Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 14


Đọc truyện Tầng Đầu Địa Ngục – Chương 14

Người đàn ông nào cũng cần đàn bà

Giọng nói đều đặn, mệt mỏi của Adamson tắt đi. Adamson là một trong số những người sống kỳ cựu nhất trong những nhà tù đặc biệt như Viện Mavrino. Đây đó trong phòng giam, thỉnh thoảng lại có tiếng thì thào của những kẻ nói tiếp câu chuyện bỏ dở. Có người ngáy lớn. Có những tiếng ngáy dữ dội vang lên rồi tắt đi.

Bóng đèn xanh gắn trên vòm trần nhà hình tròn ngay trên cánh cửa đôi tỏa ánh sáng nhạt mờ xuống mười hai chiếc giường hai tầng kê thành hình cánh quạt trong căn phòng lớn. Căn phòng này có lẽ là căn phòng duy nhất có hình thể cổ lỗ còn sót lại ở Mạc Tư Khoa. Trên nó là một mái nhà hình tròn và ở đỉnh mái là một cái tháp. Vòng theo hình tròn của mái nhà có nhiều khung cửa sổ. Những khung cửa sổ này bị đóng chặt lại nhưng không bị che kín. Ban ngày, người ta có thể nhìn qua những khung cửa sổ này ra con đường nhựa lớn và những công viên không được sửa sang cây cối rậm rạp như rừng. Từ đó vào những tối mùa hạ, người ta nghe thấy tiếng hát khêu gợi, khuấy động của những thiếu nữ thiếu đàn ông sống ở vùng ngoại thành Mạc Tư Khoa.

Nằm trên chiếc giường trên bên cạnh cửa sổ chính của văn phòng Nerzhin trằn trọc không ngủ được. Và chàng cũng không muốn ngủ. Ở chiếc giường bên dưới giường anh, kỹ sư Potapov, từ lâu, đã ngủ giấc ngủ yên bình của những người vừa qua một ngày dài làm việc vất vả. Trên chiếc giường trên ở bên trái Nerzhin, người tù có khuôn mặt tròn vành vạnh tên là Zemelya nằm duỗi thẳng chân tay và ngáy ròn. Trên chiếc giường trên bên phải Nerzhin là giường của Ruska Doronin, người tù ít tuổi nhất Mavrino. Ruska cũng xoay trở trên giường và có vẻ trằn trọc không ngủ được. Bên dưới chiếc giường của Zemelya là giường của Pryanchikov. Giường này trống không có người nằm vì Pryanchikov vừa được gọi đi.

Giờ đây, trong khi nằm thao thức nhớ lại từng chi tiết cuộc nói chuyện vừa qua của mình với Verenyov trong văn phòng phòng của Yakonov, Nerzhin hiểu rõ tất cả mọi chuyện một cách sáng suốt và tinh tường hơn. Việc anh từ chối tham gia công tác ám số không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà có, nó đánh dấu khúc rẽ quan trọng trong đời anh. Hành động từ chối của anh chắc chắn sẽ có hậu quả, và hậu quả nầy có thể đến sớm hơn là anh tưởng, anh sẽ phải làm một chuyến đi dài và gian khổ tới. Tây Bá Lợi Á hoặc Bắc Băng dương, đến cái chết hoặc đến cuộc chiến thắng cơ cực cái chết.

Nerzhin muốn suy nghĩ về ý nghĩa khác rẽ quan trọng này trong đời chàng. Anh đã làm được những gì trong ba năm sống tương đối đỡ khổ trong Viện Nghiên cứu này? Anh đã rèn luyện được anh đủ để có thể nhảy trở về vực thẳm là những trại tập trung hay chưa?

Và ngày sắp tới lại chính là ngày sinh nhật của Nerzhin. Anh đã được ba mươi mốt tuổi. (Tất nhiên là Nerzhin không nỡ nhắc nhở cho những người bạn đồng tù của anh biết sự kiện này.) Ba mươi mốt tuổi phải chăng là đoạn giữa của đời anh, là đoạn cuối cùng hay cũng là đoạn mở đầu?

Ý nghĩa của anh trở thành lộn xộn. Anh không sao có thể tập trung tư tưởng vào những vấn đề thiết yếu. Mặt khác, một cảm giác yếu đuối ám ảnh tâm trí anh: thực ra, tới lúc này anh muốn sửa đổi lại cũng chưa phải là quá muộn, nghĩa là anh vẫn còn có thể ngỏ ý muốn gia nhập công tác ám số. Anh lại cảm thấy cái đau nhói ở trái tim khi nhớ tới những tháng dài dằng dặc không được gặp mặt vợ anh, không được nhìn thoáng thấy nàng. Đã gần một năm rồi anh không được gặp vợ. Liệu anh có thể gặp nàng một lần trước khi ra đi hay không?

Và sau cùng, ở trong anh, trỗi dậy con người tinh tế, linh động, sắc sảo, con người đã sống trong anh từ lâu, từ ngày anh còn là chú thiếu niên đứng xếp hàng chờ đến lượt vào mua bánh mì trong kế hoạch ngũ niên thứ nhất. Con người bên trong kiên nhẫn và can cường này đã chuẩn bị chờ đợi những cuộc khám xét gắt gao mà anh sẽ phải chịu trong những ngày đen tối sắp tới – anh sẽ bị khám xét rất kỹ khi anh ra khỏi Mavrino, khi anh đến những trung tâm nhận tù nhân ở Butyrskaya, rồi đế Krasnaya Presnya – con người bên trong đó cũng đã thầm nghĩ đến chuyện làm cách nào để có thể dấu được những mẩu chì nhỏ lấy ra từ những cây viết chì trong nẹp áo, làm cách nào để có thể mang theo được hết số áo quần anh hiện có ở đây – với một người tù khổ sai phải làm việc ngoài trời, mỗi một lượt vải đắp thêm được lên người là một cái gì quí báu vô giá – làm cách nào chứng minh được rằng cái muỗng bằng nhôm đi theo anh từ ngày đầu anh vào tù là vật của riêng anh chứ không phải là vật do anh lấy trộm của nhà tù này – điều khó khăn là những chiếc muỗng nhôm được dùng trong nhà tù đặc biệt này cũng gần giống hệt chiếc muỗng của anh.

Nerzhin ngồi dậy và dưới ánh sáng mờ của bóng đèn xanh, anh lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị. Anh xếp lại quần áo, tìm trước những chỗ giấu.

Trong lúc đó Ruska Doronin, người tù trẻ nhất nằm trên chiếc giường cạnh Nerzhin vẫn xoay trở không ngủ. Đột ngội, Ruska ngồi lên và đẩy cái gối sắt vào thành giường để ngồi dựa lưng trên đó, rồi chàng mở quyển Lịch sử La Mã của Mommsen ra định đọc. Nhận thấy Nerzhin chưa ngủ, hai mắt vẫn mở nhìn thẳng lên ngọn đèn xanh trên trần nhà, Ruska thì thầm:


“Gleb… Còn thuốc lá không? Cho tôi một điếu.”

Lúc thường Ruska vẫn không hút thuốc. Nerzhin thò tay vào túi chiếc áo ngoài treo ở cột giường, móc ra hai điếu thuốc lá. Họ châm lửa hút.

Ruska hút thuốc một cách chăm chú, chàng không quay lại nhìn Nerzhin. Dưới mái tóc bồng, khuôn mặt Ruska vẫn có những nét hấp dẫn mặc dù bị soi sáng bởi một làn ánh sáng ảm đạm như chết. Khuôn mặt Ruska luôn luôn thay đổi, có khi đó là khuôn mặt của một thiếu niên chất phác, thành thật, đôi khi đó là khuôn mặt của một người đàn ông hiểu biết, tự tin.

“Gạt tàn vào cái này…”

Nerzhin đưa cho Ruska một bao thuốc Belomor không.

Cả hai người cùng gạt chung tàn thuốc vào bao giấy đó.

Ruska mới đến Mavrino vào đầu mùa hè và Nerzhin có cảm tình ngay với người tù ít tuổi này từ phút đầu. Sự trẻ trung của Ruska gợi lên trong Nerzhin ý muốn bảo vệ, giúp đỡ.

Nhưng sự thực là mặc dù Ruska mới có hai mươi nhăm tuổi – (vì bị người ta kết án đúng hai mươi nhăm năm tù) – chàng không phải là kẻ cần được bảo vệ, che chở, hướng dẫn. Cá tính của Ruska và những quan niệm của chàng về cuộc đời đều đã được nhào nặn, trui rèn, thành hình trong cuộc sống tuy ngắn nhưng rất sôi động, bão tố của chàng – Ruska không biết gì về đời nhờ hai tuần lễ chàng sống ở Đại học đường Mạc Tư Khoa, cũng không nhờ hai tuần lễ chàng sống ở Đại học đường Leningrad – mà là nhờ hai năm trời chàng sống với một sổ thông hành giả trong lúc tên thật của chàng bị ghi trong danh sách tội phạm bị tầm nã trên khắp Liên Bang Xô Viết – (Gleb được chính Ruska tiết lộ cho biết sự bí mật này) – tiếp theo đó là hai năm tù ở. Với khả năng thích nghi với hoàn cảnh thiên phú, Ruska lập tức hiểu ngay và nắm được ngay những bí quyết để sống trong tù: chàng lúc nào cũng đề phòng, chỉ thành thật với một số rất í người và làm cho tất cả mọi người tin rằng chàng hãy còn ngây thơ, khờ khạo như một đứa trẻ. Ngoài những tính tốt đó, chàng còn tỏ ra nhiệt thành, muốn làm thật nhiều việc trong một thời gian thật ngắn, đọc sách là một trong những việc chính của chàng.

Gleb, bất mãn vì những ý nghĩ lộn xộn và hạ tiên của chính mình và chàng không muốn ngủ, nói nhỏ trong bầu không khí im lặng của gian phòng.

“Này… lý thuyết lịch sử đi theo vòng tròn của chú đến đâu rồi?”

Hai người từng thảo luận về lý thuyết này và Ruska đang cố ý tìm những chứng minh và công nhận trong tác phẩm của Mommsen 1.


Ruska quay lại sau tiếng thì thầm, nhưng Nerzhin hỏi quá nhỏ và chàng nghe không rõ. Đôi lông mày chàng trẻ tuổi nhíu lại trong cố gắng tìm hiểu mình vừa được hỏi gì.

“Tôi hỏi… lý thuyết lịch sử theo vòng tròn của chú đến đâu rồi?”

Ruska thở ra một hơi dài và vẻ cố gắng biến ngay trên mặt chàng, cả những ý tưởng ám ảnh chàng trong lúc chàng hút thuốc cũng tan đi. Chàng nằm sấp chống hai cùi chỏ xuống giường, mặt hướng về phía Nerzhin và sau khi bỏ mẩu thuốc tàn vào bao giấy, chàng nói:

“Chẳng đi đến đâu hết. Tất cả làm tôi chán ngấy. Sách với lý thuyết cũng vậy.”

Họ lại yên lặng. Nerzhin muốn nằm quay mặt sang phía giường bên kia cho đỡ mỏi nhưng Ruska đã đột ngột phát lên tiếng cười nhẹ và bắt đầu nói. Càng nói, chàng càng nói nhanh hơn và thêm hào hứng:

“Lịch sử đều đều, phẳng lặng, không có sự kiện gì lạ đến nỗi làm cho tôi cảm thấy tiếc thì giờ khi đọc lại nó. Ở đâu và ở thời nào cũng vậy, mỗi người càng lương thiện, càng đức hạnh chừng nào càng bị những kẻ đồng thời đối xử tàn tệ chừng ấy. Cassius Vecellinus, Nhiếp chính quan La Mã, muốn phát đất ruộng cho quần chúng và quần chúng treo cổ ông ta. Spurius Maelius muốn làm cho dân đói bớt đói và người ta xử tử ông vì tội âm mưu chiếm đoạt ngôi vua. Nhiếp chính quan Marcus Manlius bảo vệ được điện Capitol khỏi bị tàn phá để rồi bị xử tử vì tội phản bội. Anh thấy không?”

Ruska cười cay đắng và ngạo mạn:

“Và khi nhớ lại anh hùng Hannibal, nếu không có người, chúng ta có thể sẽ không bao giờ nghe nói đến cái tên thành Carthage, bị lưu đày vì chính Carthage, sản nghiệp của ông bị tịch thu và tòa nhà ông từng sống bị đập phá thành đất bằng. Tất cả những gì đang xảy ra bây giờ đều đã xảy ra trước đây. Họ nhốt văn hào Gnaenus Naevius vào tù để ngăn không cho ông sáng tác những vở kịch can đảm đề cao tự do của con người. Và bọn Aetolia ban hành lệnh đại ân xá giả để đánh lừa những người di cư tị nạn trở về và giết họ. Ngay cả ở La Mã thời cổ người ta đã khám phá ra sự thật, nhưng sau đó người ta lại quên đi, là việc để cho bọn nô lệ đói khổ, là việc có hại cho bọn chủ nhân nhiều hơn là có lợi. Tất cả lịch sử chỉ là một chuỗi dài những thối tha liên tục, kế tiếp nhau. Ở đó không có sự thật mà cũng không có ảo vọng. Con người không thể trông đợi vào đâu và cũng không thể đi được đến đâu hết.”

Trong làn ánh sáng xanh leo lét, chết chóc, sự rung động, hoài nghi bi quan trên làn môi của người trẻ tuổi có một vẻ thê thảm đáng kinh sợ.

Chính Nerzhin đã gieo những tư tưởng hoài nghi ấy vào óc Ruska nhưng giờ đây khi nghe Ruska nói như thế, anh lại muốn chống đối. Trong số những người bạn tù đồng tuổi. Nerzhin vẫn nổi tiếng là người chuyên môn đập phá những thần tượng, nhưng ngay lúc này anh thấy anh có trách nhiệm với người trẻ tuổi này. Vì vậy, anh ngồi nhô người sang giường của Ruska để có thể nói nhỏ mà Ruska vẫn nghe rõ.


“Ruska… Tôi cần phải nói trước để chú biết, bất cứ chú hoài nghi và bi quan đến chừng nào chú cũng phải nhìn nhận rằng mục đích chính của những người bây giờ là làm cho chúng ta mất tinh thần. Họ chỉ áp dụng lại những biện pháp đàn áp xưa vì họ thấy những biện pháp ấy vẫn còn đem kết quả như ý họ muốn lại cho họ.”

“Cho tôi xin điếu nữa” – Ruska nói – “Có lợi gì cho họ khi họ ngăn cản không cho tôi học thêm? Tôi có thể tốt nghiệp đại học và học cao hơn. Tôi có thể trở thành một khoa học gia. Tôi có thể viết ra những quyển sách dày, thật dày. Tôi có thể thực hiện những cuộc khảo cứu như… khảo cứu về hệ thống hành chính quận lỵ thời cổ ở Novogrod hoặc về trận chiến tranh giữa Caesar với dân Helvetia. Có biết bao nhiêu là nền văn hóa trên trái đất này! Bao nhiêu ngôn ngữ, bao nhiêu quốc gia! Trong mỗi quốc gia có biết bao nhiêu người thông mình, biết bao nhiêu là quyển sách hay được viết ra… Và tình yêu…”

Tiếng nói của Ruska vẫn thì thầm, vẫn khàn khàn nhưng như bay vút lên trời cao khi chàng nói đến tình yêu:

“Tình yêu. Con người phải có tình yêu. Con người phải yêu. Không yêu lịch sử hay yêu lý thuyết mà là yêu một người đàn bà.”

Chàng nắm lấy tay áo Nerzhin, giọng đau đớn thê thảm và khẩn thiết:

“Họ tước đoạt của chúng ta những quyền gì? Thực sự ta bị mất những quyền gì? Nói tôi nghe coi… quyền đi dự mít tinh, quyền mua quốc trái? Điều duy nhất mà Lão Ma Đầu có thể làm chúng ta đau đớn là điều làm cho đời sống của có thể thiếu đàn bà. Và lão đã làm điều ấy. Trong hai mươi nhăm năm trời! Thằng chó đẻ! Ai có thể tưởng tượng được…”

Chàng nắm hai bàn tay lại tự đấm lên ngực:

“… một người đàn bà có nghĩa như thế nào với một người đàn ông bị tù?”

“Coi chừng. Cứ nghĩ như vậy chú sẽ phát điên đó…”

Nerzhin cố gắng tự trấn tĩnh nhưng một làn sóng đột ngột đến làm cho tâm hồn anh quay cuồng khi anh nhớ tới Simochka, tới lời hẹn hò ngày thứ Hai sắp tới của nàng, anh nói tiếp:

“Quên ngay ý nghĩ đó đi. Nó có thể làm cho óc chú tê liệt. Mặc cảm Freud hay gì đó… Mẹ kiếp không biết bọn ở ngoài gọi nó bằng cái tên quái quỷ gì. Chuyển năng lực tinh thần của chú sang những địa hạt suy tưởng khác. Tập trung vào triết học. Chú sẽ không cần đến bánh mì, đến nước, đến đàn bà khi chú suy tưởng về triết học.”

(Nhưng thứ hai này. Chuyện rất thường của những cặp vợ chồng yêu nhau trở thành sự thèm khát bốc cháy trong trái tim một người tù.)


“Óc tôi đã tê liệt rồi. Tôi sẽ không sao ngủ được cho đến sáng. Một người đàn bà. Tất cả mọi người đàn ông đều cần có một người đàn bà. Cảm thấy nàng rung động trong tay mình. Thấy… Trời ơi… trời…”

Ruska buông rơi mẩu thuốc hãy còn cháy dở trên tấm mền và không biết và quay vội đi. Chàng nằm úp mặt xuống gối, kéo mền lên phủ kín đầu.

Nerzhin lượm được mẩu thuốc trước khi nó rơi xuống giường của Potapov bên dưới. Anh dụi mắt nó và bỏ vào bao giấy. Anh chỉ còn phải sống có một ngày, một đêm nữa là được gần Simochka. Trong khoảnh khắc anh tưởng tượng ra tất cả những chi tiết những gì sẽ xảy ra trong ngày thứ Hai. Rồi anh rùng mình gạt bỏ ý nghĩ đó ra khỏi óc. Nghĩ đến nhiều chuyện đó, anh cũng có thể phát điên. Anh ghé miệng xuống tai Ruska:

“Ruska… Chú… sao? Chú có… người… nào chưa?”

“Có. Có chứ. Tôi có…”

Ruska khổ sở trả lời trong tiếng thì thào nghẹn ngào. Chàng nằm ngửa trở lại và ôm xiết cái gối trong vòng tay. Chàng thở vào đó và hơn ấm của chiếc gối, và sức mạnh của tuổi trẻ chan chứa trong cơ thể chàng, sức mạnh bị dồn ép tới chỗ héo quắt, tàn tạ – tất cả làm cho người chàng nóng ran, sứ sống trong tấm thân thể trẻ trung nhưng bị tù đày của chàng đòi hỏi được giải thoát. Chàng nói: “Tôi có”… và chàng nồng nàn muốn tin là chàng đã có… Xong, chàng biết rõ hơn ai hết là chàng vẫn chưa có. Những gì xảy ra chưa có gì đáng kể. Chàng chưa được hôn nàng lấy một cái, chưa được nghe nàng hứa hẹn một lời. Nàng chỉ là người thiếu nữ đã ngồi nghe chàng nói chuyện suốt buổi tối hôm đó với vẻ mặt thiện cảm và thích thú khi chàng kể về đời chàng, người thiếu nữ thứ nhất mà trong ánh mắt nàng Ruska thấy rằng chàng được nhìn như một người hùng trong một chuyện phiêu lưu kỳ thú. Chưa có gì xảy ra giữa họ nhưng những gì đã xảy ra cũng đủ để chàng có quyền nói “có”.

“Nàng là ai? “

Gleb hỏi. Và mở hé tấm mền, Ruska trả lời từ trong bóng tối:

“Clara…”

“Clara? Cô con gái của lão tổng biện lý ư?”

— —— —— —— ——-

1 Theodor Mommsen, sử gia người Đức, sinh năm 1817, mất năm 1903, tác giả nhiều bộ sử về văn minh cổ Hy Lạp và La Mã.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.