Nàng cũng dời lại tất cả những suy tư đến sau cuộc gặp, nàng sẽ nhớ lại và phân tích tỉ mỉ tất cả những lời chàng nói và nàng cũng không biết sẽ có những gì xảy đến, nhưng ngay lúc này trái tim nàng khao khát được thấy người đàn ông nàng yêu để lộ sự yếu đuối, sự ao ước được giúp đỡ, sự kêu gọi mà người đàn bà cần thấy để có thể hy sinh cả đời mình, để có đủ sức đợi chờ mười năm nữa và theo người yêu đi đày.
Nhưng nàng chỉ thấy chàng mỉm cười, chàng mỉm cười tự tin như bất cứ lúc nào. Bao giờ chàng cũng tự tin. Chàng không cần cảm tình của bất cứ ai. Chàng thoải mái ngồi trên chiếc ghế đẩu. Chàng có vẻ như hài lòng nhìn quanh gian phòng. Chàng có vẻ khoẻ mạnh và ánh mắt chàng long lanh sáng. Chàng có thực sự cần sự chung thủy của một người đàn bà để sống hay không?
Nhưng Nadya không có đủ thì giờ để trả lời câu hỏi ấy.
Và Nerzhin không biết rằng vợ chàng cần thấy những gì, vợ chàng đang nghi ngờ.
“Hết giờ rồi…”
Klimentiev nói vào từ ngưỡng cửa.
Nadya ngạc nhiên:
“Đã hết rồi sao?”
Nerzhin nhíu đôi lông mày, chàng cố gắng nhớ lại điều quan trọng nhất trong số những điều quan trọng chàng đã dự định sẽ nói với vợ.
“Em đừng ngạc nhiên nếu họ cho anh đi xa, thật xa và anh không gửi được thư cho em…”
Nadya kêu lớn:
“Tại sao? Họ đưa anh đi đâu?”
Chàng nhún vai:
“Đi đâu? Chỉ có Chúa biết…”
“Mình bắt đầu tin ở Chúa ư?”
Chàng mỉm cười:
“Như Pascal, Newton, Einstein…”
Gã an ninh sủa:
“Không được nói tên người. Thôi đi…”
Người chồng và người vợ cùng đứng bật dậy. Giờ đây, khi họ không còn sợ cuộc gặp mặt của họ bị cắt ngang nữa, người chồng nhoài người qua mặt bàn để ôm vợ. Nerzhin hôn Nadya lên má rồi lên môi. Toàn thân chàng như níu chặt lấy môi nàng, đôi môi mà chàng đã quên. Một năm sau nữa chàng không còn hy vọng được ở Mạc Tư Khoa để có thể lại hôn nàng. Giọng chàng run lên vì trìu mến: “Em cứ làm tất cả những gì em thấy tốt cho em. Còn anh…”. Chàng không nói được hết câu.
Họ nhìn vào mắt nhau.
“Làm cái gì vậy?”
Gã an ninh nắm lấy vai Nerzhin và kéo chàng ra.
“Tôi hủy cuộc gặp này của anh…”
Nerzhin giằng mạnh:
“Hủy đi, đồ khốn…”
Nhưng chàng chỉ nói lớn câu đó trong cổ họng chàng.
Nadya lảo đảo lùi về phía cửa, với những ngón tay của bàn tay không đeo nhẫn, nàng vẫy chào từ biệt chồng.
Và nàng biến mất giữa khung cửa.